“Gánh Đời Mẹ”, ngày hội Mừng Ngày Của Mẹ

Sáng ngày 07/05/2011, Chương Trình Chuyên Đề thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn đã tổ chức ngày hội “MỪNG NGÀY CỦA MẸ” tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn nhằm tôn vinh những công lao khó nhọc của người dưỡng dục sinh thành và nhắc nhớ mọi người về đạo hiếu làm con trong đời sống xã hội hôm nay.

7 giờ sáng, trước khi đón tiếp quý quan khách và các tham dự viên về mừng Ngày Của Mẹ, Sr. Maria Hồng Quế, OP, đặc trách Chương Trình Chuyên Đề và các bạn trẻ trong Ban Tổ Chức đã cùng nhau dâng lên Chúa những lời kinh nguyện để cầu cho việc tổ chức được thành công trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Sr. cũng đã dặn dò các bạn trẻ sẽ trình bày những chia sẻ về mẹ và cầu xin Chúa Thánh Thần soi dẫn. Sau giây phút cầu nguyện, Ban Tổ Chức nhanh chóng trở về vị trí đã được phân công để bắt đầu công việc cho ngày hội. Ban tiếp tân đón tiếp và hướng dẫn khách mời cùng khán giả vào vị trí đã được sắp xếp trong hội trường. Trong túi hành trang, ngoài cánh thiệp, giấy, bút, mỗi tham dự viên còn được tặng quyển sách “Gánh Đời Mẹ” được trình bày thật đẹp mắt, là tuyển tập các tác phẩm được chọn lọc từ cuộc thi viết về Mẹ, chỉ mới vừa được in xong một vài ngày trước. Sau những giây phút ngập ngừng bên những tấm ảnh triển lãm về người mẹ với đôi gánh trên khắp nẻo đường đất nước của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, các tham dự viên tiến vào hội trường và thoáng chốc, hội trường sức chứa 800 người đã đầy ắp, Sr. Hồng Quế phải kêu gọi các bạn trẻ nhường ghế cho những người lớn tuổi và chuyển sang ngồi các ghế được kê thêm.

Bắt đầu Ngày Của Mẹ, để diễn tả tâm tình mỗi con người đều có mẹ đều có cha, mỗi người đều có một tình yêu, và cũng tạo bầu khí vui tươi, sống động, tâm tình thân ái, cộng đoàn đã cùng nhau diễn tả những cử điệu qua bài hát mang tên “Tự Hỏi” và “Hai Bàn Tay Của Con Đây Con Múa Cho Mẹ Xem”. Cũng để diễn tả niềm vui của ngày hội, Cha Phanxixô Nguyễn Minh Thiệu, SDB. đã hướng dẫn làm băng reo: Chúc mừng - Ngày Mẹ. Ôi gánh - Đời Mẹ. Nuôi sống - Đời con.

“Ý niệm về mẹ thường không tách khỏi không gian, thời gian mà là vấn đề trường cửu bất diệt. Ý niệm về mẹ thường gắn liền với tình thương vô bờ bến, một thứ tình thương ngọt ngào sâu lắng, luôn hy sinh bản thân và theo con suốt cả cuộc đời, một tình thương mà người ta có thể thả mình bơi lội trong đó, mẹ là gốc rễ của mọi thứ tình. Giữa cuộc sống náo nhiệt ngày hôm nay, người ta thường chạy đua đường dài để kiếm cho mình những niềm vui và hạnh phúc chớp
nhoáng. Người ta vội vã lao vào cuộc đời với những mơ ước và niềm đam mê căng đầy bỏ lại sau lưng nhiều ân tình cao cả. Người ta vội đuổi theo tiền tài, danh vọng, địa vị và những ham muốn cuồng say mà lãng quên đạo hiếu làm con. Một ngày trong năm để vinh danh những người mẹ là lời nhắc nhớ người ta về một suối nguồn yêu thương bao la, về một cội nguồn chẳng hề phôi pha. Và đặc biệt, năm nay chúng con nhắc đến một cuộc đời luôn hy sinh âm thầm để gánh vác cả cuộc đời của con”. Đó chính là ý nghĩa của “Gánh Đời Mẹ”, chủ đề ngày hội Mừng Ngày Của Mẹ năm 2011
, được 2 người dẫn chương trình Minh Khoa và Đông Quân giới thiệu vào đầu chương trình.

