Vào một ngày trong tuần bát nhật, tôi đi theo mẹ của bé gái bị phỏng đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1, về vùng sâu Long An, mà nhiều ngày qua báo chí ở Sài Gòn đã đề cập đến vì nguyên nhân khiến em trở thành bệnh nhân chưa được xác định.

Câu chuyện được báo chí tóm tắt thế này: “Bé gái cố vùng thoát ra khỏi đống rơm đang cháy là Ngô Thị Bé Hiệp, sinh năm 1997, con anh Ngô Văn Tâm và chị Võ Thị Cúc

Anh Tâm kể lại, lúc 13 giờ ngày 22-3, anh đang cắt lúa mướn trên đồng thì nhìn thấy một hình hài bé xíu, quần áo cháy đen cố sức bò ra khỏi đống rơm đáng cháy phừng phực giữa ánh nắng chói chang của mùa khô. Thấy vậy, anh chạy tới để giúp thì nghe tiếng con gái mình, thốt ra thật yếu ớt: “Ba ơi, cứu con”. Anh chết lặng người, muốn gọi con mà miệng thốt không nên lời.

Bé Hiệp cho biết gặp ông H. (người hàng xóm) đang đốt đồng gọi lại và có những cử chỉ không bình thường. Vì Hiệp chống cự, kêu la, ông H. bắt Hiệp ném vào đống rơm đang cháy, rồi bỏ đi.”


Cái tên địa danh ấp Võ Văn Be, xã Vĩnh Bửu huyện Tân Hưng, tỉnh Long An khiến tôi nghĩ rằng, nơi này không xa thành phố bao nhiêu, lại đi buổi sáng về buổi chiều nên tôi chẳng chuẩn bị gì. Nào ngờ, để đến địa danh này, cái xe bốn chỗ ngồi ấy đưa chúng tôi đến thẳng tỉnh Tiền Giang. Đến ngã ba An Cư, chúng tôi đi vào thị trấn Mỹ An. Rồi xe lọt vào con đường giữa lòng huyện Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp – con đường đẹp thơ mộng vì hai bên cây cối xanh mượt, được người ta tỉa tót cẩn thận. Tài xế bị bắn tốc độ buồn rười rượi mà tôi vẫn thấy cảnh Đồng Tháp Mười đẹp ghê!

Xem hình

Sau khi đi ngang khu di tích Gò Tháp, đến một cái chợ, chúng tôi phải lên ghe để đi vào trong. Trên chiếc vỏ lãi (ghe có gắn máy) màu xanh, sáu người ngồi đã có vẻ nặng nề, mẹ của bé Hiệp còn mang về bao quần áo, bánh trái và sữa hộp mà những người có lòng bác ái gửi tặng tại bệnh viện, làm chiếc ghe tròng chành. Đi giữa lòng sông rộng, tôi cứ sợ, lòng thầm khấn xin. Thì ra cái đuôi của tỉnh Long An giáp với vùng Đồng Tháp này có con sông mà dọc hai bên bờ là những gia đình nghèo khốn nghèo khổ!

Cái vỏ lãi cứ lao đi như song hành cùng ý tưởng của tôi. Hôm nay tôi đến đây không những để thăm nhà bé gái bỗng dưng bất hạnh mà còn quan sát xem nơi này nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi có thể trải lòng được hay không. Càng vào sâu tuốt bên trong, càng thấy đồng quê trống trải. Căn nhà lá có mấy cái lu của gia đình bé Hiệp nằm chơ vơ giữa đồng, chung quanh là rải rác những căn nhà tranh vách lá khác. Bước vào bên trong, ai ăn mặc khá tươm tất là đã thấy mình lạc lõng giữa căn nhà quá tềnh toàng, đồ đạc cũ bẩn và thiếu thốn quá. Bốn đứa con của chị Cúc ôm lấy mẹ, nước chị tuôn rơi. Nhìn cảnh này, tôi tự hỏi: hơn 200 triệu đồng của độc giả các báo ở Sài Gòn đến trợ giúp có lấp đầy được nỗi đau mẹ phải xa con, con phải vắng mẹ này không?

Bà con chung quanh thấy người lạ cũng dần dần kéo đến. Tôi xúc động, nói chuyện rất thân tình, nhưng nhiều người ở đây không dám nói gì; người ta gọi bé Hiệp là “Con nhỏ bị cháy!”. Tôi thoáng nghĩ, với hoàn cảnh nghèo khổ này, bỗng dưng con chị lại gặp nạn, có phải là cái khổ tận cùng không? Lòng Thương Xót Chúa có ở với gia đình này không? Từ trong tâm thức của tôi có tiếng như vang vọng: “Lòng thương xót của cha ở nhiều nơi con ơi, nhưng chỉ do người ta bất cẩn hay độc ác mà thôi!…..”.

