ĐỨC GIÊSU LÊN TRỜI NGHĨA LÀ GÌ

Phần I:

Trong Cv 3,21 có nói như sau: Ông Phêrô nói:

21Đức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời, cho tới thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo từ ngàn xưa.

Câu này xem ra tầm thường, Nhưng thực sự rất khó hiểu phải đặt ra những vấn đề thần học rất khó giải quyết. Đức Giêsu đã lên trời vậy sao còn nói được rằng: Đức Giêsu còn phải được giữ lại trên trời cho đến thời phục hồi vạn vật.

Tại sao và ai đã giữ lại được Đức Giêsu trên trời, mà giữ lại để làm gì. Chúng ta đã chẳng nói rằng Đức Giêsu đã về trời nghĩa là về cùng Đức Chúa Cha đấy sao?

Chúng ta cũng nói Người hằng xuống trong Phép Mình Thánh (và ban muôn ơn cho chúng ta trong lời cầu nguyện và trong phép bí tích). Vậy Người giữ lại trên trời giữ lại gì.

Xét cho kỹ chúng ta biết Kinh thánh còn nói, như trong Gioan rằng Đức Giêsu luôn ở trước mặt Chúa Cha để bảo vệ chúng ta, cũng nói Đức Giêsu ở bên hữu Chúa Cha để cầu bầu cho chúng ta, Phaolô cũng nói Đức Giêsu là trung gian giữa chúng ta và Chúa Cha. Như vậy xem ra Đức Giêsu không ở cùng Đức Chúa Cha mà còn cách một chút, ở trước mặt, ở bên hữu, làm trung gian: Đức Giêsu còn ở trên trời, còn được giữ lại ở trên trời là để làm những việc ấy. Người lên trời nhưng chưa về hẳn cùng Đức Chúa Cha, chưa ở trong Đức Chúa Cha, còn cách Đức Chúa Cha một chút là để làm những việc trên, và cũng để có thể hoạt động trong trần gian, với chúng ta qua lời cầu nguyện và các phép bí tích. Trong sách Khải huyền có nói, ngày tận thế, tất cả chúng ta, ở trong ngai vinh quang của chúng ta, sẽ được ở trong ngai của Chúa Giêsu, và chính ngai của Chúa Giêsu cũng ở trong ngai của Chúa Cha: mọi sự ở trong nhau đấy là ngày tận thế. Bây giờ thì mọi sự chưa hoàn toàn ở trong nhau, tất cả đang tiến dần đến đích cùng ấy, và Đức Giêsu vẫn còn được giữ lại ở trên trời, còn cách Chúa Cha như sách Công vụ Tông đồ đã nói.

Năm 2006, nhân có dịp qua Pari, tôi đã rất vất vả tìm gặp được thầy Yves Prétot là giáo viên dạy phụng vụ tại đại học Công giáo Pari, là người dòng Bênêdictô. Tôi hỏi ngài về giá trị câu Cv 3,21. Đầu tiên ngài cười cho là quá dễ dàng nhưng một lúc sau ngài bảo tôi đợi để tìm tòi trong các sách giáo phụ: Grêgoriô, Tômasô, Augutinô, Bonaventura, Anatasiô, … ngài bảo tôi: các giáo phụ không ông nào nói đến câu này thành thử tôi không dám có ý kiến. Lối giải thích của cha có lẽ là đúng nhưng tôi không giám bảo đảm, vì chưa biết truyền thống trong Giáo hội. Cha đợi mấy hôm tôi sẽ tìm thấy. Mấy hôm sau tôi đến ngài vẫn chưa tìm thấy mà tôi thì phải về Việt nam. Ngài bảo: tôi không thể tưởng tượng một linh mục Việt nam già ở nhà quê mà có những câu hỏi hóc búa như thế, tôi hứa sẽ tìm được. Mùng một tết năm ấy tôi nhận được một cú điện thoại một bạn từ Pari báo cho biết rằng thầy dòng giáo sư vẫn chưa tìm thấy lời giải đáp. Và hôm nay cuối tháng tám năm 2009 vẫn chưa tìm ra ý nghĩa của câu ấy. Tôi đành đưa giải đáp như tôi đã trình bày bên trên nghĩa là Đức Giêsu vẫn chưa nên cùng Chúa Cha hoàn toàn, tuy đã lên trời sát Đức Chúa Cha, trước mặt Đức Chúa Cha, bên hữu Đức Chúa Cha, làm trung gian với Đức Chúa Cha, vẫn bị giữ lại trên trời, vì thế vẫn có thể ở với chúng ta hằng ngày cho đến tận thế, nhờ lời cầu nguyện và các bí tích, nhất là ở trong ta trong tình yêu của Người.

