Năm 2004, nhận được “tệp tin” (file) từ Linh mục Philipphê Nguyễn-Hữu-Tiến, M.E.P phục vụ tại Đài Loan và sau đó là cuốn “Grand Monsieur” do chính tác giả là linh mục Dom Jacques-Marie Guilmard, Đan viện Solesmes, Pháp, gửi tặng…

Với tâm tình những người dân Việt-Nam biết ơn về những hy sinh to lớn của vị thừa sai và sự gắn bó của Ngái với đất nước nầy, nhất là với những con người bị xã hội ruồng bỏ, lánh xa - Những Người Cùi, - chúng tôi muốn giới thiệu những trang sách đơn giản, nhưng khá gọn gàng, đầy đủ nầy do Cha Dòng Solesmes nỗi tiếng, Dom J.M Guilmard đã viết về cuộc đời “ÔNG CỐ” - ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE, tên Việt là Gioan Sanh – nguyên Giám Mục giáo phận Sàigòn, Vị thừa sai sau bao khó nhọc xây dựng Giáo Hội, đã nằm lại giữa con cái bệnh nhân phong cùi của Ngài, ở Trại Cùi Di Linh, Lâm Đồng, bản thân cũng nhiễm căn bệnh quái ác nầy. Xin được như một nén hương trầm, thắp lên để cám ơn Vị Tông Đồ và ước mong một ngày không xa, tên của Ngài sẽ nằm cạnh tên Cha ĐAMIANÔ mà Giáo Hội tôn vinh hiển thánh vào ngày 11.10.2009, tức là đúng một tuần khi chúng tôi gửi bản dịch nầy tới mọi người, vì rút cuộc, đời sống theo tinh thần Phúc Âm, làm chứng nhân cho Chúa Kitô và đem Chúa đến cho mọi người, của Cha Thánh Đamianô, của Giám Mục thánh thiện Jean Cassaigne Sanh hay của mỗi người trong chúng ta, cũng là để Danh Chúa được hiển vinh
.

Ngày kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi 04.10.2009

CVK Giuse Nguyễn Thế Bài chuyển ngữ


ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE,
TÔNG ĐỒ NGƯỜI CÙI TẠI VIỆT NAM


MỤC LỤC
1. Tuổi thơ
2. Nẩy sinh ơn gọi linh mục và thừa sai
3. Học việc buôn bán rượu
4. Người chủng sinh. Thế Chiến Thứ I
5. Sứ vụ thừa sai tại Nam Kỳ
6. Bệnh phong cùi
7. Những vụ gặt đầu tiên
8. Đời sống thường nhật
9. Giám Mục Sàigòn trong thời biến loạn
10. Vị Giám Mục cùi. Về lại Di-Linh
11. Đau đớn và Niềm vui. Cái chết
12. Con người của cầu-nguyện
13. Trong gia-đình (Ngôi Làng của Niềm Vui)
14. Ở xứ “Mọi”
15. Những lá thư từ Nam Kỳ


1. TUỔI THƠ

Ngày 30 tháng 1 năm 1895, tại Grenade-trên sông Adour trong miền Landes (Pháp) một cậu bé tên là JEAN CASSAIGNE đã chào đời. Chúng ta đang ở xứ Gascogne, xứ sở của Ba Chàng Ngự Lâm, xứ sở của lòng quảng đại và tính vui tươi. Ở đó có rất nhiều nhà thừa sai. Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy họ đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới: họ vừa hạnh phúc nhìn thấy thêm một cháu trai mới và hãnh diện về đức tin của mình, đến độ muốn đem chia sẻ cho tất cả mọi người.

Jean là con một của ông Joseph Cassaigne, một thương gia buôn bán rượu nho, và của một bà mẹ xinh đẹp tên là Nelly. Song thân Cậu yêu thương Cậu rất mực. Bà của Cậu, vốn là mẹ đỡ đầu của Cậu, cũng hết sức âu yếm Cậu, mặc dù Bà nhận thấy cậu bé thật tinh nghịch.

“Tôi làm những gì tôi muốn về Jean, song nó thật không chịu đựng nổi”, Bà của cậu đã nói như thế. Và cậu bé trả lời: “Bà nghiêm khắc đấy, nhưng cháu làm những gì cháu thích”.

