“Gánh đời Mẹ” là chủ đề của sự kiện mừng “Ngày của Mẹ”, do Chương Trình Chuyên Đề trực thuộc Ban Mục Vụ Gia Đình sẽ tổ chức vào sáng thứ Bảy, 07/05/2011 từ 7g 30 - 12g00, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, số 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận I (Xin xem chi tiết tại đây)
Dưới đây là các tác phẩm Viết Về Mẹ đạt giải cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ”:
I. Thể loại Thơ:
1. Giải Nhất: tác phẩm “Lời Mẹ trong đêm” của tác giả Lucia Vũ Thị Thanh Thủy, bút hiệu Vũ Thủy.
LỜI MẸ TRONG ĐÊM
Lời mẹ trong đêm
Thì thầm như suối
Trong lành như sương
Dâng gánh ưu phiền
Gởi niềm tín thác.
---
Lời mẹ trong đêm
Miên man từng giọt
Từng giọt khắc khoải
Từng giọt da diết
Từng giọt nỉ non.
---
Giọt kinh trong đêm
Dâng lời cảm tạ
Đời mẹ vất vả
Cho đời con vui.
---
Giọt kinh đêm nay
Mẹ dâng cho Chúa
Đôi mắt đứa con
Vĩnh viễn nhìn đời
Bằng lăng kính thẫm
Giọt kinh đẫm lệ. . . !
---
Những giọt kinh đêm
Đọng thành chuỗi ngọc
Gởi về quê Cha
Xin tròn thánh ý!
Mặc dù đã xảy ra rất nhiều biến cố đau thương trong gia đình, nhưng tôi hầu như không thấy mẹ tôi khóc bao giờ. Có lẽ những giọt nước mắt của Mẹ đã đọng lại thành những lời kinh âm thầm từ sâu thẳm trong trái tim Mẹ. Vì thế tôi đã viết bài thơ này khi anh tôi cuối cùng cũng trở thành một người mù hoàn toàn như tôi.
2. Giải Nhì: tác phẩm “Bài ca ru” của tác giả Maria Nguyễn Thị Thanh Thủy.
BÀI CA RU
Ru con tiếng hát ngân NGA
Ru trong bóng NGUYỆT trăng ngà đêm thu
Mẹ ru KHANH khách em cười
Ru con ngấn lệ ngậm ngùi THỦY chung
Ru con nguyện ước HẰNG đêm
Ru con ấp ủ thanh LIÊM chí tình
Ru con dáng ngọc đoan TRANG
Gái mỹ HẠNH trai quang MINH rạng ngời
Ru con ru hỡi ru hời
Hồng VÂN muôn áng mây trời yêu thương
Ru con thức suốt canh trường
Ru câu ân ĐỨC sắc hương chan hòa
Ru con ru mãi ru hoài
ANH thư nước Việt mẹ vui cha cười
Mẹ ơi xa tít chân trời
Con yêu hoài tiếng À ƠI, ấm lòng
Ghi chú: Lần lượt tên của những người con trong gia đình là : NGA - NGUYỆT - KHANH - THỦY - HẰNG - LIÊM - TRANG - MINH - HẠNH - VÂN - ĐỨC - ANH . Bài thơ này đã được phổ nhạc để làm bài nhạc truyền thống của gia đình .
3. Giải Ba: tác phẩm “Mùa Nả” của Sr. Maria Madalena Nguyễn Ánh Hường, bút hiệu Nguyên Hương, Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu
MÙA NẢ
Nhớ ngày xưa mẹ tôi hay rắc nả
Dưới chân Thánh Giá
Trong thứ Sáu cuối Mùa Chay
Những cánh nả bay bay
Tôi say mùi nả mới
Đêm canh thức như lá thu về cội
Chúa trút hơi
Mọi người đấm ngực thú tội ăn năn
Nả thật nhiều mẹ gói giữa vuông khăn
Cho tôi ăn, mẹ nhủ: “Con chóng lớn
Lòng thành đạo làm lòng không chút bợn
Mai lớn lên, con - Kitô hữu chân thành”.
Xuân cuối mùa gió nhẹ lá xanh xanh
Ru câu hát mẹ lại ngồi buồn bên chân Thánh.
---
Nay cách xa xuân hồng không gió lạnh
Đất quê người tôi lại thấy nả bay
Ô hay! Mình vẫn say
Mùi nả, mùi cơm mới
Nguồn ơn thiêng lòng thầm mong tưới gội
Chắp tay cầu, tôi nhớ mẹ yêu xưa.
Nả: là loại gạo được nổ phồng lên, hoặc gạo được rang trên bếp lửa. Đây là một phong tục của các xứ Đạo miền Bắc: Mỗi thứ Sáu Tuần Thánh, giáo xứ và các gia đình đem Nả tới rắc dưới chân Thánh Giá. Người Kitô Hữu ở đây quan niệm ai ăn những hạt Nả đó sẽ nhận được ơn Thánh mà họ cầu xin cùng Chúa.
4. Giải khuyến khích: tác phẩm “Tạm biệt Mẹ”của Sr. Têrêxa Ngô Thị Minh Trường, Dòng Trinh Vương
TẠM BIỆT MẸ
Tạm biệt Mẹ, Mẹ hiền con yêu dấu !
Cả cuộc đời mẹ đã sống cho con
Mẹ qua đi nhưng tình Mẹ vẫn còn
Ấp ủ con trong chuỗi ngày còn lại.
---
Mẹ hiền ơi! Con xin hằng nhớ mãi
Lời ngọt ngào Mẹ nói với con thơ:
“Hãy trung thành phụng sự Chúa con thờ”.
