LÝ THUYẾT: DÂN SỐ GIA TĂNG THEO CẤP SỐ NHÂN, THỰC PHẨM GIA TĂNG THEO CẤP SỐ CỘNG CỦA MALTHUS NAY CÒN GIÁ TRỊ KHÔNG?

Đứng trước tình trạng gần cả triệu người dân tại Angola, Ethiopia, Somalia, Zimbawe v.v.. ở lục địa Phi châu, có thể bị chết đói vì hạn hán, vì thiếu thực phẩm, nhiều người cho rằng Thomas Robert Malthus đã tiên đoán đúng. Nhưng người khác lại nói, lý thuyết đó sai so với tình trạng phát triển khoa học và kỹ thuật của thế giới ngày nay.

Để có cái nhìn khách quan về tình hình kinh tế và tình trạng khan hiếm thực phẩm trên thế giới, chúng tôi sẽ trình bày một số dữ kiện để kiểm chứng một định luật kinh tế xuất hiện vào thế kỷ 18, còn giá trị trong tiền bán thế kỷ 21 này không?

1. ĐÔI HÀNG VỀ KINH TẾ GIA THOMAS ROBERT MALTHUS

Thomas Robert Malthus sinh năm 1766 tại Anh quốc, nguyên là một tu sĩ và trở thành kinh tế gia nổi tiếng qua "luận đề về vấn đề dân số" (Essay on The Principle of Population) được ấn hành năm 1798. Trong luận đề này, Malthus tiên đoán tương lai của con người sẽ đen tối, dân số sẽ gia tăng tới những giới hạn của việc cung cấp thực phẩm và chắc chắn rằng, cảnh nghèo đói sẽ làm cho bộ mặt thế giới thêm tồi tệ.

Sau đó Malthus đề nghị những hạn chế có tính chất luân lý đạo đức như: "trì hoãn cưới hỏi và tránh né làm tình trước khi thành hôn). Những đề nghị hạn chế sẽ làm cho dân số không gia tăng quá nhanh. Quan niệm của Malthus sau đó được nhóm Malthus tân thời, những người tiên phong đề ra kế hoạch "hạn chế sinh đẻ". Và ngày nay, kế hoạch hạn chế sinh đẻ và kiểm tra mức gia tăng dân số đã được Liên Hiệp Quốc và các quốc gia áp dụng trên toàn thế giới. Là giáo sĩ, ở vào thời đó, mà Malthus dám đưa ra đề nghị này trước các luật lệ khắt khe của các tôn giáo đương thời, quả ông là một người can đảm và táo bạo.

II. CÁC QUAN NIỆM KHÁC NHAU VỀ LÝ THUYẾT CỦA MALTHUS

2.1- Đối với những người bi quan

Malthus đúng. Theo tường trình của Liên Hiệp Quốc hiện nay có khoảng

- Hơn 900 triệu người không đủ nước trong lành để uống,

- Hơn 2 tỷ người không được hưởng mức độ vệ sinh sơ đẳng,

- gần 200 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng,

- Cả chục triệu trẻ em chết rất thông thường, chỉ vì thiếu thuốc chữa trị,

- Gần 2 tỷ người có mức sống dưới 2 Đô-la một ngày,

Sự nghèo đói xẩy ra vì dân số trên thế giới ngày một gia tăng khiến cho khả năng cung cấp thực phẩm, nước uống và các tiện nghi tối thiểu cần thiết cho con người bị hạn chế. Lấy năm 1798 làm thời điểm để nhận định, khi Malthus đưa ra luận đề về vấn đề dân số, lúc đó thế giới có khoảng 900 triệu dân. Tới năm 2000, dân số thế giới đã gia tăng lên 6 tỷ 055 triệu người. Trong 204 năm dân số tăng 5 tỷ 155 triệu, tức trung bình mỗi năm tăng 24,43 triệu người. Với mức gia tăng dân số như vậy, những người bi quan cho rằng, thế giới sẽ không còn đất để canh tác và nước không đủ cho mọi người.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới năm 2000 có 6 tỷ 055 triệu người. Mặc dù có sự giảm dân số bằng các phương pháp ngừa thai, và tại họa đưa tới chết chóc do bệnh hoạn, chiến tranh, bão lụt và hạn hán gây ra, nhưng các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc dự tính nó sẽ gia tăng tới 9,5 tỷ người vào năm 2100.

