Văn hóa Cám Ơn

"Tiếng chào cao hơn mâm cỗ"

Câu nói rất nhẹ nhàng để nói lên tính nhân văn, nhân bản của con người. Một người có văn hóa, có nhân bản sẽ rất dễ nhận ra khi họ biết nói lời cảm ơn ai đó cho họ cái gì

Cũng có thể không cho nhưng khi mình hưởng điều gì đó mình phải nhớ ơn đến những người nào đã làm ra nó như câu tục ngữ :

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Thật ngắn nhưng hai câu đủ nói lên sự cực khổ cay đắng của người nông dân từ lúc gieo hạt cấy lúa đến khi thu hoạch được hạt gạo. Họ đã đỗ mồ hôi dầm mưa dãi nắng chăm bón cho nó thành hạt gạo. Câu tục ngữ nhắc nhở mọi người phải biết nhớ tới công lao tần tảo của người làm ra hạt gạo, là cả một công sức lao động vất vả để tạo ra nó.

Ý nghĩa của câu tục ngữ: nhắc nhở con người biết quý trọng thành quả lao động của người tạo ra nó, xả hội phân công mỗi người một ngành nghề người lao động trí óc kẻ làm tay chân phải được quý trọng như nhau, câu tục ngữ còn nhắc phải biết trân trọng hạt cơm mình có dùng đúng mức cho dù ta là kẻ nhiều tiền lắm của ...

Con người có văn hóa, có nhân bản là như thế đấy.

Thế nhưng, đáng tiếc thay là sau một chặng đường dài mà người ta hô hào "cải cách giáo dục", đổi mới giáo dục, thay sách giáo khoa ... nhưng lời cảm ơn dường như mất dần, mất dần và hiếm thấy.

Nói không ngoa khi sự kiện vừa mới xảy ra không lâu. Ở ngay tập đầu tiên phát sóng tối 1/11, Vietnam’s Next Top Model đã để lại không ít băn khoăn nơi người xem truyền hình.

Ở vòng tuyển chọn catwalk, tình huống một nữ thí sinh bị loại vì quên nói lời cám ơn đến Ban Giám Khảo. Sau khi nhận được sự chấp nhận từ ba giám khảo, thay vì nói lời cảm ơn đến những người ngồi ghế nóng như các thí sinh khác vẫn làm, cô gái đi thẳng một mạch về phòng đợi. Đáng tiếc thay là vị giám khảo người Úc ngay lúc đó đã không ngần ngại gọi thí sinh quay lại và thông báo lý do cô bị loại khỏi cuộc chơi.

Chuyên gia catwalk người Úc nói: “Khi ba vị giám khảo đồng ý cho bạn cơ hội vào vòng trong, bạn phải nói cảm ơn chứ không phải là thản nhiên bỏ đi như vậy. Tôi không đánh giá cao thái độ này. Đó là sự thiếu lễ độ. Phải biết trân trọng những cơ hội mới dành cho mình, mới là người chiến thắng được. Tôi tin rằng quán quân chương trình phải là một người mẫu tuyệt vời có phong cách làm việc chuyên nghiệp và thái độ tốt. Họ sẽ là tấm gương sáng được các bạn trẻ trên khắp Việt Nam ngưỡng mộ. Và tôi nhắc lại quyết định của mình: Tôi không đồng ý”.

Đây sẽ là bài học cảnh tỉnh cho tất cả những bạn trẻ bắt đầu muốn nắm bắt cơ hội của mình. "Cái cơ bản là lời chào, lời cảm ơn, lời xin lỗi, các bạn phải luôn ghi nhớ". Và đây là một trong những phép lịch sự tối thiểu: “Nói cám ơn cho thấy nét đẹp văn hóa, con người, việc đơn giản như vậy cũng không làm được, thật đáng tiếc”, "Tiên học lễ, hậu học văn. Những người không biết đến từ xin chào, xin lỗi, cám ơn thì sau nay cũng không được đồng nghiệp, xã hội coi trọng", "Loại là đúng, không biết lễ nghĩa thì có tài cũng khó đi đến thành công"...

Dị nhiên đây là cuộc thi người mẫu nhưng ngoài thể hình đẹp, tài năng, các người mẫu cũng cần rèn luyện về nhân cách, phép lịch sự tối thiểu, mới mong có được sự thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.

Phép lịch sự tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày đã được nói tới rất nhiều lần. Những người hành xử thiếu văn hóa đó thuộc đủ mọi thành phần ở Việt Nam. Thật buồn khi cách hành xử thiếu văn hóa đó đang dần lan rộng khắp nơi kể cả khi ra nước ngoài.

Những người Việt sống lâu năm ở nước ngoài chắc có lẽ hơn một lần ngượng vì thiếu chữ "cám ơn" và "xin lỗi" khi nhận được từ ai đó điều gì hay làm phiền ai đó điều chi. Giản đơn, chỉ cần ta nhường bước cho người khác, ta nhận được lời cảm ơn và nụ cười thật dễ thương tư người đối diện.

Thái độ vô ơn, thiếu lịch sự này ngày nay không còn hiếm nhất là khi ra đường, khi tham gia giao thông. Chỉ cần kẹt đường một chút là kèn kêu inh ỏi và chẳng ai chịu nhường đường cho ai. Càng lấn thì càng kẹt và càng thiếu lịch sự thì lại nhận được hậu quả của thiếu lịch sự, thiếu nhân bản.

Những người có tuổi và những người thế hệ trước không khỏi phiền hà vì thái độ sống vô ơn và thiếu lịch sự như bây giờ. Phải nói rằng kiếm lời "cảm ơn" và "xin lỗi" thật khó bởi lẽ ngay từ nền giáo dục bị hổng chân thì làm sao có được phép lịch sự và nhân bản tối thiểu của con người.

Có lẽ đây là trường hợp đặc biệt đi thi người mẫu mà bị loại chỉ vì thiếu lời cảm ơn. Thế nhưng, đây cũng là bài học lớn cho mỗi người chúng ta về văn hóa, về phép lịch sử tối thiểu của con người.

Chẳng đáng gì một lời cảm ơn nhưng khi nói lời cảm ơn ta thể hiện tính nhân văn và nhân bản và văn hóa của một con người thật sự.

Micae Bùi Thành Châu.