CỘNG ĐỒNG VÀ VẬN ĐỘNG CHÍNH TRỊ TẠI HOA KỲ (LOBBY)

Trong lịch sử, không nước nào căm thù Mỹ bằng Nhật Bản sau khi bị hai quả bom nguyên tử san bằng hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Cũng không có nước nào cay đắng Mỹ bằng Đài Loan sau khi bị “đá” ra Liên Hiệp Quốc để đưa kẻ thù Trung Cộng thế vào v.v.. Thế mà bây giờ “Toyota” chạy đầy đường, áo quần mang nhãn hiệu “Made in Taiwan” bán cùng shopping Mỹ. Phải chăng người Nhật đã “ngộ” đến nỗi quên mất mối thù? Phải chăng nhân dân Đài Loan đã “vô vi” đến nỗi quên cả cái nhục? Chắc chắn là không, trái lại họ còn nhớ rất kỹ là đằng khác. Nhưng vì tương lai của quốc gia, vì có cái nhìn thực tiễn, vì không muốn đào thải ra khỏi trào lưu tiến hóa của nhân loại, do đó họ phải âm thầm nuốt hận ngậm cay, thế thôi ! Họ áp dụng đúng lời khuyên của văn hào Victor Hugo “Nếu anh không phải là sử gia, thì không nên dành để quá nhiều thì giờ nghĩ lẩn quẩn những việc đã qua”.

Hẳn quý vị còn nhớ năm 1979, Đặng Tiểu Bình dạy đàn em ngỗ nghịch một bài học tại 4 tỉnh biên giới Hoa-Việt, còn Cộng sản Việt Nam thì ra rả “Tiếng Trống Mê Linh”, “Thái Hậu Dương Vân Nga” chửi Tàu inh ỏi. Thế mà tháng 7 năm 1996, thủ tướng Lý Bằng lại đích thân qua dự đại hội đảng Cộng sản Việt Nam kỳ 8, còn Việt Nam thì hô hào xây đường rầy xe lửa nối liền tình hữu nghị Việt -Trung. Con gấu Liên Sô với hỏa tiễn “SAM”, phản lực “MIG” từng một thời làm cho Mỹ thất điên bát đảo, thế mà năm 1987, tổng bí thư Mikhail Gorbachev lại ngoan như con cừu non khi qua hội kiến với tổng thống Ronald Reagan tại Nữu Ước. Chỉ với một đám người trang bị mấy cây mã tấu và vài ba khẩu súng lẹt tẹt, thế mà làm cho hạm đội Mỹ quay đầu chạy có cờ khi Hoa Kỳ định can thiệp vào nội tình Haiti, để rồi sau đó Hoa Kỳ phải cử cựu tổng thống Jimmy Carter và tướng Colin Powell qua thương lượng tặng ông “tướng phản loạn” mấy trăm triệu để ông ta ra đi, và rước ông tổng thống Jean Bertrand Aristide lưu vong trở về nước. Xứ đói Bắc Hàn cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng lại “hù” chế bom nguyên tử. Dù biết là “dỏm” nhưng Mỹ Vẫn cử cựu tổng thống Jimmy Carter qua “hối lộ” 2 tỷ đô la cho yên chuyện.

Kể ra vài thí dụ điển hình trên để chúng ta thấy thế giới có khuynh hướng muốn tránh những sự đối đầu đụng chạm không cần thiết. Họ không muốn chiến tranh, họ không muốn đổ máu, họ chỉ muốn được yên thân mà thôi. Nhân loại đang bước vào một thiên niên kỷ với tiến bộ vượt bực của khoa học, điện toán. Các vũ khí nguyên tử, hóa học, súng đạn đang được thế giới hủy diệt và tái chế thành những sản phẩm hữu dụng cung ứng cho đời sống con người. Đông Âu, Liên Bang Sô Viết sụp đổ tốn rất ít máu xương, hòa bình Trung Đông đang ký kết sau bao tháng năm dài kèn cựu cố chấp v.v…Thời đại này con người đến với nhau bằng lời nói, bằng ngoại giao, bằng giải pháp chính trị. Chính vì vậy mà vấn đề “vận động chính trị” (lobby) đóng một vai trò rất quan trọng và cần thiết vô cùng.

Người Mỹ từng nói: “Nước Mỹ không có bạn suốt đời, mà cũng không có kẻ thù muôn kiếp. Chỉ có quyền lợi nước Mỹ trên hết”. Thật là câu nói quá duy vật tầm thường, nhưng liệu chúng ta có thể làm gì khác hơn là phải chấp nhận, chấp nhận một thực tế phũ phàng.

Năm 1975, mọi người đều thừa biết là miền Nam Việt Nam sụp đổ không phải vì dân chúng thiết tha cái chủ nghĩa Marx-Lenin gian ác bạo tàn, cũng không phải vì quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu không anh dũng hào hùng. Chúng ta không thất trận tại chiến trường Việt Nam, nhưng chúng ta thua giặc ngay tại chính trường Hoa Thịnh Đốn. Không có vị tổng thống Mỹ nào dù thuộc đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ lại yêu thương đất nước Việt Nam bằng chính người Việt Nam. Không có thượng nghị sĩ Mỹ nào dù diều hâu hay bồ câu lại quan tâm đến tự do, dân chủ, nhân quyền cho 80 triệu đồng bào Việt Nam bằng chính người Việt Nam. Không có dân biểu Mỹ nào dù bảo thủ hay cấp tiến lại lo lắng an sinh xã hội SSI cho các cụ cao niên Việt Nam bằng chính người Việt Nam. Không có ngoại trưởng Mỹ nào dù đàn ông hay đàn bà lại xót xa thảm cảnh thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam bằng chính người Việt Nam v.v.. Hiểu được như vậy để cần phải dè dặt hơn trong việc đặt quá nhiều hy vọng nơi lòng từ tâm của các chính khách, dân cử Mỹ. Mặc dù không thể phủ nhận một số sự giúp đở của họ vì nhân đạo hay có cùng lập trường chống cộng, như cựu thượng nghị sĩ Bob Smith, cựu dân biểu Robert K. Dornan chẳng hạn. Tuy nhiên, điều tiên quyết mà hầu hết chính khách, dân cử Mỹ quan tâm vẫn là tiền và lá phiếu.

Trên chính trường như thương trường, không ai làm điều gì mà không nghĩ đến cái lợi. Bởi vậy, nếu muốn các chính khách, dân cử Mỹ quan tâm đến tiếng nói của cộng đồng một cách nghiêm chỉnh, và đáp ứng nguyện vọng cộng đồng một cách thỏa đáng, chúng ta phải xử sự với họ một cách sòng phẳng, phải dẫn giải cho họ thấy được cái thế “lưỡng lợi”, tức vừa có lợi cho họ mà vừa có lợi cho cộng đồng. Nước Mỹ có câu “nothing free!”

