PRAHA - Phái đoàn Stuttgart của chúng tôi đến thủ đô Praha vào buổi chiều thứ sáu 14.8 bằng an sau hơn 6 tiếng đồng hồ lái xe. Ngay khi vừa đặt chân tới thủ đô cộng hoà Tiệp, các anh chị trong ban điều hành Liên Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam (LCĐCGVN) tại cộng hoà Tiệp đã nồng hậu đón tiếp và giúp chúng tôi có phòng ngủ tại Top Hotel, không xa trung tâm thủ đô Tiệp bao nhiêu. Buổi chiều, cộng đoàn đã khoản đãi món thịt dê nướng, cá Forellen nướng, bắp nướng và các xâu thịt heo nướng đầy hương vị quê hương tại nhà anh Mười… cùng với bia Tiệp. Cha Phanxicô Assisi Đặng Phước Hòa, tuyên uý CĐCGVN tại tổng giáo phận Praha, cha Giuse Hạnh SVD cũng đã có mặt tham dự buổi họp mặt này, cùng với anh Trung, hiện ở Tucson, Arizona, giáo xứ cũ nơi cha Hòa đã từng là quản nhiệm trước khi được bề trên dòng phái đến phục vụ tại công hòa Tiệp.

Xem hình ảnh

Thăm quan khu chợ Việt Nam Sapa

Sáng thứ bẩy 15.08.2009, đúng ngày Lễ Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời, đoàn chúng tôi được anh Thắng hướng dẫn đi thăm viếng thủ đô Tiệp. Bầu trời trong xanh không một vẩn mây, báo hiệu một ngày thật đẹp. Ban sáng, đoàn ghé thăm chợ Sapa, rảo qua các gia hàng của một khu chợ Việt trải rộng trên hơn 30 mẫu tây. Hàng ngàn gian hàng bán sỉ bán lẻ, mà 99% là hàng Trung quốc. Được hỏi tại sao hàng hóa “made in Vietnam” không được bầy bán tại đây. Các chủ quầy hàng cho biết: hàng Việt Nam vừa đắt lại vừa chế biến kém, nên không thể cạnh tranh nổi với hàng chú Ba Tầu. Vết tích của một rẫy nhà bị thiêu huỷ trong cơn hỏa thiêu mới đây đang được tái thiết. Ở đây, du khách có cảm tưởng tìm gặp cả một khung trời Việt Nam thu nhỏ: người ta có thể có mua sắm không những hàng hiệu, hàng “nhái” mà còn có đủ các món nhậu khoái khẩu đầy hương vị Quê Hương như tiết canh lòng lợn, tiết canh ngan, bún bò Huế, phở tầu bay, ngay cả những trái dừa sim ngọt lịm, đến các món chè đủ loại… Quán cà phê với nhạc sống để ru hồn khách thưởng thức cà phê nâu (cà phê sữa đá được hãm trên cái nồi ngồi trên các cốc) hoặc cà phê đen tuyền. Cũng có đủ loại ốc: ốc bưu, ốc xoắn… và các loại hào biển, hào hồ, hào sông. Khách nào thích ăn cơm kiểu nhà quê sẽ thưởng thức cà pháo muối, dưa chua, canh cá chua, cá kho tộ… rau muống chẻ. Đó đây có nhiều nhóm tụm năm tụm bẩy, nhóm thì đấu cờ tướng, nhóm thì chơi bài tây, và cũng có những nhóm đang đỏ đen rút xì tố… Theo nhiều người kể lại, nhiều anh chị công nhân đầu tắt mặt tối kiếm được ít ngàn đồng Krone (Koruna) Tiệp (1 Euro tương đương với khoảng 25 Koruna Tiệp) nhưng nướng hết sạch vào các sòng bài Casino đủ loại vào cuối tuần!

Ngay cổng vào, chúng tôi ghé qua thăm ngôi chùa Vĩnh Nghiêm nhỏ, trong có bàn thờ Phật và nhiều bàn cúng trái cây trên dưới và chung quanh bàn thờ. Trước cổng chùa đang tụm năm tụm sáu ni cô và có một bà đang hỏi về các thủ tục cúng người qua đời trong tang gia.

Khi đi lại vết chân truyền giáo đầu tiên của cha Vinh, cha Lê Phan trên chợ Sapa các đây trên chục năm, chúng tôi cũng ghé thăm một vài gian hàng của một vài anh chị em Công Giáo. Thi thoảng cũng bắt gặp các tín đồ của giáo phái Giêhôva đang đi phát báo Tháp Canh và đang đi tìm các tín đồ mới. Chúng tôi thì thầm nguyện xin Chúa sai xuống cánh đồng truyền giáo nhiều thợ gặt nhiệt thành. Xin cho các tín hữu Công Giáo trong cộng đoàn CGVN địa phương trở thành chứng tá cho Tin Mừng Cứu Độ, ngay trong cuộc sống đầy cam go và thử thách này.

Có điều, chúng tôi nhận thấy rằng, theo luật “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, bề lâu bề dài, người Việt Nam lập cư tại Tiệp có cơ may bảo tồn được nhiều truyền thống của cha ông. Tiếng mẹ đẻ sẽ không bị mai một…Trong tiến trình hội nhập, hy vọng thế hệ mai sau lãnh hội được các truyền thống cao đẹp của địc phương. Nhưng vẫn có nguy cơ trở thành một Ghetto đóng kín: cảnh hỗn độn, xe chạy bát nháo, ăn tục nói phét, cờ bạc rượu chè trong khu chợ Sapa. Vì kế sinh nhai, vì phải nai lưng lao động để trả món nợ kếch xù giấy tờ đút lót cửa quan để sang được Tiệp, nên người ta chấp nhận đặt lương tâm và nhân phẩm con người để “lót đường” kiếm được đồng tiền.

Biểu tượng cho suy nghĩ trên là một dãy nhà dài trong chợ Sapa: đầu bên kia là một ký nhi viện, tiếp đến là một trường dậy võ thuật và sau cùng là nhà casino nằm sát cạnh nhau. Em bé Việt Nam ngay từ ấu thơ, đã làm quen với xã hội mới chen chân sát cánh bên nhau: ký nhi viện giáo dục không xa sòng bạc bao nhiêu!

Thăm quan thủ đô Praha

Sau một vòng thăm quan khu chợ Sapa, đoàn chúng tôi mua vé xe điện đi vào thủ đô Praha. Đường xe điện ngầm thủ đô Praha khá khang trang. Theo anh Thắng cho biết, chính phủ Nga đã giúp Tiệp xây các đường Metro này cách đây hơn mấy chục năm. Vừa ra khỏi trạm xe điện ngầm, chúng tôi ghé thăm công viên của quốc hội Tiệp. Công viên thật đẹp với hồ cá vàng giếng phun, với hoa cỏ xanh tươi, với nhiều đàn công đủ mầu. Thích thú nhất là các con công mẹ có bầy công con ríu ríu theo quanh. Bé Quanh Minh con anh chị Thắng Hà tung tăng vui đùa đuổi theo đàn công. Cuối công viên là một động thạch nhũ nhân tạo bằng hồ xi măng, nhưng bàn tay nghệ sĩ đã kiến tạo thành bức tường thạch nhũ xám đen rất nghệ thuật. Sau đó chúng tôi vào thăm viếng căn nhà của quốc hội với các bức tranh vô giá treo trên tường. Phòng hòa nhạc trong căn nhà quốc hội là căn phòng lớn nhất của thủ đô Tiệp, rộng trên 100 mét vuông, cao trên 10 mét. Phòng họp chính của quốc hội nơi các vị dân biểu họp đóng kín vì đang là mùa nghỉ hè. Trước khi rời căn nhà quốc hội, chúng tôi cũng kính viếng nhà nguyện của quốc hội. Căn nhà nguyện nhỏ bé nhưng đầy mỹ thuật, kiến trúc theo kiểu barốc, chứng tích lịch sử của đức tin cha ông của dân Tiệp… dù trải qua bao thập niên dưới chế độ cộng sản khắc nghiệt của cộng sản Tiệp, đức tin vẫn được bảo trì.

