IV. Khẳng định của các phúc âm gia
Jaubert cho rằng khả thể mà lịch của cô đưa ra để hòa giải Phúc Âm Gioan với các Phúc Âm Nhất Lãm đã củng cố các dấu mốc nơi các nguồn phụng vụ và giáo phụ trước đó, tức các nguồn cho thấy Bữa Tiệc Ly đã được cử hành vào tối Thứ Ba. Đây có lẽ là Bữa Vượt Qua theo lịch “tư tế” cổ xưa.
Nếu phải chọn một lời phê bình có thể phản bác một cách rộng rãi nhất quan điểm trên, thì có lẽ là lời này: “Bốn Phúc Âm đều nhất trí công bố rằng Bữa Tiệc Ly và việc Chúa bị bắt xẩy ra vào ngày vọng việc Đóng Đinh” (1). Ta cũng cần thận trọng trước khi quả quyết rằng các phúc âm gia muốn dạy ta điều đó như một điểm chắc chắn về thời biểu. Bởi vì hiển nhiên là các ngài không luôn luôn nhấn mạnh từng chi tiết trong một lời công bố. Trong khi có vị cho rằng có 2 người mù tại Giêricô, thì lại có vị cho là chỉ có 1 người. Có vị viết rằng người giầu có hỏi Chúa Giêsu là một thanh niên, nhưng vị khác lại viết rằng đó là một người lớn tuổi. Và về vấn đề thứ tự thời biểu của các sự việc xẩy ra, có vị cho là chúng xẩy ra tại chỗ này vào thời điểm này trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu, có vị lại cho là chúng xẩy ra tại một nơi khác, vào một thời điểm khác của cùng một thừa tác vụ ấy (2).
Cũng thế, trong trình thuật Khổ Nạn, trong khi Mátthêu và Máccô viết rằng lời Chúa tiên đoán Phêrô chối Thày xẩy ra trên đường tới Diệtsimani, thì Luca lại bảo nó xẩy ra trong Bữa Tiệc Ly. Luca thì cho rằng lời Chúa Giêsu nói về việc phục vụ và trổi vượt xẩy ra tại Bữa Tiệc Ly, trong khi Mátthêu và Máccô lại cho nó xẩy ra ở chỗ khác.
Ta sẽ hiểu sai ý định của các phúc âm gia nếu cứ nằng nặc đi tìm trong mỗi công bố như thế một điều gì tuyệt đối, một điều mà các vị hoàn toàn dựa vào, một điều mà ta phải tuyệt đối tin theo. Ngoài câu truyện Khổ Nạn, chắc chắn có những lời nói và sự việc được đặt chung với nhau vì có liên hệ với nhau về phương diện luận lý chứ không hẳn vì chúng xẩy ra theo thứ tự thời gian trước sau. Trong câu truyện Khổ Nạn, biến cố xức dầu thơm được đặt ở chỗ hiện nay không phải vì thời gian nó xẩy ra nhưng vì chỗ tốt nhất để lồng vào một câu của Chúa Giêsu nói về cái chết của Người là ở đầu câu truyện Khổ Nạn.
Khi những lời nói hay biến cố tương tự được nối kết với nhau, hay khi các đơn vị đã thành hình rồi được lồng vào trình thuật hiện hữu, chúng được nối với nhau bằng những cụm từ chuyển đoạn vốn được coi là các phương tiện hợp qui ước. Và ta biết rằng trong câu truyện Khổ Nạn, các phúc âm gia đã rút tỉa từ một trình thuật truyền thống vốn đã có hình thức cố định trong thời được lưu truyền bằng miệng, dù các cộng đồng khác nhau đã có những khác nhau về chi tiết trong trình thuật của mình (3). Họ đã chêm vào trình thuật ấy nhiều tư liệu họ biết được riêng rẽ từ những nguồn có sẵn của họ.
Khi tư liệu ấy liên quan đến một biến cố đặc thù, thì các chi tiết của nó có thể khác với các chi tiết của cùng một trình thuật ấy được kể ở nơi khác. Bởi thế, mới có sự dị biệt về chi tiết trong các trình thuật khác nhau về cùng một biến cố. Câu truyện Phêrô chối Thày là rõ ràng hơn cả. Truyền thống chắc chắn quả quyết Phêrô chối Thày 3 lần. Nhưng các chi tiết thì kinh qua diễn trình tiêu hao (attrition), từ hết cửa miệng này sang cửa miệng khác, suốt mấy thập niên trước khi được viết xuống thành các Phúc Âm. Nếu Thánh Luca rút tỉa tư liệu từ trình thuật truyền khẩu ấy, thì cái nhìn của ngài đã thành hình như vậy. Chúa Kitô bị chối ba lần, đúng như lời Người từng nói trước, bởi chính thủ lãnh các tông đồ. Ở đây, việc Người bị bỏ rơi thật là sâu thẳm, ở đây lời tiên tri quả đã thành sự thật, ở đây là cả một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng đối với mọi người. Đấy mới là ý định trung tâm của ngài trong việc lồng tư liệu ấy vào.
Nhưng ngài biết rõ Thánh Máccô có những hoàn cảnh khác bao quanh cùng một sự kiện trung tâm ấy, và trừ khi chứng minh được là ngài thực sự muốn điều chỉnh Thánh Máccô, ta phải nghĩ rằng ngài không có tư liệu nào khác ngoài truyền thống bằng miệng mà ngài đã nhận được. Việc ngài sử dụng truyền thống bằng miệng kia, hay một tư liệu bằng chữ viết nào đó, đem lại cho các hoàn cảnh về thời gian và không gian không nhiều giá trị hơn là chúng đã có trước, và Thánh Luca, vốn là một sử gia, hẳn phải quen thuộc với các bất tiện của truyền thống bằng miệng trong các vấn đề nhỏ mọn đó. Ngài cũng biết rằng một khi đưa ra dịch bản có sẵn đối với ngài, một người nào đó hẳn sẽ thấy ngài không quá nhấn mạnh tới các chi tiết về nơi chốn vì Thánh Máccô có những chi tiết khác. Ngài cũng biết rõ rằng điều ngài có ý định, hay điều được các cộng đoàn tiên khởi có ý định nhấn mạnh về Chúa Kitô, về Thánh Phêrô và về sự yếu đuối nhân bản sẽ phát sinh một cách hết sức rõ ràng từ cả hai trình thuật, bất luận là ngài chối lần thứ hai với người đầy tớ nào.
Cho dù cả 4 phúc âm gia có nhất trí với nhau về những hoàn cảnh như thế đi chăng nữa thì điều ấy không nhất thiết có nghĩa là họ muốn khẳng định chúng như các chân lý lịch sử. Sự nhất trí của 3 Phúc Âm Nhất Lãm về một sự kiện nào đó chỉ có nghĩa các vị rút tỉa tư liệu từ cùng một nguồn như nhau… Thành thử khi chúng tôi nói các ngài “nhất trí công bố”, chúng tôi chỉ muốn hàm ý rằng mình có được dấu chỉ rõ ràng là các ngài có ý nhấn mạnh tới những hoàn cảnh đặc thù về thời gian và không gian. Một hàm ý như thế không hẳn lúc nào cũng được biện minh.
Do đó, nói rằng giả thuyết của Jaubert “trái với việc giải thích cách hiển nhiên các Phúc Âm” (4) là điều không đủ. Nhất là trong các chi tiết mà không lời giải thích nào đã được lên qui điển chỉ vì hiển nhiên.
Đồng thời, ta cần một dấu mốc tích cực nào đó để vượt ra ngoài giả thuyết. Trong trường hợp hiện nay, ta đang có một dấu mốc trong các dấu mốc kình chống nhau về ngày Bữa Tiệc Ly xẩy ra. Ở đây, lời “nhất trí công bố” của 3 Phúc Âm Nhất Lãm kình chống với lời công bố của Phúc Âm Gioan. Bởi thế, ta buộc phải so sánh các Phúc Âm khác nhau, xét xem các hoàn cảnh về thời gian đã được gán cách gần gũi ra sao vào câu truyện, liệu chúng nói lên một sắp xếp giả tạo hay một truyền thống lịch sử (5). Ta cũng buộc phải khảo sát luật lệ Mishna của Thượng Hội Đồng, vì nếu chứng tỏ được rằng người ta có áp dụng luật này trong phiên xử Chúa Kitô thì ít nhất ta cũng biết chắc là có khoảng cách một ngày giữa phiên tòa và bản án. Việc phê phán thực sự hay hợp lịch sử sẽ đem lại cho ta một căn bản vững chắc để tái tạo thời biểu, giúp ta gom lại với nhau trình tự xẩy ra các biến cố theo một thứ tự thời biểu từ những tín liệu rời rạc của các Phúc Âm.