Với óc tưởng-tượng – thứ mà Jean có rất nhiều – con suối của làng có thể trở thành sông Hudson hoặc sông Mississipi và được Cậu dùng cho các cuộc thám hiểm của người da đỏ. Cậu và các bạn nhỏ của Cậu khi thì làm người da đỏ Hurons, lúc lại thành dân da đỏ Iroquois. Một ngày nọ, Mắt-Chim-Ưng – chính là Jean – nằm cho trôi trên sông Mississipi, trong người vẫn mặc quần áo, như một tử thi, để tránh bị kẻ địch cầm tù. Cư dân Grenade, khi nhìn cảnh tượng nầy, không tưởng tượng được đó là chuyện về người Da Đỏ. Họ hoảng hốt chạy tới vớt cậu bé lên, trong khi cậu ta dẫy dụa và trách cứ người lớn là chẳng hiểu gì hết: “Đó chỉ là trò chơi thôi mà !” Trò chơi, có thể lắm, nhưng dù vậy, cậu bé đã bị bố Cậu cho một trận đòn nhớ đời.

Jean đạo đức và ngay thẳng, linh lợi và vui tươi như một sinh vật hạnh phúc vì được sống.

2. NẢY SINH ƠN GỌI LINH MỤC VÀ THỪA SAI.

Jean, cậu bé tinh quái, thích những sách về phiêu lưu mạo hiểm. Cậu đọc những sách về người Da Đỏ ở Châu Mỹ. Cậu cũng đọc ngấu nghiến các chuyện kể về các Vị thừa sai, sau khi khám phá trong một nhà kho mà Cậu hay tới ẩn nấp, những cuốn sách làm Cậu say mê. Trong một cái hòm, có bộ sưu tập những Biên Niên Sử Về Truyền Bá Đức Tin, kể lại cuộc đời những nhà truyền giáo đã sang Châu Phi, Châu Á và cả Bắc Cực rao giảng Tin Mừng cho các dân. Cậu đọc ngấu nghiến những chuyện kể về Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), một linh mục Dòng Tên người Pháp đã sang Viễn Đông, trong một miền mà ngày nay gọi là Việt-nam. Đó là một miền đất xa xôi, nhưng từ năm 1906, Jean có những tấm bưu thiếp đến từ đó. Cậu mê mẩn nhìn nét chữ Tàu kỳ bí in ở trên bưu thiếp. Những tấm bưu thiếp nầy là cả một gia tài đối với Cậu. Năm ấy Cậu lên 11.

“Và nếu chính mình trở thành thừa sai thì sao nhỉ ?” Cậu tự nhủ như thế. Ý tưởng ấy cứ quanh đi quẩn lại thường xuyên trong đầu của Cậu. Mẹ cậu đã dạy Cậu những kinh nguyện đầu tiên. Được ở trong ban ca đoàn, Jean thích giúp lễ. Những khi ấy, Jean rất nghiêm trang. Làm cho người khác nhận biết Chúa Giêsu, dạy các dụ ngôn và đi tận cùng thế giới: ý tưởng nầy cứ lẫn vẫn trong Cậu. “Mẹ mình sẽ nghĩ thế nào về chuyện ấy nhỉ ?”

Năm 1907, Jean được rước lễ vỡ lòng. Đó là dịp để Cậu hỏi mẹ. Một chút trước khi nghi lễ bắt đầu, Cậu cho mẹ biết ước ao của Cậu được làm linh mục và thừa sai. Mẹ cậu bắt đầu khóc. “Tại sao mẹ lại khóc, hả mẹ ? Nên linh mục và thừa sai, là một ơn gọi tuyệt vời đấy chứ !”. Thật sự, Bà Nelly Cassaigne không khóc vì ân hận, mà khóc vì hạnh phúc khi biết con bà được Chúa gọi. Jean cảm thấy mẹ thấu hiểu Cậu và được mẹ nâng đỡ vô bờ. Nhưng bà cũng báo cho cậu biết là cha cậu sẽ chẳng muốn cho Cậu một tương lai như vậy, đứa con một mà ông ấy yêu thương, nhưng lại muốn Cậu sẽ kế nghiệp ông.

Bà Nelly Cassaigne bị bệnh lao phổi nặng. Jean rất đau khổ về điều ấy. Khi Cậu rước lễ vỡ lòng, mẹ Cậu đã không thể có mặt tham dự. Các tuần lễ kế tiếp thật buồn bã. Thỉnh thoảng Bà nội lại đưa Cậu xa khỏi căn phòng Mẹ cậu nằm. Bà cố gắng an ủi Cậu. Nhưng bà Nelly Cassaigne đã từ trần ngày 18 tháng 8 năm 1907.

Jean sẽ luôn gắn bó với người mẹ và Cậu cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hằng ngày với chuỗi hạt mà mẹ Cậu để lại. Lòng tôn sùng của Jean đối với Đức Maria luôn trung kiên và sâu thẳm.

