« THUỞ ẤY,…BÊN MẸ LAVANG »
THI HỨNG THUỶ CHUNG VỀ NĂM THÁNH 2010
CỦA CUNG CHI


« Họ là ai, bài thơ về những anh hùng tử đạo của Lương Nhi Tử » đã giới thiệu một cái nhìn thi sĩ về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ».
« Thuở ấy,… Bên Mẹ Lavang » là hai bài thơ khác giới thiệu một thi hứng thủy chung về Giáo Hội Việt Nam của Cung Chi, nhân dịp cử hành Năm Thánh 2010, nhìn về « thuở ấy », quãng đường lịch sử gần 500 năm truyền giáo qua 3 thời kỳ: 126 năm Bảo Hộ (1533-1659), 300 năm Tông Toà (1659-1960), đặc biệt là 50 năm Chánh Toà (1960-2010). Lương Nhi Tử hay Cung Chi, là hai bút hiệu của cùng một thi sĩ linh mục Đinh Đồng Thượng Sách, nhưng bày tỏ mỗi bút hiệu một thi hứng và một thi phong khác nhau.

Linh mục thi sĩ Đinh Đồng Thượng Sách, bút hiệu Lương Nhi Tử, Cung Chi
Bút hiệu Lương Nhi Tử có một ý nghĩa tình cảm của cuộc sống hằng ngày, thường được ký sau nhữg bài thơ về gia đình và về cuộc sống hằng ngày. Đinh Đồng Lương là tên của phụ thân. Nguyễn Thị Nhi là tên của phụ mẫu. Tử là con trai. Lương Nhi Tử là có nghĩa là người con trai của hai cụ. Ký bút hiệu Lương Nhi Tử, phải chăng cha Đinh Đồng Thượng Sách muốn bày tỏ một tâm tình con cái đối với các thánh tiền nhân tử đạo Việt Nam ?

Bút hiệu Cung Chi bao gồm một ý nghĩa tôn giáo. Tối 20.11.08, linh mục thi sĩ Đinh Đồng Thượng Sách đã dành cho tôi một cuộc nói chuyện lý thú. Trong những đề tài nói chuyện, cha kể cho tôi nghe về ý nghĩa của bút hiệu Cung Chi lấy từ sách Luận Ngữ: « Vi chánh dĩ đức thí như Bắc-Thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi ». Làm việc liêm chánh, đức độ, ví như sao Bắc thần đứng một chỗ, các vì sao khác đều quy chầu. Người liêm chính và đức độ nhất không ai bằng Đức Mẹ. Trong kinh cầu Đức Bà có câu: « Đức Bà như sao mai sáng vậy ». Cung Chi, lấy từ chữ « củng chi », bỏ dấu hỏi đi cho dể đọc, hàm ý một sự cung kính và yêu mến Mẹ Maria. Đó là tâm nguyện và đường hướng thánh đức của Cha Đinh Đồng Thượng Sách. Ký bút hiệu Cung Chi, có lẽ cha Đinh Đồng Thượng Sách muốn gói ghém một tâm tình cung kính và yêu mến Giáo Hội Việt Nam. Và vì vốn sẵn một tâm tình yêu mến và cung kính mẹ Maria, cha đã muốn, nhân dịp Năm Thánh 2010, nhìn về thuở ấy, lúc ban đầu, năm 1533, Đất Nước hai miền Đại Việt đã có duyên được tiếp Đạo Thánh, để rồi thành lập hai giáo phận tông tòa đãu tiên vào năm 1659, và thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam vào năm 1960; Rồi rủ cả Giáo Hội Việt Nam về quây quần bên Mẹ Lavang mừng Năm Thánh 2010.

Chúa Nhật 27/06/2010, một tuần lễ trước hai ngày Đại Hội « Sống hiệp thông Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Mẹ Việt Nam » của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 03 và 04 tháng 07 năm 2010, cha Đinh Đồng Thượng Sách tặng tôi một tập thơ, trong đó có hai bài thơ mà ngài vừa sáng tác để ghi nhớ Năm Thánh 2010, tổ chức tại Paris. Đó là bài « THUỞ ẤY » và bài « BÊN MẸ LA VANG ».