Yêu Mẹ lắm! Làm sao con quên được.
---
Con cầu xin Chúa đưa Mẹ về trước
Để thưởng công Mẹ đã mến yêu Ngài
Và trung thành qua kiếp sống chông gai
Tình yêu Mẹ hôm nay như hoa nở.
---
Mẹ hiền ơi! Trên Thiên đàng rực rỡ
Mẹ xin Chúa thương mở rộng tâm hồn
Đời Linh Mục con nong nả bôn chôn
Tìm yêu Chúa, yêu người như yêu Mẹ.
---
Xin cho con như phím đàn thanh nhẹ
Luôn rung theo làn gió Chúa Thánh Linh
Để mai ngày trong cõi phúc trường sinh
Con với Mẹ cùng nhau ca ngợi Chúa.
5. Giải khuyến khích: tác phẩm “Đợi chim về”của tác giả Gioakim Nguyễn Vũ Hồng Kha
ĐỢI CHIM VỀ
Vừa tách trứng hồng chim giữa tổ
Tổ xinh tổ ấm bế bồng chim
Mềm mại thơm tho hương cây cỏ
Chim non hé mỏ mải nô đùa
Sợi nhớ sợi thương đan thành tổ
Lá yêu lá mến vỗ về chim
Mưa bão nổi điên chim say ngủ
Tổ hiền ấp ủ chẳng lo gì.
---
Tuổi thơ của con nằm trong tổ
Lim dim mắt ngủ gối lời ru
Sữa mẹ trào dâng thơ nhi tắm
Tình mẹ tia nắng ôm cuộc đời
Mẹ dệt yêu thương thành chăn ấm
Chim thơ mỏi cánh rúc vào nằm
Tổ vuốt cánh chim mẹ vuốt tóc
Tình mẹ ăm ắp tựa trăng rằm.
---
Cánh vững phong ba chim rời tổ
Tìm khung trời mới đầy cỏ hoa
Muôn nẻo tương lai chim sải cánh
Cây xưa tổ cũ đợi chim về.
II. Thể loại Văn:
1. Giải Nhất: Tác phẩm “Má ơi. con yêu Má!” của Sr. Têrêsa Lê Thị Thanh Hằng, Giáo phận Xuân Lộc
MÁ ƠI, CON YÊU MÁ!
“Má xin lỗi con. Con cho Má thời gian. Từ từ Má sẽ thay đổi mà!” - Má ôm ghì tôi năn nỉ trước khi chở hàng ra chợ buôn bán. Cái tội mà Má xin lỗi và hứa thay đổi là cái tội chịu thương chịu khó đến quên cả bản thân mình của Má. Tôi đã bực bội, giận dỗi Má suốt một thời gian vì cái tội có một không hai ấy.
Ngoại tôi có bốn người con, Má là con út. Thuở nhỏ, cứ sớm mai, Má lại vác bao bánh mì to hơn người vội vã rao bán khắp xóm để kịp giờ đến trường. Vất vả là thế, nhưng lúc nào Má cũng học giỏi nhất nhì lớp.
Nhà có ba cô con gái như ba quả mìn nổ chậm. Ngoại tôi lo lắng vì hai cô lớn cứ lận đận tình duyên. Nhà nội sang hỏi Má cho Ba tôi. Ngoại nhận lời. Má muốn ngoại vui nên gật đầu đồng ý. Mười bảy tuổi, chưa kịp tìm hiểu, chưa lần hẹn hò, Má về nhà chồng với giấy đăng ký kết hôn mượn tên chị kế cho đủ tuổi theo pháp luật. Mười tám tuổi, Má sinh tôi.
Tôi ra đời vào năm đói kém. Má bán nhẫn cưới mua gạo nấu lẫn bo bo ăn cầm chừng. Cơm tôi ăn, bo bo Ba Má ăn. Sáng, Má đạp xe bảy cây số đến khu người Tàu bày cái mẹt bán mắm muối hành tỏi, trưa lại đạp xe về phụ làm rẫy với Ba cho đến chập tối. Cuộc sống cơ cực khiến Ba tôi buồn chán sinh cờ bạc, rượu chè. Có khi bán hàng về, Má ôm mặt khóc nức nở vì mấy bao đậu xanh, đậu đỏ mới thu hoạch bị Ba bán hết lấy tiền đánh bạc. Hết lần này đến lần khác, Má nhẫn nại chịu đựng Ba.
Mang bầu mấy chị em tôi, Má vẫn ì ạch đạp xe đi bán cho tới cận ngày sinh. Đường đất đá, trơn trượt vào những ngày mưa khiến nhiều lần Má ngã đổ cả hàng hóa ra đường. Cứ năm này sang năm khác, Má như thân cò chẳng quản mưa nắng sớm hôm.
Là con gái đầu nhưng tôi chẳng giúp được gì cho Má. Mười sáu tuổi, tôi vào nhà dòng. Bốn mươi tuổi, Má tôi được người ta gọi là “Bà cố” khi tôi tuyên khấn lần đầu. Tôi chẳng nhớ Má sinh năm nào, nhưng nếu ai hỏi tuổi “Bà cố”, tôi chỉ cần lấy tuổi mình cộng thêm mười tám là ra. Má tôi tuy vất vả nhưng trông vẫn trẻ đẹp. Nhiều người trêu Má là “Chị cố” khi thấy hai mẹ con tôi đi với nhau; hoặc khi tôi ra chợ Má bán hàng thì mấy bà mấy cô người Tàu xúm lại hỏi: “Em gái nị hả?”, Má tủm tỉm trả lời: “Con gái ngộ í!”, ai cũng tròn mắt ngạc nhiên.