3. HỌC VIỆC BUÔN BÁN RƯỢU.

Vào năm học 1907, Jean được gửi đến Saint-Sébastien ở Tây-Ban-Nha, trong một trường trung học kỹ thuật do các sư-huynh Lasan điều hành. Cậu phải học nghề của bố. Cậu sẽ là nhà buôn rượu, ít ra là cha cậu nghĩ như thế. Các học sinh trong trường hầu hết là người Pháp. Nhưng đạo luật chống Kitô-giáo của năm 1901 đã buộc các tu-sĩ biệt xứ khỏi nước Pháp và định cư bên kia biên giới. Cậu bé hài lòng về chỗ ăn học, nhưng cậu thiếu vắng mẹ; sự xa cách bố dần dà biến chuỗi ngày nầy thành một thời gian thử thách và càng hơn nữa khi nghề kế toán mà một thương gia tương lai phải học, lại không phải là thế mạnh của cậu. Điều làm Jean đau khổ nhất, là không được chuẩn bị bản thân cho tương lai linh mục và nhà thừa sai của cậu. Tất nhiên, Jean biết cười và làm cho kẻ khác cười vui. Về điểm nầy thì cậu chẳng hề thay đổi.

Trong suốt giờ học một ngày Chúa Nhật nọ năm 1908, các học sinh nội trú tỏ ra khá kích động sau một cuộc đi dạo chơi. Sư huynh Zéphyrin canh chừng chúng. Về phần Jean Cassaigne, như mọi tuần, khoe với anh bạn hàng xóm tấm bưu thiếp xứ Bắc Kỳ nổi tiếng của cậu, chẳng mấy chốc mà tấm bưu thiếp chuyển từ hộc bàn nầy sang hộc bàn khác kèm theo những tiếng thì thầm nhỏ. Vị Sư-huynh đã nhìn thấy hết, liền can thiệp: “Đưa cho Sư-huynh tấm bưu thiệp. Sư huynh tịch thu nó”.

Các học trò lại tiếp tục học, nhưng Jean thì không tài nào học được nữa. Cậu nghĩ về tấm bưu thiếp. Cuối giờ học, Cậu đi tìm gặp vị sư-huynh để đòi lại, có vẻ không giữ lịch sự lắm.

“Trả lại cho trò ư ? Nhưng điểm hạnh kiểm của trò rất xấu – vị sư huynh trả lời – và tấm thiếp nầy có gì đặc biệt nào ?”

- Nhưng thưa Sư-huynh, nó đến từ Bắc Kỳ. Điều đó quan trọng với con.

- Tại sao ?

- Vì con sẽ làm thừa sai và một ngày kia con sẽ đi sang xứ Bắc Kỳ.

Sư huynh Zéphyrin bị ấn tượng bởi giọng nói chân thành của Cậu, đã trả tấm bưu thiếp lại cho Cậu và cho Cậu học trò chuồn đi, hân hoan vì đã lấy lại được tài sản.

Nhưng dù vậy Jean vẫn càng ngày càng hiếu động và lơ đãng. Vị Sư Huynh đã nhìn thấy rõ dưới bề ngoài hời hợt của cậu bé, một con tim ngay thẳng và sâu xa. Sư huynh cố gắng bảo vệ Cậu, nhưng năm kế đó, Sư Huynh Hiệu-Trưởng nhận thấy Cậu rất ít tiến bộ, đã không đồng ý nhận Cậu lại. Jean và Bố phải quay về, từ Saint-Sébastien đến Grenade, không ai trao đổi lời nào, trong sự im lặng nặng nề. Bố Cậu không hài lòng. Ông thương cậu con trai và cậu cũng yêu bố, nhưng ông vẫn chưa chấp nhận ơn gọi của cậu. Phải chia cách với đứa con trai là cả một hy sinh quá to lớn đối với ông. Ông sẽ hy sinh, nhưng còn phải cho ông thời gian.