Trong một năm, chúng ta bị tổn thất khoảng 30.000 loài vật và cây cối trong tổng số khoảng 10 triệu chủng loại; mặc dù chúng ta còn lệ thuộc vào 40.000 loại cần thiết liên quan tới việc cung cấp thực phẩm, lều trú, quần áo và nhiên liệu. Chúng ta lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên để tái tạo những biến đổi di truyền trong cơ thể và sản xuất thuốc mới. Chúng ta tùy thuộc vào vật thể tinh khiết để lấp đầy hố trống dưỡng khí (oxygen), điều hòa chu kỳ lưu chuyển của nước, kiểm soát sự soi mòn và chu kỳ dinh dưỡng v.v..

Hình như chúng ta chưa nhận thức hoàn toàn được rằng, sự sống còn của mình tùy thuộc vào sự giảm thiểu các hủy hoại mà chúng ta gây ra đối với hệ thống thiên nhiên của trái đất. Chúng ta có thể đẩy mình vào tình trạng thiếu hụt của sự tàn lụi các sinh vật.

Cùng tư tưởng với Malthus, Antoni van Leeuewenhoek (nhà bác học khám phá ra kính hiển vi) cũng dự đoán rằng, mức hạn định gia tăng dân số có thể là 13 tỷ người, giống như một số nhận định hiện nay. Vượt qua hạn mức trên, con người sẽ rơi vào tình trạng bị khủng hoảng về thực phẩm và nhân mãn.

Tuy vậy, nhóm bi quan cũng công nhận rằng, các tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã kéo dài thời gian mà giới hạn của tình trạng khủng hoảng thực phẩm và nhân mãn cho phép. Hiện nay nó chưa đi đến mức độ trầm trọng.

2.2- Đối với những người lạc quan

Malthus không hẳn đúng. Dân số thế giới tiếp tục gia tăng, nhưng nền kinh tế vẫn vững mạnh. Nạn đói ở Ethiopia và tại một số quốc gia Phi Châu có xẩy ra, thực tế không phải vì vấn đề nhân mãn, mà vì thiên tai hạn hán, hoặc vì hậu quả của các cuộc nội chiến dai dẳng. Hiện tượng này có vẻ khác thường, không phải là dấu hiệu báo trước một tương lai đen tối theo quan niệm về dân số của Malthus và nhóm bi quan.

Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào con người có thể thích hợp với thế giới thiên nhiên để xác định Malthus đúng hay sai? Để tìm hiểu vấn đề, thiết tưởng cần hiểu biết những thay đổi liên quan giữa con người và thiên nhiên.

Malthus có thể dự đoán sai vào năm 1798, khi ông đưa ra nhận định trên. Nhưng nếu ông ta viết vào thời kỳ 10.000 năm trước đây, trước thời nông nghiệp xuất hiện, ông ta có thể đúng. Và nếu sách vở của ông được xuất bản ngày nay, vào thiên niên kỷ thứ ba, một số hiện tượng đã và đang xẩy ra có thể chứng minh rằng, ông ta có một số điểm đáng quan tâm.

Thực tế, Malthus chỉ quan tâm tới một chủng loại là chúng ta, nhân loại. Nói theo sinh vật học thì chủng loại của chúng ta là một chủng loại khác thường. Với sự khám phá và phát triển nông nghiệp cách đây hơn 10.000 năm, chúng ta trở thành chủng loại đầu tiên trong hơn 3,7 tỷ năm lịch sử của đời sống con người.