Thời khó khăn đã qua. Cái mẹt hàng của Má nay được thay bằng ngôi nhà xây rộng rãi để Má buôn bán, chiếc xe đạp cọc cạch cũng được thay bằng chiếc Honda mới. Tôi tưởng Má sẽ bớt vất vả và sẽ có thời gian chăm sóc bản thân hơn, vậy mà Má vẫn tham công tiếc việc chẳng kém ngày xưa. Ngăn tủ quần áo của Má chỉ có hai bộ đồ tây để đi lễ hoặc đi đám tiệc cho tới ngày lễ khấn dòng của tôi, Má mới có thêm một bộ áo dài. Trước đây, tôi chỉ được nhìn Má mặc áo dài qua tấm hình cưới của Ba Má. Ngày khấn của tôi, tức là hai mươi hai năm sau, tôi mới được tận mắt ngắm Má mặc lại chiếc áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau ngày lễ, Má tôi giặt sạch bộ áo dài, xếp ngay ngắn, gói lại và cất kỹ trong tủ. Má bảo Má để dành chờ sáu năm nữa tôi khấn trọn đời đem ra mặc cho mới, rồi chờ cả đám cưới thằng em kế tôi thì sẽ mặc luôn. Tôi vừa thương vừa giận Má vì cái tính chỉ biết lo dư dật cho chồng con mà chẳng nghĩ gì đến bản thân mình.
Tuổi xuân Má dần qua, sức khỏe cũng giảm sút. Tôi thúc Má bỏ bớt chuyện buôn bán để nghỉ ngơi hoặc đi du lịch cho biết đó biết đây. Má cứ ậm ừ rồi lại đâu vào đó. Thế là tôi giận Má. Thật lạ là những ngày giận Má lại là những ngày tôi nghĩ về Má và cầu nguyện cho Má nhiều nhất. Em gái tôi kể rằng : Má bảo Má có lỗi với Hai vì lúc sinh Hai, Má còn trẻ lại khổ cực quá nên Má không chăm sóc Hai chu đáo được. Nhiều khi Hai quấy khóc vì khát sữa hay đau bệnh mà Má cũng không biết. Má nói bây giờ Má muốn bù đắp cho Hai mà Hai lại đi tu mất rồi. Má nói, Má thương Hai nhiều lắm… Tôi chợt hiểu vì sao mỗi lần tôi về quê, Má lại tranh thủ chăm sóc tôi từng li từng tí. Má thích nằm cạnh tôi, vuốt tóc tôi, ôm lấy tôi, nhưng tôi thì ngượng ngùng đẩy Má ra. Chưa bao giờ tôi nói với Má rằng tôi yêu Má dù nhiều lần Má đã nói điều đó với tôi. Sau mỗi lần về quê rồi trở lại nhà dòng, tôi đều ân hận vì đã không nằm yên trong vòng tay Má, đã không ôm chặt Má, đã không nói với Má những lời yêu thương. Một nỗi sợ phập phồng trỗi lên trong tôi, biết đâu một ngày nào đó tôi không còn cơ hội để nói với Má những điều Má đợi chờ.
Tôi biết rằng tôi đang là người hạnh phúc vì còn được cài lên áo mình một bông hồng đỏ thắm, bông hồng của người còn mẹ. Tôi mong một ngày thật gần, tôi không chỉ âu yếm thì thầm với Má mà còn đủ can đảm để nói với Má trước mọi người rằng :
MÁ ƠI, CON YÊU MÁ !.
Ghi chú : Em gái tôi gọi tôi cách thân mật là “Hai”
2. Giải Nhì: Tác phẩm “Hai Thiên Thần của Chúa” của tác giả Têrêsa Lê Nhật Lam, bút hiệu Nhật Lam.
HAI THIÊN THẦN CỦA THIÊN CHÚA
Cách đây 8 năm, một lần về quê thăm gia đình, Chị tôi đã gửi cho tôi lá thư Chúc Mừng do Chị viết. Đó chẳng phải là ngày sinh nhật của tôi, cũng chẳng phải là một dịp đặc biệt gì của gia đình, nhưng Chị lại viết bốn chữ “Chúc mừng Nhật Lam!” bự chảng ngay đầu thư kèm theo câu “Ngạc nhiên là tại sao lại chúc mừng à?”. Qua lá thư đó, Chị đã chúc mừng tôi vì mỗi buổi sáng thức dậy tôi thấy trong người vẫn còn khỏe mạnh, Ba Mẹ vẫn còn sống và công việc làm ăn vẫn ổn định; gia đình vẫn ấm êm, hạnh phúc; tôi vẫn được đến trường mà không phải bươn chải kiếm sống như nhiều bạn kém may mắn khác. Cuối thư, Chị đã dạy tôi biết rằng Thiên Chúa đã rộng lượng ban cho tôi nhiều hơn người khác trong khi tôi chẳng có công trạng gì cả. Và, đặc biệt, Ngài đã ban cho hai chị em tôi hai thiên thần hằng lo lắng cho chúng tôi từng ngày đến suốt cuộc đời. Đó chính là cha mẹ.
