TIẾT B: NIÊN HIỆU

1.Định Nghĩa Niên Hiệu: Niên hiệu là danh hiệu của vị vua được đặt khi lên ngôi để thần dân trong nước gọi các ngài, thay vì tên chánh, đồng thời để tính năm trị vì. Khi vua Tự Đức (1848-1883) ra chiếu chỉ soạn thảo bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, thì dụ chỉ khởi đầu bằng câu: Tự Đức năm thứ tám, tháng 12 ngày 15 (tức 22-1-1856 tây lịch). Mỗi khi đặt niên hiệu, vua coi đó là biến cố quan trọng nên thường đại xá cho các phạm nhân.

2. Nguồn Gốc Niên Hiệu: Niên hiệu bắt nguồn từ triều đình Trung Quốc. Năm 140 TCN, Hán Vũ Đế Lưu Triệt là người đầu tiên đặt niên hiệu cho mình là Kiến Nguyên. Từ đó về sau, vua Tàu nào cũng có một hay nhiều niên hiệu.

Tại Việt Nam, Lý Bôn (544-549) là vua đầu tiên đặt niên hiệu là Thiên Đức. Từ Triệu Quang Phục (549-571) đến Ngô Xương Ngập (950-965), chúng tôi chưa biết được niên hiệu của những vị vua trong thời gian này. Nhưng từ Đinh Tiên Hoàng (968-979) đến vua Bảo Đại (1926-1945), vị nào cũng có niên hiệu. Ngoài ra, dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, chỉ có vua Lê được đặt niên hiệu, còn chúa Trịnh hay chúa Nguyễn, dù có thực quyền, vẫn bị coi là thần dân, nên không có niên hiệu.

3. Nguyên Tắc Chọn Niên Hiệu: Niên hiệu là danh hiệu của vị lãnh đạo tối thượng quốc gia nên nguyên tắc chọn niên hiệu rất cẩn trọng. Về mặt phát âm, phải chọn chữ nào đọc lên nghe âm vang và trong sáng. Về mặt ý nghĩa, phải chọn chữ nói lên được sự tốt lành, thái bình, và đội ơn thần linh. Vì hai nguyên tắc trên mà 730 niên hiệu của các vua Trung Quốc và 126 niên hiệu của các vua Việt, có nhiều điểm tương tự. Ví dụ để biểu lộ ý nghĩa theo mệnh trời, 65 niên hiệu cuả vua Tàu và 17 niên hiệu của vua Việt đều có chữ Thiên như: Thiên Thuận, Thiên Phúc, Thiên Thánh, Thiên Phù, Thiên Thụ.

4. Hình Thức Niên Hiệu: Không có nguyên tắc nào ấn định niên hiệu phải là bao nhiêu chữ. Với các vua Trung Quốc, hầu hết niên hiệu có 2 chữ, cũng có 3, 4, và nhiều nhất là 6 chữ. Niên hiệu của Huệ Tông Lý Bỉnh Thường có 6 chữ: Thiên Tứ Lễ Thịnh Quốc Khánh. Đối với vua Việt, người ta thấy 89 niên hiệu có 2 chữ, và 17 niên hiệu có 4 chữ. Chỉ các vua triều Lý dùng 4 chữ, và một vua nhà Trần là Trần Thái Tông (1225-1258) có niên hiệu 4 chữ: Thiên Ứng Chính Bình.

5. Mục Đích Của Niên Hiệu: Niên hiệu là tên để dân chúng gọi một ông vua nên khi xưa dân gian chỉ biết niên hiệu chứ không biết tên thật của vua. Trong các thư tịch do các sử gia bản triều viết, người ta còn dùng lối gọi toàn xưng như: Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế, tức vua Gia Long, hoặc Đức Hiến tổ Chương Hoàng Đế, tức vua Thiệu Trị. Sở dĩ có tình trạng trên vì hai nguyên nhân.

a. Để tránh phạm húy: Trong xã hội ta cũng như Tàu có phép kỵ húy, nghĩa là phải tránh đọc hay viết tên những bậc trưởng thượng.

b. Ðể thần thánh hóa: Ðể thần thánh hóa uy quyền tối thượng của nhà vua, cổ luật Việt Nam đã không những cấm viết, mà còn cấm cả việc đọc tên thật của vua. Luật Gia Long điều 62 đã quy định như sau: Kẻ nào trong một bản viết tấu hay trình gì với vua mà dùng một tiếng trùng với tên vua hay tên một hoàng khảo, sẽ bị phạt 80 gậy. Nếu tội phạm húy mắc phải trong giấy tờ khác sẽ là 40 gây. Kẻ nào phạm tội ấy mà lại còn dùng tên ấy làm tên đẻ của mình sẽ bị phạt 100 gậy.

