Bài Thuyết trình của ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm tại Đại hội Giáo lý Los Angeles

WGPSG (2.4.2010) -- Đức Hồng Y Mahoney của Tổng giáo phận LA đã nhân danh mối liên kết chị em giữa hai tổng giáo phận LA và TPHCM để mời ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm sang thuyết trình tại Đại hội Giáo lý Los Angeles. Đại hội đã diễn ra từ ngày 19 đến 21-3-2010 với hơn 40.000 người tham dự. Dưới đây là Bài Thuyết trình của ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm tại Đại hội.

GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ NĂM THÁNH 2010

Hầu như năm nào Đại hội Giáo lý Los Angeles cũng mời một giám mục từ Việt Nam đến để gặp gỡ và trao đổi, cách riêng với cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Sáng kiến đó vừa nói lên mối quan tâm mục vụ của Đức Hồng Y Los Angeles với cộng đồng người Việt ở đây, vừa làm nổi bật sự liên đới giữa hai Giáo Hội Hoa Kỳ và Việt Nam trong sứ mạng phục vụ con người. Vì thế, trước hết, tôi muốn nói lên lời cảm ơn chân thành đối với Đức Hồng Y Mahoney về sáng kiến tuyệt vời này, và xin bày tỏ niềm vui được hiện diện ở đây hôm nay với anh chị em.

Nếu chỉ nhắm mục đích mời một thuyết trình viên có kiến thức uyên bác và tài diễn thuyết hấp dẫn, tôi chắc chắn rằng có rất nhiều diễn giả nổi tiếng trên đất Mỹ, hoặc là người Mỹ bản xứ, hoặc người Mỹ gốc Việt. Tuy nhiên Ban Tổ Chức đã muốn mời một giám mục từ Việt Nam đến, ắt hẳn là vì quan tâm đến sự hiệp thông gắn bó giữa cộng đồng công giáo Việt Nam tại đây với Giáo Hội tại quê nhà. Hiểu như thế, bài nói chuyện này không nên bàn đến quá nhiều về những vấn đề lý thuyết cho bằng chia sẻ những thông tin và tâm tình để anh chị em đồng cảm với Giáo Hội quê nhà. Do đó, tôi xin chia sẻ với anh chị em chút ít thông tin và suy nghĩ về Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam.

1. Tại sao lại chọn năm 2010 làm Năm Thánh?

Qua các phương tiện truyền thông, ai trong anh chị em cũng biết năm 2010 là Năm Thánh đặc biệt đối với Giáo Hội Việt Nam. Nhưng tại sao lại là năm 2010? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy thử nhìn vào đời sống của mỗi người và mỗi gia đình. Năm nào ta cũng tổ chức mừng sinh nhật cho người thân trong gia đình, tổ chức mừng kỷ niệm hôn phối nhất là trong những thời điểm đặc biệt như 25 năm hay 50 năm. Những ngày kỷ niệm đó đánh dấu một cột mốc trong đời sống của mình, và là cơ hội cho chúng ta nhìn lại quá khứ, nhìn vào hiện tại cũng như nhìn tới tương lai. Nhìn lại quá khứ để tạ ơn vì qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, ta vẫn còn tồn tại đến hôm nay. Nhìn vào hiện tại và nhìn tới tương lai để thấy những điều còn dang dở và cố gắng đi tới.

Tương tự như thế, Năm Thánh 2010 là cột mốc đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam vì năm nay gọi về những thời điểm quan trọng trong đời sống Giáo Hội: (1) 350 năm thiết lập hai địa phận tông toà Đàng Ngoài và Đàng Trong, đánh dấu bước phát triển của công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, so với trước kia là những bước chân lẻ loi của các thừa sai trên nhiều miền đất tại Việt Nam; (2) 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, phân chia thành 3 tổng giáo phận, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội tại Việt Nam, so với trước kia là các giám mục người nước ngoài.

2. Đâu là những tâm tình chính yếu trong Năm Thánh 2010?

Khi cử hành Năm Thánh 2010, Giáo Hội Việt Nam mang những tâm tình cụ thể: nhìn lại quá khứ để tạ ơn và sám hối, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và khó khăn, nhìn tới tương lai để định hướng và lên kế hoạch nhằm chu toàn sứ mạng của Giáo Hội. Câu hỏi đặt ra là: đâu là chuẩn mực để tạ ơn và sám hối (thấy điều tốt và chưa tốt), để nhận diện (thuận lợi và khó khăn), để lên kế hoạch (định hướng xây dựng và phát triển). Chính ở đây, chúng ta hiểu được lý do tại sao trong dịp Năm Thánh 2010, HĐGMVN phổ biến bản đề cương mang tựa đề GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM: Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ. Nghĩa là phải tìm lại cội nguồn, mục đích và sứ mạng của Giáo Hội trong Thánh ý Thiên Chúa, từ đó ý thức những điều cần chỉnh sửa cũng như những điều cần xây dựng.

