1. Đầu năm là thời gian bề bộn.

Bề bộn nhất đối với tôi là vì thấy qúa nhiều vấn đề của Hội Thánh và của Đất Nước. Tình hình chuyên chở vào Năm Nhâm Thìn một đống vấn đề cao ngất. Những vấn đề đó gởi tới mọi người thiện chí như một mời gọi thân tình.

Các vấn đề đó đều phức tạp. Chính bản thân tôi cũng đã có sẵn bao nhiêu phức tạp. Nên, khi nhìn thấy những vấn đề phức tạp của tình hình Đời Đạo, tôi bối rối tự hỏi: Phải bắt đầu suy nghĩ từ đâu?

Trong băn khoăn thao thức, tôi cầu nguyện với Chúa một cách tha thiết, xin Chúa ban cho tôi một lời an ủi. Chúa thương trả lời tôi. Tôi nghe tiếng Chúa phán trong lòng tôi rằng: “Con ơi, hãy trở về”.

Với lời gọi trên đây, Chúa cho tôi nhớ lại những gì là căn bản Chúa đã dạy trong Phúc Âm.

2. Trước hết, Chúa gọi tôi hãy trở về với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá.

Đức Giêsu Kitô đã quả quyết: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Tôi hiểu: Người là con đường tôi phải đi, là sự thực tôi phải tin, là sự sống tôi phải chia sẻ. Tất cả sẽ được thực thi, khi tôi gặp được chính Người.

Khi gặp được chính Người, tôi nhận thấy Người dùng con đường của Người, sự thực của Người, sự sống của Người, để cứu chuộc tôi. Công việc cứu chuộc được Người thực hiện trên thánh giá.

Vì thế, gặp gỡ Chúa Giêsu cũng phải gặp gỡ thánh giá của Người. Trở về với Chúa Giêsu cũng là trở về với thánh giá của Người. Để rồi, như thánh Phaolô quả quyết: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).

Khi thực sự trở về gặp gỡ Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá, tôi cảm nghiệm được phần nào sự xác tín nồng cháy của thánh Phaolô, Đấng đã quả quyết: “Thánh giá của Đức Giêsu Kitô chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (x. 1 Cr 1,17-25).

Thế nhưng, thực tế sống đạo hiện nay có vẻ lại rất khác. Tuy còn nói tới việc trở về, nhưng là trở về với một thứ giáo lý như một hệ thống tư tưởng, chứ không nhấn mạnh đủ đến việc gặp gỡ chính Chúa Giêsu. Hoặc có nói đến việc gặp gỡ Chúa Giêsu, nhưng lại không quan tâm đủ đến thánh giá của Người. Thực tế sống đạo hôm nay xem ra đang tìm sự cứu độ ở sức mạnh và sự khôn ngoan của những giá trị nào đó, rất xa lạ với giá trị của thánh giá. Thánh giá là tình yêu hy sinh tự hạ xuống chỗ khó nghèo khổ đau để cứu chuộc.

Chúa thấy cảnh bi đát đó. Nên Chúa khuyên: Con ơi, hãy trở về. Nghĩa là hãy trở về với Đức Giêsu Kitô chịu đựng trên thánh giá.

3. Điều thứ hai, Chúa gọi tôi trở về là hãy trở về đời sống nội tâm.

Chúa Giêsu Kitô nhắn nhủ: “Các con hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con” (Ga 15,4).

“Ở lại và ở trong”, mà Chúa nói đây chính là đời sống nội tâm. Đời sống nội tâm được hiểu là đời sống kết hợp mật thiết với Chúa. Kết hợp mật thiết như cành nho gắn kết chặt chẽ với thân cây nho.

Sự kết hợp mật thiết này là nguồn mạch mọi thành công trong tu đức, mục vụ và truyền giáo. Chúa khẳng định: “Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ bị khô héo” (Ga 15,5-6).