Sau khi cầu nguyện đầu giờ để vinh danh Thiên Chúa và cầu xin Ngài thánh hóa cho ngày hội, Sr. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, đại diện Ban Tổ Chức đã giới thiệu quý khách mời. Đến với Ngày Của Mẹ có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm và Bà Cố mẹ ngài; Đức Viện Phụ Gioan Baotixita Trần Văn Chuyên, Đan viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý; Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả; Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Thư Ký của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình; Cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám Đốc Caritas Việt Nam; Cha Đaminh Nguyễn Văn Tòng, Trưởng Ban Mục vụ Gia đình Giáo phận Xuân Lộc; Cha Giuse Phan Trọng Quang, đặc trách tu sĩ Giáo Phận Phú Cường; Cha Nhạc Sĩ Xuân Thảo.

Trong Ngày Của Mẹ này không thể không nhắc đến các vị giám khảo của cuộc thi Viết Về Mẹ là anh Pio X Lê Hồng Bảo, Chủ biên chuyên san Vườn Ô Liu (đến từ Phan Rang, Ninh Thuận); Nhà Thơ Pm Cao Huy Hoàng, Chủ nhiệm chuyên trang Đồng Xanh Thơ (đến từ TP. Phan Thiết) và Nhà Thơ Lê Đình Bảng.

Xem hình Ngày Của Mẹ

Với các khách mời khác tôn giáo đến tham dự có: Mục sư Phạm Đình Nhẫn, Chủ tịch Hiệp hội Thông Công Tin Lành Việt Nam, Tổng Quản Nhiệm Hội Thánh Tin Lành Liên Hiệp Truyền Giáo và phu nhân Mục sư Dương Thị Minh Nguyệt; Đại Đức Thích Quang Thạnh, Chánh Thư ký Ban Phật Giáo Quốc Tế Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Tổng Thư Ký Viện Nguyên cứu Phật học Việt Nam; Đại Đức Thích Hoàng Tín, Ủy viên Hoằng Pháp Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM; Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ, Giảng viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Tp.HCM cùng nhiều ni sinh từ một số chùa ở Sài Gòn và Đồng Nai.

Ngoài ra, tham gia ngày hội còn có rất nhiều các bà mẹ, nhiều linh mục tu sĩ nam nữ, giáo dân đến từ nhiều giáo phận như Vinh, Hà Nội, Long Xuyên, Đà Lạt, Xuân Lộc, Ban Mê Thuột, Bà Rịa.

Tất cả các buổi họp mặt điều có lý do của nó, trong ngày hội Mừng Ngày Của Mẹ, Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã tuyên bố lý do, ngài nói: “Cũng như một cái cây, chúng ta không thể nhìn thấy rễ, Thượng Đế là nguồn cội của mọi tình phụ mẫu tử trên thế gian này cũng không ai thấy. Thế nhưng chúng ta chỉ thấy được những người mẹ, những người cha, cảm được tình thương vô biên qua tình mẫu tử, tình phụ tử”. Ngài cũng nói rằng chuẩn bị cho ngày tôn vinh người mẹ này, Chương Trình Chuyên Đề thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình đã phải lên kế hoạch và thực hiện rất nhiều công việc từ mấy tháng qua, nhất là tổ chức cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ” để tìm kiếm chứng từ chia sẻ cho ngày hội.

“Ai chè đậu đen, nước dừa đường mía hông?”, “Ai đậu hủ hông?”, “Ve chai bán hông?”… Những giọng rao hàng lảnh lót lọt thỏm giữa không gian ồn ào xáo động của xe cộ tấp nập chính là phần minh họa cho nhạc phẩm “Gánh Hàng Rong” của Nhạc sĩ Lê Quốc Dũng do Ca sĩ Thanh Sử trình bày cùng với Nhóm múa Don Bosco minh họa các bà mẹ tảo tần ngược xuôi với những đôi quang gánh: “Trên con phố khuya có một người đang gánh hàng rong. Cơn mưa vẫn rơi tiếng rao buồn lạc lõng chơi vơi. Bao năm vẫn ngược xuôi lòng cay đắng xót xa ngậm ngùi. Mưa ơi mưa đừng rơi để mẹ về còn chút niềm vui…”