3. Phải hiểu thế nào về Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ?

Khi nói đến Giáo Hội: mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ, có cách giải thích quen thuộc và dễ hiểu là áp dụng ba từ này cho 3 mối tương quan: mầu nhiệm là tương quan với Chúa, hiệp thông là tương quan với nhau trong nội bộ Giáo Hội, và sứ vụ là tương quan với mọi người. Đúng là dễ hiểu, nhưng thiết nghĩ cần bổ túc thêm cho rõ nghĩa. Nếu hiểu hiệp thông ở đây chỉ là tương quan với nhau, vậy phải chăng từ “hiệp thông” ở đây không liên quan gì đến Chúa? Phải chăng hiệp thông chỉ thuần tuý là tương quan hàng ngang? Nếu thế, cái gọi là hiệp thông trong Giáo Hội có khác chi với lời hô hào rất quen thuộc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”?

Chính vì thế, chúng ta cần tìm lại ý nghĩa đích thực của một từ ngữ tưởng chừng rất quen thuộc là từ hiệp thông. Khi HĐGMVN phổ biến đề cương trong Năm Thánh, nên hiểu rằng đề cương này viết về Giáo Hội. Vì thế phải có một nền giáo hội học làm nền tảng cho những suy tư được trình bày, và đó chính là giáo hội học về hiệp thông. Đây không hề là sáng tạo riêng của HĐGMVN, đúng hơn các ngài chỉ khai triển giáo huấn của Giáo Hội và áp dụng cho hoàn cảnh Việt Nam. Trong Thượng Hội Đồng GM Thế giới năm 1985, các nghị phụ đã khẳng định rằng hiệp thông (koinonia) là tư tưởng trung tâm và nền tảng của Công Đồng Vaticanô II (x. Final Statement). Đức Gioan Phaolô II đã vận dụng nền giáo hội học này vào trong những tài liệu căn bản của ngài, ví dụ các tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến (Vita consecrata), Giáo Dân (Christifideles laici), Đào Tạo Linh Mục (Pastores dabo vobis). Cụ thể nhất đối với Giáo Hội Việt Nam là tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia).

Cho nên từ ngữ then chốt ở đây là hiệp thông. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu thế nào khi sử dụng từ hiệp thông? Thiết nghĩ cách tốt nhất là trở về với nguồn Thánh Kinh, và để không làm mất nhiều thời giờ của anh chị em, tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn thư của thánh Phaolô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cor 10,16-17). Thiết nghĩ cần có ghi chú nhỏ ở đây: những từ mà ta dịch là “thông phần” hay “dự phần”, khi tìm lại bản Hi Lạp, đều là koinonia, nghĩa là hiệp thông.

Căn cứ trên bản văn Thánh Kinh này, koinonia trước hết không có ý nói đến sự hiệp thông hàng ngang trong đời sống xã hội, nhưng là hiệp thông với Thiên Chúa, với Máu Chúa, với Thân Thể Chúa, với ân huệ Thánh Thần. Sự hiệp thông với Chúa là nền tảng và điều kiện cho sự hiệp thông với nhau: “Vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”.

Khi còn là hồng y, Đức Bênêđictô XVI đã nói và viết khá nhiều về sự hiệp thông này. Ngài dùng hai từ vắn gọn và dễ hiểu để giúp ta xác định nội dung đích thực của hiệp thông trong đời sống Giáo Hội: Từ bên trên và từ bên trong. Từ trên xuống (thay vì từ dưới lên), nghĩa là hiệp thông trước hết là hồng ân Thiên Chúa ban chứ không phải do nỗ lực của con người. Trong lịch sử nhân loại, đã nhiều lần con người đề xướng xây dựng một thế giới hiệp thông (đại đồng) bằng chính nỗ lực của con người và loại trừ Thiên Chúa ra bên ngoài; thế nhưng lịch sử làm chứng rằng những nỗ lực đó chỉ đưa đến thất bại. Từ trong ra (thay vì từ ngoài vào) nghĩa là sự hiệp thông đích thực phải phát xuất từ trái tim con người. Nếu chỉ là sự hiệp thông từ bên ngoài áp đặt, có lẽ nhà tù và trại giam là những địa điểm lý tưởng của hiệp thông vì ở đó, người ta giống nhau từ cơm ăn, áo mặc đến giường nằm! Nhưng thực ra, đó không phải là hiệp thông mà chỉ là sự đồng hoá phi nhân nhất khi mỗi con người chỉ còn là một con số chứ không phải một nhân vị. Hiệp thông đích thực chỉ có thể có từ bên trong khi con người đến với nhau bằng tất cả tự do và trách nhiệm, và sự hiệp thông ấy được khơi nguồn từ sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Sự hiệp thông này còn cần được mở rộng đến tất cả mọi người, và đó chính là sứ vụ của Giáo Hội. Giáo Hội được định nghĩa là Bí tích, tức là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và giữa nhân loại với nhau.

