BẮC NINH - sáng Chúa Nhật (1/5/2011) lễ kính lòng thương xót Chúa, giáo phận Bắc Ninh đã làm lễ khởi công xây xựng ngôi “đền kính lòng thương xót Chúa” tại giáo xứ Phúc Yên thuộc giáo phận Bắc Ninh.

Xem hình ảnh

Chủ sự thánh lễ kính lòng thương xót Chúa và làm phép viên đá đầu tiên xây dựng “đền kính lòng thương xót Chúa” là đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, giám mục giáo phận Bắc Ninh, cùng đồng tế với ngài có cha tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh, quí cha, quí nam nữ tu sĩ và hàng ngìn giáo dân trong và ngoài giáo phận Bắc Ninh.

Xây dựng ngôi đền kính lòng thương xót Chúa là ước mong từ lâu của toàn thể giáo dân giáo phận Bắc Ninh, bởi vì trong lịch sử hơn một trăm năm của mình, giáo phận Bắc ninh đã trải qua muôn vàn thử thách, nhưng nhờ lòng Chúa thương xót đã gìn giữ giáo phận vượt qua mọi sóng gió và đang trên đường đến bến bình an.

Lời cầu nguyện: “lạy Trái Tim nhân lành Chúa Giêsu, xin thương xót và che trở chúng con,” được toàn thể giáo dân trong giáo phận Bắc Ninh đọc hàng ngày trong các giờ kinh nguyện kể từ thời đức cố hồng y Phaolô Giuse Phạm Định Tụng là giám mục giáo phận Bắc ninh, ngài đã dâng hiến giáo phận cho Trái Tim nhân lành Chúa Giêsu, cho đến tận hôm nay giáo phận Bắc ninh vẫn luôn nhắc lại lời dâng hiến đó và xin Chúa mãi mãi gìn giữ giáo phận.

Ngỏ lời với cộng đoàn trong thánh lễ kính lòng thương xót Chúa và khởi công xây dựng đền kính lòng thương xót Chúa, đức cha Cosma đã nói lên ý nghĩa của ngôi Đền Thánh là để kính nhớ lòng Chúa thương xót và là nơi cầu nguyện cho sự ác sẽ bị đẩy lui hoàn toàn khỏi trái đất thân yêu này, và để cho toàn thể thế giới này được bao phủ bằng lòng thương xót Chúa, cho con người biết đối xử với nhau bằng tình thương xót, vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” Ngài nhắc nhở mọi người đang hiện diện trong thánh lễ: chúng ta không chỉ xây dựng đền thánh bằng vật chất, mà quan trọng hơn là xây dựng ngôi đền kính lòng Chúa thương xót ngay trong chính tâm hồn mỗi người.

Đức cha cũng nhắc đến thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa của hội đồng giám mục Việt nam trong kì họp lần này (25-29/4/2011) với tựa đề “cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, và mời gọi mọi người hãy nắm tay nhau đẩy lùi nền “văn hóa sự chết” và “văn minh mọi rợ” là những điều hoàn toàn trái ngược với giá trị Tin Mừng.

Ước mong sao, sau khi ngôi đền kính lòng thương xót Chúa được hoàn tất sẽ là trung tâm hành hương và là nơi cầu nguyện của tất cả mọi người, cho dù là lương hay giáo, là người Kitô hữu ở giáo phận Bắc ninh hay ở nơi khác, tất cả mọi người sẽ đều được hưởng ơn của lòng Chúa thương xót qua ngôi đền kính lòng thương xót Chúa Phúc Yên này.

Đôi nét về giáo xứ Phúc Yên

Giáo xứ Phúc Yên nằm ở trung tâm thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, các tòa giám mục Bắc ninh 50 km và sân bay quốc tế Nội Bài 10 km về hướng Nam.

Khi giáo phận bắc ninh được thành lập (29/5/1883), Phúc Yên lúc là một họ lẻ của giáo xứ Nội Bài. Năm 1902 giáo họ Phúc Yên được nâng lên hàng giáo xứ. Đến năm 1932, Phúc Yên đã là một giáo xứ sầm uất của giáo phận Bắc ninh, với số giáo dân là 600 người. Năm 1935, toàn thể giáo xứ nỗ lực xây dựng được ngôi nhà thờ khang trang, đẹp đẽ với tổng diện tích là 520 m2, tháp cao 35 m, trên diện tích đất nhà thờ là 15,951 m2.

