Kathleen Naab đã được cha Alfred Cioffi, một linh mục của tổng giáo phận Miami và hiện là một nhà đạo đức sinh học làm việc tại Trung Tâm Quốc Gia Đạo Đức Sinh Học Công Giáo, dành cho một cuộc phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn đã được hãng tin Zenit phổ biến vào cuối tuần qua.

Cha Cioffi đậu tiến sĩ tại đại học Gregoriana ở Rôma với luận án "The Fetus as Medical Patient: Moral Dilemmas in Prenatal Diagnosis." Sau đó, ngài còn đậu bằng tiến sĩ thứ hai tại đại học Purdue, với luận "The VWG Hypothesis: Predicting Distinct Chromatin Structures from the DNA Sequence."

Một tin vui được cha tiết lộ trong cuộc phỏng vấn này là khả năng sử dụng các tế bào gốc của cuống rốn, vốn có tiềm năng của các tế bào gốc phôi thai, để nghiên cứu mà không đi ngược nguyên tắc bảo vệ sự sống con người từ lúc tượng thai cho đến lúc chết tự nhiên.

Nghiên cứu tế bào gốc

Trước khi đi vào chi tiết tin vui trên, cha Cioffi nói với Kathleen Naab một số chi tiết chung quanh vấn đề nghiên cứu tế bào gốc. Theo cha, tế bào là đơn vị căn bản của sự sống trên hành tinh này. Mọi sinh vật đều được cấu thành bởi các tế bào. Thân thể con người được cấu thành bởi hàng tỉ tỉ tế bào: tế bào xương, tế bào da, tế bào gan, tế bào óc v.v… Tế bào gốc là những tế bào sản xuất ra các tế bào khác. Bởi thế, khi chúng ta đang phát triển hay bị bệnh hay bị thương, tế bào gốc phải làm việc để tạo ra các tế bào mới, hoặc để cấu tạo một bộ phận hay một mô, hoặc để sửa chữa một bộ phận hay một mô bị hư hại.

Việc nghiên cứu tế bào gốc sử dụng các tế bào gốc trong phòng thí nghiệm để cố gắng chữa lành các bộ phận và các mô bị hư hại trong cơ thể con người. Nó làm thế bằng việc tìm cách biến các tế bào gốc của người trở thành các tuyến tế bào (cell lines). Cơ thể con người được cấu thành nhờ khoảng 220 tuyến tế bào: tế bào xương, tế bào bắp thịt, tế bào óc, tế bào gan v.v…

Căn cứ theo nguồn gốc, ta thấy có hai loại tế bào gốc: tế bào gốc phôi thai và tế bào gốc trưởng thành. Tế bào gốc phôi thai lấy từ phôi thai; tế bào gốc trưởng thành lấy từ “người trưởng thành”, nghĩa là người đã sinh ra đời. Như thế, các em bé mới sinh cũng có tế bào gốc “trưởng thành”, vì các em đã sinh ra đời rồi. Cho tới nay, chỉ có các tế bào gốc trưởng thành đã đem lại kết quả mà thôi. Cha Cioffi cho rằng: lý do của việc ấy rất dễ giải thích.

Các tế bào gốc phôi thai hiện nay có quá nhiều tiềm năng; tại sao? Vì mọi bộ phận và mô của phôi thai đều từ các tế bào gốc phôi thai mà ra, nghĩa là toàn bộ phôi thai đều được cấu tạo từ các tế bào gốc phôi thai. Như thế, khi các tế bào gốc phôi thai được đem cấy (transplanted) vào một bộ phận hay một mô hư hại, chúng phát triển một cách không kiểm soát nổi, rất nhanh và rất nhiều. Kết quả sau cùng là một cục bướu: ung thư. Tại sao? Vì, xét một cách chủ yếu, toàn bộ phôi thai muốn được lớn lên tại bộ phận hay mô mà tế bào gốc phôi thai đã được cấy vào.

