Sự xuất hiện man rợ của ISIS và bộ máy truyền thông của Tây Phương hiện nay hầu như làm người ta quên khuấy cả một trận chiến khác của khủng bố Hồi Giáo đó là Boko Haram ở Nigeria. Sự quên khuấy này không hẳn là một tình cờ lịch sử, mà là một phần chiến lược của chính quyền Obama hợp tác với ý thức hệ đạo đức tính dục.

Ít nhất thì đó cũng là nhận định của Tân Chủ Tịch Truyền Thông của các giám mục Phi Châu, Đức Cha Emmanuel Badejo của Oyo, Nigeria, trong một cuộc phỏng vấn của Diane Montagna, thuộc tạp chí Aleteia, một tạp chí chuyên về bảo vệ sự sống.

Theo Đức Cha Badejo, các giá trị Phi Châu, tuy không bị đem ra bán đại hạ giá, nhưng hiện đang bị đe dọa nặng nề bởi điều mà Đức GH Phanxicô vốn gọi là “thực dân hóa ý thức hệ” nhằm phá hoại gia đình. Chính sách thực dân mới này tồi tệ đến độ Hoa Kỳ không ngần ngại nói rõ: họ chỉ giúp Nigeria đánh trả nhóm khủng bố Boko Haram nếu nước này chịu thay đổi luật lệ liên quan tới đồng tính luyến ái, kế hoạch hóa gia đình và kiểm soát sinh đẻ.

Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn:

Thưa Đức Cha, là một giám mục tại Nigeria, Đức Cha có thể cho chúng con biết gì về bản chất và các hoạt động của Boko Haram?

Muốn biết mọi câu trả lời chính xác về Boko Haram, có lẽ ta cần rất nhiều thì giờ. Sự thật là từ các suy tư, khám phá và kinh nghiệm của chúng tôi với những người có liên hệ với sự man rợ và bạo lực của Boko Haram, thì đây quả là một pha trộn của rất nhiều sự việc: như tội ác của các chính phủ trong quá khứ, thối nát, hành chánh đồi bại, thiếu chú ý tới lớp trẻ, thiếu chú ý tới những trụ cột chính của dân chủ như giáo dục dân chúng, nhất là ở miền bắc của xứ sở.

Theo tôi, chúng tôi bị lãng quên bởi chính sách cai trị tồi bại của 30 tới 35 năm trước đây.

Chúng tôi thấy chính sách ấy phát xuất từ lâu tại Nigeria. Cô có thể lên miền bắc của Nigeria, ngay cả trong thời hòa bình nhất, cô sẽ thấy từng đoàn người ở ngoài đường phố, không làm gì cả, chỉ biết ăn xin. Bất cứ ai chỉ cần một chút khả năng phân tích cũng biết đây là vấn đề. Không cần phải là Boko Haram. Bất cứ ai với bất cứ ý đồ tội ác nào cũng có rất nhiều tay chân để thuê mướn, để sử dụng cho việc cướp bóc, phá hoại an ninh công cộng.

Khi mới xuất hiện, nền dân chủ đem tới thật nhiều kỳ vọng, nhưng phần lớn những kỳ vọng này không thành sự thật. Giới trẻ, những người đã bị biến thành bất lực không tự chăm sóc cho mình được vì thiếu giáo dục, thiếu nhân dụng, lại thấy các chính trị gia trước đây vốn chẳng là ai nay bỗng trở thành đại gia, có khả năng muốn gì được nấy. Và rồi các phương tiện truyền thông quốc tế nữa, họ thi nhau cho thấy thế nào là một cuộc đời đáng sống, nên giới trẻ này, trước kia bất cần, giờ đây bắt đầu thấy mình cần lưu tâm tới những gì mình có thể có nếu mình cũng nắm được những địa vị kia. Về việc này có nhiều khả thể như đi học chẳng hạn, nhưng làm gì có trường mà học. Cũng làm gì có việc làm. Chỉ mới đây, chính phủ mới bắt đầu xây trường. Nhưng theo tôi, đã quá muộn.

