LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP GIỮA CÁC THÀNH PHẦN TRONG CỘNG ĐOÀN

I. Công Đồng mời gọi sống Liên Đới

Liên đới là hướng đi chung của xã hội hôm nay. Con người liên đới với nhau trong mọi phạm vi sinh hoạt, chính trị, xã hội, kinh tế văn hóa và tôn giáo; trong mọi hình thái tập thể, quốc tế, châu lục, quốc gia, sắc tộc, cộng đồng, cộng đòan, ngành nghề, giới phái, lứa tuổi. .. «Liên đới huynh đệ» là câu nói đầu lưỡi của con người từ sau đại chiến thứ hai, và đặc biệt từ đầu niên kỷ này. Vì thế, không lạ gì Công Đồng Vatican II (1960-1965) đã nhiều lần nhấn mạnh đến tinh thần liên đới mà người công giáo phải ý thức và phải thực hiện. Không thể trích dẫn tòan vẹn, chúng ta tóm lược giáo huấn của Công Đồng như sau :

«Thiên Chúa đã tạo dựng con người không phải để sống riêng rẽ nhưng để tạo nên sự liên kết trong xã hội (MV 32). Ngày nay hơn khi nào hết, thế giới ý thức rằng mọi người đều phải tùy thuộc lẫn nhau trong tinh thần liên đới cần thiết (MV 4). Mỗi người phải nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như là một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay (MV 30). Vì thế Giáo Hội luôn tìm cách thiết lập nền tảng vững chăc cho nền liên đới xã hội (MV 89). Người kitô hữu phải tìm cách dung hòa sáng kiến cá nhân với tình liên đới và với những đòi hỏi của tòan thể xã hội (MV 75). Người giáo dân phải liên kết với đồng bào mình để làm triển nở mối liên kết mới về hiệp nhất và về tình liên đới với hết mọi người (TG 21). Người Kitô hữu phải biến ý nghĩa hiện đại về tình liên đới thành khát vọng chân thành và thiết thực về tình huynh đệ (TĐ 1). Tóm lại, trong Giáo Hội, giáo dân phải liên đới với nhau như các chi thể trong một nhiệm thể (GH7). Tình liên đới đích thực và cao độ ấy phải được thể hiện cụ thể và lâu bền trong Dân Chúa (GH 13), trong mỗi Cộng Đoàn (MV 32)».

II. Liên Đới Nghề Nghiệp.

Trong Cộng Đoàn Việt Nam hải ngoại, bất cứ ở châu lục hay quốc gia nào, chúng ta đã có nhiều hình thức liên đới cơ bản : Liên đới trong niềm tin, liên đới trong tình tự dân tộc, trong ngôn ngữ và văn hóa, liên đới trong hoàn cảnh sống tha hương nơi xứ người, liên đới trong một đoàn thể công giáo tiến hành... Chính nhờ những mối tình liên đới đó mà cộng đoàn chúng ta thành hình, sống mạnh, có thể trở thành một cộng đòan hay một giáo xứ sinh động ngang hàng và còn hơn bao nhiêu cộng đòan hay giáo xứ địa phưong hay sắc tộc khác... Thế nhưng, hôm nay chúng tôi muốn đề nghị một hình thức liên đới khác, được coi như một sinh hoạt mục vụ thích ứng với tinh thần và nếp sống của người kitô hữu Việt Nam hải ngoại hiện nay : Liên Đới Nghề Nghiệp.