Khi đó, một đứa trẻ 11 tuổi chưa thấm thía nhiều lời chia sẻ của chị nó. Nhưng dần dần, bức thư đó đã khắc sâu vào tâm hồn tôi về công ơn của Ba Mẹ. Rất cám ơn Chúa vì Ngài đã không để tôi tự chọn lấy cha mẹ cho mình, vì nếu tôi đã có thể làm thế, có lẽ tôi đã không chọn được hai thiên thần tuyệt vời như Chúa đã chọn cho tôi 19 năm trước.
Mẹ tôi đã dạy: Con gái đi ra đường phải có cái khăn tay trong túi. Vì vậy nên hai chị em tôi nếu đã đi ra tới cổng mà sực nhớ chưa đem theo khăn tay thì đều trở vô trong nhà lấy khăn của mình rồi mới đi tiếp được. Và nếu thiếu cái khăn tay thì tôi thấy bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Điều này nghe tưởng chừng có vẻ đơn giản, nhưng thật ra không nhiều người có thói quen này. Bạn bè tôi nhiều đứa đã tỏ vẻ ngạc nhiên và thích thú khi thấy tôi dùng khăn tay. Không phải vì thấy sang, giống Tây, mà vì nó là lạ và rất con gái…
Hồi còn bé, trong một lần làm thiệp sinh nhật tặng Ba, Mẹ đã dạy tôi phải viết hoa chữ “Ba” để thể hiện sự kính trọng. Sau này, khi tôi viết thư hay e-mail cho ai, Mẹ đều nhắc phải nhớ viết hoa các đại từ nhân xưng Bác, Chú, Cô, Bạn…Và, điều này thế hệ trẻ chúng tôi, nếu không có cha mẹ hay người thân yêu dạy thì thua, không biết tới, vì nhà trường đâu có dạy…
Mẹ đã dạy tôi phải biết cám ơn khi đi mua đồ và khi người ta đến mua đồ ở sạp báo của gia đình tôi…Điều này nhà trường cũng không dạy cho thế hệ 9X chúng tôi đâu…
Mẹ, suốt gần 19 năm qua, đã luôn có ở đó khi tôi cần đến Mẹ. Ngày đầu tiên vô lớp Một khóc lóc om sòm vì thế giới xung quanh lạ lẫm mà Mẹ thì đâu mất tiêu rồi; trong khi Mẹ đứng đằng xa trông theo mà cô bé 6 tuổi ngày ấy đâu có biết. Những buổi tối hai mẹ con ngủ chung, Mẹ nằm nghe đứa con gái đang thời kỳ nổi loạn khóc lóc, tỉ tê; đôi khi là vì một ấm ức nào đó trên trường; đôi khi là vì nó nghĩ nó đã phạm tội trọng lắm, chắc sẽ hư mất đời đời mất thôi. Những lúc Mẹ la vì trốn lễ, lười biếng học bài, cũng bực mình, giận Mẹ lắm chứ; nhưng cũng nhờ những lời la mắng “tối tăm mặt mũi” đó mà tôi mới được như bây giờ…
Còn Ba, Ba đã phải làm đủ thứ cho tôi, từ con ngựa cho tới máy bay, để tôi hú hí suốt cả buổi tối cho tới khi đi ngủ. Ba dạy tôi khi nằm xuống ngủ hãy làm dấu Thánh Giá dâng giấc ngủ cho Chúa, và khi đi trên đường nếu có đi ngang qua nghĩa địa thì nhớ cầu nguyện cho các linh hồn… Ba cũng tập cho tôi biết thân thưa khi trò chuyện với Chúa. Ba đã “đời thường hóa” cuộc sống ở Nazaret của Chúa Giêsu và các nhân vật khác trong Kinh Thánh, khiến tôi không còn khiếp sợ Thiên Chúa công thẳng nữa mà thấy Ngài gần gũi hơn, rằng Ngài là bạn thân của tôi cho nên cứ việc “tám” thoải mái với Ngài! Ba đã làm cho gia đình của Ba có những truyền thống về cầu nguyện, như cùng thức với Chúa Giêsu trong đêm thứ năm Tuần Thánh hay hân hoan cùng Giáo Hội hoàn vũ khi ngồi im lặng nhìn ngắm Hài Nhi Giêsu trong đêm “đất với trời se chữ đồng”…
Ba hằng ngày phải đi lên sạp báo làm việc, luôn lịch sự và ân cần với khách hàng. Nhiều khách đến mua mà nạt nộ, la lối om sòm và nói nhiều lời thiếu lịch sự, Ba vẫn nhã nhặn nói chuyện với họ. Ba chẳng than thở gì khi cái sạp báo ở ngay ngã ba, bụi bặm kinh khủng, mà khổ nhất là vào buổi chiều, sạp báo nóng và ngột ngạt không khác gì cái lò lửa. Ba đã cùng với Mẹ gieo vào lòng tôi niềm đam mê đọc sách trong thời đại mà văn hóa đọc đang ngày càng ít đi trong giới trẻ ngay từ khi tôi bắt đầu đọc chữ hơi chạy chạy khi mua cho tôi sách về Chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu- bổn mạng của tôi. Ba cũng là người thầy Anh Văn đầu tiên của tôi, để rồi dù cho Ba suốt ngày chỉ phải làm lụng ở cái sạp báo nhỏ bé và cũ kỹ, nhưng bạn bè tôi đã phải rất ngạc nhiên về nền tảng Anh Văn của tôi. Và, Ba đã cho tôi một đại gia đình khác rất đặc biệt. Đó là đại gia đình PIO X - gia đình nhỏ hồi xưa của Ba ở Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô - Xuân Lộc…
Và, nhất là, Ba Mẹ đã không chiều theo ước muốn ra khỏi gia đình Thiếu Nhi Thánh Thể của đứa con gái lúc còn đang trong thời kỳ nổi loạn. Vì nếu hồi đó Ba Mẹ nói “OK” thì giờ đây nó đã chẳng tìm thấy được những niềm vui thiêng liêng trong gia đình Giáo Lý Viên của giáo xứ…
“Hiện nay tôi đang sống xa gia đình tại thành phố Sài Gòn đông đúc và bon chen, đôi khi tôi cảm thấy rất lạc lõng, bơ vơ, nhưng những khi nhớ lại chiếc nôi thời thơ ấu của gia đình, tôi như có thêm sức mạnh để tiếp bước trên con đường cuộc đời mình vì tôi tin có hai thiên thần hằng dõi theo bước đi của tôi từng ngày cho đến hết cuộc đời. Đó là ba mẹ tôi”.
