HÀ NỘI - Cách đây ít ngày, nhân khi ngồi uống nước với mấy anh bạn người Công giáo. Tôi buột mồm than vãn:

(Photos: Trần Hà)
- Một năm có 365 ngày thì 364 ngày tôi chỉ tính toán thu vén cho bản thân mình (mà có được bao nhiêu đâu). Tôi muốn có một ngày chia sẻ cho nhẹ gánh sống.
- Vậy thì đi tiếp sức mùa thi… Thứ ba này nhé? Anh Đạt thuộc Tổng hội Sinh viên Công giáo Hà nội, nói.
- Đồng ý!

Chiều thứ ba (7/7), tôi nhận được tin nhắn: “14h30 tại Nhà thờ Thái Hà có chương trình tiếp sức mùa thi”.

Thế là tôi dắt xe máy ra, đem theo 2 cái mũ bảo hiểm, hai áo mưa, đổ đầy một bình xăng sẵn sàng cho cả chục chuyến “xe ôm tiếp sức”. Trên đường đi, tôi ghé vào một hiệu thuốc mua chục lọ thuốc cảm xuyên hương và bổ phế cho vào cốp xe. Mấy hôm nay trời cứ mưa nắng sụt sùi thế nào ấy, đề phòng có có sĩ tử nào cảm, ốm còn có thứ mà dùng.

Đến Nhà thờ Thái Hà, anh Đạt đã đứng sẵn ở cổng lớn, cạnh một chiếc xe ô tô đầy bụi đường. Đạt mỉm cười bảo tôi: “Anh cất xe máy vào kia”.

Yên vị trong xe ô tô rồi, tôi vẫn cứ băn khoăn về nhiệm vụ của mình và túi thuốc để lại trong cốp xe máy. Trên xe lúc này có một vị linh mục, một nhà văn, một luật sư và một nữ phóng viên trẻ măng.

Họ sôi nổi trao đổi với nhau về những nơi, những việc tiếp sức mùa thi đang còn gặp khó khăn, chưa được hoàn tất. Vị linh mục, luôn bận rộn với với những cuộc điện thoại gọi đến, ngài liên tục hướng dẫn, điều động, hẹn chiều, tối, rồi mai sẽ có mặt xử lý, giải quyết…

Chiếc xe đang lăn trên bánh trên đường ra ngoại thành thì thấy bên phải đường, một tình nguyện viên và một sĩ tử đeo ba-lô, tay nải đang loay hoay bên xe máy. Chiếc xe có máy vấn đề gì đó. Chúng tôi nhận ngay ra “người nhà” nhờ chiếc áo xanh tình nguyện của thanh niên Tổng Giáo phận Hà Nội. Mọi người trên xe xôn xao, và xe ô tô dừng lại ngay lập tức. Chúng tôi vội vã xuống vây quanh đôi bạn trẻ.

“Thưa cha không có gì ạ, con đổ thêm xăng thôi”- anh chàng tình nguyện viên lễ phép thưa với vị linh mục. Người anh nhễ nhại mồ hôi nhưng ánh mắt thì sáng ngời, rắn rỏi.

Cùng lúc đó người bán xăng lẻ bên vệ đường đem tới một chai xăng. Vậy là tất cả chúng tôi đều an tâm. Vị linh mục ân cần dặn dò trước khi cùng chúng tôi lên xe ô tô đi tiếp: “Có bất cứ việc gì thì điện thoại cho anh em và cha ngay nhé”.

Tôi chợt hiểu, mình đang tham gia tiếp sức cho các tình nguyện viên hơn là tiếp sức cho các sĩ tử.

