Ngày 10/08/09 tới đây, Giáo phận Hải Phòng mừng kính trọng thể Thánh Lôrensô, bổn mạng cha niên trưởng Phạm Hân Quynh (1926), đồng thời công bố quyết định của ĐGH Biển Đức XVI phong tước hiệu Đức Ông cho cha. Hiện nay cha vẫn là cha Chính xứ Xuân Hòa đang dưỡng bệnh tại giáo xứ Đông xuyên – Tiên Lãng Hải Phòng.

LM Phạm Hân Quynh
Những ai đã từng biết về cuộc đời của cha chắc hẳn phải công nhận rằng: cha là một chứng nhân của Giáo hội VN cũng như Lịch sử VN từ những năm 40 thế kỷ trước đến bây giờ. Phần chúng tôi may mắn được học hỏi giáo lý và Kinh Thánh do cha giảng dạy ở nhiều nơi và nhiều hoàn cảnh khác nhau, tuy cha ít nói về bản thân, nhưng từ những buổi học hỏi và những buổi nói chuyện thân tình nên chúng tôi cũng biết đôi điều về những gì mà cuộc đời cha đã từng trải qua.

Cha Quynh là người rất yêu nước và yêu Dân tộc

Khi còn du học ở Paris những năm 50 – 52, cha Quynh đã nổi tiêng là người rất yêu Nước và yêu Dân Tộc. Ngài có nhiều bài báo và bài diễn thuyết đấu tranh đòi buộc người Pháp phải rút về nước,trao trả độc lập cho VN, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã từng có bài viết đánh giá cha Quynh là người “ đấu tranh hàng đầu tại Pháp cho Độc lập Dân tộc thời bấy giờ”. Cũng vì thế cha Quynh đã bị mật thám Pháp ghi sổ đen, còn tình báo hải ngoại Việt Minh lại chấm sổ đỏ. Nhưng ngài là một linh mục chân tu có bản lãnh vững vàng nên không bị lôi cuốn vào các vòng xoáy chính trị. Linh đạo của ngài là đấu tranh cho Độc lập và Tự do, cho Hoà bình và Công lý cũng là làm chương trình của Thiên Chúa, …Bạn học của ngài đến nay phần lớn là Hồng Y,Giám Mục, như HY Esecaray Bộ trưởng.Tòa thánh. HY Tổng Giám mục Paris …v.v…

Năm 1952 sau khi được phong chức Linh mục tại Pháp, mặc dù cha rất muốn ở lại học lên tiếp nhưng người Pháp đã ngầm trục xuất cha về nước. Vì họ đánh giá cha là loại linh mục đỏ. Khi về nước, cha làm thư ký tòa Giám mục, là người giúp việc đắc lực cho Đức Cha Trịnh Như Khuê.

Bài giảng Hoà Bình ở Nhà thờ Phủ Lý.

Vào dịp Giáng Sinh năm 1953, tình hình cuộc chiến ở VN đang vào giai đoạn khốc liệt, hôm ấy cha Quynh về thăm cha xứ Phủ Lý. Đúng lúc cha sở đang gặp phải một tình huống bí: Đó là đồn lính Tây đóng ở Phủ Lý xin cha dâng một Thánh lễ đặc biệt với chủ đề “Cầu cho Hoà Bình”. Cha sở vì không biết Tiếng Pháp nên đã mời cha Quynh cùng dâng lễ đồng tế với mình, và nhờ cha lo cho phần bài giảng. Cha Quynh nhận lời. Thánh lễ hôm đó rất nhiều lính Tây, trong đó có cả quan năm. Trưởng đồn chỉ huy quân sự Pháp (tương đương với đại tá Việt minh thời bấy giờ), đồng thời cũng có nhiều giáo dân địa phương, cả người kháng chiến trà trộn vào nữa. Trong thánh lễ cha xứ đọc Evans (Phúc Âm) bằng tiếng La tinh, cha Quynh thì đọc tiếng Pháp. Đọc xong Lời Chúa, cha xứ mời cha Quynh giảng lễ