Giữa hai ngành phê bình, phê bình văn chương và phê bình thực sự hay hợp lịch sử, ngành sau giúp ta chống lại Jaubert mạnh mẽ nhất. Ngành phê bình hoàn toàn chỉ dựa vào văn bản xem ra khó mà loại được giả thuyết của cô.
Trình thuật Nhất Lãm về Bữa Tiệc Ly (6)
Các trình thuật Nhất Lãm về Bữa Tiệc Ly gồm một loạt các lời Chúa Giêsu nói. Người cho thấy sự hiện diện của một tên phản bội, phán lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể, tiên đoán Phêrô chối Thày, sửa sai các hiểu lầm của các Tông Đồ về lời Người nói liên quan tới những hoàn cảnh khác nhau cần có túi tiền và gươm giáo. Các trình thuật này không hoàn toàn y hệt như nhau về thứ tự, cũng như về chính lời nói được ghi lại. Trong Mátthêu và Máccô, tên phản bội được nhắc đến trước lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể, nhưng trong Luca, nó lại ở sau lời ấy. Việc tiên đoán Phêrô chối Thày được Luca đặt trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Mátthêu và Máccô lại đặt nó trên đường tới Diệtsimani. Luca có những lời Chúa nói không được Mátthêu và Máccô ghi lại (7). Các lời Chúa nói về quyền tối thượng và việc phục vụ được Luca đặt trong Bữa Tiệc Ly, nhưng được Mátthêu và Máccô đặt ở một ngữ cảnh khác (8). Ta có thể thắc mắc không hiểu có phải lời Chúa nói về việc phục vụ có đặt đúng chỗ trong Bữa Tiệc Ly hay không, dù trong việc này, truyền thống Luca được truyền thống Gioan tham gia (9). Rõ ràng là có việc sắp xếp tư liệu sẵn có và truyền thống không làm công việc nối kết về phương diện thứ tự liên tiếp các lời nói khác nhau.
Một số lời chung quanh các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể cho thấy sự biết trước đầy tính tiên tri của Chúa Kitô. Chúng là những lời đầy đủ (self-contained), mỗi đơn vị ghi lại một lời đáng ghi nhớ của Chúa với đầy đủ hậu cảnh để giải thích nó. Những lời này được nối kết với nhau bằng những cụm liên từ có sắp xếp, vốn được coi là các phương tiện đơn giản để lồng các tư liệu không do chính các phúc âm gia soạn thảo nhưng đã được truyền lại cho họ từ các nguồn viết hay truyền miệng (10).
Các lời ấy phát xuất từ nhiều truyền thống khác nhau. Các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể là do truyền thống phụng vụ. Cả ở đây, ta cũng phải đối diện với việc phân tích văn chương trước khi xác định có bao nhiêu truyền thống rõ rệt hiện diện trong 4 trình thuật song song về các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong Nhất Lãm và trong Thánh Phaolô (vốn được coi là gần gũi nhất với chính lời của Chúa Kitô). Trong trình thuật Nhất Lãm, ta không được kể lại theo hoàn cảnh các biến cố như chúng xẩy ra, nhưng là một loạt các lời nói có ý nghĩa.
Đối với trình thuật vốn bao gồm nhiều đơn vị riêng rẽ từ khởi đầu này, ta có một đơn vị khác làm dẫn nhập, tức việc chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Cả đoạn này cũng nhấn mạnh tới sự biết trước đầy tính tiên tri của Chúa Kitô và ta có quyền coi nó như biệt lập với những lời được nó dẫn nhập (11).
Nó là thành phần của một nhóm lời nói mô tả sự biết trước đầy tính tiên tri của Chúa Kitô. Cùng với lời tiên đoán về sự phản bội của Giuđa, việc trốn chạy của các tông đồ, việc chối Thày của Phêrô, và sau đó lời cầu nguyện của Chúa Kitô tại Diệtsimani, nó cho thấy rõ Chúa Kitô biết trước số phận đang chờ đợi Người, Người đang đi tới cái chết tự nguyện. Giữa một ngữ cảnh như thế, giá trị tiên tri trong các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể đã được nhấn mạnh.
Có lý do nào khác cho việc chêm nó vào chỗ này không? Vì chính trong biến cố này, ta có được đặc điểm định ngày của các Phúc Âm Nhất Lãm. Chỉ ở phần này, Bữa Tiệc Ly mới là Bữa Vượt Qua, với đủ cả đầu đuôi.Tình tiết này được nối kết với Bữa Tiệc Ly bằng cụm từ chuyển đoạn: “chiều đến” nguyên tuyền nối nó với một câu truyện hoàn toàn độc lập với nó. Nó được dẫn nhập bằng chi tiết: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua”. Đây có phải là một hồi ức dứt khoát có tính lịch sử hay không? hay chỉ là một diễn trình soạn thảo, để mô tả bữa ăn tối được nó dẫn nhập là bữa Vượt Qua? Cả hai đều có thể. Biết bữa ăn như Bữa Vượt Qua có thể dẫn tới việc thêm vào đó yếu tố thời gian. Ấy thế nhưng, nếu Thánh Gioan đúng, thì đặc tính Vượt Qua của bữa ăn hẳn phải vì một điều gì khác. Có thể vì ý muốn của Chúa Kitô, thiết lập Phép Thánh Thể như một nghi thức Vượt Qua dù nó được cử hành trước Lễ Vượt Qua. Trong trường hợp này, truyền thống mà Nhất Lãm dựa vào, một truyền thống đúng khi diễn tả Bữa Tiệc Ly như Bữa Vượt Qua, đã lầm về ngày định cho nó. Vì nó được biết như là Bữa Vượt Qua, nên nó đã được định ngày như thế (12). Tính thần học của nó vẫn có giá trị, vì đây là novum Pascha novi Regis (Lễ Vượt Qua Mới Của Vua Mới), dù ngày không đúng.
Nhưng tự nó, lối giải thích của Jaubert xem ra cũng hợp lý như điều trên. Cô nghĩ rằng khi truyền thống khởi đầu được bứng khỏi môi trường Palestine, các chi tiết về thời gian của nó được thêm vào bởi những người không biết gì tới một lễ Vượt Qua nào khác ngoài Lễ Vượt Qua hợp luật trong khi thực sự có một Lễ Vượt Qua được cử hành theo lịch mà họ không biết. Đó là truyền thống được Phúc Âm Máccô tiếp nhận và được hai Phúc Âm Nhất Lãm khác bước theo chân (13).
Nhưng chi tiết thời biểu ấy khiến Phúc Âm Máccô gặp khó khăn. Vì các tư tế sau khi quyết định không xử tử Chúa Giêsu vào ngày lễ, cuối cùng lại làm đúng điều đó. Rất có thể Thánh Luca sử gia đã thấy điều đó và tránh được khó khăn này (14).
Trước Thượng Hội Đồng (15)
Luca, một lần nữa, lại tách khỏi Mátthêu và Máccô. Trong khi hai vị nhắc đến hai phiên họp của Thượng Hội Đồng, một ban đêm, một ban sáng (16), thì Luca chỉ nhắc tới phiên họp buổi sáng (17), mặc dù Chúa Giêsu đã bị dẫn từ vườn tới nhà thượng tế, nơi xẩy ra việc Phêrô chối Thày 3 lần trong đêm.
Như thế có tất cả mấy phiên họp? Các nhà chú giải chia rẽ nhau về điểm này. Có phải Luca có nhiều tín liệu chính xác mà Mátthêu và Máccô không có? (18). Phải chăng Luca đề cập tới giai đoạn chót của một cuộc xử án được hai vị kia nói tới? (19) Hay có hai phiên họp riêng biệt?(20)Việc Mátthêu và Máccô cho phiên họp ban đêm có thể giải thích được nhờ việc các ngài đặt việc xử án bên trong câu truyện Phêrô chối Thày, việc mà Luca tách riêng ra. Vấn đề không được giải quyết hoàn toàn trên cơ sở văn chương. Ta vẫn còn phải giải quyết hai phiên toà của Thượng Hội Đồng vào Thứ Tư và vào Thứ Năm do Jaubert đặt ra.