4. Những định hướng căn bản trong Năm Thánh

a) Củng cố sự hiệp thông với Chúa: nền tảng và điều kiện cho sự hiệp thông với nhau

Những suy nghĩ trên làm nổi bật chân lý này: chính sự hiệp thông với Chúa là nền tảng và điều kiện của mối hiệp thông đích thực giữa các tín hữu với nhau. Khi trình bày Giáo Hội như là bí tích của sự hiệp nhất, Giáo Hội nhấn mạnh trước hết đến sự hiệp nhất giữa nhân loại với Thiên Chúa (nhưng trong thực tế lại dễ bị lãng quên và chỉ nhấn mạnh một vế là sự hiệp nhất với nhau). Thiết nghĩ chân lý này đã được trình bày ngay từ những trang đầu của Sách Thánh. Sách Sáng Thế kể lại rằng trước khi tổ tông loài người phạm tội, nghĩa là còn hiệp thông với Thiên Chúa, thì họ gắn bó yêu thương nhau như một xương một thịt; nhưng khi họ đã phạm tội thì một đàng họ lẩn trốn Thiên Chúa và đàng khác, tương quan vợ chồng cũng bị bẻ gẫy, trở thành tương quan “thèm muốn” và “thống trị”. Tương quan giữa anh em một nhà với nhau cũng bị biến chất đến độ giết hại lẫn nhau như Cain và Abel. Đến cả tương quan giữa con người và vũ trụ cũng bị tổn thương nặng nề.

Khi nhìn vào thực tế cuộc sống ngày nay, chẳng lẽ chúng ta lại không thấy những hậu quả đó sao? Tương quan vợ chồng và tình yêu gia đình bị đổ vỡ rất nhiều. Người ta có thể nói đến nhiều nguyên nhân về kinh tế, xã hội, tâm lý… nhưng lý do sâu xa nhất vẫn là sự ích kỷ, chỉ muốn chiếm đoạt và thống trị thay vì hiến dâng và trao ban. Tương quan trong xã hội cũng vậy. Trong Sứ điệp Mùa Chay 2010, Đức Bênêđictô XVI bàn đến sự công chính Thiên Chúa và ngài cũng nói đến công bằng xã hội. Dựa vào Lời Chúa, ngài chỉ cho ta thấy cội nguồn của sự bất công là chính lòng người. Vì thế, nếu nghĩ rằng để xây dựng công bằng xã hội, chỉ cần loại trừ những nguyên nhân bên ngoài, thì Đức Thánh Cha nói rằng suy nghĩ đó thật thiển cận. Phải đổi mới con người từ bên trong, phải thanh tẩy chính tâm hồn thì mới có thể loại trừ cái ác tận gốc rễ. Phân tích đó làm ta liên tưởng đến lời hát của thiên thần trong Đêm Giáng Sinh “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Ai trong chúng ta cũng khao khát bình an nhưng lại dễ quên chân lý căn bản này: phải “vinh danh Thiên Chúa” nghĩa là phải đặt Thiên Chúa trên hết, phải hiệp thông với Chúa thì mới có “bình an dưới thế”.

Hiểu như thế, để có sự hiệp thông đích thực trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ hay dòng tu cũng như trong Giáo Hội, mỗi người cần củng cố mối hiệp thông với Thiên Chúa; đồng thời mỗi người trong gia đình và cộng đoàn phải hướng về Chúa như tâm điểm và mục đích. Trong thực tế, nhiều khi ta hô hào sự hiệp thông nhưng lại hàm nghĩa phải lấy tôi làm trung tâm và phải giống như tôi… cho nên mãi mãi chẳng có hiệp thông. Có thể mượn cách diễn tả của Antoine de St-Exupery ở đây: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Khi tất cả chúng ta đều có Chúa là tâm điểm và cùng đích, thì ta mới được hiệp thông với nhau cách sâu xa và trọn vẹn.

Chính vì thế, Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người trong Giáo Hội xem xét lại, đánh giá và củng cố mối hiệp thông của chính mình với Thiên Chúa. Đây cũng là ý nghĩa căn bản của từ “thánh” trong Thánh Kinh: thuộc về Chúa là Đấng Thánh. Vì thế, trong Năm Thánh, tất cả chúng ta đều được mời gọi củng cố ơn gọi nên thánh của mình: các linh mục củng cố đời sống ơn gọi của mình, các tu sĩ củng cố đời sống thánh hiến, các đôi vợ chồng củng cố đời sống hôn nhân, để gia đình thực sự thuộc về Chúa.

b) Củng cố sự hiệp thông với nhau

Nếu Giáo Hội được trình bày như bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất thì trước hết chính Giáo Hội phải là cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Làm sao Giáo Hội có thể là dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất khi không có sự hiệp thông yêu thương trong cộng đoàn Giáo Hội?