Chúng ta không sống hoàn toàn giống như một nhóm dân thiểu số thuộc các bộ lạc du mục, những người chuyên sống lệ thuộc bằng mầu mỡ của đất đai thiên nhiên. Có thực phẩm sản xuất trong tay, tức là chúng ta đã bước ra khỏi những cộng đồng địa phương nguyên thủy. Khi tới một vùng đất mới, không phải chúng ta có tất cả các loại thảo mộc, mà chỉ một ít cây trồng trọt như cây hoang dại, và chỉ một ít súc vật được gọi là gia súc, cùng với những vật gây nên bệnh hoạn và sâu bọ phá hoại mùa màng. Bị giới hạn về nhiều lãnh vực, công việc sản xuất trong thời kỳ này đương nhiên không phát triển mạnh, có thể nó chỉ trội hơn một chút so với mức sống của các cộng đồng trên; nhưng chúng ta đã vươn lên và tiếp tục các bước phát triển đáng khích lệ.

Khi đưa ra luận đề về dân số cách đây 204 năm, có thể nhận định của Malthus chưa xác thực. Ông ta không hẳn đã nghĩ tới tất cả sự khác biệt giữa một quốc gia và các cộng đồng địa phương nguyên thủy. Con người có thể bành trướng ra các khu vực mới và với sự phát triển kỹ thuật của cuộc cách mạng kỹ nghệ, sự sản xuất thực phẩm nói chung và các loại hàng hóa khác tiến nhanh và có hiệu quả rất nhiều so với quá khứ. Các tài nguyên thiên nhiên được khai thác từ trái đất trở thành các nguyên liệu quan trọng trong chương trình sản xuất, làm giầu cho xã hội và con người.

Chúng ta không phải là loài thứ nhất hay là loài duy nhất bành trướng trên địa cầu. Đúng ra, chúng ta là loài trước tiên biết tổ chức đời sống kinh tế một cách thực tế. Các loài khác vẫn có sự di truyền và liên kết; nhưng có vẻ rời rạc và loài nào chỉ biết loài đó, không trực tiếp liên kết với các sinh vật xa vời của chúng.

Ngược lại, mỗi ngày, vì sự sống, chúng ta phải trao đổi hàng tỷ Mỹ-kim về hàng hóa và dịch vụ cung cấp trên toàn thế giới, với các dân tộc có nền văn hóa khác nhau. Các hoạt động này, nếu không có tổ chức một cách quy củ và mang tích chất toàn cầu, nó sẽ gặp khủng hoảng. Điều đó có nghĩa trong một nền kinh tế, nếu không có nhận thức chính trị, không biết tổ chức, chúng ta đã trở thành một dân số khổng lồ và đơn độc. Hệ thống, trong đó chúng ta đang sống, sẽ tiêu hao năng lực và các nguồn cung cấp khác, như: không khí, nước, đất đai và tất cả các sinh vật sẽ cạn dần, tới chỗ không còn gì để sống, nếu chúng ta không biết bảo vệ, tái tạo, biến chế và tái xử dụng.

Đời sống của chúng ta hiện thời là tập hợp của toàn thể các hệ thống cộng đồng địa phương, một hệ thống mà chúng ta chấp nhận nó tan rã lần hồi theo thời gian, để trở thành một cộng đồng có đời sống thành công lớn lao hơn như ngày nay.

III- SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA NHÂN LOẠI

Vì sự sống còn, chúng ta đã biến cải đất rừng và các đồng cỏ hoang thành nông trại trên khắp thế giới. Các phát minh và sự phát triển kỹ thuật đã giúp chúng ta đi ngày xa ngàn dặm; bắt không phải chỉ vài tấn cá, nhưng hàng chục ngàn tấn; sản xuất không chỉ một vài tấn, nhưng hàng chục ngàn tấn sữa, thịt và rau xanh v.v..