Tại Mỹ, một quốc gia dân chủ pháp trị, tất cả chính sách, đạo luật được quyết định bởi Quốc Hội và lá phiếu của người dân. Mọi tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng giải pháp chính trị chứ không bị áp đặt như chế độ độc tài đảng trị của cộng sản. Vũ khí đấu tranh tại đây không phải là súng đạn, xe tăng, mã tấu, mà chính là những chữ ký và thỉnh nguyện thư của dân chúng. Có nhiều cách gởi thỉnh nguyện thư (petition letter) như: email, thư bưu điện, bưu thiếp, điện thư fax v.v.. Tuy nhiên, nếu xữ dụng nó một cách bừa bãi, xô bồ, thiếu phương pháp, không đúng lúc đúng chỗ, thì chẳng những không mang lại kết quả như ý, mà trái lại sẽ trở thành vô duyên lạc lỏng, có khi còn bị tốn kém mất công, hoặc còn bị phản tác dụng nữa là đằng khác.

Bằng chứng là trong thời gian bị khủng bố 9/11, Quốc Hội tại Hoa Thịnh Đốn nhận một số thư có chứa bột độc Anthrax do những phần tử xấu gởi đến. Để chận đứng sự lan tràn những loại thư từ bưu phẩm nguy hiểm này, Quốc Hội đặt kế hoạch không nhận trực tiếp, mà lại chuyển tất cả thư từ bưu phẩm về tiểu bang Iowa để kiểm soát trước. Trong cùng lúc đó, có một số tổ chức người Việt tỵ nạn phát động chiến dịch gởi bưu thiếp (postcard) cho các vị dân cử Quốc Hội để nhờ can thiệp cho tình trạng tù tội của Linh Mục Tađêô Nguyễn Văn Lý. Rủi thay, tất cả bưu thiếp đó đã bị chuyển đến trung tâm kiểm soát thư tại Iowa, và bị hủy bỏ mà không chuyển đến Quốc Hội. Trong chuyến đi vận động tại Quốc Hội sau đó, tình cờ chúng tôi hỏi ra mới biết tin buồn này. Kể vậy không hề nhằm chỉ trích, nhưng để rút tỉa kinh nghiệm. Ước gì ban tổ chức chiến dịch này liên lạc cập nhật, thường xuyên với Quốc Hội để theo dõi kết quả thì chắc chắn đã phát giác sự trục trặc này sớm hơn, tránh khỏi phí phạm tiền bạc, công sức cộng đồng gởi mấy chục ngàn bưu thiếp một cách vô ích như vậy.

Sự vận động, đấu tranh của cộng đồng có lúc bị thất bại, có lúc được thành công. Tuy nhiên, có khi cộng đồng hưởng lây cái thành công đó do sự trùng hợp ngẫu nhiên, “phước chủ may thầy”, hay “nằm giữa khỏi đắp chăn”. Người có đạo đức và liêm sỉ không nên lợi dụng tính dễ tin, lòng chất phác đơn sơ của một số đồng hương để rồi cho họ uống nước đường, đưa họ đi trên mây, và trao cho họ ăn cái bánh vẽ. Có thể những kỹ thuật, thủ đoạn đó tạo cho một thiểu số người nhẹ dạ hãnh diện, hớn hở, vui mừng, hay thỏa mãn ít nhiều tự ái nhất thời, nhưng hỏi có lợi ích gì cho cộng đồng về lâu về dài ? Cần bày tỏ lòng biết ơn, cảm phục sâu xa đến những cá nhân, tổ chức có thiện chí vận động, đấu tranh cho quyền lợi đất nước, cộng đồng một cách “thực chất” và hữu hiệu, tuy nhiên cũng nên dè dặt và cẩn thận trước mánh lới của những kẻ hoạt đầu chính trị, lợi dụng sự xúc động, lo âu, bất mãn của đồng hương trước một vài thiệt thòi quyền lợi, hay bị đụng chạm ít nhiều tự ái, để rồi khích động, giật dây, xúi giục bằng những chiêu bài mị dân vì “đất nước”, “cộng đồng”, “nhân đạo” nhưng thực chất chỉ là mượn cái lớp áo “chính nghĩa”, “đạo đức” bề ngoài để vinh thân, phì gia, ăn trên ngồi trước, hoặc bảo vệ cái “job”, nồi cơm, hay duy trì cái “fund” mà họ đang được hưởng.

Có định nghĩa cho rằng chính trị là một nghệ thuật “trao đổi”, tức phải có qua, có lại. Bởi vậy nên xét xem cộng đồng có thể ủng hộ được gì và muốn đền đáp điều chi ? Hiện cộng đồng có bao nhiêu lá phiếu ? Khả năng ủng hộ tài chánh cho quỹ tranh cử ra sao? Hiểu chính xác các dữ kiện như vậy thì cộng đồng mới có thể dùng nó mà ra trao đổi, mặc cả với các chính khách, dân cử một cách “hợp tình, hợp lý”. Các chính khách, dân cử rất rành rẽ trong lãnh vực xã giao. Họ sẵn sàng tươi cười bắt tay chụp những tấm hình lưu niệm. Họ luôn có sẵn cái mẫu thư hồi âm nghe rất lịch sự êm tai. Tuy nhiên họ cũng lại có cái máy điện toán, mà chỉ cần nhấn cái nút là có thể biết tất cả sự thật về những điều khoát lác khoe khoang. Tại xứ sở này, muốn chụp hình với tổng thống, muốn uống cà phê với tổng thống, muốn chạy bộ với tổng thống, muốn ngủ trong phòng cố Tổng Thống Abraham Lincoln tại Tòa Bạch Ốc rất dễ, chỉ cần bỏ tiền ra là được. Chính vì vậy mà cộng đồng người Việt Quốc Gia nên phân biệt ai là người tiếp xúc với chính giới Mỹ để vận động cho quyền lợi đất nước cộng đồng, và kẻ nào tiếp xúc với chính giới Mỹ để nối giáo cho bạo quyền cộng sản, cũng như cho tư lợi phe nhóm cá nhân.

Theo báo chí, trong thập niên 90, tiến sĩ nằm vùng Nguyễn Văn Hảo nhận chỉ thị của Bắc Bộ Phủ hối lộ cho ông chủ tịch đảng Dân Chủ Toàn Quốc Ron Brown 700,000 Mỹ kim để vận động giải tỏa cấm vận, và tên vô liêm sỉ Nguyễn Văn Hảo này đã trốn chui trốn nhủi mấy năm nay để tránh né sự truy tầm của cơ quan an ninh Hoa Kỳ. Với tiền rừng bạc bể vơ vét của nhân dân, Bắc Bộ Phủ đang thuê mướn rất nhiều chuyên viên “vận động chính trị” (lobbyists) với sự tiếp tay của bọn Việt gian, đón gió trở cờ len lỏi vào sinh hoạt chính trị Mỹ để đánh phá cộng đồng. Sự kiện Trung Cộng đút lót tiền bạc ủng hộ quỹ vận động tranh cử cho đảng Dân Chủ và Tổng Thống Bill Clinton từng bị “nổ lớn” tại Quốc Hội.