6. Ý Nghĩa Niên Hiệu: Phân tích ý nghĩa các từ trong niên hiệu, người ta thấy niên hiệu bắt nguồn từ triết lý vương quyền trong Nho Giáo. Theo lý thuyết này, vua trị nước là do mệnh trời nên các sắc dụ của vua ban ra đều được mở đầu bằng câu Thế Thiên Hành Đạo, nghĩa là thay trời hành đạo. Trên ấn triện của Tần Thủy Hoàng người ta thấy câu: Thụ Mệnh Vu Thiên, nghĩa là nhận mệnh lệnh từ trời. Ngoài ra, triết lý vương quyền còn coi vua là con trời nên vua phải là mẫu người đạo đức, nhân từ. Sau đây xin liệt kê một số niên hiệu để chứng minh mối liên hệ giữa thiên mệnh và niên hiệu:

Tên Vua Niên Hiệu Ý Nghĩa

Lý Nam Ðế (544-548) Thiên Ðức Ðức của trời

Lê Ðại Hành (980-1005) Thiên Phúc Phúc của trời

Lý Nhân Tông (1128-1138) Thiên Thuận Thuận ý trời

Lê Thái Tổ (1328-1433) Thuận Thiên Thuận ý trời

Lê Thánh Tông (1460-1497) Hồng Ðức Ðức sáng

Lê Thuần Tông (1732-1735) Long Ðức Ðức thịnh vượng

Lê Mẫn Ðế (1787-1788) Chiêu Thống Về chính thống

Nguyễn Thế Tổ (1802-1819) Gia Long Ban thịnh vượng

7. Sự Thay Đổi Niên Hiệu: Niên hiệu không có tính cách cố định. Có vua chỉ dùng một niên hiệu, có vua thay đổi niên hiệu nhiều lần và mỗi khi thay đổi, vua chỉ cần ra chiếu chỉ thông báo cho toàn dân. Tại Trung Quốc, Hán Vũ Đế ở ngôi 54 năm, thay đổi niên hiệu 11 lần. Võ Tắc Thiên ở ngôi 21 năm, thay đổi 18 lần, và bà là vua có nhiều niên hiệu nhất Trung Quốc.

Tại Việt Nam, vua Lý Nhân Tông (1072-1127) được tiếng là nhân từ, đổi niên hiệu 8 lần và là vua có nhiều niên hiệu nhất.

Niên Hiệu Năm

Thái Ninh 1072-1075

Anh Võ Chiêu Thắng 1076-1084

Quang Hữu 1085-1091

Hội Phong 1092-1100

Long Phù 1101-1109

Hội Tường Ðại Khánh 1110-1119

Thiên Phù Duệ Võ 1120-1126

Thiên Phù Khánh Thọ 1127

Vua Lý Anh Tôn đổi niên hiệu 4 lần:

Niên Hiệu Năm

Thiệu Minh 1138-1139

Đại Định 1140-1162

Bảo Ứng 1163-1173

Thiện Cẩm 1174-1175

Việc thay đổi niên hiệu không dựa trên nguyên tắc nào. Ở Trung Quốc, có thuyết nói từ triều Nguyên về trước, khi có sự kiện đặc biệt xảy ra, vua có thể thay đổi niên hiệu để ghi nhớ sự kiện đó. Ví dụ Hán Vũ Đế đổi niên hiệu ra Nguyên Quang vì năm đó có sao chổi xuất hiện, niên hiệu Nguyên Thú vì vua đi tuần thú bắt được con thú lạ bạch lân, Nguyên Đỉnh vì đào được chiếc đỉnh (vạc) quý, Thiên Hán vì năm đó có nhiều thiên tai, hạn hán nên đổi niên hiệu để cầu mưa.

Tại Việt Nam, mỗi khi trong nước có loạn lạc, dịch tễ, mất mùa, đói kém, nhà vua tin rằng mình là con trời, đã không làm tròn nhiệm vụ, đã vi phạm lỗi lầm nên cần phải sửa đổi ăn năn. Thiện chí này được biểu lộ bằng cách thay đổi niên hiệu. Khi thay đổi niên hiệu, các vua tin rằng sẽ đem lại sự bình an và may mắn cho dân chúng. Bằng chứng là năm 1628, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Tộ, có nạn đói kém nên năm 1629 vua đổi niên hiệu thành Ðức Long. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi như sau:

“Vì hạn hán, đói kém, đổi niên hiệu là Ðức Long, đại xá cho thiên hạ.”

Ngoài niềm tin trên, vua Việt còn thay đổi niên hiệu để ghi nhớ một sự kiện quan trọng đã xảy ra. Sách Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ghi:

Vào năm Giáp Tuất đời Lý Thái Tông (1028-1054), niên hiệu Thông Thụ, có nhà sư tên là Nghiêm Bảo Tính và Phạm Minh Tâm tự thiêu, cháy hết biến thành thất bảo (bảy của quý) vua cho là việc lạ bèn đổi niên hiệu thành Càn Phù Hữu Đạo.

Cũng đời Lý Thái Tông, khi đánh thắng Chiêm Thành, vua đổi niên hiệu ra Thiên Cảm Thánh Vũ.

Sau niên hiệu các vị vua Việt Nam cũng như Trung Quốc còn có Tôn Hiệu

Ngày mai : Tìm hiểu Tôn Hiệu.