Khi được hỏi về việc chọn một lời Thánh Kinh làm châm ngôn cho đời Giám mục của mình, Đức tân Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã trả lời: Tôi chọn lời Thánh Kinh làm châm ngôn nhắc nhớ chính mình là: “Hãy theo Thầy”.

“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng dù làm linh mục hay làm giám mục, vẫn chỉ là một tiếng gọi mà thôi, có chăng là tiếng gọi ấy thôi thúc hơn và mạnh mẽ hơn.

“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng điều quan trọng trong đời dâng hiến không phải là đi đâu và làm gì, mà là đi với ai. Đi theo Thầy Giêsu thì dù làm gì và ở đâu cũng là đi trên đường sự thật và là đường dẫn đến sự sống.

“Hãy theo Thầy” là lời nhắc nhớ rằng muốn làm người lãnh đạo thì trước hết phải làm môn đệ, và càng sống tư cách môn đệ tốt bao nhiêu thì càng có hi vọng lãnh đạo tốt bấy nhiêu…Theo Thầy không chỉ là theo bằng trí mà là theo bằng tâm; cho nên theo Thầy là để tâm mình gắn bó với tâm của Thầy, để mang trong lòng mình những tâm tư của Thầy (x. Pl 2,5). (tinvui.org).

Đọc Phúc Âm ta nghe âm vang lời mời gọi. “Hãy theo Thầy”. Tiếng gọi của Chúa Giêsu luôn để lại những âm vang làm chuyển biến cuộc đời. Những ngư phủ đã trở thành Tông đồ, những kẻ chuyên nghề đánh bắt cá đã trở nên người chuyên nghiệp bủa lưới các tâm hồn.

Ngày 3.12, Giáo Hội mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời đại mới. Đọc lại tiểu sử để thấy cuộc đời ngài được dệt bằng những tiếng gọi “Hãy Theo Thầy”.

1. Cuộc đời

Thánh nhân sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của vương quốc Navarre nhỏ bé miền bắc nước Tây Ban Nha ngày nay. Khi ngài 5 tuổi, nước Tây Ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi ngài đến Paris học (1525-1536).

Tại Paris ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Phêrô Favre và sau đó với thánh Ignaxiô. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Ignatiô thu phục. Năm 28 tuổi ngài cùng với nhóm bạn của thánh Ignatiô khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi, ngài chịu chức linh mục tại Venezia miền đông bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.

Tháng 4.1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Indonésia. Là vị giám tỉnh đầu tiên của tỉnh dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục thánh Ignatiô, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội thánh.

Trong vòng 2 năm (1549-1551), ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi ngài trao lại cho cho một linh mục Bồ Đào Nha; 20 năm sau cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Quốc truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quãng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung Quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.

Thánh Phanxicô Xaviê qua đời ngày 3.12.1552, được ĐTC Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ignatiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. (x.Phụng vụ chư thánh tập 2, Lm Augustin Nguyễn Văn Trinh).

2. Tiếng gọi.

ĐGM Giuse Vũ Duy Thống đã chiêm nghiệm cuộc đời thánh nhân qua 3 tiếng gọi: Lời Chúa, bạn bè và nhu cầu truyền giáo. (x. Làm nụ hoa trắng, tr 135).

a. Tiếng gọi từ Lời Chúa.

Đức Giêsu hỏi: "Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?" (Mt 16,26a). Câu hỏi trên đã trở thành lời tâm niệm của một giáo sư triết trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón.

Sinh ra trong gia đình quyền quý nhưng Phanxicô Xaviê luôn nuôi trong mình những ước vọng bay cao, ngài tìm thăng tiến qua nẻo đường học hành.

Phanxicô Xaviê lên Paris theo đuổi khoa bảng dùi mài kinh sử để cuối cùng trở thành giáo sư môn Triết học. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?” và dù không quen cân đo đong đếm kinh tế, ngài cũng đặt tất cả lên cán cân giá trị; lời lãi trần thế mà đời sống linh hồn trống rỗng không có gì thì là lỗ vốn, đạt được ước vọng trong cuộc sống này mà đời sau lại mất hết thì là bể bụi cuộc đời trắng tay sự nghiệp. Vì thế mà thánh Phanxicô Xaviê đã suy nghĩ lựa chọn định hướng đời mình sao cho có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Phanxicô Xaviê không muốn dừng lại hưởng thụ cuộc sống đầy đủ muốn gì được nấy, nhưng luôn được kích thích bởi ước vọng vươn lên; không muốn một cuộc đời chật hẹp gò bó dù luôn có kẻ hầu người hạ mà lại thích vất vả khai phá lên đường; không muốn ngày ngày làm quen với vũ khí chiến đấu phòng thủ hoặc tấn công chỉ vì lãnh địa đồi núi hoang sơ, nhưng lại ham thích vũ khí tinh thần là sách vở kiến thức không gây bực bội tinh thần và cũng chẳng hôi tanh mùi máu.