Gánh đời của người mẹ không chỉ là những đôi quang gánh trên vai nhưng còn nặng trĩu những gánh lo toan, chăm sóc cho cuộc sống của con từ vật chất đến tinh thần. Để tri ân tấm lòng của người mẹ, thể hiện đạo hiếu làm con, 156 tác phẩm của các thí sinh cuộc thi Viết Về Mẹ đã trải lòng vào những tác phẩm thơ, văn, video clip/powerpoint. Trong cuộc hội ngộ để Mừng Ngày Của Mẹ, các thí sinh đạt giải đã được Ban Tổ Chức trao giải thưởng bằng những kỷ niệm chương và hiện kim. Trong buổi thi chung kết ngày 09/04/2011, các tác phẩm dự thi và sự thể hiện của chính các tác giả đã mang lại sự xúc động cho Ban Tổ Chức và khán giả. Xúc động không phải bởi bài thơ quá hay, bài văn quá tuyệt, nhưng xúc động bởi những tình cảm chân thật, tràn đầy cảm xúc bằng tấm lòng yêu mẹ tha thiết. Những gương mặt tiêu biểu của cuộc thi đã trình bày lại những tác phẩm của mình trong ngày hội này. (Xin xem bài viết Tường Thuật buổi thi thuyết trình Viết Về Mẹ và bài viết Các tác phẩm Viết Về Mẹ đoạt giải cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ” )

Một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Vũ Hồng Kha, 16 tuổi, học lớp 9, em ở tận Giáo xứ Cây Rỏi, Giáo phận Quy Nhơn, đã vào Sài Gòn thi thuyết trình và đã đạt giải khuyến khích thể loại Thơ. Em trình bày tác phẩm “Đợi chim về” bằng chất giọng đậm nét Quy Nhơn. Trong một lần đi chăn bò sau khi đi học về, em phát hiện một tổ chim non, ngắm nhìn tổ chim và hình ảnh đôi chim cha mẹ dáo dát bay thảm thiết gọi con, em lại nghĩ đến cha mẹ mình và đó là cảm hứng sáng tác bài thơ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, hiện ở Hoa Kỳ đạt giải Nhì thể loại thơ qua tác phẩm “Bài Ca Ru”. Bài thơ viết về lời ru của mẹ, nhưng qua bài thơ đã kể tên của tất cả 12 người con trong gia đình cũng như nói lên tinh thần đoàn kết của những người con đó. Chị đã ủy quyền cho anh Nguyễn Tiến Đức là người em út thể hiện bài thơ. Anh đã trình bày bài thơ thông qua bài hát được nhạc sĩ Quốc Vinh phổ nhạc tặng cho gia đình dưới nền nhạc là tiếng sáo trúc véo von do người bạn đi cùng thổi đệm.

Một sinh viên sư phạm, bằng nét trẻ trung của mình, bằng tất cả tâm tình con thảo, đã chia sẻ: “hình ảnh cha mẹ của người này là núi Thái Sơn, với người kia là biển cả mênh mông, nhưng với tôi cha mẹ lại là hiện thân “Hai Thiên Thần của Thiên Chúa”, đó là em Têrêsa Lê Nhật Lam, bút hiệu Nhật Lam, 19 tuổi, người đạt giải Nhì thể loại Văn đã chia sẻ tác phẩm của mình trong ngày hội..

“Đã là một con người ai cũng cần có một trái tim, một trái tim tuy nhẹ lắm chỉ 270 gram thôi nhưng nó chứa đựng một sự sống, một số phận, một tình yêu. Đặt biệt hơn, khi quay ngược trái tim, đó là hình một ngọn lửa, lửa ở trong tim chứ chẳng ở đâu xa, có lửa chúng ta sẽ làm nên những điều vĩ đại như chồi non vẫn nhú mầm hy vọng trên đất cằn sỏi đá hoang sơ”. Tác giả Nguyễn Minh Chính đã chia sẻ trước cộng đoàn tác phẩm Video Clip đoạt giải nhì của mình “Ở lại nhé! Đừng Đi”.

