LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA, Năm C

Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được mừng vào Thứ Sáu sau Chúa Nhật kính Mình và Máu Thánh Chúa. Thánh Lễ hôm nay là dịp để chúng ta suy niệm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại và mỗi người chúng ta. Bài đọc I (Egiêkiel 34:11-16): Thiên Chúa luôn chăm sóc chúng ta như đàn chiên yêu thương của Ngài, dẫn đưa chúng ta trên mọi nẻo đường, và tìm kiếm các con chiên xa lạc để đưa về đàn chiên. Bài đọc II (Rôma 5:5-11): Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu vô biên của Ngài đối với chúng ta là đã sai Con Một của Ngài xuống trần và chịu nạn chịu chết để chuộc tội chúng ta. Bài Phúc Âm (Luca 15:3-7): Thiên Chúa yêu thương chúng ta, dù khi chúng ta yếu đuối sa ngã phạm tội, Ngài vẫn yêu thương và vui mừng khi chúng ta ăn năn hối cải và trở về với Chúa.



Theo truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, tháng Sáu là tháng đặc biệt kính Thánh Tâm Chúa, ngày Thứ Sáu đầu tháng cũng đặc biệt dâng kính Thánh Tâm Chúa. Nhiều vị thánh, nhất là Thánh Gioan Eudes (1610-1680, lễ kính ngày 19 tháng 8) và Thánh Margaret Mary Alacoque (1647-1690, lễ kính ngày 16 tháng 10) đã hăng hái cổ động lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa. Ngoài ra Dòng Thánh Tâm và Hội Liên Minh Thánh Tâm cũng giúp nhiều vào việc cổ động sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa ở khắp nơi. Nhiều gia đình có tượng hoặc ảnh kính Thánh Tâm Chúa.

Trái tim thường được coi là “trụ sở của Tình Yêu”. Chúng ta tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, để nhớ đến tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với mỗi người chúng ta. Lòng Thương xót của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta đã được biểu lộ qua việc Tạo Dựng và Cứu Chuộc. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã Tạo Dựng nên con người theo hình ảnh Chúa và cho làm chủ mọi loài trong vũ trụ (Khởi Nguyên 1:26-30). Cũng vì Tình yêu mà khi con người sa ngã phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa, Ngài đã sai chính Con Một xuống trần để Cứu Chuộc tội lỗi chúng ta. Chúa Giêsu Kitô khi xuống trần, Ngài đã sống cuộc đời lao động, khó nghèo để chia sẽ thân phận con người chúng ta, rao giảng Tin Mừng Tình thương tha thứ, chịu mọi đau khổ và chịu chết đau đớn trên Thánh Giá. Lưỡi đòng đâm thấu qua trái tim Chúa, nước và máu chảy ra hết, đã tỏ lộ rõ ràng tình yêu vô tận của Ngài đối với nhân loại chúng ta. Thánh Gioan còn nêu lên một điểm đặc biệt khác của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đó là “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta dường nào, đến nổi chúng ta được gọi là Con Thiên Chúa…” (1 Gioan 3:1).

Suy ngắm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, chúng ta mới hiểu được định nghĩa của Thánh Gioan “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Gioan 4:8) và Thánh Gioan còn viết một cách cụ thể hơn: “Tình yêu của Thiên Chúa cốt yếu ở điều này là: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và sai Con của người đến để làm Của Lễ đền tội chúng ta”. (1 Gioan 4:10). Thánh Phaolô cũng viết trong thơ gửi tín hữu Roma (5:8, trong Bài Đọc II): “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.”

Tình yêu Chúa còn đặc biệt biểu lộ qua việc Ngài thương xót những kẻ tội lỗi “Ta đến không phải để tìm người công chính, nhưng để tìm kiếm người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Luca 5:32). Chúa Giêsu đã nói đến tình yêu đó qua nhiều Dụ Ngôn, như Dụ Ngôn “Đồng Tiền Bị Đánh Mất” (Luca 15:8-10) “Người Cha Nhân Hậu” (Luca 15:11-32), Dụ Ngôn “Con Chiên Lạc” (Luca 15:4-7; Bài Phúc Âm hôm nay). Trong Dụ Ngôn “Con Chiên Lạc”, Chúa Giêsu nhấn mạnh: Thiên Chúa vui mừng vì một kẻ tội lỗi ăn năn hối cải hơn chín mươi chín người công chính không cần hối cải”.

Suy ngắm tình yêu Chúa, chẳng những giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa mà còn giúp chúng ta thêm lòng yêu thương tha thứ cho nhau. Thánh Gioan viết: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau… Như Chúa đã tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau….” (1 Gioan 4:11-21). Hơn nữa Chúa Giêsu còn bảo chúng ta: “ Hãy Yêu thương và tha thứ cho cả những người thù ghét chúng ta, bách hại chúng ta…” (Matthêu 5:43-48). Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta “Đừng lấy ác báo ác…Đừng để sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Roma 12:17-21). Yêu thương tha thứ thật lòng là cách tốt nhất để xây dựng hoà bình trong gia đình (giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái) và xây dựng hoà bình trên thế giới; vì “dĩ đức báo oán…” là cách tốt nhất để xóa bỏ hận thù và xây dựng hoà bình.

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tình yêu Chúa luôn tràn ngập trong lòng chúng ta, gia đình chúng ta, thế giới chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta biết “xoá bỏ hận thù” và luôn cố gắng đem lại “an vui, hoà bình và thân hữu” ở những môi trường sống hàng ngày của chúng ta.