LTS- Trong chương trình giới thiệu các giáo xứ Việt Nam, tuần này VietCatholic được hân hạnh giới thiệu Giáo Xứ Mằng Lăng, quê hương của vị tử đạo tiên khởi Anrê Phú Yên. Một trong những vị chính xứ của Giáo Xứ này là cố Linh Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn. Ngoài những thành quả lớn lao đã thực hiện được cho Giáo Phận, Ngài còn là một thi sĩ chú ý đến vấn đề mục vụ văn hóa. Ngài viết rất nhiều nhưng sự nghiệp văn chương quan trọng nhất của ngài là tác phẩm "Sứ Điệp Tình Thương" với gần 10,000 câu thơ. ViệtCatholic sẽ trích đăng một số bài thơ của Linh Mục Thi Sĩ Xuân Văn để cống hiến độc giả. Sau đây là tiểu sử của Linh Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn được đăng trong mạng lưới của Giáo Hạt Phú Yên: http://www.ghphuyen.org

Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn sinh ngày 01.09.1922 tại thôn Mỹ Đức, xã Ân Tín huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, thuộc giáo xứ Đồng Dài.Thân sinh là ông Antôn Nguyễn Vị (1887 – 1952) và bà Maria Lê thị Báu (1890 – 1926), là những giáo dân đạo đức và gương mẫu. Vừa được 4 tuổi thì mẹ được Chúa gọi về. Sống cảnh gà trống nuôi con, người cha đã can đảm lo lắng cho hai con đầy đủ mọi phương diện.

Năm1936, chú Phanxicô Xaviê Văn được thu nhận vào học Tiểu Chủng Viện Làng Sông.

Năm 1943, sau khi học xong chương trình Tiểu Chủng Viện ngài gia nhập Đại Chủng Viện Qui Nhơn.

Năm 1945 – 1948, chiến tranh lan rộng, thầy Phanxicô Xaviê đi Giúp xứ tại Đồng Quả.

Từ 1948 – 1952, trở lại học Đại Chủng Viện Làng Sông. Thời gian nầy, cùng với Thầy Ánh Thiều (sau là Linh mục Stanilas Hoàng Đắc Ánh – OP) Thầy F.X. viết lời cho nhiều bài thánh ca như : Xin giúp con, Bóng con trở về, Giết-sê-ma-ni, Đây phút sống… với bút hiệu Văn Thao. Năm 1952, người cha thân yêu cũng được Chúa gọi về.

Năm 1952 -1954 lại đi giúp xứ tai Gia Hựu. Sau Hiệp định Genève, thầy vào Nha Trang tiếp tục học thần học.

Ngày 25.01.1956: Đức cha Nghĩa phụ Marcel Piquet Lợi, thừa sai MEP, Giám Mục địa phận Qui Nhơn phong chức linh mục cho ngài tại nhà thờ Nha Trang.

Từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1956, ngài được Đức cha Marcel Piquet Lợi đưa về coi sóc xứ Trúc Hà, cách Đà Nẵng trên 40 cây số.

Từ tháng 9 năm 1956 đến tháng 9 năm 1957, ngài được chỉ định làm cha phó Đà Nẵng, giúp đỡ cha Giuse Lê Văn Ấn, lúc đó là cha sở Đà Nẵng. Cũng thời gian này ngài bắt đầu gởi nhiều ơn gọi vào chủng viện cũng như tu viện.

Năm 1957 – 1962, ngài được đưa về làm giáo sư kiêm quản lý Tiểu Chủng Viện Làng Sông.