Các vị dân cử như dân biểu, thượng nghị sĩ cấp liên bang, tiểu bang có ít nhất hai văn phòng làm việc, một văn phòng nằm tại Quốc Hội vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hay tại thủ phủ mỗi tiểu bang, chẳng hạn như tại Sacramento của California, hay Austin của Texas v.v…,còn văn phòng địa phương thì đặt ngay trong địa hạt mà họ đại diện. Hầu hết thời gian các vị dân cử sống và làm việc tại Quốc Hội, họ rất ít khi về địa phương trừ những dịp lễ lộc hay tranh cử. Do đó khi cộng đồng đi vận động, không nhất thiết cần phải gặp cho được mặt các vị dân cử nếu không thuận tiện. Chỉ cần tiếp xúc thảo luận với các người phụ tá là được rồi. Các vị dân cử biết tổng quát các vấn đề nên thông thường dựa theo lời cố vấn, sắp xếp của các người phụ tá chuyên môn. Địa chỉ, số phone các vị dân cử có trong sổ niên giám điện thoại hay trên internet như www.senate.gov hay www.house.gov.

Vì cộng đồng gồm những người “tình nguyện” vận động chính trị, do đó cách trình bày vấn đề và sự gây ảnh hưởng chắc chắn không khả quan và hữu hiệu bằng những người “chuyên nghiệp” khi tiếp xúc với các vị dân cử. Tuy nhiên, nếu áp dụng những điều sau đây, sẽ giúp ít nhiều cho công tác :

1) Luôn lịch sự, không bao giờ cãi cọ, dọa dẫm.

2) Luôn lấy hẹn trước. Nếu cái hẹn chỉ cho gặp được người phụ tá thì cũng đừng thất vọng buồn bã.

3) Đến đúng giờ. Giới thiệu tổ chức cộng đồng. Nếu đã ghi danh cử tri bầu cử trong địa hạt đó thì nên nói ra.

4) Trình bày các bằng chứng xác thực, ngắn gọn, có tính cách thuyết phục. Nên để lại các tài liệu dẫn chứng.

5) Chuẩn bị sẵn những câu trả lời. Nếu không thể trả lời thỏa đáng những câu hỏi thì không nên ngại ngùng thừa nhận. Hẹn sẽ trả lời sau khi về nghiên cứu tìm hiểu.

6) Biết lắng nghe. Hãy để các vị dân cử hay phụ tá trình bày lập trường quan điểm của họ.

7) Nên cám ơn sự giúp đỡ. Nhờ giới thiệu liên lạc với các vị dân cử khác, Nếu bị từ chối sự yêu cầu thì không nên trách móc, mà hãy tỏ ra thân thiện để có cơ hội trở lại nhờ dịp khác.

9) Không nên “nói hành nói tỏi” hay đề cập, bàn tán về các vị dân cử, phụ tá, đảng phái, cá nhân trong các hành lang building, hay trong thang máy trước khi gặp hẹn vì có nhiều người để ý.

10) Gởi thơ cám ơn sau khi gặp hẹn. Nên nhắc sơ qua vấn đề đã nhờ cậy để tạo thiện cảm sau này cần tới.

Các chính khách, dân cử Mỹ có thể quý trọng, tin cậy một người “phó thường dân” dù người này chỉ có thể đem lại vài chục lá phiếu, vài trăm đô la hơn là họ quan tâm đến một vị nhân danh “lãnh tụ” cả triệu người nhưng chẳng có quyền bảo ai bỏ cho họ lá phiếu. Các chính khách, dân cử Mỹ không để ý đến lời hứa hươu hứa vượn vì chính bản thân họ có thừa kinh nghiệm và đầy “thành tích” này trong lúc vận động tranh cử.

Bản chất người Việt Nam nhiều tình cảm và thích “quà cáp”. Tuy nhiên đối với luật lệ khắc khe của chính phủ Hoa Kỳ (trên giấy tờ), chính trị gia chỉ được phép nhận quà giá trị tổng cộng tối đa 200 Mỹ kim trong một năm (trên lý thuyết và “công khai” mà thôi!). Chính vì vậy, cộng đồng không nên “hào sản” quá mức, mà chỉ nên tặng cho các chính trị gia món quà kỷ niệm tượng trưng nhưng có ý nghĩa là được rồi. Để tránh tình trạng hối lộ và mua chuộc chính trị gia, luật bầu cử chính phủ chỉ cho phép mỗi ngưới dân được ủng hộ quỹ tranh cử theo giới hạn luật định. Chẳng hạn, theo luật California 2004, chỉ cho phép ủng hộ quỹ tranh cử của ứng cử viên chức vụ tiểu bang tối đa là 3,200 Mỹ kim vào mỗi kỳ bầu cử. Kế toán chi tiêu và danh sách tên tuổi của các ủng hộ viên phải được báo cáo với chính phủ. Tuy nhiên, đó là nói theo “sách vở”, chứ các “lobbyists” thì họ có bí quyết chi rất “đẹp mắt” nhưng lại hợp pháp, vì đó là “nghề” của họ.

Sinh hoạt chính trị Mỹ tốn kém rất nhiều thì giờ. Không phải chỉ bận bịu ồn ào trong mùa bầu cử thôi, cũng không phải chỉ hội họp Xuân Thu nhị kỳ, mà cần phải hoạt động một cách liên tục và đều đặn. Tham dự vào sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ không cần phải gia nhập chính thức vào một đảng phái nào, tuy nhiên cũng không có nghĩa là ngồi trong phòng khách rồi có quyền lên tiếng dọa dẫm. Có gần gũi, sẵn sàng ủng hộ các đảng phái, ứng cử viên, thì khi cộng đồng cần đến sự hỗ trợ thì họ mới vui vẻ đáp ứng. Vì là một quốc gia có dân trí cao và nền dân chủ lâu đời nên vấn đề kỳ thị trả thù, bôi nhọ những người khác đảng phái hay bất đồng chính kiến rất ít xảy ra. Đối với những người Việt Nam có lòng, có lý tưởng đang tham gia hoạt động trong các đảng phái như: đảng Cộng Hòa, đảng Dân Chủ, đảng Xanh, đảng Tự Do, đảng Luật Tự Nhiên, đảng Hòa Bình và Tự Do, đảng Người Mỹ Độc Lập, đảng Cải Cách v.v.., không nên cấu xé, gấu ó, khích bác nhau. Nên quan niệm việc gia nhập đảng này, ủng hộ ứng cử viên nọ, hỗ trợ cho dự luật kia v.v.., tất cả chỉ là phương tiện, mà cứu cánh chính là dùng cái môi trường, sự quen biết, chỗ đứng chính trị đó để vận động, tranh đấu cho quyền lợi đất nước và phúc lợi cộng đồng. Còn những người có mưu đồ lợi lộc riêng tư thì khỏi cần bàn tới.