Trong đạo phật, có một nhân vật tương tự như thế. Đáng lẽ đã có thể thành phật và vào Nát bàn, vị ấy đã dừng lại ngưỡng cửa để có thể liên hệ với loài người đang đau khổ. Đấy là các vị Bồ Tát: Quán Thế Am Bồ tát nghĩa là vị Bồ Tát nghe thấu tiếng than van của thế gian và luôn sẵn sàng giúp đỡ. Ta thấy rất giống Đức Giêsu còn bị giữ lại trên trời vẫn thấy rõ tình trạng loài người và luôn gắn bó trong tình thương yêu. Như vậy Bồ tát là một hình ảnh của Đức Giêsu trong lòng đạo phật, đấy cũng là một thứ tiên tri trong đáy lòng con người A đông. Trong đạo phật có nhiều giá trị tiền phúc âm hơn chúng ta tưởng.

Ngày tận thế Đức Giêsu mới làm hết công việc cứu độ của Người, bấy giờ như Phaolô nói trong ICr 15,23: 23Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. 24Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.

Sau đấy chúng ta cùng muôn loài sẽ về cùng Chúa Cha và như vậy Thiên Chúa sẽ có toàn quyền trên mọi loài. Như Gioan nói trong Khải huyền: muôn loài và chúng ta sẽ ở trong ngai, ngai này ở trong ngai của Chúa Giêsu, và ngai của Chúa Giêsu ở trong ngai của Chúa Cha. Bấy giờ Đức Giêsu rõ ràng không còn bị giữ lại trên trời nữa.

Về vấn đề Quán Thế Am Bồ Tát và Đức Giêsu, xin kể lại câu chuyện tôi đã được nói với giáo sư Denis Gira dạy môn phật học ở đại học Công giáo Pari. Giáo sư nghe lập trường của tôi coi quan thế âm Bồ Tát như một vị tiền phúc âm khao khát tiến tới Đức Giêsu, và giáo sư đã nói: chính tôi đã hiểu như thế và trong một bài viết về Bồ Tát tôi cũng ám chỉ rằng Bồ Tát báo trước Đức Giêsu Chúa chúng ta. Sau hơn một giờ nói chuyện, giáo sư dẫn tôi ra hiệu sách công giáo gần đấy, có ý lấy quyển sách giáo sư đã viết về vấn đề này, chẳng may người bán sách bảo rằng cuốn sách đã bán hết. Thật là đáng tiếc, nhưng tôi rất vui vì biết rằng tư tưởng của mình đã có một giáo sư chấp thuận.

Đức Giêsu chưa lên hẳn cùng Đức Chúa Cha vừa có lợi cho chúng ta, vừa là đẹp lòng Ngài. Chúa Thánh Thần đã đến, phải đến, tiếp tục Chúa Giêsu, như ta biết Ngài là linh thiêng khó lòng được giáo dân tiếp nhận thân mật như Đức Giêsu. 2000 năm rồi, giáo dân chúng ta chưa được biết Chúa Thánh Thần là bao nhiêu, vì thế vai trò của Thánh Thần chưa được phát huy cho đủ, chưa thể thay Đức Giêsu làm xong công việc cứu độ được. Rồi đây vai trò Thánh Thần sẽ mạnh dần Đức Giêsu là Bồ Tát sẽ đỡ công việc hơn với loài người, phận sự Người cách Đức Chúa Cha sẽ tăng lên cho mau ngày tân thế. Như vậy Đức Giêsu còn được giữ trên trời lâu hay chóng còn tuỳ Chúa Thánh Thần và nói cho cùng là còn tuỳ chúng ta có cộng tác với Chúa Thánh Thần mà hoàn tất công trình cứu¬ độ của Thiên Chúa hay không.

Ta nên nhớ thường thì Bồ Tát trong đạo phật chỉ giúp được bề ngoài, ốm đau, tai nạn, công việc làm ăn, túng thiếu, bị bất công, … rất nhiều trên thế gian này. Nhưng Đức Giêsu Bồ Tát đi sâu vào trong lòng con người tội lỗi muôn kiểu, lý tưởng đạo đức và hành động từ thiện bác ái muôn vẻ, của cá nhân nhưng nhất là của tập thể đạo… thế thì công việc của Ngài nặng biết bao, Thánh Thần phải tiếp tục làm, và chúng ta góp phần của chúng ta vào đấy.