Giờ giấc của các Phúc Âm (21).
Phải nhận rằng giờ giấc trong Phúc Âm Máccô thật khó mà đứng vững. Sau việc bắt giữ Chúa Giêsu, Phúc Âm này nói đến rạng đông, giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín (22). Trước giờ thứ ba, khoảng 9 giờ sáng, đã xẩy ra phiên tòa của Thượng Hội Đồng, cuộc xuất hiện trước mặt Philatô, cuộc xỉ vả và lên đường vác thánh giá. Nếu thêm trình thuật của Luca về cuộc xuất hiện trước mặt Hêrốt nữa thì khó khăn lại càng gia tăng. Có lẽ Thánh Luca hiểu điều đó, nên ngài đã bỏ việc Thánh Máccô nhắc đến giờ thứ ba. Việc Thánh Máccô phân chia các biến cố rất có thể chỉ có tính giản đồ (schematic), tự ý đặt định giờ giấc cho một câu truyện nguyên thủy ít chính xác hơn nhiều, có lẽ vì các giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín được truyền thống coi là những giờ để cầu nguyện (23).
Giờ giấc của Thánh Gioan ít chi tiết hơn thế. Ngài chỉ nhắc tới các giờ Chúa Kitô bị người Do Thái bác bỏ, đó là giờ thứ sáu của ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Điểm nhấn ở đây có tính thần học. Chúa Kitô bị bác bỏ đúng vào lúc người ta loại men cũ trong lúc chuẩn bị lễ Vượt Qua, hay vào giờ sát tế chiên Vượt Qua trong Đền Thờ. Còn thủ tục ấy khởi sự vào ngày trước Lễ Vượt Qua hay không thì còn tùy người ta hiểu cụm từ “Trước Lễ Vượt Qua” của Thánh Gioan ra sao. Nói chung, người ta vẫn hiểu cụm từ ấy có nghĩa: bữa Vượt Qua được ăn vào buổi tối hôm trước. Nếu hiểu theo một nghĩa tổng quát hơn một chút, nó dám còn được ăn sớm hơn nữa trong tuần. Thánh Gioan, khi thuật lại bữa tối, cảnh phiền muộn (agony), cuộc xuất hiện trước Caipha, nhưng không nhắc chi tới các phiên xử tại Thượng Hội Đồng, đã lập tức chuyển sang cảnh xuất hiện trước Philatô bằng cụm từ chuyển đoạn “lúc đó trời vừa sáng”, một cụm từ cho thấy có một khoảng thòi gian trống (24).
Thành thử ra, nguyên một việc phê bình văn chương không đủ để bác bỏ cách giải thích của Jaubert. Chỉ vì các bản văn Phúc Âm có thể được giải thích có lợi cho giả thuyết của cô, chứ không chống lại giả thuyết ấy.
Phê bình thực sự hay phê bình lịch sử
Nhưng nếu nó không bị đánh bại bằng việc xem sét bản văn Phúc Âm, thì quả nó khá lung lay khi ta đặt nghi vấn về khả thể của nó. Căn cứ vào những điều ta biết chắc và biết rõ về Chúa Kitô, liệu có thể có khả năng Người theo phái Essene mà sử dụng một lịch xưa để cử hành Bữa Vượt Qua vào một ngày khác với lịch Đền Thờ chăng? (25).
Căn cứ vào thái độ rõ rệt của Chúa Kitô đối với Đền Thờ và việc thờ phượng của nó, đối với thẩm quyền hiến định, tức thẩm quyền tư tế và biệt phái, việc sử dụng ấy hết sức xa lạ. Đã đành Chúa Kitô vốn cực lực lên án các luật sĩ và biệt phái vì “những truyền thống hư danh” của họ, vì giáo huấn của họ liên quan tới ngày sabát, tục dâng cúng (korban), ăn chay, cúng dường 10 phần trăm (tithing) và rửa ráy theo nghi lễ, nhưng Người vẫn nhìn nhận thẩm quyền của họ một cách rõ rệt (26). Ngay ở phần đầu những lời kết án nhắm vào các luật sĩ và biệt phái trong Phúc Âm Mátthêu, vẫn có việc nhìn nhận thẩm quyền thực sự của họ: họ nắm giữ ngai tòa Môsê (27).
Ở đây, ta không thấy một dấu vết nào về một thái độ đối với những người ủng hộ lịch hợp luật để gợi ý rằng Chúa Kitô từng theo lịch tư tế hay lịch Essene chứ không theo lịch hợp luật. Phái Essene của Qumran nổi tiếng vì một thái độ khác hẳn đối với chức tư tế của Đền Thờ. Họ nổi tiếng vì đã rút chân ra khỏi việc thờ phượng của Đền Thờ (28). Họ không nhìn nhận tính hợp pháp của chức tư tế Đền Thờ và coi các hy lễ Đền Thờ như bất hợp pháp. Một trong các yếu tố tạo ra thái độ ấy rất có thể vì lịch được họ coi là thánh thiêng đã bị Đền Thờ bác bỏ (29).
Bất chấp sự gần gũi nào được chứng tỏ là hiện hữu giữa các Kitô hữu tiên khởi và cộng đồng Qumran (30), không hề có một dấu vết nào cho thấy thái độ như thế đối với các tư tế và Đền Thờ nói chung trong tác phong của Chúa Kitô. Thay vì bác bỏ tính hợp pháp và hợp luật trong các hy lễ của họ, Người đã sai người phong hủi tới xin các tư tế dâng hy lễ (31). Cùng với các môn đệ, Người được tường trình như người tuân giữ các ngày lễ khác của Do Thái đúng theo lịch Do Thái chính thống, đi hành hương Giêrusalem vào những thời điểm được Luật qui định (32). Và trong khi một đàng, Chúa Giêsu và các Tông Đồ cử hành Lễ Cung Hiến Đền Thờ (Encaenia), là lễ không được tài liệu Essene nào nhắc tới, thì đàng khác, trong Phúc Âm không có lời nào nhắc tới những ngày lễ đặc biệt của Essene (33).
Nếu Bữa Tiệc Ly là Bữa Vượt Qua, thì chiên Vượt Qua được giết ở đâu và vào lúc nào? Chắc chắn không ở trong Đền Thờ, vào một ngày bị các tư tế coi là không hợp luật. Nhưng ta không thấy dấu chỉ nào là con chiên ấy được giết tại tư gia vào thời ấy, tại Giêrusalem lại càng không.
Sau cùng, về khả thể việc xử án Chúa Giêsu đã được tiến hành theo qui định của Mishna, thì chí ít cũng có thể nói rằng dùng nó làm căn bản hay để ủng hộ một giả thuyết như giả thuyết của Jaubert là điều thiếu khôn ngoan. Truyền thống lâu đời nhất được hệ thống hóa trong thủ bản của Thượng Hội Đồng thường được gán cho giáo sĩ Meir khoảng giữa thế kỷ thứ hai. Mô tả của ông này bị hoài nghi là không đại diện cho quan điểm của các luật sĩ và khó có thể dựa vào ký ức của những người hiện sống để tìm lại các thực hành của Thượng Hội Đồng trước đại biến năm 70 Công Nguyên. Trong thủ bản của Thượng Hội Đồng, người ta tìm thấy khuynh hướng lý tưởng hóa, và tính nhân đạo hơn của nó hệ ở việc điều chỉnh một hệ thống quá khắc nghiệt nhờ ảnh hưởng tiệm tiến của phe biệt phái. Nhưng người ta không thể chứng minh được rằng ảnh hưởng kia tác động lên thủ tục luật pháp vào thời Chúa Kitô.
Một tác giả Công Giáo, khi kết luận một cuộc nghiên cứu bộ hình luật Mishna, đã viết rằng: “Theo bộ hình luật được mô tả trong Mishna, mọi sự từ trước đến nay bị tấn công là bất hợp pháp trong việc xét xử Chúa Giêsu đều hoàn toàn phù hợp với bộ hình luật đang có hiệu lực hồi ấy. Nó vốn là bộ luật của phái Xa-đốc, và không biết gì hay không nhìn nhận các yếu tố biệt phái, nhân đạo nào của luật Mishna nếu không dựa trên Cựu Ước” (34).