Tinh thần làm việc tình nguyện (volunteer) ở Mỹ rất cao. Hàng triệu người dân tình nguyện giúp “free” cho các ứng cử viên mà không có điều kiện nào cả, vì lý do họ có cùng lý tưởng, quan điểm, chính sách. Tuy nhiên các tình nguyện viên thuộc loại “năng nổ”, thì thường tính chuyện kiếm “job”sau này. Do đó không ngạc nhiên, mỗi lần đắc cử hay có chính phủ mới là Tòa Bạch Ốc hay thủ phủ tiểu bang thay đổi nhân sự, người vào hớn hở, kẻ ra buồn thiu. Nói như vậy, chớ cũng có một số ít tình nguyện viên này không chủ trương kiếm job cho bản thân, nhưng lại muốn các ứng cử viên đắc cử trả ơn lại cho cộng đồng đất nước. Nếu được tuyển chọn vào làm nhân viên ăn lương, tức sòng phẳng rồi, thì phải “ăn cơm chúa, múa tối ngày”, đâu còn nợ nần ơn nghĩa gì nữa mà phải trả.

Chuyện ông Bill Clinton mê gái, hút cần sa, chuyện ông Bob Dole tàn tật, tuổi già chẳng có ảnh hưởng, quan trọng gì đến đất nước cộng đồng cả, mà cái cần quan tâm, để ý là xét xem cái chính sách, quan điểm của họ có lợi hay hại cho đất nước cộng đồng người Việt ra sao ? Thật lầm lẫn nếu nghĩ rằng đảng Cộng Hòa hay cố Tổng Thống Richard Nixon chống cộng triệt để vì ủng hộ người Việt Quốc Gia, mà cũng rất sai trái nếu tin rằng đảng Dân Chủ hay cựu Tổng Thống Bill Clinton tăng tiền SSI vì yêu thương người nghèo tỵ nạn. Tất cả chính sách họ thực hiện đều vì quyền lợi tối thượng nước Mỹ cả. Mỗi vị tổng thống, mỗi đảng phái có đường lối kinh bang tế thế khác nhau, nhưng tựu chung cũng không ngoài mục đích muốn phục vụ nhân dân và làm cho dân Mỹ giàu, nước Mỹ mạnh. Đảng Dân Chủ giúp đỡ dân nghèo bằng cách cứ ngày nào cũng chở cá đến nhà cho dân ăn, còn đảng Cộng Hòa thay vì cho cá thì lại cho cái cần câu và dạy cách câu để tự câu cá mà ăn. Đảng Cộng Hòa chủ trương muốn phát triển kinh tế và bảo đảm nền an ninh nội địa thì cần giao dịch rộng rãi và can thiệp quân sự mạnh mẽ tại nước ngoài. Trái lại đảng Dân Chủ thì chủ trương chú trọng vấn đề an sinh xã hội và có khuynh hướng an phận thủ thường. Qua vài thí dụ đơn giản trên thì thử hỏi đảng nào thương dân hơn và đúng đắn hơn? Câu trả lời tùy thuộc vào quan niệm, hoàn cảnh, lập trường chính trị và sự chọn lựa của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng. Không có đảng phái nào, không có vị tổng thống nào, không có chính khách nào, không có vị dân cử nào có thể giải quyết tất cả đòi hỏi, hay làm thỏa mãn 100% các nhu cầu của người dân. Theo luật bù trừ “được cái này thì mất cái kia”, cho nên nếu chẳng may kết quả xảy ra không như ý thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Các vị dân cử được bầu lên nhằm phục vụ quảng đại quần chúng, chứ không phải chỉ để lo o bế gà nhà, hay vuốt đuôi phe đảng. Họ hành động, quyết định dựa trên nhiều yếu tố: quyền lợi chung, đúng nguyên tắc, hợp luật pháp v.v.., Dù các vị dân cử lúc nào cũng muốn hài hòa, vui vẻ, và đáp ứng hết nguyện vọng của cử tri, hội đoàn, tổ chức, cộng đồng, tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, hay có sự tranh chấp, thì họ càng phải cẩn trọng và quyết định bằng lý trí hơn là bằng cảm tính.

Vào cuối năm 2003, vì quyền lợi chung của quốc gia, Tổng Thống George W. Bush ban bố đạo luật giảm thuế nhập cảng thép (steel) đến từ ngoại quốc bất chấp sự phản đối dữ dội ngay bởi những đảng viên Cộng Hòa, và các công nhân, công ty đúc thép Hoa Kỳ.

Có thể đối với gia đình, đảng phái, tôn giáo, cộng đồng, những vị dân cử có thể là con cháu, em út, đảng viên, tín hữu, thành viên v.v…, tuy nhiên đối với chính quyền, xã hội, khi được bầu vào chức vụ dân cử (elected official) thì những vị dân cử được đối xử, tôn trọng chức vụ như là “Leader” hoặc “Honorable”. Có vậy họ mới cảm thấy phấn khởi, hãnh diện mà hành xử nhiệm vụ một cách đứng đắn và xứng đáng. Vào buổi sáng nhậm chức của Tổng Thống George W. Bush năm 2001, cựu Tổng Thống George Bush đã đến Tòa Bạch Ốc chúc mừng người con trai với câu chào : Mr. President ! Ngay buổi sáng vừa có kết quả thắng phiếu thống đốc California, cô con gái cưng của tài tử Arnold Schwarzenegger bưng ly cà phê vào phòng cha, và thưa : Mr.Elected Governor !

Trong trò chơi dân chủ cũng có những cái giá phải trả. Quá khứ từng xãy ra những vụ tống giam, bỏ tù một số thống đốc, chính khách, dân cử vì họ đã lợi dụng chức quyền để làm những điều sai quấy và gian trá. Nhân dân có quyền phản đối, biểu tình, truất phế bất cứ chính khách nào, dân cử nào phạm vào những lỗi lầm trầm trọng. Điển hình là ngày 7 tháng 10 năm 2003, cử tri California đã truất phế (recall) Thống Đốc Gray Davis vì cho rằng ông ta thiếu khả năng lãnh đạo.

Có hai đảng chính yếu Cộng Hòa, Dân Chủ thay phiên kiểm soát Quốc Hội Mỹ, do đó vị tổng thống Hoa Kỳ và Quốc Hội phải vì quyền lợi quốc gia mà hợp tác với nhau một cách linh động, cởi mở, dung hòa nhằm đạt cho được các giải pháp tốt đẹp, nếu không thì những đạo luật, lệnh bổ nhiệm, hay ngân sách bị dậm chân tại chỗ, gây trở ngại khủng hoảng cho cả nước Mỹ.

