Trong tuần trước người viết ghi vội về cuộc viếng thăm quốc gia chính thức đầu tiên của một vị Giáo Hoàng tại Vương Quốc Anh đả cách đây từ 476 năm với tựa đề: Đức Giáo Hoàng: Người khách nơi xứ lạ.

Sự ngăn cách giáo hội đã gần 500 năm làm cho người đứng đầu Giáo Hội công giáo thật lạ lẫm khi đặt chân trên vùng đất đảo này, cộng thêm bao nhiêu tuyên truyền chống đối trên các trang mạng cho đến báo chí, truyền thanh, truyền hình. Cá cược cho chuyến đi của ĐGH Bênêđictô XVI, ai hiểu biết tình hình tôn giáo và xã hội tại Vương quốc Anh trước đây vài ngày có thể nhìn thấy thất bại là lẽ đương nhiên. Chính ngay từ Tòa Thánh cũng tò ra dè dặt và âu lo cho ĐGH về hiệu lực tích cực đạt đến cho chuyến đi. Theo cách nói của Anh là ĐGH Bênêđictô tự đi vào hang hùm ("Lion's den"): dữ nhiều lành ít trong một xã hội tục hóa mạnh nhất tại Âu Châu.

Nhà bình luận Tony Page đặt câu hỏi: Làm thế nào để người Anh xem chuyến thăm quốc gia của Giáo hoàng Bênêđictô XVI là một sự kiện? Tác giả này hiển nhiên phủ nhận. Ông ta nói rằng: „Không phải vì tôi chống Công giáo, tôi không chống đức tin của người theo đạo. Tôi nghĩ rằng lý do trong sự mâu thuẫn của tôi đã được minh định rõ ràng rằng Giáo hoàng này đã không gây ấn tượng cho tôi nhiều bằng Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có.“ Sự hoài nghi, thậm chí từ chối của đa số dân chúng Anh được dựa trên cơ sở của một xã hội tục hóa trầm trọng và qua nhiều vụ bê bối lạm tình dục tại Ái nhĩ Lan và Anh quốc mà giáo hội nơi đây đang phải gánh chịu nặng nề.

Người Anh thay đổi cách nhìn về ĐGH Bênêđictô XVI

Đối với ông Page, khi nghĩ đến Giáo hoàng Gioan Phaolô II liền xuất hiện hình ảnh không bao giờ được quên được khi ngài bước xuống máy bay và khiêm nhường cúi hôn đất tại phi trường Gatwick. Một tác dụng gây thiện cảm rất lớn và thu gọn các trái tim của người theo dõi. Còn Giáo hoàng Bênêđictô XVI là một sự phản diện đối ngược về cá tính: dụt dè, mỏng manh. Thêm vào đó báo chí Anh sẵn sàng khêu gợi lại quá khứ của một thanh niên Hitler lúc cậu bé Josef Ratzinger còn là một thiếu niên và bắt buộc phải tham gia từ lúc 14 tuổi, chỉ riêng việc này Giáo hoàng Bênêđictô XVI rất khó chiếm đoạt được tình cảm của người Anh. Nhà bình luận Tony Page lại nhắc đến điều ấy một lần nữa và từ tiềm thức ông Page muốn nhìn vào ĐGH từng cử chỉ, bước đi, câu nói để bắt lỗi ngài. Người công giáo Anh cũng lo ngại không kém cho những chống đối, biểu tình và tẩy chay cuộc viếng thăm quốc gia vì người Anh cho rằng chính phủ tiêu xài 12 triệu Anh kim tiền thuế của họ một cách vô lối. Như được đổ dầu vào lửa trước cuộc viếng thăm của ĐGH khi lời nhận định gây tranh cãi của ĐHY Walter Kasper về "chủ nghĩa vô thần mới hung hăng" tại Anh quốc như là trong một thế giới thứ ba: "Anh quốc bây giờ là một đất nước đa nguyên thế tục. Nếu bạn đặt chân xuống sân bay Heathrow, đôi khi bạn nghĩ rằng bạn đã hạ cánh đến một nước thế giới thứ ba." Nhật báo Daily Mail dựa vào đó cho chạy hàng tít lớn chào đón ĐGH Bênêđictô XVI: "Chào mừng đến nơi thế giới thứ ba". Điều này càng gây tác động tiêu cực nhanh chóng trên dân Anh, người ta ước tính đến 80% dân chúng phản đối cuộc viếng thăm lịch sử này.

Nhưng, chỉ trong 4 ngày một cuộc diện, não trạng và cách nhìn về Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã dần dần thay đổi nơi Vương quốc Anh: những lời xin lỗi chân thành đến với các nạn nhân bị lạm dụng tình dụng, người khách từ Vatican cho rằng đó là một tội phạm và rất là đau buồn. Những nụ hôn yêu thương trên trán cho các cháu bé đánh động người Anh. Vòng tay chào đón tình anh em với Tổng giám mục Rowan Williams, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo đượm thắm tình đại kết. Tưởng nhớ đến các nạn nhân của các cuộc oanh tạc của Hitler trên phần đất Anh và tôn vinh sức đề kháng chống lại Đức quốc xã.

Về mục vụ, một điều quan trọng cho chuyến tông du đến Anh quốc của ĐGH luôn nhắc nhở người Anh về nền tảng tốt đẹp của tôn giáo luôn được xây dựng trên sự bình đẳng và tự do. Xã hội tục hóa tại đây đang cố tình quyên đi điều thiết yếu căn bản này.