Tiếp tục cuộc thăm viếng chúng tôi lấy xe điện leo dốc lên thăm nhà thờ chính tòa Tiệp, dinh thủ tướng và tòa tổng giám mục Praha. Trước nhà thờ là công viên thành phố với hoa muôn mầu. Điểm hấp dẫn là vườn chim cú mèo và đại bàng. Hàng chục loại chim cú mèo bị xích cẳng. Nhất là chú đại bàng to lớn cũng bị vòng xích xiết chặt không thể tung cánh lên trời cao. Làm tôi liên tưởng đến cộng hòa Tiệp trước đây bị vòng xích cộng sản vô thần ràng buộc, khiến đất nước và toàn dân không thể ngước đầu ngước cổ nên được… Nay sau biến cố bức tường Bá Linh sụp đổ vào tháng 9.11.1989, chỉ mấy chục năm sau, đất nước Tiệp đang có dấu hiệu hồi sinh. Dân tộc Tiệp đã được hưởng tự do tôn giáo và các quyền tự do khác. Đường phố và các quảng trường Tiệp đầy chặt du khách. Dân chúng vui hưởng cảnh thái bình, nhất là trên những đường phố còn hằn vết xe tăng Sô Viết vào cuộc cách mạng mùa Xuân 1968.

Chúng tôi đặt chân tới khu đền đài cổ kính nhất của thủ đô Tiệp (Prager Burg), nhà thờ chính tòa đồ sộ thánh Veit, Wenzel và Adelbert của Praha. Tất cả các đền đài này là công trình xây cất của bao nhiêu thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ thứ IX, trải dài mãi tới thế kỷ XIX và XX. Đây là khu lâu đài bao quanh bởi thành luỹ vừa cổ kính, vừa đồ sộ nhất thế giới. Vì thời giờ eo hẹp và vì lượng du khách nối đuôi kéo dài để được vào thăm nhà thờ chính tòa St. Veits nằm trong khu vực lâu đài cổ kính nhất thủ đô Praha. Chúng tôi vòng qua dinh thủ tướng và công trường lớn, chụp hình kỷ niệm trước tòa tổng giám mục tổng giáo phận Praha.

Dọc theo bên dòng sông Moldau (Vltava), là khu phố cổ kính. Du khách tràn ngập các đường phố. Phái đoàn chúng tôi bước qua cây cầu nổi tiếng nhất của Praha, mà người Việt đặt cho danh hiệu là “Cầu Tình“. Phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ mới vượt qua được cây cầu cổ kính này: phần vì cầu đang được tái thiết, phần khác số lượng du khách đông như kiến chen chúc nhau. Quả thực là cầu Tình, vì nhiều đôi thanh nam nữ tú dập dìu những bước chân trữ tình trên những phiến đá ghi dấu lịch sử cả ngàn năm. Thực ra đây là cầu vua Charles, cây cầu cổ kính nhất của thủ đô Praha, đã được xây cất vào năm 1357 trên sông Moldau. Cầu dài 515 mét và rộng 10 mét. Hai bên thành cầu có 30 bức tượng các Thánh được đúc vào thế kỷ 18. Nổi tiếng nhất là tượng Thánh Johan von Nepomuk (Jan Nepomucký), thánh linh mục tử đạo. Theo truyền thuyết, thánh nhân lúc đó đang giữ chức tổng đại diện giáo phận, vì muốn bảo vệ ấn tín tòa giải tội, khi nhà vua nghi ngờ hoàng hậu ngoại tình và đã đến xưng tội với cha Jan Nepomucký. Nhà vua muốn điều tra và bắt cha Jan Nepomucký phải khai ra… Nhưng linh mục Jan Nepomucký đã bất tuân lệnh nhà vua. Tức giận vua đã ra án hành hình linh mục và đem linh mục xuống cầu này ném xuống sông Moldau cho đến chết…Xác của linh mục bị chết đuối có 5 ngọn lửa xuất hiện chung quanh, bởi vậy hiện nay trên đầu tượng thánh Jan Nepomucký có triều thiên 5 vì sao. Do truyền thuyết ấy, nhiều đôi nam nữ đến bên tượng thánh nhân đê khấn xin ơn trung tín trong đời hôn nhân.

Chúng tôi cũng ghé đến kính bái Chúa Hài Đồng tại nhà thờ nổi tiếng Đức Bà Chiến Thắng (Our Lady Victorious) của thủ đô Praha, tại đường Karmelitska 9. Nhà thờ được xây cất vào năm 1611, theo mẫu barốc. Nhà thờ được nổi danh nhờ bức họa Chúa Hài Đồng, được tôn kính từ thế kỷ XVI. Nhiều chính phủ trên thế giới, trong đó có nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (mặc dầu vô thần!) đã kính tặng một bộ áo hoàng bào mầu đỏ cho Chúa Hài Đồng.

Chúng tôi tiếp tục đi thăm thủ đô Praha, rảo bộ trên những đường phố chính, thăm viếng những đền đài và nhất là những nhà thờ nổi tiếng nhất của thủ đô Praha. Phải công nhận đây là một thành phố đẹp, với nhiều đền đài cổ kính và nhiều thánh đường nguy nga. Praha đã nổi tiếng là thành phố đẹp nhất thế giới từ thời Trung Cổ. Trong hai thế chiến, Praha may mắn không bị tàn phá vì chiến tranh, nên thành phố mệnh danh là thành phố vàng với hàng ngàn ngọn tháp vẫn được vẹn toàn. Vào năm 2000, Praha được tặng tước hiệu danh dự “thành phố văn hóa của Âu Châu“. Hiện nay, thủ đô Praha có khoảng chừng 1.200.000 dân cư trong số hơn 10 triệu dân cư Tiệp.

Kết thúc ngày viếng thăm, chúng tôi đến công trường cổ kính nhất của Praha, công trường của tòa thị chính, đúng 17g chiều để cùng hàng chục ngàn du khách chiêm ngắm chiếc đồng hồ Các Thánh Tông Đồ (Aposteluhr, tiếng Tiệp Orloj) được gắn lên bức tường của tháp tòa thị chính. Khi đồng hồ điểm 5 giờ chiều, hình 12 Thánh Tông Đồ lần lượt đi ra hết một vòng…cho mọi người chiêm ngưỡng.

Nên biết: Tổng giáo phận Praha rộng 8990 cây số vuông, với tổng số 370.000 giáo dân trên tổng số 2.062.000 dân: với 240 linh mục triều dòng hoạt động trong 378 giáo xứ với tổng số 881 thánh đường lớn nhỏ. Hiện có hai giám mục phụ tá là Đức Cha Václav Malý (1997) và đức cha Karel Herbst SDB (2002).

Giáo Hội Công Giáo Cộng Hòa Tiệp:Gồm hai giáo tỉnh: Praha và Olmtz với 6 giáo phận: Budweis, Kưniggrtz, Leitmeritz, Pilsen, Brnn và Ostrau-Troppau.

Theo thống kê đăng trong tập tài liệu của Tòa Tổng Giám Mục Praha, tính đến ngày 1.1.2003:

-dân số Tiệp: 10.230.060 người -Công giáo: 2.740.780 -Linh mục: 1.793 trong đó có 520 linh mục dòng. -Xứ đạo: 3137 -Nam tu sĩ: 860 trong 99 tu viện -Nữ tu sĩ: 2123 trong 162 tu viện

Thánh lễ mừng Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời

Sau một ngày rong ruổi trên các đường phố chính, với những đền đài nguy nga tráng lệ, đoàn chúng tôi họp lại với phái đoàn thủ đô Bá Linh của cha Lê Phan để mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ Linh Hồn Và Xác Lên Trời tại một nhà thờ Thánh Giacôbê ngoài ngoại ô Praha, cách chợ Sapa mấy cây số. Nhà thờ giáo xứ tuy nhỏ, nhưng kiến trúc thật mỹ thuật. Cao vút trên cung thánh là cảnh tượng Mẹ Maria được vinh hiển trên trời, Thiên Chúa Cha đang trao ban vương miện nữ hoàng cho Mẹ. Thánh lễ do cha Stêphanô Lưu chủ tế cùng với cha Phanxicô Hòa, cha Lê Phan, cha Hạnh và cha Phêrô Chinh dòng Don Bosco từ Việt Nam. Cha chủ tế mời gọi mọi người hiệp thông cầu nguyện với giáo hội Việt Nam đang quy tụ dưới chân Mẹ La Vang, trong dịp hành hương mùa hè 2009. Đặc biệt cầu nguyện với hàng trăm ngàn giáo dân giáo phận Vinh, quy tụ về tòa giám mục Xã Đoài, để mừng kính Mẹ về trời, Bổn Mạng giáo phận và hiệp thông một lòng cầu nguyện cho Tam Tòa đang bị công an csVN đánh đập và đàn áp!

Trong ít phút chia sẻ Lời Chúa, cha chủ tế mời gọi mọi người hãy đến ngồi bên chân Mẹ (nghỉ ngơi trong tiệc Thánh Thể) để nghe tiếng Mẹ ru, để nghe lời Mẹ dậy: mở lòng đón nhận giao ước vĩnh viễn của Thiên Chúa tình thương, quyết tâm chống lại mọi mưu mô của con rồng đỏ, lòng luôn hoan ca lòng từ bi nhân hậu của Chúa tình thương cùng với Mẹ Maria trong bài Magnificat “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa“ và trung tín với Chúa cho đến hơi thở sau hết: Mẹ là hoa quả đầu mùa của hồng ân cứu chuộc của Chúa Kitô Phục Sinh, là Evà mới bên Ađam mới…là vinh hiển và hy vọng của dân Thiên Chúa.