Bài thứ nhất, với đầu đề là « Thuở ấy », có thi phong kể chuyện. Linh mục kể bốn truyện thuở ấy, lúc ban đầu. Truyện thứ nhất về giáo sĩ đầu tiên đã đến Việt Nam, tên là Inêkhu, để giảng đạo tình yêu, từ nhân, tại hai làng Trà Lũ và Ninh Cường. Truyện thứ hai về Công Chúa Mai Hoa, Thanh Hóa, trở lại đạo và lập Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Truyện thứ ba về hai tử tù ở Thuận Hóa trở lạ đạo và được an táng theo nghi lễ công giáo. Truyện thứ tư về việc Nam Bắc Triều Lê Mạc sai người đi mời các thừa sai đến Đại Việt. Bốn chuyện kể rồi, nhà thơ ngây ngất thấy một tâm tình hạnh phúc trào lên lòng mình: duyên kỳ ngộ cho hai miền đất nước Đại Việt được gặp Đạo Thánh, phúc đại đạo cho dân Việt được giữ đạo đến thiên thu.

THUỞ ẤY

Bước chân lịch sử Inêkhu
Trà Lũ, Ninh Cường nghe « Đạo Từ »(1)
Công Chúa đất Thanh yêu Đức Mẹ
Tù nhân vùng Thuận nhận Giêsu (2)
Lê triều vua chúa vui chào đón
Mạc tộc quan quyền chẳng chối từ (3)
Đất nước hai miền duyên Đạo Thánh
Kể từ thuở ấy đến thiên thu.
CUNG CHI
Paris, 477 năm (1533-2010) Inêkhu đến giảng đạo ở Ninh Cường, Trà Lũ. 350 năm thành lập hai (giáo phận) Tông Tòa và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam

Chú thích
(1). Hai làng Trà Lũ, Ninh Cường (Bùi Chu) được nghe về Đạo đầu tiên, do một người Âu tên là Inêkhu (1533).
(2). Công Chúa Mai Hoa (Thanh Hóa) trở lại đạo, lập Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (1591). Hai tử tù ở Thuận Hóa theo đạo, được an táng theo (lễ nghi) Công Giáo (1595).
(3). Vua Lê, Nam Triều, cũng như nhà Mạc, Bắc Triều, đều cho mời các thừa sai đến Việt Nam

Bài thứ hai, với đầu đề « Bên Mẹ Lavang », qua 5 khúc liên hoàn, tiếp tục kể truyện truyền giáo tại Việt Nam trong hai giai đoạn Tông Tòa và Chính Tòa, và lời bày tỏ những tâm tình thán phục, biết ơn và thống hối.
Khúc liên hoàn đầu tiên kể truyện truyền giáo gian khổ và khó khăn của hai vị giám mục tông tòa đầu tiên ớ Việt Nam. Đức cha Pallu ở Đàng Ngoài và Đức cha Lambert de la Motte ở Đàng Trong. Cả hai vị đều là thành viên sáng lập Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, mà sự nghiệp đã được bắt đầu ở Việt Nam.
Khúc Liên hoàn thứ hai kể truyện việc việt nam hóa Giáo Hội Công Giáo qua sự thành lập Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với các giám mục chính tòa mà đại đa số là người việt nam. Đó là nhờ công ơn phá thạch và khai phóng của các giáo sĩ truyền giáo và công ơn làm vữa làm vôi xây thạch bàn của giáo dân cũng như giáo sĩ người việt, trong đó có cả trăm ngàn vị tử vì đạo.

Khúc liên hoàn thứ ba biểu lộ tâm tình bùi ngùi cảm kích thán phục các tiền nhân công giáo, giáo sĩ truyền giáo cũng như tín hữu việt nam, đã không ngại khó nhọc, cầy sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn, vun tưới đức tin tại Việt Nam. Công ơn của các sứ giả tin mừng đã mang Đạo đến Việt Nam thật là to lớn !
Khúc liên hoàn thứ tư dãi bày một tâm tình biết ơn của kẻ uống nước nhớ nguồn với các hội dòng truyền giáo, đặc biệt là Hội Dòng Đa Minh Giảng Thuyết, Hội Dòng Hèn Mọn Phan Sinh, Hội Dòng Tên Đức Giêsu và Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris.
Khúc liên hoàn thứ năm rủ nhau về tham dự Năm Thánh Việt Nam, để nhìn lại ba chặng đường Giáo Hội Việt Nam đã đi qua, mà cảm tạ Thiên Chúa, tri ân tiền nhân, sám hối những bất trung, quyết tâm sửa đổi, xum vầy cầu nguyện bên Mẹ Lavang.

