Đức Cha Jean Cassaigne, tông đồ người cùi tại Việt Nam (2)

5. VỤ THỪA SAI TẠI NAM-KỲ.

Cha Cassaigne được giao nhiệm vụ gì và ngày 5 tháng 5 năm 1926, Ngài đến nơi nào?

Việt-Nam (lúc ấy người ta chưa dùng tên nầy) nằm ở đông-nam Châu Á. Phía Bắc là Trung-Hoa; phía đông và phía nam là biển; ở phía tây, là Lào và Cao-Miên. Miền bắc Việt-Nam gọi là Băc-Kỳ (Tonkin, chính là vùng ngày trước Jean nhận được bưu thiếp gửi về); miền trung là xứ Annam; phía nam gọi là Nam-Kỳ (Cochinchine) với thủ đô là Sàigòn. Lào, Cao-Miên và 3 Miền của Việt-Nam thành lập Đông-Dương Pháp, với danh nghĩa là thuộc địa hay là đất bảo hộ. Người Pháp thường dùng chữ người An-Nam để chỉ về dân Việt-Nam. Người An-Nam chỉ cư ngụ ở các vùng thấp trủng gần các sông ngòi và ven biển. Họ tránh những vùng núi nhung nhúc muỗi mòng truyền bệnh sốt rét hết sức hãi hùng. Các linh mục Dòng Tên đã đem Kitô-giáo đến vùng Đông-Nam-Á ngay đầu thế kỷ thứ 17. Các linh mục Hội Thừa Sai Paris và các Cha Dòng Đaminh người Tây Ban Nha kế tục họ. Giáo hội địa phương từ lâu đã chịu nhiều cuộc bắt bớ tệ hại. Năm 1926, các vị thừa sai, nhất là các Cha thuộc Hội Thừa Sai Paris, rất đông. Các Vị cộng tác với hàng giáo sĩ An-Nam dồi dào ơn gọi. Công-giáo ở trong các làng mạc và trung tâm rất sống động, chiếm khoảng 10% dân số.

Việt-Nam nằm trong vùng nhiệt-đới, nóng, rất nóng. Dân chúng che ánh nắng mặt trời cháy bỏng bằng cách đội lên đầu một loại nón hình chóp. Khi đến mùa mưa, những cơn giông lắm khi trút xuống như thác đổ. Vì vậy mà có nước ở khắp mọi nơi. Trên các con kênh lạch nối các nhánh của sông cái Mekong, giao thông rất nhộn nhịp: thuyền buồm, tàu hơi nước, ghe có mui, thuyền độc mộc. Cây cối phong phú không giống chút nào với vùng Landes: những cây tre khổng lồ và những cây lá buông thật cao, những cây chuối với lá rộng bản và những cây mít trĩu nặng trái to lớn. Rất nhiều loại cây cối mà Cha Casaigne chưa hề biết. Thảm thực vật cũng rất đa dạng. Ra khỏi các thành phố, thì nhà cửa được lợp bằng lá; tre làm thành hàng rào. Có người Pháp nào mà chẳng ngán sợ khi phải đi qua những cái “cầu khỉ”, những cầu di động làm bằng dây bện lại, treo lơ lững trên các kênh rạch ?

Trong những đồng bằng, là những ruộng lúa thẳng cánh cò bay, ở đó đàn ông và rất đông phụ nữ cấy lúa, chân tay đều ngâm trong nước.

Cha Cassaigne được Đức Giám-mục Sàigòn tiếp đón và sai đi đến một giáo xứ vùng quê để học tiếng Việt. Ngôn ngữ nầy làm người Tây-phương ngạc nhiên vì giọng nói và tính độc âm. Cha Cassaigne học rất nhanh, nhưng Ngài không hài lòng với việc coi sóc một giáo xứ toàn tòng, vì một thừa sai thì phải mang Tin Mừng cho những kẻ chưa tiếp nhận được Phúc Âm.

Chỉ mấy tháng sau, Giám mục của Ngài cử Ngài đi thành lập điểm truyền giáo Di-Linh (Djiring) trên Cao Nguyên, cách Sàigòn 170 cây số về hướng đông-bắc. Vùng núi non nầy chia tách Nam Kỳ với Cao-Miên. Mới non một nửa thế kỷ, các bản đồ để trống vùng nầy với ghi chú: “các vùng đất hoang sơ”. Ở đó sinh sống những người “Mọi” hay “người bán khai”. Đó là những dân tộc rất đa tạp, cư ngụ trên các vùng cao nguyên nầy đã từ rất lâu. Ở đó có những người da đen tóc xoăn có thể có họ hàng xa với người Papou. Quanh Di-Linh, sinh sống người Srê và người Mạ. Họ tránh xa những tiến bộ kỹ thuật và sự phát triển văn hóa của họ rất đơn sơ. Đàn ông và phụ nữ của các bộ lạc nầy có bản tính tự nhiên rất hiền lành và hòa nhã, lại rất hiếu khách. Chưa có người ngoại quốc nào học ngôn ngữ của họ, tiếng Kơ-ho (K’Ho). Không có tự điển, bởi vì người dân tộc không hề biết đến chữ viết.

Đối với Cha Cassaigne, đây là cái mới mẻ. Đúng là một sứ vụ cho một vị thừa sai. Sự thích nghi sẽ mất nhiều thời gian, nhưng Cha rất hạnh phúc. Những khó khăn có thể tiên đoán được chẳng làm Cha sợ hãi, vì “chịu đau khổ không ngăn trở người ta có hạnh phúc”, như chính Cha đã viết.

Ngài đến nhiệm sở mới vào tháng Giêng năm 1927. Trung tâm của xứ đạo là một xóm nhỏ gọi là Djiring. Trong căn phòng lớn nhất của ngôi nhà mới của Ngài, Ngài đặt làm nhà nguyện. Đó là nơi Ngài sẽ dâng thánh lễ. “Lạy Chúa, Chúa đang ở nơi nhà Ngài đây”.

