TIẾT B: TÊN TƯỚC

1. Định Nghĩa Tên Tước: Tên tước là tên của vua ban cho các người trong hoàng tộc hay những người có công với tổ quốc. Quyền phong tước là đặc quyền của vua và những người được phong tước coi đó là một ân điển. Để hiểu tên tước, ta cần phân biệt hai định chế chức và tước.

Theo định nghĩa của những nhà khảo cứu pháp chế sử, chức là một trách vụ trong bộ máy chính quyền, tước là tôn hiệu danh dự, không hàm ý trách nhiệm và quyền hành.

2. Nguồn Gốc Tên Tước: Trước triều đại nhà Đinh, sử cũ không cho biết gì về tên tước. Đến đời nhà Đinh, tài liệu cổ về đời này thấy ghi tước Vương và Quốc Công. Quốc Công là một tước dưới tước Quận Vương và bắt đầu được dùng ở Trung Quốc về đời nhà Tùy (581-618). Sang triều Lý, ngoài tước Thái Sư, các đại thần còn được phong tước Thái Phó và Thái Bảo là những tước thuộc hàng tam công đời nhà Ân và Chu bên Trung Quốc. Công thức đặt tên tước là lấy một địa danh đặt trước tên tước. Ví dụ Kiến An Vương là tên tước của Nguyễn Phúc Miên Ðài. Kiến An là tên phủ thuộc tỉnh Định Tường, Vương là tên tước.

3. Phẩm Trật Tên Tước: Hệ thống tên tước dưới đời hậu Lê được vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ấn định rất rõ rệt, gồm 6 bậc: vương, công, hầu, bá, tử, nam.

Tước Vương: Dành cho Hoàng tử. Cách đặt tước Vương là lấy tên phủ làm tên hiệu kèm theo chữ Vương. Ví dụ Kiến Hưng Vương. Con của hoàng tử cũng được tước Vương nhưng lấy tên huyện kèm theo chữ Vương như Hải Lăng Vương.

Tước Công: Dành cho các con hoàng thái tử và thân vương. Tước Công gồm một mỹ tự và từ ngữ Công như Triệu Khang Công.

Tước Hầu: Dành cho con trưởng của tự thân vương hay thân công được phong. Tước hầu gồm một mỹ tự và từ ngữ Hầu như: Vĩnh Kiến Hầu.

Tước Bá: Dành cho các hoàng thái tôn, các con của tự thân vương, tự thân công, con trưởng của thân công chúa. Tước Bá gồm một mỹ tự và chữ Bá. Ví dụ Tĩnh Cung Bá.

Tước Tử Thuộc hàng chánh nhất phẩm, dành cho các con thứ của thân công chúa, con trưởng tước hầu, tước bá. Tước tử gồm một mỹ từ và chữ Tử. Ví dụ Kiến Xương Tử.

Tước Nam: Được coi như hàng tòng nhất phẩm, dành cho con trưởng của thân công chúa được truy tặng, con thứ của tước hầu, tước bá. Tước Nam gồm một mỹ từ và chữ Nam. Ví dụ Quảng Trạch Nam.

Về phẩm trật, năm 1471, vua Lê Thánh Tôn ấn định cửu phẩm. Mỗi phẩm lại chia làm hai bực: chánh và tùng. Để định vị trí cao thấp của hệ thống tên tước, phải căn cứ vào đơn vị tư. Người càng có nhiều tư thì càng có tước cao. Tư là đơn vị của hàng tùng cửu phẩm. Cửu phẩm là hàng thấp nhất có 1 tư. Cao hơn là chánh cửu phẩm có 2 tư. Hàng tùng bát phẩm có 3 tư. Hàng chánh bát phẩm có 4 tư. Như vậy hàng cao nhất là chánh nhất phẩm có 18 tư. Hệ thống cửu phẩm dành cho quan chức nhỏ và thường dân.

Bên trên hệ thống cửu phẩm, còn có 6 tước được xếp theo thứ tự từ thấp đến cao là: nam tước, tử tước, bá tước, hầu tước, quận công, quốc công. Những người được phong các tước trên, mỗi người sẽ được thêm một tư. Như vậy nam tước có 19 tư và quốc công có 24 tư. Hệ thống tên tước của triều Lê được áp dụng dưới triều Nguyễn và còn được bổ túc thêm nhiều tước vị.