Buổi tối hai đoàn chúng tôi được mời tham dự bữa tiệc do Liên CĐCGVN Tiệp khoản đãi tại nhà hàng Đông Đô, một nhà hàng nổi tiếng án ngữ ngay lối vào của trung tâm thương mãi Sapa. Vui mừng nhất là sự hiện diện của đầy đủ ba cha tuyên uý của các cộng đoàn CGVN Tiệp: cha Hòa, cha Khang và cha Hùng cùng với ban chấp hành Liên CĐCGVN Tiệp và ban đại diện cộng đoàn CGVN tại thủ đô Praha. Cũng đủ sơn hào hải vị với bia Tiệp… quyện theo các bài hát câu hò thêm ấm tình cộng đoàn nối vòng tay lớn mãi tới tận đêm khuya.

Đại lễ mừng 10 năm thành lập Liên CĐCGVN Tiệp

Khoảng ba giờ sau trưa Chúa Nhật 16.8, đoàn chúng tôi đã tới thánh đường Matka TEREZA, tọa lạc trong khu phố Praha 4 Haje. Đây là một thánh đường kiến trúc theo kiểu tân thời đa dụng, nằm trên ngọn đồi cao, chung quanh một công viên thoai thoải. Nhà thờ chứa được khoảng 400 người kể cả gác đàn xây ở phía hậu. 14 tấm bảng lớn họa 14 chặng đường Thánh Giá bên phía trong dùng làm phông ngăn cách cung thánh hình vòng tròn. Trong khi chờ đợi giờ khai mạc, các linh mục giúp giáo dân đến hòa giải với Thiên Chúa qua Bí tích giải tội, diễn ra trong cung thánh.

Đúng 16g, buổi lễ khai mạc được diễn ra ngay trên lòng nhà thờ… Sau lời chào đón giới thiệu chương trình của MC chính của đại lễ, đoàn lân thiện nghệ với đôi lân quyện vào nhau, vũ theo điệu trống và chũm chọe lúc dồn dập hăng say, lúc thảnh thơi nhàn hạ… thật điêu luyện. Theo truyền thống, mỗi khi có múa lân khai trương, thì lân sẽ mang nhiều phúc lợi cho gia chủ. Hy vọng đôi lân hòa hợp này cũng sẽ mang lại phúc lợi hòa hợp và thăng tiến nhịp nhàng cho LCĐCGVN Tiệp trong thập niên tới.

Cộng đoàn CGVN tại Tiệp với trên 300 người đến từ khắp các cộng đoàn trên nước Tiệp: từ Cheb, Morova, Nam Tiệp, Telpice, Plzen, Ml. Boleslav, Pardubice và Praha. Đa số là các bạn trẻ và gia đình trẻ. Cộng đoàn tụ họp trong thánh đường hôm nay vui mừng chào đón tất cả 10 linh mục Việt-Tiệp, phái đoàn Bá Linh gồm khoảng 50 giáo dân, phái đoàn Stuttgart gồm hai linh mục và 3 giáo dân, hôm nay đến tham dự đại lễ…

Sau vũ khúc mở đầu của đòan lân, ông Phêrô Đinh Xuân Toàn, đương kim chủ tịch Liên CĐCGVN Tiệp ngỏ lời chào mừng đại hội. Sau đây là nguyên văn DIỄN VĂN KHAI MẠC ĐẠI LỄ BỔN MẠNG VÀ KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP của ông chủ tịch lược qua những giai đoạn lịch sử hình thành cộng đoàn:

“Trọng kính quí Cha Stanislav Pribyl, Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Tiệp cũng là Cha tổng đại diện giáo phận Litomerice

Trọng kính các quí Cha,

Kính thưa quí vị đại biểu và toàn thể quí ông, bà, anh chị em.

Thưa các bạn trẻ, các em, các cháu trong Liên Cộng Đoàn rất thân mến,

Trước hết con thay mặt cho Liên Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam (LCĐCGVN) tại Cộng Hòa Tiệp xin nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các qúi vị đã giành tình cảm yêu mến, đã hy sinh thời giờ quí báu và vượt qua những chặng đường xa xôi để có mặt cùng với LCĐ chúng con, tham dự Đại Lễ ngày hôm nay.

Con xin phép được thay mặt LCĐ ôn lại quãng đường hình thành và phát triển trong 10 năm qua.

Khó có thể nói chính xác được rằng người Việt Nam đầu tiên có mặt tại đất nước Tiệp này từ ngày nào, tháng nào, năm nào. Chỉ biết rằng từ rất lâu rồi cách đây hàng 30-40 năm hay lâu hơn nữa đã có những người Việt sang lao động hoặc học tập. Nhưng do quan điểm hoặc chính sách của nhà nước mà cho đến thập kỷ 90 có vô cùng ít người Công giáo. Kể từ sau thập kỷ 90 khi đất nước Tiệp thay đổi thể chế chính trị, đồng thời với làn sóng di dân từ Việt Nam sang Châu Âu để làm việc và kinh doanh phát triển rầm rộ, có thêm một lớp người mới chọn mảnh đất Tiệp Khắc làm nơi lập nghiệp. Và một phần trong số đó là người Công Giáo. Vì công cuộc mưu sinh, vì tương lai mai sau mà thế hệ chúng con cất bước tha hương. Bỏ lại sau lưng Quê hương, gia đình, xứ sở, bỏ lại sau lưng mái nhà thờ với tiếng chuông quen thuộc, thân thương. Những buổi Thánh Lễ ở quê nhà ngày nào giờ chỉ còn có trong những giấc mơ khắc khoải. Dấu ấn của người Công Giáo chẳng thể phai mờ. Nhưng ở nơi đất khách quê người, ngôn ngữ thì xa lạ, chúng con chẳng biết tìm Chúa nơi đâu….Và cứ thế, năm tháng trôi qua trong mịt mờ vô vọng, giống như đêm đen bao phủ cuộc đời chúng con -những kẻ vốn là con cái Ánh Sáng.

Thế rồi đến tháng 2/1999 một câu chuyện, một sự kiện xảy ra tại thành phố As thuộc huyện Cheb. Để tất cả quí Cha, quí vị biết được câu chuyện ấy là gì và như thế nào xin được nhường lời cho chị Anna Nguyễn Thị Thu Thủy, một trong những nhân vật chính trong câu chuyện này lên kể lại...

(Vào tháng 2/1999, sau khi cảm nhận được ơn lành mà Chúa thương ban qua một trường hợp đăc biệt, chị Thủy lại cầu nguyện với Người để có thể gặp được một Linh mục Việt nam tại đất Tiệp này. Vì đang buôn bán ở chợ biên giới nên gặp bất cứ người Việt nam nào từ Đức qua, chị đều hỏi thăm xem họ có Đạo hay không. Cho đến một hôm chị gặp được vợ chồng anh Vinh là người Công Giáo đang sống tại Đức. Chị liền nhờ anh chị Vinh giới thiệu với một Linh mục Việt nam. Sau khoảng 2 tuần chị nhận được một lá thư mà người gửi là Cha Phêrô Nguyễn Đức Vinh Dòng Ngôi Lời đang mục vụ cho người CGVN tại Đức, trong thư nói nếu chị thực sự có nhu cầu gặp thì hãy liên lạc điện thoại với Cha. Sau khi gọi điện và xác định đúng chị Thủy là người có đạo, Cha Vinh sang thành phố As gặp gia đình chị Thủy và Dâng Lễ tại nhà. Cha yêu cầu chị Thủy tìm và tập trung những người CG khác xung quanh để lần sau Cha sang gặp. Sau đó 1 tuần Cha Vinh lại sang, cùng đi với Cha là một người Đức nói giỏi tiếng Việt và có cái tên rất Việt: Lê Đức Phan. Đó chính là Cha Stefan Tauebner Dòng Tên. Hai Cha cùng với vài gia đình dâng Thánh Lễ tại nhà Thờ Francis lazne. Sau đó cứ mỗi tuần hai Cha lại sang vừa cho Lễ vừa tìm kiếm thêm được những Giáo dân ở các khu chợ thành phố Cheb. Tháng 3/1999 Cha Vinh dâng lễ tại nhà thờ Cheb có khoảng 20 người tham dự…từ đó Cheb trở thành địa điểm để tổ chức các Thánh lễ mỗi dịp hai Cha sang.)