“Lời mẹ trong đêm” là tác phẩm đạt giải Nhất thể loại Thơ của chị Lucia Vũ Thị Thanh Thủy, bút danh Vũ Thủy, một người khiếm thị. Chị cho hay đã viết bài thơ này vào cuối năm 2007, sau khi ca mổ mắt của người anh trai không thành công, trở thành người thứ hai bị mù hoàn toàn, còn chị bị mù vào năm 1993 do biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 1. Càng thương anh trai bao nhiêu, chị càng thương mẹ bấy nhiêu vì trên vai mẹ càng chồng chất thêm nỗi buồn to lớn. Trước niềm tin phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa trong bao gian truân của mẹ, chị đã cảm nhận được những giọt kinh cầu nguyện trong đêm lặng lẽ của mẹ dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria theo năm tháng kết thành những chuỗi ngọc, luôn xin cho anh em chị được vuông tròn theo thánh ý Chúa.

Đoạt giải Nhất thể loại Văn là Sr. Têrêsa Lê Thị Thanh Hằng, Giáo phận Xuân Lộc với tác phẩm “Má ơi. con yêu Má!”. Bằng chất giọng rất ngọt ngào mà thanh thoát của một người trẻ, Sr. đã trình bày lại bài văn của mình, với sự hiện diện của má trong hội trường, một cách rất truyền cảm, lay động lòng người làm không ít người rơi lệ. Sr. kể về người mẹ bán buôn sớm hôm mưa nắng tử thưở nhỏ, kết hôn khi mười bảy tuổi, và lại càng vất vả hơn khi mưu sinh để nuôi những người con. Sr. vào nhà dòng khi mười sáu tuổi, lúc tuyên khấn lần đầu thì má được 40, trở thành bà cố trẻ trung, khi hai mẹ con đi với nhau người ta trêu là “Chị Cố”. Hoàn cảnh gia đình khó khăn đến nổi chỉ thấy mẹ mặc áo dài trong hình cưới, và chỉ thấy lại hình ảnh này khi Sr. tuyên khấn. Kết thúc bài chia sẻ, Sr. đã thể hiện tình cảm của mình trong xúc động trước mặt mọi người: “Má ơi, con yêu má nhiều lắm !”.

“Mẹ của tôi” của tác giả Lucia Lê Nguyễn Quỳnh Như là tác phẩm Video Clip đoạt giải Nhất. Em cho hay câu chuyện của em không có những sự việc phi thường, to lớn, vĩ đại nhưng có những tình tiết rất đơn giản, bình thường và vẫn thường diễn ra trong cuộc sống hàng ngày mà đôi khi chúng ta quên mất. Đoạn phim được dàn dựng từ những bức ảnh em chụp những công việc bình thường nhất của mẹ từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm để diễn tả sự hy sinh thầm lặng của một người mẹ trong gia đình.

Giờ giải lao sôi động, náo nhiệt với hơn 50 gánh hàng rong phục vụ cho các tham dự viên ngày hội trước hội trường. Đó là những món ăn dân dã với các bạn trẻ phục vụ trong trang phục đặc trưng Nam Bộ: từ bánh chưng, bánh giò, bánh gai, bánh ít đến ổi, xoài, mận… Tiền sảnh dường như quá tải khi phải phục vụ 800 người cùng một lúc với tiếng nói cười rộn rã.

Sư cô Thích Nữ Diệu Bảo chia sẻ tâm tình của người con “Mẹ ơi con muốn nói”. Xuất gia khi mới 8 tuổi, sư cô tâm sự rằng mình mãi mê phụng sự tha nhân nhưng có ít khi nghĩ về mẹ, đó thật sự là thiếu sót lớn. Giờ mẹ đã trên 60, nhưng vẫn phải làm việc để nuôi bản thân vì con cái ai cũng khó khăn, dù cơ cực nhưng mẹ không than trách con cái, chỉ mong con sống cho nên người. Trước khi đến với chương trình, sư cô đã điện thoại cho mẹ để nói rằng: “Má ơi, con thương má nhiều lắm. Con cũng xin lỗi rất nhiều vì có rất nhiều lần con làm cho má buồn”.