Muốn lấy đượ tế bào gốc phôi thai, người ta phải giết, phải diệt phôi thai đi. Đó là lý do tại sao Giáo Hội Công Giáo, và nhiều người có lương tâm khác, chống đối việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai.

Trái lại, tế bào gốc trưởng thành, lấy từ các bộ phận và mô trong cơ thể ta, thì thuần thục hơn, và không phát triển quá nhanh và quá nhiều như thế. Tại sao? Xét một cách chủ yếu, vì khi muốn chữa một bộ phận nào đó, thí dụ như bị một vết cắt ở da chẳng hạn, thì chỉ cần dùng tế bào gốc trưởng thành của tuyến tế bào da để chúng tạo đủ da thay thế cho chỗ da hư hại mà thôi. Nói cách khác, các tế bào gốc này đã được tiền thảo chương để thay thế các bộ phận và các mô khác nhau trong cơ thể ta, mỗi thứ theo loại của nó.

Để lấy được tế bào gốc trưởng thành, không ai bị giết hay bị diệt cả. Ngoài ra, các tế bào gốc này còn có thể lấy từ cùng một bệnh nhân, như thế không sợ bị phản ứng loại bỏ (immune rejection). Chính vì thế, Giáo Hội Công Giáo khuyến khích ngành nghiên cứu này.

Thất bại trong ý đồ

Nhận định về việc Barack Obama cho rằng hành động bãi bỏ lệnh cấm của tổng thống Bush đối với việc dùng ngân khoản liên bang tài trợ cho ngành nghiên cứu tế bào gốc phôi thai là một chiến thắng của khoa học, cha Cioffi cho rằng quả ông ta đã thất bại trong ý đồ. Theo cha: đáng buồn là quyết định đó đã chỉ do ý thức hệ mà có, một ý thức hệ đặt một nghị trình đặc thù trước bất cứ một chứng cớ khoa học nào. Độc giả có thể vào trang mạng www.stemcellresearch.org, để thấy hàng tá trường hợp dùng tế bào gốc trưởng thành để chữa bệnh, chứ chưa thấy trường hợp chữa bệnh nào bằng tế bào gốc phôi thai cả. Tất cả đều là những bài vở lấy từ các tập san khoa học.

Theo cha Cioffi, lý do khiến người ta vẫn lưu tâm đến việc dùng tế bào gốc phôi thai để nghiên cứu có ba. Đó là các lý do tài chánh, sinh học lý thuyết, và ý thức hệ.

Lý do tài chánh

Điều đáng buồn là có vấn đề tiền bạc ở đây. Chẳng qua chỉ vì mấy cái bằng sáng chế mà ra. Bây giờ thì đã rõ: vì hiện có quá nhiều thành công trong ngành nghiên cứu tế bào gốc trưởng thành, nên thực tế mọi bằng sáng chế đã bị các chuyên viên kỹ thuật sinh học và bào chế học lấy mất cả rồi. Mặt khác, vì hiện chưa có mấy kết quả trong ngành nghiên cứu dùng tế bào gốc phôi thai, nên chỉ cần một thành công nhỏ trong lãnh vực này cũng được cấp bằng sáng chế, bởi thế, thị trường bằng sáng chế rất mở rộng ở đây. Chắc chắn, ngành nghiên cứu này có tính đầu cơ cao, có khuynh hướng đem lại lời lãi nhiều dù mới chỉ có một chút hy vọng thành công. Vào thời điểm kinh tế khó khăn, những vụ đầu tư có tính đầu cơ cao này quả là những cơn cám dỗ rất lớn, đem lại những giải đáp nhanh chóng cho những người mong chờ, giúp họ thực hiện được những vố mua bán lớn. Chỉ cần đưa thí dụ sau đây: năm 2004, các nhà ý thức hệ ủng hộ nghiên cứu tế bào gốc phôi thai đã thuyết phục dân chúng California chịu chi 3 tỷ Mỹ Kim tiền đóng thuế của họ vào ngành nghiên cứu này, một việc mà họ đánh trống đánh phách là chữa được tận gốc nạn phá sản tài chánh của tiểu bang.

