MỤC II: DANH XƯNG ÐẶC BIỆT CỦA THƯỜNG DÂN VIỆT NAM

Muốn chỉ một cá nhân nào đó, tùy theo giai cấp, tín ngưỡng, tùy theo lúc sống hay chết, tùy theo già hay trẻ, người Việt Nam có rất nhiều tên để gọi. Ngôn ngữ Việt có những từ sau đây chỉ các loại tên: bí danh, bút hiệu, nhũ danh, nghệ danh, pháp danh, pháp tự, pháp hiệu, tên, tên cái, tên đệm, tên họ, tên gọi, tên chữ, tên cúng cơm, tên hèm, tên hiệu, tên húy, tên riêng, tên thánh, tên thụy, tên tục, tên tự, thương hiệu.

Không kể tên họ, tên riêng, người Việt có thể có một trong những tên dưới đây mà chúng tôi gọi là danh xưng đặc biệt. Sở dĩ gọi là đặc biệt vì không phải ai cũng có. Trong mục này, các danh xưng đặc biệt sẽ được lần lượt nghiên cứu qua các tiết: (a)) tên tục, (b) tên tước, (c) tên tự, (d) tên hiệu, (e) bút hiệu, (f) nghệ danh, (g) thương hiệu, (h) bí danh, (i) tên thụy, (k) tên tôn giáo. Trong phần tên tôn giáo sẽ nói đến pháp danh, pháp hiệu của người Phật Giáo Tiểu Thừa và Phật Giáo Ðại Thừa, tên các vị chức sắc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, và tên thánh của người Công Giáo.

TIẾT A: TÊN TỤC

1. Định Nghĩa Tên Tục: Theo định nghĩa của Đại Từ Điển Tiếng Việt, tên tục là tên do cha mẹ đặt lúc mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé, thường dùng từ Nôm và xấu để tránh sự chú ý, đe dọa của ma quỷ.

2. Tên Tục - Nhũ Danh - Tiểu Danh: Tên mà người Việt gọi là tên tục thì người Trung Quốc gọi là tiểu danh hay nhũ danh, được đặt lúc đứa bé mới sinh và cũng có ý nghĩa xấu. Gọi là nhũ danh vì tên này được đặt lúc đang bú. Trong tiếng Hán, nhũ có nghĩa là vú nên các nhà tính danh học Mỹ dịch chữ nhũ danh là Milk Name (tên sữa). Theo Elsdon C. Smith, tiểu danh hay nhũ danh chỉ có một từ, nhưng được thêm âm A vào đàng trước. Ví dụ A Man là tiểu danh của Tào Tháo, và A Đẩu là tiểu danh của Lưu Thiện, con của Lưu Bị. Khi lớn lên, người Trung Quốc không dùng tiểu danh hay nhũ danh nữa. Và lúc này, ai dùng tên đó để gọi, thì đó là một điều sỉ nhục cho người ấy. Đọc Tam Quốc Chí, mỗi lần Lưu Bị hay Tôn Quyền tức tối gì với Tào Tháo, ta thấy hai đối thủ này thường lôi tiểu danh Tào Tháo ra chửi: “thằng nhãi con Tào A Man”. Man trong tiếng Hán có nghĩa là gian xảo, quỷ quyệt.

Ngày nay, trong các bản tin cáo phó cho một người đàn bà, người ta thường viết nhũ danh là. ..Từ nhũ danh ở đây được hiểu là tên của người đàn bà khi chưa lấy chồng. Tục lệ này sai với ý nghĩa nguyên thủy của nhũ danh.

3. Nguyên Nhân Đặt Tên Tục: Đối với người Việt, khi xưa có nạn trẻ chết yểu và người ta giải thích vì tà ma thích bắt những đứa trẻ đẹp. Do vậy, các cha mẹ không muốn ai khen con mình đẹp, sợ tà ma biết, đồng thời đặt tên xấu cho đứa trẻ nhằm đánh lừa tà ma. Sở dĩ gọi là tên tục vì dùng các từ có ý nghĩa tục tằn như bộ phận sinh dục, chỉ sự dơ bẩn, hay là tên loài vật.

Tên tục tĩu: thằng Cu, con Đĩ, cái Hến, cái Hĩm, thằng Cò, thằng Gái

Tên dơ bẩn xấu xí: Bùn, Sẹo. Què v.v…

Tên súc vật: Muông, Cầy, Cáo, Cún,Vện, Đực v.v…

Trường hợp đẻ nhiều mà vẫn bị chết yểu, thì đứa con mới sinh được đặt là Xin, với ý nghĩa đây là đứa con xin về nuôi, hay đứa con của kẻ ăn mày, ăn xin. Người Trung Quốc có tục đặt tên con trai là Xẩm. Xẩm có nghĩa là người đàn bà. Tất cả những cách thức chọn lựa đó, chỉ nhằm mục đích đánh lừa tà ma.

Khi đứa trẻ lên khoảng 5 đến 10 tuổi, nghĩa là hầu như thoát khỏi giai đoạn mà dân gian tin là bị tà ma chú ý, thì cha mẹ bắt đầu đặt tên chính thức cho con. Lúc này ai nhắc đến, hoặc gọi tên tục người đó, là xúc phạm đến danh dự của người ấy. Trong các đám cãi nhau liên quan đến vấn đề tên tục, Đại Từ Điển Tiếng Việt nêu ra thí dụ: Cứ gọi tên tục ra mà chửi, ai mà chẳng tức.

Lệ đặt tên tục rất phổ biến trong xã hội cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, lệ này dần dần biến mất khi trình độ tri thức khoa học của dân Việt được nâng cao. Một lý do khác nữa làm loại tên này biến mất là dưới thời Pháp thuộc, chính quyền buộc cha mẹ làm ngay giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trong thực tế, tên tục vẫn tồn tại và chỉ biến mất ở nông thôn Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 20.

Tục lệ đặt tên xấu không chỉ có trong các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc như Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam mà thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Các sắc dân thiểu số ở Indonesia, Lào, Thái Lan, Miến Điện, và các dân tộc vùng Đông Nam Á đều có tục lệ này. Theo bách khoa từ điển Britannica, thì tục lệ này thấy có ở Hy Lạp, các nước Phi Châu chung quanh sa mạc Sahara.

Khi đến tuổi trưởng thành, nếu có một vị thế quan trọng trong xã hộị cổ truyền, người Việt có một tên khác nữa. Đó là tên Tước.

Ngày mai : Tìm hiểu tên tước.