Cũng còn nan đề khác đó là việc thiếu tôn trọng pháp trị. Nigeria có hiến pháp, nhưng hiến pháp này, trong nhiều năm, vốn bị lạm dụng vì chính phủ thiếu ý chí áp dụng luật pháp khi cần. Người ta phạm pháp và không bị luật pháp trừng trị. Nhiều năm trước đây, khi luật Sharia được đem ra áp dụng, chính phủ đã không có biện pháp nào đối phó, chỉ ngồi hy vọng tự nó sẽ tan biến. Chứng tỏ họ không có khả năng kiểm soát bất cứ điều gì.

Tất cả các yếu tố trên đều góp phần vào việc khuyến khích bạo loạn. Thành thử khi Boko Haram nổi lên, những người bất mãn với hệ thống và chính quyền có chỗ bám theo. Cho mãi tới nay, tôi biết vẫn còn những người trẻ tham gia các nhóm khủng bố không phải vì họ thích các nhóm này mà họ cần một ngõ ngách để chống phá chế độ, để bày tỏ sự chống đối của họ. Tất cả những điều này góp tay vào bộ phận tội ác khổng lồ, cai trị dở, thối nát ở miền bắc.

Một nhân tố khác là các tổ chức tôn giáo, là các tổ chức rất có thể đã gia giảm được được hậu quả ở miền bắc, nhưng trên thực tế đã gặp nhiều trở ngại. Các bộ phận của Kitô Giáo, các tổ chức của Giáo Hội, không được tự do mà đáng lý họ phải được hưởng. Ở bắc Nigeria, họ bị chính phủ gây khó khăn trong rất nhiều năm.Theo luật lệ, cô không được mua đất đai, nếu cô là Kitô hữu, và nhiều lần, các giám mục Công Giáo tại Nigeria đã tranh đấu về vấn đề này, nhưng không đi đến đâu. Sự thật là tại một số tiểu bang của Nigeria, cô không thể sở hữu đất đai nếu cô sử dụng đất đai này vào các mục đích tôn giáo. Mục đích này bao gồm việc huấn luyện người cho các trường học, xây các phương tiện cho người ta, cung cấp nền giáo dục luân lý. Vì người ta chỉ chú trọng tới các trường Hồi Giáo, nên họ chỉ dạy Kinh Kôrăng mà thôi, nên cấu trúc tinh thần của xã hội cứ mai một dần.

Lý do khiến điều trên quan trọng là: tôi xuất thân từ miền tây Nigeria, nơi nền văn hóa Yoruba rất mạnh. Nhiều người Hồi Giáo theo nền văn hóa này. Tại khu vực của tôi, chúng tôi là thiểu số Kitô Giáo sống với đại đa số Hồi Giáo, nhưng chúng tôi sống chung với nhau rất tốt đẹp. Trong giáo phận tôi, và tôi nghĩ việc này chưa được truyền thông lưu ý đủ, tôi có 17 trường học. Bẩy mươi phần trăm học sinh tại các trường của tôi là trẻ em Hồi Giáo và một số các em này, không nhiều lắm nhưng cũng đông đủ, đã chấp thuận trở lại Kitô Giáo và cha mẹ các em không hề phản đối. Tôi nói thực với cô như vậy.

Tôi cũng có một số imam (giáo sĩ) và một số nhà lãnh đạo Hồi Giáo thân nhau đến nỗi khi xây nhà mới, họ mời tôi tới để làm phép. Khi chúng tôi cử hành hay mừng lễ nào đó mà mời họ, là họ vui lòng tới ngay. Tôi vốn cử hành nhiều đám cưới cho người Công Giáo và người Hồi Giáo. Tại nhiều nơi như giáo phận tôi, người Hồi Giáo trông cậy vào người Công Giáo để có người lãnh đạo trong các vấn đề xã hội, công lý, phụ nữ, huấn luyện người vào đại học. Thành thử, nói chung có sự tin tưởng lẫn nhau, nhiều sự hợp tác với nhau.