Trở về nguồn : Liên đới nghề nghiệp không phải là điều mới lạ. Dưới những danh xưng, chủ đích và hình thái tổ chức khác nhau, xã hội cũng như tôn giáo, liên đới nghề nghiệp đã có từ lâu đời rồi. Như ở Việt Nam, chúng ta biết «những người cùng làm một nghề họp nhau lại để giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau, gọi là Phường. Phuờng có thể có giấy phép của chính quyền để hoạt động, hoặc phường cứ hoạt động theo tục lệ và không phạm tới phép làng. Dưới thời Pháp thuộc, nhiều phường ở làng quê xin cấp giấy phép để được có tư cách pháp nhân, vì thường phường cũng có tài sản và tiền nong. Thường mỗi phường thờ một thánh sư và hàng năm có ngày giỗ Thánh sư gọi là ngày giỗ phường (1) Tại Nghệ Tĩnh trong các làng quê, có phường vải, phường củi, phường đan, phường nón... Những người đi buôn bán ngược xuôi cũng họp nhau thành phường buôn : phường gạo, phường chè, phường củ nâu... Các nghệ sĩ họp lại thành phường chèo, phường bát âm, phường cô đào. Những người cùng quê quán làm ăn nơi khác, nhất là ở đô thị, lại họp nhau thành họ : Họ Bắc Ninh, họ Thanh Hóa... cũng để nhằm mục đích tương tế. Ngoài ra một số người hạn chế, với mục đích tiết kiệm tập thể giúp nhau phát triển nghề nghiệp họp nhau lại thành: họ bánh chưng, họ giò chả, họ gạo, họ thịt. Ngay vấn đề giải trí, người ta cũng họp thành hội : hội chọi gà, hội chơi diều, hội đua thuyền. .. Ngoài ra các bà cùng lên đồng họp lại thành hội đội bát nhang; những người sinh cùng năm họp nhau lại thành hội đồng tuế...(2) Tại Hà Nội có rất nhiều phường, và mỗi phường ở một khu, sau biến thành phố. Vì thế mới có phố hàng Đào, phố hàng Giấy, phố hàng Đường, phố hàng Chiếu... Tóm lại «Phường là một tập thể, tập thể quy tụ những người cùng nghề». Đi xa hơn, còn có Hội Bách Nghệ là bao nhiêu người làm chung một nghề gì hoặc thợ mộc, hoặc thợ nề, hoặc thợ sơn thợ sắt... Người làm nghề gì vào hội ấy, chọn cử một người làm trưởng hội, hoặc mỗi năm cắt lượt nhau làm trưởng hội một lần để chứa việc hội» (3) Cũng với tinh thần tương trợ mà từ lâu giữa người Việt Nam có lối chơi hụi rất thịnh hành.

Công giáo tiến hành : Giữa người Việt Nam tại quê nhà cũng như ở ngoại quốc, chưa có những đoàn thể công giáo tiến hành dưới dạng thức liên đới nghề nghiệp, ngoại trừ tại Sài Gòn vào các thập niên 1960-1970 có những hội đoàn chuyên biệt như Phong Trào Sinh Viên và Học Sinh Công Giáo, Đoàn Thanh Lao Công (4). Nhưng tại các Giáo Hội Âu Mỹ, kể từ thập niên 1940, đã xuất hiện nhiều đoàn thể công giáo tiến hành dưới dạng thức liên đới nghề nghiệp và mầu sắc xã hội. Vì người viết sống tại Pháp nên xin lấy Gíáo Hội Pháp làm tỉ dụ.

Phong trào Công Giáo Tiến Hành Công Nhân (A.C.O.) từ 1945, nhưng mãi tới 1950 mới được tổ chức thành phong trào quốc tế và được Đức Piô XII chúc lành, khuyến khích. Mục đích của phong trào là đáp ứng những nhu cầu mục vụ và truyền giáo trước những thay đổi lớn về chính trị và làn sóng nghiệp đoàn công nhân sau đệ nhị thế chiến. Người có công trong phong trào này là cha Lombardi dòng Tên, người Ý. Ngài đã đi vận động khắp nơi như Ý, Pháp, Bồ Đào Nha, Mễ Tây Cơ... để đặt cơ sở phong trào từ giáo xứ, giáo phận, quốc gia và quốc tế. Tại Ý đã có 60 giám mục và 6.000 linh mục tham dự các khoa học hỏi về phong trào. Một Công Nghị Quốc Tế đã được tổ chức tại Roma (1950-1951) (5). Từ đó, phong trào Công Giáo Tiến Hành Công Nhân tại Pháp liên kết hoạt động với các phong trào hay hội đoàn công nhân khác đã có lịch sử lâu đời :

