NIỀM VUI CỦA MỘT CHUYẾN ĐI

Nhân dịp lễ tấn phong Giám mục của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kon-tum ngày 28.8.2003, tôi có dịp trở lại miền núi rừng Tây Nguyên này, sau 28-30 năm chưa một lần trở lại.

Trước hết là niềm vui khi được nhìn ngắm cảnh núi đồi chập trùng tuyệt vời và dân cư đông đúc sống hai bên đường và trong các thị trấn, thị xã và thành phố từ Sài gòn, qua Bình Dương, Bình Phước, Buôn Mê Thuột, Gia Lai cho đến Kontum. Thứ đến là niềm vui và niềm tự hào khi được tham quan công trình thủy điện Yaly vĩ đại trên đường từ Pleiku đi Kontum. Nhà máy thủy điện Yaly không lớn bằng thủy điện Hòa Bình về mặt qui mô nhưng lại tối tân hơn nhiều. Nhưng điều còn đọng lại cách sâu đậm nhất trong tôi là nỗ lực hội nhập văn hóa và nỗ lực truyền giáo của giáo phận Kontum từ ngày được thành lập cho đến hôm nay, khiến tâm hồn tôi ngất ngây và bùi ngùi xúc động.

Nỗ lực hội nhập văn hóa của giáo phận Kontum.

Lễ phong chức Đức tân Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh được đánh dấu một cách đậm nét bởi hai buổi lễ. Đó là buổi canh thức tối 27.8 và thánh lễ phong chức Giám mục sáng 28.8. Cả hai buổi lễ này đều được tổ chức trước tiền sảnh nhà thờ chính tòa Kontum. Cả hai buổi lễ này đều hết sức độc đáo, có thể nói là độc nhất vô nhị, từ xưa đến nay chưa bao giờ có, không chỉ đối với giáo phận Kontum mà còn đối với toàn thể Giáo hội Việt Nam. Đó là nét văn hóa Tây Nguyên với những điệu hò, những bài ca, những điệu múa sắc tộc, hòa nhịp với tiếng trống tiếng cồng chiêng nhịp nhàng. Đó là sự kiện vị tân Giám mục đảm nhận vai trò của vị Pơtao mới đối với các buôn làng, các cộng đồng dân tộc ít người. Trong buổi canh thức một đại diện giáo dân đã phát biểu với Đức tân Giám mục:

Kính thưa Đức tân Giám mục Micae.

Như Đức Cha đã rõ: Nước Lửa Gió từ trước đến nay là biểu tượng của 3 vị Pơtao ở 3 vùng của Tây Nguyên, mà người ta quen gọi là Vua Nước, Vua Lửa và Vua Gió. Nước mang tính chất mát mẻ và dịu dàng tượng trưng cho người Mẹ. Lửa mang tính chất nóng và mạnh mẽ tượng trưng cho người Cha và Gió mang tính năng động, không nóng không lạnh tượng trưng cho người Con. Cha-Mẹ-Con tuy 3 nhưng chỉ là 1, chỉ sự đoàn kết thương yêu của một mái ấm Gia Đình. Ba vị Pơtao được gọi là Vua không theo nghĩa chính trị hay quyền lực thông thường mà Họ chính là những vị đại diện của dân để cầu Trời cho mưa thuận gió hoà, cầu phúc cầu an cho dân làng. Họ được tôn trọng không phải vì giầu sang phú quý hay quyền lực mà vì họ là những người được tuyển chọn và thuận theo ý Trời mà cầu phúc cầu an cho dân làng. Họ nhắc nhở cho mọi ngừơi sống hài hoà với Trời-Đất và Con Người. Nhưng nay 3 vị Pơtao đó không còn nữa. Trong đức tin, chúng con thấy Giám mục là người Thiên Chúa tuyển chọn để cầu phúc cầu an cho Dân Chúa: Giám mục luôn luôn chúc: Bình An của Chúa ở cùng anh chị em. GM lại là người chính thức kêu cầu Thần Khí. Vậy xin Đức Cha hãy là Pơtao của chúng con. Xin kính mời Đức Cha ngay lúc này đây cầu phúc chúc bình an từ Thần Khí Chúa cho chúng con. Chúng con xin nổi chiêng, xin Đức Cha thi hành nhiệm vụ đã được trao ban cho Đức Cha
”.