Đã có những lúc tôi phải đề cập tới vấn đề Boko Haram ở bắc Nigeria. Tôi quyết định phải tham khảo các nhà lãnh đạo Hồi Giáo vốn thân thiết với mình. Tôi hỏi họ tại sao chúng tôi, tại miền tây, không có cùng một vấn đề như ở miền bắc. Họ chỉ ra điều này: bối cảnh văn hóa vững chắc vốn hợp nhất chúng tôi, chúng tôi không để nó mai một. Trái lại, ở miền bắc, nền văn hóa Hồi Giáo đã mai một. Nền văn hóa Hausa đã mai một. Hồi Giáo có tính Ả Rập và đã bén rễ lâu đời, nhưng chính vì vậy, nhiều người đã mắc kẹt ở giữa. Đúng, họ là Hồi Giáo, nhưng nền văn hóa nằm ở bên dưới thì không còn nữa, không có nền văn hóa cho các giá trị.

Ở Yorubaland, phẩm giá và sự sống nhân bản được coi là thánh thiêng. Kitô Giáo đã tới rửa tội cho nó. Không ai thuyết phục tôi tin rằng Kitô Giáo tới chỉ để đem lại lòng tôn kính sự sống con người. Lòng tôn kính này đã có từ trước. Cô không thể bình thản tiến hành việc giết một ai đó. Có rất nhiều châm ngôn cho thấy sự khôn ngoan của người Yoruba. Họ quen nói: ngươi không được đánh nhau cho tới chết. Khi đánh nhau, bất đồng hay tranh chấp, ngươi không được tiếp tục cho tới chết, vì ngươi không bao giờ biết chuyện gì sẽ xẩy ra vào ngày mai, và ngươi cần tới ai.

Tôi nghĩ rằng việc thiếu cơ sở văn hóa, việc cai trị tồi tệ trong quá khứ, việc phá hủy các tiền đề cai trị dân chủ, và việc hàng triệu người trẻ bị bỏ rơi ngoài đường phố, không một chút hy vọng, không một chút khả năng, đã chuẩn bị mảnh đất tốt cho Boko Haram. Nó là chỗ cho nhiều người bám vào.

Khi Boko Haram mới nổi dậy năm 2009, người ta rất dễ mô tả nó, dù từ xa. Nay, nó đã qui tụ nhiều lực lượng khác dưới cây dù Boko Haram. Đúng thế, chính tổng thống Nigeria, mấy tháng trước đây, từng cho rằng hiện nay có nhiều loại Boko Haram khác nhau: kinh tế, tôn giáo, xã hội. Ông cũng thừa nhận rằng ngay trong chính phủ của ông, cũng có người có thiện cảm với Boko Haram. Thành thử nó trở thành chiếc dù lớn cho bất cứ ai bất mãn hay muốn phá hoại cấu trúc tinh thần của Nigeria.

Theo nhận định của Đức Cha, ta có thể đánh bại Boko Haram cách nào?

Vấn đề này khá khó. Chúng tôi đã đi tới chỗ đồng ý với nhau rằng chính phủ Nigeria không đủ sức làm việc này. Đây là một trong những lý do tại sao chính phủ tỏ ra bất cần. Hai nghìn người đã thiệt mạng. Thành thử muốn gì đây, nếu không thể làm gì được. Tại sao còn làm ầm ĩ lên làm gì? Đây chỉ là vấn đề thái độ. Nhiều người đang mất mạng, nhiều binh sĩ Nigeria đang mất mạng.

Cách nay không lâu, tôi có cung cấp cho Đài Phát Thanh Vatican một bài phân tích, trong đó tôi đặt ra hai câu hỏi: có đúng sự thực là không ai ở ngoài kia có thể nhận diện tất cả tiền bạc của Boko Haram từ đâu mà có hay không? Có đúng sự thực là không ai ở Tây Phương có khả năng chặn đứng nguồn tài trợ cho Boko Haram hay không? Tôi nghĩ có một sự đồng loã nào đó ở Tây Phương đối với những gì đang diễn ra.