3. Giải Ba: Tác phẩm “Mẹ tôi” của tác giả Phêrô Phạm Mạnh Luận, bút hiệu Thằng Năm.
MẸ TÔI
Sau biến cố lịch sử năm 1975, đất nước đang trong thời kỳ kinh tế khó khăn, mọi người đều rất vất vả! Gia đình của tôi cũng không tránh khỏi điều đó, nên đã quyết định chuyển một nửa gia đình về Quê Nội ở Hàm Thuận để làm ruộng, với tiêu chí một nửa ở Thành phố và một nửa ở thôn quê cùng hỗ trợ lẫn nhau cho qua thời kỳ khủng hoảng. Mẹ tôi từ một phụ nữ chỉ biết nội trợ cho gia đình, là vợ của một công chức, nên quanh năm quanh quẩn với bếp núc... nay phải dắt díu bốn đứa con lớn về quê để "bán mặt cho đất và bán lưng cho trời". Đôi tay của Mẹ đã bắt đầu chai sần vì những nhát cuốc vỡ vụn, như sự vụn vỡ của cuộc đời. Và đôi vai gầy của Mẹ càng thêm gầy guộc bởi đôi quang gánh trĩu nặng vì miếng cơm manh áo của những đứa con đang tuổi mới lớn... Tôi là người con thứ năm trong gia đình (Bố Mẹ hay gọi tôi là Thằng Năm) may mắn hơn các anh chị tôi, là được học trong Thành phố với Bố, chỉ những dịp nghỉ hè mới về quê để phụ giúp Mẹ tôi trong công việc đồng áng... Không biết sao mà tôi lại có một biệt tài cấy lúa rất nhanh, nếu nhìn từ xa sẽ thấy đôi bàn tay thoăn thoắt của tôi như gà mổ. Người dân ở đây đều rất ngạc nhiên với biệt tài nầy: Không biết tại sao một thằng nhóc ở thành phố mà lại cấy lúa nhanh như thế? Thằng Năm chỉ mỉm cười dí dỏm: "Chắc do chia bài quen rồi!" - đùa tí cho vui thôi! Có lẽ vì cuộc sống quá khó khăn nên đã tạo cho thằng Năm sự thích nghi với môi trường... Lúc nầy đang vào những năm 80, thời kỳ của bao cấp, cuộc sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Vì thế, gia đình đã quyết định cho tôi đi vượt biên, hầu kiếm một lối thoát cho cuộc sống. Trong những ngày chờ đợi nầy, với tâm trạng thấp thỏm, đầu óc lơ mơ, thằng Năm đã làm một việc mà cho đến bây giờ vẫn không thể nào quên! Sáng hôm đó, Mẹ đã nhờ tôi gánh một gánh phân Urê vãi cho đám mạ mà tôi đã cày bừa, bắt mạ (mạ là cây lúa còn non chờ cho cứng cáp, nhổ lên để cấy). Đám mạ xanh um đang chờ quăng đợt phân nầy nữa, sẽ được nhổ lên. Từng nạm phân trắng xóa tung bay theo chiều gió rơi đều xuống đám mạ bởi bàn tay thoăn thoắt của thằng Năm, chỉ còn vài nạm phân cuối cùng, chợt nghe tiếng gọi giật giọng của Mẹ: "Năm ơi, vãi lộn ruộng rồi". Tôi giật mình nhìn lại, thì... Hỡi ôi! Miếng ruộng sát bên của mình không vãi, mà lại vãi phân trên đám ruộng người khác. Hôm đó, thằng Năm bị một cái cốc đầu đau điếng vì sự lơ đễnh của mình. Thế nhưng, sau đó Mẹ đã ôm chặt tôi vào lòng, với nụ cười thông cảm... Sau vài chuyến vượt biển không thành, thằng Năm đã trở về thành phố lập gia đình. Năm 2001, anh chị của tôi đã bảo lãnh Mẹ tôi sang định cư tại Mỹ. Mẹ tôi lại một lần nữa dứt bỏ tất cả để ra đi! Ở bên kia nỗi nhớ, Mẹ luôn đau đáu ngóng về những đứa con, đứa cháu... Mẹ đã chắt chiu từng đồng kiếm được để gởi về, vì Mẹ biết rằng ở Quê nhà còn khổ lắm. Và sau mười năm xa cách, Tết năm nay Mẹ đã trở về quê hương ăn Tết... Mẹ đó kìa, vẫn nụ cười hiền hậu, Mẹ ôm chặt từng đứa con, đứa cháu trong vòng tay nhớ nhung yêu thương của Mẹ. Một cảm xúc của thời thơ ấu như chợt ùa về với thằng Năm... Nó ngọt ngào như mùi lúa non đang ngậm sữa và ấm áp như mùi rơm rạ của đồng quê... Cái cảm giác hạnh phúc đó chỉ kéo dài được một tháng thì Mẹ đã từ giã mọi người để trở về Mỹ, trở về để tiếp tục chắt chiu... Và để tiếp tục đếm từng ngày, từng ngày một mong ngày trở về với quê hương. Hôm tiễn Mẹ ra phi trường, nhìn bóng dáng già yếu của Mẹ khuất dần, khuất dần nhỏ bé trong dòng người đông đúc, thằng Năm mới chợt nhận ra một điều: Bên trong vóc dáng nhỏ bé của Mẹ, chứa đựng một con tim không nhỏ bé chút nào.
