NHÂN CÁCH NGƯỜI TÍN HỮU

Trong Tin Mừng của thánh Luca (Lc 12, 32-48), Chúa Giêsu đã phân tích về một mối tương quan giữa người chủ và người đầy tớ. Hai khía cạnh trong nhân cách của hai người đầy tớ được nêu bật lên trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể và chúng ta nhận ra hai hình ảnh tương phản nhau:

- Thứ nhất là hình ảnh của người đầy tớ bất trung đã nghĩ rằng “Chủ tôi về muộn” cho nên người đầy tớ đánh đập người này, chửi mắng người kia và làm theo ý riêng của mình trong khi người đầy tớ chỉ có một chút quyền được ông chủ trao phó cho là trông coi tài sản khi ông chủ vắng nhà.

Hình ảnh về người đầy tớ bất trung rất đúng với những gì chúng ta quan sát thấy trong đời sống tự nhiên. Người ta thích quyền hành và những người có quyền thích hành quyền trên những người thuộc quyền mình. Người đầy tớ vốn là cấp thấp, nhưng khi được ông chủ trao quyền thì cũng tìm cớ hành quyền trên những người bé hơn mình một chút. Và đó chính là cách thức để cho thấy tư cách của những người đầy tớ bất trung là thích quyền hành và thích hưởng thụ. Số phận của người đầy tớ bất trung này là số phận của những người bị phạt. Mức độ phạt của những người này, tùy theo ý thức của họ, người nào đã biết ý chủ mà còn cố tình làm ngược lại thì sẽ bị đòn nặng hơn, còn những người nào không biết ý chủ mà làm thì sẽ được giảm nhẹ.

- Thứ hai là hình ảnh người đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Ông chủ vẫn luôn là người công bằng, ngay cả trong những gì người đầy tớ bất trung kia phản lại ông. Với những người đầy tớ thực sự biết sự công bằng thì chúng ta thấy đức bác ái còn được cho thêm từ nơi ông chủ đến với người đầy tớ trung thành đó. Lúc ông chủ đi vắng, người đầy tớ trung thành và khôn ngoan đã làm tất cả những gì ông chủ trao phó và người chủ khi trở về càng khuya thì công của người đầy tớ càng lớn. Chúng ta thấy, ông chủ không những trả sự công bằng xứng đáng cho người đầy tớ trung tín mà cả đức bác ái rộng rãi nữa. Đó là ông chủ sẽ đặt người đầy tớ trung tín và khôn ngoan này làm quản lý trông coi tất cả gia sản của mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy người đầy tớ trung tín hay người đầy tớ bất trung là thân phận mỗi người chúng ta. Đối với ông chủ là Thiên Chúa, vừa công bằng vừa bác ái và đối xử một cách công minh thì số phận của chúng ta không tùy thuộc vào ý riêng của ông chủ mà tùy thuộc ở cách sống của chúng ta. Nếu sống bất trung thì chúng ta bị phạt và nếu sống trung tín thì chúng ta được thưởng và thưởng một cách đầy lòng nhân ái. Như vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải tự xét lại thái độ đối với ông chủ. Không phải xét thái độ của ông chủ đối với mình. Bởi vì cho dù là nửa đêm hay là càng khuya thì ông chủ càng biết rõ công trạng của những người trung tín và ngay cả những người bất trung thì ông chủ càng phân biệt được những người biết ý ông chủ hay không biết ý của ông chủ nữa kia. Vì vậy, trong đời sống đức tin của chúng ta, không ai phải lo lắng sợ rằng “Ông chủ không biết đến những hành vi của tôi”, “Ông chủ đã hiểu lầm tôi”, “Ông chủ đã nghe người này nghe người kia”... Tất cả những điều đó diễn ra trong xã hội loài người, còn đối với Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự thì không ai phải xét về phía ông chủ, chỉ phải xét mình mà thôi.

Giờ đây chúng ta áp dụng trong gia đình của chúng ta. Chúng ta thấy có biết bao nhiêu những gia đình được sống trong hạnh phúc nhưng cũng không thiếu những gia đình sống trong bất hạnh vì hiểu lầm, vì đau khổ. Phải chăng đó là những khía cạnh để Thiên Chúa thử lòng tin của chúng ta. Thiên Chúa có thể gửi đến cho chúng ta những người bạn, những người sống quanh ta mà Chúa Giêsu đã từng chỉ và nói “Đây là anh chị em của Ta, là mẹ của Ta” (Mt 12, 49-50), bởi vì họ là những người giúp đỡ, yêu mến, cảm thông, đồng hành với chúng ta. Nhưng đôi khi Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta những người không hiểu tấm lòng của chúng ta, những người kết án, những người lăng nhục. Phải chăng, cũng như là đêm tối, càng về khuya thì càng làm nổi bật đức trung tín của người đầy tớ tín trung trong Tin Mừng. Bởi vì nếu như ông chủ về ban tối, có khi là người đầy tớ trung tín và người đầy tớ bất trung cũng không khác gì nhau vì họ còn đang thức. Nhưng chính vì ông chủ về khuya cho nên đức trung tín của người đầy tớ khôn ngoan và tín trung kia được nổi bật, còn người đánh đập những người khác thỏa sức theo ý riêng của mình trong vai của người đầy tớ bất trung kia mới càng được thể hiện lên. Vì thế, khi đêm tối xuống, ánh sáng càng nổi bật. Chính trong đau khổ thử thách ấy mà người ta nhận ra đức tin của những người có tín thác vào Chúa hay không.