Năm 1962 – 1964 là những năm công việc truyền giáo địa phận Qui Nhơn phát triển mạnh, ngài được đưa về làm Cha sở Phú Hương – Quảng Nam, tiếp tục công việc của các vị tiền nhiệm, phát triển nhiều họ đạo. Rồi trận lụt Năm Thìn, 1964 ập đến, tàn phá nhiều làng ven sông Thu Bồn, cùng lúc với chiến tranh leo thang. Ngài đã quy tụ đàn chiên nhỏ bé lại tại trại Hoà Cầm. Năm 1965, ngài lập trại định cư tại bãi cát Đa Phước – Đà Nẵng. Xứ đạo Phước Thành ra đời. Trên vùng đất nầy, nhiều họ đạo khác cũng thành hình, biến vùng Hoà Khánh thành nơi sầm uất, phát triển đạo đời. Ngài cho xây dựng trường Trung tiểu học Thánh Mẫu với hàng ngàn học sinh. Giúp các nữ tu dòng Mến Thánh giá thành lập Cô nhi viện Phước Thành. Tiếp theo, ngài xây dựng một ngôi thánh đường kiên cố và hiện đại còn tồn tại cho đến ngày nay. Ngài cũng giúp Đức cha Phêrô Maria xây dựng Đại Chủng Viện Hoà Bình, đồng lúc giúp các cha Salêdiêng (Don Bosco) xây dựng trường kỹ thuật nhằm giúp đỡ thanh thiến niên. Tiếc thay, các công trình đó, Giáo hội không còn quản lý được nữa.

Sau năm1975, ngài muốn về Qui Nhơn giúp đỡ Giáo phận Mẹ, xây dựng lại các xứ đạo từ đống tro tàn do chiến tranh. Sau khi cha Phaolô Trương Đắc Cần rời Mằng Lăng ra Sông Cầu làm cha sở, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, người bạn đồng lớp yêu cầu ngài về làm Cha sở Mằng Lăng – Phú Yên. Tại quê hương thầy giảng tử đạo tiên khởi Anrê Phú Yên, ngài đã dày công đào tạo các chủng sinh, và nhiều linh mục phát xuất từ cái nôi thân yêu này. Trong những năm 1977 – 1981, ngài đã viết tác phẩm “Sứ Điệp Tình Thương” với gần 10,000 câu thơ dựa theo các Phúc âm.

Năm 1986, sau khi cha Hạt trưởng Phú Yên, Martinô Nguyễn Trọng Huấn qua đời, Đức cha Phaolô lại đưa ngài coi sóc Giáo xứ Tuy Hoà, kiêm hạt trưởng Phú Yên.

Hơn mười lăm năm xây dựng giáo xứ, 1986 – 2002, bên cạnh việc xây dựng toà lâu đài thiêng liêng nơi lòng giáo dân, còn có những công trình hữu hình khác như hang đá Đức Mẹ, Nghĩa đường, tượng đài Thánh Tâm, tượng đài thánh Giuse. Đặc biệt, năm 1995, ngài đã xây dựng một ngôi thánh đường khang trang, cùng với nhà xứ và nhà giáo lý gồm 3 phòng tại Giáo họ Hóc Gáo, thuộc Giáo xứ Tuy Hoà. Và dầu đau nặng, ngài cũng kiên quyết hoàn thành công trình nhà giáo lý, gồm 2 tầng 14 phòng, và hơn 1000 câu thơ ca tụng Mẹ Maria theo các trang Kinh thánh.

Ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê năm 2001, ngài đã dâng lễ tạ ơn bát tuần với cộng đoàn giáo dân Tuy Hoà như một lời từ biệt. Sau lễ Giáng Sinh, cơn bệnh đột ngột tăng nhanh. Ngài đau đớn rất nhiều. Và rồi việc gì phải đến đã đến. Khi tiếng chuông 4 giờ 30 sáng thứ năm ngày 10.01.2002, vừa rung lên cũng là tiếng chuông báo tin giờ hấp hối của ngài, Sau nửa giờ trăn trở, hơi thở yếu dần, ngài đã được Chúa gọi về lúc 5 giờ. Vây quanh ngài trong giờ sau hết là những linh mục, giáo dân và những người thân yêu.

Vào lúc 9 giờ cùng ngày, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn – trên đường vào Sài Gòn, để đi Rôma viếng mồ Thánh Phêrô- đã có mặt tại Tuy Hoà và cùng với các linh mục và giáo dân Tuy Hoà đưa xác ngài vào nhà thờ và cử hành thánh lễ đồng tế, cầu nguyện cho một vị mục tử suốt đời tận tuỵ vì đoàn chiên.

Sáng 11 tháng 01 năm 2002, ngài được khâm liệm và ngày 12, ngài sẽ được đưa về an táng tại nghĩa trang dành cho các linh mục tại Làng Sông, Tuy Phước, Bình Định.