Thế nhưng, thực tế hoạt động tôn giáo hiện nay xem ra đang có vẻ đi xa nguồn mạch ơn thánh. Đời sống nội tâm bị coi nhẹ. Không những thế, đời sống nội tâm còn bị cản trở. Chính tôi đã chứng kiến cảnh đó nhiều lần. Thực vậy, trong nhiều thánh lễ trọng thể quy tụ đông người, tôi rất khó cầu nguyện. Mở mắt ra, thì thấy các nghi thức rườm rà tự tạo, cảnh nhốn nháo chụp hình và khoe sắc phục. Nhắm mắt lại, thì lại phải nghe kèn trống đàn địch inh ỏi, những lời tường thuật và cắt nghĩa nghi thức, đôi khi lại phải nghe những bài giảng pha hài hước, nặng về thành tích, chạy theo phong trào. Những hình ảnh và những âm thanh ấy cứ thay nhau ném vào tâm hồn tôi những ồn ào tra tấn thần kinh. Người ta đọc kinh, nhưng một cách máy móc. Tôi thực sự khổ tâm. Khổ tâm vì khó cầu nguyện. Khổ tâm vì tôn giáo của tôi có vẻ đang biến thành tôn giáo lễ hội và tôn giáo lễ nghi. Khổ tâm hơn cả là vì sự biến chất đó được coi là bình thường, hơn nữa lại được coi là một thành công do những hoành tráng bên ngoài, đang khi bên trong thì trống rỗng.

Tình hình như thế là một bi đát. Chúa gọi tôi: “Con ơn, hãy trở về”. Trở về ở đây có nghĩa là trở về đời sống nội tâm.

4. Điều thứ ba, Chúa gọi tôi trở về là hãy trở về giới răn yêu thương.

Chúa Giêsu Kitô phán: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

Yêu thương là điều căn bản của đạo Chúa. Thánh Gioan quả quyết: “Phàm ai ghét anh em mình, thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết: Không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở trong nó” (1 Ga 3,15).

Không chỉ ghen ghét, mới là nghịch với yêu thương, mà còn nhiều thứ cử chỉ xúc phạm cũng kể vào tội nghịch với yêu thương, như xét đoán sai trái, nói xấu nói hành, khinh bỉ, nghi kỵ, loại trừ. Cả đến thái độ dửng dưng, vô tâm trước những người khổ đau, nghèo túng, cũng bị Chúa coi là nghịch với đức yêu thương. Dụ ngôn Chúa nói về cuộc phán xét chung cho thấy rõ thái độ vô tâm sẽ bị phạt hết sức nặng (x. Mt 25,31-46).

Yêu thương là căn tính của người tin Chúa. Hơn nữa, đó còn là dấu chỉ, để người ta nhận biết ai thuộc về Chúa Kitô: “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Chúa dạy yêu thương là như vậy. Thế nhưng, giữa những lời Chúa dạy và thực tế sống đạo hôm nay xem ra đang có một khoảng cách lớn. Khoảng cách đó được nhận thấy trong các cá nhân, trong các gia đình, trong các cộng đoàn tôn giáo.

Tại nhiều nơi, khoảng cách đó đang trở thành bi đát. Trước cảnh đáng thương đó, Chúa gọi tôi: “Con ơi, hãy trở về”. Trở về ở đây có nghĩa là trở về với giới răn yêu thương của Chúa.

5. Tôi hiểu lời Chúa gọi tôi trở về cũng gởi tới mọi con cái Chúa.

Tôi cũng hiểu việc trở về mà Chúa muốn không phải việc dễ dàng. Nhất là khi chúng ta đã đi quá xa. Sức cản ngăn ở trong chính ta. Sức cản ngăn cũng ở trong những người xung quanh ta.

Nhưng, nếu chúng ta khiêm nhường khao khát trở về, và thực tình cầu xin ơn trở về, thì chắc chắn Chúa sẽ giúp chúng ta trở về.

Với lời Chúa gọi trở về, tôi xác tín việc trở về là việc quan trọng nhất cần phải thực hiện. Trở về là vấn đề ưu tiên. Giải quyết được vấn đề ưu tiên đó, chúng ta sẽ biết giải quyết các vấn đề khác của tu đức, mục vụ và truyền giáo. Tôi vui mừng tin tưởng sự trở về đó là cách tốt nhất chuẩn bị cho chúng ta trở về Nhà Cha ở cuối đời mình.