Bảng Phẩm Trật Và Số Tư Dưới Triều Lê Thánh Tông

Quốc công : 24 tư

Quận công : 23 tư

Hầu tước : 22 tư

Bá tước : 21 tư

Tử tước : 20 tư

Nam tước : 19 tư

Nhất phẩm/ Hàng chánh: 18 tư/ Hàng tùng : 17 tư

Nhị phẩm/ Hàng chánh: 16 tư/ Hàng tùng : 15 tư

Tam phẩm/ Hàng chánh : 14 tư/ Hàng tùng : 13 tư

Tứ phẩm/ Hàng chánh : 12 tư/ Hàng tùng : 11 tư

Ngũ phẩm/ Hàng chánh : 10 tư/ Hàng tùng : 9 tư

Lục phẩm/ Hàng chánh : 8 tư/ Hàng tùng : 7 tư

Thất phẩm/ Hàng chánh : 6tư/ Hàng tùng : 5 tư

Bát phẩm/ Hàng chánh : 4 tư/ Hàng tùng : 3 tư

Cửu phẩm/ Hàng chánh : 2 tư/ Hàng tùng : 1 tư

4. Các Trường Hợp Được Ban Tên Tước: Vua thường ban tên tước cho ba trường hợp sau đây:

a. Người giữ chức vụ quan trọng: Những người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình thường được vua phong cho một tước.Ví dụ Trần Quốc Tuấn có chức Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh quân đội, nhưng cũng được phong tước Hưng Đạo Vương.

b. Người trong hoàng tộc và những công thần: Người trong hoàng tộc và những người có công với quốc gia được vua tặng tên tước. Dưới triều Nguyễn, các hoàng tử đều được phong tước vương, quận vương, công hay quận công. Cách thức đặt tên tước là vua chọn một địa danh của tỉnh, phủ, huyện, xã rồi thêm tên tước vào, với ngụ ý người đó có quyền tại địa phương ấy. Sách Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ ghị rõ nguyên tắc phong tước như sau: Phàm người được phong tước có đất làm thái ấp, nhự Thân Vương thì lấy tên tỉnh; Quận Vương, Thân Công, Quốc Công, Quận Công thì lấy tên phủ; Huyện Công, Huyện Hầu thì lấy tên huyện; Hương Công, Hương Hầu, Ðình hầu thì lấy tên xã. Dưới nữa theo chức mà gọi ”

Vua Minh Mạng có 78 hoàng tử, mỗi ông đều có tên tước. Xin trích dẫn một số tước vị làm ví dụ:

Miên Định/ Ðịa Danh và Tên Tước: Thọ Xuân Vương

Miên Nghi/ Ðịa Danh và Tên Tước: Ninh Thuận Quận Vương

Miên Hoành/ Ðịa Danh và Tên Tước: Vĩnh Tường Quận Vương

Miên Áo/ Ðịa Danh và Tên Tước: Phú Bình Công

Miên Thần/ Ðịa Danh và Tên Tước: Nghi Hào Quận Công

Miên Phú/ Ðịa Danh và Tên Tước: Phù Mỹ Quận Công

Miên Thủ/ Ðịa Danh và Tên Tước: Hàm Thuận Quận Công

Miên Thẩm/ Ðịa Danh và Tên Tước: Tùng Thiện Quận Công

Riêng những người trong hoàng tộc, khi được phong tước, còn được hưởng bổng lộc của triều đình. Vào năm 1840, vua Minh Mạng quy định bảng bộc lộc hàng năm cấp cho những người được phong tước trong hoàng tộc.

Tên Tước/ Tiền (quan)/ Gạo (phương)

Thân Vương / 1500/ 1200

Quận Vương/ 1200/ 1000

Thân Công/ 1000/ 800

Quận công/ 700/ 500

Huyện Công/ 500/ 350

Hương Công/ 450/ 300

Huyện Hầu/ 180/ 100

Kỳ Nội Hầu/ 180/ 100

Kỳ Ngoại Hầu/ 170/ 90

Đình Hầu/ 160/ 80

Trợ Quốc Khanh/ 150/ 70

Tá Quốc Khanh/ 150/ 70

Phụng Quốc Khanh/ 130/ 60

Trợ Quốc Uý/ 45/ 35

Tá Quốc Uý/ 42/ 32

Trợ Quốc Lang/ 38/ 28

Tá Quốc Lang/ 36/ 26

Phụng Quốc Lang/ 34/ 24

Tên tước không những được phong cho các người còn sống, mà cho cả những công thần đã chết. Thí dụ linh mục Trần Lục, chánh xứ Phát Diệm, tạ thế năm 1899. Đến năm 1925, vua Khải Định xét tiểu sử thấy linh mục có công dưới triều Tự Đức, nên phong cho ngài: Phát Diệm Nam Tước.

c. Những thần thánh: Những thần thánh nhân dân thờ trong các đình miếu cũng được vua tặng tên tước. Thành Hoàng Ma La Cẩn được thờ tại Phú Nhuận Đình, Gia Định, được phong là Ma La Cẩn Thành Hoàng Đại Vương Tôn Thần. Loài rái cá cũng được thần thánh hóa, được ban tên tước. Theo truyền tụng, rái cá cứu vua Gia Long khi bị Tây Sơn đuổi đánh, nên khi lên ngôi, đã phong rái cá tước Lăng Lại Đại Tướng Quân Tôn Thần. Tên tước đã đi vào lịch sử, khi chế độ quân chủ chấm dứt vào năm 1945.

Sau tên tước, giai cấp thượng lưu trong xã hội cổ truyền Việt Nam có một tên rất quan trọng. Đó là tên Tự.

Ngày mai: tên Tự