Mẹ là người mẹ duy nhất của mình, cho dù có bất cứ điều gì xảy ra đi chăng nữa. Đó là khẳng định của một người con bị bỏ rơi, em Nguyễn Trung Hiếu, 17 tuổi, thuộc mái ấm Văn Chương. Em đã chia sẻ về cuộc đời của mình, ba mẹ chia tay khi còn nhỏ, sống với bà đến 6 tuổi thì em và người anh phải tự bán vé số nuôi thân vì bà đã già yếu. Được một Sr. giới thiệu vào Mái ấm Văn Chương, cuộc sống hai anh em đỡ vất vả hơn, đầy đủ hơn. Ba em cũng đã đến thăm con, nhưng bị nhiễm HIV nên chỉ đứng nhìn từ cửa sổ rồi lặng lẽ bước đi, sau đó vài năm thì ba em mất. Vào dịp Tết năm 15 tuổi, em về thăm bà, đến mồng 2 Tết thì dì báo là tìm được mẹ, nhưng mẹ đã qua đời ở ngoài đường, em buồn khóc như xác không hồn, chỉ còn biết nắm tay mẹ lần cuối. Mong mỏi được một lần gặp mẹ, ôm lấy mẹ, được mẹ nói những lời yêu thương, nhưng giờ không còn có cơ hội nữa, em chỉ còn biết cầu xin cho linh hồn của mẹ được Chúa đưa về với Ngài. Được hỏi nếu được nói một câu với mẹ, em sẽ nói gì? Em nói rằng: “Con rất thương và nhớ mẹ, xin mẹ đừng rời xa con, con yêu mẹ nhiều lắm”. Một tâm hồn thật đẹp để khẳng định với mọi người rằng dù thế nào đi nữa mẹ vẫn mãi là mẹ và nhắc nhớ những ai còn mẹ hãy trân quý những gì mẹ đã dành cho mình.

Tiếp sau là hình ảnh đoạn video clip về mái ấm Văn Chương mà em Trung Hiếu đã sinh sống. Đây là mái ấm đang cưu mang 20 em, có gần 10 em từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi, các em lớn được tạo điều kiện đi học bên ngoài và có chuyên viên tâm lý hướng dẫn ngay tại mái ấm.

“Mẹ đi làm - Từ sáng sớm - Dậy thổi cơm - Mua thịt cá - Em kề má - Được mẹ thơm - Ơi mẹ ơi - Yêu mẹ lắm”, đó là lời đệm để bắt đầu ca khúc “Vẫn mãi là mẹ” của Linh Mục Thanh Yên do ca sĩ Tuyết Mai Ly trình bày.

Ngay từ đầu, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã hiện diện cùng ngày hội, ngài cũng đã nói lên tâm tình của mình trong ngày hội mà ngài cho là rất đặc biệt. Ngài đưa ra lời khích lệ Chương Trình Chuyên đề đã tổ chức ngày hội một cách công phu, phong phú và nhiều xúc cảm, không những chỉ là những chứng từ chia sẻ mà còn là văn thơ viết về mẹ. Ngài cho hay những người chia sẻ trong ngày hội không phải xuất phát từ cái đầu mà là từ trái tim, nói những gì từ đáy lòng mình, từ kinh nghiệm sống trong cuộc đời của mình và vì thế nó chạm vào trái tim mỗi người và tạo nên những cảm xúc vừa sâu lắng mà có lẽ mãnh liệt trong sự nhẹ nhàng của nó.

Ngài cho hay khi họp nhau để tôn vinh các bà mẹ, để bày tỏ lòng tri ân với các bà mẹ, thì sự tri ân và tôn vinh đó không chỉ để các bà mẹ hưởng, mà mọi người hưởng nhờ nhiều hơn vì đã được giáo dục về tình yêu thương, mà cụ thể nhất là lòng yêu thương, lòng biết ơn đối với đấng sinh thành ra mình. Khi tôn vinh như thế con người “được lớn lên trong tình yêu thương và được thêm xác tín rằng trong cuộc đời này cho dẫu càng ngày càng nhuốm màu sắc thực dụng, đến nỗi nhiều bạn trẻ không còn dám tin vào một tình yêu thanh khiết, một tình yêu biết hy sinh, một tình yêu quảng đại thực sự. Thế thì, sự hiện diện của những bà mẹ trong hội trường này và trên khắp đất nước này, trên khắp thế giới này vẫn nói với chúng ta rằng vẫn còn đó những tình yêu thương đích thực và hãy dám tin vào tình yêu và dám sống cho tình yêu”.