Để nhận định một cách thực tế và khách quan hơn, chúng ta hãy so sánh những con số cụ thể sau đây:

Thế giới năm 2000 có: 6.055.049.000 người, giả thử mỗi ngày trung bình mỗi người ăn 500 gram gạo hoặc khoai bắp, số lượng lương thực cần có là:

6.055.049.000 x 500gr. = 3.027.524.500.000 gr. hay = 3.027.524,5 tấn gạo

Theo thống kê năm 1999 của Liên Hiệp Quốc, toàn thế giới đã sản xuất được 2 tỷ 278 triệu 278 ngàn tấn (2.278.278.000) ngũ cốc, gồm:

- 609.566.000 tấn lúa mì,

- 585.828.000 tấn bắp

- 24.757.000 tấn lúa tiểu mạch

- 573.263.000 tấn gạo

- 156.617.000 tấn lúa đại mạch

- 295.407.000 tấn khoai tây và khoai lang

- 32.840.000 tấn lúa mạch

Tính ra, mỗi ngày số ngũ cốc cả thế giới sản xuất được là :

2.278.278.000 tấn : 365 ngày = 6.241.857,5 tấn.

* Như vậy số cung cao hơn số cầu, nhân loại không lo sợ bị chết đói trong giai đoạn này, nếu thực phẩm được phân phối đồng đều cho các khu vực.

6.241.857,5 tấn - 3.027.524, 5 tấn = + 3.214.333 tấn

*-Về thịt, năm 1999, cả thế giới sản xuất được:

202 triệu 541 ngàn tấn (202.541.000), gồm:

- Thịt chiên và cừu:: 10.930.000 tấn

- Thịt gà : 57.117.000 tấn

- Thịt bò và bê: 56.462.000 tấn

- Thịt heo: 78.032.000 tấn

*- Số lượng sản xuất một ngày là:

202.541.000 tấn : 365 ngày = 554.906,8 tấn.

Giả thử mỗi người một ngày ăn 300 gram thịt, số lượng thịt cả thế giới cần có là:

6.055.049.000 x 300 gr. = 1.816.514.700.000 gr. hay = 1.816.514,7 tấn

Nhìn một cách tổng quát, nhân loại chưa đủ thịt để ăn, dù chỉ 300 gram một ngày. Số thịt thiếu hụt là:

554.906,8 tấn - 1.816.541,7 tấn = -1.261.634,9 tấn

Tuy nhiên, nếu cộng thêm số cá đánh được, số gà vịt tư nhân nuôi và làm thịt không ghi trong thống kê, và chia đều cho mọi người, thì số thịt và cá sẽ đủ cho mỗi người ngày ăn 300 gram.

IV- SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT CÓ THỂ GIÚP CON NGƯỜI GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ NHÂN MÃN VÀ THIẾU THỰC PHẨM

Về lãnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp, sự phát triển khoa học kỹ thuật đã giúp nhân loại khai phá thêm nhiều đất trồng tỉa, đóng được nhiều tàu đánh cá tối tân và gặt hái được số lượng nông phẩm và hải sản nhiều gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với 204 năm trước đây.

Nhờ kỹ thuật tối tân và kinh tế phát triển, đa số các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt thực phẩm và người dân không bị chết đói. Có quốc gia kỹ nghệ tiên tiến, như Đan Mạch chẳng hạn, người ta đã sản xuất sữa bò tươi vượt quá mức ấn định của Liên Hiệp Âu Châu, để rồi trong khi nhiều nơi dân đang lâm vào tình trạng thiếu thực phẩm, cả triệu lít sữa ở đây bị đổ xuống mương nước, nếu không sẽ bị phạt tiền. Người ta cũng sản xuất dư thừa lúa, để rồi nhiều nơi dân đang chết đói, mà ở đây người ta dùng lúa đốt thay than đá, vì than nhập cảng từ nước ngoài mắc hơn so với phí tổn tồn trữ lúa dư trong kho.

