Những Người Quản Thủ Tạo Vật: Một đường lối giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu



William S. Skylstad | ngày 20 tháng 4, 2009


Ngày 22 tháng 4, Ngày Trái Đất, sẽ đánh dấu sự khai mở của “Giáo Ước Công Giáo về Khí Hậu”, một sáng kiến của Tổ Hợp Công Giáo về Thay Đổi Khí Hậu, đại diện cho 12 tổ chức, trong đó Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là một thành viên. Giao Ước bao gồm điều được gọi là Cam Kết của Thánh Phanxicô để Bảo Vệ Tạo Vật và Người Nghèo, được khởi hứng bởi “Bài Ca Mặt Trời” của vị thánh, ca ngợi tạo vật dưới hình thức đất, nước và sinh vật. Thánh Phanxicô thành Assisi là một gương mẫu quan trọng vì một lý do khác nữa: chỉ có ngài mới nối kết việc chăm sóc tạo vật với săn sóc kẻ nghèo.

Đức Thánh Cha Benedict nói tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Úc tháng 8, “Việc sáng tạo của Thiên Chúa tốt đẹp và tạo vật tốt đẹp,” khi ngài giới thiệu chủ đề bảo vệ tạo vật của Chúa, Đức Thánh Cha Benedict tuyên bố là việc phát triển lâu dài và chăm sóc môi sinh “tối quan trọng cho nhân loại.”

Rồi ngài đóng khung các chiều kích luân lý về công bằng môi sinh và chăm sóc tạo vật dưới hình thức một thách đố đối với “sự khai thác tạo vật một cách bừa bãi,” ở nơi mà tất cả chỉ được coi như “sở hữu của chúng ta” và chúng ta có quyền tiêu thụ “cho riêng mình chúng ta.” Đức Thánh Cha Benedict lưu ý rằng các sáng kiến hữu hiệu nhằm ngăn chặn việc tàn phá tạo vật có thể được phát triển và áp dụng, nhưng “chỉ khi nào tạo vật được coi như được khởi sự từ Thiên Chúa.”

Tại Hoa Kỳ, có thể thấy có một ý thức đang gia tăng về sự thay đổi khí hậu và các nỗ lực tư nhân và công cộng nhằm duy trì năng lượng. Các chính phủ tiểu bang đang ban hành các đạo luật và soạn thảo các chính sách để giảm thiểu sự ô nhiễm của xăng dầu quặng mỏ và đang phác hoạ các hình thức bổng lộc cho các chủ nhà và chủ hãng xưởng để họ tiết kiệm và sử dụng các loại năng lượng có thể tái tạo khác. Tổng Thống và Quốc Hội cũng đang có những đề nghị tương tự ở mức độ quốc gia, khởi xướng một cuộc thảo luận lớn về cách đáp ứng tốt nhất đối với những phức tạp của việc thay đổi khí hậu. Trong một cuộc hội thảo đa số là các nhóm môi sinh, các khoa học gia, và doanh thương phát triển năng lượng thay thế một bên, và bên kia là các công ty điện lực, nông thương, than và dầu, Giáo Hội Công Giáo và các lãnh đạo liên tôn Thiên Chúa giáo đang nâng cao các chiều kích nhân bản của việc thay đổi khí hậu. Đức tin Kitô kêu gọi chúng ta cùng mang lại sự đòi hỏi của Phúc Âm về việc chăm sóc “vườn” (1:28-30) và cũng săn sóc “những ai yếu đuối và thiếu thốn nhất” (Mt 25). Trong khi quốc gia chúng ta đang bàn cãi về các chính sách tương lai, người Công Giáo Hoa Kỳ đề nghị một thái độ rõ rệt kết hợp được việc chăm sóc tạo vật với việc bảo vệ những ai nghèo khó và yếu đuối.

Giáo Hội không có ý chống lại khoa học về vấn đề này. Nhưng, Giáo Hội vẫn dựa vào các nghiên cứu khoa học. “Các nghiên cứu khoa học ngày càng rõ ràng, đã chứng minh là hậu quả của các hành động của con người tại một miền có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới,” Đức Thánh Cha Benedict trong một lá thư gửi cho Thượng phụ đại kết Constantinople (ngày 1 tháng 9, 2007) ngài đã ghi nhận các hậu quả của sự coi thường môi sinh là “luôn luôn gây nguy hại cho “việc chung sống của con người” và “hạ phẩm giá con người, và vi phạm quyền của các công dân muốn được sống trong một môi trường an toàn ….” Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng đã bầy tỏ cung những quan điểm này trong tuyên ngôn của họ; về sự thay đổi khí hậu, các giám mục chấp nhận những chứng cớ của khoa học và kết luận của Uỷ Ban hỗn hợp của Chính Phủ về Thay Đổi Khí Hậu.