.
  • ACGF (Action Catholique Générale Féminine : Tổng Hội Công Giáo Tiến Hành Nữ Giới), thành lập 1933, hiện có 30.000 hội viên, chia thành 3.300 nhóm.
  • . JOC (Jeunesse Ouvrière Chrétienne : Thanh niên Thợ Thuyền Kitô Giáo), thành lập 1926. Hiện nay, Đại Hội thường niên có trên dưới 100.000 người trẻ tham dự, và sinh hoạt thường xuyên trong 12.000 tổ.
  • . JIC (Jeunesse Indépendante Chrétienne : Thanh niên Kitô Giáo làm nghề tự do), thành lập 1935, hiện nay có chừng 4.000 người trẻ, đa số thuộc gia đình trung lưu hay qúy tộc.
  • . MRJC (Mouvement Rural de Jeunesse Chrétienne : Phong Trào Thanh Niên Thôn Quê Kitô Giáo) Hiện nay phong trào gồm 3 ngành : Jac (Jeunesse Agricole Chrétienne : Giới trẻ Nông thôn Kitô) 15%; JTS (Jeunes Travailleurs Salariés : Giới trẻ công nhân) 15%; GE (Groupe École : giới trẻ còn là học sinh và sinh viên), 60%. Còn 10% người trẻ thuộc các môi trường khác.
  • . JEC (Jeunesse Étudiante Chrétienne : Nữ Sinh Viên Kitô), thành lập từ 1929, hiện nay có chừng 1.500 hội viên từ 15-25 tuổi (6).
Một trong những người đã đem Công Giáo Tiến hành vào thế giới thợ thuyền là Đức Hồng Y Cardjin, người Bỉ. Ngài đã nói : «Trong thế giới lao động có nhiều ngành nghề, mỗi người kitô hữu làm cùng một nghề nên ngồi lại với nhau để chia sẻ cho nhau kinh nghiệm và vui buồn trong nghề, cùng nhau cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa hầu có thêm nghị lực sống đạo trong việc làm mỗi ngày, cùng nhau tìm ra những sinh hoạt tông đồ và truyền giáo thích hợp với nghề nghiệp riêng của mình. Lời Chúa đến với thế giới qua họ, Giáo Hội hiện diện được trong mọi môi trường nhân loại nhờ họ. Đó chính là những mục tiêu mà Liên đới nghề nghiệp nhằm tới». (7) Ý kiến của Đức Hồng Y Cardjin còn giá trị quy ước cho những hình thái Liên đới nghề nghiệp hôm nay.

III. Liên Đới Nghề Nghiệp trong Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại.

Sau 27 năm sống tại xứ người, Mỹ, Pháp, Nhật, Úc. .. nhờ ơn Chúa và với sự cố gắng riêng, chúng ta đã an cư lạc nghiệp. Nghĩa là mỗi người đã có một công ăn việc làm, nói khác đã có «một nghề». Và trong cộng đoàn lớn, nhiều người làm một nghề giống nhau : nghề buôn bán, nghề vi tính, nghề trưng sửa nhà cửa, nghề y tá... Tùy theo từng nơi, nhưng với kinh nghiệm mục vụ tại Paris, chúng tôi tạm phân loại thành 5 ngành :

.
  • Xây Dựng gồm chuyên viên ngành Chỉnh-Trang (renovateur), ngành Điện, ngành Khóa cửa, ngành Nước-Sưởi, ngành Mộc, ngành Sơn...
  • . Doanh Thương gồm nhà Hàng Ăn, Tiệm May, Giặt ủi, Sửa quần áo, Quán Càphê, Cây xăng, hãng sửa xe, Cửa tiệm...
  • . Dịch Vụ gồm các loại chuyên viên Ngân Hàng, Vi Tính, Điện Tử, Kế Toán, Cơ Khí, Thủ Kho, Bán Hàng, Thu Ngân, Thợ May, Thư Ký, Công Chức, Y Tá...
  • . Chuyên Gia gồm Kỹ Sư, Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ, Luật Gia, Tư Vấn...
  • . Thân Hữu Taxi gồm những người sống bằng nghề lái Taxi. Riêng tại Paris có tới 50 người Công Giáo Việt Nam lái Taxi giữa hàng trăm người Việt Nam chạy Taxi và ước chừng 500-600 người Á châu sống bằng ngành nghề Taxi này. Vì thế đây là một môi trường tông đồ giáo dân rất chuyên biệt và thực tế.
Giáo dân trong Cộng Đoàn làm nhiều ngành nghề khác nhau và dĩ nhiên nghề nào cũng cao qúy, vì «nhất nghệ tinh, nhất thân vinh». Trong sinh hoạt cộng đoàn, họ đã có nhiều cách liên hệ với nhau rất thân thiết, như các Cursilistas, các hội viên Legio, các thành viên Ca Đoàn... nhưng trong phạm vi nghề nghiệp, họ chỉ mới biết nhau cách lẻ tẻ, thân quen riêng, chứ chưa có dịp để gặp gỡ theo khuôn khổ và tinh thần cộng đoàn, để biết nhau hơn, thân nhau hơn và chia sẻ với nhau về nghề nghiệp. Đang khi đó ai cũng biết tại xứ người mọi khía cạnh đều phức tạp : ngôn ngữ, tâm lý, kỹ thuật, luật xã hội, tương quan với chủ nhân, với bạn đồng nghiệp... Hơn thế, là người công giáo, người giáo dân có thể nhiều hay ít, thường xuyên hay thỉnh thỏang, gặp những vấn đề trực tiếp hay liên hệ đến đức tin và đến lương tâm kitô giáo trong ngành nghề. Liên đới nghề nghiệp có thể là một hình thức «Mục Vụ dành cho Người Trẻ». Bởi vì các bạn trẻ Việt Nam ở khắp nơi rất thành công trong việc học để có một nghề sống. Giai đoạn đầu tiên bước vào nghề nghiệp, các bạn trẻ cần được liên đới chia sẻ về nhiều phạm vi, kể từ « cách tìm việc ». Đây cũng là giai đoạn có nhiều ảnh hưởng không thuận lợi cho đời sống đức tin, đời sống luân lý của người trẻ, nhất là khi họ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trên đường đời. Ngay buổi đầu, người trẻ cần được chỉ dẫn và nâng đỡ bởi các bậc đàn anh... để sau đó, đến lượt họ, họ sẽ chỉ dẫn cho các bạn trẻ đàn em của họ. Đó, một khia cạnh mục vụ rất quan trọng hàm súc trong tổ chức Liên Đới Nghề Nghiệp của một Cộng Đoàn. Ý nghĩa mục vụ của Liên Đới Nghề Nghiệp quá sâu rộng, chúng ta khó múc ra hết và trình bày đầy đủ.