Vâng. Kính thưa quí Cha, ông bà, anh chị em. Chúng ta vừa đuợc nghe một câu chuyện thật cảm động. Đó là câu chuyện của những tấm lòng, câu chuyện của Đức tin, là câu chuyện về Dấu ấn của Ánh Sáng Chúa Kitô… và đó cũng là mở đầu cho một thời kỳ mới: Thời kỳ hình thành Cộng Đoàn Công Giáo Việt nam tại Cộng Hòa Sec - tiền thân của Liên Cộng Đoàn Công Giáo VN tại Cộng hoà Tiệp hiện nay.

Sau khi đã hình thành nhóm người Công giáo đầu tiên Bắt đầu từ Cheb, hai Cha lại lên đường tới những mảnh đất xa xôi, lạ lẫm trên đất nước Tiệp để tìm kiếm, qui tụ con Chiên.

-Tháng 8/1999 Cha Phan và Cha Vinh đặt chân lên thủ đô Praha.

-Ngày1/1/2000 Thánh lễ đầu tiên tại Praha tại nhà Thờ Thánh I Nhã có 17 Giáo dân tham dự.

Sau Praha Cha Phan tiếp tục tới các thành phố khác như: Tabor, Strazni, Brno….Ở nơi nào Cha tìm được giáo dân mới Cha đều cho Thánh Lễ, các buổi Lễ nay thường diễn ra tại nhà của giáo dân.

-Đầu năm 2003, tại TP Cheb có thầy Đặng được Đức Giám Mục giáo phận Plzen ký hợp đồng làm việc với nhiệm vụ giúp người Công giáo VN trong địa phận.

Trong khoảng thời gian từ 2000 đến 3/2004 các vùng mỗi năm được hai, ba Thánh lễ do Cha Phan hoặc Cha Vinh hoặc các Cha khách từ Đức qua, hoặc các vùng tự liên hệ mời các Cha VN đang du học tại Ý, Pháp,…sang cho Lễ.

-Tháng 5/2003, Cha Hùng lúc đó đang mục vụ tại miền Tây nước Úc qua chuyến đi Tiệp về, tại cuộc họp ở Roma có viết bài nêu lên nhu cầu cần thiết phải có Linh Mục Việt nam tại đây

Và đề nghị Giáo hội Tiệp giải quyết.

-Tháng 4/2004 hai Cha dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam là Cha Antôn Phạm Văn Tịnh và Cha Phanxicô Hoàng Minh Đức tới Tiệp nhận sứ vụ chăm sóc, mục vụ cho người Công giáo Viêt nam theo lời mời của Đức Hồng Y Miloslav FLK, Giám mục giáo phận Praha giao cho Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Tiệp làm việc với Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

-Tháng 10/2004 Cha Đức về nước do không thích nghi được với môi trường làm việc và cuộc sống tại Châu Âu. Còn lại mình Cha Tịnh và thỉnh thoảng có Cha Phan từ Đức qua vừa đi khắp các miền đất nước tìm kiếm Chiên mới, vừa cho Lễ mỗi tháng 1 lần ở một số vùng.

-Tháng 12/2005 Cha Phan được Đức Hồng Y tín nhiệm uỷ thác cho nhiệm vụ chăm sóc mục vụ CĐCGVN tại Tiệp.

-Ngày 01/01/2006, có thể nói đây là lần đàu tiên có một Thánh Lễ chung cho tất cả người CG VN trên toàn Séc tổ chức tại nhà Thờ Thánh I Nhã. Thánh Lễ do Đức Hồng Y Giám mục Praha chủ sự.

-Tháng 8/2005 Đức Cha Plzen chấm dứt hợp đồng làm việc đối với thầy Đặng.

-Tháng 11/2005 Cha Tịnh được Đức Cha Plzen bổ nhiệm làm Cha tuyên uý cho người VN giáo phận Plzen. Đây là lần đầu tiên một Linh mục VN được bổ nhiệm làm Tuyên uý. Cha đi dâng lễ khắp nơi không chỉ riêng địa phận Plzen. Vì không lái được xe nên phương tiện di chuyển của Cha Tịnh là tàu hoả và đi bộ. Chính vì vậy có người nói vui rằng cứ đà này Cha Tịnh sẽ lập kỷ lục về đi bộ, tha hồ Cha nổi tiếng.

-Nhìn nhận thấy tương lai phát triển của CĐ ngày một lớn lên, nếu cứ tập trung tại Nhà Thờ Thánh I Nhã sẽ không đủ chỗ, và thời gian gặp gỡ nhau quá ít ỏi cho nên

-Ngày 30/12/06 đến 01/01/07 Cha Phan và Cha Tịnh quyết định tổ chức Đại hội Công giáo VN toàn Tiệp tại nhà Dòng Klokotty –TP Tabor có khoảng 70 người tham dự.

- Tháng 2/2007 Cha Tịnh có quyết định về hẳn VN. Nhà dòng Chúa Cứu Thế Tiệp mời Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN tại Mỹ cử các Linh mục VN sang thay Cha Tịnh. Cha bề trên Đaminh Đinh Minh Hải từ Mỹ sang tìm hiểu tình hình và sẽ lựa chọn 1 trong 2 CĐ Châu Âu đều có nhu cầu cần Linh mục coi sóc: Đó là Đan Mạch hoặc Tiệp.

-Tháng 3/2007: Cha Tịnh về Việt Nam. Trên đất Tiệp không còn vị Linh mục nào chăn dắt đàn Chiên yếu đuối, ngơ ngác giữa đất khách quê người.

Khi nghe Cha Phan thông báo tin này có biết bao cuộc điên thoại, biết bao nhũng dòng nước mắt đã chảy, biết bao những ưu tư lo lắng trên các khuôn mặt giáo dân. Bơ vơ lại trở về với bơ vơ, rồi tương lai Cộng đoàn sẽ ra sao? Những gánh nặng ấy lại đè trĩu nặng lên đôi vai của Cha Lê Phan. Đứng trước tình hình ấy một mặt Cha đặt ra một chức danh: Thư ký chung Cộng đoàn, nhằm mục đích giữ liên lạc giữa các vùng trong cả nước trong lúc không có Cha. Còn bản thân Cha Phan lại một lần nữa đi về giữa 2 đất nước. Vừa làm tròn sứ mạng mục vụ tại nước Đức,vừa cố gắng giữ cho CĐ Tiệp còn chút lửa để tồn tại.

Đúng vào lúc đất trời một lần nữa nổi cơn mù mịt thì những thông tin lại dồn dập đem đến cho CĐ MỘT HY VỌNG MỚI. 1- Một là; Cha Bề trên Phụ tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Mỹ Đinh Minh Hải, sau khi đi thị sát hai CĐ Tiệp và Đan mạch về, Ngài nói: cả hai nơi đều cần, nhưng tại Tiệp cần thiết hơn. Và có một Linh mục xung phong sang Tiệp nhận lãnh sứ vụ chăm sóc đoàn Chiên Việt. Đó là Cha PhanxicôAssisi Đặng Phước Hoà lúc ấy đang là Cha Quản xứ giáo xứ Đức Mẹ La vang Tucson bang Arizona -Mỹ.

1- Hai là: Cha Antôn Phạm Văn Tịnh trở lại phục vụ tiếp

2- Ba là: Đức Giám mục Olômou mời hai Linh mục Dòng Ngôi lời VN. Cha Giuse Đào Thành Khang và Cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Hùng sang Tiệp phục vụ người CGVN.

-Ngày 1/6/2007 Cha Hoà đặt chân lên đất Tiệp và đến 8/7/07: Cha Hoà được Đức Hồng Y Giám MụcPraha bổ nhiệm làm Cha tuyên uý của người CGVN địa phận Praha -Ngày 16/6/2007 Hai Cha Nguyễn Thế Hùng và Cha Đào Thành Khang đến Tiệp được bố trí vào Chủng viện Olomou học tiếng.

-Cha Tịnh trở lại tiếp tục mục vụ tại địa phận Plzen và các vùng phụ cận.

-8/12/07 Cha Tịnh thành lập CĐ Plzen

-22/12/07 Cha Hoà thành lập CĐ Mlada Boleslav.

-30/12/07 đến 01/01/08 Đại hội CG kỳ II tại Tabor được tổ chức do 4 Linh mục VN chủ trì với sự tham gia của 80 giáo dân.

Kính thưa các quí Cha, quí ông bà, anh chị em.