Ngài máng khẩu súng trên một bức tường. Vị thừa sai đã tặng súng cho Ngài, quả quyết Ngài sẽ dùng tới nó: “cho dù chỉ là để giết mấy con hổ”. Trên ngọn đồi đối diện, vị linh mục nhìn thấy những ngôi nhà lợp rạ của người dân tộc. Những cái chòi nầy với hai mái nhọn thẳng, được xây trên mấy cái cọc. Người ta trèo lên sàn bằng một cái thang đẽo qua loa.

Làm thế nào để tiếp cận với người dân tộc ? Kẹo cho bọn trẻ, tất nhiên rồi. Thuốc sợi cho người lớn, đàn ông và đàn bà, vì nơi nầy, mọi người đều hút thuốc ngay từ khi còn rất nhỏ. Chỉ một thời gian rất ngắn, Cha Cassaigne được mọi người đánh giá cao, đến mức ông chủ làng đã mời Ngài uống, trong một cái ché chung, thứ rượu gạo mà người dân tộc say mê. Nhưng chính bọn trẻ mới là những người thầy đầu tiên dạy tiếng Kơ-ho cho vị khách mới đến. Vạn sự khởi đầu nan. Dần dà, vị thừa sai tiến bộ và có thể xuất bản một cuốn tự điển ngắn gọn. Nhưng Ngài còn phải mất bao nhiêu thời gian nữa để thật sự có thể nói về Chúa bằng ngôn ngữ nầy ?

6. BỆNH PHONG (CÙI)

Người dân nơi đây rất đơn sơ. Y phục của họ bị đơn-giản-hóa tối đa: đàn ông chỉ bận một cái khố quấn quanh hông, phủ ra trên đùi phía trước; đàn bà thường thì mặc váy, nhưng thỉnh thoảng lại cuộn mền. Người dân tộc thường ăn uống rất kém vì thiếu tiên liệu, bởi người Thượng sản xuất ít lương thực. Bệnh tật thì nhiều, nhất là sốt rét (với những cơn sốt) do muỗi truyền bệnh. “Tại sao Ông Noe lại cho lên tàu cái giống muỗi mòng nầy nhỉ ?”. Cha Cassaigne tự hỏi. Những cơn sốt gây ra những cơn đau đầu dễ sợ, những cơn ớn lạnh dữ dội, những cảm giác nóng lạnh. Người nào cố đứng dậy, sẽ bị chóng mặt quay cuồng. Những cơn sốt quật ngã cả những người hùng dũng nhất và thỉnh thoảng giết chết họ. Nhưng căn bệnh đáng sợ nhất lại là BỆNH PHONG CÙI. Đó là một tai ương mà nhân loại chịu đau khổ từ lâu.Trong Phúc Âm, bệnh phong cùi được dùng làm ví dụ để chỉ tình trạng tội lỗi gậm nhắm linh hồn. Quả thật, nó tấn công da và hủy hoại các chi thể con người. Những ngón tay rụng dần. Mắt hết thấy đường. Người bệnh phong cùi chứng kiến mình bị hủy hoại từ từ. Những cách chữa trị hiệu quả chưa có thời ấy.

Cha Cassaigne bắt đầu đi thăm các thôn ấp quanh vùng Di-Linh. Nhờ cái bọc thuốc tây, Ngài sơ cứu nhiều bệnh nhân và băng bó cho họ. Ngài chiếm được lòng tin của tất cả mọi người. Các bệnh nhân phong đến nhà Ngài nhận sự chăm sóc chữa trị và chút ít thức ăn. Nhiều người đến rất thường xuyên. Một người đàn bà đã mười lăm ngày chưa thấy đến, Vị thừa sai đi tìm bà, như Mục Tử tốt lành đi tìm chiên lạc, như Chúa Giêsu đã nói. Ngài tìm thấy bà ta đang hấp hối trong cái chòi tách biệt khỏi một ngôi làng bỏ hoang, nằm trong bóng tối, ngay trên mặt đất.

“Chúa đáng chúc tụng ! Con đã tìm ra người đàn bà”. Bà ta chọn lựa chết ở đây. Ánh mắt bà ngước nhìn về phía người linh mục: “thưa Ông Cố, xin Ngài hãy tránh xa đi. Ngài chẳng thể làm gì cho tôi được đâu !” Vị thừa sai ngồi xuống, nói với bà về Thiên Chúa. “Chúa là Cha chúng ta và Ngài muốn điều lành cho chúng ta. Con đừng sợ”. Đây là lần đầu tiên Ngài nói về Chúa bằng tiếng Kơ-ho. “Chúa sẽ đón con vào thiên đàng, nơi đó con sẽ được vui mừng luôn mãi. Con sẽ đổi da dẻ đầy mụn lở lấy một sắc đẹp vĩnh cửu. Chúa yêu người bị phong cùi và hết thảy mọi loài do Chúa tạo dựng”.

- “Con phải làm gì, thưa Cha ?” Người đàn bà hấp hối hỏi.

- “Con hãy dâng cho Chúa các đau khổ con chịu và hãy tha thứ cho những kẻ đã hất hủi con”.

Lòng nhân hậu của Vị thừa sai đã thuyết phục được người phụ nữ và bà đồng ý chịu rửa tội. Ngài chạy đi tìm nước, vì trong lều không có. Rồi Ngài cho bà ta uống, lau sạch mặt cho bà, sau cùng cho bà chịu bí tích rửa tội với tên thánh “MARIA”. Bà lập lại theo Ngài những câu trong kinh Lạy Cha, mà Ngài dịch ra tiếng Kơ-ho. Maria kiệt sức. Vị linh mục lần chuỗi trong khi chờ bà ta thiếp ngủ. Ngày hôm sau, bà mệt hơn. “Thưa Ông Cố, con sẽ nhớ đến Ông Cố nơi thiên đàng”, người đàn bà nói trước khi chết. Cha Cassaigne tự mình đào một ngôi huyệt. Cái cột tế lễ của người Sré được dùng để làm một cây thập-tự-giá và dựng lên.