Lý do sinh học lý thuyết

Về phương diện lý thuyết, các tế bào gốc phôi thai có khả năng tái sinh và thay thế cho tất cả 220 tuyến tế bào cấu thành các bộ phận và mô trong cơ thể con người. Tại sao? Vì chúng phát xuất từ Khối Nội Tế Bào (Inner Cell Mass) của chính phôi thai nhân bản ở giai đoạn đầu (blastocyst: vào khoảng 1 tới 2 tuần lễ đầu) và toàn bộ phôi thai phát triển từ Khối Nội Tế Bào này. Tuy nhiên, trên thực tế, như đã nói ở trên, những tế bào này có quá nhiều tiềm năng, kết quả là chúng phát triển một cách không sao kiểm soát được, và do đó tạo nên những cục bướu. Bởi thế, một số khoa học gia bảo rằng: “hãy cho chúng tôi đủ thì giờ và tiền bạc, thì chúng tôi sẽ thuần thục hóa các tế bào gốc phôi thai quá ‘hoang’ để chúng chịu chỉ phát triển thành các tuyến tế bào cần đến mà thôi.Và dĩ nhiên, nếu họ may mắn thành công, thì việc ấy chỉ tổ khuyến khích nhiều khoa học gia hơn nữa nhào vô lãnh vực hạ sát các phôi thai nhân bản để lấy được các tế bào gốc thèm muốn kia.

Lý do ý thức hệ

Việc nghiên cứu tế bào gốc phôi thai vừa không ăn nhằm gì vừa hết sức ăn nhằm với việc hợp pháp hóa nạn phá thai. Không ăn nhằm, vì không có việc mang thai ở đây. Nghĩa là, các phôi thai ở giai đoạn đầu này (blastocysts) được đông lạnh một cách đặc thù trong hyđrô lỏng (cryopreserved) tại các bệnh xá thụ thai trong ống nghiệm, và bị cha mẹ chúng coi là “dư thừa” (excess), vì họ đã có thai và sinh được bé thơ họ muốn rồi. Nếu không mang thai, thì đâu có chuyện mâu thuẫn giữa bà mẹ và đứa con chưa sinh ra. Nhưng mặt khác, nó lại hết sức ăn nhằm với việc hợp pháp hóa nạn phá thai. Tại sao? Vì khi nhìn nhận tư cách nhân bản cho các phôi thai nhân bản bị đông lạnh này, thì não trạng phá thai hình như không còn đứng vững nữa. Cho nên não trạng này mới chủ trương: các phôi thai ấy không phải là những con người. Nói cách khác, lực lượng phò phá thai trong xã hội ta cương quyết chống lại bất cứ gợi ý nào nhìn nhận tính người nơi các phôi thai nhân bản ở giai đoạn đầu tiên ấy. Trong tâm trí những nhà ý thức hệ này, điều chủ yếu là cổ vũ quan điểm cho rằng những phôi thai nhân bản kia chẳng qua “chỉ là một mớ tế bào”, nên được dùng để chữa các bệnh y khoa nan giải.

Tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn

Sau đó, cha Cioffi đề cập tới một loại tế bào gốc hết sức có ý nghĩa đó là các tế bào gốc của máu cuống rốn. Theo cha, về phương diện đạo đức sinh học, đây là một loại tế bào gốc đặc biệt. Người ta mới khám phá ra máu trong cuống rốn cũng có chứa tế bào gốc. Vì cuống rốn xuất phát từ phôi thai người (hay bào thai), nên các tế bào gốc này cũng là các tế bào gốc phôi thai. Cuống rốn thường bị vứt bỏ khi em bé sinh ra, nhưng người ta có thể lấy các tế bào gốc phôi thai này từ cuống rốn mà không gây hại chi tới chính thai nhi hết. Nói đại cương, đây là điều tốt cho cả hai bên. Vì một đàng, các tế bào gốc của cuống rốn cũng có tính tạo hình cao và khả năng chữa trị có phẩm chất lớn như các tế bào gốc phôi thai, và mặt khác, chắc chắn em bé không cần bị giết mới có thể có được các tế bào gốc ấy.

