Đôi lời giải thích
Tiếp theo sau bài viết của linh mục Nguyễn Hồng Giáo OFM đăng tải trên Vietcatholic ngày 29-09-2009, mang tựa đề “Lạy Chúa, chúng con không biết ăn nói!” , tôi đã viết bài, “Cứ phải nói, dù không biết nói” , cũng đăng tải trên VietCatholic ngày 02-10-2009. Vì cả hai anh em chúng tôi cùng là tu sĩ Dòng Phan-xi-cô, nên có người đã lấy câu tục ngữ Việt Nam để nhắc khéo tôi: “Gà cùng một mẹ… chớ hoài đá nhau!” Là anh em cùng Dòng, chúng tôi yêu mến tôn trọng nhau, nhưng dựa vào nguyên tắc hiệp nhất trong đa dạng, chúng tôi chấp nhận nhau khác biệt để bổ túc cho nhau. Chỉ cách đây mấy hôm, chúng tôi gặp nhau vẫn vui vẻ trò chuyện. Nay bài “Tiên tri Giô-na bướng bỉnh” đăng tải trên Vietcatholic ngày 15-10-2009, cũng của cha Giáo, lại gợi hứng cho tôi viết bài này. Từ câu chuyện Giô-na mà người Ki-tô hữu nào đọc Kinh Thánh cũng biết, chúng ta có thể có nhiều cách nhìn khác nhau, không phải để loại trừ, nhưng bổ túc cho nhau.
Để những độc giả không thuộc lòng câu chuyện Giô-na khỏi mất công mở Sách Thánh, tôi xin nhắc lại:
Đại khái câu chuyện Giô-na
Giô-na là một nhân vật sống vào thế kỷ VIII trước Đức Giê-su, nhưng cuốn sách mang tên ông chỉ được viết vào lối thế kỷ V. Câu chuyện đại khái như sau: Chúa sai ngôn sứ Giô-na đến thành Ni-ni-vê cảnh cáo dân thành về tội ác của họ. Nhưng thay vì đi Ni-ni-vê như Chúa dạy, vị ngôn sứ đã xuống tàu đi về một hướng khác, chắc không ngoài mục đích để khỏi phải nói Lời Chúa. Thình lình phong ba bão táp nổi lên dữ dội. Người trong tàu bắt thăm xem ai là người có tội khiến cho trời đất trút cơn thịnh nộ lên mọi người như thế. Thăm bốc ra, trúng phải Giô-na. Ông liền thú tội, và ngay sau đó xin người ta quẳng ông xuống biển. Cực chẳng đã, thuỷ thủ nghe lời. Nhưng Giô-na vừa xuống nước, thì một con cá khổng lồ đã nuốt chửng vị ngôn sứ. Ông ở trong đó ba ngày ba đêm, có đủ thì giờ làm một bài thơ không ăn nhằm gì với người đang ở trong bụng cá hết. Sau đó con cá nhả ông trên bãi biển. Lần này thì cực chẳng đã ông vâng lệnh Chúa đi Ni-ni-vê cho họ biết tội của họ đã kêu thấu trời, và nội bốn mươi ngày nữa, Chúa sẽ huỷ diệt hết cả thành. Thế là từ vua chúa đến thứ dân, từ người đến vật, đều nghe lời ngôn sứ mà ăn năn đền tội, nên Chúa đã thương, không phạt như lời Giô-na đã cảnh cáo. Bấy giờ Giô-na buồn chán, vì thấy việc Chúa làm không đi đôi với lời Chúa đã dạy mình nói. Ông bực tức đi ra ngoại thành tìm một nơi vắng vẻ cho khuây khoả. Lúc ấy Chúa cho một cây thầu dầu mọc lên nơi Giô-na nằm ngủ để che cho mát. Nhưng khi ông tỉnh dậy thì cây thầu dầu đã bị một con sâu cắn chết. Đang lúc ông bực mình thì Chúa giải thích cho ông rõ là cây thầu dầu kia, ông không mất công chăm nom vun xới, thế mà nay nó chết đi cũng làm ông buồn, thì làm sao Chúa không xót dạ đau lòng khi thấy hơn một trăm ngàn con dân Ni-ni-vê gặp tai ương hoạn nạn, làm sao Chúa không chạnh lòng thương xót khi thấy dân thành đã thực tình sám hối ăn năn! Đại khái câu chuyện Giô-na là như thế.