Và hôm nay, trong những ngày "Trái tim Mẹ được tôn vinh ", ngày mà mọi người dù ở một đất nước nhỏ bé, hay một quốc gia hùng mạnh nào. Có thể anh là một kỹ sư, bác sỹ, hay một công nhân bình thường, một cô thợ may hoặc là một ông Thủ Tướng. Tất cả, tất cả đều phải nghiêng mình chào đón "Ngày của Mẹ"... Và trong sự trân trọng đó, xin cho thằng Năm được nói lên điều nầy; điều mà có lẽ đã lâu lắm rồi, nó tưởng chừng như đi vào quên lãng! Vì những bận rộn trong công việc, vì ngại ngùng không còn thơ bé như khi xưa nữa, hay vì bất cứ một lý do nào đó. Nhưng hôm nay, cho thằng Năm được nói với Mẹ rằng: "MẸ ƠI! CON YÊU MẸ".
4. Giải khuyến khích: tác phẩm “Thật hạnh phúc khi con có Mẹ” của tác giả Anna Vũ Duy Thị Thùy Vân
THẬT HẠNH PHÚC KHI CON CÓ MẸ
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”
Sẽ chẳng có ngôn từ nào diễn tả cho hết những sự hi sinh vất vả của những bậc làm cha, làm mẹ dành cho những đứa con yêu của mình. Xin cho tôi mượn hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên để nói lên cái quy luật vĩnh hằng về tình mẫu tử ấy. Với tôi, cuộc sống có thể thiếu thốn mọi thứ nhưng không thể nào thiếu đi sự quan tâm và những lời dạy bảo của mẹ.
Năm nay mẹ tôi gần 60 tuổi, cái tuổi mà người ta gọi là “đẹp lão” thì mẹ lại khắc khổ, đôi mắt hằn sâu dấu chân chim, đôi bàn tay chai sần, đôi bàn chân nứt nẻ, duy chỉ có nụ cười của mẹ lúc nào cũng hiền hậu, bao dung và cam chịu. Gia đình tôi từ nhỏ đã gắn bó với nghề làm giá- vất vả lắm. Hằng đêm mẹ phải cùng ba thức dậy lúc 12 giờ khuya để gỡ giá rồi đi giao cho đến 5 giờ sáng mới chợp mắt được một vài tiếng. Cả ngày lại phải tất bật với giội giá, bếp núc, con cái. Tôi chẳng thấy lúc nào mẹ nghỉ ngơi cả. Còn nhớ lúc tôi chưa lập gia đình, mẹ không cho tôi phụ việc gì trong nhà. Mẹ bảo: “ Con cứ lo học đi, để đấy mẹ làm”. Mẹ cưng chiều tôi hết mực, đến nỗi tôi sợ tôi sẽ hư mất. Đối với mẹ, việc học hành của con cái là quan trọng nhất. Cuộc đời mẹ tôi cơ cực lắm, chỉ được học đến lớp 2 mẹ đã phải nghỉ phụ việc đồng áng. Nhà ông bà ngoại không nghèo nhưng đông con, ông bà ngoại quyết định cho mẹ nghỉ học phụ việc nhà để các anh chị đi học, vì mẹ tôi học chậm so với các anh chị. Nhiều lúc mẹ tôi tủi thân lắm, một mình mẹ phải ra đồng trong khi các anh chị đều được đi học, có bạn bè, nhưng rồi mẹ cũng nguôi ngoai vì cho rằng sức học của mình cũng chỉ đến thế thôi. Ngày mẹ lấy chồng, không có tiền để chụp một tấm hình cưới cho giống mọi người, tài sản về nhà chồng chỉ có 2 bộ đồ, đến nỗi áo dài cưới mẹ cũng phải đi mượn. Mỗi lần nhớ về quãng thời thơ ấu của mẹ mà tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi thương mẹ lắm. Có lẽ vì tuổi thơ không được học hành, chỉ suốt ngày bán mình ngoài ruộng mà mẹ thua thiệt hơn so với các bác, các cậu tôi. Tuổi thơ của mẹ quá cơ cực, mất mát nên mẹ đã dành trọn mong ước của mình cho chúng tôi. Mẹ là một người mẹ tuyệt vời. Mẹ chăm cho chị em tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, mẹ thức cùng tôi những lúc học bài thi, từng li sữa, từng thìa nước cam, từng viên thuốc khi đau bệnh…một tay mẹ chăm. Mẹ không bao giờ than phiền vì cuộc sống cực nhọc. Mẹ chưa bao giờ lời to tiếng nặng với bất kì ai. Mẹ không bao giờ làm ngơ trước những người gặp khó khăn. Mỗi lần như thế mẹ bảo tôi: “Họ không may mắn con ạ. Hãy chia sẻ với họ”.Tuổi thơ tôi lớn lên trong sự dạy bảo ân cần của mẹ. Mẹ luôn nghiêm khắc dạy tôi những khi tôi sai, mẹ khóc vì hạnh phúc khi tôi biết tin mình thi đậu vào ngành sư phạm, mẹ sung sướng khi tôi gặp điều may mắn hay thành công, và mẹ lại trở thành người bạn khi tôi gặp những vấp ngã trong tình cảm. Chính tấm gương mẫu mực về mẹ như thế đã chắp cánh ước mơ cho tuổi thơ của tôi. Tôi luôn cố gắng học thật giỏi bởi tôi hiểu chỉ có học thật giỏi mới làm vơi bớt nỗi cực nhọc và sự hy sinh của mẹ.