Về vấn đề các sách thai nghén cũng như các bác sĩ sản khoa ai cũng tỏ ra không ủng hộ việc lưu trữ các cuốn rốn, nhiều người còn chống đối việc ấy nữa, cha Cioffi cho hay: trở ngại đối với việc sử dụng tế bào gốc của cuống rốn phần lớn chỉ là tài chánh, vì lấy được các tế bào gốc từ chúng là chuyện khá tốn phí. Tại Mỹ, phí tổn vào khoảng 1 ngàn dollars. Rồi lại còn lệ phí hàng tháng nữa, vào khoảng 100 dollars, để lưu trữ chúng. Chúng có thể lưu trữ trong bao lâu? Theo nguyên tắc, là suốt đời hay cho tới lúc người mới sinh bị bệnh hay bị đau. Và hy vọng, vết thương hay căn bệnh đó có thể chữa lành bằng tế bào gốc của cuống rốn trên.

Bởi thế, muốn lưu trữ các tế bào gốc loại này, cần phải xem sét một số yếu tố: tốn phí bao nhiêu, bây giờ và về lâu về dài? Thực tiễn có bao nhiêu cơ may chữa trị, và trong khoảng thời gian thế nào? Vì ngành nghiên cứu tế bào gốc cuống rốn hiện là một ngành kỹ nghệ chỉ vừa mới bắt đầu, có lẽ chỉ các cặp vợ chồng đã có một con sinh ra với một chứng bệnh nào đó và căn bệnh này có cơ chữa lành bằng tế bào gốc của anh chị em ruột mình thì mới có lợi hơn cả mà thôi.

Còn về lâu về dài, thì ngành nghiên cứu dùng tế bào gốc của cuống rốn hứa hẹn rất nhiều tiềm năng to lớn, nên vợ chồng nào có khả năng tài chánh nên tham gia chương trình nghiên cứu này. Tại sao? Theo cha Cioffi, vì ngoài cái lợi đối với chính con cái sơ sinh của họ, anh em ruột của chúng cũng như thân nhân gần gũi ra, việc này sẽ giúp đẩy mạnh ngành kỹ nghệ còn non trẻ này, một ngành kỹ nghệ rõ ràng phò sự sống, và cần rất nhiều hỗ trợ để có thể phát triển.

Cha Cioffi nhận định rằng: nếu các cặp vợ chồng có khả năng tài chánh, họ nên tạo ‘áp lực một cách thân ái” lên các công ty bảo hiểm sức khỏe để các công ty này chịu bảo trợ một phần phí tổn ấy. Cần làm cho các công ty bảo hiểm này hiểu rằng việc đầu tư của họ vào ngành lưu trữ tế bào gốc cuống rốn, về lâu về dài, sẽ mang lại cho họ nhiều lợi điểm về tài chánh. Tại sao? Vì nhờ càng ngày càng có nhiều chữa trị xẩy ra cho lãnh vực này, nên tính trung bình, mỗi ngày các khách hàng của họ càng được lợi nhờ các vụ chữa trị đó. Thí dụ, một thiếu niên bị thương tích, nhờ cuống rốn của em được lưu trữ, nên em được chữa lành mau hơn và tốt hơn, nhờ thế sẽ giảm thiểu được thời gian nằm bệnh việc và chi phí chữa trị, và do đó, chi phí bảo hiểm sức khỏe cũng giảm theo.