Kết luận
Lịch ‘tư tế’ được một giới hạn chế sử dụng trong và sau thời Chúa Giêsu. Không ai chứng minh được là nó đã được Chúa Giêsu sử dụng vào bất cứ thời điểm nào. Nếu ta có đủ dấu mốc từ các nguồn bên ngoài Phúc Âm để chứng minh khả thể nó từng được sử dụng thì nó vẫn có thể được hòa giải với các dữ kiện thời biểu trong Phúc Âm. Mọi tín liệu ta có trong Phúc Âm đều chỉ về hướng đối nghịch.
Giả thuyết của Jaubert cho thấy một sự liên tục trong thực hành phụng vụ từng lên khuôn cho các trang Cựu Ước, qua văn chương ngoại thư, tài liệu Qumran, và sau cùng là các giáo phụ. Bằng thí dụ cụ thể, nó cho ta thấy giá trị chân thực cũng như các hạn chế của tài liệu Qumran. Quan trọng hơn cả, nó đã buộc ta phải khảo sát việc hình thành của các Phúc Âm và quan tâm hàng đầu của các soạn giả bộ sách này. Một số hạnh có giá trị về cuộc đời Chúa Giêsu đã giúp ta có thói quen đi tìm các hoàn cảnh chính xác về thời gian, nơi chốn và con người. Không một Kitô hữu nào lại chỉ trích, lên án một công trình tìm tòi có giá trị nhằm đem lại một hình ảnh sống động về Con Thiên Chúa trong mọi thực tại nhân bản của cuộc sống hàng ngày nơi Người. Nhưng chúng ta cần phải chấp nhận những gì các phúc âm gia truyền lại và nên hiểu rõ rằng các ngài không nhằm viết lại cho ta một cuốn sách về những giờ phút khổ nạn của Chúa Giêsu. Đối với các ngài, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô không phải là vấn đề tìm tòi thời biểu nhưng là một thảm kịch trong đó nhằm trình bày các kế sách khôn dò của Thiên Chúa trong mầu nhiệm “Chúa Kitô chịu đóng đinh, một gương mù xấu hổ đối với người Do Thái, một điên khùng đối với Dân Ngoại, nhưng với chúng tôi, những người được kêu gọi, bất kể là Do Thái hay Dân Ngoại, Chúa Kitô là sức mạnh của Thiên Chúa, Chúa Kitô là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.
Ghi chú
(1) T.A. Burkill, Numen, 3 (1956). Chúng tôi cũng chỉ vừa được đọc bài tóm tắt lời phê bình của ông trong Theology Digest, số Xuân, 1958, tr.102. Trong bài báo gốc, chắc chắn nó đã được khai triển dài rộng.
(2) Một vài thí dụ có thể đọc trong một bài báo của Australasian Catholic Record năm 1959, tr.205.
(3) Xem V. Taylor, The Formation of the Gospel Tradition, tr.50. Trong The Gospel According to St Mark, ông cho rằng Thánh Máccô tìm thấy một trình thuật Khổ Nạn hiện dụng tại Rôma và khai triển trình thuật này với việc trợ lực của truyền thống Phêrô, tr.658.
(4) J. Leal, S.J., Estudios Ecclesiasticos, 31 (1957), 173-188, như đã được tóm lược trong Theology Digest. Một tóm lược dài hơn trong New Testament Abstracts, số Mùa Đông, 1958, tr.109, cho ta thấy nhiều điểm phê bình rất chi tiết.
(5) Xem Taylor, về đoạn Mc 14:1f: “Một vấn đề cần xem sét là ngày này dựa vào truyền thống lịch sử hay do một kế sách giả tạo, minh giải từ câu 11:1 trở đi, để đem các biến cố Khổ Nạn vào khuôn khổ một tuần lễ”.
(6) Xem “Ceci est mon corps”, “Ceci est mon sang” của J. Dupont, O.S.B., trong Nouvelle Revue Théologique, LXXX, (1958), 1025-1041. Giống phần lớn các tác giả Công Giáo từng viết về Bữa Tiệc Ly, ông dựa vào bài báo của P. Benoit, O.P., Le récit de la cène dans Luc XXII: 15-20. Étude de critique textuelle et littéraire, trong Revue Biblique, XLVIII (1939), 357-393. Từ đó, trình thuật Luca được khảo sát tỉ mỉ bởi Heinz Schurmann trong bộ sách ba cuốn, Der Paschmahlbericht: Lk 22 (7-14) 15-18, Munster 1953; Der Einsetzungsbericht: Lk 22:19, 20, Munster, 1955; Jesu Abschiedsrede: Lk 22:21-38, Munster, 1957.
(7) Lc 22:15f, 35-38
(8) Xem Lc 22:24-27 với Mt 20:25-28 và Mc 10:42-45.
(9) Xem Ga 13:4,5,12-14
(10) Xem Mc 14:18, 22, “Và trong khi họ đang ngồi bàn và ăn uống”, “Và trong khi họ đang ăn uống”. Dupont, 1028.
(11) Xem Delorme, l’Ami du Clergé, 1957, 230 và Joachim Jeremias, The Eucharistic Words of Jesus, Oxford, 1955, tr.64.
(12) Đây là lối giải thích của P. Benoit trong Revue Biblique, LXV (1959), 593. Cũng nên xem Bible de Jérusalem, ghi chú về Mt 26:17.
(13) Lối giải thích này có thể hỗ trợ được bằng gợi ý của Jeremias rằng Mc 14:12, “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua” hoặc là “cách dịch sai hoặc cách phát biểu thiếu sót của một tác giả không phải là Do Thái”, sách đã dẫn, tr.65.
(14) Xem Mc 14:2 với Lc 22:2.
(15) Xem Joseph Blinzler, The Trial of Jesus, Westminster, Maryland, 1959, nhất là Excursus IV, Luke’s Account of the Proceedings Before the Sanhedrin, 115-117.
(16) Mc 14:53-64; Mt 26:57-66
(17) Lc 22:66
(18) Benoit, Jésus Devant le Sanhédrin, Angelicum, XX (1943), 158-160.
(19) Blinzler, sách đã dẫn.
(20) Leal, N.T.A., 109
(21) Delorme, sách đã dẫn 232
(22) Mc 15:1, 25, 33, 42.
(23) Gợi ý là của Delorme. Xem Cv 2:1, 15; 10:9; 3:1.
(24) Delorme, sách đã dẫn, tr. 233
(25) Xem J.T. Milik, Ten Years of Discovery in the Wilderness of Judea, London, 1959, 112f; Benoit, Revue Biblique, LXV (1958), 593f.
(26) V. Taylor, Jesus and His Sacrifice, London, 1955, 71f.
(27) Mt 23:2.
(28) Millar Burrows, More Light on the Dead Sea Scrolls, London, 1958, p.258.
(29) Milik, sách đã dẫn, 82-111.
(30) Phần lớn các sách nói về Qumran đề cập đến những tương đồng này, mặc dù không phải tất cả đều có giá trị lâu dài. Những sách khá nhất cho tới nay là của Milik, khá đáng lưu ý vì một phương diện khác đó là việc có Imprimatur và Nihil Obstat ở các trang đầu, Burrows và Frank Moore Cros, Jr., The Ancient Library of Qumran and Modern Biblical Studies, New York, 1958. J.P. Audet, O.P., gần đây đã thấy ảnh hưởng của lịch ‘tư tế’ trong một chú thích lạ về câu Lc 6:1, “In sabbato deutero-proto”. Xem E. Vogt, S.J., trong Biblica, 40 (1959), 102-105.
(31) Xem Lc 17:14 với Lv 14:10; Mt 5:23ff.
(32) Nhất là trong Gioan như 2:13; 5:1; 6:4; 7:2, 10; 10:22.
(33) Milik cho rằng điều này làm giả thuyết của Jaubert trở thành bất khả thể. Xem tài liệu đã dẫn, 113.
(34) Blinzler, đã dẫn, Excursus VI “On the Question of Whether the Mishnic Code Was in Operation in the Time of Jesus” 149-156.