Thượng Nghị Sĩ John Kerry đảng Dân Chủ cấu kết với Thượng Nghị Sĩ John McCain đảng Cộng Hòa chống đối mạnh mẽ Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam H.R 2833. Trong khi đó hai nữ Dân Biểu Loretta Sanchez Nam Cali và nữ Dân Biểu Zoe Lofren Bắc Cali đảng Dân Chủ thì lại cộng tác với hai Dân Biểu Dana Rohrabacher và Dân Biểu Ed Royce tại Little Saigon đảng Cộng Hòa ủng hộ triệt để nhân quyền, tự do tôn giáo cho Việt Nam. Cựu Tổng Thống Bush (cha) thì không chịu bang giao, trái lại đương kim Tổng Thống Bush (con) thì đưa chiến hạm USS Vandergrieft ghé bến Sài Gòn. Còn phúc trình của Ủy Ban Nhân Quyền Bộ Ngoại Giao thì lên án cộng sản Việt Nam vi phạm trầm trọng nhân quyền, thế mà Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald H. Rumsfeld trải thảm đón tên đại tướng ác ôn Phạm Văn Trà đến Mỹ v.v.. Qua vài sự kiện nêu trên, chứng tỏ rằng trong sinh hoạt chính trị Mỹ dẫy đầy mâu thuẩn trớ trêu và không có gì tuyệt đối.

Trên thực tế Mỹ chỉ có hai đảng chính yếu Cộng Hòa và Dân Chủ, cho nên không có nhiều chọn lựa. Bất mãn, tự ái, giận hờn, trách móc không giải quyết được vấn đề mà cần có những thái độ tích cực hơn. Trong chính trường Mỹ, tranh cử thắng thua là chuyện thường tình. Không nên lấy thành bại mà luận anh hùng. Tâm lý phù thịnh phế suy không thịnh hành mấy tại xứ sở văn minh này. Điển hình là cố Tổng Thống Richard Nixon đang làm Phó Tổng Thống, rồi ứng cử Tổng Thống thua. Về California ứng cử Thống Đốc cũng thua nốt. Sau đó về tranh cử lại Tổng Thống thì thắng. Năm 1963 vì “scandal nghe lén” nên phải từ chức. Đề cập thí dụ vậy để thấy con đường chính trị vinh nhục bất thường.

Vận động chính trị cho cộng đồng không phải là việc làm tùy hứng bốc đồng, trái lại cần điều nghiên cẩn thận và chuẩn bị lâu dài. Muốn đạt kết quả, cộng đồng nên vận động vấn đề khi mới còn sơ khai trứng nước, một khi vấn đề đã được đưa ra bàn mổ, hay đã được các vị dân cử đồng ý bảo trợ, chống đối Dự Luật rồi, thì việc vận động để các vị dân cử này thay đổi quan điểm hoặc rút lại chữ ký có hy vọng rất là mong manh nếu không muốn nói là hoài công vô ích. Những buổi xuống đường đòi nhân quyền tại Bolsa Little Saigon, những đêm thắp nến cầu nguyện tự do tôn giáo tại tiền đình quận hạt Santa Clara, San Jose, những trận “xáp lá cà” đánh đuổi phái đoàn Vũ Khoan tại shopping center The Galleria Houston, những lúc tấn công hang ổ lãnh sự, sứ quán Việt Cộng tại San Francisco, Hoa Thịnh Đốn v.v…rất cần thiết và quan trọng vô cùng. Tuy nhiên, vạch trần tội ác dã man của cộng sản không chỉ đóng khung quanh quẩn trong cục bộ người Việt tỵ nạn thôi, mà còn nên liên lạc với các giới báo chí, truyền thông Hoa Kỳ để họ phổ biến một cách rộng rãi các tin tức đấu tranh này đến quần chúng Hoa Kỳ và thế giới thì chắc chắn kết quả thành công tăng gấp bội phần. Những lời phát biểu, tuyên cáo cần phải ngắn gọn, rõ ràng và có nội dung súc tích thì mới lôi cuốn các phóng viên, ký giả chiếu trên đài hay đăng trên báo chí. Họ không có nhiều thì giờ để nghe triết lý dài dòng, ý tứ cũ mềm, hay diễn văn rỗng tuếch.

Cứ mỗi bốn năm, đảng Cộng Hòa, đảng Dân Chủ v.v…có tổ chức Đại Hội Đảng Toàn Quốc để các người Đại Biểu (Delegate) bỏ phiếu chọn lựa ứng cử viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống duy nhất của đảng ra đối đầu với đảng đối lập. Người Đại Biểu còn có quyền đề nghị và biểu quyết bản Sách Lược Đảng mà vị Tổng Thống được đắc cử sẽ phải thi hành như là chính sách của quốc gia. Vì mỗi đảng chỉ chọn có vài ngàn Đại Biểu cho cả nước, do đó tiếng nói và chỗ đứng chính trị của người Đại Biểu tại Đại Hội Đảng Toàn Quốc rất quan trọng và cần thiết. Có khoảng hai mươi ngàn phóng viên, ký giả báo chí truyền thông Hoa Kỳ và thế giới có mặt tại Đại Hội Đảng để phỏng vấn và quay hình các lời phát biểu, nguyện vọng đấu tranh của người Đại Biểu. Chính vì vậy cộng đồng cần khuyến khích và tạo điều kiện để có cho được nhiều người Đại Biểu gốc Việt Nam tham dự vào đại hội bất kể thuộc đảng phái nào. Mỗi lần tổ chức Đại Hội Đảng Toàn Quốc (National Convention) chi phí khoảng năm mươi triệu Mỹ kim, và có khoảng 30,000 đến 50,000 quan khách tham dự.