Đó còn là các bài Thánh Kinh được đọc bằng 4 ngôn ngữ: Kinh, Bana, Sêđăng, J’rai là tiếng nói của 4 nhóm người lớn nhất sống trong hai tỉnh Gialai và Kontum. Tham dự hai buổi lễ kể trên, người miền xuôi không khỏi “tâm phục khẩu phục” đối với những người đã “dám nghĩ dám làm” một phong cách mới vừa truyền thống Công Giáo vừa hội nhập văn hóa Tây Nguyên. Tôi thử đặt mình vào địa vị của những anh chị em giáo dân người dân tộc thiểu số để hỏi xem hai buổi lễ này có xa lạ đối với họ không? Tôi tin là không. Nhưng chắc chắn là có nhiều điều khác lạ mà người dân tộc thiểu số cũng như người kinh chúng ta rất thích thú: Đó là sự pha trộn và hòa nhập giữa hai nền văn hóa kinh-thượng, công giáo-tây nguyên trong lễ tấn phong Giám mục Kontum.

Nhưng nỗ lực hội nhập văn hóa của giáo phận Kontum không chỉ dừng ở hai buổi lễ ấy. Có thể hai buổi lễ là cao điểm của nỗ lực hội nhập văn hóa của giáo phận Kontum từ 155 năm nay. Tôi còn nhìn ra nỗ lực hội nhập văn hóa trong việc chọn lựa khẩu hiệu và phù hiệu của Đức Tân Giám mục. Với khẩu hiệu “CHA CHÚNG CON” Đức tân Giám mục muốn mọi người thuộc mọi dân tộc đa số hay thiểu số, kinh hay thượng, nhận ra họ có một Người Cha Chung là Thiên Chúa và vì thế mà mọi người là anh em chị em với nhau. Còn phù hiệu của Đức tân Giám mục Kontum là NƯỚC, LỬA và GIÓ trong khung cảnh núi rừng Tây nguyên chập chùng. Nước, Lửa và Gió là ba vị thần của Tây Nguyên. Nhưng Nước Lửa và Gió cũng là biểu tượng rất Kitô giáo. Nước tượng trưng cho Sự Thanh Tẩy, cho Sự Sống Mới (Nước Hằng Sống). Lửa và Gió tượng trưng cho Thần Khí Thiên Chúa. Nước Lửa Gió trên những ngọn núi đồi chập chùng tượng trưng cho Vương quốc của Thiên Chúa trên vùng Tây Nguyên. Riêng Gió thì người ta không thể nhìn thấy, nhưng lại có thể cảm nhận khi nhìn thấy ngọn lửa bập bùng. “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khi mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8), chính Chúa Giêsu đã nói như thế với ông Nicôđêmô, một bậc thông thái trong dân Ítraen thời đầu Công nguyên.

Nỗ lực hội nhập văn hóa của giáo phận Kontum còn được thể hiện ở kiến trúc các ngôi thánh đường của người công giáo các dân tộc ít người. Tôi đã có dịp đến thăm một trong những ngôi nhà thờ ấy ở vùng ven thị xã Kontum và phải nhìn nhận rằng ngôi thánh đường này là một tuyệt tác nếu xét về hội nhập văn hóa.

Sau cùng nỗ lực hội nhập văn hóa của giáo phận Kontum còn được thể hiện ở cách sống và cách truyền giáo của các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân toàn giáo phận, nhất là trong các vùng có đông người dân tộc ít người. Có thể nói ở đây các nhà truyền giáo (giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân) đã sống phương châm “tam cùng” (cùng sống, cùng lao động và cùng chịu đau khổ bắt bớ) với những người anh em chưa biết Chúa và đang đi tìm Chúa. Chính vì thế mà giáo phận Kontum có được kết quả đáng khích lệ trong lãnh vực truyền giáo.