Bốn giờ chiều chúng tôi có mặt tại Nhà thờ Cổ Nhuế. Ở đây đã có khoảng hơn 100 nam thanh nữ tú tập trung dưới tầng 1 của một toà nhà 5 tầng thoáng mát. Tôi không thể nhận ra được đâu là tình nguyện viên đâu là sĩ tử nếu không có màu áo xanh tình nguyện. Tất cả đang thoăn thoắt làm việc, từng nhóm từng nhóm một. Nhóm thì đang thu xếp, vận chuyển đồ, nhóm thì nấu ăn, nhóm thì chuẩn bị hội trường dể sinh hoạt tập thể, nhóm thì ngồi chia sẻ kinh nghiệm, còn có nhóm thì vừa làm vừa “chòng ghẹo” nhau cười rúc rắc, rồi thì họ còn “chòng ghẹo” cả tôi nữa.

Một cậu tiến lại gần tôi nói:
- Chú là tình nguyện viên trẻ nhất đấy.

Lúc này tôi đã mặc trên mình chiếc áo xanh tình nguyện. Tôi làm bộ cau mặt nhưng bật cười:
- Đã chú rồi thì còn trẻ làm sao được nữa?

Một cậu khác không tha tôi, bồi thêm:
- Chú trẻ nhất trong những người già ấy mà.

Tôi cứng lưỡi, nhưng vẫn vớt vát:
- Tôi mới năm mươi thôi bạn anh bạn đồng niên ạ.

Một bạn gái có phần thương tôi an ủi:
- Chú đừng buồn, dù sao chú cũng đã đi vào “gui-net”, chú là tình nguyện viên cao tuổi nhất đấy.
- Có quý không? - Tôi hỏi.
- Có ạ.
- Có hiếm không? -Tôi lại hỏi.
- Có ạ.
- Có sắp bị tuyệt chủng, nằm trong sách đỏ của Liên Hợp Quốc cần phải bảo vệ không? - Tôi hỏi tiếp.
- Chú này! - Cô bé thẹn thùng bỏ chạy lại với nhóm bạn gái của mình. Tất cả chúng tôi cùng cười vang trong trời chiều mát mẻ.

Tôi hoà vào công việc, sinh hoạt tập thể, của các bạn trẻ. Tôi đi xuống tập bếp ăn, đến cả nơi ngủ, tất cả đều gọn gàng đơn giản nhưng đầy đủ và thoáng mát. Tôi cố tìm lấy một cơ hội nào đó để “chia sẻ”. Gặp ai, nhóm nào tôi cũng nhận được những lời nói lễ phép, thái độ ân cần trọng thị.

Có lúc tôi cảm thấy lúng túng và băn khoăn “Mình là ai? Đã làm gì mà lại được tôn trọng như vậy?” để rồi lại tự lý giải rằng: “Bản chất của người Công giáo là thế, họ vốn khiêm nhường và chân thật”.

Bốn giờ rưỡi chúng tôi lên hội trường cùng nhau sinh hoạt tập thể. Mọi người cầm tay nhau nhìn vào mắt nhau cùng hát vang các khúc ca nồng thắm, hoan hỉ dưới sự dẫn dắt rất mát tay của Linh mục Nguyễn Văn Khải:

“Gần nhau trao cho nhau, yêu thương tình loài người,
Gần nhau trao cho nhau, tin yêu đừng gian dối
Gần nhau trao cho nhau, ánh mắt nhân loại này,
Tình yêu trao cho nhau, xây đắp nên tình người”.


Không khí yêu thương lan toả khắp hội trường, đi thi mà như trở về nhà, từ muôn phương tới đây gặp nhau chưa đầy tiếng đồng hồ mà tin cậy nhau như anh em vậy. Tình cảm được dâng lên khi Luật sư Lê Quốc Quân hùng biện, chia sẻ nỗi niềm của anh, sự kỳ vọng của anh trông cậy vào các sĩ tử, khi nhà văn Nguyễn Hoàng Đức truyền trao cho các em những tinh hoa, những chiêm nghiệm sâu sắc của mình. Đỉnh cao là một thánh lễ long trọng do Linh mục Nguyễn Văn Khải chủ lễ với nghi thức “Sai đi” cảm động và linh thiêng. Tất cả để cho các em vượt qua kỳ thi, học tập thật tốt, mai này thành người công chính giữa đời.

