NGHIÊN CỨU TÊN TỰ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Ngoài tên họ, tên đệm, tên chính, người Việt Nam còn nhiều loại tên như đế hiệu, niên hiệu, thụy hiệu, tôn hiệu, tên tự, tên hiệu, tên thánh, pháp danh v.v... Có loại tên đã vĩnh viễn đi vào lịch sử, có loại mới xuất hiện khi nước ta tiếp xúc với văn hóa tây phương, có loại chỉ dành riêng cho một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội nhất định. Do vậy để tìm hiểu những danh xưng đặc biệt của người Việt Nam, chúng ta cần nói về các danh xưng đặc biệt của vua chúa Việt Nam, và các danh xưng đặc biệt của thường dân Việt Nam. Bài nghiên cứu này tập trung vào một loại tên của giới trí thức Việt Nam thời xưa: Tên Tự

1. Định Nghĩa Tên Tự: Theo định nghĩa của Đại Từ Điển Tiếng Việt, tên tự là tên đặt dựa vào tên vốn có thường phổ biến trong giới trí thức thời phong kiến. Đối với dân gian xưa, tên tự còn được gọi là tên chữ vì các cụ thường dùng từ Hán Việt để đặt tên này. Ví dụ khi viết tiểu sử cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), các sách vở thường ghi: tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trọng Phủ hay Hối Trai. Tên tự bắt đầu có từ đời nhà Chu, sau khi triều đại này đặt ra phép kỵ húy tên vua. Tên tự đã tồn tại suốt thời kỳ quân chủ tại Trung Quốc cũng như Việt Nam.

2. Mục Đích Tên Tự: Tên tự đặt ra để kiêng húy tên chánh, nên nguyên tắc căn bản khi đặt tên tự là làm sao giữa tên chánh và tên tự có sự liên hệ với nhau. Nói khác đi, nói đến tên tự, người ta có thể suy ra tên chánh và ngược lại. Nguyên tắc đặt tên tự được sách Bạch Hồ Thông ấn định như sau: Vấn danh tri kỳ tự, vấn tự tri kỳ danh, nghĩa là hỏi tên chánh biết tên tự, hỏi tên tự biết tên chánh. Một khi đã có tên tự, người khác sẽ dùng tên đó để gọi cá nhân ấy trong việc giao tiếp xã hội. Ví dụ 3 nhân vật thời Tam Quốc là Tào Tháo được gọi là Tào Mạnh Đức, Lưu Bị được gọi là Lưu Huyền Đức, Tôn Quyền được gọi là Tôn Trọng Mưu.

Ngày xưa, lúc Hán học còn thịnh hành, tên các danh nhân đều viết bằng Hán tự nên việc tìm hiểu sự liên hệ giữa tên chánh và tên tự có phần dễ dàng. Ngày nay, ta gặp trở ngại lớn vì tên các danh nhân được viết bằng quốc ngữ, có âm nhưng không biết mặt chữ Hán thế nào. Do đó, không biết đích xác tên các cụ có ý nghĩa ra sao vì nhiều chữ đồng âm nhưng dị nghĩa.

3. Nguồn Gốc Tên Tự: Tại Việt Nam, không có sử liệu nào cho biết tên tự có từ bao giờ. Sử gia Lê Tắc trong An Nam Chí Lược ghi ông Ðỗ Viện sống cuối đời Ðông Tấn (317-419) có tên tự là Ðạo Ngôn. Còn đọc tiểu sử các nhà nho trong thế kỷ thứ 10, chưa thấy vị nào lấy tên tự. Nhưng đọc Lĩnh Nam Dật Sử, ta thấy nhân vật chính là Hoàng Quỳnh, người Mường, có tên tự là Phùng Ngọc. Sách này do Ma Văn Cao soạn và người cháu năm đời là Ma Văn Khái tặng cho Trần Nhật Duật để ông này đem dịch ra Hán văn, cho in năm 1297. Như thế, nếu tính từ Ma Văn Cao đến người cháu năm đời, thì sách này ít nhất đã được viết vào khoảng thế kỷ thứ tám, thứ chín. Như vậy, người Việt đã biết dùng tên tự cách đây hơn 1000 năm.

