Viêngchăn- 23/06/2011 Cảm ơn lời cầu nguyện và sự quan tâm của những trái tim đang hướng đến cánh đồng truyền giáo trên đất nước Lào, qua những chút giao động mặt hồ trở lại phẳng lặng, một chút khó khăn thử thách các nhà truyền giáo trên đất nước Vạn Tượng. Khó khăn nào rồi nó cũng qua đi và trả lại bình an cho mọi sinh hoạt xã hội cũng như tôn giáo, khi mọi người biết tìm sự cảm thông và chân lý.

Xem hình ảnh

Nhiều lần tôi đã nói về nước Lào là một đất nước hiền hòa và quyến rũ bởi bầu không khí êm ả bí ẩn của nó, bởi tập quán hiền lành, con người vui vẻ, ân cần và hiếu khách nhưng không hiếu động, không ác cảm, không thù oán. Điều phải học là con người Lào biết chân thành đối thoại. Nước Lào có rất nhiều chùa, các tôn giáo và sự hiện diện của nhà tu hành không thể thiếu, mà còn được tôn trọng. Chỉ riêng thủ đô Vientiane, dân số hơn 550.000 người đã có tới 500 ngôi chùa lớn nhỏ. Chùa ở Lào góp phần quan trọng trong việc giáo dục thuần phong, mỹ tục, nhân bản, đạo lý. Cố Chủ tịch nước Lào Cayxon Phonnevihan cũng đã từng có thời gian đi tu. Không như một số nước, tận dụng chùa để kinh doanh du lịch, chùa ở Lào vào cửa tự do. Chùa thể hiện sự nghiêm túc, linh thiêng, mà mọi người phải tự tôn trọng, là biểu trưng của hòa bình, độ lượng. Mọi xung đột, tranh chấp chỉ có thể diễn ra bên ngoài cổng chùa.

Các tôn giáo tô điểm cho đất nước Lào thêm sự thâm sâu và huyền bí của nó, đạo lý, thuần phong mỹ tục ở Lào gắn với việc gìn giữ vào bảo tồn văn hóa dân tộc. Cúng ta có thể sống ở Lao một vài tháng nhưng không bao giờ tôi nghe được ở nơi công cộng một bài hát tiếng nước ngoài. Ngay trong quán bar dành cho khách du lịch, điệu nhảy chachacha, disco cũng chỉ có nhịp phách, còn âm giai và lời ca thì vẫn là nhạc Lào, tiếng Lào. Song, người Lào cũng ít khi nhảy điệu múa... ngoại. Họ đã có điệu múa truyền thống của họ - Lâm vông. Lâm vông, có thể được coi là... quốc vũ. Buôn làng cũng có một sân nhảy, nơi tụ họp các buổi lễ hội làng, cũng như nơi gặp nhau của các đôi trai gái. Các cuộc sinh hoạt tập thể điệu múa chính là Lâm vông. Ai cũng biết Lâm vông đậm tính cộng đồng lại ăn sâu vào trong máu huyết của một dân tộc, nó nhẹ nhàng và thân thiện đến vậy. Nhịp chân đơn giản, khi múa, tay con trai, con gái không chạm nhau, chỉ theo tiếng nhạc dìu dặt, nhún nhảy nhè nhẹ mà sao bay bổng, thăng hoa, làm say đắm lòng người.

Đoàn chúng tôi đã rời thủ đô Viênchăn đi khoảng 250 km phía Bắc, đến cố đô Luang Prabang. Nằm ở nơi hợp lưu những con sông nhỏ với sông Mê Kông, bao quanh bởi những đồi cây, Luang Prabang vốn là thủ đô của Lan Xang, vương quốc đầu tiên của Lào (1350 - 1545). Là trung tâm truyền thống quan trọng của nghệ thuật và tôn giáo, Luang Prabang có đến 30 ngôi chùa chạm khắc rất đẹp. Luang Prabang có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp và thơ mộng, có những cây cổ thụ già hăng 500 tuổi. Nhìn xuống giòng sông có những chiếc thuyền đưa khách đến hành hương Pak Ou có những hang động đá vôi nằm trên sông, chứa đầy Phật tích.

Một địa chỉ không kém hấp dẫn là Cánh Đồng Chum ở Xiêng Khoảng, một tỉnh ở Đông - Nam Luang Prabang, một vùng bị oanh tạc nặng nề trong chiến tranh. Trên cánh đồng rộng còn đầy hố bom đó, rải rác khá nhiều những cái chum đá lớn mà nguồn gốc còn là điều bí ẩn từ nhiều ngàn năm nay. Các chum đá ấy có thể là những cái quách hoặc thùng chứa rượu, chứa thóc của người xưa. Nay nó là đối tượng thu hút khách du lịch lớn nhất trong vùng. Cũng thu hút khách du lịch không kém là những làng dân tộc thiểu số phía Đông hay Đông - Bắc, về phía Sầm Nưa.

Hiện nay Lào đang ở vào bước ngoặt trong quá trình phát triển, là một thời kỳ mang tính thách thức. Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp và thương mại đã mang lại nhiều thu nhập ngân sách hơn cho Chính phủ Lào, song phương thức sống nghèo nàn ở nông thôn Lào vẫn chưa có thay đổi gì trong những thập niên qua.

Nước Lào còn nghèo, người Lào hiền lành, thật thà; làng mạc thưa thớt, đất rộng, màu mỡ; đô thị thanh bình, yên ả. Đường phố đô thị ở Lào sạch sẽ, không có chuyện lấn chiếm, buôn bán trên vỉa hè. Vào chợ không sợ bị lường gạt, trộm cắp, hoặc trả giá tự do không mua thì thôi không bị mắng vốn. Sống ở Lào sẽ không bao giờ nghe tiếng chửi tục, chưa ai nghe thấy tiếng rú của động cơ xe máy. Người Lào đi đứng khoan thai, không phóng nhanh vượt ẩu. Lưu thông ở các giao lộ họ biết tôn trọng nhừng cho đường ưu tiên. Rất ít công an giao thông, vì rất ít khi xảy ra tai nạn vì người Lào chấp hành luật giao thông rất nghiêm túc.

Riêng với lĩnh vực rất khó vận động là dùng hàng nội địa thì dân Lào để lại cho chúng ta một bài học thú vị. Mọi sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, họ đều ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước. Bia Lào bán đắt hơn bia ngoại, họ vẫn uống bia Lào. Ngay đến cái túi ni-lông đựng hàng của Việt Nam, tốt hơn, đẹp hơn, rẻ hơn thì người Lào cũng vẫn dùng túi ni-lông sản xuất ở Lào. Chính vì thế mà người ta bảo: Đến Lào học được ba điều, đó là:

1. Thực hành an toàn giao thông,
2. Tôn trọng và ý thức gìn giữ nền văn hóa dân tộc.
3. Dùng hàng nội địa.

Người Lào rất chân thành dễ đón nhận chân lý, ngay cả khi găp những thử thách họ cũng chịu đựng nhau và chọn con đường “dĩ hòa vi quý” là tốt hơn hết.