Viết theo Jerome Crowe C.P., The Australasian Catholic Record, Vol.XXXVII, April 1960, no.2
Jaubert cho rằng khả thể mà lịch của cô đưa ra để hòa giải Phúc Âm Gioan với các Phúc Âm Nhất Lãm đã củng cố các dấu mốc nơi các nguồn phụng vụ và giáo phụ trước đó, tức các nguồn cho thấy Bữa Tiệc Ly đã được cử hành vào tối Thứ Ba. Đây có lẽ là Bữa Vượt Qua theo lịch “tư tế” cổ xưa.
Nếu phải chọn một lời phê bình có thể phản bác một cách rộng rãi nhất quan điểm trên, thì có lẽ là lời này: “Bốn Phúc Âm đều nhất trí công bố rằng Bữa Tiệc Ly và việc Chúa bị bắt xẩy ra vào ngày vọng việc Đóng Đinh” (1). Ta cũng cần thận trọng trước khi quả quyết rằng các phúc âm gia muốn dạy ta điều đó như một điểm chắc chắn về thời biểu. Bởi vì hiển nhiên là các ngài không luôn luôn nhấn mạnh từng chi tiết trong một lời công bố. Trong khi có vị cho rằng có 2 người mù tại Giêricô, thì lại có vị cho là chỉ có 1 người. Có vị viết rằng người giầu có hỏi Chúa Giêsu là một thanh niên, nhưng vị khác lại viết rằng đó là một người lớn tuổi. Và về vấn đề thứ tự thời biểu của các sự việc xẩy ra, có vị cho là chúng xẩy ra tại chỗ này vào thời điểm này trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu, có vị lại cho là chúng xẩy ra tại một nơi khác, vào một thời điểm khác của cùng một thừa tác vụ ấy (2).
Cũng thế, trong trình thuật Khổ Nạn, trong khi Mátthêu và Máccô viết rằng lời Chúa tiên đoán Phêrô chối Thày xẩy ra trên đường tới Diệtsimani, thì Luca lại bảo nó xẩy ra trong Bữa Tiệc Ly. Luca thì cho rằng lời Chúa Giêsu nói về việc phục vụ và trổi vượt xẩy ra tại Bữa Tiệc Ly, trong khi Mátthêu và Máccô lại cho nó xẩy ra ở chỗ khác.
Ta sẽ hiểu sai ý định của các phúc âm gia nếu cứ nằng nặc đi tìm trong mỗi công bố như thế một điều gì tuyệt đối, một điều mà các vị hoàn toàn dựa vào, một điều mà ta phải tuyệt đối tin theo. Ngoài câu truyện Khổ Nạn, chắc chắn có những lời nói và sự việc được đặt chung với nhau vì có liên hệ với nhau về phương diện luận lý chứ không hẳn vì chúng xẩy ra theo thứ tự thời gian trước sau. Trong câu truyện Khổ Nạn, biến cố xức dầu thơm được đặt ở chỗ hiện nay không phải vì thời gian nó xẩy ra nhưng vì chỗ tốt nhất để lồng vào một câu của Chúa Giêsu nói về cái chết của Người là ở đầu câu truyện Khổ Nạn.
Khi những lời nói hay biến cố tương tự được nối kết với nhau, hay khi các đơn vị đã thành hình rồi được lồng vào trình thuật hiện hữu, chúng được nối với nhau bằng những cụm từ chuyển đoạn vốn được coi là các phương tiện hợp qui ước. Và ta biết rằng trong câu truyện Khổ Nạn, các phúc âm gia đã rút tỉa từ một trình thuật truyền thống vốn đã có hình thức cố định trong thời được lưu truyền bằng miệng, dù các cộng đồng khác nhau đã có những khác nhau về chi tiết trong trình thuật của mình (3). Họ đã chêm vào trình thuật ấy nhiều tư liệu họ biết được riêng rẽ từ những nguồn có sẵn của họ.
Khi tư liệu ấy liên quan đến một biến cố đặc thù, thì các chi tiết của nó có thể khác với các chi tiết của cùng một trình thuật ấy được kể ở nơi khác. Bởi thế, mới có sự dị biệt về chi tiết trong các trình thuật khác nhau về cùng một biến cố. Câu truyện Phêrô chối Thày là rõ ràng hơn cả. Truyền thống chắc chắn quả quyết Phêrô chối Thày 3 lần. Nhưng các chi tiết thì kinh qua diễn trình tiêu hao (attrition), từ hết cửa miệng này sang cửa miệng khác, suốt mấy thập niên trước khi được viết xuống thành các Phúc Âm. Nếu Thánh Luca rút tỉa tư liệu từ trình thuật truyền khẩu ấy, thì cái nhìn của ngài đã thành hình như vậy. Chúa Kitô bị chối ba lần, đúng như lời Người từng nói trước, bởi chính thủ lãnh các tông đồ. Ở đây, việc Người bị bỏ rơi thật là sâu thẳm, ở đây lời tiên tri quả đã thành sự thật, ở đây là cả một lời cảnh tỉnh nghiêm trọng đối với mọi người. Đấy mới là ý định trung tâm của ngài trong việc lồng tư liệu ấy vào.
Nhưng ngài biết rõ Thánh Máccô có những hoàn cảnh khác bao quanh cùng một sự kiện trung tâm ấy, và trừ khi chứng minh được là ngài thực sự muốn điều chỉnh Thánh Máccô, ta phải nghĩ rằng ngài không có tư liệu nào khác ngoài truyền thống bằng miệng mà ngài đã nhận được. Việc ngài sử dụng truyền thống bằng miệng kia, hay một tư liệu bằng chữ viết nào đó, đem lại cho các hoàn cảnh về thời gian và không gian không nhiều giá trị hơn là chúng đã có trước, và Thánh Luca, vốn là một sử gia, hẳn phải quen thuộc với các bất tiện của truyền thống bằng miệng trong các vấn đề nhỏ mọn đó. Ngài cũng biết rằng một khi đưa ra dịch bản có sẵn đối với ngài, một người nào đó hẳn sẽ thấy ngài không quá nhấn mạnh tới các chi tiết về nơi chốn vì Thánh Máccô có những chi tiết khác. Ngài cũng biết rõ rằng điều ngài có ý định, hay điều được các cộng đoàn tiên khởi có ý định nhấn mạnh về Chúa Kitô, về Thánh Phêrô và về sự yếu đuối nhân bản sẽ phát sinh một cách hết sức rõ ràng từ cả hai trình thuật, bất luận là ngài chối lần thứ hai với người đầy tớ nào.
Cho dù cả 4 phúc âm gia có nhất trí với nhau về những hoàn cảnh như thế đi chăng nữa thì điều ấy không nhất thiết có nghĩa là họ muốn khẳng định chúng như các chân lý lịch sử. Sự nhất trí của 3 Phúc Âm Nhất Lãm về một sự kiện nào đó chỉ có nghĩa các vị rút tỉa tư liệu từ cùng một nguồn như nhau… Thành thử khi chúng tôi nói các ngài “nhất trí công bố”, chúng tôi chỉ muốn hàm ý rằng mình có được dấu chỉ rõ ràng là các ngài có ý nhấn mạnh tới những hoàn cảnh đặc thù về thời gian và không gian. Một hàm ý như thế không hẳn lúc nào cũng được biện minh.
Do đó, nói rằng giả thuyết của Jaubert “trái với việc giải thích cách hiển nhiên các Phúc Âm” (4) là điều không đủ. Nhất là trong các chi tiết mà không lời giải thích nào đã được lên qui điển chỉ vì hiển nhiên.
Đồng thời, ta cần một dấu mốc tích cực nào đó để vượt ra ngoài giả thuyết. Trong trường hợp hiện nay, ta đang có một dấu mốc trong các dấu mốc kình chống nhau về ngày Bữa Tiệc Ly xẩy ra. Ở đây, lời “nhất trí công bố” của 3 Phúc Âm Nhất Lãm kình chống với lời công bố của Phúc Âm Gioan. Bởi thế, ta buộc phải so sánh các Phúc Âm khác nhau, xét xem các hoàn cảnh về thời gian đã được gán cách gần gũi ra sao vào câu truyện, liệu chúng nói lên một sắp xếp giả tạo hay một truyền thống lịch sử (5). Ta cũng buộc phải khảo sát luật lệ Mishna của Thượng Hội Đồng, vì nếu chứng tỏ được rằng người ta có áp dụng luật này trong phiên xử Chúa Kitô thì ít nhất ta cũng biết chắc là có khoảng cách một ngày giữa phiên tòa và bản án. Việc phê phán thực sự hay hợp lịch sử sẽ đem lại cho ta một căn bản vững chắc để tái tạo thời biểu, giúp ta gom lại với nhau trình tự xẩy ra các biến cố theo một thứ tự thời biểu từ những tín liệu rời rạc của các Phúc Âm.
