15 giờ 00 thứ ba, 02.02.2010, nhân ngày Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, Ngày Quốc tế Đời sống Thánh hiến lần thứ 14, gần 300 tu sĩ nam nữ thuộc các Hội Dòng đang hoạt động tại Giáo Hạt Đàlạt đã quy tụ về Nhà thờ Chánh Tòa để hành hương Năm Thánh.

Các tu sĩ cùng tham dự Giờ Thánh và đặt mình trước Chúa Giêsu Thánh Thể, được cha Anphongsô Nguyễn Công Minh (ofm), cũng là đại diện Tu sĩ của Giáo Hạt Đàlạt, hướng dẫn suy niệm về bản chất của Người Tu sĩ theo Chủ đề Năm Thánh của Giáo hội Việt nam. Qua đó để hiểu rằng mỗi tu sĩ đều gắn chặt vào đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội; đều được kêu gọi và quy tụ bởi Lời Chúa và bởi Đức Kitô Phục sinh, sống phục vụ và yêu thương trong sự đồng tâm nhất trí. Nhất là “nếu người tín hữu bình thường đã phải loan báo Tin Mừng, thì người tu sĩ càng phải loan báo, và nhất là với ba lời khấn, làm chứng cho thực tại Tin Mừng là Nước Trời đang hoàn thành tại trần gian này”. Sau đó, mỗi người đã có những giây phút hồi tâm, xét mình và lãnh nhận Bí tích Hòa giải.



Đúng 17 giờ 15, Đức Cha Phêrô và 12 Linh mục trong Giáo Hạt Đàlạt dâng Thánh lễ cầu nguyện cho những người sống đời thánh hiến.

Thánh lễ được bắt đầu với Nghi thức làm phép nến, trước các tu sĩ mà mỗi tu sĩ một ngọn nến sáng trong tay, Đức Cha mời gọi mọi người hiệp ý cầu nguyện cho các tu sĩ trong ngày lễ đặc biệt này, để như những ánh nến, cuộc đời mỗi tu sĩ cũng phải được cháy sáng và mang ánh sáng của Đức Kitô đến cho tha nhân.

Với những ý nghĩa về ngày lễ “Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh” và dưới ánh sáng của các bài Đọc Lời Chúa (Ml 3,1-4; Dt 2,14-18; Lc 2,22-32), Đức Cha Phêrô nhắc lại biến cố Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh năm xưa và cho thấy việc này không chỉ là một nghi lễ, mà còn cho thấy Đức Giêsu luôn biết mình thuộc về Chúa Cha trong sự hiện hữu và sự sống của Ngài, Đức Giêsu luôn trung thành với ý muốn của Chúa Cha là xuống thế gian mang lấy thân phận con người để cứu chuộc loài người. Đức Cha cũng nhắc lại: mọi Kitô hữu cũng đã được thánh hiến qua Bí tích Rửa Tội, cũng được mời gọi để bước theo Đức Kitô và loan báo Tin mừng cứu độ của Ngài.

Với việc Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II thiết lập “Ngày Quốc Tế Đời sống Thánh hiến” vào năm 1997, Đức cha Phêrô chia sẻ cùng các tu sĩ nam nữ hiện diện:

“Nhân ngày Quốc tế cầu nguyện cho đời sống thánh hiến, xin chia sẻ với anh chị em về những điểm căn bản của đời sống đời thánh hiến.

Như vừa nói, các Kitô hữu đều được thánh hiến để thuộc về Thiên Chúa, được mời gọi để “nên thánh như Cha là Đấng Thánh” (Mt 5,48). Ngoài ơn gọi cơ bản ấy, Thiên Chúa còn có nhiều con đường, nhiều cách thức để thánh hóa và làm cho con người có thể tham dự trọn vẹn vào đời sống của Thiên Chúa.

Đời sống thánh hiến phải nhìn vào gương mẫu là chính Chúa Giêsu: Ngài được Chúa Cha thánh hiến và từ sự hiến thánh này Ngài đã thánh hóa thế gian. Người tu sĩ cũng phải sống đúng bản chất ơn gọi của mình, để mọi hệ quả từ đời sống thánh hiến sẽ giúp những việc làm của chúng ta thánh thiện và có thể thánh hiến người khác.

Đời sống thánh hiến là phải bước theo Chúa Giêsu: Mọi Kitô hữu đều được mời gọi đi theo Đức Kitô, nhưng nơi người sống đời thánh hiến, bước theo Chúa Giêsu cách cụ thể là sống ba lời khuyên Phúc Âm.

* Một Chúa Giêsu khiết tịnh: Vì Ngài hoàn toàn thuộc về Chúa Cha trong một Tình Yêu duy nhất mà không thuộc về bất cứ ai khác.

* Một Chúa Giêsu nghèo khó: “chim trời có tổ, con cáo có hang, còn Con Người không chỗ dựa đầu”. Một hình ảnh đơn sơ nhưng diễn tả cách cụ thể Ngài đã khước từ tất cả để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

* Một Chúa Giêsu vâng phục: Chúa Giêsu vâng phục Thánh ý Chúa Cha cách trọn vẹn và hoàn hảo, Ngài lấy Thánh ý Chúa Cha làm lẽ sống, làm lương thực của mình.