Trong bài giảng ngẫu hứng bằng hai thứ tiếng Việt – Pháp,cha Quynh nói đại ý: Hôm nay chúng ta Dâng Lễ để cầu cho Hoà Bình. Vậy HB là gì ? Có nhiều thứ HB. Nhưng HB mà chúng ta cần hướng tới là HB loại nào? Thiên Chúa Giáng Sinh là biến cố trọng đại, Người đã đến, cứu chuộc, hòa giải và đem hòa bình đến cho nhân loại. Nhưng ngày nay ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới vẫn chưa có hòa bình. Chúng ta thấy bên ngoài thì có vẻ bình an, bằng phẳng, làm người ta tưởng là có hòa bình. Nhưng không, chúng ta hãy xem lại những kiểu hòa bình đó như thế nào:

Hòa bình theo kiểu nhà tù ( La paix de príon). Anh cậy dựa vào quyền lực, súng đạn để uy hiếp kẻ khác, không tôn trọng quyền con người, không cho người khác có quyền tự do căn bản thì nói gì đến các quyền tự do khác, nếu có ai đó nói lên sự thật, nói lên chính kiến của họ thì anh dùng quyền lực và súng đạn, để bắt họ vào tù. Ai lên tiếng, ai đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của họ thì anh bắt bớ, khủng bố, bỏ tù, hãm hại. Cái quyền mà chính Thiên Chúa Giáng Sinh đã mang đến trao ban cho con người một cách tự nhiên và vốn có. Chúng ta không xây dựng hòa bình theo kiểu đó, không cầu nguyện cho hòa bình kiểu đó.

Hòa bình theo kiểu nô dịch (La paix de. .) Anh kiểm soát cả tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật văn chương, không cho người ta tiếp cận với những nền văn minh ánh sáng thật sự, không cho họ biết đến những giá trị đích thực của sự thật, anh bưng bít thông tin, ém nhẹm sự thật. Từ đó anh dễ dàng làm cho người ta ngu muội, triệt tiêu ý chí tự cường, không cho họ biết đến sự thật, công bằng, dân chủ. Anh thực hiện chính sách ngu dân rồi biến dân chúng thành những bầy cừu dễ sai theo ý định của anh. Chúng ta không xây dựng hòa bình theo kiểu đó, không cầu nguyện cho hòa bình kiểu đó.

Hòa bình theo kiểu mua chuộc"đấm mõm" (La paix achete) Anh dùng bả danh lợi, chức tước, địa vị, tiền bạc để đấm mõm mua chuộc người khác, anh biến họ thành những kẻ hèn, ngậm miệng ăn tiền, tham tiền và bất lương, anh biến họ thành nạn nhân rồi sử dụng họ làm tay sai cho mình để đàn áp, đánh đập những kẻ thấp cổ bé miệng, gây nên những cuộc "huynh đệ tương tàn". Anh mua chuộc họ bằng những đồng tiền trên xương máu của những người dân lành mà chính anh đang ra sức bóc lột vơ vét. Vậy chúng ta thấy có hòa bình không? Nhưng chúng ta luôn nghe họ nói là chúng ta đang sống trong hòa bình. Chúng ta không xây dựng hòa bình theo kiểu đó. Không cầu nguyện cho hòa bình kiểu đó

Bài giảng của vị linh mục trẻ chưa kết thúc nhưng đã làm cho viên quan năm hằm hằm tức giận, đứng lên bỏ về… và đoàn tùy tùng Pháp cũng đứng dậy về theo. Cộng đoàn giáo dân thì vui mừng phấn khởi. Họ chưa bao giờ được nghe một vị linh mục trẻ nào mà giảng hay và mạnh mẽ như vậy, nhất là trước mặt quân đội Pháp.

Sau đó Chính phủ kháng chiến Việt minh(VM) đã có báo cáo về về sự kiện này và được Cụ Hồ đánh giá rất cao.Vì tôn chỉ của VM ban đầu xem ra cũng đáp ứng được nhu cầu của đông đảo đồng bào yêu nước mà cha Quynh là một đại diện xuất sắc.

Với các hoạt động từ bên Pháp, các bài giảng, bài báo chống bất công của cha,nên chính quyền VM muốn đưa cha vào Ủy ban liên lạc công giáo. Nhưng cha đã khôn khéo từ chối.