Ngài cũng chúc Chương Trình Chuyên Đề ngày càng công phu hơn, phong phú hơn và mang lại tác động sâu sắc hơn trong đời sống làm người cũng như đời sống đức tin. Ngài đã trao gánh hoa nhỏ nhỏ xinh xinh cho bà cố và trao hoa cho các bà mẹ.

Vở kịch “Gánh Đời Mẹ” của đạo diễn Thanh Sâm và Tuấn Khôi qua phần trình diễn của nhóm kịch Idecaf thể hiện những tình tiết gia đình rất quen thuộc với cuộc sống đời thường. Một bà mẹ Công Giáo có hai người con, người con trai lớn đã có vợ và có một đứa con nhỏ, nhưng vợ chồng bất hòa, vợ về nhà mẹ sinh sống, còn anh thì thất nghiệp sinh tật nhậu nhẹt, bia ôm. Người con gái kế của bà đang tuổi học nhưng lại không chuyên tâm lo học mà đua đòi thời trang, áo xanh, váy đỏ, tóc vàng, đàn đúm bạn bè, trốn học đi chơi. Trong một lần phát hiện em chuẩn bị hẹn hò bạn bè trốn học đi chơi, người anh dạy dỗ can ngăn em gái nhưng lại bị người em nói ra thói xấu nên đành buông xuôi để em gái trốn đi chơi.

Với suy nghĩ đời mình nghèo khó, tảo tần nuôi con khôn lớn bằng gánh ve chai khi chồng mất sớm, giờ đã khấm khá nhờ sớm hôm buôn bán vải vóc ngoài chợ nên bà muốn bù đắp cho con, không muốn con thua kém bạn bè, con nói gì bà cũng tin, xin gì bà cũng cho, dù bận rộn buôn bán nhưng về nhà bà còn lo toan cơm nước, nhà cửa, đưa đón cháu đi học… Và việc gì đến cũng đã đến, con gái bà bị đình chỉ việc học đã hai tuần nhưng bà không hề biết, nhờ ông trùm xứ đạo có người con học chung lớp với con bà sang báo tin nhưng bà không tin. Đến khi nhận được tin con gái cùng đám bạn đua xe gây tai nạn bị công an bắt, bà lại lo toan cho con gái đói lạnh… nhưng ông trùm đã nhân dịp này phụ giúp bà hòa giải vợ chồng người con lớn, dạy dỗ người con gái học hành đàng hoàng, nên người và trở về với đời sống tâm linh bằng các sinh hoạt nơi xứ đạo.

Hình ảnh của người mẹ luôn hy sinh cho con cái tất cả mọi thứ, vật chất và tinh thần, không chỉ cho con mà cả cho cháu. Khi người mẹ đã có tuổi, đã già nua, lúc ấy chúng ta nhìn mẹ, nghĩ về mẹ như thế nào? Đau xót thay, có khi chúng ta lại cảm thấy đó là một người thừa trong gia đình, một sự vướng víu cho chúng ta. Và cộng đoàn đã được xem đoạn video clip về sinh hoạt của các bà bị bỏ rơi đang sinh sống tại Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên (528 Suối Tiên, Cây Gáo, Trảng Bom, Đồng Nai). Đó là mái ấm tình thương đón nhận những mảnh đời già nua, neo đơn, nghèo khổ, hiện nay do 3 nữ tu Dòng Đa Minh Tam Hiệp phụ trách. Hiện diện trong Ngày của Mẹ, đã có một số các bà đến chung niềm vui và Sr. Isabella Nguyễn Thị Kim Hường, người phụ trách Viện Dưỡng Lão cho hay “họ là người nghèo nhất trong những người nghèo vì họ không một nơi nương tựa, không thân nhân, không tiền của”. Các dì cũng cảm nhận được rằng Chúa mang họ đến cho các dì nên các dì đã yêu thương và tận tình phục vụ. Chắc chắn rằng họ đã cảm nhận được tình thương của Chúa nên họ rất thương nhau, những người còn khỏe phục vụ những người yếu hơn nên các dì bớt thêm một khoản chi tiêu không phải thuê thêm người. Có những người bị bỏ ngay trước cổng chỉ còn da bọc xương, sau một thời gian được phục vụ họ đã bình thường trở lại. “Chúng con rất tạ ơn Chúa đã cho chúng cho một mái ấm để những mảnh đời không nơi nương tựa có giường nằm, có chỗ ăn nghỉ, sống chúng con nuôi, khi Chúa gọi về chúng con lo mọi sự nên họ cũng rất an tâm và cảm thấy hạnh phúc. Chính họ cảm thấy hạnh phúc nên chúng con cảm thấy hạnh phúc lây, vì khi chúng con hiến thân phục vụ thì Chúa nâng đỡ chúng con thật nhiều qua nhiều bàn tay quảng đại”.