Khi đã được mời gọi, chúng ta đáp trả và đi theo Đức Kitô, thì phải hiểu chúng ta hoàn toàn tận hiến và sống cho Thiên Chúa, biết tìm và thực thi Thánh ý Thiên Chúa chứ không làm theo ý riêng mình. Điều này rất khó, nhưng sức mạnh tiếng gọi của Thiên Chúa sẽ lôi kéo chúng ta biết từ bỏ mình và làm theo Thánh ý Chúa. Khi biến những lời khuyên thành lời khấn cũng không làm cho việc chúng ta theo Đức Kitô khác đi, nhưng chỉ muốn nói lên sự quyết tâm được diễn tả bằng một nghi lễ.

Để có thể bước theo Chúa, người sống đời thánh hiến phải dấn thân nhiều hơn, bước theo Chúa cách sát sao, gần gũi, quả cảm hơn. Chỉ như vậy, chúng ta mới thật sự tham gia vào trong con người và sứ vụ của Đức Kitô.

Chúa Giêsu liên lỉ cầu nguyện, lúc nơi thanh vắng, khi lên núi cao, đặc biệt khi đứng trước những chọn lựa hay những quyết định quan trọng. Một người được gọi theo Đức Kitô cách triệt để cũng phải nhìn lại đời sống cầu nguyện của mình theo gương mẫu và cách thức của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu dành phần lớn cuộc đời công khai của Ngài để đi rao giảng, Ngài là một con người luôn di chuyển, không bao giờ dừng lại. Nếu theo Ngài, chúng ta cũng phải ra đi chia sẻ Tin mừng và hồng ân Chúa đã ban, để mọi người cùng được tham dự và được đón nhận.

Chúa Giêsu không bao giờ khước từ những ai đến với Ngài, nhất là những người tội lỗi, bệnh tật, nghèo khó. Chẳng những không khước từ, mà thậm chí Ngài như vượt quá sức mình, khiến người ta có cảm giác Ngài không còn bình thường ! Chúng ta phải có một con tim biết rung động, một cái nhìn cảm thông yêu thương với những người bệnh tật, nghèo khó, tội lỗi. Nếu không, có lẽ giữa chúng ta và Đức Kitô không có sự liên hệ mật thiết.

Còn rất nhiều điều để chúng ta chiêm ngưỡng và bắt chước khi đi theo Đức Kitô, nhưng có thể nhìn cách tổng quát: Đức Kitô luôn nói, rao giảng, làm phép lạ dưới quyền năng Chúa Thánh Thần. Đức Kitô có thể làm tất cả vì Ngài luôn có tâm hồn rộng mở để Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Ngài. Ngài rao giảng về Chúa Thánh Thần, và qua quyền năng của Chúa Cha, Ngài ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Là tu sĩ, là người làm việc cho Chúa, nếu không để Thánh Thần hoạt động trong mình mà chỉ dựa vào sức riêng, thì việc thánh hiến chỉ là tên gọi nhưng thật sự không có sự sống bên trong.

Nếu anh chị em còn muốn thêm một điều gì đó trong những điều chúng ta cần phải thêm, tôi nghĩ rằng cần thấy Đức Kitô không hoạt động đơn độc mà Ngài đã thiết lập Hội Thánh. Một mình Ngài đủ sức cứu rỗi toàn thể nhân loại, nhưng trong ý muốn của Chúa Cha, sứ mạng của Đức Kitô phải được tiếp nối trong Hội thánh. Một tu sĩ không thể sống ơn gọi, không thể thực hiện đặc sủng của mình nếu không thực hiện ngay trong lòng Hội Thánh, kết hợp với Hội Thánh và cho Hội Thánh. Có rất nhiều dòng, nhiều linh đạo, nhưng cuối cùng chúng ta cũng vẫn là một Hội Thánh duy nhất. Đó chắc chắn là một trong những điều chúng ta được mời gọi để sống ơn gọi của mình trong lòng Hội Thánh, với Hội Thánh và cho Hội Thánh.

Chúng ta có thể gặp được những ý tưởng đó cách sâu sắc trong ý nghĩa của Thánh lễ này, được thể hiện nơi Đức Giêsu là Con Chí ái của Chúa Cha, người Con làm đẹp lòng Cha mọi đàng, người Con kêu gọi chúng ta hãy theo Ngài, bắt chước Ngài và hoạt động trong Ngài”.



Sau Thánh lễ, các tu sĩ nam nữ cùng quây quần để chúc tết Đức Cha và Quý Cha. Thật đầm ấm và trìu mến qua lời của một đại diện: “chúng con, những người con của Giáo phận, mượn giây phút này để xum họp bên Đức Cha - người cha, người bố, người ba thân thương…”; một tình liên đới sâu sắc: “là người con, hơn ai hết, chúng con thấu cảm với những trách nhiệm bộn bề, những ưu tư thao thức của Đức cha đối với từng người con… Chúng con xin mượn lời Thánh vịnh 115 để cầu chúc: Chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che cho Đức Cha - Chính Chúa nhớ đến và ban phúc cho Đức Cha, cho Giáo phận, cho Giáo hội Việt Nam”…

Trong lời đáp từ, Đức Cha Phêrô cám ơn về sự hiện diện của các Hội Dòng trên phần đất của Giáo phận, cùng chung tay góp sức, yêu thương và hiệp nhất để xây dựng Hội Thánh địa phương. Ngài cũng bày tỏ lòng tôn trọng và quý mến của hàng Linh mục và giáo dân dành cho các tu sĩ. Đức Cha cầu chúc các tu sĩ nam nữ luôn có được sự bình an và hạnh phúc trong đời tu để tiếp tục hợp tác, yêu thương phục vụ để loan báo Tin mừng.

Ban Tổ chức cũng không quên gởi đến mỗi tu sĩ một “lộc xuân Lời Chúa” và những món quà cho từng cộng đoàn.