Giữa hai ngành phê bình, phê bình văn chương và phê bình thực sự hay hợp lịch sử, ngành sau giúp ta chống lại Jaubert mạnh mẽ nhất. Ngành phê bình hoàn toàn chỉ dựa vào văn bản xem ra khó mà loại được giả thuyết của cô.
Trình thuật Nhất Lãm về Bữa Tiệc Ly (6)
Các trình thuật Nhất Lãm về Bữa Tiệc Ly gồm một loạt các lời Chúa Giêsu nói. Người cho thấy sự hiện diện của một tên phản bội, phán lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể, tiên đoán Phêrô chối Thày, sửa sai các hiểu lầm của các Tông Đồ về lời Người nói liên quan tới những hoàn cảnh khác nhau cần có túi tiền và gươm giáo. Các trình thuật này không hoàn toàn y hệt như nhau về thứ tự, cũng như về chính lời nói được ghi lại. Trong Mátthêu và Máccô, tên phản bội được nhắc đến trước lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể, nhưng trong Luca, nó lại ở sau lời ấy. Việc tiên đoán Phêrô chối Thày được Luca đặt trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Mátthêu và Máccô lại đặt nó trên đường tới Diệtsimani. Luca có những lời Chúa nói không được Mátthêu và Máccô ghi lại (7). Các lời Chúa nói về quyền tối thượng và việc phục vụ được Luca đặt trong Bữa Tiệc Ly, nhưng được Mátthêu và Máccô đặt ở một ngữ cảnh khác (8). Ta có thể thắc mắc không hiểu có phải lời Chúa nói về việc phục vụ có đặt đúng chỗ trong Bữa Tiệc Ly hay không, dù trong việc này, truyền thống Luca được truyền thống Gioan tham gia (9). Rõ ràng là có việc sắp xếp tư liệu sẵn có và truyền thống không làm công việc nối kết về phương diện thứ tự liên tiếp các lời nói khác nhau.
Một số lời chung quanh các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể cho thấy sự biết trước đầy tính tiên tri của Chúa Kitô. Chúng là những lời đầy đủ (self-contained), mỗi đơn vị ghi lại một lời đáng ghi nhớ của Chúa với đầy đủ hậu cảnh để giải thích nó. Những lời này được nối kết với nhau bằng những cụm liên từ có sắp xếp, vốn được coi là các phương tiện đơn giản để lồng các tư liệu không do chính các phúc âm gia soạn thảo nhưng đã được truyền lại cho họ từ các nguồn viết hay truyền miệng (10).
Các lời ấy phát xuất từ nhiều truyền thống khác nhau. Các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể là do truyền thống phụng vụ. Cả ở đây, ta cũng phải đối diện với việc phân tích văn chương trước khi xác định có bao nhiêu truyền thống rõ rệt hiện diện trong 4 trình thuật song song về các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong Nhất Lãm và trong Thánh Phaolô (vốn được coi là gần gũi nhất với chính lời của Chúa Kitô). Trong trình thuật Nhất Lãm, ta không được kể lại theo hoàn cảnh các biến cố như chúng xẩy ra, nhưng là một loạt các lời nói có ý nghĩa.
Đối với trình thuật vốn bao gồm nhiều đơn vị riêng rẽ từ khởi đầu này, ta có một đơn vị khác làm dẫn nhập, tức việc chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Cả đoạn này cũng nhấn mạnh tới sự biết trước đầy tính tiên tri của Chúa Kitô và ta có quyền coi nó như biệt lập với những lời được nó dẫn nhập (11).
Nó là thành phần của một nhóm lời nói mô tả sự biết trước đầy tính tiên tri của Chúa Kitô. Cùng với lời tiên đoán về sự phản bội của Giuđa, việc trốn chạy của các tông đồ, việc chối Thày của Phêrô, và sau đó lời cầu nguyện của Chúa Kitô tại Diệtsimani, nó cho thấy rõ Chúa Kitô biết trước số phận đang chờ đợi Người, Người đang đi tới cái chết tự nguyện. Giữa một ngữ cảnh như thế, giá trị tiên tri trong các lời thiết lập Bí Tích Thánh Thể đã được nhấn mạnh.
Có lý do nào khác cho việc chêm nó vào chỗ này không? Vì chính trong biến cố này, ta có được đặc điểm định ngày của các Phúc Âm Nhất Lãm. Chỉ ở phần này, Bữa Tiệc Ly mới là Bữa Vượt Qua, với đủ cả đầu đuôi.Tình tiết này được nối kết với Bữa Tiệc Ly bằng cụm từ chuyển đoạn: “chiều đến” nguyên tuyền nối nó với một câu truyện hoàn toàn độc lập với nó. Nó được dẫn nhập bằng chi tiết: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua”. Đây có phải là một hồi ức dứt khoát có tính lịch sử hay không? hay chỉ là một diễn trình soạn thảo, để mô tả bữa ăn tối được nó dẫn nhập là bữa Vượt Qua? Cả hai đều có thể. Biết bữa ăn như Bữa Vượt Qua có thể dẫn tới việc thêm vào đó yếu tố thời gian. Ấy thế nhưng, nếu Thánh Gioan đúng, thì đặc tính Vượt Qua của bữa ăn hẳn phải vì một điều gì khác. Có thể vì ý muốn của Chúa Kitô, thiết lập Phép Thánh Thể như một nghi thức Vượt Qua dù nó được cử hành trước Lễ Vượt Qua. Trong trường hợp này, truyền thống mà Nhất Lãm dựa vào, một truyền thống đúng khi diễn tả Bữa Tiệc Ly như Bữa Vượt Qua, đã lầm về ngày định cho nó. Vì nó được biết như là Bữa Vượt Qua, nên nó đã được định ngày như thế (12). Tính thần học của nó vẫn có giá trị, vì đây là novum Pascha novi Regis (Lễ Vượt Qua Mới Của Vua Mới), dù ngày không đúng.
Nhưng tự nó, lối giải thích của Jaubert xem ra cũng hợp lý như điều trên. Cô nghĩ rằng khi truyền thống khởi đầu được bứng khỏi môi trường Palestine, các chi tiết về thời gian của nó được thêm vào bởi những người không biết gì tới một lễ Vượt Qua nào khác ngoài Lễ Vượt Qua hợp luật trong khi thực sự có một Lễ Vượt Qua được cử hành theo lịch mà họ không biết. Đó là truyền thống được Phúc Âm Máccô tiếp nhận và được hai Phúc Âm Nhất Lãm khác bước theo chân (13).
Nhưng chi tiết thời biểu ấy khiến Phúc Âm Máccô gặp khó khăn. Vì các tư tế sau khi quyết định không xử tử Chúa Giêsu vào ngày lễ, cuối cùng lại làm đúng điều đó. Rất có thể Thánh Luca sử gia đã thấy điều đó và tránh được khó khăn này (14).
Trước Thượng Hội Đồng (15)
Luca, một lần nữa, lại tách khỏi Mátthêu và Máccô. Trong khi hai vị nhắc đến hai phiên họp của Thượng Hội Đồng, một ban đêm, một ban sáng (16), thì Luca chỉ nhắc tới phiên họp buổi sáng (17), mặc dù Chúa Giêsu đã bị dẫn từ vườn tới nhà thượng tế, nơi xẩy ra việc Phêrô chối Thày 3 lần trong đêm.
Như thế có tất cả mấy phiên họp? Các nhà chú giải chia rẽ nhau về điểm này. Có phải Luca có nhiều tín liệu chính xác mà Mátthêu và Máccô không có? (18). Phải chăng Luca đề cập tới giai đoạn chót của một cuộc xử án được hai vị kia nói tới? (19) Hay có hai phiên họp riêng biệt?(20)Việc Mátthêu và Máccô cho phiên họp ban đêm có thể giải thích được nhờ việc các ngài đặt việc xử án bên trong câu truyện Phêrô chối Thày, việc mà Luca tách riêng ra. Vấn đề không được giải quyết hoàn toàn trên cơ sở văn chương. Ta vẫn còn phải giải quyết hai phiên toà của Thượng Hội Đồng vào Thứ Tư và vào Thứ Năm do Jaubert đặt ra.
