Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã lên đường đến thăm Bảo Gia Lợi (hay còn gọi là Bungari) và Cộng hòa Bắc Macedonia từ Chúa Nhật mùng 5 đến hết ngày thứ Ba 7 tháng Năm. Lúc 7 giờ sáng Chúa Nhật 5 tháng Năm, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng đường hàng không từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay đến phi trường quốc tế của thủ đô Sofia vào lúc 10 giờ, theo giờ địa phương.

Lễ nghi chính thức đón tiếp Đức Thánh Cha đã diễn ra lúc 10g40 tại quảng trường bên ngoài phủ tổng thống.

Lúc 11 giờ, Đức Thánh Cha đã hội kiến với Tổng thống Roumen Radev trong dinh tổng thống và tiếp đó với Thủ tướng Boiko Borissov.

Sau đó, lúc 11g30, Ðức Thánh Cha đã gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Quảng trường Atanas Burov.

Từ năm 1991 Bảo Gia Lợi đã là một quốc gia dân chủ, cộng hoà nghị viện. Quốc hội hay còn gọi là Narodno Sabranie gồm 240 đại biểu, với nhiệm kỳ 4 năm và được bầu lên bởi nhân dân. Quốc hội có quyền ban hành luật, thông qua ngân sách, lập kế hoạch bầu cử tổng thống, lựa chọn và bãi chức Thủ tướng và các bộ trưởng khác, tuyên chiến, triển khai quân đội ở nước ngoài và thông qua các hiệp ước và thoả thuận quốc tế. Thủ tướng hiện nay là ông Boiko Borissov sinh ngày 13 tháng Sáu, 1959. Ông được Quốc Hội chỉ định làm Thủ tướng vào ngày 4 tháng Năm, 2017. Trước đó, ông cũng từng làm Thủ tướng từ 2009 đến 2013 và từ 2014 đến 2017. Đây là nhiệm kỳ thứ ba của ông.

Sau cuộc bầu cử năm 2013, đảng “Các công dân vì sự phát triển Âu châu”, gọi tắt là GERB, của Bảo Gia Lợi đã thắng cử với 97 ghế và trở thành đảng cầm quyền đầu tiên liên tiếp thắng lợi trong lịch sử Bảo Gia Lợi hậu cộng sản.

Tổng thống Bảo Gia Lợi là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Ông cũng là chủ tịch Hội đồng Tư vấn An ninh Quốc gia. Tuy không thể đưa ra bất kỳ điều luật nào ngoài việc đề xuất sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống có thể từ chối một điều luật buộc nó phải quay lại quá trình tiếp tục tranh luận, dù nghị viện có thể bác bỏ sự phủ quyết của tổng thống bằng một đa số đại biểu.

Tổng thống hiện nay của Bảo Gia Lợi là ông Rumen Radev. Ông sinh ngày 18 tháng Sáu, 1963, được bầu làm tổng thống từ ngày 22 tháng Giêng 2017. Ông là vị tổng thống thứ năm của Bảo Gia Lợi sau thời kỳ cộng sản.

Trong diễn từ trước các đại diện xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Quảng trường Atanas Burov, Đức Thánh Cha nói:



Thưa Tổng thống,
Thưa Thủ tướng,
Các thành viên đáng kính trong ngoại giao đoàn,
Các nhà chức trách,
Đại diện của các tôn giáo,
Anh chị em thân mến,


Christos vozkrese!

Tôi rất vui khi được đến đây tại Bảo Gia Lợi, một nơi gặp gỡ giữa nhiều nền văn hóa và văn minh, một cây cầu giữa Đông và Nam Âu, một cánh cửa mở ra vùng Cận Đông và một vùng đất có nguồn gốc Kitô giáo cổ xưa nuôi dưỡng ơn gọi của mình để cổ vũ cho sự gặp gỡ cả trên bình diện khu vực và cộng đồng quốc tế. Ở đây sự đa dạng, kết hợp với sự tôn trọng các bản sắc riêng biệt, được xem như một cơ hội, một nguồn mạch cho sự phong phú chứ không phải là một nguồn gốc của xung đột.