Hôm ấy là ngày 8/12/1927, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đối với vị thừa sai, người trở lại Đạo đầu tiên của người Thượng, là một người đàn bà bị phong cùi. Ngài hạnh phúc vì đã mang ơn cứu chuộc đời đời đến cho bà, người mà thế gian coi như rác rưởi, trong khi bà là con cái Chúa như bất cứ người mạnh khỏe nào. Người đàn bà phong cùi sẽ giữ lời hứa và người ta có thể nghĩ rằng những hoa trái tốt tươi do công lao vị thừa sai đem lại, cậy nhờ rất nhiều ở Marie, người đàn bà Sré đầu tiên trở thành Kitô hữu.

“Đó là món quà ngày lễ mà Mẹ Thiên Chúa gửi tặng tôi. Tôi đi đến nhà nguyện đọc một kinh Magnificat với hai hàng lệ chan chứa mừng vui”.

7. LÀNG PHONG VÀ NHỮNG VỤ GẶT ĐẦU TIÊN

Một thời gian ngắn sau lần rửa tội nầy, một hôm khi vừa từ trong rừng đi ra, Vị thừa sai bị một nhóm người cùi với bộ dạng đáng sợ chặn lại. Ngài trở về chòi tranh của Ngài, tay lần chuỗi hạt, cầu nguyện cùng Đức Bà. Họ cản đường Ngài: “Thưa Ông Cố, chúng con quá bất hạnh. Ông Cố hãy làm điều gì đó giúp chúng con. Xin Ông Cố thương xót chúng con”. Vị linh mục hứa sẽ suy nghĩ. Lúc ấy họ mới nới ra và để cho Ngài đi qua. Nhưng Ngài chẳng thể suy nghĩ thực sự, nếu chưa cầu nguyện. Ngài đến trước Bí Tích Thánh Thể để hỏi Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể điều Ngài phải làm. Câu nói: “Xin Ông Cố thương xót chúng con” vang trong đầu Ngài: đó là câu mà mười bệnh nhân phong cùi đã nói, khi Chúa Giêsu gặp họ. Ngài thấy đó một dấu hiệu.

Ít lâu sau, Vị thừa sai đề nghị với các bệnh nhân phong cùi xây dựng một ngôi làng sẽ thành làng của họ. Sẽ không còn một người bệnh phong cùi nào bị hất hủi: mỗi người sẽ được chăm sóc, được cho ở, dạy dỗ và nếu sẵn sàng, thì sẽ được rửa tội. Bởi không thể chữa lành những thân thể bị bệnh quá trầm trọng, Cha Cassaigne xoa dịu các tấm lòng và chữa lành linh hồn họ. Quả nhiên, chỉ ít lâu sau đã mọc lên một xóm nhà tranh do chính người phong cùi dựng lên, được một số người khỏe mạnh giúp đỡ. “Xây dựng, nghĩa là không chết “, vị linh mục nói. Ngài thán phục nghị lực của những bệnh nhân tật nguyền. Những bệnh nhân phong cùi biết rõ là họ được yêu thương. Họ tìm thấy ở đó sức mạnh giúp họ sống và làm việc.

Ngôi làng giống như một ngôi nhà, ở đó Vị linh mục quy tụ con cái mình. Bởi vì đối với vị thừa sai, những người cùi chính là con cái của Ngài. Và Ngài luôn gọi họ như vậy. Ngài quan tâm lo lắng cho những người cùi như một người cha lo cho con cái. Mỗi tuần ba lần, Ngài tự tay chăm sóc họ và băng bó lâu giờ.

Ngôi làng nầy nhanh chóng lớn ra, giống như tất cả mọi ngôi làng mà người ta tìm thấy trên thế giới.Có một người phụ trách. Có những công việc làm: những bệnh nhân lành lặn nhất thì trồng cây ăn trái và rau quanh lều của họ. Rất kỷ luật trật tự. Có những ngày lễ.

Ngày lễ đầu tiên là ngày khánh thành làng mới vào tháng 4 năm 1929. Khởi đầu bằng một Thánh Lễ ngoài trời. Thánh lễ vừa mới chấm dứt, thì một tiếng chiêng mạnh mẽ dóng lên, có lẽ do một bệnh nhân cùi nôn nóng. Tất cả mọi người cười ồ lên. Ngày lễ bắt đầu. Một số đàn ông mặc quần do Cha Cassaigne tặng. Mọi người hút thuốc xả láng, ngay cả những người đã cụt mất các ngón tay và tất cả mọi người đến bên mấy vò rượu, uống bằng những cái vòi tre. Thực phẩm dồi dào: canh rau, cá nướng, sâu cây béo ngậy, thịt heo rừng phơi khô. Thịt trâu được thưởng thức tận tình. Không giới hạn cơm mà người ta cho ớt vào cay xè. Mọi người vô cùng hài lòng. Tiếng cười đầy ắp. Ngày hội mà, một ngày hội đáng nhớ. Những người cùi trở lại làm người như những người khác.

Cha Cassaigne tổ chức những buổi chiếu phim, với những thành công của phim Charlot thêm vào chương trình chiếu. Ai cũng hiểu các phim câm thuở ấy, ngay cả những người chỉ nói tiếng Kơ-ho ! Người cùi cười hô hố. “Nụ cười cũng là một thành phần chữa trị bệnh”, Cha Cassaigne giải thích với tính hài hước cố hữu.

Đó là Ngôi Làng của Niềm Vui.

Rất mau sau đó, làng có nhà nguyện cho rất đông anh em cùi trở lại đạo. Một ngôi làng có thể là làng của niềm vui, nếu không có một nhà nguyện dành cho đông đảo người cùi trở lại đạo ư ? Một ngôi làng có thể là làng của niềm vui sao, nếu như không có một nhà nguyện ở đó vị linh mục cầu nguyện với con cái của Ngài ? Không thể có niềm vui thật sự và bền vững, nếu không có cầu nguyện. Các nhân chứng tham dự những buổi cầu nguyện của người cùi, rất cảm động khi nghe giọng nghiêm trang và sâu trầm của người dân tộc, thấy nó khác biết bao với giọng cầu nguyện của người Việt.

