TIẾT E: MIẾU HIỆU

1. Định Nghĩa Miếu Hiệu: Miếu hiệu là tên vua đã chết được vua nối ngôi, hoặc đình thần đặt để viết trên bài vị hay trên các bài văn tế đọc trong các dịp giỗ chạp. Dưới thời quân chủ, các sử gia bản triều chỉ được dùng niên hiệu và miếu hiệu để làm mốc ghi chép sự kiện lịch sử.

2. Nguồn Gốc Miếu Hiệu: Miếu hiệu phát xuất từ Trung Quốc. Hai ông Lý Nham Linh và Cố Ðạo Hinh cho biết, đầu tiên, các vua Tàu dùng hai chữ Tổ hay Tông để làm miếu hiệu và miếu hiệu bắt đầu được dùng từ thời nhà Thương (1766-1200 TCN). Thương Thang có miếu hiệu là Cao Tổ. Sang đời Chu, Tần, người ta bỏ danh hiệu tổ hay tông. Nhưng đến đời Hán thì Lưu Bang khai sáng nhà Hán, được đặt là Thái Tổ, cháu là Lưu Triệt được đặt là Thế Tông. Lý Uyên khai sáng nhà Đường được đặt là Cao Tổ, Lý Thế Dân là Thái Tông. Tuyệt đại đa số vua Tàu, từ Hán Vũ Đế đến vua Quang Tự nhà Thanh, ông nào cũng có miếu hiệu.

3. Nguyên Tắc Đặt Miếu Hiệu: Khi đặt miếu hiệu, vua hay triều đình phải căn cứ vào thế hệ thứ cấp trong hoàng tộc để xác định vị trí cao thấp trong thái miếu. Các từ để chỉ thứ cấp là: tổ, tông, hay tôn. Tổ có nghĩa là người khai sáng triều đại. Tông nghĩa là dòng họ. Tại Việt Nam, nhiều sách sử ghi miếu hiệu với chữ Tôn. Tôn là tiếng đọc trại để tránh tên vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Miên Tông. Nguyên tắc định miếu hiệu là vua có công khai sáng triều đại được gọi là tổ. Những vua kế vị được gọi là tông.

4. Miếu Hiệu Của Các Vua Chúa Việt Nam: Trong số các vị vua Việt, sử sách ghi 49 vị có miếu hiệu với chữ tổ, tôn, hay tông. Vị vua đầu tiên được sử ghi miếu hiệu là Lê Trung Tông (tr.v.1005). Từ năm 1005 đến 1884, vị vua nào cũng có miếu hiệu. Sau đây là một số ví dụ :

Nhà Tiền Lê: Lê Trung Tông.

Nhà Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông.

Nhà Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông.

Nhà Hậu Lê: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông.

Nhà Mạc: Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông.

Nhà Nguyễn: Nguyễn Thế Tổ.

Trường hợp nhà tiền Lê, sử sách không ghi miếu hiệu của vua Lê Ðại Hành nên không biết ngài có miếu hiệu ra sao. Riêng trường hợp nhà Trần, chúng tôi chưa tìm được sử liệu nào giải thích tại sao vị vua sáng lập triều đại không được đặt miếu hiệu là Trần Thái Tổ, mà lại đặt là Trần Thái Tông. Với nhà Nguyễn, chúng tôi cũng chưa giải thích được tại sao cả vua Gia Long, Minh Mạng, và Thiệu Trị đều có miếu hiệu với chữ Tổ: Nguyễn Thế Tổ, Nguyễn Thánh Tổ, Nguyễn Hiến Tổ. Bốn trường hợp trên là các ngoại lệ trong lịch sử miếu hiệu của vua chúa Việt Nam. Đọc sách sử được viết dưới thời quân chủ, người ta còn gặp loại danh xưng mà các nhà sử học gọi là toàn xưng, tức là lối phối hợp miếu hiệu, tên thụy và đế hiệu: Sau đây là các ví dụ:

-Tên chính: Nguyễn Nhạc; Miếu hiệu: Thái Tổ; Thụy hiệu: Võ; Toàn xưng : Thái Tổ Võ Hoàng Đế.

-Tên chính: Nguyễn Phúc Ánh; Miếu hiệu: Thế Tổ; Thụy hiệu: Cao; Toàn xưng: Thế Tổ Cao Hoàng Đế

Cách gọi toàn xưng trên được các sử gia sau này gọi chung là miếu hiệu.

Khi chết, các hoàng hậu cũng được triều đình đặt miếu hiệu, được thờ trong thái miếu. Ví dụ:

Bà Tống Thị Lan; Miếu hiệu: Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu - Vợ vua Gia Long

Bà Trần Thị Ðang; Miếu hiệu: Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu - Vợ vua Gia Long

Bà Hồ Thị Hoa; Miếu hiệu:Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu - Vợ vua Minh Mạng

Bà Phạm Thị Hằng; Miếu hiệu:Thiên Chương Hoàng Hậu - Vợ vua Thiệu Trị

Đến đời Gia Long, các chúa Nguyễn cũng được truy tôn hoàng đế, có miếu hiệu, nên các sách Thực Lục, Liệt Truyện, Việt Sử Thông Giám Cương Mục đều dùng những danh xưng dành cho hoàng đế để gọi các chúa Nguyễn như con trai là hoàng tử, con gái là công chúa, các người trong họ hàng là tôn thất. Trái lại, các chúa Trịnh cũng được đặt miếu hiệu, nhưng chỉ là vương, dưới đế một bậc.

Ngoài các miếu hiệu có ý nghĩa đẹp, người ta còn thấy các miếu hiệu Lê Ngọa Triều, Đinh Phế Đế, Trần Phế Đế. Lê Ngọa Triều, tức Lê Long Đĩnh (1005-1009) đã giết anh là Lê Long Việt, tức Lê Trung Tông (1005) mới lên ngôi được 3 ngày. Long Đĩnh có đế hiệu là Khai Minh Vương, nhưng vì có cuộc sống ăn chơi, trác táng, phải nằm khi yết triều, nên vua Lý Thái Tổ, sau khi lật đổ Lê Long Đĩnh, đã đặt cho ông vua này miếu hiệu: Lê Ngọa Triều. Trong tiếng Hán, ngọa có các nghĩa: nằm, bệnh tật.

Theo định nghĩa của sử gia Ngô Thời Sĩ, Phế Đế hay Mạt Đế là miếu hiệu dân gian đặt cho các vua không đáng là vua hay bị truất phế. Đinh Tuệ (979-980) bị Lê Đại Hành lật đổ nên sử gọi là Phế Đế. Trần Nghiễn (1377-1388), con Trần Duệ Tông (1372-1377), bị truất phế nên gọi là Trần Phế Đế. Năm 1954, miền Nam Việt Nam có cuộc trưng cầu dân ý để chọn lựa vua Bảo Đại (1926-1945) hay Thủ Tướng Ngô Đình Diệm (1954-1963). Dân chúng chọn ông Ngô Đình Diệm và lúc đó báo chí gọi vua cuối cùng nhà Nguyễn là Phế Đế Bảo Đại.

Ngài mai: Những loại tên đặc biệt của thường dân Việt Nam