Nếu chia quãng đường 10 năm ra làm 2 phần, xin được đặt tên cho hai chặng đường đó là:

-Từ tháng 2/ 1999 đến tháng 6/2007: HÌNH THÀNH

-từ tháng 7/ 2007 đến nay: PHÁT TRIỂN

Thật đúng như vậy, mới chỉ có 2 năm thôi chắc bất cứ ai trong CĐ có giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng không dám nghĩ đến những sự phát triển và lớn mạnh vượt bậc được thể hiện qua những sự kiện theo các mốc thời gian như sau:

-Tháng 5/2008 cử đại biểu tham dự đại hội CGVN tại Đức kỳ thứ 32 với mục đích giao lưu, học hỏi công tác tổ chức những sự kiện lớn.

-Tháng 7/2008 Hành hương Đức Mẹ Lộ Đức với 50 người tham gia.

-Cuối tháng 7/2008: Tổ chức trại hè TNCGVN toàn Tiệp trong 3 ngày có 78 thanh niên tham gia.

-Ngày 17/8/2008 Cha Hùng thành lập CĐ Padubice

- Một lần nữa do thực tế phát triển của CĐ các Cha quyết định thay đổi thời gian, địa điểm tổ chức Đại hội CGVN

-Ngày 24,25,26/12/2008 Đại hội CGVN kỳ III tại TOP HOTEL Praha trong 3 ngày có hơn 300 giáo dân tham dự. Do Cha Hoà, Cha Hùng, Cha Khang chủ trì.

Cũng chính trong Đại hội kỳ này LCĐCGVN tại CH Tiệp ra đời. đồng thời qui hoạch lại các vùng Công giáo cả nước thành 8 Cộng đoàn. Và cũng trong Đại hội này đã bầu cử trực tiếp Ban đại diện Liên CĐ và Ban đại diện của 8 CĐ trực thuộc.

-Tháng 6/2009 Hành hương Thánh đô VATICAN có 52 người tham dự.

-Tháng 7/2009 Trại hè TNCGVN kỳ II tại Pribram trong 3 ngày, có 102 thanh niên tham gia.

-Về Phụng vụ: Từ 10/2008 Cha Tịnh về VN nhận sứ vụ mới, còn lại ba Cha tuyên uý cùng kết hợp để đến với các CĐ.

Có 3 CĐ có Lễ hàng tuần: Praha, Plzen, Mladaboleslav

Có 4 CĐ được dâng Lễ 2 tuần 1 lần: Prdubce, Morava, Cheb, Dom

-Về công tác xã hội, bác ái: cũng được LCĐ tổ chức một cách rộng khắp và kịp thời.Ví dụ như đợt cứu trợ,giúp đỡ anh chị em CN bị mất việc làm, thăm hỏi, chia sẻ với những trường hợp ốm đau, tang lễ…

-LCĐ cũng tổ chức những cuộc thăm hỏi,gặp gỡ giao lưu giữa các CĐ trong nước với nhau và cả với những CĐ bạn ở các nước khác. Đồng thời cũng tổ chức đón tiếp các Cha và những đoàn khách đến thăm LCĐ một cách chu đáo và thân thiết.

-Lập ra các đội, đoàn để phục vụ những sự kiện lớn. Đồng thời cố kế hoạch bồi dưỡng sử dụng lớp thanh niên trẻ vào những công tác phù hợp.

Kính thưa các quí Cha, quí ông bà và anh chị em

Thật đáng tiếc trong đại lễ hôm nay thiếu vắng những Cha đã từng là người sáng lập ra CĐ như Cha Vinh, những Cha đã đồng hành và chăm sóc cho CĐ như Cha Tịnh, Cha Đức, các Cha VN khác đã từng qua, thăm hỏi, dâng Thánh Lễ cho CĐ. Các Đấng Bề trên như Đức Hồng y Giám mục Praha, Đức Giám mục Plzen, Olommou, các Cha Xứ ở các vùng..và còn rất nhiều các Ân nhân khác cũng không có mặt được vì lý do công việc hoặc khoảng cách quá xa xôi. Rất nhiều vị đã gửi thư hoặc điện chúc mừng như thư của Đức Hồng Y MiloSlav FLK, của Cha Tịnh, của LĐ CG Đức…Ai cũng tâm nguyện luôn ở bên cạnh và cầu nguyện cho LCĐ chúng con.

Chúng con cảm tạ Chúa sáng suốt vô cùng đã gửi đến LCĐ những Đấng Chủ chăn phù hợp với mỗi giai đoạn: Đấng thì dũng cảm, bản lĩnh như Cha Phan, Cha Vinh. Đấng lại hiền lành; chịu đựng như Cha Tịnh, Đấng tài ba trong tổ chức, có sức lôi cuốn rất lớn như Cha Hoà, lại có Đấng gần gũi,nhiệt tình như Cha Khang, Cha Hùng. Hết thảy các Cha - Người này nối người kia tìm tòi chăm bẵm, vun xới thúc đẩy cho hạt giống Đức Tin mà Chúa đã gieo trong chúng con từ khi được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy trở nên lớn mạnh,vững vàng thành LCĐ CG chúng con ngày hôm nay.

Chúng con cảm ơn Mẹ La Vang, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của LCĐ đã luôn luôn gần gũi, động viên, che chở và cầu bầu cho chúng con trong 10 năm qua.

Chúng con cảm ơn các Hội Dòng đã gửi các Cha sang bên Tiệp mục vụ.

Chúng con cảm ơn các Cha đã và đang gắn bó với LCĐ, vì chúng con mà vất vả hy sinh

Chúng con cảm ơn Giáo hội Tiệp thông qua Đức Hồng Y, Giám mục Praha, các Đức Giám mục giáo phận, nhà dòng Chúa Cứu Thế Tiệp, các Cha quản Xứ, đã luôn yêu thương, quí mến và ủng hộ LCĐ chúng con trong mọi việc như: Nhà thờ để Dâng Lễ, địa điểm tổ chức các sự kiện Đại hội, trại hè…

Chúng con xin cảm ơn những Ân nhân trong suốt 10 năm qua đã ủng hộ về vật chất, về tinh thần, về sức lực hoặc thời gian để LCĐ ngày một lớn lên.

Chúng con cảm ơn Giáo xứ Đức Mẹ La Vang, Cộng Đoàn Thánh gia Berlin và nhiều cộng đoàn khác đã giành cho LCĐ chúng con tình thân ái và giúp đỡ

Cũng xin cảm ơn tất cả ông bà cô bác anh chị em trong LCĐ đã luôn đoàn kết, nhất trí và ủng hộ LCĐ trong mọi chủ trương và việc làm.

Nguyện xin Chúa Cả Ba Ngôi Chí Thánh qua lời cầu bầu của Mẹ Lavang và Thánh Cả Giuse cùng các bậc tiền nhân chúng con là Các Thánh Tử Đạo Việt nam.Xin Người ban cho các quí Cha, các Ân nhân, các vị Đại biểu và tất cả Liên Cộng Đoàn chúng con được đầy tràn Hồng Ân của Người. Xin cho hết thảy chúng con được khoẻ mạnh và an lành đồng thời củng cố thêm Đức Tin và Tình hiệp nhất trong LCĐ chúng con trong công cuộc xây dựng Nước Chúa trên mảnh đất này.”

Sau đó cha Lê Phan, một trong những vị sáng lập cộng đoàn CGVN Tiệp, đã ngỏ lời chào mừng Đại Hội và nhìn lại những bước đầu hình thành đầy gian lao vất vả của những bước chân lang thang đầu tiên của cha, của cha Vinh, của thầy Thế…và của các linh mục kế tiếp…lao đao lận đận trong vòng hơn 10 năm qua trên đất Tiệp, đi tìm từng con chiên để quy tụ vào ràn chiên, đúng như lời Thánh Vịnh “Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan”. Cha kể lại câu chuyện vui buổi đầu gặp gỡ. Nhiều bà nhiều cô bán hàng kháo láo với nhau: “ông Tây nói sõi tiếng Việt, chắc đi tìm vợ đem sang Đức”… Trả lời cho mấy giáo dân của giáo đoàn tiên khởi, Ngài hóm hỉnh nói: “Lấy chồng Đức, sang nước Đức, nhưng chưa phải là thiên đàng đâu! Tôi muốn giúp anh chị em con đường lên thiên đàng chứ không phải sang Đức đâu”. Ngài mở danh sách đầu tiên ghi vào Năm Thánh 2000, có tổng cộng 37 nhân danh già trẻ lớn bé. Người đứng đầu là ông Khánh hôm nay cũng có mặt tham dự. Ngài cũng nhắc nhớ lại Thánh Lễ đầu tiên cùng cha Vinh dâng tại một bàn thờ trong nhà dòng Thánh I Nhã… Thánh lễ khai mào những bước chân truyền giáo trên thủ đô Tiệp và các miền đất xa xôi khác trên khắp nước Tiệp.