* * *

Chúng ta hãy rời làng người cùi và trở lại đàng sau một chút. Giữa những người Thượng ở Di-Linh có những cuộc trở lại đạo. Người dân tộc đầu tiên trở thành Kitô hữu là một thanh niên hai mươi tuổi, Giuse Braé, được cử hành lễ rửa tội vào ngày 19 tháng 3 năm 1930. Đó là một món quà của Thánh Giuse tặng Cha Cassaigne vốn rất tôn sùng Thánh Cả. Gương của Giuse Braé mau chóng được bắt chước và cả nhà của Braé đã được rửa tội vào đêm Giáng Sinh năm ấy. Nhà nguyện đặt trong nhà của Vị thừa sai không còn đủ chỗ nữa. Cũng cần có một nhà nguyện thật sự. Vị linh mục làm thợ mộc, họa sĩ, v.v… và chẳng bao lâu sau, mọc lên một tòa nhà đơn sơ mà Ngài gọi là nhà kho tinh thần. “Tôi đã có một nhà tạm thật sự. Thật là một niềm an ủi lớn lao khi có thể tự nhủ: ta chẳng đơn độc. Tôi biết rằng có Đấng đang nghe tôi, mỗi cuối ngày, khi tôi đến kể cho Người những nhọc nhằn và vui mừng của tôi”.

8. ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT

Với Cha Cassaigne, trường học cung cấp phương tiện tiếp xúc thường nhật với người dân tộc thiểu-số và là dịp tốt để nói với họ về Thiên Chúa. Nhưng chẳng phải dễ dàng gì. Các trẻ em Sré con của núi rừng, tự do như cơn gió, không chịu được sự gò bó và không biết trường học là cái gì. Chạy, nhảy, leo trèo cây cối hợp với chúng hơn là ngồi một chỗ, chăm chú trước mặt thầy giáo. Không có phần thưởng nào ngoài việc phân phối thuốc hút. Bị cắt thuốc hút là một hình phạt rất nghiêm khắc và rất khó chịu.

Những cuốn sách giáo khoa đầu tiên đến từ Sàigòn. Dần dần, bọn trẻ đã đọc và học viết tiếng Kơ-ho và một chút tiếng Pháp. “Các Bạn không thể tưởng tượng được sự ngạc nhiên và niềm vui của những đứa bé nầy, khi chúng bắt đầu đánh vần; chúng đi từ khám phá nầy sang khám phá khác; D và A viết là DA, theo tiếng Kơ-ho là “nước”; T và I đọc là TI, nghĩa là bàn tay; S và O đọc là SO, con chó”. Nhưng chỉ cần vắng mặt một thời gian ngắn, Vị thừa sai gặp lại các học trò của mình đang rất hài lòng với những điếu thuốc lá loại mới của chúng. Vị linh mục tái xanh mặt. Các trang sách bị xé để cuốn thuốc điếu. Đứa nhỏ nhất lớp đang loay hoay tiếp tục cuộn và liếm giấy in một cách vụng về. Vị thừa sai tìm ra được một giải pháp. Ngài cho đem từ Pháp sang 17 cái ống vố cho đám học trò, mỗi đứa một ống vố; điều nầy khiến chúng hết sức vui mừng và tránh cho sách vở bị phá hoại. Không chỉ có những bài học tổng quát. Còn có cả những giờ thực hành. Một thùng xà-phòng Marseille tới nơi và người ta bận rộn khui nó. Vị linh mục cắt nghĩa cách sử dụng. Người ta tập tắm rửa, tắm cho các em bé và giặt đồ. Sự vệ sinh tiến bộ.

Người dân tộc thiểu-số thích thú tham dự bài học giáo lý được tổ chức dạy giữa trời. Đến để nghe vị linh mục nói là một thú giải trí: Ngài là một người kể truyện tuyệt vời. Những câu truyện rất đơn sơ của Ngài về cuộc đời Chúa Giêsu khiến họ thích thú. Họ hiểu các dụ ngôn của Phúc âm, như dụ ngôn hạt giống tốt nẩy mầm trên đất tốt. Ngài đề nghị với họ lấy Chúa Giêsu và những lời giảng dạy của Chúa làm mẫu gương cho cuộc sống đời thường.

Ngài đã hoàn tất một tập sách giáo lý nhỏ và một cuốn kinh bằng tiếng Kơ-ho. Ngài chú thích: “Đức Trinh Nữ sẽ có được thú vui hoàn toàn mới mẻ: nghe trẻ nhỏ người Sré cầu nguyện bằng tiếng Kơ-ho”.

Cha Cassaigne dốc toàn tâm toàn lực cho công việc thừa sai. Sức khỏe của Ngài bị hao hụt đều đặn và Ngài thường bị kiệt sức. Bệnh sốt rét tái xuất hiện rất đều. Vị linh mục ngưng lại. Ngài đuối sức lắm rồi và thỉnh thoảng Ngài mê sảng. Khi sức khỏe hồi phục, Ngài lại lạm dụng nó không chừng mực cho tới… lần lên cơn sau. Năm 1932, thấy vị thừa sai suy kiệt, các bề trên của Ngài bắt Ngài trở về Pháp tịnh dưỡng. Cha Cassaigne rút ngắn tối đa sự vắng mặt của Ngài và khi đã trở lại, Ngài tự hứa “sẽ chẳng để lộ ra vẻ ốm đau bệnh hoạn nữa”.

Phải rất mau chóng đáp ứng những sự nhu cầu bức thiết của người cùi. Nhu cầu tiền bạc sẽ là một nỗi lo đè nặng trên Ngài đến cùng. Để nuôi sống, chăm sóc, lo cho ăn mặc, lo cho người nghèo ăn ở, suốt đời Ngài phải tìm kiếm các ân nhân vừa có lòng hảo tâm vừa tặng cho tiền bạc.