Nỗ lực truyền giáo của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân Kontum.

Đó là điểm nổi bật thứ hai mà tôi cảm nhận trong chuyến đi Tây Nguyên này. Nhìn vào con số giáo dân của giáo phận Kontum ở hai thời điểm cách nhau 43 năm, 1960 và 2003, chúng ta thấy sự phát triển mạnh mẽ của Giáo hội địa phương này: Năm 1960 (Năm Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thiết lập) giáo phận Kontum có 73.966 giáo dân, 271 giáo xứ, 66 linh mục. Năm 2003 giáo phận Kontum có 197.206 giáo dân (trên tổng số 1.350.000 dân, tỷ lệ 14,6 %) với 33 linh mục và 176 tu sĩ. Trong số 197.206 giáo dân có hơn 130.000 người là đồng bào các dân tộc thiểu số, tức chiếm một tỷ lệ đáng ngạc nhiên là 66%. Giáo phận chỉ có 33 linh mục, sống rải rác trong hai tỉnh Gialai và Kontum, rộng đến 25.728 cây số vuông về diện tích. Tuổi bình quân của các linh mục là khoảng 60 vì từ năm 1975 đến nay mới chỉ phong chức được có 5 linh mục (cũng trong thời gian 28 năm này, giáo phân Long Xuyên đã phong chức khoảng hơn 100 linh mục). Các linh mục thường nói với nhau về tình trạng “hộ khẩu thường trú trên đường” để nói lên việc các ngài phải thường xuyên di chuyển để thi hành mục vụ. Trung bình mỗi linh mục phải chạy xe từ 100 đến 200 cây số mỗi tuần để dâng thánh lễ và ban bí tích cho các cộng đoàn kinh thượng khác nhau và thường ở xa nhau, có khi rất xa nhau.

Nhìn vào con số giáo dân kinh thượng, chúng ta có thể hình dung nỗi vất vả của các linh mục tu sĩ và giáo dân trong cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên này. Nhưng đâu là yếu tố quyết định? Trong thánh lễ tạ ơn hồi 10 giờ sáng 6.9.2003 tại Nhà Hưu dưỡng các linh ục gốc Hà Nội ở Sàigòn, Đức tân Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đã chia sẻ nhận định của ngài và của các linh mục cộng tác với ngài: “Với hơn 30 linh mục, tuổi cao sức yếu, có làm hết sức mình cũng chẳng được bao nhiêu. Vì thế khi nhìn vào cánh đồng truyền giáo, chúng con xác tín rằng: chính Thần Khí Thiên Chúa đã và đang hoạt động cách tích cực, cách bất ngờ, cách táo bạo và cách hiệu quả trong giáo phân Kontum chúng con. Vì thế mà tâm tình của chúng con luôn luôn là biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa”.

Một nhân tố tích cực mà Chúa Thánh Thần đã và đang dùng trong công cuộc loan báo Tin Mừng, đó chính là những người giáo dân, đặc biệt là những người giáo dân các dân tộc ít người. Đức Cha Hoàng Đức Oanh kể lại một câu chuyện xẩy ra khi ngài còn là linh mục ở Pleiku: “Có một sáng tôi đang làm việc trong phòng thì nghe có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa thì thấy một người dân tộc. Tôi hỏi người ấy: “Anh gặp tôi có chuyện gì?” Người đàn ông ấy đáp lại: “Con đến gặp cha để xin cha nói Lời Chúa cho con”. Tôi nói với anh ta rằng: “Để tôi giới thiệu anh với một linh mục khác, vì tôi không nói rành tiếng dân tộc; còn linh mục kia nói rất rành tiếng dân tộc nên chắc chắn ngài sẽ giúp anh nhiều hơn”. Người giáo dân dân tộc ấy nói lại với tôi: “Cha không cần phải giới thiệu linh mục nào khác với con. Cha cứ nói Lời Chúa cho con nghe. Cha có thể nói được bao nhiêu bằng tiếng dân tộc thì cha cứ nói. Nếu cha chỉ có thể nói ít thì như cha là một ngọn đèn nhỏ. Từ cha là ngọn đèn nhỏ, sau khi nghe Lời Chúa, con cũng sẽ là một ngọn đèn nhỏ. Con sẽ nói lại Lời Chúa cho những anh chị em của con thì mỗi anh chị em của con cũng sẽ thành những ngọn đèn nho”. Đức Cha Kontum kể tiếp: “Trước những lời lẽ như thế tôi đành chịu thua và mời anh vào phòng và nói Lời Chúa cho anh ta. Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ chúng tôi chia tay nhau. Anh giáo dân người dân tộc ra về với vẻ mặt hân hoan và sau đó, anh đi đến nhiều buôn làng để nói lại Lời Chúa mà anh đã đón nhận sáng hôm đó