Chúng tôi vui mừng tìm được ý nghĩa sâu đậm hơn của cụm từ «liên đới nghề nghiệp» trong lời sau đây của Đức Giáo Hoàng Piô XII : «Theo thánh ý của Thiên Chúa, mọi nghề nghiệp đều chứa đựng một sứ mạng. Sứ mạng đó có ba đối tượng : Bản thân, tha nhân và Thiên Chúa » (Sứ điệp gửi JOC 1957). Theo tôi hiểu :

  • . Bản thân : Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Nhờ làm việc chúng ta hoàn tất việc sáng tạo con người chúng ta. Chúng ta phát triển về thân xác cũng như về tinh thần, chúng ta tăng cuờng nghị lực, toi luyện ý chí, chúng ta thành con người hữu ích, có nhân cách, giầu kinh nghiệm cuộc sống... Chúng ta xứng đáng là cộng tác viên của Đấng Tạo Thành.
  • .Tha nhân : Không ai là một ốc đảo, không ai chỉ sống cho mình. Mọi người phải sống với người khác, cho người khác, nhờ người khác và vì người khác : Trong mọi thời và nhất là thời nay, những danh từ «liên đới, hiệp nhất, chia sẻ, tương trợ, phục vụ» trở thành phương châm cho mọi phạm vi cuộc sống (tôn giáo, gia đình, đoàn thể, xã hội, chính trị) và cụ thể là đời sống nghề nghiệp. Trong sinh hoạt mục vụ cộng đoàn, Liên đới nghề nghiệp là một thể hiện Bác ái cụ thể và cao độ giữa những kitô hữu cùng làm một nghề.
  • . Thiên Chúa : Tất cả là hồng ân và tất cả vì danh Chúa. Làm việc là thánh ý Chúa dành cho mỗi người, không trừ ai, «Ta làm việc, vì Cha Ta vẫn làm việc» (Gn 5,17). Trước mặt Chúa, không việc nào hèn mọn. Với tình yêu liên đới, tình yêu hiệp nhất, tình yêu chia sẻ, tình yêu tương trợ, tình yêu phục vụ... chúng ta sẽ đạt được chóp đỉnh của tình yêu Liên đới nghề nghiệp, phát triển bản thân, nuôi sống gia đình, phục vụ tha nhân và đóng góp vào nền văn minh của nhân loại, vào vinh danh Thiên Chúa (8).


Qua những điểm trình bày trên đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng :

Liên Đới Nghề Nghiệp là một sinh hoat mục vụ cụ thể : đáp ứng tinh thần Liên đới và chia sẻ mà Công Đồng Vatican mời gọi; đồng thời nêu bật tinh thần tương thân tương ái giữa những người cùng làm một nghề vốn có trong đời sống dân tộc Việt Nam; cũng như nối tiếp và thích ứng các hội đoàn Công Giáo Tiến hành vào hoàn cảnh của người trẻ «mới ra trường, mới vào nghề, mới dấn thân vào cuộc sống tự lập, gia đình, cộng đoàn và xã hội». Vì thế Liên Đới Nghề Nghiệp mang nhiều ý nghĩa phát triển con người, thực thi bác ái và truyền bá Tin Mừng. Liên Đới Nghề nghiệp sẽ làm vững mạnh Cộng Đoàn, sẽ đổi mới và trẻ trung hóa Cộng Đoàn.