Lời Chúa ở đây quả là lựa chọn đã trở thành sức mạnh giúp thánh nhân định hướng đời sống.

b. Tiếng gọi đến từ môi trường bè bạn.

Sách Huấn ca viết:“Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc,ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng” (Hc 6,14).

Lời Chúa gọi khi Phanxicô Xaviê mới 24 tuổi, đang sinh sống và giảng dạy ở kinh thành Paris tráng lệ. Ngài không thay đổi ngay lập tức khi nghe những lời ấy, nhưng tất cả là nhờ ở người bạn tốt, Cha Ignatiô ở Loyola đã liên lỉ thuyết phục và sau cùng đã chiếm được người thanh niên ấy cho Ðức Kitô. Sau đó, Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của Cha Ignatiô, và năm 1534 ngài gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatiô (là Dòng Tên thời tiên khởi). Tại Montmartre, các ngài khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.

Bạn bè có một ảnh hưởng không nhỏ đến chọn lựa của Phanxicô Xaviê. Tình bạn là một ân huệ Chúa ban, là một “cơ duyên” Trời cho. Hiểu như vậy nên triết gia Platon đã nói: “Thượng Đế dựng nên các người bạn, và dẫn người bạn này đến với người bạn kia”. Ông vẫn nghĩ tình bạn là tia chớp huyền bí của thần thánh. Cicéron cũng phát biểu như sau: “Tình bạn như mặt trời trong cuộc sống chúng ta, là ơn lớn nhất sau sự khôn ngoan mà các thần linh ban cho con người”. Người ta không thể chế tạo được tình bạn. Sự nẩy sinh tình bạn vẫn còn là một bí ẩn. Bỗng dưng một ngày, tình bạn đã có đó. Thiên Chúa đã mở cánh cửa của lòng Phanxicô Xaviê.

Ở Paris sống đời sinh viên trau dồi trí thức, Phanxicô Xaviê đã gặp gỡ Ignaxiô trong tình thân bạn bè. Sự thân thiết này đã giúp ngài cởi mở cõi lòng, tâm sự chia sẻ cuộc sống tinh thần. Theo Thánh Augustinô: “Không có bạn, cuộc đời không thể nào hạnh phúc”. Chính tình nghĩa bạn bè đã nâng nhau lên. Nhận biết Phanxicô là con người đầy cao vọng, nhất là những ước vọng lành thánh, Inhaxiô một hôm nói với Phanxicô rằng: “Con người nhiều cao vọng như anh mà chịu dừng lại trong vinh quang trần thế thì qúa uổng. Thiết nghĩ chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với tầm cao ước vọng của anh”.

Câu nói của Ignatiô tác dụng như một liều thuốc mạnh có sức công phá không gì có thể cầm lại được. “ Chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với khát vọng khôn cùng”, Phanxicô Xaviê đã coi đây như châm ngôn để ngài dấn thân phục vụ Giáo Hội trong Giáo Hội và theo đường lối của Giáo Hội. Ngài từ bỏ tất cả công danh sự ngthiệp, nhận chức Linh mục, rồi sau đó cùng với Ignaxiô thành lập Dòng Tên với khẩu hiệu “ cho vinh danh Chúa hơn”.