Giờ giấc của các Phúc Âm (21).
Phải nhận rằng giờ giấc trong Phúc Âm Máccô thật khó mà đứng vững. Sau việc bắt giữ Chúa Giêsu, Phúc Âm này nói đến rạng đông, giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín (22). Trước giờ thứ ba, khoảng 9 giờ sáng, đã xẩy ra phiên tòa của Thượng Hội Đồng, cuộc xuất hiện trước mặt Philatô, cuộc xỉ vả và lên đường vác thánh giá. Nếu thêm trình thuật của Luca về cuộc xuất hiện trước mặt Hêrốt nữa thì khó khăn lại càng gia tăng. Có lẽ Thánh Luca hiểu điều đó, nên ngài đã bỏ việc Thánh Máccô nhắc đến giờ thứ ba. Việc Thánh Máccô phân chia các biến cố rất có thể chỉ có tính giản đồ (schematic), tự ý đặt định giờ giấc cho một câu truyện nguyên thủy ít chính xác hơn nhiều, có lẽ vì các giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín được truyền thống coi là những giờ để cầu nguyện (23).
Giờ giấc của Thánh Gioan ít chi tiết hơn thế. Ngài chỉ nhắc tới các giờ Chúa Kitô bị người Do Thái bác bỏ, đó là giờ thứ sáu của ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Điểm nhấn ở đây có tính thần học. Chúa Kitô bị bác bỏ đúng vào lúc người ta loại men cũ trong lúc chuẩn bị lễ Vượt Qua, hay vào giờ sát tế chiên Vượt Qua trong Đền Thờ. Còn thủ tục ấy khởi sự vào ngày trước Lễ Vượt Qua hay không thì còn tùy người ta hiểu cụm từ “Trước Lễ Vượt Qua” của Thánh Gioan ra sao. Nói chung, người ta vẫn hiểu cụm từ ấy có nghĩa: bữa Vượt Qua được ăn vào buổi tối hôm trước. Nếu hiểu theo một nghĩa tổng quát hơn một chút, nó dám còn được ăn sớm hơn nữa trong tuần. Thánh Gioan, khi thuật lại bữa tối, cảnh phiền muộn (agony), cuộc xuất hiện trước Caipha, nhưng không nhắc chi tới các phiên xử tại Thượng Hội Đồng, đã lập tức chuyển sang cảnh xuất hiện trước Philatô bằng cụm từ chuyển đoạn “lúc đó trời vừa sáng”, một cụm từ cho thấy có một khoảng thòi gian trống (24).
Thành thử ra, nguyên một việc phê bình văn chương không đủ để bác bỏ cách giải thích của Jaubert. Chỉ vì các bản văn Phúc Âm có thể được giải thích có lợi cho giả thuyết của cô, chứ không chống lại giả thuyết ấy.
Phê bình thực sự hay phê bình lịch sử
Nhưng nếu nó không bị đánh bại bằng việc xem sét bản văn Phúc Âm, thì quả nó khá lung lay khi ta đặt nghi vấn về khả thể của nó. Căn cứ vào những điều ta biết chắc và biết rõ về Chúa Kitô, liệu có thể có khả năng Người theo phái Essene mà sử dụng một lịch xưa để cử hành Bữa Vượt Qua vào một ngày khác với lịch Đền Thờ chăng? (25).
Căn cứ vào thái độ rõ rệt của Chúa Kitô đối với Đền Thờ và việc thờ phượng của nó, đối với thẩm quyền hiến định, tức thẩm quyền tư tế và biệt phái, việc sử dụng ấy hết sức xa lạ. Đã đành Chúa Kitô vốn cực lực lên án các luật sĩ và biệt phái vì “những truyền thống hư danh” của họ, vì giáo huấn của họ liên quan tới ngày sabát, tục dâng cúng (korban), ăn chay, cúng dường 10 phần trăm (tithing) và rửa ráy theo nghi lễ, nhưng Người vẫn nhìn nhận thẩm quyền của họ một cách rõ rệt (26). Ngay ở phần đầu những lời kết án nhắm vào các luật sĩ và biệt phái trong Phúc Âm Mátthêu, vẫn có việc nhìn nhận thẩm quyền thực sự của họ: họ nắm giữ ngai tòa Môsê (27).
Ở đây, ta không thấy một dấu vết nào về một thái độ đối với những người ủng hộ lịch hợp luật để gợi ý rằng Chúa Kitô từng theo lịch tư tế hay lịch Essene chứ không theo lịch hợp luật. Phái Essene của Qumran nổi tiếng vì một thái độ khác hẳn đối với chức tư tế của Đền Thờ. Họ nổi tiếng vì đã rút chân ra khỏi việc thờ phượng của Đền Thờ (28). Họ không nhìn nhận tính hợp pháp của chức tư tế Đền Thờ và coi các hy lễ Đền Thờ như bất hợp pháp. Một trong các yếu tố tạo ra thái độ ấy rất có thể vì lịch được họ coi là thánh thiêng đã bị Đền Thờ bác bỏ (29).
Bất chấp sự gần gũi nào được chứng tỏ là hiện hữu giữa các Kitô hữu tiên khởi và cộng đồng Qumran (30), không hề có một dấu vết nào cho thấy thái độ như thế đối với các tư tế và Đền Thờ nói chung trong tác phong của Chúa Kitô. Thay vì bác bỏ tính hợp pháp và hợp luật trong các hy lễ của họ, Người đã sai người phong hủi tới xin các tư tế dâng hy lễ (31). Cùng với các môn đệ, Người được tường trình như người tuân giữ các ngày lễ khác của Do Thái đúng theo lịch Do Thái chính thống, đi hành hương Giêrusalem vào những thời điểm được Luật qui định (32). Và trong khi một đàng, Chúa Giêsu và các Tông Đồ cử hành Lễ Cung Hiến Đền Thờ (Encaenia), là lễ không được tài liệu Essene nào nhắc tới, thì đàng khác, trong Phúc Âm không có lời nào nhắc tới những ngày lễ đặc biệt của Essene (33).
Nếu Bữa Tiệc Ly là Bữa Vượt Qua, thì chiên Vượt Qua được giết ở đâu và vào lúc nào? Chắc chắn không ở trong Đền Thờ, vào một ngày bị các tư tế coi là không hợp luật. Nhưng ta không thấy dấu chỉ nào là con chiên ấy được giết tại tư gia vào thời ấy, tại Giêrusalem lại càng không.
Sau cùng, về khả thể việc xử án Chúa Giêsu đã được tiến hành theo qui định của Mishna, thì chí ít cũng có thể nói rằng dùng nó làm căn bản hay để ủng hộ một giả thuyết như giả thuyết của Jaubert là điều thiếu khôn ngoan. Truyền thống lâu đời nhất được hệ thống hóa trong thủ bản của Thượng Hội Đồng thường được gán cho giáo sĩ Meir khoảng giữa thế kỷ thứ hai. Mô tả của ông này bị hoài nghi là không đại diện cho quan điểm của các luật sĩ và khó có thể dựa vào ký ức của những người hiện sống để tìm lại các thực hành của Thượng Hội Đồng trước đại biến năm 70 Công Nguyên. Trong thủ bản của Thượng Hội Đồng, người ta tìm thấy khuynh hướng lý tưởng hóa, và tính nhân đạo hơn của nó hệ ở việc điều chỉnh một hệ thống quá khắc nghiệt nhờ ảnh hưởng tiệm tiến của phe biệt phái. Nhưng người ta không thể chứng minh được rằng ảnh hưởng kia tác động lên thủ tục luật pháp vào thời Chúa Kitô.
Một tác giả Công Giáo, khi kết luận một cuộc nghiên cứu bộ hình luật Mishna, đã viết rằng: “Theo bộ hình luật được mô tả trong Mishna, mọi sự từ trước đến nay bị tấn công là bất hợp pháp trong việc xét xử Chúa Giêsu đều hoàn toàn phù hợp với bộ hình luật đang có hiệu lực hồi ấy. Nó vốn là bộ luật của phái Xa-đốc, và không biết gì hay không nhìn nhận các yếu tố biệt phái, nhân đạo nào của luật Mishna nếu không dựa trên Cựu Ước” (34).