Thay đổi khí hậu phần lớn là kết quả của cách thức thế giới phát triển kỹ nghệ, sử dụng và lạm dụng các nguồn năng lượng (vận tải, sưởi nóng và nấu ăn) và coi thường hậu quả ô nhiễm và các ảnh hưởng tai hại khác cho hệ thống môi sinh mỏng manh của trái đất. Các ảnh hưởng tại hại có tính cách hoàn vũ. Các quốc gia, đặc biệt là các nước kỹ nghệ hóa, bây giờ phải tìm các biện pháp sửa sai.

Sự kiện Đức Thánh Cha Benedict thông hiểu các vấn đề này được thấy hiển nhiên trong cung lá thư ngài thảo luận về một trách nhiệm các quốc gia kỹ nghệ hoá và các quốc gia kém mở mang phải chia sẻ. Ngài viết, “Trong khi sự thật là các quốc gia kỹ nghệ hoá không được tự do về luân lý để tái phạm các lỗi lầm xưa cũ của người khác bằng cách tiếp tục gây nguy hại cho môi sinh một cách cẩu thả, các quốc gia kỹ nghệ tối tân phải chia sẻ ‘các kỹ thuật trong lành’ và bảo đảm rằng các thị trường tiêu thụ của họ không kéo dài nhu cầu về các sản phẩm khi được chế tạo đóng góp cho việc gia tăng ô nhiễm.”

Sự thay đổi khí hậu đã thực sự ảnh hưởng đến trái đất và con người. Và các ảnh hưởng nguy hại có thể khiến cho đời sống của những kẻ thiếu phương tiện nhất để đối phó với các hậu quả của việc thay đổi khí hậu, càng khó khăn hơn (xem Phúc Trình Lượng Giá thứ Tư của Uỷ Ban hỗn hợp Chính Phủ về Thay Đổi Khí Hậu trên mạng lưới). Trong khi không phải là bất cứ thiên tại gây nên bởi thời tiết nào cũng do việc thay đổi khí hậu gây nên, theo các nhà nghiên cứu về thay đổi khí hậu thì các thay đổi về thời tiết – nạn hạn hán lâu dài, nhiều mưa lũ hơn, băng đá chảy tan, vân vân – sẽ xẩy ra thường xuyên hơn.

Hai năm trước đây Tổ Hợp Công Giáo về Thay Đổi Khí Hậu đã tổ chức một buổi điều trần theo lời yêu cầu cuả các giám mục Alaska. Một bô lão của làng dân Inuit ở Newtok cho hay bây giờ làng của cụ thường bị lụt về mùa thu vì băng đá trên biển ngày càng đông lại trễ hơn, khiến cho nuớc tràn vào các con sông kế cận. Các ngân khoản của Tiểu Bang và Liên Bang đang được sử dụng để di chuyển làng này lên chỗ đất cao hơn. Nhưng hãy thử xem các nơi khác trên thế giới không có tài nguyên để làm như vậy. Điều gì sẽ xẩy ra cho dân chúng, cho đời sống, cho gia đình, láng giềng và bạn hữu của họ?

Nhiều khoa học gia lưu ý là các quốc gia Phi Châu bây giờ đã thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của sự thay đổi khí hậu và họ sẽ tiếp tục chịu như vậy. Tại Ethiopia, gần một phần năm dân số (12 triệu) đang tiếp nhận trợ cấp thực phẩm vì hạn hán thường xuyên. Phá được chu kỳ hạn hán và chết đói luôn luôn hết sức khó khăn tại miền đất này, nhưng các nguồn dư liệu mới hơn và nhiều hơn sẽ cần thiết để đáp ứng các thảm hoạ nhân loại tương tự - giảm thiểu hậu quả của sự thay đổi khí hậu – và có các nỗ lực cải tiến để giúp các quốc gia nghèo đói đối phó với một sự thay đổi khí hậu lâu dài.

Các dẫn chứng này đề cao nhu cầu phải giảm thiểu việc xuất phát hơi greenhouse bằng các kỹ thuật mới và năng lượng hữu hiệu và chia sẽ các phương thức mới này với các quốc gia nghéo nhất trên thế giới. Quốc gia chúng ta phải chứng tỏ vai trò lãnh đạo trong việc giúp đỡ các quốc gia đang phát triển nuôi dưỡng nền kinh tế của họ một cách lâu dài và bảo trì môi sinh.