Nhắc lại vài đoạn trong bút tích Thánh Phanxicô Xaviê cũng đủ thấy tình anh em bạn bè luôn nâng đỡ ngài trên hành trình truyền giáo. Tất cả anh em trong Dòng hiện diện liên lỉ trong tâm trí tôi (Bt 48,1);( bút tích Thánh Phanxicô Xaviê, tài liệu 48 số 1); Ở Ấn Độ, để giải trí, tôi rất thường nhớ đến anh em trong Dòng, và nhớ đến thời gian, vì Chúa quá thương, tôi đựoc biết anh em và sống với anh em. Nhờ lời anh em cầu nguyện, và vì anh em luôn nhớ đến tôi, Chúa ban cho tôi ơn rất lớn là dù xa cách anh em về thể xác, nhưng nhờ anh em nâng đỡ và giúp đỡ, Chúa cho tôi cảm thấy muôn vàn tội lỗi của mình, và cho tôi sức mạnh để đến giữa dân ngoại (Bt 20,14)…Để đừng bao giờ quên anh em trong Dòng, và lúc nào cũng nhớ đặc biệt đến anh em, tôi đã cất tên của anh em trong các thư từ chính tay anh em viết cho tôi, tôi có thể luôn luôn mang trên mình, cùng với lời khấn của tôi. Điều này đem lại cho tôi nhiều an ủi…Tôi cảm thấy sung sướng khi mang tên của anh em trên mình (Bt 55,10). Gặp anh em thì tâm hồn tôi đựơc an ủi hơn nhiều. Vậy mà tôi cứ phải viết thư cho anh em, lại không chắc thư đến, vì từ Ấn Độ đến Roma xa quá…Tôi nghĩ mình không lầm khi nói xa cách phần xác không làm cho chúng ta, vốn yêu mến nhau trong Chúa bớt yêu mến và nghĩ đến nhau (Bt 48,1). Đặc biệt đối với Cha Ignatiô, Phanxicô đã xúc động thổ lộ tâm tư. Chúa đã ban ân huệ lớn lao khi cho tôi được biết Cha Ignatiô. Bao lâu còn sống, không bao giờ tôi trả được món nợ đối với ngài (Bt,16)…Trong số nhiều lời thánh thiện và an ủi của ngài, tôi đọc được những lời thế này: “hoàn toàn thuộc về nhau. Không bao giờ quên được nhau”. Tôi đã rơi lệ khi đọc những chữ ấy, và cũng rơi lệ khi kể lại, vì nhớ lại thời gian đã qua, nhớ đến ngài đã và vẫn luôn luôn rất thương tôi, và nhờ những lời khẩn nguyện thánh thiện của ngài, Thiên Chúa đã cho tôi thoát đựoc bao gian nan, bao nguy hiểm (Bt 97,1)…Đó là một con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, đời sống không có gì chê trách đựoc (Bt 1,7).

Trên đường truyền giáo đến Nhật bản và Trung Quốc, Phanxicô Xaviê đã tuôn trào ngấn lệ khi đọc lá thơ của Inhaxiô. Cuộc trao đổi thơ từ đã làm cho tình bạn của họ trở nên sinh động, gây phấn chấn cho nhau dù không còn gặp lại nhau nữa. Họ cảm nhận được tình yêu thương nồng hậu của nhau, và điều đó đã giúp Phanxicô can đảm thực hiện cuộc hành trình đầy nguy hiểm và hoàn tất sứ vụ. Chính tình bạn thâm sâu tự cõi lòng đã hình thành những dòng chữ có giá trị vô song, khơi dậy sự sống tinh thần và niềm tin yêu quả cảm.

Trên hành trình truyền giáo, thánh nhân kết thân rất nhiều bạn bè. Đặc biệt, tại Maluco, Phanxicô quen thân vua Hồi giáo Hairun. Nhà vua mong mỏi Hồi giáo và Thiên Chúa giáo sau cùng có thể gặp nhau. ‘‘Nhà vua tỏ ra ưu ái tôi khiến những kỳ lão buông lời trách móc. Nhà vua muốn tôi kết thân và nhà vua sẽ chịu phép rửa tội. Hairun muốn rằng tôi là bạn thân, vì người Công giáo và Hồi giáo đều là con một cha và một ngày kia cả hai sẽ hiệp nhất.’’.

Một tình bạn trong sáng, thủy chung, nâng con người lên những tầm cao của sứ vụ loan báo Tin Mừng.

c. Tiếng gọi đến từ nhu cầu truyền giáo.

Ban đầu nhận công tác đi tìm Vinh Danh Chúa qua việc phục vụ các bệnh nhân, nhưng chừng như chưa đủ, Phanxicô Xaviê vẫn khát vọng xa hơn là hiến thân loan báo Tin Mừng tận miền sâu miền xa của địa cầu. Tiếng gọi thứ ba đến từ nhu cầu truyền giáo.

Từ Venice, là nơi ngài thụ phong linh mục năm 1537, Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon và từ đó ngài dong buồm đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản. Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Ngài học tiếng Nhật và rao giảng cho các người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của ngài. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.