Nhà chị Cúc không có đủ bàn ghế cho sáu người, lại đang rối rắm mọi chuyện nên bác của bé Hiệp mời chúng tôi lên ghe sang nhà chị ăn cháo vịt. Ở vùng này, người ta còn nuôi vịt để kiếm sống. Đang ngồi chào hỏi chủ nhà, tôi giật mình khi thấy có năm người nữa từ bên hông ngôi trường tiểu học gần đó cũng đi vào, ống kính, máy quay lỉnh kỉnh. Tôi chợt hiểu khi nhìn thấy logo của một kênh truyền hình cáp. Họ đến đây quay phim và làm phóng sự, và như bức xúc muốn nói lên sự thật: bé Hiệp bị tai nạn là do bất cẩn hay do tội ác? Thật bất ngờ khi họ muốn phỏng vấn tôi. Lắc đầu quầy quậy nhưng rồi nghĩ lại, tôi cũng đồng ý. Trước ống kính, tôi chỉ than rằng sao ở nơi này nghèo quá và mong sự thật được phơi bày. Tuy nói với giọng trầm buồn, nhưng lòng tôi muốn hét lên rằng, việc xảy ra dẫu có thế nào thì Thiên Chúa vẫn xót thương con người và dẫu cho cháu bé đó có qua đi thì tình thương vẫn được thực hiện, chỉ có con mắt người trần là không nhận ra đó thôi!

Thấy số người đến đông nên chủ nhà ra ao vớt hai con cá lóc đem vào nướng; là dân thành thị, tôi rất thích cảnh này. Tôi còn hỏi thăm khi thấy nhà này nuôi hai con trăn để cải thiện kinh tế. Một con trăn nuôi từ lúc bằng ngón tay,khoảng 2, 3 năm thì chúng nặng 40 chục ký, bán được 10 triệu đồng một con (khoảng hơn 500 Usd một chút). Trăn nhỏ thì ăn chuột, trăn lớn ăn vịt. Người mua lột da trăn làm dây nịt, bóp…còn thịt chỉ bán được 1 đến 2 Usd/1 ký. Khi trăn đẻ thì phải giăng mùng kẻo kiến vào đục trứng. Ở đây người ta hay đi cắt lúa mướn, mỗi ngày kiếm được 50 ngàn đồng (khoảng 3 Usd). Tạm đủ ăn là may lắm rồi.

Ăn xong, nhóm người của đài truyền hình đi gặp thầy giáo của cháu bé; hỏi thăm chính quyền xã; gặp gỡ cả người đàn ông đốt đống rơm….còn tôi lên xe gắn máy đi vào con đường ngoằn ngoèo để thăm ông bà nội của cháu bé.

Ngoài ngõ, trong nhà vắng tanh. Tôi lại giật mình mình khi thấy cả hai ông bà đều bị mù do tuổi cao sức yếu. Đang nói chuyện bỗng ông cụ bật khóc to lên: “Trời ơi, tôi đã 98 tuổi rồi sao tôi không chết đau đớn thay cho cháu tôi..hu..hu…”. Tôi cũng chùi nước ở khóe mắt và tự hỏi: Lòng Thương Xót Chúa có cho phép hoán đổi sự sống như thế không? May quá, tôi đã tặng phong bì tiền trước khi ông bật khóc. Nếu không, việc làm của tôi có thể bị hiểu lầm. Tiền làm sao mà ngăn chặn được nước mắt!

Tôi còn đi quanh khu trường học rồi mới trở về. Cây cầu gỗ lỏng lẻo ở gần đó có độ cong nhiều mà chẳng có tay vịn làm tôi sợ, còn ngôi trường chỉ có ba phòng học: hai lớp cấp 1 và một lớp cấp 2, làm tôi không thể tưởng tượng ra các cháu học thế nào. Trường Trung học cơ sở Vĩnh Bửu của xã này ở ngay mặt tiền con sông, tôi bỗng mong tháng 8 này được trở lại đây gặp gỡ các em học sinh, rồi bọc qua ngả khác vào thăm ngôi nhà thờ trong vùng này mà hôm nay tôi không thể ghé vào được.

Cũng cái vỏ lãi màu xanh đưa tôi cùng hai cộng tác viên và mẹ bé Hiệp trở ra để về Sài Gòn. Con sông với những làn sóng vô tư, chập chờn bên mép ghe làm tôi suy nghĩ nhiều. Đầu mùa chay, khi phát quà ở Suối Quýt (Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Đồng Nai), tôi đã buồn phiền vì nhiều nhà ở đây còn nghèo quá, nay lướt trên con sông này, lòng tôi lại bị cảnh nghèo của người dân quê ám ảnh. Phải làm sao đây? Tôi thầm nghĩ, chỉ biết tin vào Lòng Thương Xót của Chúa mà thôi!

Trời đã tối từ lâu, con đường dẫn ra quốc lộ phải đi qua gần 20 cây cầu. Tôi không ngại ngần, chỉ thương cho chị Cúc, đã gầy quắt lại còn lo lắng trong lòng. Chị không biết Chúa thì làm sao chị hiểu hết được Lòng Thương Xót của Chúa, phải không?