Rồi chúng tôi cùng nhau dùng cơm chiều. Có chừng 20 mâm đầy đặn được các tình nguyện viên nấu nướng dọn sẵn trên dãy bàn ăn ngay ngắn. Trong mỗi mâm có đầy đủ thịt, cá, canh chua, rau xanh, có bát cơm trắng đong đầy thơm mùi gạo mới và trái cây tráng miệng ngọt ngào.

Tôi ngồi cùng mâm với các sĩ tử, họ gắp cho nhau, mời nhau, nài nhau ăn thêm nữa lấy sức mà đi thi. Tôi có thi cử gì đâu mà cũng được mọi người gắp cho đầy bát, thật là ấm lòng.

Ăn uống xong, chúng tôi vội vã đến Giáo xứ Phùng Khoang. Tất cả tập trung tại nhà khách Tu đoàn Truyền Tin. Mọi người ngồi quây lại thành hai vòng tròn. Những tình nguyện viên ngồi vòng trong, sĩ tử đi thi ngồi vòng ngoài. Chúng tôi lại nắm tay nhau, cùng hát, cùng giao lưu chia sẻ. Linh mục Nguyễn Văn Khải năng động đến lạ lùng, chỉ với cái sàn nhà năm sáu chục mét vuông gì đó, không loa máy, không đàn nhạc, phông màn vậy mà chúng tôi vẫn có được một chương trình giao lưu mặn nồng, sống động. Các sĩ tử có được lễ thức “sai đi” thiêng liêng, trang trọng.

Tôi đã nắm chặt tay một cô bé ngồi cạnh bên, trong hàng tình nguyện viên. Tôi giơ tay cao lên nhưng người lại phải cúi khom xuống vì cô nhỏ này chừng chỉ năm hay sáu tuổi gì đó, vậy mà đã tham gia “tiếp sức mùa thi”. Một hình ảnh quý giá hiếm hoi mà ít người chú ý: Tình nguyện viên lớn tuổi nhất và tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất cùng chung tay tiếp sức mùa thi.

Tôi đã rất khó khăn khi đứng lên chia sẻ tâm tư của mình. Chia sẻ gì đây? Trong một năm tôi đã có đến 364 ngày sống dối, nói dối (dù sự dối của tôi không làm chết một con gián). Tôi muốn sống thật, nói thật trong ngày hôm nay, rằng… tôi tới đây với mấy chuyến xe ôm đang còn trong dự kiến, rằng tôi đã nhiều lần đi thi trong cái thời bao cấp xa xưa mong dành lấy tấm bằng, để có việc làm, có cơm gạo nuôi thân… vậy mà ở đây tôi lại nhận được quá nhiều. Tôi đã thấy các bạn yêu thương đùm bọc nhau như anh em trong một nhà, tôi đã lãnh nhận trọn vẹn tình cảm ấy. Tôi đã nhận được “Lửa” vươn lên từ luật sư Lê Quốc Quân. Tôi đã nhận được tâm tình sâu lắng của nhà văn Nguyễn Hoàng Đức... Tôi đã thấy quyết tâm của các bạn trẻ trước kỳ thi để mai này làm muối cho đời.

Mãi đến mười giờ đêm mới tan hội. Mọi người ra về bắt tay nhau, ghi địa chỉ, lấy số điện thoại, xin chữ ký... rộn ràng nồng ấm. Trời quang mây, đã thấy sao xa lấp lánh trên trời đêm, trăng vằng vặc tỏ lộ.

Tôi bỗng thấy xao xuyến chạnh lòng mình khi nghĩ tới còn bao nhiêu sĩ tử là con em đất Việt với bao thi phía trước. Cầu mong cho họ thấy được lối đi, biết được nơi đến, có được sự chăm sóc trọn lành trong những ngày vượt “vũ môn”.

Hà Nội, 10/7/2009