* * *

Và thế là Jean Cassaigne bắt đầu học việc buôn bán rượu bên cạnh bố. Cậu duy trì thói quen đi xe đạp và trong các cuộc đua, Cậu thường về nhất. Cậu dần đi vào cuộc sống trưởng thành. Đó là một chàng trai nhảy tuyệt vời đưa tay mời Angèle hoặc Ferdinande với nụ cười mê ly nhất. Cha cậu tặng cho Cậu một khẩu súng, hy vọng rằng thú đi săn sẽ xóa tan ý tưởng điên rồ muốn đi đến tận cùng thế giới kia. Dù vậy ông bất chợt thấy chàng trai trẻ đang lần chuỗi hạt trong góc hầm rượu. Joseph bị đánh động bởi vẻ trang nghiêm ấy, nhưng ông giả vờ như không thấy gì. Jean thấy thời gian trôi qua chậm chạp. Bán rượu, không, việc nầy chẳng phải là công việc của Cậu! Sự kém hứng thú về nghề buôn bán đã khiến Cậu phạm nhiều vụng về lóng ngóng. Bố cậu mất kiên nhẫn. Ông cảm thấy ông không thể ngăn đứa con trai vuột khỏi mình.

Một hôm, Jean đã phạm một điều vụng về nghiêm trọng hơn. Số là khi cậu phải đánh xe sang tỉnh bên cạnh, Mont-de-Marsan, trên một cỗ xe ngựa chở một thùng rượu lớn, loại Saint-Emilion, thì con ngựa trượt chân. Chiếc xe đổ nhào. Jean nhảy mau xuống và tìm cách gỡ con ngựa đang nằm kẹt giữa hai càng xe, nhưng thùng rượu lớn đã bị bật nắp do chấn động mạnh và loại rượu qúy chảy tràn cả mặt đường. Ông bố giận cành hông: “Cỡ như mầy chỉ làm được ông một cha xứ mà thôi !” Ông Joseph Cassaigne đành để cậu con trai theo tiếng gọi của Chúa. Phản ứng nầy chẳng qua chỉ là cách để ông khỏi mất thể diện. Ông thất bại, nhưng lại không muốn thú nhận điều ấy công khai, bởi như thế tức là nói Jean không có khả năng trở thành nhà buôn rượu. Về phần người bố, sự đau buồn vì chia ly với cậu con trai sẽ còn kéo dài rất lâu.

4. NGƯỜI CHỦNG SINH - THẾ CHIẾN THỨ NHẤT

Tất nhiên là Jean không trở thành thừa sai ngay. Cậu phải học bù lại các môn học Cậu chậm trễ, học tiếng latinh, thần học, v.v… Cậu muốn gia nhập Hội Thừa Sai Paris mà Cậu thuộc lòng địa chỉ từ lâu: 128, Phố du Bac, Paris 7e.

Một Trường Thừa Sai đón nhận Cậu năm 1913 học một năm chăm chỉ và bình yên. Ngôi trường nằm ở Saint-Lô, vùng Normandie. Jean vui sướng vì đã tìm được con đường của mình.

Mùa Đông đến, khi trời đổ mưa và trở gió, Jean thấy nhớ cái nắng ấm vùng Grenade. Cậu tự phân công mình làm “người sưởi ấm” cho phòng học. Mọi người có thể yên trí: lửa không bao giờ tắt trong bếp lò.

Nhưng năm học sau mau chóng bị gián đoạn. Chiến tranh chống nước Đức nổ ra ngày 2 tháng 8 năm 1914. Tất cả nhân dân Pháp –người trẻ và người không còn trẻ – đều vùng đứng lên trong một “liên minh thần thánh” chống lại kẻ thù xâm lăng. Đó là khởi đầu của “Thế Chiến Thứ Nhất” sẽ kéo dài 4 năm, từ 1914 – 1918. Jean gia nhập quân đội dù chưa đủ tuổi, tình nguyện chiến đấu cho đến hết chiến tranh. Cậu sẽ ở quân ngũ 5 năm. Nhờ đó cậu biết đời sống trong các chiến hào lạnh lẽo và ẩm ướt, đào sâu trong lòng đất, ở đó người lính cố gắng để tránh thoát đạn pháo của quân Đức. Các cuộc chiến đấu thật gian nan, chết người và vô ích: chiến tranh giam hãm.

Một bác sĩ giải phẫu quân y cần một y tá. Jean tình cờ có mặt ở đó và Cậu được thâu nhận. Trong nhiệm vụ nầy, cậu chứng kiến những đau thương tột cùng, vì các binh sĩ thỉnh thoảng bị thương rất nặng. Jean học được sự can trường thể chất và chín mùi cái nhìn Kitô-giáo về sự sống và sự chết. Cậu thấy các binh sĩ quảng đại hiến sự sống mình cho tổ quốc; các Kitô-hữu phải quảng đại dâng sự sống cho con người và cho Thiên Chúa. Tất cả điều ấy có một ý nghĩa, vì mục đích con người sống trên trái đất chính là đời sống vĩnh cữu trên trời. Chịu đau khổ chính là dịp hy sinh để dâng cho Chúa. Nếu ta dâng đau đớn cho Chúa, thì đau đớn không ngăn cản ta được hạnh phúc, trái lại là đằng khác.

