Thương Tiếc

Thông báo của BAN THƯ KÝ Phong Trào CURSILLO VIỆT NAM ÂU CHÂU

Cursillista Thérèse PHẠM THỊ THU (khóa 4),

Hiền thê của thầy Phó Tế Pierre PHẠM BÁ NHA (khóa 3) - Giáo Xứ Việt Nam Paris

Đã hoàn tất hành trình ngày thứ tư trong Tin-Cậy-Mến và được Chúa gọi về

vào 4 giờ sáng nay, Chúa Nhật 07 tháng 9 năm 2014.

Thánh lễ tiễn đưa vào lúc 10 giờ ngày 11 tháng 9 năm 2014 tại GX VN Paris


***

Thứ bảy ngày 6 tháng 9, tựa ngắn điện thư « Tôi buồn và thương vợ quá » làm tôi suy tư, trong thư thầy Bá Nha viết, sau năm tuần lễ nhập viện, bà xã tôi đang trong hôn mê, BS bảo chỉ còn ít ngày nữa thôi.

Tối hôm đó, tôi gọi điện thoại, thầy nói với tôi đôi điều về cô, mấy mươi năm bên nhau, một tay cô lo toan cho chồng con từ bên nhà cho đến bên này. Chức Phó Tế do cô gợi ý, khuyến khích, và nhiều việc khác nữa, giờ thì những điều đó nhầm nhò gì, cuộc sống lứa đôi sắp đứt đoạn, giọng thầy nghẹn ngào.

Tôi vội chia sẻ để thầy bớt thổn thức, mấy tháng trước tôi có gọi điện thoại đến nhà, thầy đi vắng, cô nhấc máy.

Cô hỏi, ai đó, tôi ấm ớ, tôi tìm thầy để hỏi chuyện, chuyện chi tôi không nói rỏ khiến cô thắc mắc.

Tôi vòng vo vì ngại xưng tên, rồi thú nhận, tôi tìm thầy bàn về chuyện Báo Giáo Xứ.

Vài giây im lặng, giọng cô vui hẳn lên, có phải chị đó không ?

Tôi mừng húm, vâng, chính tôi đây.

Cô trải lòng, tôi thích cách viết của chị, vui nhộn, chị viết nữa đi, vài giờ nữa chị gọi lại, chắc thầy sẽ có mặt ở nhà.

Vài giờ nữa với tôi không là gì cả, có thể tôi sẽ xem TV, nấu cơm, điện thoại nói chuyện với bạn bè, con cái…trong lúc chờ đến giờ gọi thầy, nhưng với cô thì khác hẳn, vài giờ chờ đợi dài lắm, nhưng cô có chuyện để kể với thầy.

Trước năm 75, cặp Lê Uyên Phương từng tâm sự trên TV, chúng tôi cứ quấn quít bên nhau đến phát ngán, đôi khi tôi hoặc nàng bỏ nhà vào Sàigòn ít hôm, cuộc trùng phùng bao giờ cũng lãng mạng như thuở ban đầu.

Sự chờ đợi hàng ngày của cô tuy không lãng mạng như cặp kia, nhưng lúc xế chiều, khi thầy trở về, cô hẳn sẽ vui như ngày nào mới quen thầy, vợ chồng quen hơi là vậy.

Tôi chưa gặp cô ngoài đời, có thấy hình, qua cú điện thoại ngắn hôm đó, tôi cảm nhận một người an phận ốm đau hàng ngày để chồng ra Giáo Xứ lo chuyện đạo, sự hy sinh của cô tuy không tên nhưng « rất đạo ».

Có phải giọng ai đó nói chuyện vu vơ có thể trong phút chốc làm cô quên bệnh tật, sau khi cúp máy, cô nghĩ gì về tôi, tôi không biết, tôi thấy mến cô và định tìm cách gặp cô, chờ một lễ hội nào đó ở giáo xứ hẹn gặp mặt.

Hôm lễ Quốc Khánh vừa rồi cô không đến được tiếc quá, bây giờ thì muộn mất rồi, cô Thu ơi, chúng mình không còn cơ hội trò chuyện với nhau nữa.

Cô bị bệnh gan nặng mấy năm nay, ra vào nhà thương như đi chợ, mỗi lần xuất viện cô lại đi ca đoàn, lên đọc Thánh Thư, nhưng lần này thì khác, cô khó trở lại nhà thờ để ca ngợi, vinh danh Chúa.

Năm tuần lễ không ngắn chút nào, dài lắm, dài đăng đẳng với người bệnh, những cơn đau tăng theo thời gian, bạn bè đến thăm dè chừng, sợ làm bệnh nhân đuối sức, mà nếu không đến e lỗi hẹn, ai biết ngày mai sẽ ra sao.

Đó là bằng hữu, người nhà thì sao, chịu thua, đầu ốc như mụ đi, dù biết rằng thời gian không còn bao lâu, mỗi ngày thầy cô cùng đọc kinh cầu nguyện, người sắp ra đi, kẻ ở lại kề cận nhau, và biết là mai này sẽ không còn thấy nhau, xót xa quá.

Cô đã vào hôn mê, hết đau đớn, chả còn biết ai ngồi hàng giờ bên mình, bạn bè không đến nữa, muộn quá rồi, ừ chỉ một người cũng đủ, một người đã đi bên mình suốt cuộc đời này và sẽ nhớ mình những ngày còn lại.

Trước đó cô biết sẽ có giây phút này, nhưng nó ra làm sao thì chỉ có người ở lại mới cảm nhận, giờ phút cuối ngắn lắm, dù một ngày hay một tuần, thời gian mất « tính thời gian ». Thời gian qua đi bên ngoài bệnh viện, trong phòng bệnh ngày cũng như đêm, giờ thì thầy cầu nguyện một mình bên cạnh cô trên giường bệnh như đang ngủ.

Điện thư xế trưa Chúa Nhật 7 tháng 9, « Bà xã đi rồi lúc 4 giờ sáng, vợ tôi bỏ tôi một mình », tôi không dám gọi điện thoại sợ không cầm được nước mắt nếu giọng thầy nghẹn lại, tiếng khóc sẽ bật ra.

Tôi trả lời thư ngắn gọn, cô đã thanh thản trở về bên Chúa, chắc cô sẽ không quên những người còn ở lại.

Tôi vào FaceBook « lấy tấm hình » thầy cô chụp trong một đám cưới năm 2011 lưu vào laptop cùng với bài này, mới đây thôi, trông cô khoẻ, rất trẻ ở tuổi sáu mươi chín, nhìn mãi chả thấy nét bệnh tật nào cả.

Bây giờ chắc chắn cô đã lành bệnh, con đường về trời hẳn cũng không xa, xin gửi cô vài lời tâm sự, tuy muộn màn nhưng tự đáy lòng tôi.

Ừ thôi cô trở về nơi cô đến,

Bên Thiên Nhan Chúa Mẹ lòng lành,

Đừng quên cầu nguyện cô Thu nhé,

Cho thầy Phó Tế, gia đình và những người ở lại.

Thương tiếc quá cô đi sao vội vã,

Để tôi đây chưa kịp nắm tay cô,

Vài hàng cho riêng cô đấy, cô Thu,

Làm sao quên giọng cô nói hôm nào.


11 Sept 2014 / Đoàn Thị