Nhưng về hình thức tổ chức, chúng tôi hoàn toàn để lại cho mỗi Tuyên Úy, mỗi Ban Đại Diện thực hiện tùy theo hoàn cảnh riêng. Tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, Liên Đới Nghề Nghiệp đã thành hình ba năm, coi như một sinh hoạt đi vào Thiên Kỷ mới của Cộng Đoàn. Liên Đới Nghề Nghiệp gồm 5 ngành nghề : Thân Hữu Taxi, Chuyên Gia, Xây Dựng, Doanh Thương, Dịch Vụ. Mỗi ngành nghề có sinh hoạt riêng : Thân Hữu Taxi tổ chức Ngày Cơm Xuân để tạo dịp gặp gỡ với tất cả các bạn đồng nghiệp Taxi Việt, Miên, Lào, Trung Hoa và gia đình của họ (mỗi lần quy tụ chừng 600 người) và gây qũy giúp các trại cùi hay các em mồ côi tại Quê Nhà; Xây Dựng lo bảo trì cơ sở của Giáo Xứ; Chuyên Gia có nhóm chỉ dẫn Pháp Luật, chỉ dẫn Bệnh Tật, nhóm tổ chức các buổi Thuyết Trình... Nhưng cao độ nhất là Ngày Đại Hội hàng năm chung cho cả 5 ngành nghề, vào ngày Lễ Thánh Giuse Lao Động. Nguyên tắc cố duy trì là : Sinh hoạt nhẹ nhàng, cụ thể và nổi bật tinh thần liên đới (9).

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích lại đây hai lời chứng nêu cao ý nghĩa và chủ đích của Liên Đới Nghề Nghiệp :

.
  • Ông De Chalendar : « Bánh mì là lúa miến được chế biến ra. Trong ổ bánh mì có sức lao động, có mồ hôi, có công khó của nhiều người : Người kỹ sư đã chế tạo máy gặt và máy đập lúa, người công nhân đã sản xuất phân bón, người nông dân đã xử dụng chúng, nhân viên hỏa xa, người thợ xay bột, người kế toán, người làm bánh mì v.v. đều liên đới góp công, đổ mồ hôi để hạt miến thành bánh mì...» (10)
  • . Ông Lê Đình Thông : «Không thể tách rời việc làm chứng đức tin trong đời sống nghề nghiệp với nghề nghiệp của mỗi người. Không thể làm chứng đức tin, nếu trong việc hành xử nghề nghiệp thiếu, hoặc vắng bóng hoàn toàn lương tâm nghề nghiệp. Lương tâm nghề nghiệp là động cơ thúc đẩy sự tận tâm. Việc hành nghề có lương tâm chức nghiệp làm nổi bật tinh thần công giáo... Và đây là một trong những chủ yếu của Liên Đới Nghề Nghiệp » (11).
(giaoxuvn.org)

(1) Toàn Ánh, Làng Xóm Việt Nam, T/p Hồ Chí Minh, 1992, tr. 146-147.

(2) Toàn Ánh, Hội Hè Đình Đám (quyển hạ), T/P Hồ Chí Minh, 1992, tr. 330-331.

(3) Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Đông Phương tạp chí, 1914-1915, tr. 774.

(4) ĐC Nguyễn Khắc Ngữ, Công Giáo Tiến Hành Việt Nam, Sài gòn, 1962, tr.90-91 (Đa số các hội đoàn là thuần túy đạo đức : Legio Mariae, Phạt tạ Thánh Tâm, Hiệp hội Thánh Mẫu...) – Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, II, Sài gòn, 1962, tr. 487-514.

(5) Collectif, Problèmes du laicat, Resurrection, revue de doctrine et d’actualité chrétiennes, 3e&4e trimestre 1957, tr. 111-114.

(6) Collectif sd, tr. 68-99; Eglise de France, 1997, tr. 235-238.

(7) Alphonse Borras, Des Laics en responsabilité pastorale ? Cerf, Paris 1998,tr. 98.

(8) Báo Giáo Xứ VN, Paris, số 184, 6.2002, tr. 19

(9) Báo Giáo Xứ VN, Paris, số 184, tr. 20.

(10) Hành Trang Sống Thế Kỷ XXI (Giáo Xứ VN, Paris xuất bản), 1999, tr.123.

(11) Báo Giáo Xứ VN, Paris số 184, tr. 21.