Trong giáo xứ Di-Linh, ngày càng có nhiều người Việt bên cạnh người Thượng, vì vùng nầy bắt đầu được các nhà trồng trọt người Pháp khai thác và họ đem nhân công từ Bắc-kỳ vào. Chung quanh thành phố, các đồn điền cà phê trù phú. Người ta dễ tin rằng có một lớp tuyết phủ nhẹ các cánh đồng, mỗi khi cà phê ra hoa trắng xóa và tinh khiết. Cha Cassaigne rất mau được biết đến và thán phục khắp cả Nam-Kỳ.

Năm 1938, ba nữ tu người Pháp, Dòng Nữ Tử Bác Ái hay còn gọi là các Soeurs Dòng Vinh Sơn Phaolô, đến để chăm sóc các bệnh nhân cùi và giúp đỡ vị thừa sai đã vất vả 12 năm, không quản ngại sự mệt nhọc và những cơn sốt hành hạ định kỳ. Soeur Marie-Thérèse, Soeur Marie-Claire và Soeur Laurence sẽ trọn đời ở lại phục vụ các bệnh nhân phong cùi. Đối với các con cái thân yêu của Ngài bị bệnh, Đức Cha Cassaigne mong muốn “có những tâm hồn đồng cảm hơn là tâm hồn của một người đàn ông, hầu an ủi những khốn khó lớn lao nầy: những trái tim người mẹ, những trái tim của các nữ tu”.

9. GIÁM MỤC SÀIGÒN TRONG THỜI BIẾN LOẠN

Thế Chiến Thứ Hai nổ ra ngày 1 tháng 9 năm 1939. Nam-Kỳ là một thuộc địa Pháp. Ban đầu, mọi sự vẫn yên tĩnh, vì xung đột khởi đầu ở tận bên Châu Âu xa xôi. Nhưng cuộc sống của Cha Cassaigne sắp thay đổi một cách bất ngờ. Ngày 20/2/1941, Ngài nhận được một bức điện tín khiến Ngài buồn bã. Thật là bất thường khi nhìn thấy Ngài trong trạng thái nầy, đến nỗi người ta phải dò hỏi Ngài ! “Họ đã tấn công dồn dập bắt tôi làm giám mục”, Ngài càu nhàu trả lời. Quả thật, Đức giám mục Sàigòn vừa qua đời năm trước và Tòa Thánh trong thời kỳ khó khăn nầy, tìm một người “biết quy tụ hợp nhất” để kế vị và đã chọn người Cha của những bệnh nhân phong cùi. Vị thừa sai phải rời bỏ Di-Linh. Sự chia ly rất đau lòng cho cả hai phía: anh em Thượng và nhất là những bệnh nhân phong cùi mất người cha của họ; vị linh mục phải xa con cái Ngài. Dù vậy vị thừa sai không do dự vâng lời Tòa Thánh với đức tin và lòng can trường.”Tôi là kẻ từng mơ thành một thừa sai tầm thường; tôi, kẻ đã coi sự nghèo khó của mình là niềm hãnh diện và niềm vui, lại trở thành một hoàng tử của Giáo-Hội. Nhưng, dù người ta sẽ thay y phục và chỗ ở của tôi, thì sẽ chẳng ai thay được con người chất phát nơi tôi”. Khẩu hiệu “Bác Ái và Yêu Thương” (Caritas et Amor) do Ngài chọn, đã nói lên điều đó rất nhiều.

Trong một tờ nhật báo ra tháng 2 năm 1941, một người Việt-Nam mô tả chân dung Ngài: “Cha Cassaigne là một vị thừa sai đích thực, một vị tông đồ đích thực của Chúa Kitô và là một người Pháp đích thực. Ngài đã đến để yêu thương người dân bản xứ, để sống cho họ và với họ, để đem lại cho họ nhiều điều tốt lành của đạo Công-giáo và của nền văn minh Pháp. Ngài làm tôi nhớ lại khẩu hiệu của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, quan thầy các Nhà Truyền-giáo: YÊU THƯƠNG, PHỤC VỤ, MỈM CƯỜI. Bản thân tôi cũng bị nụ cười của Ngài chinh phục. Bởi vì Cha Cassaigne, chính là SỰ VUI VẺ, SỰ ĐƠN SƠ, LÒNG NHÂN HẬU, nghĩa là sự thánh thiện đích thực”.

Ngày 24/6/1941, ngay từ 7 giờ sáng, chuông các nhà thờ Sàigòn đồng loạt đổ vang, báo tin lễ tấn phong Đức Cha Cassaigne. Nghi lễ diễn ra ở Nhà Thờ Chính Tòa. Đám đông ken dày: có những bạn bè đến từ khắp nơi… và những anh em Thượng đi thành đoàn đại diện. Các anh em Thượng bận y phục ngày lễ; họ làm khách tham dự thấy vui thích, mặc dù nhiều người An-Nam tỏ ra khó chịu trước cảnh tượng ấy.

Nghi lễ phụng vụ dài, quá dài đối với anh em Thượng. Họ liền rời chỗ để đi tham quan tháp chuông. Khi ra khỏi nhà thờ chính tòa và bị đám đông xô lấn khiến họ hoảng sợ, họ liền trèo lên cây cao để nhìn đám rước. Đức Cha Cassaigne mỉm cười khi nhìn thấy họ.

* * *

Tân giám mục bắt tay vào công việc. Đó là một con người đơn sơ. Lối vào Tòa giám mục rộng mở tự do và bất cứ ai cũng có thể gõ cửa văn phòng của Ngài. Các nhân chứng ngày nay vẫn còn nhớ lại đã thấy Ngài đi xe đạp hoặc xe Vespa thăm các khu nghèo ở Sàigòn. Ngài dong duổi khắp địa phận rộng lớn của Ngài.

