Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một lá thư cảm ơn và tri ân của ngài với Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là Tổng Giám mục chính tòa Kiev và là nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương Ukraine.
Đức Tổng Giám Mục, cùng với các thành viên khác trong ủy ban thường trực Thượng Hội Đồng Giáo Hội Công Giáo Ukraine đã có cuộc họp tại Rôma và đưa ra một tuyên bố trong đó các vị khẳng định sự hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo. Các vị đã được Đức Thánh Cha tiếp sau đó vào sáng thứ Bẩy 05 tháng Ba.
Trong thư gửi Đức Tổng Giám Mục Shevchuk, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng khoảng bảy mươi trước, trong một bối cảnh tư tưởng và chính trị thù hận, đã tồn tại “những ý tưởng chống lại sự tồn tại của Giáo Hội của các hiền huynh, và đã dẫn đến việc tổ chức một Thượng Hội Đồng giả hiệu tại Lviv, và nhiều trong nhiều thập kỷ sau đó đã gây ra đau khổ cho các mục tử và các tín hữu”.
“Trước ký ức đau buồn của những sự kiện này, chúng ta cúi đầu với lòng biết ơn sâu sắc trước những người, bất chấp những cái giá đắt đỏ của đau khổ và thậm chí tử đạo, tiếp tục làm chứng cho niềm tin của mình và theo dòng thời gian đã thể hiện sự đóng góp lớn lao cho Giáo Hội trong tình hiệp thông với người Kế Vị Thánh Phêrô”.
Đồng thời, “với đôi mắt sáng ngời của cùng một đức tin, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu Kitô, để đặt nơi Người, chứ không phải nơi công lý của loài người, tất cả hy vọng của chúng ta”.
“Chúa Kitô là nguồn gốc thực sự niềm tin của chúng ta trong hiện tại cũng như tương lai, khi chúng ta được mời gọi để loan báo Tin Mừng giữa những khổ đau và khó khăn”.
Đức Thánh Cha sau đó bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự trung thành của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương Ukraine và khuyến khích họ là “những nhân chứng không mệt mỏi cho niềm hy vọng và cho tương lai tươi sáng hơn của anh chị em chúng ta”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ tình đoàn kết với các mục tử và tín hữu trong những thời điểm khó khăn “được đánh dấu bởi những đau thương của chiến tranh”
2. Niên Giám Tòa Thánh năm 2016: Dân số Công Giáo tăng đến gần 1.3 tỷ
Trong cuộc họp báo hôm thứ Bẩy 5 tháng Ba, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết từ năm 2005 đến năm 2014, dân số Công Giáo trên thế giới đã tăng từ 1,115,000,000 (tức là 17.3% dân số thế giới) lên đến 1,272,000,000 (tức là 17.8% dân số thế giới).
Trong suốt thời gian đó, dân số Công Giáo đã tăng 41% ở châu Phi. Tốc độ tăng trưởng dân số ở châu Phi trong cùng thời kỳ là 23.8%. Như vậy, dân số Công Giáo đã tăng gần gấp đôi mức tăng dân số,
Tại châu Á, dân số Công Giáo đã tăng 20%, trong khi mức tăng dân số tại lục địa này là 9.6%. Như vậy, số người Công Giáo tăng hơn gấp đôi mức tăng dân số.
Trong suốt khoảng thời gian đó, số giáo dân tăng lên 11.7% ở Bắc và Nam Mỹ, 2% ở châu Âu và châu Đại Dương 15.9%.
Trong năm 2014, gần một nửa (cụ thể là 48%) người Công Giáo trên thế giới sống ở Bắc và Nam Mỹ. 22.6% sống ở châu Âu, 17% ở châu Phi, 10.9% ở châu Á, và 0.8% tại châu Đại Dương.
Từ năm 2005 đến năm 2014, số linh mục tăng từ 406,411 vị lên đến 415,792 vị, trong khi số lượng phó tế vĩnh viễn tăng từ 33,000 lên đến 44,566. Số linh mục tăng đáng kể ở châu Phi (32.6%) và châu Á (27.1%), trong khi lại giảm ở châu Âu (8%). 97.5% số phó tế vĩnh viễn sống ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, hoặc châu Âu.