Một bạn đọc giả đã đề nghị thêm để được rõ hơn. Như ta đã nói Bồ tát ở ngoài ta mà giúp đỡ, Đức Giêsu còn vào trong ta, trong tâm hồn, trí khôn và cả thân xác để thêm sức thêm ánh sáng. Đây là một nấc cao và sâu hơn Bồ tát trong đạo phật. Quan thế âm bồ tát thì khi con người than van, cầu khẩn thì mới cho, còn Đức Giêsu nhờ phép Mình Thánh vào trong ta, ở trong ta, nên biết tất cả các vấn đề chúng ta cần mà cho ta. Bạn đọc giả này còn nhấn mạnh Đức Giêsu nhờ phép Mình Thánh mà vào trong ta toàn diện, nhất là thân xác, được thánh hóa ngay trong đời sống thường ngày của mình. Điều này nói rõ sự ích lợi mênh mông của việc rước lễ, đi lễ mà không rước lễ thì thiệt thòi đến thế nào. Đức Giêsu thật là Bồ tát nhưng vượt xa và ảnh hưởng sâu xa gấp bao nhiêu lần các vị Bồ tát trong đạo phật.

CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI NGHĨA LÀ GÌ

Phần II:

Ơ Tây âu, trong các mô họa đạo, có một bức tranh tượng trưng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, ngồi trong hai ghế lớn bằng nhau, đầy uy nghiêm, trước mặt có hình chim bồ câu đang vỗ cánh bay, rõ ràng là chỉ Chúa Thánh Thần: Đây là nói lên Chúa Giêsu đã về ngự bên hữu Đức Chúa Cha trong vinh quang. Nhưng chúng ta biết là Đức Chúa Giêsu trên trời ở trước mặt Chúa Cha để bảo vệ chúng ta, chứ không phải ngự vinh quang ngang hàng với Đức Chúa Cha. Chúng ta cũng biết Đức Giêsu ở bên hữu Đức Chúa Cha (chứ không phải là ngự) ở trong tư thế cầu bầu cho chúng ta, chứ không phải là ngồi ngang hàng. Chúng ta cũng biết Đức Giêsu làm trung gian giữa chúng ta và Thiên Chúa, làm trung gian không phải là ngồi như vậy. Đàng khác nếu Đức Giêsu đã làm việc xong mà ở nơi Chúa Cha thì sách khải huyền có một hình ảnh tuyệt đẹp và rất dễ hiểu: là Đức Chúa Cha ngồi trong ngai to lớn của Người, Đức Chúa Con ở trong chiếc ngai bé hơn ít chút ở trong ngai của Đức Chúa Cha, còn chúng ta là một đám đông không đếm kể xiết, nhưng cũng chỉ ở trong một cái ngai bé hơn ở trong cái ngai của Đức Giêsu. Đây là cách diễn tả bình dân về câu Đức Giêsu đã nói: chúng ở trong Con và Con ở trong Cha, tất cả thành một. Giống như các đồ chơi của Nga (con búp bê nhỏ ở trong con búp bê to, vặn ra từng lớp ở trong nhau): chúng ta trong Chúa Giêsu, Chúa Giêsu trong Chúa Cha cũng như thế.

Đấy là ngày cuối cùng: Chúa Giêsu đi đầu sau đến chúng ta cùng với tạo vật sau chúng ta, chúng ta cùng với tạo vật cùng tiến về ở trong ngai Chúa Giêsu, còn bây giờ Đức Giêsu còn bị giữ lại ở trên trời như Phêrô nói, Đức Giêsu cùng với chúng ta chuẩn bị cho ngày cuối cùng nói trên. Khi so sánh Đức Giêsu với Quán Thế Am Bồ Tát, chúng ta cần nói rõ một số điều sau đây. Khi khấn vái cùng Quán Thế Am, thì ngài từ của trời xuống giúp việc phù hộ, thí dụ đuổi quỷ ma, chữa bệnh, cho tiền tài của cải như người ta xin và tưởng là được, xong rồi ngài lại về trời. Đức Giêsu thì không thế: có khi Người ở lại với chúng ta trong phép Mình Thánh và điều này hợp với lời Ngài là ở cùng chúng ta đến tận thế. Không những ở lại cách linh thiêng mà cách vật chất trong hình bánh và hình rượu, không phải ở trong ta cách linh thiêng, nhưng là bánh và rượu thấm vào trong thân xác ta, hóa thành xương thịt ta. Đức Giêsu không như Quán Thế Am đến giúp việc một lúc xong rồi về, nhưng còn ở trong ta dẫu là cách linh thiêng để cùng chúng ta hoạt động, kể cả lao động phần xác. Người ở lại trong ta giúp sức cùng làm việc với ta trong việc xây dựng Nước Đức Chúa Trời, kể cả trong những việc tầm thường nhất. Chúng ta cần ý thức việc Đức Giêsu ở lại trong ta đấy, thêm sức và soi sáng trong mọi việc chúng ta làm, kể cả việc đạo kể cả việc đời. Chúng ta sống trong, với, cùng Đức Giêsu là như vậy.

