1. Em ngồi ở dưới đất, kiểu kẻ chán đời. Cái kiểu ngồi lê lết, không biết có phải từ cố hữu em vẫn có hay chỉ là bộc phát nhất thời, một cách giải tỏa căng thẳng, tôi cũng không biết, nhưng cách em ngồi tối nay có cái gì là lạ, khang khác. Đi qua đi lại, tôi vẫn thấy em chuyện trò, nhưng có lẽ, câu chuyện dăm ba từ em đang trao đổi, chỉ là bức phong em đang che đậy cái đau khổ em đang vương mang. Cái ngữ điệu, kiểu cười trong dáng vẻ hơi lạ thường, làm tôi phải chột dạ “ Nè! Đứng lên đi chứ cô em? Muốn chiến đấu, phải đứng lên mới có khí thế, chứ ngồi ở đó, có khí phách nào để đương đầu hả cô bé!”. Em cười, không đáp, vẫn ngồi, vẫn nói tiếp câu chuyện em đang dang dở…

Sáng. Em không đi làm việc. Chạm mặt em ở hàng lang, tôi thấy mắt em sung húp. Vậy là đã khóc. Vậy là em đã có chuyện, chắc chắn đó là câu chuyện buồn, một câu chuyện mà tôi có thể nói là đau khổ. Không biết em tìm đã tìm ra “ thông điệp” trong nỗi buồn, nỗi khổ em đang có? Em có thể khóc và tiếp tục khóc, nhưng rồi em sẽ tìm thấy cung bậc của ý nghĩa, của vinh quang tiềm ẩn trong đau khổ.

Sống mà em. Cuộc sống chất chứa nhiều thăng trầm. Vui rồi buồn. Hạnh phúc rồi đau khổ. Cái lẽ thường của nhịp xoay vần đưa con người vào những cung bậc của buồn vui, đau khổ, hạnh phúc, mất mát, mà không ai có thể trốn thoát. Dẫu biết thế, nhưng cả chị và em, đâu phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy bình an, tìm được bức thông điệp quý giá từ những nỗi buồn, những chuyện đau khổ… để có thể thốt lên:

“Đau khổ quả là điều hữu ích
Để con học biết thánh chỉ Ngài”
(Tv 119,71)

2. Chúa Giêsu đi vào đau khổ với sự thổn thức “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này” ( Mt 26, 39b). Cái sợ khi đối diện đau khổ của Chúa Giêsu, cũng là nỗi sợ căn bản của con người khi đứng trước đau khổ, nỗi buồn. Đau khổ khiến con người bị co rúm trong những cảm xúc, khiến họ muốn trốn chạy để giải thoát mình ra khỏi đau khổ. Đứng trước đau khổ, con người như cảm nhận bị hàng ngàn khối đá đè nặng, tưởng chừng không thoát ra khỏi sức nặng của khổ đau.

Trước chặng đường khổ nạn, Chúa Giêsu chia sẻ sự yếu đuối, nhát sợ của con người với một lời van xin “ Lạy Cha, nếu có thể…” Tiếng kêu xin của Chúa trở nên nguồn an ủi cho con người khi chạm đến khổ đau trong thể xác hay tinh thần khiến người Kitô hữu cũng biết kêu lên “ Cha ơi, nếu có thể, xin hãy làm cho con hết khổ đau…!”

Nhưng lời cầu xin của Chúa Giêsu không dừng lại “…Tuy vậy, xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” ( Mt 26, 39b) . Trong đau khổ, sợ hãi, Chúa Giêsu tưởng chừng Ngài sẽ không thể chịu nổi, nên cất tiếng nài xin Cha cất chén đắng, để không đón nhận những đau khổ, ô nhục của một chặng thánh giá Ngài sẽ vác mang. Tuy nhiên, sức mạnh của tình yêu, sự vâng phục thánh ý Chúa Cha đã làm cho Chúa Giêsu đi đến cùng của một sự tự hiến “ xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha”.

Khi chấp nhận vâng theo, Chúa Giêsu đã đón nhận đau khổ trong thể xác và tinh thần. Sự đau đớn tột cùng của một thân xác rã rời, rách nát, cùng nỗi đau tinh thần khi bị dám đông dân chúng tẩy chay, kết án, xỉ vả, mắng nhiếc, cười nhạo, bị các môn đệ thân tín bỏ rơi… Tiếng xin vâng trước đau khổ, để đón nhân thập giá đã làm cho việc đón nhận khổ giá nơi Chúa Giêsu trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết, khi Ngài hoàn toàn vâng phục, tin yêu và phó thác vào chương trình cứu độ cùa Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu đã đặt trọn cuộc đời mình, khước từ tất cả mọi vinh quang dành sẵn cho Ngài để trở nên khiêm hạ trong ý muốn của Chúa Cha. Chính sự khiêm hạ, bằng lòng đón nhận khổ đau, và tận cùng là cái chết nhục hình trên thập giá của Chúa Giêsu đã cứu độ con người và đưa nhân loại đến bến hạnh phúc nơi Thiên Chúa. Qua đau khổ, Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa (x. Is 42, 1-4; 49;, 1-6; 50,4-9; 52,13-53, 12) đã làm cho con người được công chính hóa, sống trong bình an, vì chính Người đã mang lấy những đau khổ, bệnh hoạn, tật nguyền của chúng ta lên cây thập giá

“Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.
( Is 53,4-6)

Ở trong đau khổ tận cùng, Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả sự đau khổ của nhân loại. Trong bức tranh tưởng chừng đen tối ấy, Thiên Chúa lại hiện diện, vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện không phải bằng sức mạnh quyền lực trần thế, nhưng bằng quyền uy của tình yêu, của vinh quang tự hữu Ngài vốn có “ Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” ( Mt 27,54), và đau khổ ấy đã dẹp tan những hận thù, mở cửa ngõ yêu thương và bình an cho con người đi vào và nếm cảm.

3. Em. Chị và nhiều người, làm sao có thể trốn được đau khổ khi mỗi người chúng ta đang sống cùng, và sống với nhau. Đôi khi chúng ta đón nhận khổ đau trong cuộc đời mình tựa hệt như kẻ bị mang án, khiến chúng ta mệt mỏi, chán ngán và cố chấp. Đau khổ, dưới góc cạnh nào, cũng không phải là điều Thiên Chúa muốn con người phải chịu. Ngài không tạo ra đau khổ, và lại càng không hề muốn con người phải khóc, phải bầm tím ê chề trong khổ đau. Nhưng đau khổ vẫn hiện diện, vẫn có đó trong cuộc đời…vậy nếu không từ Thiên Chúa, thì cả chị và em, cả bao nhiêu người nữa phải chịu trách nhiệm về đau khổ mà ta đang mang vác và đang gây ra cho người khác, dù vô tình hay hữu ý.

Tìm đi em. Hãy tìm một thông điệp từ đau khổ. Tìm ý nghĩa, thông điệp của Chúa từ trong đau khổ, chị và em sẽ an vui, và rồi sẽ thấy ánh vinh quang từ trong đau khổ mà ta đang có. Việc làm này không phải là một kiểu “ru ngũ” để ta chấp nhận đau khổ cho qua lần, nhưng làm cho đau khổ có giá trị cứu độ, ít nhất là cho chính mình, phải không em.