Vận động chính trị không chỉ là việc làm “week-end” hay gặp đâu làm đó. Muốn công việc vận động chính trị cho cộng đồng đạt được kết quả mỹ mãn, thì cộng đồng phải cần đến những “chuyên viên vận động chính trị”, tức những người có kiến thức, kinh nghiệm và có nhiều ảnh hưởng quen biết. Có hai loại: tình nguyện và chuyên nghiệp tức phải trả tiền thuê mướn. Đối với những người vận động chính trị “tình nguyện” như các người trẻ, sinh viên hay quý vị nhân sĩ cộng đồng cũng có thể đóng vai trò tích cực trong công tác vận động chính trị. Có người học môn Khoa Học Chính Trị (Political Science) tại trường, có người dấn thân, thiện chí, hy sinh vì thấy chuyện “bất bình giữa đường”. Người làm công việc vận động chính trị không khác gì một diễn viên trên sân khấu. Họ phải thủ diễn nhiều vai trò tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh. Họ phải biết áp dụng kỷ thuật “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” để công việc đạt được kết quả. Khi đi vận động, họ có những khó khăn và nỗi khổ tâm riêng. Để cho hoàn hảo “vuông tròn”, vừa được chuyện “nàng dâu” cộng đồng mà không mất lòng “mẹ chồng” Hoa Kỳ không phải là một việc làm dễ dàng. Vì biết rõ các ưu khuyết điểm, mạnh yếu của cộng đồng, nên khi hoạt động họ có những kỷ thuật, phương thức riêng, nhưng vì sự tế nhị và cần bảo mật công tác nên họ không thể trình bày, giải thích công khai được. Do đó cộng đồng cũng không nên khắt khe lên án, phán xét việc làm của họ khi chưa nắm vững sự thật vấn đề. Vì đại sự nên Hàn Tín, Câu Tiển chịu nhục, để rồi bị bao lời dèm pha, chê cười, trách móc, hàm oan. Chính vì vậy mà ông bà có khuyên “Đừng lấy bụng tiểu nhân mà đo lòng người quân tử”, hay “Thức đêm mới biết đêm dài. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi nhóm đặc quyền v.v…có những vấn đề cấp thiết, có những nhu cầu quan trọng khác nhau. Điển hình như cộng đồng Da Đen vận động duy trì chính sách welfare, Mễ Tây Cơ vận động quyền lợi cho di dân bất hợp pháp, Trung Cộng vận động qui chế Tối Huệ Quốc, Nhật Bản vận động tăng cường sức mạnh quốc phòng, Palestine vận động đất nước tự trị, Đài Loan vận động vô chân Liên Hiệp Quốc, Việt Cộng vận động gia nhập W.T.O v.v.. Còn đối với Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn vận động giải thể đảng cộng sản, đem lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho đất nước Việt Nam. Riêng đối với người Mỹ bản xứ, họ có hai xu hướng vận động chống đối hoặc ủng hộ các vấn đề như: phá thai, súng ống, thuốc lá, đồng tính luyến ái, môi sinh, thuế khóa v.v..

Trong cuộc sống, có những lúc mỗi cộng đồng lại có nhiều vấn đề cần được vận động, đấu tranh. Tuy nhiên cần biết sắp xếp thứ tự quan trọng ưu tiên. Không nên quá ôm đồm, chủ quan vì luôn nhớ là trong lúc tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng Việt Nam thì các dân bản xứ, các cộng đồng thiểu số khác, các người đóng thuế khác, các nhóm đặc quyền khác cũng đang tranh đấu cho quyền lợi của họ. Chắc chắn các nhu cầu, mục tiêu của mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng không thể giống nhau hoàn toàn, có khi còn trái ngược hoặc đụng chạm nhau nữa là đàng khác. Bằng chứng là trong khi cộng đồng tỵ nạn Việt Nam vận động chống bang giao, chống giải tỏa cấm vận thì đám tư bản máy bay Boeing, Coca Cola, sòng bài Las Vegas, điện thoại AT&T v.v…vận động làm ăn với cộng sản Việt Nam. Bởi vậy cộng đồng không nên phân tán sức mạnh, mà chỉ nên chú tâm vào một số vấn đề thật chính yếu, cần thiết để đấu tranh vận động mà thôi. Hô hào lung tung, lý do không chính đáng chỉ làm hao tiền tốn sức, và làm lệch lạc giá trị, ý nghĩa của sự vận động chính trị. Cộng đồng Việt Nam cần phải phản đối cấp kỳ, quyết liệt đối với những chính khách nào, dân cử nào, dự luật nào mang tính cách kỳ thị, phi lý, bất công. Tuy nhiên muốn khỏi bị mang tiếng quá khích, ích kỷ, thiển cận, cộng đồng cần phải nghiên cứu vấn đề thật khách quan và khoa học trước khi bày tỏ thái độ, kẻo chuốc lấy những bất lợi thay vì làm lợi cho cộng đồng. Tự ái, nóng nảy, kiêu ngạo, sỗ sàng là những điều tối ky khi vận động chính trị. Các chính khách, dân cử cũng là con người hỷ nộ ái ố, nhân vô thập toàn do đó chắc chắn là trong khi hành xữ họ cũng vấp phải một số khuyết điểm. Nhưng hầu hết chính khách, dân cử thường bình dân, thân mật, lịch sự và sẳn sàng học hỏi, phục thiện. Tuy nhiên họ cũng dễ bị “shock” và bất mãn nếu có ai lên giọng dọa dẫm, xúc phạm họ.

Vận động chính trị không phải luôn gặt hái thành công suông sẻ, trái lại cũng có lúc cũng lãnh nhận thất bại ê chề. Tuy nhiên không phải vì vậy mà lại nản chí, thất vọng buồn rầu. Ngay cả vị Tổng Thống cũng có lúc bị “thua” Quốc Hội, hoặc ngược la.i. Có những lúc vị Tổng Thống, Thống Đốc ký cái đạo luật mà chính họ không vui, không vừa lòng chút nào cả. Điển hình là trước ngày bầu cử năm 1996, Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành Đạo Luật Cải Tổ Trợ Cấp Xã Hội (Welfare) mặc dù ông không thích. Với tư cách Tổng Thống, ông có quyền phủ quyết để trả về Quốc Hội, nhưng vì áp lực quá mạnh mẽ của Quốc Hội, và vì muốn lấy phiếu của khối cử tri da trắng, nên ông phải miễn cưỡng ký ban hành, dù rằng ông luôn tuyên bố đảng Dân Chủ bênh vực người nghèo. Trong thời kỳ vận động tranh cử, Tổng Thống George Bush dõng dạt tuyên bố “read my lips” trước Đại Hội Đảng Cộng Hòa Toàn Quốc 1988 tại New Orleans là ông sẽ không tăng thuế. Tuy nhiên vì tình hình kinh tế tụt dốc, ông phải “nuốt lời” và đi tăng thuế. Khuyết điểm này đã là một lý do chính làm ông thất cử nhiệm kỳ hai. Pháp Đức Nga chống đối Mỹ tấn công Iraq, thế mà Hoa Kỳ vẫn bất chấp Liên Hiệp Quốc bắn Tomahawk, đưa quân vào bắt sống Saddam Hussein, thế rồi cũng xong chuyện. Tài tử Arnold Schwarzenegger “nối ngôi” Thống Đốc với cái núi nợ như chúa chổm, tiểu bang California thiếu hụt ngân sách tới 38 tỷ đô la, không biết lấy đâu đắp vào. Thế mà đầu năm 2004 ông tân thống đốc ban hành đạo luật “không tăng thuế xe” làm thất thu gần 4 tỷ. Làm sao ông ta vui được, nhưng lở hứa lúc tranh cử rồi thì phải cắn răng ký ban hành rồi hạ hồi phân giải. Đâu có ai tưởng tượng nỗi là Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam H.R.2833 (Vietnam Human Rights Act) được thông qua tuyệt đại đa số 411 phiếu dân biểu Hạ Nghị Viện, thế mà bị bóp chết bởi có “một tên” Thượng Nghị Sĩ John Kerry. Tuy nhiên “thua keo này bày keo khác”, và cộng đồng vẫn tiếp tục vận động cho các Dự Luật kế tiếp. Kể ra vài thí dụ trên để chứng minh là trong lãnh vực chính trị nó tế nhị, phức tạp, và khó hiểu vô cùng chớ không đơn giản như một số người lầm tưởng.

