Sau khi Giáo Hội Anh Giáo Episcopal ở Mỹ công khai phê chuẩn mục sư V. Gene Robinson, một người đồng tính làm Giám Mục ở New Hampshire, thì khả năng tan rã của Anh Giáo thành nhiều hệ phái càng ngày càng rõ nét. Cụ thể nhất là việc Giám Mục Anh Giáo tại giáo phận Pittsburgh, Robert W. Duncan Jr., đã gởi dự thảo nghị quyết ly khai hoàn toàn khỏi Anh Giáo tới các mục sư và các đại biểu hội đồng giáo xứ. Ngoài giáo phận Pittsburgh, 19 giáo phận khác tại Hoa Kỳ cũng sẽ đi đến quyết định này. Nhân biến cố này, VietCatholic xin đăng lại bài Anh Giáo trên đường tự sát của Mục Sư Anh Giáo Dr. Ian Spry

Mục Sư Dr. Ian Spry

Tất cả các đặc trưng có thể thấy được trong sự tuột dốc của Giáo Hội Anh Giáo tại Úc Châu có lẽ đã bộc lộ ở mức cao nhất trong việc bổ nhiệm Tổng Giám Mục Peter Carnley của giáo phận Perth.

Giáo Hội Anh Giáo từ lâu đã được nhìn như một bi kịch của lịch sử, sản phẩm do sự mâu thuẫn giữa một ông vua và Ðức Giáo Hoàng. Sự tồn tại của nó rất mong manh và tùy thuộc vào việc nó có giữ được sự gắn bó với các giáo lý truyền thống mà nó đã chấp nhận từ buổi đầu hay không.

Tuy nhiên, tiếc thay, cấu trúc của Giáo Hội này - bao gồm sự quản trị bởi các thượng hội đồng mà thường hay du nhập những tín điều không lành mạnh và hầu như chỉ chú ý lựa chọn Giám Mục từ các giáo sĩ nhát đảm - đã dẫn dắt Giáo Hội đến tình trạng bị thao túng bởi các thành phần theo chủ nghĩa tự do mà viễn kiến của họ còn kém đạo đức xa so với thế tục. Thành ra, mới có chuyện phong chức linh mục cho phụ nữ, mà đa số người Anh Giáo tin rằng là lỗi bởi sự thiếu mạnh mẽ của một số Giám Mục hèn nhát trước các phong trào nữ quyền và lỗi bởi những hành vi gây rối của một số Giám Mục khác (như Spong - ở Mỹ).

Số giáo dân - và cố nhiên tính khả tín - của Giáo Hội Anh Giáo đã và đang tuộc dốc nhanh chóng. Hầu hết các nhà thờ gần như không còn ai đến tham dự thánh lễ nữa, trừ ra tại Sydney. Các giáo xứ, do đó, rơi vào tình trạng thiếu hụt tài chính trầm trọng đến mức phải bán nhà thờ. Tại Melbourne, hàng loạt nhà thờ rất có giá trị đành phải bán để trang trải chi phí cho hàng giáo sĩ.

Trong bối cảnh như vậy, việc bổ nhiệm một giáo sĩ có khuynh hướng quá tự do như Peter Carnley, tiêu biểu cho một cử chỉ tự sát của một bệnh nhân sắp chết đến nơi. Vị Tổng Giám Mục này liên tục ủng hộ cho những thành phần tự do cấp tiến. Chẳng hạn, ông là một người đứng trên tuyến đầu của việc đòi phong chức linh mục cho phụ nữ và còn đi xa đến mức tự đứng ra phong chức cho các phụ nữ ở Perth, trước khi có phép của Tổng Công Nghị.

Trước khi Giám Mục Carnley được tiến cử, Tổng Giám Mục Goodhew của Sydney đã chỉ trích mạnh mẽ "quan điểm cấp tiến" về sự Phục Sinh của Ðức Kitô mà Giám Mục Carnley đưa ra là "vô bổ và đầy lầm lạc". Nhiều thành phần trong Giáo Hội xem quan điểm này là trái với giáo lý căn bản của Kitô Giáo và ngờ rằng không biết Giám Mục Carnley có tin vào Chúa Phục Sinh hay không?

Từ những chuyện như vậy, ít ai nghi ngờ lập trường của Carnley đối với vấn đề đồng tính luyến ái. Trong thư Mục Vụ ngày 22/05/2001, ông đã bênh vực cho "quan hệ đồng tính luyến ái" lâu dài. Theo ông, nếu hai người đồng tính luyến ái mà cam kết sống với nhau lâu dài thì có thể coi như hôn nhân bình thường. Tổng Giám Mục Carnley cho rằng trong Kinh Thánh không có đoạn nào chỉ trích trực tiếp hôn nhân đồng tính có cam kết lâu dài (long-term committed relationships). Xa hơn, ông còn cho rằng Giáo Hội phải "chúc phúc" cho những cặp đồng tính nào công khai giao ước sống lâu bền với nhau.

Những nhận xét của ông gây quan ngại trong hàng giáo sĩ Anh Giáo. Giám Mục Robert Forsyth của Nam Sydney cho biết "Bất cứ đề nghị nào rằng Giáo Hội Anh Giáo phải chúc phúc cho những quan hệ tính dục mà không phải trong hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là chuyện không thể chấp nhận được nếu chúng ta còn giữ lòng trung tín với Ðức Kitô và Kinh Thánh". Peter Jensen, hiệu trưởng trường Thần Học Moore cho rằng "Carnley đi quá biên giới rồi và không còn là chứng nhân của Tin Mừng nữa".

Chủ nghĩa tương đối

Với sự tuộc dốc vô phương kềm lại của Giáo Hội Anh Giáo sau biến cố phong chức linh mục cho phụ nữ và sự thiếu đường hướng luân lý chung, các phần tử theo chủ nghĩa tự do đang đe dọa sự sống còn của Giáo Hội Anh Giáo. Trong bối cảnh này việc Carnley đề cao "sự trung tín" trong mối quan hệ như là điều kiện đủ để Giáo Hội chúc phúc cho mối quan hệ đó chứng tỏ rõ hơn một sự xuống dốc thê thảm về luân lý và sự chuẩn bị để xa rời các truyền thống Kinh Thánh.

Nhận xét của Carnley đưa ông đến vị trí buông thả mọi sự, miễn là "có cam kết" hay "trung tín" là Giáo Hội chúc phúc cho hết tuồn tuột tất cả các loại quan hệ. Dĩ nhiên, cái phiên bản mới này của Carnley đối với truyền thống đạo đức chung không phải là cái tối hậu. Theo dòng thời gian còn nhiều phiên bản của phiên bản Carnley được nhân ra và càng xa rời giáo lý truyền thống. Chủ nghĩa tương đối và sự thiếu niềm tin luân lý bị khỏa lấp bởi những người có thẩm quyền diễn dịch Kinh Thánh chỉ là trang đầu cho những hành vi vô luân.

Việc bổ nhiệm Carnley là một điều bất hạnh xảy ra đúng vào thời điểm tệ hại của Giáo Hội Anh Giáo. Những gì mà giáo phận Sydney và vài nơi khác cố làm có lẽ sẽ không đi đến đâu. Giáo Hội Anh Giáo ngày nay không còn tiêu biểu cho điều gì và cũng không còn thẩm quyền luân lý. Anh Giáo có lẽ chỉ còn là một hiệp hội tương trợ lẫn nhau theo những mục đích xã hội.