Ngài cám tạ Thiên Chúa vì những món quà đã đón nhận, những thành quả đã gặt hái. Ngài chúc mừng cộng đoàn ngày càng phát triển và trưởng thành trong đức tin và hiệp nhất. Mời gọi cộng đoàn chung tay cộng tác để xây dựng tương lai trong tinh thần công ích. Ngài nói: “Cộng Đoàn Công Giáo không thuộc về một cha nào cả, nhưng thuộc về Hội Thánh và thuộc về Chúa”, do đó mọi thành phần Dân Chúa được mời gọi cùng chung lưng xây dựng cộng đoàn trên tinh thần này.

Sau cùng cha Lê Phan vui mừng trao lại những trang hồ sơ quý giá đã thu góp và giữ gìn từ ngày thành lập cộng đoàn đến nay cho cha tuyên uý mới là cha Phanxicô Assisi Hòa. Ngài cũng loan báo tin vui cho cộng đoàn: vào ngày 22.8, cộng đoàn vui mừng đón tiếp ba nữ tu Mến Thánh Giá Vinh từ Quê Hương sang phục vụ cộng đoàn. Đây là món quà vô cùng lớn lao mà Chúa Quan Phòng trao ban qua Giáo Hội Việt Nam, nhất là qua sự thỏa thuận của giáo phận Vinh, với sự giúp đỡ vật chất của dòng Tên và giáo hội Tiệp. Ngài xin cộng đoàn mở rộng vòng tay và tấm lòng đón tiếp và nâng đỡ những bước chân truyền giáo đầy cam go vất vả tha hương, xa bà con thân thuộc, lạ nước lạ cái và nhớ nhà của các sơ, nhất là trong những tháng tiết đông lạnh lẽo sắp tới: “xin giúp đỡ các sơ bớt vơi nước mắt nhớ nhà thay vì một năm thì nhớ nhà 6 tháng thôi”.

Sau đó là lời chào mừng và chúc mừng của cha Stanislav Príbyl, giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế tại CH Tiệp và tổng đại diện giáo phận Litomerice. Ngài diễn tả niềm vui được đến chủ tế thánh lễ nhân danh Đức Hồng Y Miloslav FLK, nguyên chủ chăn tổng giáo phận Praha… Đức Hồng Y Miloslav FLK vì bận công việc nên không thể đích thân đến chủ tọa Thán Lễ, nhưng Ngài thân ái gửi lời chào thăm và chúc lành cho Đại Hội…

Cha Giuse Huỳnh Công Hạnh, là bạn cùng lớp của cha tuyên úy Hòa và bạn cùng dòng Ngôi Lời với hai cha Giuse Đào Thành Khang và Gioan B. Nguyễn Thế Hùng, cũng đã góp lời chào mừng Đại Hội qua mấy vần thơ Ngài đã sáng tác: “Mừng 10 năm thành lập Liên cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Cộng Hoà Tiệp”:

Kìa xem hạt giống ươm trồng

Đâm chồi, nẩy lộc, trổ đòng, đơm bông

Làm vui lòng dạ người trồng

Tăng thêm bông hạt cánh đồng bao la.

Hôm nay ai nấy reo ca,

Người người khắp chốn gần xa trẩy về

Tâm hồn vui sướng tràn trề

Mọi người xum họp đề huề hân hoan

Mừng ngày thành lập cộng đoàn

Mười năm tăng trưởng chứa chan tình người.

Nguyện xin Thiên Chúa trên trời

Ban muôn hồng phúc qua Lời Người ban.

Chúc cho cha xứ, công đoàn

Vui trong tình Chúa, hân hoan từng ngày

Trở nên bông hạt hôm nay

Chứng nhân Lời Chúa, ngày mai quê trời.


(Công Hạnh - Prague 16.08.2009)

Sau đó là lời chúc mừng ngắn của anh Cường đại diện phái đoàn Bá Linh, thay mặt cha Hà, cầu chúc cộng đoàn CGVN tại Tiệp, là cộng đoàn CG đầu tầu trong khối cs Đông Âu cũ, cầu mong cộng đoàn ngày càng lớn mạnh để kéo theo các cộng đồng Công Giáo ở các nước Đông Âu khác,

Sau cùng là lời chào mừng của chính cha tuyên uý Phanxicô Assisi Đặng Phước Hòa, dòng Chúa Cứu Thế. Ngài mượn hình ảnh căn nhà để ví với việc hình thành Liên CĐCGVN tại Tiệp: căn nhà này đã được các bậc linh mục đàn anh khai sáng và xây dựng trong những năm đầu với bao mồ hôi vất vả, nay Chúa trao phó cho chúng tôi tiếp tục xây dựng và hoàn thành. Cộng đoàn đang phát triển từ các sinh hoạt nội bộ, tổ chức thánh lễ hàng tháng, sinh hoạt mục vụ, tổ chức trại hè, sinh hoạt thanh thiếu niên, đi hành hương Lộ Đức, Roma... nhằm giúp giáo dân sống đức tin. Về đối ngoại, cộng đoàn mở rộng vòng tay giao lưu viếng thăm các cộng đoàn Ba Lan, Bulgaria, Ukraine nơi có 4 nữ tu Việt Nam đang dấn thân, tham dự Đại Hội CGVN tại Đức…để học hỏi thêm và hiệp thông trong đức tin.

Sau đó là cuộc kiệu cung nghinh Mẹ La Vang quanh công viên nhà thờ… bắt đầu bằng Thánh Giá nến cao mở đường, tiếp theo là đoàn giáo dân đi trước cờ hiệu Mẹ La Vang, Bổn Mạng cộng đoàn, tiếp đến là đoàn giáo dân và cờ hiệu Đức Mẹ Tiệp… các em giúp lễ, đoàn thiếu nữ dâng hoa, các em tung hoa, kiệu Đức Mẹ La Vang và đoàn các linh mục tháp tùng kiệu. Ánh nắng chan hòa công viên, như ánh sáng Mặt Trời công chính là chính Chúa Giêsu, chiếu rọi đoàn con trên đường kiệu dương thế, qua tay phù trì của Mẹ La Vang… Suốt dọc đường kiệu, giáo dân được hướng dẫn lần hạt Mân Côi dâng kính Mẹ và sen kẽ bằng các câu hát “Lạy Đức Mẹ La Vang” nhạc và lời của Hoàng Vũ, hoà âm Dao Kim. Cảm động nhất là câu phiên phúc 3: “Lạy Đức Mẹ La Vang, dân Việt Nam khắp trên hoàn cầu. Lạy Đức Mẹ La Vang, dân con Việt đồng thanh bái chào. Nơi xứ người tạm dung, nguyện xin Mẹ dìu dắt chúng con. Trên bước đường ly hương, đoàn chúng con sống trong tình thương”.

Đoàn kiệu kết thúc sau gần nửa giờ với Thánh Lễ mừng kính Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, cao điểm của Đại Hội.

Đoàn thiếu nữ dâng hoa đã khai mạc Đại Lễ trong phụng vũ dâng hoa năm sắc: trắng, hồng, tím, vàng và hoa đỏ….trong điệu nhạc dâng hoa cổ truyền…gợi lại cả truyền thống yêu mến Đức Mẹ của các giáo xứ Công Giáo Việt Nam xưa và nay. Thánh lễ bắt đầu với Dấu Thánh Giá bằng tiếng Việt Nam do cha Stanislav Príbyl, giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế tại CH Tiệp và tổng đại diện giáo phận Litomerice. Sau đó cha Martin Sedlon, cha xứ Klokoty, thành phố Tábor mở đầu lời chào phụng vụ “Chúa ở cùng anh chị em” cũng bằng tiếng Việt thật rõ ràng. Cùng đồng tế hôm nay có tất cả 10 linh mục: ngoài cha chủ tế, còn có hai cha người Tiệp, cha Lê Phan người Đức, còn lại là cha Giuse Hạnh và cha Stêphanô Lưu đến từ Đức, cha Chinh dòng Don Bosco đến từ Việt Nam, và ba cha tuyên uý các cộng đoàn CGVN tại Tiệp: cha Hòa, cha Khang và cha Hùng. Con số 10 linh mục trùng với 10 năm thành lập cộng đoàn như 10 hồng ân Chúa trao ban cho cộng đoàn CGVN tại Tiệp đại lễ hôm nay. Phần phụng vụ Lời Chúa với hai bài đọc trong Đại Lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời.