4. Nhiệm Vụ Tên Tự: Đọc tiểu sử các danh nhân Trung Quốc cũng như Việt Nam, ta thấy tên tự có thể là tên đơn, tên hai chữ, ba chữ. Nhưng tuyệt đại đa số là tên hai chữ và nếu phân tích các tên tự, ta thấy chỉ một trong hai chữ có liên quan đến tên chính, còn từ ngữ kia được thêm vào để làm một trong ba nhiệm vụ sau đây:

a. Để chỉ thứ cấp trong họ hàng: Người Trung Quốc cũng như Việt Nam ghép một từ như Bá, Mạnh, Trọng, Quý, Trưởng, Cao vào tên tự để chỉ thứ cấp họ hàng. Ta có thể kể các ví dụ: Đức Khổng Phu Tử tên là Khổng Khâu (551-479 TCN), tự là Trọng Ni. Ngài chọn chữ Trọng trong nhóm Bá, Mạnh, Trọng, Quý để cho biết ngài là con thứ trong gia đình. Còn chữ Ni liên quan đến chữ Khâu vì tại Trung Quốc có ngọn núi Ni Khâu là nơi mà bố mẹ đức Khổng Tử đã cầu tự ngài ở đó. Nhắc tới chữ Ni, người ta nghĩ ngay đến chữ Khâu. Tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) cho biết tên tự của ông là Trọng Minh. Chữ Trọng chỉ người con thứ, chữ Minh đồng nghĩa với Huy là ánh sáng.

b. Để chỉ sự tôn kính: Người Trung Quốc cũng như Việt Nam dùng các từ sau đây để ghép với tên tự chỉ sự tôn kính: Công, Chi, Doãn, Hoằng, Khổng, Ông, Phu, Phủ, Phụ, Thúc, Sĩ. Ví dụ Gia Cát Lượng, chiến lược gia thời Tam Quốc, có tự là Khổng Minh. Minh và Lượng có nghĩa là ánh sáng. Từ Khổng được thêm vào để tỏ ý tôn kính. Cùng chiến tuyến với Gia Cát Lượng có quân sư Bàng Thống, tự Sĩ Nguyên. Chữ Thống có nghĩa là hợp tất cả lại làm một, đồng nghĩa với chữ Nguyên nghĩa là các thành phần không thể phân ly ra được. Chữ Sĩ để tỏ ý tôn kính.

Tại Việt Nam, ông Trương Hán Siêu (?-1354), danh nhân nhà Trần, có tự là Thăng Phủ. Thăng và Siêu đều có nghĩa là tiến lên chỗ cao hơn. Còn từ Phủ thêm vào để tỏ ý tôn kính.

c. Để tên tự có âm thanh hài hòa và có ý nghĩa đẹp. Ngày xưa, đa số tên tự được các cụ thêm một từ ngữ để có âm thanh hài hòa, có ý nghĩa hoa mỹ. Ví dụ Quan Vũ, một danh tướng thời Tam Quốc có tên tự là Vân Trường. Vũ và Vân có mối liên hệ với nhau. Vũ là cánh chim bay, Vân là mây gió, còn chữ Trường được thêm vào để có âm thanh hài hòa và ý nghĩa hay. Vân Trường là giải mây dài. Bà Nguyễn Nhược thị, tên là Nguyễn Thị Bích (1830-1901), tác giả Hạnh Thục Ca, có tên tự là Lang Hoàn. Bích và Lang trong Hán tự có nghĩa là ngọc, còn Hoàn là viên, được thêm vào cho có ý nghĩa. Lang Hoàn là viên ngọc.(còn tiếp)

(Ngày mai: Phương pháp đặt tên tự)