Người Nhật nhảy vào cuộc chiến bên cạnh người Đức và đã xâm nhập Bắc Kỳ ngay từ tháng 7 năm 1940. Một năm sau, vào tháng 9/1941, họ chiếm đóng Đông-Dương về mặt quân sự. Ban đầu, sự hiện diện của họ cũng chịu đựng được không khó lắm, nhưng với thời gian, tình hình trở nên ngày càng gay cấn hơn. Từ năm 1943, Sàigòn chịu nhiều trận bom của máy bay Mỹ. Đức Cha Cassaigne, tay cầm một cái vên, là một trong những người đầu tiên đi đào bới những người bị thương dưới các đống đổ nát, cũng tận tụy và can đảm như khi Ngài làm y tá trong thời Đệ Nhất Thế Chiến hoặc chăm sóc bệnh nhân phong cùi.

Nhưng rồi sự việc còn nghiêm trọng hơn nhiều. Ngày 9/3/1945, quân Nhật làm một cú đảo chánh vũ lực chống người Pháp: họ cai trị trực tiếp lãnh thổ và gây cho dân chúng đói khát. Đông Dương sống những giờ phút bi thảm. Những người Pháp ở Nam Kỳ nhận được lệnh quy tụ về Sàigòn. Đức Cha Cassaigne cầm đầu một “Ủy Ban Cứu Trợ Pháp” để đón tiếp người tị nạn. Ngài làm việc tận tụy không bờ bến để tìm lương thự, lo cho những người không có thu nhập, giải quyết vô số vấn đề khó khăn cho nhiều ngàn người tìm đến. Hai lần Ngài bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì bị tình nghi.

Ngày 15/8/1945, nước Nhật đầu hàng sau khi bị ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, nhưng tình hình chính trị ở Đông-Dương sục sôi cách mạng. Đầu của Đức Cha Cassaigne được ra giá. Một tấm biển gắn vào nhà thờ chính tòa còn cho biết giá được hứa thưởng. Phải mất nhiều tuần lễ để cho Tướng Leclerc, đến từ Pháp ngày 5/10, có thể bình định được Nam-Kỳ. Trong các tháng sau đó, những rối ren tiếp tục và chẳng bao lâu sau bắt đầu Chiến Tranh Việt-Nam lần thứ nhất. Về phía Việt-Nam, họ muốn có độc lập chính trị và sự ra đi của người Pháp. Cuộc chiến dai dẳng và khắc nghiệt, vì nó mang hình thức chiến tranh du kích

Đất nước bị dằng xé. Tình hình rối ren: người tốt trộn lẫn với kẻ xấu. Tất cả những khuynh hướng và định hướng chính trị hoặc ý thức hệ va chạm nhau. Một số người Việt, vì mong có được nền độc lập, đã liên kết với những người cộng-sản. Giữa những biến cố bi thảm nầy, Đức Cha Cassaigne thành công trong việc duy trì một sự hiệp nhất tinh thần nhất định và hành động cho hòa bình. Thái độ siêu nhiên của Ngài khiến mọi người, ngay cả các đối thủ của Ngài, phải cảm phục. Các linh mục Sàigòn dâng Ngài bức thư bày tỏ sự hậu thuẫn đối với Ngài. Ngày 16/10/ 1945, Ngài nhận một vinh dự bất ngờ từ một người Nhật. Khi đầu hàng, các sĩ quan Nhật phải giao thanh kiếm danh dự của họ; đại tá Amano, quân phục tề chỉnh, lựa chọn việc giao thanh kiếm của ông ta, vốn thuộc về giòng họ của ông từ thế kỷ 16, cho Đức giám mục Sàigòn.

Dù thế, đời sống của Giáo Hội vẫn tiếp tục và người ta thông báo có 4 vị thừa sai người Pháp mới sẽ đến trên chuyến tàu sắp tới. Các nhà thờ quá nhỏ và quá ít so với số bổn đạo ngày càng đông. Phải xây dựng lại những nhà thờ bị bom làm sập nát hư hại. Đức Cha Cassaigne không quên một ai, nhất là các tín hữu sống trong những vùng nguy hiểm, không thể tiếp cận với các linh mục. Ngài tiêu hao sức chẳng quản ngại, không kể gì đến sức khỏe đang sa sút và những đợt sốt cách nhật. Mặc dầu có thể bị phục kích tấn công, tháng 12/1951 Ngài tổ chức một Đại Hội Thánh Thể. 100.000 người tham dự cuộc rước kiệu và cầu nguỵện cho Hòa bình.

10. VỊ GIÁM-MỤC CÙI - VỀ LẠI DI-LINH

Tình trạng chiến tranh kéo dài nhiều năm. Nhưng năm 1954, sự bại trận ở Điện Biên Phủ đã được những người cộng-sản khai-thác về mặt chính-trị. Họ đạt được thắng lợi to lớn trong Hiệp Định Genève tháng 7/1954 chấm dứt xung đột và đánh dấu chấm hết sự hiện diện của nước Pháp tại Việt-Nam.

Về phần các vị thừa sai, các Ngài ở lại. Ngay từ năm 1953, Đức Cha Cassaigne đã làm đơn từ chức gửi Tòa Thánh, để nhường chỗ cho một giám mục Việt-Nam. Quả thật chuyện người Việt-Nam nắm trong tay việc điều khiển Giáo Hội của họ là điều hết sức bình thường. Nhưng Đức Thánh Cha Piô XII không muốn thay đổi giám mục Sàigòn trong một thời kỳ tế nhị như vậy. Phần sau của năm 1954 hết sức cực nhọc đối với Đức Cha Cassaigne. Ở Miền Bắc Việt -Nam một chính quyền cộng-sản được thiết lập. Đông đúc những người di cư rời miền Bắc và vào Sàigòn. Sau một thời gian ngắn ở trong thành phố, người ta phân tán họ về các tỉnh. Trong vòng 6 tháng, có 800.000 người đã được đưa vào Sàigòn, trong đó có 200.000 người Công-giáo, phải lo chỗ ăn, chỗ ở và ủy lạo. Đức Cha Cassaigne đã cống hiến hết mực. Ngài đã vắt kiệt sức lực của mình.