Các nhân vật trong câu chuyện Giô-na
Trong câu chuyện này, tất cả các nhân vật đều đáng mến đáng yêu, từ cảnh thiên nhiên đến con người, ngay cả thú vật nữa. Chẳng hạn, khi phong ba bão táp nổi lên, thì biển cả thật đáng kinh đáng sợ, nhưng vừa khi thuỷ thủ quẳng Giô-na xuống biển, thì sóng yên biển lặng như tờ. Còn con cá khổng lồ, nếu có nuốt chửng vị ngôn sứ, chỉ là để cứu sống ông, và không những thế, lại còn đem ông tới nơi Chúa muốn. Cây thầu dầu trước khi bị một con sâu cắn chết, thì đã tạo bóng mát cho Giô-na khỏi bị nóng bức mùa hè thiêu đốt. Còn vua chúa cũng như con dân thành Ni-ni-vê, thì vừa nghe lời cảnh cáo của Giô-na đã vội vàng ăn năn sám hối, không chần chừ một giây. Như thế, từ người đến vật, đến cảnh thiên nhiên, tất cả đều dễ thương dễ mến trong cuốn sách này.
Riêng ngôn sứ Giô-na
Trừ một nhân vật: một tín hữu Do-thái, một vị ngôn sứ Chúa đã chọn, đó là Giô-na. Trước hết, khi Chúa dạy ông phải tới Ni-ni-vê thì ông đã không tuân lệnh. Được giao sứ mạng cao cả là đi nói lời Chúa, ông đã tìm đường lẩn trốn. Ông xuống tàu, không phải để đến nơi Thiên Chúa đã chỉ, nhưng là để đến một nơi khác. Cuối cùng, cực chẳng đã, ông đã tới Ni-ni-vê kêu mời dân chúng nghe lời cảnh cáo của Chúa. Nhưng khi dân chúng ăn năn trở lại, và vì đó, Chúa không còn phạt Ni-ni-vê như lời Người đã cảnh cáo, thì Giô-na nổi giận, thay vì mừng vui vì người tội lỗi đã nghe lời ngôn sứ. Khi ông ngồi dưới nắng hè, mà Chúa cho một cây thầu dầu mọc lên đem lại cho ông bóng mát, ông không nói được một lời cảm ơn. Nhưng vừa khi một con sâu cắn chết cây thầu dầu, thì ông đã buông lời trách móc đến nỗi xin Chúa cho mình chết cho rồi. Như thế, ở đây ngôn sứ không phải là người đã làm gương tốt cho dân Chúa, không phải là người đứng về phe người có tội để cảm tạ khi thấy Chúa khoan dung, cũng không phải là người đứng về phe Chúa để nhanh nhẩu hăng say đi rao giảng lời Chúa, và phấn khởi mừng vui khi thấy tội nhân ăn năn trở lại. Đối diện với con dân thành Ni-ni-vê đã mau mắn nghe lời Chúa cảnh cáo mà ăn năn đền tội, từ bậc vua chúa đến kẻ thứ dân, không chỉ con người mà cả đến súc vật đều nhịn ăn nhịn uống để tỏ lòng sám hối, thì ngôn sứ Giô-na là kẻ bất tuân lệnh Chúa, tìm cách để khỏi chu toàn sứ mệnh của mình. Đối diện với một Thiên Chúa giàu lòng xót thương, ngôn sứ Giô-na chỉ là một con người nhỏ nhoi ti tiện, trước sau chỉ quan tâm đến bản thân mình. Thật ra thì trước mặt Thiên Chúa, Giô-na hay là ai đi nữa, cũng chỉ là những con người phàm hèn tội lỗi mà thôi. Nhưng điều đáng nói là trong câu chuyện Giô-na, từ thiên nhiên như biển cả, từ vật đến người, kể cả những người đã từng khiến Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ, đều tỏ ra dễ thương dễ mến, ngoại trừ một con người, lẽ ra phải tốt lành nhất, gương mẫu nhất, là ngôn sứ Giô-na, cuối cùng lại xuất hiện như nhân vật tầm thường nhất, nếu không nói là tệ hại nhất.