BÊN MẸ LAVANG

Đại Diện Tông Tòa tại Việt Nam
Sau thời phá thạch thuở khai san.
Đàng Ngoài đã hẳn đầy gian khổ,
Chắc chắn Đàng Trong lắm khó khăn.
Đức Giám Pallu lo phía Bắc
Đức Thầy La Motte giúp miền Nam.
Cả hai khai sáng Hội Truyền Giáo
Sự nghiệp bắt đầu bên Việt Nam

Sự nghiệp bắt đầu bên Việt Nam
Hơn ba thế kỷ phận chu toàn.
Hội Đồng Giám Mục dân người Việt,
Giáo Hội Việt Nam, non nước Nam.
Chủng viện dòng tu thêm phát triển,
Giáo dân trùm họ càng kiên gan.
Trăm ngàn tử đạo,… cao hơn nữa
Làm vữa làm vôi vững thạch bàn.

Làm vữa làm vôi vững thạch bàn.
Bùi ngùi cảm kích vẹn trăm phần.
“Cầy sâu cuốc bẫm” châu lai láng,
“Chân lấm tay bùn” lệ chứa chan.
Cây đã vươn lên tươi bát ngát
Lúa vừa chin tới rộn hân hoan.
Bước chân sứ giả xưa không đến,
Thì Đạo ra sao bên Việt Nam?

Kính xin đội tạ muôn ngàn trùng,
Hồn Việt bao giờ dám bội vong?
“Uống nước nhớ nguồn” ghi tạc dạ
“Trồng cây ăn quả” thuộc nằm lòng.
“Đa minh giảng thuyết” be bờ ruộng,
“Hèn mọn Phan Sinh” nối mạch nương.
“Hội Đức Giêsu” gieo thóc giống
“Thừa sai ngoại quốc” tát gầu sòng.

Cử hành Năm Thánh Việt Nam ta,
Nhìn lại chặng đường Giáo Hội nhà
Cảm tạ CaoThiên ơn trọng đại
Tri ân tiền bối công bao la
Có phần xám hối không trung tín
Có chí quyết tâm thật thiết tha
Đền Thánh Lavang con cháu Việt
Quây quần bên Mẹ tiếng vui ca.

CUNG CHI
Paris, kỷ niệm 350 năm thành lập hai Tông Tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm.


Qua hai bài thơ « THUỞ ẤY » và « BÊN MẸ LAVANG », thi sĩ linh mục Cung Chi Đinh Đồng Thượng Sách đã đóng góp vào việc sống và cử hành NĂM THÁNH 2010 một cách tích cực và toàn diện. Ba tiếp cận đã được xử dụng: lịch sử, mục vụ và cảm xúc.
Với tiếp cân lịch sử, linh mục Đinh Đồng Thượng Sách đã trình bày tóm tắt những niên đại, sự kiện và nhân vật lịch sử của Lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
Với tiếp cận mục vụ, linh mục Đinh Đồng Thượng Sách đã nhắc đến Lòng hăng say truyền giáo của các giáo sĩ, Lòng mến Đức Mẹ của người Công giáo Việt Nam, Đạo thương người, tâm tình thán phục, biết ơn và thống hối, lòng quyết tâm sửa đổi,. . của tín hữu việt nam, bên Mẹ Lavang, trong dịp cử hành Năm Thánh 2010.
Với tiếp cận cảm xúc, thi sĩ Cung Chi không dấu được xúc động nhẹ nhàng nhưng thâm sâu mà ông cảm nhận: duyên kỳ ngộ đựợc tiếp nhận Đạo Thánh; ước mong cho Đạo được tồn tại và phát triển thiên thu; cảm phục, tâm phục và lý phục công ơn to lớn của các vị truyền giáo và các thánh tử đạo tiền nhân; ấp ủ một tâm tình hiệp thông, bác ái, hối cải, quyết tâm để sống và cử hành NĂM THÁNH 2010 bên MẸ LAVANG.

Cách tiếp cận ba chiều: khởi đầu từ nhận thức thực tại lịch sử, để xây dựng công trình mục vụ, hầu tiến vào cảm xúc huyền nhiệm mà linh mục thi sĩ Cung Chi Đinh Đồng Thượng Sách đã dùng để nói về Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam quả là có Thủy có Chung. Thủy chung theo nghĩa thời gian, có đầu có đuôi, mà cả theo nghĩa quản lý mục vụ và tu đức nữa, khởi từ thực tại, biến chuyển như trí thủy, rồi đi qua sống đạo hầu tri ngộ được con đường Chúa muốn cho mình, mà tiến về huyền nhiệm, nơi trường sinh bất diệt, vững chắc như đức sơn.

Paris, ngày 17 tháng 10 năm 2010