Một thương binh bị cụt một chân và Jean Cassaigne cầu nguyện thế nầy: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy cất mạng sống con, con dâng mạng sống con cho Chúa. Nhưng nếu con còn sống, thì xin Chúa giữ cho con đôi chân để con có thể trở thành nhà thừa sai”. Từ năm 1916, Jean làm công tác người đạp xe của bộ chỉ huy, với nhiệm vụ mang các chỉ thị vượt qua các chiến tuyến. Cậu sử dụng và làm hư cả thảy 11 chiếc xe đạp cho công tác nầy. Đó là một công tác đòi hỏi sự tháo vát và lì lợm. Cậu phải vượt qua giữa lằn đạn quân thù, trong một vùng bị chiến tranh tàn phá.

Sau cùng, nước Pháp đã chiến thắng và ngày 11 tháng 11 năm 1918, Hiệp Ước được ký kết. Jean Cassaigne thấy mình được gắn huy chương chiến tranh: ANH DŨNG BỘI TINH. Nhưng chàng còn phải chờ cho đến tháng 9 năm 1919 mới được trở về nhà ở Grenade. Khi sắp ra đi, chàng lái xe đạp chiếc cuối cùng của chàng đi gửi trả: nó còn sử dụng được. Đó là chiếc thứ 12 !

Qua cuộc thử thách lớn lao nầy, Jean Cassaigne đã đạt đến sự trưởng thành nhân cách toàn vẹn. Chàng sẽ cống hiến hết mình khi đến dâng mình làm thừa sai. Nhưng trước khi lên đường, chàng trai phải lấy lại chỗ của mình ở Saint-Lô để tựu học năm 1919. Có đông những học sinh vùng Landes và Basques; giờ ra chơi, họ lập thành một nhóm chơi banh ném hằng ngày không biết mệt mỏi. Sau đó, chàng trai đến ở Chủng-viện Hội Thừa Sai Paris để tiếp tục học thần học. Chàng dậy sớm: 5 giờ sáng ! Xuống đến chân cầu thang, chàng dừng lại một lát trước tượng Thánh Théophane Vénard. Chàng xin Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy làm cho con xứng đáng dõi bước theo thánh nhân”.

Chàng thường giúp lễ cho một linh mục vừa trở về từ Trung-Quốc hoặc Nhật-Bản. Chủng viện là trung tâm của một sinh họat truyền giáo dày đặc và mỗi ngày đều nhận được những lá thư đến từ Châu Á, được viết bằng tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên, tiếng Cam-bốt, tiếng Thái…
Cuối cùng, thứ bảy ngày 19 tháng 12 năm 1925, Jean Cassaigne thụ phong linh mục trong nhà nguyện chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Chàng trở thành “Cha Cassaigne”.

Ông Joseph Cassaigne có mặt trong ngày lễ và hãnh diện về cậu con trai của mình.

Thứ tư ngày 6 tháng 4 tiếp đó, nghi lễ đưa tiễn chính thức diễn ra. Người ta gióng quả chuông đã được mang từ Trung Hoa về vào thế kỷ 18. Trong nhà nguyện, ca đoàn xướng lên bản hát do Charles Gounod sáng tác. Mười vị thừa sai sắp ra đi, sắp hàng ngay bàn thờ. Cha Bề Trên, các giáo sư, các chủng sinh, thân nhân diễu hành qua trước mặt họ, qùy gối và hôn chân những kẻ sắp đăng trình rao giảng Phúc Âm.

Tân linh mục được phái đến Sàigòn (ngày nay là thành phố Hồ Chí Minh), ở Nam Kỳ, phía Nam của nước Việt-Nam hiện tại. Cha Jean Cassaigne đã thực hiện được ước mơ thời thơ ấu: trở thành linh mục và thừa sai. Thiên Chúa đã đặt trong tim Ngài ơn gọi phụng sự Chúa và giúp đỡ mọi người. Những giai đoạn thật khác biệt của thời tuổi trẻ bỗng nên ăn khớp rõ ràng trong một sự nhất thống làm nên ơn gọi thừa sai nơi Cha. Với Cha, hiển nhiên là bàn tay Chúa hành động trên từng giây phút cuộc đời Cha. Mỗi người, dù nam hay nữ, phải tìm cách để nhận ra hành động của Chúa trong tất cả mọi biến cố cuộc đời mình.

(Còn tiếp...)