Một điều rất quan trọng ta thường quên là thế này. Người ta bảo chạy đến cùng Đức Giêsu thường là khi chúng ta gặp khó khăn khốn đốn, và nói như thế là phải. Đời ta biết bao khó khăn khổ ải nên cần đến cùng Đức Giêsu hơn. Nhưng chúng ta nhiều khi cũng làm được nhiều việc lành, làm sáng danh Chúa, làm vinh quang đạo Chúa, những lúc ấy ta càng cần ơn thánh để Người giúp sức ta làm việc cho Người, như câu kinh chúng ta thường đọc: chính nhờ Người, với Người, và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa … Trên đây chúng ta chưa nói đến ảnh hưởng linh thiêng của Đức Giêsu thông qua con người biến đổi và thánh hóa tạo vật, đưa tạo vật vào trong Nước Chúa, trở nên thành phần nước Chúa đời đời. Kích thước con người Đức Giêsu rộng rãi mênh mông đến như thế. Trong vấn đề này rõ ràng là đã kết hợp Đức Giêsu làm vinh quang Đức Chúa Cha: những việc chúng ta làm bảo để làm vinh quang Đức Giêsu là không phải, sự thực thì không phải, mục đích cuối cùng là để làm vinh quang Chúa Cha, nhưng chúng ta không thể làm vinh quang Đức Chúa Cha nếu không kết hợp với Đức Giêsu.

Quán Thế Am Bồ Tát thực tế là một phát minh của loài người, và là một phát minh vinh quang của con người chúng ta. Đây là đỉnh cao trí khôn loài người đã nghĩa ra mà chúng ta đã thấy rõ, loài người chỉ phát minh đến thế là cùng cực. Đức Giêsu là nhân vật thật và ta xem đã vượt quá Quán Thế Am Bồ Tát đến thế nào. Nỗ lực con người vươn tới Quán Thế Am Bồ Tát thực sự là để chuẩn bị cho Đức Giêsu, một giá trị tiền Phúc Am, chúng ta không tôn thờ nhưng cần quý mến và tôn trọng. Đạo phật đã đạt tới đỉnh cao giá trị, ta thấy rất gần Phúc âm: Đây không phải là sự thật nhưng là những mơ ước tiến tới đỉnh cao vời của đạo thật được mặc khải trong Đức Giêsu Kitô. Đáng ngợi khen thay những con người đã có khả năng mơ ước như thế.

Chính vì thế mà ta cần tôn kính Quán Thế Am Bồ Tát đặt trong quan điểm đạo công giáo chúng ta: là một mơ ước bên cạnh một sự thật. Cũng vậy ta phải đặt sự thờ kính Đức Giêsu trong toàn bộ đức tin của chúng ta, tránh được mọi lẫn lộn trong sự thờ kính Ba Ngôi Thiên Chúa.

Nói chúng chúng ta không cầu nguyện cùng Đức Giêsu mà là nhờ Đức Giêsu với Đức Giêsu trong Đức Giêsu. Chúng ta cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha nhưng mà trong Chúa Giêsu. Trong suốt buổi cầu nguyện chúng ta luôn kết hợp với Đức Giêsu, ở trong Người mà cầu nguyện hoặc để xin điều gì cùng Đức Chúa Cha, hoặc để làm việc gì cho Nước Chúa Cha: cái tâm tình ở trong Đức Giêsu ở với Đức Giêsu, ở trong Đức Giêsu phải là một tình trạng liên tục như hai vợ chồng liên tục ở với nhau dẫu khi vì làm việc mà phải xa nhau. Chúng ta vẫn nói Đức Giêsu Đấng trung gian giữa chúng ta với Chú Cha như một dân đồng nối chúng ta với Chúa Cha: Đức Giêsu là dây đồng ấy, liên tục nối chúng ta với Chúa Cha, trong dây đồng ấy có lời cầu nguyện của chúng ta cùng với sự chuyển cầu của Chúa Giêsu lên với Chúa Cha. Muốn nói cho hết nghĩa phải nói rằng Đức Giêsu còn là trung gian chuyển cầu mọi lời xin của cả vạn vật, của cả loài người cả giáo cả lương miễn là những người lương chân chính. Như vậy Đức Giêsu không chỉ là vị trung gian duy nhất của chúng ta công giáo mà còn là vị trung gian phổ quát của tất tận mọi tạo vật. Điều này cần nhấn mạnh để nói lên Ngài là Đấng cứu độ của muôn loài, không xa rời ông cha ta từ ngàn xưa vẫn cầu xin cùng Ông Trời cách thành tâm.