Nhưng lịch sử nhiều khi bị giễu cợt, số là khoảng 30 năm sau tại nhà thờ phố Dinh (giáo xứ An tân, Hải phòng), trong bài giảng Lễ, cha Quynh kể lại nguyên văn bài giảng Phủ lý năm xưa.,liền bị an ninh của chính quyền Việt nam dân chủ cộng hòa truy đuổi.

Câu chuyện cha Quynh cùng với Đức Giám Mục Trịnh Như Khuê gặp Ông Hồ:

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, chia cắt đất nước làm đôi. Hàng triệu người dân miền Bắc phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn đất đai, tài sản đã bao đời xây dựng, thậm chí cả mồ mả cha ông, để di cư vào Nam, trong đó có khoảng 900 ngàn người Công Giáo – “Một cuộc bỏ phiếu bằng chân vĩ đại” như ai đó đã viết.

Trước tình hình đó. Đức Giám Mục Hà Nội Trịnh Như Khuê và cha Quynh đã đi kinh lý đến hầu hết mọi nơi trong Địa phận để động viên, an ủi các giáo đoàn địa phương còn đang ngơ ngác sợ hãi vì nhưng biến động lịch sử. Đức Cha yêu cầu: các linh mục và hàng giáo phẩm phải ở lại để giữ gìn, chăm sóc nhà Chúa, các cơ sở tôn giáo. Còn với giáo dân, các Ngài không ép ở lại., chỉ đưa ra đường hướng cho họ tự do lựa chọn trong sự phó thác vào Chúa trước thời cuộc.

Cha Quynh còn được Đức Cha cử vào Nam, xuống cảng Hải Phòng yêu cầu nhiều cha, nhiều thầy quay lại Hà Nội. Chính trong số này đã có những vị làm Giám mục. Nhưng cũng có linh mục như linh mục Nguyễn Thái Bá. Sau này hoạt động cho: UBLLCG “Ủy ban liên lạc công giáo”- Giáo dân thường gọi là (Ủy ban lầm lạc công giáo,hay UB lung lạc công giáo).

Không hiểu sao những việc vận động hàng giáo sỹ địa phận Hànội ở lại không di cư

của Đức cha Khuê và cha Quynh lại đ ược Phủ Chủ tich biết rất tường tận. Hai thầy trò nhận được giấy mời vào gặp Cụ Hồ. Đúng hẹn, Đức Cha Khuê và cha trợ lý Quynh (khi đó cha mới 28 tuổi) có mặt ở Phủ Chủ tịch. Hôm đó đích thân Cụ Hồ ra tiếp. Cha Quynh nhớ lại: cử chỉ của Cụ Hồ thì tỏ ra thân thiện, nhưng cái bắt tay thì rất cứng và lạnh… Trong phòng khách ngoài ba người không có bất cứ một ai, không vệ sĩ, không thư ký, không báo chí.

Trong khi chào hỏi, Đức Cha giới thiệu Cha Quynh cùng đi, Cụ Hồ tỏ ra rất hài lòng vì được gặp vị linh mục trẻ nổi tiếng là người cương trực, đấu tranh mạnh mẽ đòi buộc người Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam (Cụ Hồ đã được báo cáo về linh mục Quynh khi cha còn đang du học ở Pháp, và cha có những bài giảng, bài báo bảo vệ cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam). Qua hệ thống tuyên truyền của đảng, cha Quynh cũng được biết về Cụ Hồ như một thần tượng.

Sau một hồi nói chuyện xã giao và khen ngợi, Cụ Hồ đột nhiên nói:

Tại sao cụ giám mục chỉ “ra lệnh” cho chức sắc ở lại thôi ? Phải kêu gọi cả tín đồ trong địa phận mình đừng nghe xúi dục của kẻ địch di cư vào Nam. Tôi thương đồng bào công giáo lắm(?!). Người thì sẽ làm mồi cho cá ngoài biển, người thì vùi xác trong đồn điền cao su, người làm bia đỡ đạn cho địch

Nói đến đây Cụ Hồ bỗng rút từ trong túi áo ra chiếc khăn mùi xoa rồi đưa lên chấm chấm, ý như lau nước mắt. Đức Cha Khuê hơi lúng túng ra dấu cho cha thư ký trả lời. Với óc quan sát tinh tường, cha Quynh ngạc nhiên vì thần tượng bị sụp đổ. Tuy nhiên, ngài vẫn đáp lời Cụ Hồ bằng giọng nói lễ phép. Cha nói:

