TIẾT C: TÔN HIỆU

1. Định Nghĩa Tôn Hiệu: Tôn hiệu là tên vua được triều đình đặt trong những ngày đặc biệt như ngày lên ngôi hoàng đế, ngày thượng thọ ngũ tuần, lục tuần, ngày thắng trận trở về. Trong các dịp này, đình thần tổ chức buổi lễ mừng, đồng thời dâng lên vua một tôn hiệu để ca ngợi vua.

2. Nguyên Tắc Dâng Tôn Hiệu: Không có nguyên tắc quy định khi nào dâng tôn hiệu, nhưng đọc sử thấy tôn hiệu được dâng vào các dịp sau đây: Khi Đinh Bộ Lĩnh (968-979) lên ngôi hoàng đế, đình thần dâng tặng tôn hiệu: Ðại Thắng Minh Hoàng Ðế. Theo sử cũ Ðinh Tiên Hoàng là vua đầu tiên có tôn hiệu.

Khi Lê Đại Hành (980-1005) đại phá quân Nam Hán ở Bạch Ðằng Giang, đình thần dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng Đế.

Khi vua Lý Thái Tông (1028-1054) dẹp được cuộc nổi dậy của Nồng Tồn Phúc, các quan dâng tôn hiệu: Kim Dũng Sinh Ngân, Nùng Bình Phiên Phục. Nghĩa là vàng sôi lên, bạc sinh ra, họ Nùng bị diệt, phiên bang phục tùng.

Khi Lý Thái Tông diệt Sạ Đẩu, các quan xin dâng tôn hiệu: Thánh Đức Thiên Cảm, Tuyên Uy Thánh Võ. Khi Lý Chiêu Hoàng (1224-1225) nhường ngôi cho Trần Cảnh, quần thần dâng tôn hiệu: Khải Thiên Lập Cực, Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế. Và khi Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông (1225-1258) nhường ngôi để lên làm thái thượng hoàng thì triều đình dâng tôn hiệu: Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế. Khi Trần Thái Tông (1225-1258) thượng thọ thất tuần, đình thần dâng tôn hiệu: Uyên Ý Khâm Cung Nhân Từ Đức Thọ Hoàng Đế. Khi Trần Thánh Tông (1258-1278) lên ngôi, đình thần dâng tôn hiệu là Hiến Thiên Thể Đạo Đại Minh Quang Hiếu Hoàng Đế.

Đọc lịch sử không thấy trường hợp nào các quan xin dâng tôn hiệu mà vua từ chối. Duy nhất một trường hợp vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã khiêm tốn từ chối lời xin dâng tôn hiệu, và khuyên các quan như sau:

Trẫm chưa dám nói đến danh hiệu Hoàng Đế. Đối với các khanh, Trẫm xưng là Hoàng Thượng. Đối với Thái Miếu, Trẫm xưng là Tự Hoàng, như thế cũng đủ khác với danh hiệu của các thân vương rồi. Những lời ấy các khanh nên nghĩ lại. Sau này, vài năm nữa, nếu thấy trên thì trời thuận, dưới thì dân yên, mưa gió điều hòa, nước lớn thân thiện, nước nhỏ sợ uy, mới có thể bàn đến tôn hiệu.Các khanh nghĩ lại xem .

3. Mục Đích Của Tôn Hiệu: Như đã nói, tôn hiệu có mục đích ca ngợi vua nên triều đình đã không tiếc lời đặt tôn hiệu rất dài, đi đến chỗ nịnh bợ. Vua Lý Thái Tổ (1010-1028) có tôn hiệu dài nhất Việt Nam, tới 52 chữ:

Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh Quảng Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứn Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế.

Việc dâng tôn hiệu quá dài, đi đến chỗ nịnh hót, đã bị các sử gia thời quân chủ lên án. Sử gia Ngô Sĩ Liên viết:

Kinh thư tôn xưng vua Nghiêu là Phóng Huân, vua Thuấn là Trùng Hoa. Những bề tôi đời sau theo đức hạnh có thực mà tôn xưng vua đến hơn chục chữ đã là nhiều rồi. Bây giờ bề tôi dâng tôn hiệu cho Lý Thái Tổ đến 50 chữ. Thế là không kê cứu học vấn đời xưa, chỉ cốt nịnh vua. Thái Tổ nhận mà không từ chối đó là muốn khoe khoang để cho đời sau không ai hơn được đều là sai cả. Về sau dâng tôn hiệu cho Thái Tông cũng đến gần 50 chữ, có lẽ cũng bắt chước cái sai lầm ở đây.

Lê Ngọa Triều là ông vua tàn ác, nhưng triều đình cũng dâng tôn hiệu: Khai Thiên Ứng Vận Thánh Văn Thần Vũ Tắc Thiên Sùng Đạo Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng Đế.

Ngày mai: Tìm hiểu Thụy Hiệu của vua chúa Việt Nam