Hôm nay, tôi ăn chay hãm mình. Những người trân trọng giáo huấn, luật định của Hội Thánh cũng làm như vậy. Vào mùa này, có những bài viết rất hay về nói về sự chay tịnh, rồi nhắc nhở nào là cuộc đời này chóng qua, nào là con người là tro bụi, nào là sự cám dỗ “mãnh liệt” từ của cải dẫn con người đến tội ác…nói chung, nhiều bài viết rất cao siêu. Tôi chỉ xin chia sẻ cảm xúc đơn sơ của một giáo dân trong một ngày ăn chay.
Trước hết, phải nói rằng, đối với tôi, tiền lương hàng tháng lãnh của Nhà Nước được “ổn định” vào từng chuyên mục “điện, nước, internet, gas, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối” cả rồi, chỉ có tiền “viết lách” là tôi được “ăn tiệm” thoải mái, vì thế ăn chay hôm nay là đúng việc của người Kitô hữu nhưng tôi còn đề ra THÊM CHO MÌNH NHỮNG CÁCH CHAY TỊNH KHÁC trong mùa chay này.
Buổi sáng thức dậy, tôi đọc kinh mà lòng còn thấy vui vui vì bữa tiệc “8 tháng 3” của ngày hôm qua. Tôi cố gắng sốt sắng, một sự chay tịnh đầu tiên khi điều chỉnh sự tự do của mình!
Kế tiếp, tôi lập công đức bằng cách cầm điện thoại, gọi cho một “con nợ” và nói rõ rằng người này không cần phải trả tôi món tiền còn nợ. (Thế là tôi yên lòng, không phải bớt tiền quà sáng mà “cho người nghèo” đúng ý nghĩa của ngày ăn chay. Mà quà sáng của tôi có gì đâu: một ly cà phê và vài cái bánh ngọt, bớt ra làm sao được!)
Thật ra, có một Đức Giám mục nói với tôi rằng: “Con ĐỪNG LÀM CHO AI THẤT VỌNG khi họ đến với mình!”. Tôi đã áp dụng điều này cho bất cứ ai chạy đến nhờ vả, dù ít dù nhiều, vì thế tôi đã cho người bạn mượn số tiền trong lúc túng bấn mà nếu người ấy không trả, tôi cũng không ảnh hưởng gì! Tôi nghĩ đó là cách chay tịnh theo thời điểm.
Một lần, tôi đang đứng trong một tiệm sách Công giáo, một người đến gần, nói với tôi chỉ một câu mà lòng tôi đau nhói, ra về, tôi ăn ngủ ray rứt đến ba ngày, đã mấy lần tôi định nhấc diện thoại gọi cho người này để trả đũa bằng những lời cay cú (vì ai cũng có khả năng nói những lời làm người khác đau đớn!) nhưng tôi kính sợ Chúa, không dám làm điều đó, chỉ rên rỉ rằng: “Chúa ơi, sao người này lại thốt ra những lời ấy? Xin Người xem xét mà sửa dạy!”. Đối với tôi, đây là sự chay tịnh trong đời thường.
Bình thường, tôi thường sợ và né tránh những người có tánh tình hung dữ. Trước đây, tại nơi tôi làm việc, có một người hay dùng suy nghĩ sắc sảo, tinh ranh của mình làm chia rẽ mọi người trong một tập thể. Thấy tầm nguy hiểm của người này, tôi gồng mình đến gần, quan tâm chia sẻ chuyện gia đình, năng hỏi thăm sức khỏe và không từ chối bất cứ điều gì; hy vọng cảm hóa và cô lập được cái ác trong một con người. Nào ngờ, một lần tôi sơ sót, thế là tôi lãnh chịu cơn giận dữ của người phụ nữ thâm độc này. Tôi bực dọc vì thấy mình thất bại và việc làm bị phản tác dụng; sau cùng, tôi dùng kinh Mân Côi, cầu nguyện cho con người đáng sợ này. Ít lâu sau, tôi thắng cuộc, ảnh hưởng xấu của người này giảm hẳn. Tôi nhận ra rằng, cách chay tịnh bằng kinh Mân Côi thắng được quỉ dữ, dù rằng rất hồi hộp, dễ bị tổn thương.