Kết luận
Được bài cha Nguyễn Hồng Giáo thúc đẩy, tôi đã đọc lại câu chuyện Giô-na, và khám phá ra tính thời sự của câu chuyện. Thời sự không ở chỗ lời Chúa được công bố để đem đến một sự thay đổi cho cái xã hội đang băng hoại mục nát từng ngày như chúng ta đang chứng kiến, nhưng thời sự ở chỗ những người có trách nhiệm cao nhất lẽ ra phải mạnh dạn lấy lời Chúa để thức tỉnh, để răn đe, thì đã đành tâm ngủ vùi, ngay giữa lúc phong ba bão táp. Đọc các thông tin liên quan đến đại hội các Giám mục vừa qua tại Xuân Lộc, tôi thầm nghĩ: Bao lâu Giô-na chưa bị ném xuống biển, thì lời Chúa vẫn còn bị chôn chặt trong tâm trí Giô-na, thay vì được công bố. Vậy thì bao lâu các thuỷ thủ chưa ném Giô-na xuống biển, để rồi ông lại được một con cá mập cứu sống, và sau đó chịu đi công bố lời Chúa, ta hãy kiên tâm chờ, và đừng để mất niềm hy vọng là cuối cùng lời Chúa sẽ được công bố, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.
Sài-gòn, ngày 16 tháng 10 năm 2009
pascaltinh@gmail.com
Tiếp theo sau bài viết của linh mục Nguyễn Hồng Giáo OFM đăng tải trên Vietcatholic ngày 29-09-2009, mang tựa đề “Lạy Chúa, chúng con không biết ăn nói!” , tôi đã viết bài, “Cứ phải nói, dù không biết nói” , cũng đăng tải trên VietCatholic ngày 02-10-2009. Vì cả hai anh em chúng tôi cùng là tu sĩ Dòng Phan-xi-cô, nên có người đã lấy câu tục ngữ Việt Nam để nhắc khéo tôi: “Gà cùng một mẹ… chớ hoài đá nhau!” Là anh em cùng Dòng, chúng tôi yêu mến tôn trọng nhau, nhưng dựa vào nguyên tắc hiệp nhất trong đa dạng, chúng tôi chấp nhận nhau khác biệt để bổ túc cho nhau. Chỉ cách đây mấy hôm, chúng tôi gặp nhau vẫn vui vẻ trò chuyện. Nay bài “Tiên tri Giô-na bướng bỉnh” đăng tải trên Vietcatholic ngày 15-10-2009, cũng của cha Giáo, lại gợi hứng cho tôi viết bài này. Từ câu chuyện Giô-na mà người Ki-tô hữu nào đọc Kinh Thánh cũng biết, chúng ta có thể có nhiều cách nhìn khác nhau, không phải để loại trừ, nhưng bổ túc cho nhau.