Cũng ở đây, nhờ kỹ thuật hiện đại, để tiết kiệm nước và giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm từ các hố phân tươi gây hại cho sức khỏe và môi trường chung quanh, người ta đã chế biến nước tiểu của heo thành nước trong lành, để tái xử dụng trong nông trại, và biến phân tươi của heo thành phân khô không mùi hôi, dùng thay phân tươi bón trên các cánh đồng lúa.

KẾT LUẬN

Về đoản kỳ, ám ảnh của Malthus về dân số và thực phẩm có phần đúng; nhưng không phải tới giới hạn khiến cho nhân loại phải lo ngại. Nếu có, nó sẽ xẩy ra vào những thế kỷ tới.

Tai họa tiêu diệt nhân loại không chỉ vì vấn nạn dân số gia tăng quá mức và sự khan hiếm thực phẩm trầm trọng; nhưng vì con người sẽ tự hủy hoại mình qua sự thiếu bảo vệ môi trường sống, phế thải bừa bãi chất độc hóa học, phóng xạ nguyên tử, thiếu phân công trên thị trường và phân phối thực phẩm không đồng đều trên toàn thế giới.

Người ta cũng chưa nhiệt tình đủ trong chương trình cứu đói và trợ giúp các nước kém mở mang giải quyết tình trạng nghèo và bệnh hoạn. Nhiều quốc gia ở Châu Phi dân khan hiếm thực phẩm chỉ vì thiếu nước, nguồn cung cấp tối cần thiết trong chương trình phát triển nông nghiệp. Nhưng người ta chỉ cứu đói có tính cách nhất thời mà không giúp các nước này có nước để trồng tỉa.

Lấy Do Thái làm ví dụ. Đất đai của Do Thái đa số gồm toàn cát và sỏi đá. Khách quan mà nói, người ta sẽ không trồng tỉa được gì trên mảnh đất khô cằn này. Nhưng với sự thông minh và tài áp dụng kỹ thuật, cùng với sự giúp đỡ tài chánh từ nhiều phía, người Do Thái đã biến các "sa mạc cát" thành các nông trại trồng trái cây và rau xanh tươi tốt. Người ta đã biết cách giữ nước mưa và độ ẩm cần thiết cho cây phát triển, bằng cách lót dưới đất cát một lớp nhựa dầy. Tốn phí hơn nữa, chính phủ Do Thái, ngoài các hợp đồng với các nước lân cận, về việc dẫn nước từ sông Jordan của Jordan và từ các sông của Syria, đã giải quyết tình trạng thiếu nước bằng cách nhập cảng nước từ Ai Cập. Nước được dẫn qua các ống đặt ngầm dưới biển. Một chương trình tốn hàng triệu Mỹ-kim mà chính phủ Do Thái, bằng bất cứ giá nào, đã giải quyết thành công trong những năm vừa qua. Một trong các nguyên nhân đưa tới các cuộc xung đột có vũ trang tại Trung Đông chính là nguồn cung cấp nước. Cuộc xung đột sẽ trở nên trầm trọng, nếu Ai Cập, Syria và Jordan, một ngày nào đó gây hấn và hủy bỏ các thỏa hiệp cung cấp nước ngọt cho Do Thái.

Câu hỏi thường được nhiều người đặt ra là: tại sao UNDP, chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Program) và các quốc gia kỹ nghệ giầu có (G.7) không áp dụng phương pháp của Do Thái trong chương trình phát triển nông nghiệp nhằm giải quyết nạn thiếu thực phẩm ở Phi Châu?

Sau hết, sự hủy hoại do nhân loại tự gây ra, còn có thể nhận ra cả từ những thay đổi văn hóa của con người. Vì ám ảnh nhân mãn và nạn đói, ngoài chương trình hạn chế sinh đẻ, như Malthus đã đề nghị cách đây 204 năm, người ta đang tiến dần tới tình trạng khoanh vùng, kế hoạch giao thương có điều kiện và hạn chế các cuộc di dân.

Và sau hết, khi con người không còn tôn trọng giá trị của đời sống, nhân loại sẽ đi về đâu?