Giờ đây tôi đã là một giáo viên, tôi bồi đắp tâm hồn, tình cảm và nhân cách sống cho bao thế hệ học trò. Những lúc đứng trên bục giảng, nhìn những ánh mắt ngây thơ chăm chú đón nhận những hạt giống tri thức. Tôi thương lắm. Những gì tôi có được ngày hôm nay tuy không phải là thành đạt trong sự nghiệp mà điều tôi có, trên hết là tình cảm, là tấm lòng, là nhân cách được bồi đắp từ thuở ấu thơ mà mẹ đã dành cho tôi. Ở tuổi của mẹ, những người phụ nữ khác đã được thảnh thơi bên con cháu. Nhưng bản tính hay lam hay làm của mẹ vẫn không thay đổi. Mẹ luôn động viên, khuyên bảo tôi dù cho tôi nay đã là một người mẹ. Với tôi, những lời dạy bảo của mẹ luôn là hành trang quý giá cho tôi trong bất kì chặng đường nào của cuộc đời.
Tôi hạnh phúc và hãnh diện biết bao mỗi khi nhắc đến mẹ . Mẹ ơi! Con cảm ơn mẹ vì mẹ là mẹ của con và vì mẹ mà con có mặt trên cuộc đời này.
Tân Bình ngày 17 tháng 03 năm 2011
5. Giải khuyến khích: Tác phẩm “Mẹ ơi. Mẹ lại khổ!” của tác giả Antôn Hà Thừa Lực
MẸ ƠI! MẸ LẠI KHỔ
Tình mẫu tử có có lẽ là món quà cao quý và vĩ đại nhất mà thượng đế đã ban tặng cho mọi sinh vật trên trái đất. Với con người, thì cái đáng nói nhất chính là sự hy sinh vô bờ bến của người Mẹ. Mẹ! Mẹ ơi, Mẹ đã cho đi không bao giờ lấy lại.
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, về vật chất không có gì để nói, nhưng về mặt tinh thần thì nhiều lắm! Tôi hạnh phúc, vì Thượng Đế đã ban cho tôi được sống trong một mái ấm chan chứa tình Mẹ Cha. Mặc dù Cha và Mẹ tôi đều là nông dân, nhưng xem ra cách chiều chuộng và dạy dỗ con cái thì lại rất là khoa học, khác với những gia đình nông dân khác họ chỉ nói với con: “Mày học hết lớp chín rồi về phụ Mẹ mà làm ruộng, biết đọc, biết viết là được rồi, chứ học làm gì cho nhiều!” Ba tôi thì không, lúc nào cũng khuyên tôi rằng: “Con ạ! Ba Mẹ đã phải sống trong cảnh nông dân nghèo túng rồi, không sung sướng gì đâu, nghèo thì người ta coi thường, vì thế con hãy gắng học thật tốt! Có như thế, cuộc sống con mới thay đổi được.” Lúc đó vì còn nhỏ, tôi cũng không hiểu được học sau này sẽ làm gì, nhưng tôi cũng mau mắn trả lời: “Thưa Ba, con sẽ gắng học tốt để không làm Ba buồn. Thời gian cứ thế trôi qua, tôi lớn dần lên trong sự che chở và nâng niu của tình Cha và tình Mẹ.
Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu, giông tố đã kéo đến. Năm tôi lên lớp 8 cũng là khi nghe tin ba bệnh nặng, cái tin làm tôi đau nhói con tim. Lúc bấy giờ gia đình tôi làm gì đủ tiền để đưa ba đi chữa trị ở những bệnh viện xa xôi như ở Hà Nội hay TP.HCM, Ba chỉ được chữa trị ờ bệnh viện huyện nhà mà thôi. Sau 5 tháng thì bệnh viện trả về vì bệnh đã quá nặng, chỉ vài ngày sau ba tôi qua đời. Trong ký ức của tôi vẫn in đậm mãi bóng dáng của khoảng thời gian vừa đau khổ, vừa xót xa ấy. Đến bây giờ, tôi mới hiểu câu nói của ba ngày xưa: “Con ạ! Ba Mẹ đã phải sống trong cảnh nông dân nghèo túng, không sung sướng gì đâu… Con hãy gắng học tốt!”