Mặc dù tăng đáng kể ở châu Phi và châu Á, số nam tu trên toàn thế giới đã giảm từ 54,708 năm 2005 xuống còn 54,559 vào năm 2014, trong khi số lượng nữ tu đã giảm 10.8% xuống chỉ còn 682,729 vị.
Sự gia tăng trên toàn thế giới về số lượng các chủng sinh đã bắt đầu từ thời Thánh Giáo Hoàng Phaolô II, cụ thể là từ 63,882 vị vào năm 1978 tăng đến 114,439 vào năm 2005 và lên đến 120,616 vào năm 2011, nhưng sau đó giảm xuống còn 116,939 vào năm 2014.
Từ năm 2005 đến năm 2014, số lượng chủng sinh tăng vọt ở châu Phi ở mức 30.9% và châu Á 29.4% nhưng giảm mạnh ở châu Âu 21.7% và giảm ở Bắc và Nam Mỹ 1.9%.
Số liệu thống kê vừa nêu trích từ Niên Giám Tòa Thánh năm 2016 và phiên bản 2014 của Thống kê Giáo Hội thường niên - Annuarium Statisticum Ecclesiae, cả hai tài liệu đều sẽ sớm được phưát hành.
3. Người tị nạn mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp - Macedonia
Ngày càng nhiều những người di cư bị mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp-Macedonia. Họ đang phải đương đầu với thời tiết xấu tại vùng này.
Hàng ngàn người di cư bị kẹt lại trên biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia. Những lo ngại đang gia tăng là số người này sẽ phồng lên đến mức không kiểm soát được. Thất vọng đang sôi lên khi cảnh sát Macedonia bắn hơi cay để giải tán những người di cư khi họ xông vào một trạm kiểm soát biên giới, lật nhào một cổng kim loại do cảnh sát dựng lên.
Một người di cư nói: “Tôi nghĩ rằng mọi người đang tức giận vì vậy người ta không thể kiểm soát họ. Chỉ có vậy thôi.”
Nhiều hạn chế đã được áp đặt khi người dân di chuyển qua khu vực Balkan, để vào một châu Âu chia rẽ sâu sắc đang phải vật lộn để đối phó với con số đông đảo những người tị nạn.
Các điều kiện trong trại tạm cư này rất là nghiêm trọng, người tị nạn phải chịu lạnh và dầm mưa nặng hạt.
Yusuf, một người di cư từ Damascus nói: “Tình hình là rất xấu. Chúng tôi đã ở đây bốn ngày. Đêm qua thật là vất vả, lều của chúng tôi ẩm ướt, quần áo cũng vậy. Đó là một đêm rất khó khăn.”
Các quan chức nói số người di cư và người tị nạn bị mắc kẹt ở Hy Lạp có thể tăng gấp ba lần trong những ngày tới.
4. Sinh viên Mỹ bị Bắc Hàn bắt giữ cầu nguyện trước các ký giả xin Chúa giải thoát anh khỏi ngục tù cộng sản
Bắc Hàn đã cho công bố một đoạn video trong đó anh Otto Warmbier, sinh viên Mỹ, ràn rụa nước mắt thú nhận trước các phương tiện truyền thông là anh đã phạm vào một “tội cực kỳ nghiêm trọng chống nhà nước Bắc Triều Tiên”.
Tội cực kỳ nghiêm trọng của anh Otto Warmbier là dám thò tay từ trong phòng khách sạn đang trú ngụ ở Bình Nhưỡng để lấy cắp làm kỷ niệm một bích chương tuyên truyền được căng ngay bên ngoài cửa sổ.
Vì tội này, Otto Warmbier, đã bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên kể từ tháng Giêng năm nay. Bắc Triều Tiên cho rằng hành động của anh đã được “xúi giục và lèo lái bởi chính phủ Hoa Kỳ” là điều anh nhất mực kêu oan và trước các phương tiện truyền thông anh đã cầu nguyện xin Chúa giải thoát anh khỏi nỗi oan ức này và cứu anh ra khỏi ngục tù cộng sản.