Ở đây ta phải đối diện với một vấn đề hết sức tế nhị và khó khăn là những xung đột ngay trong lòng Giáo Hội. Trong đời sống gia đình cũng như xã hội, thực tế cho thấy sự bất đồng ý kiến là chuyện đương nhiên. Khi dự một khoá học về xung đột, giáo sư hỏi sinh viên rằng: thời giờ và năng lực mà người lãnh đạo phải bỏ ra để giải quyết xung đột là bao nhiêu… câu trả của chính giáo sư là 50%. Trong đời sống Giáo Hội cũng thế, không thể tránh được chuyện bất đồng ý kiến. Tôi nhớ đến những vụ việc lớn như khi Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Năm Thánh 2000, đề nghị Gíao Hội xin lỗi về những lỗi lầm mà Giáo Hội đã mắc phải trong suốt chiều dài lịch sử. Lời đề nghị của ngài đã gặp phải sự kháng cự khá mạnh, kể cả từ một số vị hồng y (x. Quand le Pape demande pardon). Khi Đức Bênêđictô XVI ra quyết định về huynh đoàn Piô X, ngài cũng bị chỉ trích nặng nề đến độ ngài phải viết một lá thư gửi cho các giám mục, trong đó ngài nhắc lại cách đau đớn lời của thánh Phaolô “Anh em cắn xé lẫn nhau”! Cho nên trong đời sống của bất cứ cộng đoàn nào, lớn hay nhỏ, luôn luôn có sự bất đồng ý kiến, có thể dẫn đến xung đột.

Suy nghĩ về ý nghĩa của koinonia giúp ta thấy: nếu lấy sự hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng, thì điều đó có nghĩa là phải xây dựng sự hiệp thông theo mục đích và đường lối của Chúa. Điều đó có nghĩa là phải xác định sứ mạng, mục đích của Giáo Hội là gì. Sách Thánh kể lại rằng khi Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó sắp tới Người phải trải qua, thánh Phêrô đã can gián Chúa, nhưng Phêrô bị mắng là Satan. Thánh Phêrô vừa mới được Chúa khen là người có phúc mà ngay sau đó lại bị mắng là Satan! Có lẽ Phêrô vẫn nuôi hình ảnh về Thầy mình là Đấng Mêsia mang nặng tính chính trị xã hội, sẽ giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ đế quốc Rôma và đưa Israel lên vũ đài chính trị quốc tế. Thế nhưng Chúa nói với Phêrô: Tư tưởng của anh là tư tưởng của loài người chứ không phải của Thiên Chúa! Tất cả chúng ta đều có thể rơi vào cơn cám dỗ của thánh Phêrô. Vì thế ta cần bình tâm tự hỏi: Tôi quan niệm thế nào về Giáo Hội của Chúa? Đâu là sứ mạng lớn nhất của Giáo Hội? Đâu là động lực sâu xa nhất thúc đẩy tôi hành động?

Đồng thời cũng cần phải tìm xem đâu là những phương thế phù hợp với Thánh Ý Chúa. Lại một lần nữa, thánh Phêrô cung cấp cho ta một bài học để đời. Khi quân lính xông đến bắt Chúa Giêsu, thánh Phêrô đã rút gươm và chém đứt tai một tên lính, nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô “Hãy xỏ gươm vào bao, kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Đường lối của Chúa khác xa đường lối thế gian. Trong vườn Cây Dầu, chính Chúa Giêsu cũng phải vất vả vật lộn với Thánh Ý Chúa Cha, với đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, có nhiệt tâm đối với Giáo Hội mà thôi chưa đủ, ta còn cần phải cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho mình biết đâu là đường lối và phương thế phù hợp với Thánh Ý Chúa nhất; nếu không, có thể có nguy cơ là ai cũng nghĩ rằng mình nhiệt thành bảo vệ Giáo Hội mà hoá ra làm khổ nhau và đánh mất sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

Kết luận

Tên gọi của Đại hội Giáo lý LA lần này là Incredible Abundance (Phong phú tuyệt hảo). Có được sự phong phú đó trước hết là nhờ mối hiệp thông với Chúa là nguồn sự sống dồi dào. Đồng thời, sự phong phú đó có được còn nhờ mối hiệp thông giữa chúng ta với nhau, khi ta chia sẻ cho nhau những ân huệ Chúa ban. Vì thế, cùng với những chia sẻ này, tôi ước mong anh chị em cùng góp ý, trao đổi để chúng ta đón nhận cách sâu sắc hơn sự phong phú mà Chúa ban cho ta.