Tôi trân trọng chào các nhà chức trách của nước Cộng hòa, và tôi cảm ơn các vị vì lời mời đến thăm Bảo Gia Lợi. Tôi cảm ơn Ngài Tổng thống vì những lời chào mừng ân cần của ngài ở đây trong Quảng trường lịch sử này mang tên của chính khách Atanas Burov, người đã chịu đựng dưới một chế độ không dung thứ cho quyền được tự do tư tưởng.

Tôi gửi lời chào trân trọng đến Đức Thượng Phụ Neofit, người mà tôi sẽ gặp lát nữa đây, đến các vị Tổng Giám Mục và Giám Mục của Thánh Hội Đồng, và tất cả các tín hữu của Giáo hội Chính thống Bảo Gia Lợi. Lời chào trìu mến của tôi cũng gửi đến các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, và tất cả các thành viên của Giáo Hội Công Giáo, những người mà tôi đã đến để củng cố trong đức tin và khuyến khích họ tiến bước trong cuộc sống Kitô và chứng tá hàng ngày.

Tôi cũng thân ái chào các Kitô hữu của các Cộng đồng Giáo hội khác, các thành viên của cộng đồng Do Thái và các tín hữu Hồi Giáo. Tôi khẳng định với các bạn “xác tín vững chắc rằng những giáo huấn đích thực của các tôn giáo mời gọi chúng ta luôn bắt nguồn từ các giá trị của hòa bình; bảo vệ các giá trị của sự hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ của con người, và sự chung sống hài hòa” (Tài liệu về Tình Huynh Đệ Nhân Loại, Abu Dhabi, ngày 04 tháng Hai năm 2019). Chúng ta hãy tận dụng lòng hiếu khách của người dân Bảo Gia Lợi để mọi tôn giáo, khi được kêu gọi thúc đẩy sự hòa hợp và hài hòa, có thể đóng góp cho sự phát triển của một nền văn hóa và một môi trường tôn trọng hoàn toàn con người và phẩm giá của họ, bằng cách thiết lập các liên kết quan trọng giữa các nền văn minh, sự nhạy cảm và các truyền thống khác nhau, và bằng cách từ chối mọi hình thức bạo lực và bó buộc. Như thế, những người tìm kiếm bằng mọi cách để thao túng và khai thác tôn giáo sẽ bị đánh bại.

Chuyến thăm của tôi hôm nay gợi nhớ đến chuyến viếng thăm của Thánh Gioan Phaolô II vào tháng 5 năm 2002, và gợi lên ký ức hạnh phúc về sự hiện diện kéo dài gần một thập kỷ tại Sofia của vị Khâm Sứ Tòa Thánh lúc bấy giờ, là Đức Tổng Giám Mục Angelo Giuseppe Roncalli. Ngài không ngừng cảm thấy biết ơn sâu sắc và quý trọng quốc gia của các bạn, đến mức ngài từng nói rằng bất cứ nơi nào ngài đến, ngôi nhà của ngài sẽ luôn mở cửa cho tất cả mọi người, Công Giáo hay Chính thống giáo, những người đến như một người anh chị em từ Bảo Gia Lợi (x. Bài giảng ngày 25 tháng 12 năm 1934). Thánh Gioan XXIII đã làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy sự hợp tác huynh đệ giữa tất cả các Kitô hữu. Với Công đồng Vatican II, mà ngài đã triệu tập và chủ tọa trong giai đoạn đầu tiên, ngài đã khuyến khích rất nhiều và đưa ra các hỗ trợ có tính quyết định cho sự phát triển của các mối quan hệ đại kết.

Theo sau những sự kiện được quan phòng này, từ năm 1968 trở đi – tức là cách đây tròn năm mươi năm - một Phái đoàn chính thức gồm các thẩm quyền dân sự và giáo hội cao nhất của Bảo Gia Lợi đã đến thăm Vatican hàng năm vào dịp lễ hai Thánh Cyrilô và Mêthôđiô. Hai vị Thánh này đã truyền giáo cho các dân tộc Slave và là nguồn gốc cho sự phát triển ngôn ngữ, văn hóa của họ, và trên hết là những thành quả phong phú và bền bỉ của họ về chứng tá Kitô giáo và sự thánh thiện.