Xúc động trước hoàn cảnh của Viện Dưỡng Lão như thế, tác giả Vũ Thị Thanh Thủy đã xin nhường phần thưởng đoạt giải nhất thể loại thơ của mình để tặng cho Viện Dưỡng Lão.

Chương trình được tiếp nối với tiết mục “Ai là người may mắn” với việc đấu giá 2 tác phẩm tượng dưới sự điều khiển khéo léo của anh Đào Quốc Thái, thành viên Ban Mục Vụ Doanh Nhân Công Giáo và sự phụ hoạ của Cha Phanxicô Nguyễn Minh Thiệu, SDB. Tác phẩm đầu tiên được trình bày mang tên Gánh Đời Mẹ do điêu khắc gia Hữu Thạo tạc. Đây là tác phẩm có giá trị nghệ thuật và có ý nghĩa trong ngày hội. Với giá khởi điểm là 5 triệu đồng, sau những phút đấu giá sôi nổi đầy thú vị và vui tươi, người may mắn mua được tác phẩm là chị Nguyễn Thị Phương Trang với số tiền 26 triệu đồng và số tiền này đã được trao cho các em mồ côi tại Mái Ấm Văn Chương để giúp phần nào cho đời sống của các em.

Tác phẩm thứ hai được đưa ra xin đóng góp là bức tượng Mẹ Nhân Lành của điêu khắc gia Văn Chương, được truyền cảm hứng từ lời cầu nguyện của tác giả. Bức tượng diễn tả hình tượng Đức Mẹ được cách điệu mang dáng dấp người phụ nữ Việt Nam trong xu thế hội nhập với trang phục áo tứ thân. Với đề nghị khởi điểm để đóng góp cho bức tượng là 15 triệu đồng, sau nhiều lần được nhiều người nâng giá để chuộc tượng, cuối cùng, anh Tôma Lưu Đức Thuần, ở Giáo xứ Bắc Hải, Hố Nai, tỉnh Đồng Nai đã đồng ý đóng góp 45 triệu đồng để chuộc tượng. Số tiền này được trao cho Viện Dưỡng Lão Suối Tiên để giúp cho đời sống của các cụ bà.

“Cánh cò cõng nắng cõng mưa, Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương”, đây là câu kết của bài hát Mẹ do nhạc sĩ Minh Đức sáng tác, được ca sĩ Xuân Trường trình bày.

Xen lẫn giữa những tiết mục trong ngày hội là những bài múa cử điệu trên những bài hát nói đến tình mẹ, tình gia đình như Ba Ngọn Nến Lung Linh, Gánh Hàng Rong… để mỗi tham dự viên không chỉ thụ động đón nhận tâm tình chia sẻ mà còn hoà vào không khí chung với bằng sự thoải mái, vui tươi.

Ngài hội kết thúc khi đồng hồ đã điểm 1 giờ chiều, chương trình thật đặc sắc với những điểm nhấn bất ngờ, tuy có những phút làm cho người ta rơi lệ nhưng nhìn chung làm cho những người tham dự thêm suy tư về trách nhiệm làm con của mình trong gia đình và các bà mẹ được thêm được nhiều niềm vui bất ngờ.

Để có được thành công cho ngày hội, Ban Tổ Chức đã lên chương trình từ trước Tết và từng bước thực hiện với rất nhiều buổi họp đưa ra tỉ mỉ các chi tiết diễn tiến của ngày hội, từ phục trang, sân khấu, triển lãm ảnh, ẩm thực… đến in sách, tặng quà... Trong tuần lễ cuối cùng, Ban Tổ Chức, chỉ với những thiện nguyện viên, đã chạy nước rút để hoàn chỉnh mọi công việc chuẩn bị cho Ngày Của Mẹ được tốt đẹp.

Ngày 13 tháng Năm, năm 2011,

Tạ Ân Phúc