Tới Goa ngày 6.5.1542, Phanxicô rong ruổi khắp nơi, nhiệt tình rao giảng cho người ta biết con người Nagiaret nghèo nàn kia chính là Thiên Chúa ở giữa loài người. Trong 7 năm (1542-1549), Ngài là nhà truyền giáo rửa tội đựơc nhiều nhất, tới 100.000 người, “có những buổi chiều nhức mỏi cả cánh tay” như thánh nhân viết. Từ Malaca, Ngài đến Nhật, xứ sở mặt trời. Ngài muốn gặp gỡ tìm hiểu trao đổi để Lời Chúa sáng ngời qua đối thoại. Ngài dự định đến tận kinh đô Nhật, vào các Đại học, gặp gỡ các nhà Sư để trao đổi. Phanxicô hoạt động nhiều nhất tại Kagoshima, Hirado, Bungo trên đảo Kyushu, lên Yamaguchi, từ đó đi hai tháng lên khinh đô Myako (tức Kyoto). Sau hai năm ở Nhật, Phanxicô trở về Goa, trao công việc truyền giáo lại cho cha Torres và tu huynh Fernandez.

Ngày 14.4.1552 nhà truyền giáo lên tàu, tháng 8 năm đó ngài tới đảo Thượng Xuyên, cửa ngõ Trung Hoa. Ba tháng sau Phanxicô bị sốt nặng, lòng vẫn ngong ngóng đựơc nhà cầm quyền Quãng Đông cho phép vào đất liền. Thật bất ngờ, ngài qua đời vào 2-3 giờ sáng ngày 3.12.1552, mới 46 tuổi đời. Nói theo “thói thế gian”, đó là vỡ mộng, mọi việc còn dang dỡ…Nhưng đối với Thiên Chúa thì Phanxicô đã làm trọn ý Người và mọi sự đã hoàn thành, dù chưa đựơc phép bước vào nước Đại Minh thời đó với dân số dưới 200 triệu người.

Bất cứ chỗ nào ngài đến, ngài đều sống với người nghèo, chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành rất nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất nhiều khi ngài không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng qua các thư từ ngài để lại chúng ta được biết, ngài luôn luôn tràn ngập niềm vui.

Hành trình không mệt mỏi, Phanxicô Xaviê rong ruổi những nẻo đường Á Châu, một miền xa lạ và xôi xa. Nhưng mặc kệ. Sợ gì! Đối với thánh nhân:Tôi không sợ ai ngoại trừ Thiên Chúa, chỉ sợ Người phạt vì chểnh mảng trong việc phục vụ Người, vì vụng về và vô dụng trong việc truyền bá danh Chúa Giêsu giữa những kẻ chưa biết Người (Bt 78,2). Ở đâu có vinh quang Thiên Chúa, Phanxicô Xaviê sẳn sàng lên đường. Mỗi một tâm hồn chinh phục được là một niềm vui cho vinh quang Thiên Chúa, mỗi một hao mòn trong thân xác là “một vốn” bỏ ra để có “bốn lời” cho cuộc sống mai hậu. Mỗi một thời khắc sống cho Tin Mừng, cũng chính là một cách đong đầy cho khát vọng cống hiến tìm Vinh Danh Chúa.

Chính vì thế mà Phanxicô Xaviê đã không mỏi mệt ra đi, dấn bước lên đường: từ Nhật đến Ấn Độ, từ Goa đến biên giới Trung Quốc. Mỗi chặng đường đi qua, lại là một lời “còn nữa” vang lên không ngừng. Tiếng gọi từ nhu cầu truyền giáo đã hớp lấy tâm hồn Phanxicô Xaviê. Thánh nhân đã sống do và cho tiếng gọi này đến hơi thở cuối cùng trên con đường sang Trung Quốc. Đúng là một con người đầy cao vọng nhưng là một cao vọng đích thực chỉ mình Thiên Chúa mới có thể đong đầy, mới làm no thỏa.