Truy nguyên ra, tôi thấy tất cả là do nghị trình kiểm soát dân số. Lý thuyết của tôi là vậy. Bất cứ điều gì có thể giảm dân số. Về việc nổ bùng dân số tại Phi Châu, đang có những tiếng chuông cảnh báo vô trật tự. Và bất cứ điều gì có thể giảm thiểu hay giới hạn được đà gia tăng dân số tại Phi Châu đều được hết lòng hoan nghinh.

Thực vậy, gần đây tôi được báo động khi nghe Hillary Clinton, lúc còn là ngoại trưởng, nói rằng chính phủ Hoa Kỳ cam kết làm bất cứ điều gì có thể để đẩy mạnh nghị trình kiểm soát dân số. Hoa Kỳ thực sự tuyên bố rằng họ chỉ giúp Nigeria đương đầu với Boko Haram nếu nước này chịu thay đổi các luật lệ liên quan tới đồng tính luyến ái, kế hoạch hóa gia đình, và kiểm soát sinh đẻ. Điều hết sức rõ ràng là chủ nghĩa đế quốc về văn hóa quả đang hiện hữu. Thực thế, theo tôi, Phi Châu chịu đau khổ nhiều vì chủ nghĩa đế quốc văn hóa đang làm sói mòn các giá trị văn hóa của chúng tôi.

Theo tôi, đó là hình tội. Vì nếu Tây Phương huyênh hoang mình dấn thân cho tự do nhân bản, thì họ hãy chứng tỏ thực sự họ muốn thế đi. Nếu có những giá trị được Tây Phương qúy trọng, thì họ đừng nên áp đặt chúng lên Phi Châu. Đây là một phần của tự do nhân bản. Và, ít nhất, Phi Châu cũng có thể đứng lên và tuyên bố: “Đây là các giá trị được chúng tôi qúy trọng và là những giá trị chúng tôi muốn duy trì”. Nếu Tây Phương qúy trọng tự do cho người đồng tính và các cuộc kết hợp đồng tính cũng như việc phá thai và ngừa thai, thì họ phải giả thiết người Phi Châu không có khuynh hướng đối với những điều đó. Đối với người Phi Châu, sự sống là điều thánh thiêng. Thế giới đang chứng kiến hàng trăm người chết ở Nigeria mỗi ngày mà vẫn có thể ngoảnh mặt làm ngơ: điều này cho thấy cái mà chúng tôi vẫn gọi là nền Văn Minh Tây Phương quả đang bệnh hoạn. Những điều họ nói về nhân phẩm và nhân quyền chỉ là giả hình. Người ta càng ngày càng ít lòng kính trọng đối với tính thánh thiêng của sự sống. Và tất cả những điều này đang bị áp đặt lên Phi Châu, bằng bất cứ giá nào: chúng tôi cho rằng điều này hết sức vô luân và bất công nữa…

Trả lời câu hỏi điều gì ngăn cản Boko Haram không nắm được chính quyền ở Nigeria. Đức Cha Badejo cho rằng: nhờ Tây Nigeria rất vững do dân chúng được giáo dục, sống chung hòa bình. Vả lại, tại nhiều vùng khác, vẫn còn một hình thức cai trị và được an toàn. Một số tiểu bang của Nigeria trở nên an toàn hơn trước, nhờ chính quyền ở đây, thuộc phe đối lập, có một phương thức khá hơn phương thức của chính phủ. Hơn nữa, lãnh thổ do Boko Haram chiếm được tuy khá rộng, nhưng so với toàn quốc, vẫn còn rất nhỏ...