Sau bài Tin Mừng do thầy Phó Tế người Tiệp đọc bằng tiếng Tiệp, cha chủ tế đã chia sẻ Lời Chúa bằng tiếng Tiệp, anh Thanh Phong đã chuyển dịch như sau:

Đức Mẹ Maria rất đẹp và ở cạnh chúng ta

Kỷ niệm 10 năm thành lập cộng đoàn công giáo Việt nam tại CH Tiệp, KCMT, Praha, 16.8.2009

Các bạn Việt Nam thân mến, các bạn là những người đang đóng góp vào hoạt động của cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại CH Tiệp, và tôi rất hân hạnh được chúc mừng các bạn trong ngày lễ trọng đại này, ngày lễ của Đức Mẹ La Vang, nhưng đây không chỉ là ngày lễ cho những người Công giáo Việt Nam mà còn cho tất cả người Công giáo trên toàn thế giới.

Ngày hôm qua chúng ta kỷ niệm lễ trọng Đức Mẹ lên trời, một sự kiện vui mừng đánh dấu đỉnh cao của cuộc sống trần gian của Đức Mẹ, Mẹ chúng ta, và đây cũng là dịp để chúng ta ngẫm nhìn về tương lai của mình, bởi vì những gì Thiên Chúa đã tạo ra trong cuộc sống của Đức Mẹ, Thiên Chúa đều tạo ra trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.

Vào năm 1950 Đức Thánh Cha Piô XII đã ra ban bố tín điều khẳng định Đức Mẹ lên trời là sự thật hiển nhiên, và đó cũng chính là đỉnh cao của đức tin hàng trăm năm nay của giáo hội. Tín điều này được công bố dựa trên 2 lý do. Lý do thứ nhất là để làm sáng tỏ những đức tin cơ bản chống lại những thù địch không thể tránh khỏi của giáo hội trong những ngày đầu mới thành lập. Lý do thứ hai là để long trọng tuyên bố những đức tin không có trong Thánh kinh mà giáo hội đã thực hiện từ trước tới nay.

Vào năm 1940 Đức Thánh Cha Piô XII. đã ấn định cho hội đồng giám mục phải tìm hiểu „ hoạt động thực tiễn“ của giáo hội lúc này ra sao. Như vậy đã được sử dụng nguyên tắc mà vài năm sau đó được Công đồng Vatican II khẳng định: „Toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu, không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi "từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết" đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa.“ (LG 12- Hiến chế Ánh sáng muôn dân). Kết quả của việc nghiên cứu này cơ bản có một ý nghĩa duy nhất. Đức Thánh Cha như thế đã khẳng định đức tin của giáo hội và công bố như sau: “Đức Maria, Mẹ vô nhiễm của Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, vào cuối cuộc sống trần gian đã được đưa lên chốn vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác”. Lời công bố này nói về việc lên trời chớ không nói về cái chết của Đức Mẹ. Trong vấn đề này các nhà lý thuyết học đã cho là, hoặc Đức Mẹ không hề chết, mà đã được đưa thẳng lên chốn vinh quang trên trời từ cuộc sống, hoặc là nếu Đức Mẹ có chết thì lập tức sống lại và lên trời.

Nếu chúng ta nhìn lại sự chết, sống lại và lên trời của Chúa Giêsu, thì nghiễm nhiên Đức Mẹ cũng phải chết theo Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị cũng đứng về quan điểm này. Trong thời gian gần đây thì ý tưởng này cũng mất đi.

Thật là tốt nếu chúng ta biết được sự thật diễn ra như thế nào, nhưng quan trọng hơn chúng ta hãy tự hỏi, ý nghĩa của việc Đức Mẹ lên trời có tầm quan trọng như thế nào trong cuộc sống của mình… Ý nghĩa lên trời này đã được thể hiện bằng lễ trọng trong lịch phụng vụ. Đây không chỉ là lễ trọng mà còn như rất ít các ngày lễ trọng khác trong năm có lễ vọng. Ý nghĩa của ngày lễ này được diễn đạt trong các bài đọc và nhắc nhở chúng ta rằng, việc Đức Mẹ theo ý Thiên Chúa trải qua sau cái chết của mình chính là mục đích hy vọng của chúng ta.

Ở đây chúng ta không chỉ đề cập đến việc Đức Mẹ sống lại từ cõi chết, lên chốn vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác. Chúng ta còn phải nghĩ đến việc Đức Mẹ được tôn vinh là Mẹ chúng ta, tức là nghĩ đến một ý nghĩa khác về nhiệm vụ của Đức Mẹ.

Nếu Đức Mẹ có tham dự vào sự khổ nạn và chịu chết của Chúa Giêsu- Đức Mẹ Sầu Bi- thì Mẹ cũng có tham dự vào sự sống lại và vinh quang của Ngài. Vào dịp Phục sinh chúng ta hát „Regina Coeli“: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Hãy vui mừng lên từ chiến thắng của Ngài, hãy nguyện cho chúng con bên cạnh Ngài”. Chính vì vậy Đức Mẹ lên trời chính là một phần của việc từ cõi chết sống lại và vinh quang của Chúa Giêsu.

Cũng như thế Đức Mẹ còn có nhiệm vụ làm Mẹ, mà chúng ta ca tụng Mẹ như là lời nguyện cầu của Mẹ. Bên cạnh „ Hãy vui mừng lên từ chiến thắng của Ngài“ còn có „Hãy nguyện cho chúng con bên cạnh Ngài“.

Và cũng chính từ chân lý, Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác, cũng như Chúa Giêsu, không phải là một phần thưởng hoặc đặc ân cho Mẹ. Bây giờ Mẹ là người giúp việc cho Thiên Chúa, và thân thể vinh quang của Mẹ là công cụ để cứu độ chúng ta Đức Mẹ từ khi Chúa Giêsu lên trời có một nhiệm vụ mới kéo dài đến muôn đời, đó là người dẫn đường cứu độ chúng ta.

Sau khi lên trời Đức Mẹ không còn bị giới hạn bởi không gian va thời gian cũng như môi trường chúng ta đang sống. Mẹ sẽ có mặt ở khắp mọi nơi mọi lúc. Việc Đức Mẹ lên trời cũng tạo tiền đề cho việc Đức Mẹ hiện ra. Đây không chỉ là vinh quang của Mẹ mà còn là yếu tố giúp đỡ Ki-tô hữu chúng ta trên đường cứu độ.

Chúa Giêsu có nói với chúng ta rằng, Ngài sẽ ở lại với chúng ta đến tận thế. Ngài đã hiện diện với các tông đồ bằng xuơng thịt, nhưng họ rất khó nhận biết đó chính là Ngài. Khi không cần thiết Ngài trở thành vô hình đối với họ. Nhưng không có nghĩa là Ngài không có mặt ở đó.

Đức Mẹ cũng như vậy. Sự quan tâm làm mẹ của Mẹ không có giới hạn không gian và thời gian.

Như thế chúng ta có thể hiểu việc Đức Mẹ lên trời bằng góc nhìn khác. Đức Mẹ luôn sống và là Mẹ thật sự của chúng ta.

Giáo hội sau hàng trăm năm hát ca ngợi Đức Mẹ rằng: „ Mẹ đẹp toàn diện, Mẹ ơi“… Cái đẹp này là như thế nào? Trong cuộc sống thành đạt, trong việc hợp nhất với ý Chúa và việc tôn vinh Đức Mẹ lên trời. Sống lại và kết hợp cả hồn lẫn xác đó là ý Chúa, làm cho con người đẹp lên, cũng như Ngài đã thực hiện trong khi tạo dựng con người.

Ngày lễ Đức Mẹ lên trời được ban phước lành bằng hoa và cây cỏ. Đây là phong tục rất đẹp và có từ ngàn xưa. Hoa là món quà tình yêu, nó còn làm đẹp cho đất nước của tôi và các bạn. Khi ban phước lành bằng hoa là chúng ta nghĩ đến trách nhiệm phải tốt đẹp, sống theo ý Chúa và tạo dựng nơi chúng ta đang sống thành Thiên đường. Nơi đó không phải là thiên đường như trong bài quốc ca của chúng tôi, mà là một Thiên đường thật sự, ở đó Thiên Chúa là Đấng tạo thành tất cả, mọi người đều có điều kiện và không gian để phát triển theo ý Chúa. Mẹ Thiên Chúa, người không có cuộc sống trần gian dễ dàng nhưng được tôn vinh và ở rất gần chúng ta như một người mẹ, sẽ chỉ dẫn chúng ta rằng, Thiên đường và cái đẹp không phải có sẵn cho chúng ta nhận, mà đó là đỉnh cao của việc hợp nhất với Thiên Chúa.