Nhờ vào lòng đạo đức của dân chúng và sự nhiệt thành truyền giáo của cha xứ, giáo xứ Phúc Yên phát triển rất nhanh. Năm 1941, giáo dân Phúc Yên đã tăng lên 1,153 nhân danh, giáo xứ đã xây dựng được ngôi nhà giáo lí 2 tầng rộng rãi (ngôi nhà giáo lí này đã bị sập thời tiêu thổ kháng chiến).

Biến cố năm 1954, nhiều giáo dân giáo xứ Phúc Yên đã di cư vào Nam, ở lại giáo xứ chỉ còn lại một số gia đình, nhưng số giáo dân ít ỏi này vẫn duy trì cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống đức tin và lưu truyền lại cho con cháu.

Biến cố đau thương của giáo xứ mà mọi người vẫn luôn ghi nhớ, ngày 17/9/1967 ngôi nhà thờ giáo xứ Phúc Yên bị phá đổ. Sau đó, vào thập niên 70 nhà nước đã trưng thu toàn bộ đất đai nhà thờ và nhà chung.

Tuy cơ sở vật chất của giáo xứ không còn, nhưng đức tin của giáo dân thì không mất. Giáo dân vẫn duy trì tập trung cầu nguyện ở một số gia đình giáo dân đạo đức. Nhờ lời cầu nguyện liên lỉ và nhờ vào lòng Chúa thương xót, giáo dân phúc Yên không chỉ giữ được đức tin, mà số giáo dân còn gia tăng rất nhanh.

Trong hoàn cảnh khó khăn vì không có nơi cầu nguyện, giáo dân Phúc Yên đã không mệt mỏi làm đơn kiến nghị với các cấp chính quyền đễ xin hoàn lại khu đất nhà thờ đã bị mất. Sau hơn 30 năm trời kiên trì bền bỉ làm đơn gửi lên các cấp chính quyền và liên lỉ cầu nguyện, cùng với sự khích lệ của các vị chủ chăn. Cuối cùng, Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của giáo dân Phúc Yên, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý hoàn trả lại 5,033 m2 vào năm 2008.

Ngày nay, với số giáo dân là 3,883 người, sống rải rác trên các giáo họ: họ nhà xứ Phúc Yên, Bến Xây, Đại Lợi, Kim Anh, Kim Tràng, Tân Lợi và Văn Lôi, và Phúc Yên có cha Phêrô Nguyễn Công Văn về ở trực tiếp với giáo xứ. Cho nên, đời sống đức tin sắt son của giáo dân Phúc Yên càng trở nên vững mạnh, giáo xứ có thánh lễ đều đặn và mọi người hằng ngày vẫn cầu nguyện và dành thời gian kính lòng thương xót Chúa để Chúa ban muôn vàn ơn xuống cho giáo xứ và cho toàn thể thế giới.

Thị xã Phúc Yên là nơi có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và có nhiều trường học. không những vậy, Phúc Yên là trung tâm của nhiều giáo xứ xung quanh trong vùng Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, thị xã Phúc yên là nơi rất thuận tiện cho việc giao thông đi lại và chỉ cách sân bay quốc tế Nôi Bài 10 km. Vì vậy, giáo phận Bắc ninh đã quyết định xây dựng ngôi đền kính lòng thương xót Chúa ở giáo xứ Phúc Yên để tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã ban cho giáo phận, và là nơi thuận tiện cho mọi người từ Nam đến Bắc có thể hành hương và lui tới cầu nguyện. Đền kính lòng thương xót Chúa là công trình đánh dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Cũng từ ngôi đền thánh này, nguồn mạch thiên liêng là Máu và Nước đã tuôn trào ra từ Trái Tim Chúa, để tất cả những ai tín thác vào Người sẽ hưởng được những ân sủng trường sinh.

“Lạy Trái Tim nhân lành Chúa Giêsu, xin thương xót và che trở chúng con”, “Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Chúa”. Amen.