Quả thật, ngày 19/12/1954, vào ngày kỷ niệm thụ phong linh mục của Ngài, Đức Cha Cassaigne dâng Thánh Lễ tạ ơn. Nhưng trong khi cử hành thánh lễ, Ngài thấy trên da mình, chỗ phía trên cổ tay một chút, có một vết đỏ hồng màu rượu. Khi thánh lễ kết thúc, Ngài lấy một cái kim châm vào chỗ ấy: hoàn toàn không cảm thấy đau ! Ngài hiểu đó là BỆNH CÙI. “Linh mục dâng hiến tế thánh thể, cũng phải trở thành hy vật”, sau nầy Ngài sẽ viết như thế. Công việc vất vả sáu tháng vừa qua đã làm cho các bộ phận cơ thể Ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh cùi nằm phục từ lâu, nay phát tác.

Đức Cha Cassaigne giữ bí mật tin nầy, chỉ cho các bề trên của Ngài biết. Thuốc điều trị do các bác sĩ cho, đã làm Ngài suy kiệt. Sẽ phải mau chấm dứt thôi! Vết hồng lan rộng gấp đôi. Ngày 5/3/1955, Ngài viết cho Cha Bề-trên Hội Thừa Sai Paris: “Tôi xin Cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Cùi Di-Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất và Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ”.

Lời cầu xin của Ngài được chấp thuận và Tòa Thánh bổ nhiệm một giám mục kế vị Ngài, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn-Văn- Hiền, được tấn phong trong nhà thờ chính tòa của Ngài, ngày 30/11/1955. Ngày 2/12/1955, Đức Cha Cassaigne trở về Di-Linh. Ngài “hạnh phúc vì lại được trở thành duy nhất thừa sai mà thôi, như Ngài đã hằng mong muốn”, Ngài tự nhủ như vậy.

Đức Cha Cassaigne từ giã “nhà ngục” ở Sàigòn. Những con cái cùi hủi của Ngài đón chào sự trở về của Ngài giữa họ với tiếng reo hò mừng vui vở lở. Ngài ở trong Trại Cùi đã được di chuyển năm 1952 cách xa hơn so với chỗ nguyên thủy. Chỗ ở của Ngài là một ngôi nhà hết sức đơn sơ, giống hệt nhà của các bệnh nhân cùi khác. Trên các bức tường phòng, Ngài treo các kỷ vật của Thế Chiến 1914 và những tấm hình chụp. Một trong những tấm hình Ngài rất ưa thích là “Giờ dạy giáo lý”. Đức Cha Cassaigne sẽ sống ở chỗ nầy cho đến ngày Ngài từ trần, 18 năm sau.

Mỗi buổi sáng, Ngài đi từ lều nầy sang lều khác, lo cho sức khỏe và các nhu cầu. Cuối buổi sáng, Ngài dạy giáo lý cho trẻ nhỏ. Sau trưa, Ngài dừng lại trước các ngôi nhà và ghi lại những thứ cần mua ở tỉnh cho người cùi – và không khi nào quên mua thuốc điếu. Bất cứ trong trường hợp nào, Ngài cũng tỏ bày một lòng nhân ái không giới hạn. Ngài thường lặp đi lặp lại: “Chỉ có những sự được chia sẻ mới là tốt”.

Đối với các bệnh nhân cùi, Ngài tổ chức các ngày lễ hội. Vốn là dân Gascon chính tông, Đức Cha Cassaigne luôn vui vẻ và cười tươi tít mắt, luôn nêu bật mặt tốt của các sự vật và thích làm cho kẻ khác cười.

Khách đến thăm Ngài rất đông. Ngài nói chuyện với họ một chút, rồi dẫn họ tới các ngôi nhà để giới thiệu với họ các bệnh nhân, như một người cha giới thiệu gia đình mình với khách mời. Hơn bao giờ hết, Ngài là “người cha với các con cái”. Người ta không thể là bạn hữu của Ngài, nếu không là bạn của những người cùi. Đức bác ái của người dễ lây truyền, đến nỗi không ai cưỡng lại được.

Năm tháng trôi qua. Rất nhiều sự đổi thay. Vùng đất phát triển. Có khoảng một chục nhà thừa sai làm việc trên Cao Nguyên, Các Vị đem nhiều làng trở lại đạo toàn bộ và xây trường lớp. Bên cạnh họ, các linh mục Việt-Nam bắt tay vào việc. Trại cùi mở rộng. Bệnh nhân cùi bây giờ lên đến hàng trăm và rất nhiều người là Kitô-hữu. “Họ sống gần như là các tu-sĩ. Hơn nữa, họ vui vẻ và rất hòa thuận với nhau. Quả là một thiên đàng hạ giới”, Cha Cassaigne đánh giá như vậy.

Chiến tranh tiếp diễn, nhưng làng những bệnh nhân cùi xa các cuộc giao tranh. Vào tháng 5/1966, Đức Cha Cassaigne mở radio và nghe giọng nói của Cha Boutary trình bày trong buổi phát tôn giáo đầu tiên bằng tiếng Kơ-ho. Những lời cầu nguyện trong Thánh lễ, được đóng khung bằng các bài hát tiếng Thượng, được đọc theo cung bình ca làm nền âm thanh. Vị giám mục cảm động lắng nghe sự lạ nầy: người ta nói về Thên Chúa trong đài phát thanh bằng tiếng Kơ-ho !