Về việc Tây Phương có thể giúp được gì, Đức Cha Badejo nói rằng: họ có thể giúp về phương diện bác ái, cung cấp tài nguyên, phương tiện sức khỏe. Về việc ngăn chặn các hoạt động sát nhân của Boko Haram, Đức Cha Badejo cho rằng không có tiến bộ, một phần do Tây Phương không lưu ý tới Nigeria đủ. Ngài bảo, chỉ có mấy người chết tại Paris do khủng bố Hồi Giáo gây ra đã làm rúng động cả thế giới, vậy mà hàng chục nghìn người chết vì khủng bố tại Nigeria, thì không ai xúc động hết. Ngài hỏi: Tại sao lưu ý tới Pháp mà lại không lưu ý tới Nigeria? Ngài bảo: quả có sự đồng loã…

Được hỏi thêm về tân chủ nghĩa đế quốc văn hóa song song với kiểu nói “thực dân hóa đầy tính ý thức hệ”của Đức GH Phanxicô nhân dịp tông du Phi Luật Tân, Đức Cha Badejo cho hay:

Tôi muốn nói rằng hệ thống giá trị của Phi Châu xem ra có khác với hệ thống giá trị hiện nay của Tây Phương. Người Phi Châu nói tới tính thánh thiêng của sự sống. Ở Tây Phương, người ta quá nhấn mạnh tới phẩm chất của sự sống. Đó là lý do khiến người Phi Châu cho rằng đứa con là trân châu ngọc bảo dù đứa con này phải trải nghiệm nhiều khó khăn để lớn lên. Ở Tây Phương, nếu đứa con không thể có được điều tốt nhất ở trên đời, thì nó không nên sống. Đấy không phải là thế giới quan của Phi Châu.

Thế giới quan Phi Châu là mọi sự sống đều thánh thiêng, hữu ích và là một trân châu bảo ngọc cả. Vì người Phi Châu coi hôm nay thấp giá hơn ngày mai. Cô không bao giờ biết điều gì sẽ xẩy ra ngày mai, nhưng luôn có hy vọng. Và dựa trên thế giới quan đó, toàn bộ phong trào nhân danh kế hoạch hóa gia đình là thúc đẩy điều Đức Giáo Hoàng gọi là “nền văn hóa sự sống”, nghĩa là, ngừa thai, phá thai và tất cả những gì giới hạn sự hiện hữu của con người đều tởm gớm đối với người Phi Châu, và người Phi Châu trung bình ở ngoài đường phố thẩy đều chống đối chúng…

Cô hẳn biết Uganda, nước mà chính phủ của họ trước đây đã thông qua luật lệ chống đồng tính luyến ái, vì đây không thuộc nền văn hóa của họ. Nhưng cuối cùng, họ buộc phải thay đổi đạo luật đó để được hưởng một khoản viện trợ của Hoa Kỳ.

Đấy, xin cho tôi phát biểu như thế này: thế giới Tây Phương cho rằng mọi quyền đều là nhân quyền, và mọi tác phong phải có vị thế của một nhân quyền. Chúng tôi bảo như thế không đúng. Không phải mọi tác phong của con người đều có vị thế của một nhân quyền. Có những nhân quyền và có những tác phong của con người. Nhưng không phải tác phong nhân bản nào cũng có vị thế đó. Người Phi Châu tin như thế vì họ luôn khởi đi từ hữu thể cao hơn. Thiên Chúa luôn có đó và có một chỗ đứng trong đời sống của người Phi Châu.

Ở Tây Phương, ngược lại, vì bất cứ lý do nào, họ cũng không thấy cần có Thiên Chúa nữa. Mọi sự đều xuông xẻ: sống tốt và cô có thể giải thích mọi sự. Người Phi Châu bác bỏ việc họ có khả năng giải thích mọi sự.