Đức Cha Hoàng Đức Oanh còn kể lại một câu chuyện khác: “Có nhiều người giáo dân người dân tộc chỉ lao động cho bản thân và gia đình mình 5 ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6. Còn ngày thứ 7 và chúa nhật, họ dành cho việc nói Lời Chúa cho những đồng bào thuộc sắc tộc của họ. Thường thì họ phải đi xa, có khi đi rất xa bằng xe đạp hoặc đi bộ để làm việc ấy. Các linh mục chúng tôi rất ái ngại, vì thấy họ hy sinh quá nhiều cho công cuộc truyền giáo. Chúng tôi bàn với nhau xem có cách nào để có được một khoản trợ cấp để thù lao cho những người giáo dân kia. Nhưng khi nghe biết ý định của chúng tôi, thì những người giáo dân kia nói với chúng tôi: “Chúng con không dám nhận thù lao hay lương của các cha dâu. Chúng con chỉ làm công việc của chính chúng con thôi; chứ có làm gì khác đâu mà hưởng thù lao của Giáo hội. Khi nào chúng con đi đâu đói bụng hoặc bị hư xe mà các cha gặp chúng con, cho chúng con ít tiền ăn miếng cơm hay sửa xe thì chúng con sẵn lòng nhận, còn thù lao thì chúng con không dám

Thay lời kết

Thú thực là sau chuyến đi Kontum nói trên trong lòng tôi luôn rộn lên một niềm vui khó diễn tả vì tôi đã được chứng kiến và được nghe kể về những kỳ công mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện trong vùng đất xa xôi hẻo lánh này của Giáo hội và đất nước Việt Nam thân yêu. Tôi rất hoan nghênh và ngưỡng mộ những nỗ lực hội nhập văn hóa và truyền giáo của giáo phận Kon-tum, trong đó có truyền thống nêu cao vai trò của người giáo dân. Nhưng tôi cũng tự hỏi: “Đến bao giờ thì giáo phận Kontum mới có đủ số linh mục?” và tự trả lời: “Có lẽ chẳng bao giờ hoặc còn rất lâu”, nên tôi đặt tiếp câu hỏi khác: “Vậy, nên chăng Đức tân Giám mục, các linh mục, các cộng đoàn dòng tu và các giáo xứ Kontum nên xây dựng và phát triển các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản hay các Cộng đoàn Kitô nhỏ trong giáo phận, theo gương của các Giáo hội Mỹ La tinh, Phi Châu và Á châu?” Tôi tin rằng mô hình các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản rất phù hợp với hoàn cảnh thực tế của giáo phận Kontum cũng như của nhiều giáo phận khác của Việt Nam, nhất là các giáo phận ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc: như Lạng Sơn, Hưng Hóa, Buôn Mê Thuột, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Cường v.v….. Muốn xây dựng và phát triển các cộng đoàn này thì việc đầu tiên các giáo phận phải giải quyết là vấn đề đào tạo nhân sự giáo dân nòng cốt, để nhiều người có khả năng đóng vai trò linh hoạt các cộng đoàn ấy.

Sàigòn ngày 20 tháng 09 năm 2003