11. ĐAU ĐỚN VÀ NIỀM VUI

Suốt cả cuộc đời, Đức Cha Cassaigne là một bệnh nhân vĩ đại. Sự đau đớn phát xuất từ bệnh cùi của Ngài gần như hết chịu đựng nỗi, vì cho dù trong trường hợp của Ngài, bệnh ít lộ ra ngoài da, thì nó lại tấn công các trung tâm hệ thần kinh. Năm 1970, các bệnh cũ của Ngài trở nặng: sốt rét, cột sống bị gặm nhấm và dạ dày “không chịu nỗi được cả rượu lễ, thật đáng giận cho con trai của một nhà buôn rượu”, Ngài nói vậy. Cuối tháng 10/1971, xương đùi Ngài bị gãy và buộc Ngài không rời khỏi giường được nữa.

Mặc dầu nhiều khốn khó như vậy, nụ cười vẫn không rời môi Ngài và làm thành nhân cách của Ngài, ngay cả khi cơn đau bủa vây Ngài. Đức Cha Cassaigne luôn là người có niềm vui sâu xa, niềm vui đến từ một tâm hồn an bình với Chúa, với bản thân và với tha nhân. Làm sao có thể buồn bã, bởi vì sự đau đớn, nếu được dâng cho Chúa bằng cả tình yêu, sẽ đem lại ơn cứu chuộc cho con người và cứu thoát nhân loại ? Vì vậy mà trong Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã hứa ban hạnh phúc cho những ai chịu đau khổ vì Danh Người. Một ngày nọ, một nữ tu lưu-ý với Đức Cha Cassaigne rằng nếu Ngài có thể được chữa trị tốt hơn ở tại Pháp. “Thưa Soeur, – Ngài trả lời – tôi là người Pháp, nhưng trái tim tôi ở Việt-nam. Tôi muốn SỐNG, CHỊU ĐAU KHỔ, TRỤ LẠI và CHẾT NƠI ĐÂY”.

Những ngày giờ cuối cùng của đời Ngài, không một thế nằm nào làm giảm nhẹ cơn đau được nữa. “Ôi cái khung cốt của tôi”, Ngài rên lên. Đó là cách mà Ngài nói về cột sống của Ngài. Năm 1972, cơn đau khiến Ngài không thể cử hành thánh lễ trong vòng 7 tháng. Đối với Ngài đó là cả một sự thiếu thốn to lớn. Thế rồi, nhờ thuốc làm giảm đau, Ngài lại tiếp tục dâng lễ. “Thật vui mừng thay !”. Trong một lá thư, Ngài viết nguệch ngọac: “Tôi hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mà chỉ có ân sủng mới cắt nghĩa được”.

Danh tiếng người của Thiên Chúa thật lớn. Ngay khi Ngài còn sống, người ta đã sưu tầm những chứng cớ về nhân đức của “vị thánh giám mục”.

Tháng 10 / 1973 là thời điểm cận kề cái chết của Ngài. Đức Cha Cassaigne nói lớn: “Nếu cần phải làm lại từ đầu, thì tôi sẽ vẫn đi lại con đường nầy”. Trong bưu thiếp cuối đời đề ngày 12/10/1973. Ngài viết: “Tôi rất đau đớn. Chúa yêu thương tôi vô vàn “.

NGÀI TỪ TRẦN NGÀY 31/10/1973.

Người ta mặc cho Ngài áo lễ và đội cho Ngài mũ Giám-mục, như thể Ngài sắp cử hành thánh lễ cuối cùng. Một đoàn người đông đúc diễu hành trước quan tài. Trong 5 ngày 5 đêm, những bệnh nhân cùi còn khỏe mạnh mặc tang phục trắng – áo không có ống tay và bịt khăn tang – thay nhau canh thức thi hài của người cha của họ.

Ngày 5/11, lễ an táng hết sức long trọng. Một lễ đài được dựng lên ngoài trời. Những cổng chào dựng khắp con đường mới dẫn đến Trại Cùi được trải đá và nhựa đường cho dịp nầy. Người ta đến như khách hành hương đi viếng mộ một vị thánh. Hơn 3.000 người – cả người giàu lẫn kẻ nghèo, Công-giáo lẫn Phật-giáo – tham dự lễ an táng. Người ta đem “Ông Cố” về lòng đất; nhưng những người cùi thì dẫn người cha của họ. Một người trong bọn họ, tên là K’Gil, đã làm chứng điều anh ta nói với người quá cố: “Cha đã chỉ cho chúng con con đường thật đi về Nước Trời. Cha đã dạy chúng con biết chịu đau khổ. Cha ơi, khi còn sống, Cha đã muốn nên giống hoàn toàn như chúng con, cha đã muốn bị phong cùi như chúng con: xin Cha hãy cầu nguyện cho chúng con”.

Người cha của các bệnh nhân cùi đã là một con người của an bình và hiệp nhất; một con người yêu thương giữa hận thù; một con người nghèo về của cải vật chất và giàu có về niềm vui Thần Khí; một con người đã biến đau khổ thành sự hy sinh mừng rỡ để cứu rỗi thế gian.

Sau thánh lễ, chính anh em Thượng khiêng quan tài. Họ bước đi theo nhịp nhạc tang, đến ngôi mộ được xây lên cạnh tháp chuông, nơi mà Đức Cha Cassaigne ước ao được chôn cất.

Một cây thập giá trắng lớn được dựng lên, trên tấm đá lớn có khắc khẩu hiệu của Vị giám mục: “BÁC ÁI và YÊU THƯƠNG “.

Ở Di-Linh luôn có người cùi. Họ cầu nguyện trên mộ Đức Cha Cassaigne. Họ nói chuyện với Đức Cha. Họ âu yếm gọi Ngài là Bác trên trời của họ. Ngày nay, trên mộ Ngài bao giờ cũng đầy hoa tươi. Rất đông người đến cầu nguyện xin ơn. Họ thường xuyên được nhận lời. Một nhà thờ ở Sàigòn chứa những bảng tạ ơn Ngài đã cầu bầu cùng Chúa cho họ. Người ta còn nói về cả những phép lạ nhờ lời Ngài cầu nguyện mà được ban.

(CVK Giuse Nguyễn Thế Bài chuyển ngữ)

(còn tiếp...)