Kết luận
Lịch ‘tư tế’ được một giới hạn chế sử dụng trong và sau thời Chúa Giêsu. Không ai chứng minh được là nó đã được Chúa Giêsu sử dụng vào bất cứ thời điểm nào. Nếu ta có đủ dấu mốc từ các nguồn bên ngoài Phúc Âm để chứng minh khả thể nó từng được sử dụng thì nó vẫn có thể được hòa giải với các dữ kiện thời biểu trong Phúc Âm. Mọi tín liệu ta có trong Phúc Âm đều chỉ về hướng đối nghịch.
Giả thuyết của Jaubert cho thấy một sự liên tục trong thực hành phụng vụ từng lên khuôn cho các trang Cựu Ước, qua văn chương ngoại thư, tài liệu Qumran, và sau cùng là các giáo phụ. Bằng thí dụ cụ thể, nó cho ta thấy giá trị chân thực cũng như các hạn chế của tài liệu Qumran. Quan trọng hơn cả, nó đã buộc ta phải khảo sát việc hình thành của các Phúc Âm và quan tâm hàng đầu của các soạn giả bộ sách này. Một số hạnh có giá trị về cuộc đời Chúa Giêsu đã giúp ta có thói quen đi tìm các hoàn cảnh chính xác về thời gian, nơi chốn và con người. Không một Kitô hữu nào lại chỉ trích, lên án một công trình tìm tòi có giá trị nhằm đem lại một hình ảnh sống động về Con Thiên Chúa trong mọi thực tại nhân bản của cuộc sống hàng ngày nơi Người. Nhưng chúng ta cần phải chấp nhận những gì các phúc âm gia truyền lại và nên hiểu rõ rằng các ngài không nhằm viết lại cho ta một cuốn sách về những giờ phút khổ nạn của Chúa Giêsu. Đối với các ngài, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô không phải là vấn đề tìm tòi thời biểu nhưng là một thảm kịch trong đó nhằm trình bày các kế sách khôn dò của Thiên Chúa trong mầu nhiệm “Chúa Kitô chịu đóng đinh, một gương mù xấu hổ đối với người Do Thái, một điên khùng đối với Dân Ngoại, nhưng với chúng tôi, những người được kêu gọi, bất kể là Do Thái hay Dân Ngoại, Chúa Kitô là sức mạnh của Thiên Chúa, Chúa Kitô là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.
Ghi chú
(1) T.A. Burkill, Numen, 3 (1956). Chúng tôi cũng chỉ vừa được đọc bài tóm tắt lời phê bình của ông trong Theology Digest, số Xuân, 1958, tr.102. Trong bài báo gốc, chắc chắn nó đã được khai triển dài rộng.
(2) Một vài thí dụ có thể đọc trong một bài báo của Australasian Catholic Record năm 1959, tr.205.
(3) Xem V. Taylor, The Formation of the Gospel Tradition, tr.50. Trong The Gospel According to St Mark, ông cho rằng Thánh Máccô tìm thấy một trình thuật Khổ Nạn hiện dụng tại Rôma và khai triển trình thuật này với việc trợ lực của truyền thống Phêrô, tr.658.
(4) J. Leal, S.J., Estudios Ecclesiasticos, 31 (1957), 173-188, như đã được tóm lược trong Theology Digest. Một tóm lược dài hơn trong New Testament Abstracts, số Mùa Đông, 1958, tr.109, cho ta thấy nhiều điểm phê bình rất chi tiết.
(5) Xem Taylor, về đoạn Mc 14:1f: “Một vấn đề cần xem sét là ngày này dựa vào truyền thống lịch sử hay do một kế sách giả tạo, minh giải từ câu 11:1 trở đi, để đem các biến cố Khổ Nạn vào khuôn khổ một tuần lễ”.
(6) Xem “Ceci est mon corps”, “Ceci est mon sang” của J. Dupont, O.S.B., trong Nouvelle Revue Théologique, LXXX, (1958), 1025-1041. Giống phần lớn các tác giả Công Giáo từng viết về Bữa Tiệc Ly, ông dựa vào bài báo của P. Benoit, O.P., Le récit de la cène dans Luc XXII: 15-20. Étude de critique textuelle et littéraire, trong Revue Biblique, XLVIII (1939), 357-393. Từ đó, trình thuật Luca được khảo sát tỉ mỉ bởi Heinz Schurmann trong bộ sách ba cuốn, Der Paschmahlbericht: Lk 22 (7-14) 15-18, Munster 1953; Der Einsetzungsbericht: Lk 22:19, 20, Munster, 1955; Jesu Abschiedsrede: Lk 22:21-38, Munster, 1957.
(7) Lc 22:15f, 35-38
(8) Xem Lc 22:24-27 với Mt 20:25-28 và Mc 10:42-45.
(9) Xem Ga 13:4,5,12-14
(10) Xem Mc 14:18, 22, “Và trong khi họ đang ngồi bàn và ăn uống”, “Và trong khi họ đang ăn uống”. Dupont, 1028.
(11) Xem Delorme, l’Ami du Clergé, 1957, 230 và Joachim Jeremias, The Eucharistic Words of Jesus, Oxford, 1955, tr.64.
(12) Đây là lối giải thích của P. Benoit trong Revue Biblique, LXV (1959), 593. Cũng nên xem Bible de Jérusalem, ghi chú về Mt 26:17.
(13) Lối giải thích này có thể hỗ trợ được bằng gợi ý của Jeremias rằng Mc 14:12, “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua” hoặc là “cách dịch sai hoặc cách phát biểu thiếu sót của một tác giả không phải là Do Thái”, sách đã dẫn, tr.65.
(14) Xem Mc 14:2 với Lc 22:2.
(15) Xem Joseph Blinzler, The Trial of Jesus, Westminster, Maryland, 1959, nhất là Excursus IV, Luke’s Account of the Proceedings Before the Sanhedrin, 115-117.
(16) Mc 14:53-64; Mt 26:57-66
(17) Lc 22:66
(18) Benoit, Jésus Devant le Sanhédrin, Angelicum, XX (1943), 158-160.
(19) Blinzler, sách đã dẫn.
(20) Leal, N.T.A., 109
(21) Delorme, sách đã dẫn 232
(22) Mc 15:1, 25, 33, 42.
(23) Gợi ý là của Delorme. Xem Cv 2:1, 15; 10:9; 3:1.
(24) Delorme, sách đã dẫn, tr. 233
(25) Xem J.T. Milik, Ten Years of Discovery in the Wilderness of Judea, London, 1959, 112f; Benoit, Revue Biblique, LXV (1958), 593f.
(26) V. Taylor, Jesus and His Sacrifice, London, 1955, 71f.
(27) Mt 23:2.
(28) Millar Burrows, More Light on the Dead Sea Scrolls, London, 1958, p.258.
(29) Milik, sách đã dẫn, 82-111.
(30) Phần lớn các sách nói về Qumran đề cập đến những tương đồng này, mặc dù không phải tất cả đều có giá trị lâu dài. Những sách khá nhất cho tới nay là của Milik, khá đáng lưu ý vì một phương diện khác đó là việc có Imprimatur và Nihil Obstat ở các trang đầu, Burrows và Frank Moore Cros, Jr., The Ancient Library of Qumran and Modern Biblical Studies, New York, 1958. J.P. Audet, O.P., gần đây đã thấy ảnh hưởng của lịch ‘tư tế’ trong một chú thích lạ về câu Lc 6:1, “In sabbato deutero-proto”. Xem E. Vogt, S.J., trong Biblica, 40 (1959), 102-105.
(31) Xem Lc 17:14 với Lv 14:10; Mt 5:23ff.
(32) Nhất là trong Gioan như 2:13; 5:1; 6:4; 7:2, 10; 10:22.
(33) Milik cho rằng điều này làm giả thuyết của Jaubert trở thành bất khả thể. Xem tài liệu đã dẫn, 113.
(34) Blinzler, đã dẫn, Excursus VI “On the Question of Whether the Mishnic Code Was in Operation in the Time of Jesus” 149-156.
Viết theo Jerome Crowe C.P., The Australasian Catholic Record, Vol.XXXVII, April 1960, no.2