Đây cũng là lý do của Thánh lễ hôm nay. Ước gì hôm nay sẽ là một ngày đáng nhớ giúp chúng ta có trách nhiệm phải sống tốt và cố gắng củng cố cái tốt đẹp đó. Đức Mẹ luôn ở cạnh, giúp đỡ chúng ta và tinh thần ngày Thánh lễ hôm nay sẽ giữ mãi trong chúng ta không chỉ đáp lại tấm tình làm mẹ của Đức Mẹ mà còn là bổn phận của mỗi người phải gìn giữ cái đẹp đó!

Cha Stanislav Přibyl, CSsR, Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế CH Tiệp, Tổng đại diện giáo phận Litoměřice, CH Tiệp”

Sau phần tuyên xưng đức tin, các thành viên trong ban chấp hành Liên Cộng Đoàn đã dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện tha thiết cho toàn thể Hội Thánh, đặc biệt cho Giáo Hội địa phương và Giáo Hội Việt Nam, cũng như cho cộng đoàn CGVN tại Tiệp. Phần dâng của lễ: 8 anh chị em đại diện cho 8 cộng đoàn chính trong nước Tiệp đã thay mặt toàn thể cộng đoàn tiến dâng lên Chúa những lễ vật lòng thành tượng trưng cho những tinh hoa của ruộng vườn…

Liên ca đoàn Emmanuel đã dâng lên Chúa các bài hợp ca “Kìa Bà nào”, Khúc Hoài Niệm, Cao Vời Khôn Ví, Lạy Đức Mẹ LaVang. Mặc dù mới khai sinh với vài chục ca viên, nhưng các bạn trẻ đã cố gắng tập dượt và đã dâng lên Chúa những lời ca tiếng hát từ đáy lòng, thêm phần long trọng cho đại lễ. Sau phần hiệp lễ, cây đàn saxophone nổi tiếng của phái đoàn Berlin do anh Điệp đã trổi vang khúc tán tạ hồng ân Thiên Chúa: “Hồng ân Chúa, dào dạt tháng năm, tay con nhỏ bé đón sao cho vừa…” hiệp thông trong niềm tri ân Thiên Chúa vì bao hồng ân đã tràn đổ trên cộng đoàn và mỗi gia đình, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, ông Giuse Vũ Tiến Quang, phó chủ tịch nội vụ của Liên Cộng Đoàn đã dâng lời cảm tạ và trao tặng qùa kỷ niệm tới quý cha.

Đại lễ đã được kết thúc bằng buổi tiếp tân khoản đãi tất cả quan khách cùng mọi người đã tham dự lễ với đầy đủ sơn hào hải vị: chả cuốn, thịt quay, chân giò, sàlát và dưa hấu tráng miệng. Tiếc rằng vì chương trình khai mạc và thánh lễ kéo dài hơn dự tính, xe bus chở phái đoàn Berlin phải vượt trên 500 cây số và phải về tới Bá Linh trước nửa đêm, nên phái đoàn Berlin phải vội vã chia tay, không thể ở lại tham dự buổi tiếp tân liên hoan.

Riêng đoàn Stuttgart chúng tôi, sau khi dự tiệc liên hoan, lên xe lúc nhá nhem tối trực chỉ về thành phố Cheb để ghé thăm cộng đoàn vào ngày hôm sau.

Chuyến viếng thăm cộng đoàn Cheb

Vào khoảng gần nửa đêm đoàn chúng tôi đến điểm hẹn siêu thị Tesco trong trung tâm thành phố Cheb. Chỉ vài phút sau, anh chị Vững gốc Hải Hậu đã hướng dẫn chúng tôi đến căn nhà của anh Thành. Chủ nhà đang đi hè về thăm Quê Nhà, nên tất cả căn nhà dành cho đoàn chúng tôi tá túc.

Sáng hôm sau, chúng tôi được gia đình anh chị Vững và chị Nhuần cho uống nước sáng bằng những tô phở nóng hổi. Sau đó đoàn chúng tôi đi thăm quan thành phố du lịch nổi tiếng trong vùng là Marienbad, cách thành phố Cheb chừng mấy chục cây số. Cha Hòa và cha Hạnh từ Praha đến nhập đoàn. Thành phố Marienbad (tiếng Tiệp gọi là thành phố Mariánské Láznê) nổi tiếng là thành phố dưỡng bệnh với nhiều nguồn suối khoáng chất thiên nhiên. Chung quanh thành phố này có tới 40 nguồn suối này, nổi tiếng nhất là nguồn Kreuzquelle, Karolina và Rudolfquelle. Mỗi năm có tới 40.000 người đến nghỉ ngơi dưỡng bệnh tại thành phố này. Điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất là giếng nước phun theo điệu nhạc (cứ mỗi đầu giờ lẻ) và vào 9 và 10 giờ đêm, giếng phun theo điệu nhạc và ánh sáng. Hiện đang có đại nhạc hội nhạc sĩ Chopin từ 19 đến 27.08.2009

Đến trưa, đoàn chúng tôi được khoản đãi bữa ăn trưa tại “quán hầm” đặc biệt đào sâu trong núi đá Granit với các món đặc sản của vùng như giò heo nướng, uống với bia nâu của hãng bia Chodovar tại thành phố Chodová Planá. Đây là một hãng bia nổi tiếng của vùng, nổi danh cả gần 1000 năm nay (từ năm 1117).

Sau trưa, đoàn chúng tôi đi theo vết chân truyền giáo đầu tiên của cha Vinh và Cha Lê Phan do chị Anna Thu Thủy định cư tại As, gần Cheb kể lại…chúng tôi ghé thăm khu chợ trời gần biên giới Đức, ghé thăm gian hàng của ông trùm Huấn, của anh chị Nam Lan…Riêng tôi ghé qua gian hàng bán ảnh tượng và các đồ trang điểm cho vườn cây hoặc nội thất: từ những bình gốm, bình sành, đến tổ chim…Khách hàng đa số là người Đức. Điều làm tôi chú ý là trong khu vườn bầy hàng la liệt những ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ (bằng nhựa), Phật Thích Ca, Thần Tài, ông Địa được cột vào hàng dậu bên cạnh các tài tử, bên cạnh ảnh chú hề, bên cạnh tượng nữ thần tự do, hay một bức tượng khỏa thân …gặp anh Dũng là chủ nhân, anh cho biết là các ảnh tượng này nhập từ Ba Lan, hoặc Trung quốc…hỏi anh làm nghề gì thì anh trả lời nghề chuyên môn của anh là “buôn thần bán thánh”… Tôi hỏi anh tại sao mỗi bức tượng lại phải cột dây? Anh cho biết là để tránh ăn trộm… Thật đáng suy nghĩ về nghề “buôn thần bán thánh trong lịch sử nhân loại, trong Cựu Ước, Tân Ước, trong thế giới hôm nay và trong cuộc đời mỗi người chúng ta!

Khoảng tám giờ chiều, trời nổi cơn giông và đổ mưa xuống toàn vùng, làm khí dịu mát hơn. Cộng đoàn CGVN tại Cheb với khoảng 10 anh chị em đến tham dự thánh lễ với đoàn chúng tôi. Sau lễ, chúng tôi lại được khoản đãi canh chua cá, rau muống xào, thịt ngan quay tại nhà hàng Asia trong trung tâm thành phố Cheb.

Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi khởi hành trở về Stuttgart qua ngả Beyreuth, Nürnberg và kết thúc chuyến đi thật tốt đẹp. Cảm tạ Thiên Chúa đã khấng ban cho chúng tôi những ngày thật đẹp và thật nhiều ý nghĩa. Trên xe khi trở về chúng tôi chia sẻ cảm tưởng về cuộc hành trình: ai nấy đều cảm thấy thích thú vì những gì đã cảm nghiệm. Ngoài những giờ du ngoạn thăm các thắng cảnh và các đền đài thủ đô Praha, chúng tôi đều được tai nghe mắt thấy một cuộc sống đầy cam go vất vả của hơn 60.000 người dân Việt ở Tiệp, hoàn toàn khác với nếp sống nền nếp và an cư lạc nghiệp của Đức.

Chúng tôi cùng tạ ơn Chúa đã ban tặng cho tôi những ngày hồng ân vừa qua. Được hiệp thông với giáo hội Séc, với dòng sinh mệnh lịch sử của một dân tộc. Được chia sẻ và cảm nghiệm những bước chân truyền giáo đầy cực nhọc của anh em linh mục tu sĩ. Được thấy tận mặt cuộc sống muôn mặt đầy cơ cực của người dân Việt đang cố gắng lập cư tại cộng hòa Tiệp. Được lắng nghe những tâm sự và những khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam. Nhất là được chia sẻ hiệp thông trong cầu nguyện, trong các thánh lễ, trong các sinh hoạt của liên cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại cộng hòa Séc trong đại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập cộng đoàn. Hẹn ngày tái ngộ.