Thường thường, ngay trong thánh lễ Misa, chúng ta cầu xin cùng Chúa Cha để xin điều này điều khác rồi đến cuối cùng chúng ta mới nhờ ơn Đức Giêsu. Thiết tưởng là như vậy thì không mạnh sức: trong suốt lời cầu xin chúng ta vẫn kết hợp với Đức Giêsu, ta vẫn kép với Đức Giêsu, lời cầu xin là của ta cộng với Đức Giêsu từ đầu đên cuối. Lời cầu nguyện mạnh sức là vì thế, và chắc thành công là vì thế. Ta phải làm cho lời cầu nguyện là của ta với Đức Giêsu là một.

Việc này cần nhất là khi chúng ta đọc Tin Mừng: Tin Mừng là Chúa nói, và chúng ta đọc ta cần thành một với Đức Giêsu khi đọc. Ta là người nghe hay người đọc sách Tin Mừng cần liên tục ở trong, ở với và nhờ quyền năng Đức Giêsu trong Lời mà hoạt động trong chúng ta, cung cấp sức thiêng của Người cho ta và dẫn ta đến cùng Chúa Cha. Không thế đọc Tin Mừng kém hiệu quả. Ta thấy so với Quán Thế Am Bồ Tát khác hẳn nhau thế nào. Với Bồ Tát có vấn đề cứu vớt vật chất, đời sống trần gian, không hề nói đến sự thánh hóa, sự sống đời đời.

Chúng ta thấy rõ ràng khi ta cầu nguyện là hướng về Chúa, mọi lời cầu nguyện là lên cùng Chúa Cha, nhưng nhờ, trong, cùng Đức Giêsu. Rõ ràng chúng ta không cầu xin cùng Đức Giêsu (chính Người đã bảo bà mẹ Dêbêđê là người không có quyền cho mà Chúa Cha mới cho được, nhưng chính nhờ Người trong Người thì Chúa Cha sẽ cho điều ta xin qua Người). Giáo dân chúng ta ít chú ý đến điều này và cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Giêsu như nhau.

Phải làm sao thay đổi cách cầu nguyện của giáo dân, là điều rất khó. Cần có một giáo lý một thần học về Chúa Ba Ngôi và vai trò của mỗi Ngôi đối với đời sống đạo đức của chúng ta, cuối cùng để đạo đức phải căn cứ vào sự sống của chúng ta với Ba Ngôi Thiên Chúa, và sự hiểu biết của chúng ta về đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta vẫn lại coi Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiện vô cùng hiểm hóc không hiểu được thế nào, nên không động đến vẫn để mu mơ trong lòng trí chúng ta. Tất nhiên chúng ta không có khả năng hiểu nhiều, nhất là còn động đến Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu được tí chút và tăng thêm rất nhiều về hiệu lực của đời sống đạo, sự cầu nguyện và những hành động đạo đức của chúng ta. Cầu nguyện và hoạt động trong đạo trước mặt Chúa là như nhau. Thường thường chúng ta chỉ cho cầu nguyện là có sức kéo ơn thiêng, còn hành động kể cả hành động đạo không có sức không phải là nguồn kéo ơn Chúa xuống cho ta. Thí dụ những người làm việc giúp cho xứ đạo thì chúng ta không coi là những người đạo đức, chỉ coi người đọc kinh nhiều là đạo đức mà thôi. Cầu nguyện và hành động phải luôn kết hợp với nhau và cấu thành đời sống của chúng ta. Đức Giêsu hiện nay như vậy còn rất nhiều việc phải làm. Nếu như xưa Người sống là Giêsu trên đất Do thái, Người không thể làm hàng triệu triệu công việc giúp chúng ta, nay Người là Giêsu Kitô đã về gần Chúa Cha, đã trở thành linh thiêng trên trời như Phêrô nói, Người có khả năng, quyền năng cầu bầu cùng Đức Chúa Cha cho chúng ta, bảo vệ trước mặt Chúa Cha cho chúng ta, làm trung gian với Chúa Cha cho chúng ta, và cho cả muôn loài. Chúng ta phải chú ý đặc biệt đến công việc quan trọng nhất Đức Giêsu làm cho chúng ta, từ nay cho đến ngày tận thế là Người có quyền năng và sứ vụ thánh hóa chúng ta, và muôn loài, cho chúng ta xứng đáng là con Chúa Cha, anh em của Người, thánh thiện hoàn hảo trong nước Chúa đời đời.

CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI NGHĨA LÀ GÌ

Phần III

Đầu sách tin mừng Gioan, có nói là Ngôi Lời vốn ở cùng Thiên Chúa, là Thiên Chúa, nhờ Người mà có mọi sự, và Người ở trong mọi sự. Ngôi lời tồn tại và là sự sống của muôn loài. Đây là cơ sở thần học của đạo tự nhiên, của mọi giá trị tư tưởng văn hóa tôn giáo của loài người khắp mọi nơi mọi thời. Ngày nay người ta quay lại với mọi tôn giáo và tìm ra dấu vết của Ngôi Lời, ở biết bao nhiêu nơi mà trước đây người ta khinh chê cho là vớ vẩn, chứ chưa nói là lầm lạc, dối trá, thậm trí là ma quỷ. Riêng đối với đạo phật, sau hơn 150 năm tranh luận với Mát thêu Ricci và dòng dõi của ông, các nhà thần học đã phải công nhận những cái đúng của ông. Biết bao cái hay của đạo phật đã được nhận định lại. Về phần phật giáo, biết bao nỗ lực để dần dần xóa bỏ những mê tín dị đoan, trở lại với giáo lý biết bao cao siêu của đức Phật, ngài không phải là một Thiên Chúa phải tôn thờ, nhưng chỉ là một ngón tay vô cùng quý báu chỉ nhân loại biết mặt trăng. Chắc chắn đạo phật ngày càng lan rộng sang Châu Au, gặp các nhà nghiên cứu đầy thiện chí sẽ dần dần thấy lại được những kho tàng chân lý từng vun trồng từ hơn 2000 năm nay.

Trong phần 1 của bài này chúng ta đã nói đến Quán Thế Am Bồ Tát. Đây là một khuôn mặt rất đẹp, rất thánh thiện loài người chúng ta đã tìm ra. Ơ đây chưa giám khẳng định là một nhân vật có thật hay không có thật, lúc đầu có tính chất lịch sử bao nhiêu, dần dần đã tô vẽ thêm thắt bao nhiêu. Nguyên việc kì đầu cách đây hơn 1000 năm, ở Ấn Độ, người ta tôn sùng Quán Thế Am là một nam giới, về sau sang Trung Quốc và Việt Nam, đã biến thành một nữ thần, điều ấy cho phép chúng ta tin rằng đã có biết bao tô vẽ thêm thắt để có một hình ảnh tuyệt đẹp về Ngài như ngày nay. Cần nghiên cứu lại các sách về đạo phật hơn 1000 năm qua, trải theo các bước đi của các nhà sư giảng đạo phật, các nhà chùa tu viện phật từ khắp An Độ, Trung Quốc đến Việt Nam, theo dõi các diễn biến hình ảnh của Quán Thế Am Bồ Tát, có thế mới tìm lại được giá trị đích thực của Ngài. Về các nhân vật khác quan trọng của phật giáo, cũng như về các kiểu cách thờ phượng qua các thời đại và các miền phật giáo, ta mới tìm lại được cái lõi tinh truyền của đạo phật. Những nỗ lực của thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhằm mục đích ấy. Tất nhiên nhiều vị tu hành phật giáo cũng đang tìm tòi sâu sắc và cũng đã rõ là đã có những kết quả khác nhau. Không lạ gì khi những môn đệ của Thích Nhất Hạnh về Huế hay Đà Lạt sống cùng với nhiều phe phái phật giáo khác đã sẩy ra nhiều bất đồng gây xáo trộn trong nội bộ phật giáo. Thật ra, tuy không quan trọng, nhưng trong công giáo cũng đã có những cách hiểu khác nhau về thần học hay thờ phượng, nhưng vì có tòa thánh lãnh đạo nên những sự khác nhau ấy dần dần hướng về một mối, nhẹ nhàng trong sự hiểu biết và chân tình hơn. Điều này không phải trong tôn giáo nào cũng có và giữ được sự duy nhất trong tôn giáo mình.