Tôi hay “check” tin tức vào buổi sáng. Để thỏa mãn “sự hiểu biết” hay tánh “tò mò” tôi cần phải bỏ ra cả ngày thì mới đọc hết những gì muốn biết. Nhưng không, “thời gian sống” Chúa ban cho một ngày thật quý báu, tôi không thể sống mãi trên đời để đón nhận những điều “vô bổ”; tôi lựa chọn và chỉ đọc những gì tôi có thể “biến hóa” thành “sản phẩm mới” lợi ích cho người anh em quanh mình hay ở nơi khác, từ công việc sáng tạo của mình. Tôi quyết định “delete” những cái ‘hấp dẫn” mà không bổ ích trong sự ham thích của mình. Tôi nghĩ, đó là một cách chay tịnh tri thức.
Cuối ngày ăn chay, tôi thường bủn rủn tay chân và “thầm mong” cho ngày chay chóng qua. Bị bủn rủn tay chân thì người ta nhìn thấy nhưng thầm mong ngày chay qua mau thì chẳng ai biết. Tôi nghiệm ra rằng, có những việc làm, tội lỗi của mình không ai biết nhưng Chúa biết. Mà thường Chúa biết thì bản thân ta không lo sợ cho bằng nơm nớp bị người đời biết, nên tốt hơn hết, khi làm việc gì nếu lương tâm lên tiếng, mà lòng cứ muốn chống lại để xuôi theo khát vọng xấu, thì cần nghĩ ngay đến CÁI CHẾT. Không bao lâu tôi sẽ chết, ngoài bộ áo liệm và cỗ quan tài, tôi có mang theo được gì đâu mà bon chen, nếu có được khen tặng (từ việc làm xấu), thì có nghĩa gì đâu khi đã chết.
Chắc là có 1001 cách ăn chay? Sau cùng, tiền bạc và quyền hành là những thứ cám dỗ “mê hồn”, ai thoát được hai thứ ấy đã có thể “nên thánh”, nhưng hãnh tiến về sự mạnh mẽ của bản thân đối với hai thứ ấy, nghĩa là tự phụ về thành quả đạo đức của mình thì có lẽ việc chay tịnh đành…bó tay, có đúng không?
Trên đây là một số suy tư có thể giúp con người của tôi bình tâm lại, sống theo lời Chúa. Mong được học hỏi thêm những cách chay tịnh trong cuộc đời để bước từng bước nên hoàn thiện, từ con người mỏng giòn, tro bụi của mình.
Trước hết, phải nói rằng, đối với tôi, tiền lương hàng tháng lãnh của Nhà Nước được “ổn định” vào từng chuyên mục “điện, nước, internet, gas, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối” cả rồi, chỉ có tiền “viết lách” là tôi được “ăn tiệm” thoải mái, vì thế ăn chay hôm nay là đúng việc của người Kitô hữu nhưng tôi còn đề ra THÊM CHO MÌNH NHỮNG CÁCH CHAY TỊNH KHÁC trong mùa chay này.
Buổi sáng thức dậy, tôi đọc kinh mà lòng còn thấy vui vui vì bữa tiệc “8 tháng 3” của ngày hôm qua. Tôi cố gắng sốt sắng, một sự chay tịnh đầu tiên khi điều chỉnh sự tự do của mình!
Kế tiếp, tôi lập công đức bằng cách cầm điện thoại, gọi cho một “con nợ” và nói rõ rằng người này không cần phải trả tôi món tiền còn nợ. (Thế là tôi yên lòng, không phải bớt tiền quà sáng mà “cho người nghèo” đúng ý nghĩa của ngày ăn chay. Mà quà sáng của tôi có gì đâu: một ly cà phê và vài cái bánh ngọt, bớt ra làm sao được!)
Thật ra, có một Đức Giám mục nói với tôi rằng: “Con ĐỪNG LÀM CHO AI THẤT VỌNG khi họ đến với mình!”. Tôi đã áp dụng điều này cho bất cứ ai chạy đến nhờ vả, dù ít dù nhiều, vì thế tôi đã cho người bạn mượn số tiền trong lúc túng bấn mà nếu người ấy không trả, tôi cũng không ảnh hưởng gì! Tôi nghĩ đó là cách chay tịnh theo thời điểm.