3. Triều thiên Hiển Thánh.

Cuộc đời truyền giáo của Phanxicô Xaviê tuy ngắn ngủi, nhưng công lao sự nghiệp của ngài thật lớn lao. Trong 12 năm truyền giáo, ngài đã đi bộ tới 100 ngàn cây số, và đã rửa tội với con số kỷ lục phỏng độ ba vạn người. Dẫu được thành công, và làm được những việc lớn lao, như lần kia có một người chết chôn từ hôm trước mà cha đã gọi ra khỏi mồ, thánh nhân vẫn một mực khiêm tốn, vâng lời bề trên. Mỗi khi viết thơ cho bề trên, bấy giờ là thánh Inhaxiô, Phanxicô Xaviê qùy gối mà viết. Với sự nghiệp và nhân đức như vậy, Phanxicô Xaviê xứng đáng được Giáo Hội liệt kê vào sổ những bậc đại thánh và làm gương mẫu muôn đời cho các nhà truyền giáo. Cha Phanxicô được phong Chân phước năm 1619 và được cất lên bậc hiển thánh năm 1622. Đức Giáo hoàng Biển Đức XIV lại đặt Thánh Phanxicô làm quan thầy nước Ấn Độ. Về sau Đức Giáo hoàng Piô XI lại tuyên phong thánh nhân làm quan thầy các xứ truyền giáo bên Á đông. Giáo dân Việt Nam từ lâu hằng tỏ lòng kính mến thánh Phanxicô Xaviê cách riêng. Nhiều xứ đạo, nhiều nam nhân đã nhận Ngài làm bổn mạng.

4. “Hãy theo Thầy”

Nhìn cuộc đời thánh Phanxicô Xaviê trong ba tiếng gọi: Lời Chúa, bè bạn và nhu cầu truyền giáo cũng là một cách học tập đời sống của ngài để họa lại trong đời sống của mình.

Đời mỗi tín hữu cũng đong đầy những tiếng gọi như thế.

Xin cho những tiếng gọi của Lời Chúa được ta lắng nghe chân thành và thực thi trung thành, bởi đó là ánh sáng soi lối ta đi. Xin cho những tiếng gọi từ những người xung quanh không bị ta quên lãng, bởi tưởng như tầm thường, nhưng đó lại là tiếng gọi nhiều khi rất quý hiếm cho vững bước đi lên. Và xin cho nhu cầu truyền giáo của Giáo Hội luôn là tiếng gọi ta phải quan tâm để ý, bởi đó là sự sống và là sự sống còn của Giáo Hội.

Mọi tiếng gọi đều hướng về lời mời gọi cao cả nhất: “ Hãy theo Thầy”.

“Hãy theo Thầy”, lời mời năm xưa cũng là lời mời được lặp lại trong từng ngày sống.
“Hãy theo Thầy”, sau những vấp ngã, yếu đuối và chối Thầy như Thánh Phêrô đã từng trải nghiệm.
“Hãy theo Thầy”, sau khi những giấc mơ trần tục bị tan vỡ bởi biến cố Núi Sọ mà các Tông đồ đã kinh nghiệm.
“Hãy theo Thầy” để dang tay ra và đến nơi mình không muốn đến như cuộc đời Thánh Phêrô.
“Hãy theo Thầy” để củng cố anh em và chăn dắt chiên của Thầy (Lc 22, 31-32).
“ Hãy theo Thầy” để "ra đi và rao giảng cho muôn dân" (Mt 28,19).
Theo là phải biết, phải tin, phải yêu mến và phải làm như lời Thầy dạy.

Theo Chúa Giêsu là từ bỏ và vác thập giá: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình mà theo." (Mc 8, 34).Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn linh hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập giá là nguồn gốc mọi hồng ân. Khi từ bỏ mình, Thánh Phanxicô Xaviê không đi tìm danh lợi và sự hãnh diện cho chính bản thân. Từ bỏ mình cũng có nghĩa là từ chối nhiều điều kiện "thuận lợi " trong cuộc sống giúp thăng tiến bản thân. Khi lựa chọn bước theo Chúa Giêsu, như các Tông đồ, thuyền lưới buông bỏ, gia đình cũng xin chia tay, ghế thâu thuế cũng trả lại. Từ bỏ mình chưa đủ, Chúa Giêsu còn đòi hỏi phải vác thập giá của mình mà bước theo. Vác Thập giá của mình đó chính là thái độ sẵn sàng đón nhận những vất vả, đau khổ, thử thách mà các môn đệ sẽ gặp suốt hành trình. Con đường theo Chúa Giêsu không trải đầy nhung lụa mà là những gai nhọn và gian nan. Con đường đó dẫn lối về hạnh phúc cho những ai dám từ bỏ để sống cho Chúa, dám sống đời hèn mọn, dám sống đời tận hiến với quyết tâm thuộc trọn về Chúa suốt đời. Đó là Ơn Gọi cho những người bước đi theo Thầy Giêsu.

Nhờ lời Thánh Phanxicô Xaviê chuyển cầu, xin Chúa cho chúng con được trung thành đi theo Chúa. Nhờ đó, chúng con thật sự trở nên chứng nhân, làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh, và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.