Tổ phụ Abraham mà chúng ta được nghe trong Sách Thánh (St 17, 15-22) là chính hình ảnh “Cha của các kẻ tin”. Bởi vì già nua tuổi tác ông vẫn tin vào lời hứa của Thiên Chúa cho ông sinh con. Chúng ta biết, Abraham khi được Thiên Chúa kêu gọi liền rời bỏ miền Mezopotamia trù phú với quê hương họ hàng thân thiết yêu thương, chỉ một mình ra đi cùng với Sara cũng đã già nua tuổi tác gần trăm tuổi. Vậy mà Chúa vẫn hứa cho ông “Dòng dõi ông đông như sao trên trời và cát bãi biển”. Đến nỗi khi sứ thần Chúa đến báo tin rằng “Giờ này sang năm, bà nhà sẽ sinh cho ông một người con trai”. Chính Sara còn cười, cái cười ngạc nhiên và khó tin, bởi vì “Ông nhà tôi đã già và tôi cũng đã lão”. Vậy mà đứa con của lời hứa Isaac đã ra đời, chứ không phải Ismael, là người con của Haga là nữ tì mà Sara không đủ lòng tin và hy vọng nên đã dâng người tì thiếp ấy cho Abraham để lấy tên người con kế thừa đó. Nhưng Thiên Chúa phán: “Đứa con của lời hứa phải là con của Sara chứ không phải người con của tì thiếp”. Vì vậy, có thể nói Abraham đã vững tin ngay cả khi ông già nua tuổi tác. Chính ở điểm này, cho chúng ta thấy được rằng, đức tin làm nên những gì mà chúng ta gọi là tín trung, bởi vì có chữ “tin” ở trong “trung tín”. Người đầy tớ trung tín bởi chữ “tín” ở trong “tín trung”. Còn khi người đầy tớ bất trung thì người ta đánh mất chữ “tín” ở trong “trung tín”. Vì vậy người tín hữu chính là người có đức tin và đức tin ấy làm nên nhân cách cho người tín hữu, nhân cách của người đầy tớ trung tín, nhân cách của những người dám xuyên qua bóng tối, vượt trên bóng tối để chờ đợi ông chủ là ánh sáng sẽ đưa ra tất cả mọi sự thật.

Mỗi người chúng ta hôm nay nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Ai được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều”. Là những người được lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ bị đòi nhiều hơn những người khác. Chúng ta đừng sợ sự đòi nhiều đó. Thiên Chúa cho nhiều, Thiên Chúa đòi nhiều, rồi Thiên Chúa lại cho nhiều. Người nào càng cho đi nhiều thì “hiến thân càng được nhận lãnh, quên mình gặp lại bản thân”. Thiên Chúa đòi chúng ta như vậy là để chúng ta đến với Ngài ngày một nhiều hơn, ngày một tín trung hơn. Cho nên chúng ta nhắc nhau, trong chính cuộc sống của chúng ta đây, hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa đòi ta nhiều, ta sẽ dâng cho Chúa nhiều, ngày nào ta cũng tín thác cậy trông vào Chúa, ngày nào ta cũng kêu cầu danh Chúa và ngày nào ta cũng thắp lên một niềm hy vọng và ánh sáng của Chúa sẽ xóa đi bóng đêm của gia đình và bóng đêm của cô đơn, bóng đêm của những thách đố.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Người tín hữu chúng con hôm nay được hạnh phúc
vì Chúa đã đặt chúng con
là người trông coi gia tài của Chúa.
Trong vũ trụ mênh mông tràn đầy ánh sáng và bóng tối này.
Chúng con tín thác ở nơi Chúa
Xin Chúa làm cho ánh sáng chiến thắng trên bóng đêm
để cho chúng con đi từ tình trạng người tôi tớ
trở thành người quản lý gia tài của Chúa,
để cho chúng con đi từ tình trạng nô lệ
trở nên con cái của Cha trên trời,
để cho chúng con đi từ tình trạng tôi tớ
trở nên bạn hữu với Chúa
vì “Những gì Thầy biết từ nơi Cha,
Thầy sẽ tỏ cho các con vì Thầy gọi các con là bạn hữu” (Ga 15,15).
Ước gì những danh hiệu
là bạn hữu, là nghĩa tử, là quản lý trung tín
sẽ là những tiền đề cho chúng con
đạt tới hạnh phúc đời này
và trên hết là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Amen.


Linh mục Phêrô Hồng Phúc