Ta hãy trở lại vấn đề Quán Thế Am Bồ Tát. Tự sức loài người, không có mặc khải của Đức Giêsu (chứ không phải của nguyên Ngôi Lời) thế mà dần dần đã tìm tòi sáng tạo một nhân vật cao cả như Quán Thế Am Bồ Tát, thật là tuyệt vời. Có tấm lòng từ bi nhân hậu với loài người đau khổ, không nỡ vào Nát Bàn trong khi có hàng tỷ tỷ người lầm than, dốt nát, thương đau … thật là một lòng từ bì mênh mông đáng quý mến tôn sùng vô bờ. Trong cuốn Hai Nguồn của luân lý và tôn giáo, Bergson có nói một câu làm cho bao người trong Giáo Hội phải suy nghĩ. Ông nói: nếu được lên Thiên Đàng mà trong khi ấy có bao nhiêu người phải đầy đọa đời đời trong Hỏa Ngục, thì ông chán ngấy cái Thiên Đàng loại ấy, và thà trái đất này nát tan ra còn hơn. Vì không thể chấp nhận một hỏa ngục kiểu ấy mà cha Boismard trước khi ngài chết đã cho xuất bản một tập sách giải thích hỏa ngục là đi vào cõi không, cõi quên đi đời đời. Quán Thế Âm Bồ Tát cũng không chịu có một hỏa ngục và ngài giải quyết bằng cách kéo mọi người ra khỏi cảnh đau khổ ấy. Trong đạo công giáo Đức Giêsu cũng có lòng từ bi thương xót gấp nghìn vạn lần, nhưng sự ấy không được làm nổi bật như Quán Thế Am Bồ Tát. Trong kinh cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu chẳng hạn, có thừa những câu nói lên lòng từ bi thương xót của Đức Giêsu, nhưng lẫn lộn vào bao nhân đức khác, lòng từ bi không được tách riêng ra nên kém được chú ý. Ngay về Thiên Chúa gần đây Hội Đồng giám mục Việt Nam mới làm nổi bật chân dung Người là Cha từ bi thương xót (15 chữ Cha và chữ Cha đứng trước chữ Thiên Chúa trong kinh năm thánh 2010), còn thì ngay trong sách lễ Rôma vẫn kêu xin cùng Người là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong mấy trăm năm trước vẫn tuyên xưng rằng phép tắc vô cùng hằng có đời đời, phương diện từ bi thương xót bị lấn át hẳn. Thiên Chúa là Tình Yêu chưa được đưa vào sống trong tâm linh giáo dân Việt Nam. Bà con lương dân vẫn mến Đức Phật nhân hậu từ bi, vẫn quý Phật Bà Quan Âm gần gũi xót thương người đau khổ, làm thế nào để bà con bên lương mến yêu Thiên Chúa là Cha muôn ngàn từ bi thương xót và Đức Giêsu Con của Người là chủ chiên nhân lành yêu thương ta, giảng dạy đến chết và chết trên thập giá.

Vì thế một thần học về Đức Giêsu đã lên trời nhưng chưa lên trời hẳn, còn ở bên hữu Đức Chúa Cha, cầu bầu cho chúng ta, bảo vệ chúng ta, làm trung gian cho chúng ta, nói vào lòng, tâm trí của chúng ta thấy sâu sắc Chúa nhân hậu từ bi gấp ngàn lần Quán Thế Am Bồ Tát. Đã rõ trong sách kể về các tiền kiếp của Đức Phật, có nói nhiều lần Đức Phật xả thân cứu giúp con người, nhưng rõ ràng là những chuyện đặt ra về sau không có lịch sử: vả lại đấy là chuyện Đức Phật chứ không phải của Bồ Tát. Giáo lý công giáo vẫn nhắc chúng ta rằng Đức Giêsu chưa về hẳn cùng Đức Chúa Cha mà còn ở tình trạng hiến dâng (không được quên cuộc hiến dâng trên thập giá mà hàng ngày trên hàng vạn bàn thờ vẫn nhắc lại trước mặt Chúa Cha). Chúng ta không được quên sự có mặt của Đức Giêsu trên tầng trời với công việc của Ngài dâng lễ vật lên Chúa Cha, cùng với lễ vật của chúng ta: về khía cạnh này phật giáo đã sáng tạo được rất nhiều điều cao siêu, nhưng còn xa mới đạt tầm vóc của Đức Giêsu. Ta thấy đức tin về Đức Giêsu đã lên trời nhưng chưa lên trời hẳn quan trọng đến thế nào đối với đạo công giáo chúng ta.