Để những độc giả không thuộc lòng câu chuyện Giô-na khỏi mất công mở Sách Thánh, tôi xin nhắc lại:
Đại khái câu chuyện Giô-na
Giô-na là một nhân vật sống vào thế kỷ VIII trước Đức Giê-su, nhưng cuốn sách mang tên ông chỉ được viết vào lối thế kỷ V. Câu chuyện đại khái như sau: Chúa sai ngôn sứ Giô-na đến thành Ni-ni-vê cảnh cáo dân thành về tội ác của họ. Nhưng thay vì đi Ni-ni-vê như Chúa dạy, vị ngôn sứ đã xuống tàu đi về một hướng khác, chắc không ngoài mục đích để khỏi phải nói Lời Chúa. Thình lình phong ba bão táp nổi lên dữ dội. Người trong tàu bắt thăm xem ai là người có tội khiến cho trời đất trút cơn thịnh nộ lên mọi người như thế. Thăm bốc ra, trúng phải Giô-na. Ông liền thú tội, và ngay sau đó xin người ta quẳng ông xuống biển. Cực chẳng đã, thuỷ thủ nghe lời. Nhưng Giô-na vừa xuống nước, thì một con cá khổng lồ đã nuốt chửng vị ngôn sứ. Ông ở trong đó ba ngày ba đêm, có đủ thì giờ làm một bài thơ không ăn nhằm gì với người đang ở trong bụng cá hết. Sau đó con cá nhả ông trên bãi biển. Lần này thì cực chẳng đã ông vâng lệnh Chúa đi Ni-ni-vê cho họ biết tội của họ đã kêu thấu trời, và nội bốn mươi ngày nữa, Chúa sẽ huỷ diệt hết cả thành. Thế là từ vua chúa đến thứ dân, từ người đến vật, đều nghe lời ngôn sứ mà ăn năn đền tội, nên Chúa đã thương, không phạt như lời Giô-na đã cảnh cáo. Bấy giờ Giô-na buồn chán, vì thấy việc Chúa làm không đi đôi với lời Chúa đã dạy mình nói. Ông bực tức đi ra ngoại thành tìm một nơi vắng vẻ cho khuây khoả. Lúc ấy Chúa cho một cây thầu dầu mọc lên nơi Giô-na nằm ngủ để che cho mát. Nhưng khi ông tỉnh dậy thì cây thầu dầu đã bị một con sâu cắn chết. Đang lúc ông bực mình thì Chúa giải thích cho ông rõ là cây thầu dầu kia, ông không mất công chăm nom vun xới, thế mà nay nó chết đi cũng làm ông buồn, thì làm sao Chúa không xót dạ đau lòng khi thấy hơn một trăm ngàn con dân Ni-ni-vê gặp tai ương hoạn nạn, làm sao Chúa không chạnh lòng thương xót khi thấy dân thành đã thực tình sám hối ăn năn! Đại khái câu chuyện Giô-na là như thế.
Các nhân vật trong câu chuyện Giô-na
Trong câu chuyện này, tất cả các nhân vật đều đáng mến đáng yêu, từ cảnh thiên nhiên đến con người, ngay cả thú vật nữa. Chẳng hạn, khi phong ba bão táp nổi lên, thì biển cả thật đáng kinh đáng sợ, nhưng vừa khi thuỷ thủ quẳng Giô-na xuống biển, thì sóng yên biển lặng như tờ. Còn con cá khổng lồ, nếu có nuốt chửng vị ngôn sứ, chỉ là để cứu sống ông, và không những thế, lại còn đem ông tới nơi Chúa muốn. Cây thầu dầu trước khi bị một con sâu cắn chết, thì đã tạo bóng mát cho Giô-na khỏi bị nóng bức mùa hè thiêu đốt. Còn vua chúa cũng như con dân thành Ni-ni-vê, thì vừa nghe lời cảnh cáo của Giô-na đã vội vàng ăn năn sám hối, không chần chừ một giây. Như thế, từ người đến vật, đến cảnh thiên nhiên, tất cả đều dễ thương dễ mến trong cuốn sách này.