Chính trị thì thiên hình vạn trạng, biến hóa không ngừng, thấy vậy mà không phải vâ.y. Không phải bỏ ra vài đồng mua tờ báo Time, Newsweek… về đọc là có đủ tư cách và kiến thức để đưa ra những bài bình luận, quan điểm, nhận định lung tung. Nước Mỹ có hàng trăm ngàn tờ báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình, mà mỗi tờ báo, mỗi đài có những đường lối, chủ trương, quan điểm khác nhau. Tờ Washington Post, New York Times, Los Angeles Times, đài CNN có khuynh hướng cấp tiến, bênh đảng Dân Chủ, trong khi đó tờ Washington Times, Wall Street Journal, The Orange County Register, đài FOX NEWS…thì lại mang khuynh hướng bảo thủ, thiên đảng Cộng Hòa. Ngay tại Quận Cam California, có tờ báo O.C.Weekly là tờ báo thích tin “giựt gân”, khuynh tả và đăng nhiều bài có lợi cho cộng sản. Bằng chứng là trong quá khứ, tờ báo này luôn đưa ra nhiều quan điểm binh vực cho hành động xuẫn động của tên Việt gian Trần Trường trong vụ đồng bào biểu tình chống cờ máu và hình Hồ tặc tại Hi-Tek Video. Có một số người Việt bị lầm vì tờ báo này có cái tên lờ lợ giống tên tờ báo đứng đắn ỌC Register. Vì là người da trắng bản xứ, nên người Mỹ đọc tờ báo nào, xem nghe đài nào là đo lường được mức độ trung thực và mức khách quan rồi. Tương tự như trước năm 1975, chắc chắn độc giả phân biệt báo Tin Sáng, Đại Dân Tộc khác lập trường báo Xây Dựng, Quật Cường như thế nào rồi. Còn người Việt Nam tại Mỹ thì tương đối ít để ý đến chuyện này. Chính vì vậy, các đài phát thanh, truyền hình, báo chí Việt ngữ có lẽ nên ghi rõ xuất xứ bản tin khi dịch thuật, trích dẫn, phóng tác, diễn dịch các bản tin tức, quan điểm, tài liệu nghiên cứu của ngoại quốc. Có như vậy sẽ giúp quý độc giả, khán thính giả biết được giá trị thật sự. Những đài, những tờ báo nổi tiếng, giá trị ở Mỹ khi đưa ra những quan điểm, bình luận, tin tức nào liên quan đến chính trị, thông thường họ điều tra, theo dõi, nghiên cứu vấn đề thật tỉ mỉ cẩn thận, (mặc dù đôi lúc cũng bị tổ trát, như năm 2003 ký giả báo New York Times ở nhà bịa tin). Nước Mỹ có những vựa tư tưởng (think tank) như Heritage Foundation, Hopkins Foundation…, gồm những học giả, trí thức, chính trị gia thâm niên kinh nghiệm cộng tác. Mỗi ý kiến của Heritage Foundation, mỗi lời đề nghị của Hopkins Foundation có thể làm thay đổi cả chính sách nước Mỹ hay cả cục diện thế giới.

Về phía giới báo chí, truyền thông Việt ngữ thật đáng hoan nghênh vì đang cung cấp những món ăn tinh thần cho cộng đồng một cách cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên riêng về phần bình luận tình hình chính trị Mỹ, có lẽ cần nên phỏng đoán, dè dặt hơn là quyết đoán, chắc ăn. Thật ra khó ai biết được chính xác chính sách, đường lối chính trị Mỹ, vì nếu giỏi vậy thì đã không phải tha phương như thế này. Ngay cả nội các chính phủ cũng chưa nắm vững, có chăng là Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ mới có thẩm quyền và tư cách biết mà thôi. Làm chính trị không phải làm chiêm tinh gia, bàn tán về tình hình chính trị Mỹ có lẽ là chuyện “trà dư tửu hậu” cho vui thôi.

Luật pháp Mỹ cấm các tổ chức “bất vụ lợi” (non profit) làm chính trị, tức không được xử dụng nhân lực, tài lực, cơ sở để ủng hộ, vận động, tiếp tay cho bất cứ ứng cử viên nào, dự luật nào, hay đảng phái chính trị Mỹ nào dù Cộng Hòa hay Dân Chủ. Điều đó có nghĩa là các cơ chế Cộng Đồng Việt Nam đang hưởng quy chế bất vụ lợi do chính phủ cấp, không được dính líu đến các cuộc vận động tranh cử Mỹ. Tuy nhiên, cộng đồng có thể cổ động dân chúng ghi danh bầu cử và đi bầu cho đông để biểu dương sức mạnh, miễn là không được phép đứng về phe phái nào, mà phải giữ thế trung lập. Có lợi điểm là các tổ chức bất vụ lợi vẫn có quyền tổ chức những cuộc meeting, biểu tình đả đảo, xuống đường, tuyệt thực tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Các hoạt động ý nghĩa và cao quý này được coi là hợp pháp, do đó chính quyền tôn trọng và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chính đáng của cộng đồng. Điều này hoàn toàn trái hẳn với những lời dọa dẫm của bọn Việt gian, báo gian. Hoa Kỳ là một xứ dân chủ, mọi người có quyền dùng uy tín cá nhân để vận động, kêu gọi quần chúng ủng hộ bất kỳ đảng phái nào, ứng cử viên nào, dự luật nào. Tuy nhiên các tổ chức lấy danh nghĩa “khách quan, trung lập” nhằm hướng dẫn quan điểm cho cộng đồng trong các cuộc bầu cử, như Liên Đoàn Cử Tri Mỹ Gốc Á Châu, Hội Cử Tri Mỹ Gốc Việt Nam v.v… thì phải rất cẩn thận, chín chắn, khách quan khi đưa ra các hướng dẫn đến cộng đồng. Mỗi lần bầu cử, các khuynh hướng chính trị của các ứng cử viên, lập trường của các dự luật thông thường trái ngược, mâu thuẩn nhau, chẳng hạn như quyền lợi của luật sư ngược với bảo hiểm, chủ nhân ngược với nghiệp đoàn, bác sĩ ngược với bệnh nhân, môi sinh ngược với phát triển, thuê mướn ngược với chủ nhà v.v..Trong khi đó, những thành viên trong các tổ chức này gồm những người có ngành nghề liên hệ như bác sĩ, luật sư, kỷ sư, thương gia v.v…, do đó nên tránh để các quyết định được đưa ra bị chi phối bởi quyền lợi nghề nghiệp, thiên kiến. Hiện nay có một số chính trị gia Mỹ bị “thất sủng” đang len lỏi vào cộng đồng Việt Nam để kiếm chác. Họ thổi phồng những tin tức phấn khởi, bùi tai để gây cảm tình. Họ đưa ra những sự kiện vu vơ, tạo dựng những dữ kiện thất thiệt để giật dây khích động tự ái cộng đồng. Hiện tượng Mỹ bật đèn xanh, CIA “backup” do một số cá nhân, tổ chức đem ra làm bùa hộ mạng, hù thiên hạ, chắc chắn không thuyết phục được cộng đồng.