Từ nay đến tận thế, Người còn chuyển bao nhiêu lời cầu xin của chúng ta lên Chúa Cha, Ngài còn chuyển bao của lễ của chúng ta lên Chúa Cha, Người còn bảo vệ bao việc của chúng ta trước mặt Chúa Cha, còn phải làm trung gian cho chúng ta trước mặt Cha, chưa kể Ngài vẫn ở cùng chúng ta hàng ngày cho đến tận thế trong các bí tích và nâng đỡ các việc làm của chúng ta, đạo và đời, … Những điều ấy không Bồ Tát nào có thể như thế. Người công giáo chúng ta cần làm sáng tỏ những sự khác biệt này, sự ấy càng chứng minh rõ ràng các Bồ Tát nên để làm những hình ảnh xa xôi tiên báo và chuẩn bị cho vai trò của Đức Giêsu mà thôi. Bồ Tát trở nên thân mật với chúng ta và là người dẫn ta đến với Đức Giêsu dễ dàng hơn. Nhờ Bồ Tát chúng ta thấy rõ tầm vóc bao la sâu thẳm của Đức Giêsu và lòng mến của chúng ta với Đức Giêsu sẽ gia tăng gấp bội.

Một câu nói của Phêrô trong Công Vụ Tông Đồ nói rằng Đức Giêsu còn bị giữ lại trên trời, chưa về hẳn cùng Chúa Cha giúp chúng ta hiểu rộng biết bao nhiêu vai trò của Đức Giêsu sau khi Người lên trời vinh hiển. Không những vai trò cứu độ của Đức Giêsu đối với loài người và vạn vật chưa xong, khi Người chết trên thánh giá (công việc riêng của Người thì đã hoàn tất nhưng việc cứu độ chúng ta và vạn vật thì còn lâu mới xong), Phêrô đã bảo là còn đợi đến ngày tận thế. Nói chung, nguồn gốc của sai lầm là ở điểm chúng ta tưởng rằng Đức Giêsu về trời là đã làm hết việc cứu độ của Người, bây giờ chỉ còn ngự bên hữu Đức Chúa Cha mà thôi. Hỏi 1000 giáo dân, thậm trí cả tu sĩ và linh mục cho biết Đức Giêsu lên trời nghĩa là gì, thì có đến 999 người trả lời rằng Đức Giêsu đã hoàn tất thắng lợi mọi công việc Ngài phải làm, bây giờ chỉ còn nghỉ việc mà thôi. Tiện thể có thể nói điều này: tượng các thánh mà chúng ta thờ thí dụ thánh Giuse, thánh Phêrô, thánh Antôn, … làm chúng ta tưởng rằng bây giờ số phận các vị ấy đã xong và các ngài cũng ngự vinh hiển bên Chúa Cha như vậy. Sự thật chúng ta biết không phải như thế. Các vị được lên thiên đàng là về phần hồn, phần xác còn phải đợi ngày sống lại, sống lại như thế nào chúng ta chưa biết, Phaolô bảo như hạt giống gieo xuống đất mỗi hạt khi sống lại là một cây khác nhau theo ý Chúa, chứ không phải giống như những bức tượng mà chúng ta tưởng tượng ra. Ngày tận thế, Đức Giêsu sẽ dẫn đầu một đoàn lũ các thánh, ở tình trạng có xác sống lại, vô cùng đa dạng làm sao chúng ta biết được. Hiện tại chính Đức Giêsu trên trời của Ngài đang hoàn tất nhiệm vụ cứu độ của Người với sự cộng tác của chúng ta, thật muôn hình muôn vẻ, chúng ta chẳng biết rõ, ngày tận thế làm sao mà chúng ta biết được: chúng ta chỉ có thể như công đồng Vatican II, là có sự phác thảo đời sau và có Trời Mới Đất Mới. Đây là những lời rõ nét nhất mà Giáo Hội đã có thể nói trước được. Từ nay đến ngày ấy Đức Giêsu còn phải làm rất nhiều việc, có cả chúng ta cùng làm với Người, cả vạn vật cùng làm với Người nữa. Làm sao cho giáo dân thấy được, từ trên trời của Ngài, Đức Giêsu chưa nghỉ ngơi đâu mà còn phải tiếp tục công việc cứu độ còn dở dang, hiểu được như vậy Giáo Hội sẽ sống động hơn nhiều, cả trên trời cả dưới đất cùng phải hoạt động và việc này sẽ thành nội dung của đời sống đạo chúng ta, và có sức lôi cuốn cả chúng ta cả mọi người lương dân trong chương trình của Chúa.

Đức Giêsu đã lên trời, nhưng chưa lên hẳn đấy là một điều cần phổ biến cho giáo dân hiểu: điều này đem một sức mạnh mới cho hoạt động Tông Đồ, đem một sức sống mới cho Giáo Hội ngày nay quá im lìm thụ động vì chỉ thấy ơn cứu rỗi cho cá nhân mình mà thôi.