(Vatican News) Trong bài giảng Thánh Lễ sáng nay, ngày 17 tháng Tư năm 2018, ĐGH đã nhấn mạnh đến chuyện kể trong thánh thư về việc Thánh Stê-pha-nô bị ném đá chết, vị thánh tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Một ngôn sứ đích thực là người có khả năng khóc thương cho dân của mình khi họ không quan tâm đến lời mình rao giảng.

Thánh Stê-pha-nô đã mạnh mẽ lên án dân chúng, những bậc trưởng thượng và những kinh sư là những kẻ cứng đầu luôn chống lại Thánh Thần và cũng giống như tổ tiên, họ giết chết các ngôn sứ.

ĐGH nói rằng những người này không có tấm lòng rộng mở, họ không muốn nghe lời Thánh Stê-pha-nô và họ cũng chẳng nhớ gì đến lịch sử dân Do Thái.

Bị lên án vì nói lên sự thật.

Giống như tổ tiên của họ, các kỳ lão và kinh sư đã giết các ngôn sứ, họ đã giận điên lên, xông vào bắt và lôi thánh Stê-pha-nô ra ngoài thành mà ném đá ngài.

ĐGH nói “Khi vị ngôn sứ nói lên sự thật, thì sự thật ấy có thể đánh động trái tim con người để mở cửa lòng đón nhận, mà sự thật ấy cũng có thể biến trái tim con người thành chai đá, giận dữ rồi biến thành bách hại, để kết thúc cuộc đời của vị ngôn sứ ấy.”

Ngôn sứ đích thực khóc thương dân mình.

ĐGH nói rằng sự thật thì đôi khi khó nghe, các ngôn sứ luôn luôn phải đương đầu với cái chết, bị lên án vì nói lên sự thật.

Ngôn sứ đích thực không chỉ nói lên sự thật, nhưng còn có khả năng khóc thương cho những người xa lìa hay chối bỏ sự thật.

ĐGH nhớ đến Chúa Giê-su, một mặt Chúa nghiêm khắc khiển trách dân chúng, gọi họ là “thế hệ xấu xa và ngoại tình ”, nhưng mặt khác Chúa lại khóc thương dân thành Giê-ru-sa-lem.

“Một ngôn sứ đích thự là người có khả năng khóc thương cho dân mình, nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ nói lời ngay thẳng”

Mang lại niềm hy vọng

Để đi sâu thêm vào chủ đề, ĐGH mô tả một ngôn sứ đích thực là người có khả năng mang lại hy vọng: “Hãy mở cửa lòng, chữa lành tận gốc rễ thương tích, khơi lại ý thức dân thuộc về Thiên Chúa để tiến tới.

“Vị ngôn sứ đích thực biết khi nào thì khiển trách, nhưng cũng biết cách để mở tung cánh cửa hy vọng. Một ngôn sứ đích thực đặt mình vào con đường như thế.”

Giáo hội cần nhiều ngôn sứ

Nhớ lại cái chết của Stê-pha-nô dưới sự chứng kiến và ánh mắt sôi sục của chàng trai trẻ Saulo, sau này là Thánh Phaolo để nói lên sự thật và ĐGH đã trích lời của một Giáo phụ xưa rằng “ máu của các thánh tử đạo là hạt giống nẩy sinh các Kitô hữu.”

Giáo Hội cần nhiều ngôn sứ. Điều này có nghĩa là Giáo Hội cần mỗi người chúng ta trở thành ngôn sứ, chứ không phải là nhà phê bình…nhà phê bình không phải là ngôn sứ” Những ai thích phê bình và không bao giờ hài lòng thì không phải là ngôn sứ. Ngôn sứ là người luôn cầu nguyện, nhìn lên Chúa, nhìn đến dân chúng và khi thấy dân chúng lầm lỗi thì biết xót thương.

“Nguyện xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều ngôn sứ phục vụ để giúp cho Giáo Hội luôn tiến bước.”

Giuse Thẩm Nguyễn