Phúc thay Thánh Cyrilô và Mêthôđiô, các vị đồng bảo trợ của Châu Âu! Bằng những lời cầu nguyện, thiên tài và những nỗ lực tông đồ chung của các ngài, hai vị thánh đã làm gương cho chúng ta và hơn một thiên niên kỷ sau đó, các ngài tiếp tục là nguồn cảm hứng cho cuộc đối thoại hiệu quả, hòa hợp và gặp gỡ huynh đệ giữa các Giáo hội, các quốc gia và các dân tộc! Xin cho tấm gương rạng ngời của các vị sẽ thu hút nhiều tín hữu trong thời đại của chúng ta và mở ra những con đường hòa bình và hòa hợp mới!

Giờ đây, tại thời điểm đặc biệt này của lịch sử, ba mươi năm sau khi kết thúc chế độ toàn trị giam hãm tự do và sáng kiến của đất nước, Bảo Gia Lợi phải đối mặt với những ảnh hưởng của việc di cư trong những thập kỷ gần đây của hơn hai triệu công dân của mình nhằm tìm kiếm cơ hội công ăn việc làm mới. Đồng thời, Bảo Gia Lợi - cũng như nhiều quốc gia khác ở Âu châu - phải đối phó với thứ chỉ có thể gọi là một mùa đông mới: đó là mùa đông nhân khẩu học rơi xuống như một bức màn băng giá trên một phần lớn của Âu châu, hậu quả của việc giảm dần niềm tự tin vào tương lai. Tỷ lệ sinh giảm, kết hợp với dòng người di cư đông đảo, đã dẫn đến sự suy giảm và bỏ hoang của nhiều ngôi làng và thành phố. Ngoài ra, Bảo Gia Lợi còn phải đối diện với hiện tượng những người tìm cách vượt qua biên giới của đất nước này để chạy trốn chiến tranh, xung đột hay nghèo đói, trong nỗ lực tiếp cận các khu vực giàu có nhất ở châu Âu, để tìm cơ hội mới trong cuộc sống hoặc đơn giản là một chốn nương thân an toàn.

Thưa Tổng thống,

Tôi nhận thức được những nỗ lực mà các nhà lãnh đạo quốc gia đã thực hiện trong nhiều năm qua để bảo đảm rằng cách riêng là những người trẻ không bị buộc phải di cư. Tôi khuyến khích tổng thống hãy kiên trì trên con đường này, cố gắng tạo điều kiện để giới trẻ đầu tư năng lượng trẻ trung và lên kế hoạch cho tương lai của họ, với tư cách là cá nhân và gia đình, và biết rằng ở quê hương họ có thể có một cuộc sống xứng đáng. Đối với tất cả những người Bảo Gia Lợi, những người quen thuộc với thảm trạng di cư, theo truyền thống tốt nhất của các bạn, tôi trân trọng đề nghị các bạn đừng nhắm mắt, hay đóng cửa con tim hoặc khoanh tay trước những người gõ cửa nhà các bạn.

Đất nước của các bạn luôn nổi bật là cầu nối giữa Đông và Tây, có khả năng tạo điều kiện cho các cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa, các chủng tộc, các nền văn minh và các tôn giáo khác nhau mà trong nhiều thế kỷ đã sống ở đây trong hòa bình. Sự phát triển của Bảo Gia Lợi, bao gồm cả sự phát triển kinh tế và dân sự, nhất thiết đòi hỏi phải thừa nhận và nâng cao đặc điểm đặc thù này. Cầu mong sao cho vùng đất này, giáp với sông Danube vĩ đại và bên bờ Biển Đen, đã mang lại kết quả tốt đẹp từ sự lao động khiêm nhường của rất nhiều thế hệ, sẽ mở ra cho các trao đổi văn hóa và thương mại, được tích hợp trong Liên minh Âu châu và với các liên kết vững chắc với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ mang đến cho tất cả con trai và con gái của mình một tương lai đầy hy vọng.

Xin Chúa ban phép lành cho Bảo Gia Lợi, giữ cho đất nước này được bình an và luôn hiếu khách, và xin Chúa ban cho quốc gia này thịnh vượng và hạnh phúc!


Source:Libreria Editrice Vaticana