Thưa Cụ chủ tịch, cháu đã được cùng với Đức Giám Mục đi kinh lý ở nhiều giáo xứ. Đức Giám Mục đã yêu cầu hàng giáo phẩm ở lại dù có bị bách hại đến đâu đi nữa. Nhưng đối với giáo dân ở đâu, làm gì, đó là quyền tự do của họ. Đức Giám mục không thể ra lệnh cho họ ở lại,hay ra đi. Vì làm như vậy là vi phạm vào chữ ký của chính Cụ đã kí trong hiệp định Giơnevơ đấy ạ.

Nghe những lời nói ôn tồn và cứng rắn của cha, nét mặt Cụ Hồ bỗng nhiên biến sắc, da mặt căng ra rồi đanh lại. Cụ Hồ không nhắc gì tới chuyện này nữa và chuyển sang chuyện khác.

Mẩu chuyện về Cải cách ruộng đất

Có câu chuyện còn lưu truyền đến nay tại giáo xứ Thạch Bích. Một ông giáo dân bị đấu tố oan, cầm chắc cái chết, gia đình mời cha đến làm các phép bí tích. Tranh thủ khi đội “cải cách” lơi lỏng trong việc canh gác ông, cha đã gặp ông để an ủi, chịu khó bằng lòng chấp nhận sự chết vì thời cuộc nhiễu loạn. Cha đã làm các phép Bí tích cho ông. Khi cha trở về, vừa bước ra khỏi nhà ông thì gặp một toán dân quân do một bà tự xưng là hội trưởng hội phụ nữ cầm đầu. Bà đó quát

- Ông là ai, vào nhà này làm gì?

Cha đáp:

- Thưa, tôi là linh mục, tôi đến nhà giáo dân để làm các phép đạo cho ông ấy theo đúng bổn phận của một linh mục.

Bà đó nói lớn:

- Linh mục gì ông, nếu bỏ quần áo thầy tu thì ông cũng giống như tôi mà thôi.

Cha bình tĩnh phản ứng:

- Bà nói sai rồi.

Bà ta nổi đóa:

- Á, ông này láo, Ai cho phép ông dám nói cán bộ sai.

Khi đó nhiều giáo dân kéo đến, cha ôn tồn nói:

- Mọi người ở đây đã nghe rõ bà ta nói những gì rồi. Bây giờ tôi và bà cởi quần áo xem có giống nhau không nào?.

Bà ta bỗng đỏ mặt. Mọi người cười ầm lên tán thưởng vị Linh mục trẻ mà đối đáp khôn ngoan. Còn bà ta bị một phen bẽ mặt, trong phút chốc bà ta cùng đám tùy tùng lủi mất…

Tiến cử Đức Giám Mục Kế vị.

Đức cha Khuất Văn Tạo từ trần năm 1977. Liền sau đó chính quyền Hải Phòng mời cha Chính Quynh lên mặc cả: "về tín nhiệm thì chắc chắc các Linh mục sẽ bầu cha làm tân Giám mục Hải Phòng, còn chúng tôi sẽ không đồng ý. Nhưng cha được quyền tiến cử người kế vị khác để cho chúng tôi lựa chọn".

Người mà cha Quynh tiến cử chính là cha Quản lý Tòa Tổng Giám mục Hà Nội: Giu se Nguyễn Tùng Cương (1919 - 1999). Linh mục Nguyễn Tùng Cương được tấn phong Giám mục năm 1979. Đức Cha là người kế vị xuất sắc của Đức Cha Phêrô Khuất Văn Tạo. Đức Cha đã rất sáng suốt, khôn khéo, kiên vững lèo lái con thuyền giáo phận qua những năm khó khăn và cam go đúng như khẩu hiệu của Ngài là " Hãy ra khơi".

Chuyện về Đức ông Phạm Hân Quynh thì còn nhiều lắm,chúng tôi xin tạm dừng và hẹn dịp khác sẽ hầu chuyện quí vị.

Hà Nội ngày 6 tháng 8 năm 2009