Giới truyền thông Anh nhìn ĐGH Bênêđictô XVI bằng nhãn quang mới

Thật ngạc nhiên - cả cho Toà Thánh Vatican, cũng giống như nhà bình luận Page, xã hội tục hóa Anh lại chú tâm theo dõi - người tin cũng như không tin - lắng nghe những lời của vị khách bất đắc dĩ này. ĐGH mang đến đất đảo này một thông điệp mà chưa từng ai đủ can đảm dám nhắc đến. Rồi giới truyền thông báo chí truyền hình đều đưa tin trực tiếp liên tục trong 4 ngày. Một sự tương phản trái ngược, trước đây giới truyền thông tuyên truyền từ chối cuộc viếng thăm mạnh mẽ thì giờ đây họ cũng tuyên truyền những thông điệp của vị khách nơi xứ lạ cùng một cường độ giống nhau, không hơn không kém, cho dù nắng hoặc mưa, ngày cũng như đêm. Lúc ấy những gì tích cực đang diễn ra với ĐGH tại đất Anh thực sự không thể tốt hơn được.

Tiếp theo đó, những phản ứng xoay chiều nhanh chóng đến từ giới truyền thông, thay vì danh gọi nhục mạ vị khách "Rottweiler", một loại chó săn hung dữ do tờ báo "Sunday Times" đưa tin ngày trước, thì bây giờ cũng chính tờ báo ấy cung kính ("Rottweiler? No, he's a holy grandfather"): „Rottweiler ư? Không, Ngài là một vị Thánh (ông nội-ngoại)“. Báo "Sunday Telegraph" tiếp tục xua đuổi huyền thoại xấu về chó dữ Rottweiler, bằng cách miêu tả lòng tin tốt lành của giáo dân Anh: „Một biển người đầy cảm xúc và tưng bừng mừng lễ hội công giáo với ĐGH“. Báo ra ngày Chúa nhật "News of the World" - tờ báo luôn chơi chữ, dịp này tôn vinh ĐGH gần như hết mực: "Bene's from heaven" – Bênêđêttô đến từ trời“. Báo "Daily Mirror" dành trọn trang nhất chỉ để viết hai chữ „POPE IDOL“ tôn vinh thần tượng Giáo Hoàng khi ngài hôn trán một em bé.

Quá kinh ngạc cho mọi người, một cụ già 83 tuổi đã làm nên những việc kỳ diệu nơi Vương quốc Anh: trước đây vài ngày phải làm vị khách lạ, người khách đa số dân chúng không muốn tiếp rước vào nhà, giờ đã đây đã trở thành một người quen thân thiện như chưa từng bị phân ly 476 năm nơi vùng đất đảo này. Điều quan trọng vị khách ấy, ĐGH Bênêđictô XVI đang mang lại niềm tin cho người Công giáo và Anh giáo, đưa họ trở về cội nguồn Kitô giáo.

ĐGH Bênêđictô XVI đặt trụ hải đăng cho đất đảo Anh

Với Chân Phước Hồng Y John Henry Newman, vị đã được cân nhắc lên bậc Á Thánh ngày Chúa nhật, 19.9.2010 tại Birmingham, ĐGH đã để lại một mẫu gương sáng ngời cho Anh quốc: một người thày tuyệt vời của lòng tin, một nhà giảng thuyết, một tác giả thần học, một mục tử, một nhà thơ, một người trí thức uyên thâm bao giờ cũng rõ ràng giữa đức tin và lý trí, giữa sự mặc khải và kiến thức, và Chân Phước Hồng Y Newman lúc nào cũng đặt lương tâm vào trong vai trò trung tâm chủ yếu của cuộc đời.

„Nói từ trái tim đến trái tim“ (Heart speaks unto Heart), khẩu hiệu của Chân Phước Newman khi Ngài trở thành hồng y, cũng là phương châm cho chuyến đi lịch sử đến Vương quốc Anh của người kế vị Thánh Tông Đồ Phêrô, GH Bênêđictô XVI. Công việc của người kế vị của Tông Đồ Simon Phêrô là trở thành: một kẻ chài lưới người, cụ thể nhất Ngài cố gắng tung lưới ra khơi tại Vương quốc Anh vài ngày qua.

Trước khi trở về Tòa Thánh Vatican, ĐGH đã đặt nền tảng vững chắc một ngọn hải đăng Chân Phước Newman, tỏa sáng chiếu soi cho người dân cư trên đảo Anh quốc này để họ có thể tìm phương hướng cặp bến bờ bình an.

Thay lời kết, nhà bình luận Tony Page tự hỏi có phải ông ta đang thay đổi chính mình chăng, chỉ trong 4 ngày vừa qua lúc dõi theo cuộc hành trình của ĐGH Bênêđictô XVI trên nước Anh, ông ta tự nhủ: „Tôi có khoan dung hơn chăng? Trong tương lai, tôi sẽ không tin tưởng mù quáng vào những gì tôi đọc trên các phương tiện truyền thông cho là nổi bật mà tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các sự kiện trước khi tôi viết thành bình luận của tôi.“

Một thế giới sẽ đẹp hơn qua lời nhận định chân thành cuối cùng của ông Page: „Có lẽ xã hội chúng ta (Anh quốc) cần một nhân vật như ĐGH Bênêđictô XVI để chỉ chúng ta thấy rõ những gì đang thay đổi giá trị trong cuộc sống chúng ta!“

Nếu đúng như thế, sứ mạng mục vụ tại Vương quốc Anh của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đạt được một thành quả tốt đẹp không ngờ tới: Người đến, người chinh phục và người ra đi.