Riêng ngôn sứ Giô-na
Trừ một nhân vật: một tín hữu Do-thái, một vị ngôn sứ Chúa đã chọn, đó là Giô-na. Trước hết, khi Chúa dạy ông phải tới Ni-ni-vê thì ông đã không tuân lệnh. Được giao sứ mạng cao cả là đi nói lời Chúa, ông đã tìm đường lẩn trốn. Ông xuống tàu, không phải để đến nơi Thiên Chúa đã chỉ, nhưng là để đến một nơi khác. Cuối cùng, cực chẳng đã, ông đã tới Ni-ni-vê kêu mời dân chúng nghe lời cảnh cáo của Chúa. Nhưng khi dân chúng ăn năn trở lại, và vì đó, Chúa không còn phạt Ni-ni-vê như lời Người đã cảnh cáo, thì Giô-na nổi giận, thay vì mừng vui vì người tội lỗi đã nghe lời ngôn sứ. Khi ông ngồi dưới nắng hè, mà Chúa cho một cây thầu dầu mọc lên đem lại cho ông bóng mát, ông không nói được một lời cảm ơn. Nhưng vừa khi một con sâu cắn chết cây thầu dầu, thì ông đã buông lời trách móc đến nỗi xin Chúa cho mình chết cho rồi. Như thế, ở đây ngôn sứ không phải là người đã làm gương tốt cho dân Chúa, không phải là người đứng về phe người có tội để cảm tạ khi thấy Chúa khoan dung, cũng không phải là người đứng về phe Chúa để nhanh nhẩu hăng say đi rao giảng lời Chúa, và phấn khởi mừng vui khi thấy tội nhân ăn năn trở lại. Đối diện với con dân thành Ni-ni-vê đã mau mắn nghe lời Chúa cảnh cáo mà ăn năn đền tội, từ bậc vua chúa đến kẻ thứ dân, không chỉ con người mà cả đến súc vật đều nhịn ăn nhịn uống để tỏ lòng sám hối, thì ngôn sứ Giô-na là kẻ bất tuân lệnh Chúa, tìm cách để khỏi chu toàn sứ mệnh của mình. Đối diện với một Thiên Chúa giàu lòng xót thương, ngôn sứ Giô-na chỉ là một con người nhỏ nhoi ti tiện, trước sau chỉ quan tâm đến bản thân mình. Thật ra thì trước mặt Thiên Chúa, Giô-na hay là ai đi nữa, cũng chỉ là những con người phàm hèn tội lỗi mà thôi. Nhưng điều đáng nói là trong câu chuyện Giô-na, từ thiên nhiên như biển cả, từ vật đến người, kể cả những người đã từng khiến Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ, đều tỏ ra dễ thương dễ mến, ngoại trừ một con người, lẽ ra phải tốt lành nhất, gương mẫu nhất, là ngôn sứ Giô-na, cuối cùng lại xuất hiện như nhân vật tầm thường nhất, nếu không nói là tệ hại nhất.
Kết luận
Được bài cha Nguyễn Hồng Giáo thúc đẩy, tôi đã đọc lại câu chuyện Giô-na, và khám phá ra tính thời sự của câu chuyện. Thời sự không ở chỗ lời Chúa được công bố để đem đến một sự thay đổi cho cái xã hội đang băng hoại mục nát từng ngày như chúng ta đang chứng kiến, nhưng thời sự ở chỗ những người có trách nhiệm cao nhất lẽ ra phải mạnh dạn lấy lời Chúa để thức tỉnh, để răn đe, thì đã đành tâm ngủ vùi, ngay giữa lúc phong ba bão táp. Đọc các thông tin liên quan đến đại hội các Giám mục vừa qua tại Xuân Lộc, tôi thầm nghĩ: Bao lâu Giô-na chưa bị ném xuống biển, thì lời Chúa vẫn còn bị chôn chặt trong tâm trí Giô-na, thay vì được công bố. Vậy thì bao lâu các thuỷ thủ chưa ném Giô-na xuống biển, để rồi ông lại được một con cá mập cứu sống, và sau đó chịu đi công bố lời Chúa, ta hãy kiên tâm chờ, và đừng để mất niềm hy vọng là cuối cùng lời Chúa sẽ được công bố, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.
Sài-gòn, ngày 16 tháng 10 năm 2009
pascaltinh@gmail.com