Vận động chính trị là một việc làm khó khăn, tế nhị và phức tạp vô cùng. Tòa Bạch Ốc mỗi ngày nhận khoảng 10,000 lá thơ, Quốc Hội có 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ. Làm con toán nhân đơn giản, thử hỏi cộng đồng cần phải gởi bao nhiêu triệu thỉnh nguyện thư, gọi bao nhiêu triệu cú phone mới có thể “tạm gọi” là có đủ trọng lượng áp lực? Để nói đến chuyện “hy vọng” đắc cử Tổng Thống, vị ứng cử viên Tổng Thống phải gây quỹ cho được ít nhất 100 triệu Mỹ kim và nhận được khoảng 50 triệu phiếu. Do đo, để được công nhận là thành phần ủng hộ viên “mạnh mẽ”, nòng cốt”, chắc không phải là chuyện dễ dàng. Bên cạnh đó, luật pháp cấm đoán các cơ chế cộng đồng bất vụ lợi làm công tác vận động chính trị “chuyên nghiệp”. Chính vì vậy cộng đồng phải nhờ đến những người vận động chính trị “chuyên nghiệp” (lobbyist), bằng cách thuê mướn họ, hay thành lập ra các tồ chức “ngoại vi” để làm công tác này. Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép quần chúng vận động chính trị (lobby) tại Quốc Hội để gây ảnh hưởng đến các nhà làm luật. Những cá nhân, tổ chức, nhóm người đứng ra làm trung gian vận động chính trị chuyên nghiêp này, tiếng Mỹ gọi là “lobbyists”. Lobbyists đại diện cho nhiều loại đặc quyền (interests), những đại công ty thương mại, các tổ chức nghề nghiệp, lao động thợ thuyền. Họ vận động cho quyền lợi công cộng, cộng đồng, cho nhiều lãnh vực văn hóa, y tế, nghệ thuật, giáo dục, khoa học, an sinh xã hội v.v.. Lobbyists phải xin phép chính phủ và phải tuân thủ những luật lệ khắt khe để tránh tình trạng tham nhũng hối lộ. Quốc Hội ý thức được các sự bê bối, khuynh đảo, áp lực từ những lobbyists này, nên từng đưa ra nhiều đạo luật bảo vệ sự trong sạch, đạo đức gọi là Ethics Reform Act. Cho đến năm1995, một đạo luật tương đối “đàng hoàng” được lưỡng đảng thông qua ngày 21 tháng 11 có nội dung tóm tắt sau đây:

1) Định nghĩa tư cách lobbyist: Lobbyist không những được quyền tiếp xúc trực tiếp với các viên chức chính quyền, mà còn được phép liên hệ đến các việc chuẩn bị và nghiên cứu tài liệu hay chương trình để ảnh hưởng đến chính sách.

2) Thời gian làm lobby: Được xác nhận hành nghề lobbyist nếu dành 20% (hay nhiều hơn nữa) thời gian làm việc có thù lao để hoạt động lobby.

3) Đăng ký và báo cáo: Lobbyist phải ký danh tại Quốc Hội, khai báo đầy đủ danh sách thân chủ, báo cáo trung thực các đề tài đem ra vận động với Lập Pháp cùng với ngân khoản xử dụng.

4) Đặc miễn: Nếu thân chủ xài duới 5,000 Mỹ kim trong sáu tháng vào công tác lobby, hay nếu tổ chức tiêu dưới 2,000 Mỹ kim trong sáu tháng thì được miễn đăng ký.

5) Tiền phạt: Mỗi lục cá nguyệt, lobbyist phải báo cáo công tác. Bất tuân, sẽ bị phạt cho đến 50,000 Mỹ kim.

6) Các tổ chức bất vụ lợi lãnh tài trợ của chính phủ liên bang không được phép làm lobby. Các công chức từng giữ chức vụ đại diện hay phụ tá đại diện thương mãi cho chính phủ Hoa Kỳ bị cấm trọn đời không được hoạt động lobby cho những quyền lợi ngoại quốc. Đã đến lúc Cộng Đồng Việt Nam nên quan tâm đến vấn đề lobby tại Hoa Kỳ vì trên thực tế cộng đồng Việt Nam đã có mặt trên nước Mỹ gần 30 năm rồi. Dù cố gắng, nhưng cộng đồng cũng chưa có sẵn sàng tài chánh để thuê mướn những lobbyists chuyên nghiệp vì chi phí quá cao và hành chánh phức tạp. Trong khi chờ đợi cộng đồng tiến hành công tác cấp thiết này, chỉ còn có giải pháp duy nhất và cấp bách là cộng đồng nên khuyến khích, ủng hộ, hỗ trợ, và bầu cử những người trẻ có tài năng, đức độ, và tinh thần Quốc Gia vào cho được nghị trường Hoa Kỳ đi từ mọi cấp city, county, state, federal. Được như vậy thì cộng đồng rất có lợi vì có người đại diện trong chính quyền, quốc hội, chính những người này sẽ giúp đỡ, lobby cho cộng đồng một cách hợp pháp, hữu hiệu, và đặc biệt là “free”.

Nói chung, sức mạnh chính trị của cộng đồng là một sản phẩm (product), cần có người phụ trách phần tiếp thị (saleman), người đó không ai khác hơn là các “lobbyists”, và chắc chắn là năm 2004 này, cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ chuyển mình thật mạnh trong vấn đề này.

Chuyện chính trị thì dài dòng, rắc rối, phức tạp, mâu thuẩn. Sự thật thì dễ gây bất bình. Tuy nhiên vì thiết tha với cộng đồng, nên người viết ước ao những lời chia xẻ tóm lược trên như là một đóng góp nho nhỏ vào việc xây dựng cộng đồng. Ước mong tự do, dân chủ, nhân quyền sớm đến trên quê hương Việt Nam thân yêu.