Tôi nghĩ ở Tây Phương, người ta phóng đại cái hiểu của họ về tự do nhân bản. Tự do vô giới hạn, cá nhân được hoàn toàn tự do. Nhưng hoàn toàn tự do là trở nên phóng túng. Và người Phi Châu không nhìn thế giới như thế. Họ tin rằng đời họ là một ân ban, và niềm tin này rất hữu ích cho Phi Châu. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn còn ý thức mạnh về gia đình. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn còn ý thức mạnh về nhân loại. Gia đình cô không chấm dứt với con cái của cha cô hay con cái của mẹ cô, nhưng nó trải dài qua người khác có tình máu mủ với cô. Và điều này rất giúp ích cho Phi Châu. Thành thử có một cái hiểu quá phóng đại về tự do vô trách nhiệm, có thể đã phát khởi từ tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nay còn có tuyên ngôn nhân quyền của con nít, nhưng tôi chưa thấy một tuyên ngôn nào về trách nhiệm cả. Thành thử đây là một thế giới quan hoàn toàn khác, và theo tôi, nó đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ ở Tây Phương, vốn có giá trị rất giới hạn ở Phi Châu.

Theo tôi, nếu những người thuộc các nhóm vận động khác nhau trên thế giới ngày nay muốn chủ trương rằng phải dành cho mọi loại tác phong vị thế một nhân quyền, thì họ nên nhớ rằng nếu tôi không tin như thế, tôi cũng có quyền phát biểu chứ. Tại sao ai cũng có quyền áp đặt thế giới quan khác lên tôi. Theo tôi, việc đó hết sức vô luân.

Được hỏi về việc so sánh phong trào tranh đấu quyền đồng tính với phong trào dân quyền của người Mỹ Da Đen thập niên 1960, Đức Cha Badejo trả lời:

Người Da Đen tranh đấu vì họ muốn được nhìn nhận là người. Còn người đồng tính tranh đấu để tác phong của họ được nhìn nhận là một nhân quyền. Đâu phải trên cùng một bình diện, không hề cùng một bình diện.

Người da đen tranh đấu để được hiện hữu như người đối tác da trắng. Đó là nhân quyền. Còn người dấn thân vào các mối liên hệ không có tính sinh sản, đâu phải cùng một chuyện. Đây là vấn đề tác phong, những tác phong từng được chứng minh, cả về phương diện khoa học nữa, là có thể thay đổi được, những tác phong từng được chứng minh cả trên bình diện khoa học là bệnh lý. Còn là người da đen đâu phải chuyện bệnh lý. Tôi không thể thay đổi để trở thành người da trắng.

Quay qua Thượng Hội Đồng về gia đình, điều gì quan trọng đối với các giám mục Phi Châu? Và các ngài ưu tư ra sao đối với các mưu toan nhằm thay đổi thực hành mục vụ trong các vấn đề gây tranh cãi như ly dị và tái hôn, đồng tính luyến ái, sống chung…

Trước đây tôi có nói rằng có một số giá trị ở Phi Châu mà tôi tin Kitô Giáo chỉ tới để rửa tội cho. Sự sống luôn là điều thánh thiêng. Gia đình luôn được tôn trọng, trước khi Kitô Giáo tới đây. Về Thượng Hội Đồng về gia đình, chúng tôi coi đây là một cơ hội để chặn đứng làn sóng các giá trị phản gia đình vốn phát xuất từ Tây Phương và thoát khỏi điều tự gọi là “nền văn minh hiện đại” và thoát khỏi các phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông vốn là kẻ đồng loã đầy thế lực trong vấn đề này.

Trong Thượng Hội Đồng vừa qua, điều Phi Châu muốn nhấn mạnh là khả năng để chúng tôi nói lên các ưu tư của mình. Các ưu tư của chúng tôi không phải là các ưu tư của Tây Phương. Nhưng Phi Châu không nói rằng Tây Phương không nên nói lên các ưu tư của họ.

Càng ngày nhiều người Phi Châu càng bắt đầu lên tiếng cho chính họ và cưỡng lại thái độ tổng quát trong quá khứ là người Phi Châu ít nghĩ tới chính mình, không biết điều gì tốt cho mình.

Điều Phi Châu muốn là: được dành cho cơ hội để vừa là người Phi Châu vừa là người Kitô hữu, vừa là người Phi Châu vừa là người Công Giáo. Ở Phi Châu, các vấn đề gia đình và hôn nhân là các vấn đề liên quan tới đa thê, liên quan tới những cuộc hôn nhân chưa tới tuổi, liên quan tới việc năng lực hóa phụ nữ và các vấn đề khiến chúng tôi quan tâm về mầu da.