Ngày Ba rời ba Mẹ con khỏi trần thế, Mẹ đã khóc rất nhiều. Khi ấy, Mẹ quay sang ôm tôi và nói: “Con ơi, từ nay con không có ba mà gọi nữa!” Tôi khóc òa lên và ôm chặt lấy Mẹ, sau đó tôi lầm lũi ngồi bên cạnh giường cha nằm, khóc mãi… Mẹ đã dỗ dành tôi rất nhiều! Cũng từ ngày ấy, mọi gánh nặng đặt lên đôi vai gầy của Mẹ. Mẹ đã khổ, nay lại khổ hơn, bởi Mẹ phải mang thêm trên vai gánh nặng của người trụ cột gia đình. Nhìn Mẹ tảo tần sớm tối lòng tôi vừa thương vừa đau khổ, đã có lần tôi có ý nghỉ học để giúp Mẹ phần nào, nhưng lời dặn của Cha mới ngày nào vẫn còn vang vọng trong tôi, tôi lại không muốn phụ lòng Cha đã khuất, nó làm tôi dằn vặt, không biết làm sao cho phải. Tối về, tôi đến bên Mẹ và nói: “Mẹ ơi, Mẹ cho con nghỉ học về giúp Mẹ nha!” Bóng đôi mắt Mẹ mở to trừng tôi như muốn quát, nhưng Mẹ đã không làm thế, chốc lát Mẹ lấy lại bình tĩnh và nhỏ nhẹ nói với tôi: “Con ạ, dù Mẹ vất vả đến đâu, nhưng khi thấy con cái học hành tử tế là Mẹ vui rồi. Con hiểu chứ?” Câu nói và cử chỉ của Mẹ lúc ấy làm tôi cứ rưng rưng nước mắt, trong tim tôi như muốn thốt lên rằng: “Mẹ, Mẹ ơi! Cử chỉ dịu dàng, yêu thương của Mẹ là động lực rất lớn để con tiếp tục học.”
Năm Ba qua đời em gái út mới được ba tuổi, tôi một phần thương Mẹ, một phần lại thương em, vì nó còn quá nhỏ chưa cảm nhận được tình Cha, mà bây giờ nó lại phải vắng thứ tình cao quý đó mãi mãi, rồi mai đây khi lớn nó sẽ lên thế nào, không có sự che chở của Cha nó sống làm sao, từ ngày ba mất, Mẹ bận rộn lo miếng cơm manh áo cho hai anh em, còn đâu thời gian để chăm sóc kỹ càng cho em nhỏ, nó thật đáng thương, dù tôi yêu nó nhiều lắm, nhưng làm sao có thể so sánh được với tình Mẹ cha dành cho con cái. Nhiều lần tôi cho nó ăn, trông sự ngây thơ của nó mà tôi chảy nước mắt. Rồi nó cũng lớn lên và đến tuổi đến trường, một mình Mẹ vất vả nuôi hai đứa con, với đồng tiền ít ỏi, không đủ trang trải cho hai anh em đi học. Làm ngày không đủ, Mẹ phải làm đêm. Tôi thương Mẹ lắm! Có những lúc Mẹ phải làm đến tận khuya mới về tới nhà với đôi mắt thâm đen, hai tay run lên vì cái lạnh của mùa đông, tôi chỉ biết âm thầm nhìn Mẹ mà chẳng thốt nên lời. Tôi vội vàng chạy vào nhà nhóm bếp lửa cho Mẹ sưởi đôi tay, tôi nhanh tay quơ lấy cái phích rót vộị cho Mẹ ly nước ấm. Mẹ uống và ngồi được một lát, rồi vào hôn đứa con út và đi ngủ ngay. Mẹ không nói, nhưng tổi cảm nhận được sự mệt mỏi mà công việc đã đem lại cho Mẹ. Ngày ngày cứ trôi qua như thế, có lẽ vì bận rộn nên Mẹ ít có thời gian nói chuyện với tôi, nhưng tôi cảm nhận được trong lòng Mẹ thương tôi nhiều lắm!
Năm năm trôi qua, sự vất vả để nuôi con làm Mẹ già hơn nhiều so với tuổi. Nhìn Mẹ vất vả tôi chỉ biết cố gắng học cho tốt, để Mẹ được an ủi phần nào, kỷ niệm tôi không thể quên là ngày tôi nhận được cái giấy báo đậu của trường Học Viện Bưu Chính Viễn Thông. Tôi vui mừng đến nỗi cẩm tờ giấy báo chạy thẳng đến nơi Mẹ làm và hét lên: “Mẹ ơi, Mẹ ơi! Con... con đậu rồi!” Mẹ vui mừng ôm chặt lấy tôi, rồi khóc nức nở và nói: “Cảm ơn Chúa!” Còn tôi, nhìn vẻ mặt vừa mừng vừa lo lắng của Mẹ, tôi hiểu là Mẹ đang lo lắng, làm cách nào để nuôi tôi ăn học tiếp đây. Lần này tôi xa nhà, đã đổ lên bờ vai Mẹ tất cả. Tôi chỉ biết than thầm rằng: “Mẹ, Mẹ Ơi! Mẹ Lại Khổ!”
III. Thể loại Video Clip/PowerPoint:
1. Giải Nhất: Tác phẩm “Mẹ của tôi” của tác giả Lucia Nguyễn Quỳnh Như.
http://www.mediafire.com/?fgye4dl41b8upe6
2. Giải Nhì: Tác phẩm “Ở lại nhé! Đừng Đi” của tác giả Nguyễn Minh Chính.
http://www.mediafire.com/?aix2givrvu1kxk7
3. Giải Ba: Tác phẩm “Về Mẹ” của tác giả Thầy Giuse Hoàng Đình Quang.
http://www.mediafire.com/?a7qx4gwspko9e94
4. Giải khuyến khích: Tác phẩm “Con hãy cứ đi…” của tác giả Maria Nguyễn Hoàng Phương Khanh.
http://www.mediafire.com/?1l05q5705u3ram2
5. Giải khuyến khích: Tác phẩm “Mẹ”của tác giả Maria Têrêsa Đặng Thị Mỹ Hạnh.
http://www.mediafire.com/?o6exlt07bhcs7t9
Tạ Ân Phúc