Khoảng 6,000 người phương Tây đến thăm Bắc Hàn mỗi năm - và Bắc Triều Tiên có một lịch sử lâu dài của việc giam giữ tùy tiện người nước ngoài, đặc biệt là bỏ tù công dân Hoa Kỳ. Hầu hết du khách đến đây vì tò mò muốn biết về cuộc sống đằng sau những mảnh cuối cùng của bức màn sắt, và bỏ qua những lời chỉ trích nói rằng đô la của họ đang chống đỡ cho một chế độ hà khắc nhất thế giới.
5. Ngày tuyên thánh cho Mẹ Têrêxa sẽ được ấn định vào ngày 15 tháng Ba
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tổ chức một công nghị Hồng Y tại Vatican vào ngày 15 tháng 3, trong đó ngài sẽ ký sắc lệnh tuyên thánh cho Chân phước Mẹ Têrêsa thành Kolkata và bốn vị khác.
Ngày giờ và địa điểm của những buổi lễ tuyên thánh cho các vị dự kiến sẽ được công bố ngay sau công nghị Hồng Y này.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức chuẩn y việc tuyên thánh cho Mẹ Teresa vào ngày 17 Tháng Mười Hai 2015, sau khi công nhận các phép lạ chữa lành qua lời cầu bầu của Mẹ cho một người đàn ông Brazil bị áp xe não.
Mẹ Teresa đã được tuyên Chân Phước tại Rôma vào ngày 19 Tháng 10 năm 2003, sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhìn nhận sự chữa lành kỳ diệu cho một người phụ nữ Ấn Độ bị một khối u trong bụng.
Mẹ Têrêxa tục danh là Agnes Gonxha Bojaxhiu là người Albania, sinh ngày 26 tháng Tám năm 1910, tại Skopje, hiện nay thuộc Macedonia. Mẹ qua đời ở Kolkata, trước đây gọi là Calcutta, vào ngày 05 Tháng Chín 1997.
Mẹ được Giáo Hội trìu mến gọi là “vị thánh của máng chuyển” tình yêu vô điều kiện cho người nghèo, bị bỏ rơi và bị thiệt thòi. Mẹ giành được nhiều danh hiệu quốc tế, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1979.
6. Ðại học Harvard mở các khoá học miễn phí để đẩy lui tình trạng thiếu hiểu biết về tôn giáo.
Bắt đầu từ hôm 01 tháng Ba năm 2016, khoa Thần học của Ðại học Harvard sẽ khai giảng các khoá học trực tuyến miễn phí về các tôn giáo với mục đích đẩy lui 'tình trạng thiếu hiểu biết về tôn giáo” và giải trừ các đối kháng.
Bà Diane More, một giảng viên lâu năm tại Trường Thần học của Ðại học Harvard và là người phụ trách chương trình này, giải thích trên tờ báo của Ðại học này như sau: “Dù một hiểu biết tốt hơn về tôn giáo tự nó không giải quyết được các vấn đề của thế giới, nhưng chắc chắn nó cũng sẽ giúp con người tạo nên được những chiếc cầu nối và hiểu biết nhau hơn”.
Chương trình mang tên “Các tôn giáo trên thế giới qua Kinh Thánh của mình” gồm sáu khoá học sẽ được trình bày miễn phí trên mạng từ tháng Ba đến tháng Tám năm 2016. Trong khoá thứ nhất, học viên khám phá tính đa dạng của các tôn giáo, tôn giáo phát triển và thay đổi ra sao qua dòng thời gian, và tôn giáo ăn sâu vào mọi khía cạnh của kinh nghiệm con người như thế nào. Họ cũng sẽ khám phá những giáo thuyết của các tôn giáo qua lăng kính của sách thánh và qua các chủ đề như giới tính và tình dục, nghệ thuật, bạo lực và hoà bình, khoa học, quyền lực và quyền bính. Các khoá còn lại sẽ bàn riêng từng tôn giáo một: Kitô giáo, rồi đến Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo và Do Thái giáo.