Một lần, tôi đang đứng trong một tiệm sách Công giáo, một người đến gần, nói với tôi chỉ một câu mà lòng tôi đau nhói, ra về, tôi ăn ngủ ray rứt đến ba ngày, đã mấy lần tôi định nhấc diện thoại gọi cho người này để trả đũa bằng những lời cay cú (vì ai cũng có khả năng nói những lời làm người khác đau đớn!) nhưng tôi kính sợ Chúa, không dám làm điều đó, chỉ rên rỉ rằng: “Chúa ơi, sao người này lại thốt ra những lời ấy? Xin Người xem xét mà sửa dạy!”. Đối với tôi, đây là sự chay tịnh trong đời thường.
Bình thường, tôi thường sợ và né tránh những người có tánh tình hung dữ. Trước đây, tại nơi tôi làm việc, có một người hay dùng suy nghĩ sắc sảo, tinh ranh của mình làm chia rẽ mọi người trong một tập thể. Thấy tầm nguy hiểm của người này, tôi gồng mình đến gần, quan tâm chia sẻ chuyện gia đình, năng hỏi thăm sức khỏe và không từ chối bất cứ điều gì; hy vọng cảm hóa và cô lập được cái ác trong một con người. Nào ngờ, một lần tôi sơ sót, thế là tôi lãnh chịu cơn giận dữ của người phụ nữ thâm độc này. Tôi bực dọc vì thấy mình thất bại và việc làm bị phản tác dụng; sau cùng, tôi dùng kinh Mân Côi, cầu nguyện cho con người đáng sợ này. Ít lâu sau, tôi thắng cuộc, ảnh hưởng xấu của người này giảm hẳn. Tôi nhận ra rằng, cách chay tịnh bằng kinh Mân Côi thắng được quỉ dữ, dù rằng rất hồi hộp, dễ bị tổn thương.
Tôi hay “check” tin tức vào buổi sáng. Để thỏa mãn “sự hiểu biết” hay tánh “tò mò” tôi cần phải bỏ ra cả ngày thì mới đọc hết những gì muốn biết. Nhưng không, “thời gian sống” Chúa ban cho một ngày thật quý báu, tôi không thể sống mãi trên đời để đón nhận những điều “vô bổ”; tôi lựa chọn và chỉ đọc những gì tôi có thể “biến hóa” thành “sản phẩm mới” lợi ích cho người anh em quanh mình hay ở nơi khác, từ công việc sáng tạo của mình. Tôi quyết định “delete” những cái ‘hấp dẫn” mà không bổ ích trong sự ham thích của mình. Tôi nghĩ, đó là một cách chay tịnh tri thức.
Cuối ngày ăn chay, tôi thường bủn rủn tay chân và “thầm mong” cho ngày chay chóng qua. Bị bủn rủn tay chân thì người ta nhìn thấy nhưng thầm mong ngày chay qua mau thì chẳng ai biết. Tôi nghiệm ra rằng, có những việc làm, tội lỗi của mình không ai biết nhưng Chúa biết. Mà thường Chúa biết thì bản thân ta không lo sợ cho bằng nơm nớp bị người đời biết, nên tốt hơn hết, khi làm việc gì nếu lương tâm lên tiếng, mà lòng cứ muốn chống lại để xuôi theo khát vọng xấu, thì cần nghĩ ngay đến CÁI CHẾT. Không bao lâu tôi sẽ chết, ngoài bộ áo liệm và cỗ quan tài, tôi có mang theo được gì đâu mà bon chen, nếu có được khen tặng (từ việc làm xấu), thì có nghĩa gì đâu khi đã chết.
Chắc là có 1001 cách ăn chay? Sau cùng, tiền bạc và quyền hành là những thứ cám dỗ “mê hồn”, ai thoát được hai thứ ấy đã có thể “nên thánh”, nhưng hãnh tiến về sự mạnh mẽ của bản thân đối với hai thứ ấy, nghĩa là tự phụ về thành quả đạo đức của mình thì có lẽ việc chay tịnh đành…bó tay, có đúng không?
Trên đây là một số suy tư có thể giúp con người của tôi bình tâm lại, sống theo lời Chúa. Mong được học hỏi thêm những cách chay tịnh trong cuộc đời để bước từng bước nên hoàn thiện, từ con người mỏng giòn, tro bụi của mình.