Chúng tôi muốn những vấn đề trên trở thành một phần trong các vấn đề liên quan tới Giáo Hội. Nếu Tây Phương ưu tư tới người ly dị và tái hôn, thì điều ấy tốt thôi. Nhưng chúng tôi phải bao gồm các vấn đề khiến Phi Châu ưu tư và ưu tư này cũng là ưu tư của các nơi khác trên thế giới. Đó là ý nghĩa của một Thượng Hội Đồng: chúng ta đem các ưu tư và các ưu điểm của chúng ta lại với nhau.

Giáo Hội tại Phi Châu có thể cung hiến điều gì cho Giáo Hội Hoàn Vũ mà Tây Phương không thể cung hiến hay sẽ không cung hiến?

Chúng tôi nghĩ rằng Phi Châu có khả năng nhắc thế giới nhớ tới những điều hết sức cốt yếu: nhân tính ta, tính thánh thiêng của sự sống con người, vẻ đẹp của gia đình, vẻ đẹp của việc chấp nhận con cái như một ân ban của Thiên Chúa, chứ không như một gánh nặng. Đối với nhiều người ở Tây Phương, con cái đã trở thành một gánh nặng.

Phi châu bác bỏ nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, chỉ nghĩ tới phẩm chất của đời sống, chứ không nghĩ tới tính thánh thiêng của nó. Và Phi Châu bác bỏ thứ văn hóa chỉ nói tới tự do chứ không nói tới trách nhiệm. Chúng tôi bác bỏ loại giáo dục tính dục kiểu Tây Phương hiện đang rất thịnh hành chỉ nhắm tấn công trẻ em, chỉ nhằm “giải phóng” chúng và đem lại quyền “lựa chọn” trong các tác phong tính dục của riêng chúng. Điều ấy đang diễn ra. Có những cơ quan của Liên Hiệp Quốc đoan hứa sẽ giúp trẻ em thoát khỏi ảnh hưởng của cha mẹ và các tổ chức tôn giáo. Những trẻ em chỉ mới 5, 6 tuổi. Tại sao các trẻ em ấy và cả người trẻ nữa cần phải biết về kế hoạch hóa gia đình? Chúng đã có gia đình đâu. Chúng kế hoạch hóa cái gì?...

Về câu hỏi liên quan tới lời phát biểu trước đây của Đức HY Kasper rằng người Phi châu không nên bảo ta phải làm gì, Đức Cha Badejo cho hay:

Tôi nghĩ nhận định của Đức HY Kasper nghe có vẻ ngạo mạn. Ngài có thể nói cho nước ngài. Và người Phi Châu cũng nên nói cho nước mình. Tôi nhớ vị Chủ Tịch của Hội Đồng Giám Mục Nigeria đã mạnh mẽ nói về các vấn đề gia đình rồi. Các thượng hội đồng được nhằm cho việc đem mọi niềm tin và ý kiến khác nhau lên bàn (mổ xẻ)…

Ngài cho biết thêm:

Tôi là một giám mục Phi Châu, và tôi có thể nói với cô rằng nếu tôi tới Thượng Hội Đồng, tôi sẽ ủng hộ những gì Giáo Hội luôn giảng dạy. Đồng tính luyến ái là một xáo trộn. Người đồng tính vẫn là con cái Thiên Chúa. Họ có quyền được tôn trọng. Họ có quyền được cảm thương. Họ có quyền được chấp nhận như những con người nhân bản. Nhưng vẫn có yếu tố phân biệt giữa nhân quyền và tác phong nhân bản. Tôi không phải chấp nhận tác phong tính dục, giống như tôi không phải chấp nhận việc ghiền ma túy, ăn trộm, và khủng bố. Nhưng tôi chấp nhận con người nhân bản và tôi nghĩ đó là đường ranh cuối cùng.