7. Đại diện Tòa Thánh nói: Nợ của các nước nghèo phải được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn của quan hệ kinh tế thế giới
Hôm thứ Hai 07 tháng Ba, Đức Ông Richard Gyhra, Đại diện lâm thời của phái đoàn thường trực của Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nói “nợ của các nước đang phát triển phải được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn của quan hệ kinh tế, chính trị và công nghệ đã mang lại một phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia, cũng như nhu cầu hợp tác quốc tế trong việc theo đuổi các mục tiêu công ích “.
Ngài đã phát biểu như trên tại một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva.
“Sự phụ thuộc lẫn nhau này nên phát khởi một khái niệm mới và rộng hơn về tình đoàn kết trong đó tôn trọng sự bình đẳng của tất cả các dân tộc, chứ không phải là dẫn đến sự bất bình đẳng và bất công, mà tối hậu là sự thống trị của các cường quốc mạnh nhất, hành động theo những lợi ích quốc gia ích kỷ,” Đức Ông. Gyhra nói.
8. Sau 13 năm vất vả, sách giáo lý Công Giáo đã được dịch ra tiếng Urdu
“Sau 13 năm làm việc với cường độ cao, toàn bộ sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo đã được dịch sang tiếng Urdu, được sự chấp thuận của Tòa Thánh, được gửi đến nhà in, và cuối cùng đã được công bố tại Pakistan.” Cha Robert McCulloch, bề trên tu hội San Columba hiện diện tại Pakistan 34 năm qua với sứ mạng truyền giáo, đã thông báo như trên với Fides, thông tấn xã của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
Cha Robert cho biết thêm:
“Chúng tôi rất hài lòng là công việc đã được hoàn thành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Ấn bản đầu tiên của sách Giáo lý, bởi Tòa Thánh và Hội đồng Giám mục Công Giáo Pakistan đã được hoàn thành với một mức giá khiêm tốn, và sẽ có ích cho việc dạy giáo lý ở tất cả các cấp, cho trẻ em, thanh niên và người lớn.”
Ngài nhận định rằng cuốn sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo bắng tiếng Urdu cũng sẽ có hiệu quả cho các cuộc đối thoại liên tôn.
Ngài nói: “Nhiều người Hồi giáo có thế giá tại Pakistan đã chúc mừng và có ý định sử dụng nó để hiểu rõ hơn về đức tin Công Giáo và Giáo Hội”
9. Trường học nổi trên sông dành cho người nghèo
Trường học nổi Makoko ở thành phố Lagos là một cấu trúc sáng tạo có hình kim tự tháp có thể chứa đến 100 học sinh và giáo viên, và có thể chịu được sự thay đổi của thủy triều và thời tiết khắc nghiệt.
Mệnh danh là Venice của Lagos, Makoko là khu ổ chuột của Nigeria nơi chứa gần 100,000 người. Cư dân chủ yếu là ngư dân, sống trên các nhà sàn và di chuyển giữa các ngôi nhà của họ bằng xuồng. Cuối tháng mười một năm ngoái, một trường học mới mở trong các khu ổ chuột và thu nhận được 47 học sinh. Nó được gọi là trường nổi Makoko.
Trường học nổi Makoko được xây dựng bằng thùng nhựa rỗng tái chế, tre nứa của địa phương và gỗ mua từ các xưởng cưa. Khung hình tam giác của nhà trường có thể thích ứng với sự thay đổi thủy triều và mực nước, làm cho nó cân bằng hơn trước lũ lụt và bão.
Shemede Noah là hiệu trưởng của trường nổi nói: “Hồi tháng Mười và tháng Mười Một năm ngoái, mực nước dâng cao làm các trường học cũ xây dựng trên các khu đất hoang bị ngập nặng. Điều này khiến tôi nghĩ đến việc xây dựng trường học nổi khi nào mức nước lên cao, nó đi lên theo và bất cứ khi nào mực nước đi xuống, nó đi xuống theo”.
Các quan chức chính quyền địa phương rất hài lòng và bây giờ đang có kế hoạch kết hợp thiết kế các trường nổi ở các địa phương khác.