Hoạt Động bên trong hậu trường

Vì các chiều kích luân lý và nhân bản thường bị coi thường hay bỏ qua trong các thảo luận về cách đối phó với thay đổi khí hậu, Cộng Đồng Công Giáo và các giáo phái khác có bổn phận lên tiếng thay cho những kẻ không có tiếng nói và đưa ra các vấn đề về công bằng xã hội và quản thủ môi sinh. Đây là sứ mệnh của Chương Trình Công Lý Môi Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Tổ Hợp Tôn Giáo Quốc Gia về Môi Trường.

Về vấn đề này cộng đồng Công Giáo dẫn trước sớm hơn. Bẩy năm trước đây, các Giám Mục Hoa Kỳ chấp thuận tuyên ngôn chưa từng có, Sự Thay Đổi Khí Hậu Hoàn Vũ: Một Lời Kêu Gọi Đối Thoại, Cẩn Trọng và Lợi Ích Chung. Trong đó các giám mục nhấn mạnh là các biện pháp đối với thay đổi khí hậu phải được hướng dẫn bởi những điều sau đây: cẩn trọng, đòi hỏi các hành động khôn ngoan để đối phó với một vấn đề ngày càng gia tăng về mức độ và hậu quả; “các hành động can đảm và quảng đại để lo cho lợi ích chung,” thay vì chỉ hắm các lợi ích hạn hẹp; một ưu tiên rõ rệt cho người nghèo, vì họ phải mang gánh nặng nhất và trả giá đắt nhất về hậu quả của thay đổi khí hậu.

Các giám mục viết, “Tại trọng tâm, thay đổi khí hậu hoàn vũ không chỉ là các diễn đàn về lý thuyết kinh tế hay chính trị, hay về lợi ích của đảng nọ đảng kia, hay áp lực của các nhóm có mưu đồ riêng, mà là bảo vệ cả ‘mội trường nhân sự’ lẫn môi trường thiên nhiên. Đó là về sự quản thủ của con người đối với tạo vật của Thiên Chúa và trách nhiệm của chúng ta đối với các thế hệ mai sau.”

Các nỗ lực tiên phong của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cùng với Tổ Hợp Tôn Giáo Quốc Gia về Môi Trường nhằm giúp việc thúc đẩy một đạo luật về Thay Đổi Khí Hậu tại Quốc Hội. Không có tiếng nói tập thể, các dự luật then chốt để đối phó các chiều kích về nghèo đói sẽ bị suy yếu hay bị xóa bỏ trong lần thảo luận thứ nhất về Thay Đổi Khí Hậu (không được chấp thuận) của Thượng Viện. Tổ Hợp vẫn hoạt động để bảo đảm rằng đạo luật mới sẽ bao gồm các điều khoản bảo vệ người nghèo tại Hoa Kỳ đang phải đối phó với vật giá năng lượng leo thang, và dự liệu để yểm trợ các quốc gia kém mở mang trong việc đối phó với các hậu quả xấu của Thay Đổi Khí Hậu. Giữa Tháng Hai, hàng trăm lãnh tụ Công Giáo đã đến Quốc Hội để trinh bầy trường hợp này với các nghị sĩ và dân biểu.

Giao Ước và Cam Kết

Như đã viết trên đây, Tổ Hợp Công Giáo về Thay Đổi Khí Hậu cũng đang khởi xướng một chương trình giáo dục thực tiễn và hành động. Các cá nhân, gia đình, giáo xứ, trường học, dòng tu, các điạ phận và các tổ chức Công Giáo khác được mời gọi để làm Cam Kết Thánh Phanxicô và tham gia Giao Ước Công Giáo Thay Đổi Khí Hậu. Giáo Ước cung cấp các phương cách cụ thể để đáp ứng Phúc Âm và giáo huấn Công Giáo, trong khi bầy tỏ được mối ưu tư cho cả trái đất lẫn con người. Qua một mạng lưới toàn cầu mới, các phim ảnh và chiến dịch quảng cáo, cùng với sự cộng tác của hàng tá các tổ chức hợp tác trên toàn quốc, người Công Giáo đang được mời gọi để cam kết và thỏa thuận: cầu nguyện và suy niệm về bổn phận chăm sóc tạo vật của Thiên Chúa và bảo vệ người nghèo khó và yếu đuối; học hỏi và giáo dục kẻ khác về các chiều kích luân lý của Thay Đổi Khí Hậu; lượng giá sự tham gia của chúng ta – như các cá nhân và tổ chức – trong việc đóng góp vào Thay Đổi Khí Hậu; hoạt động để thay đổi các lựa chọn và hành vi gây ra sự thay đổi khí hậu; và ủng hộ các nguyên tắc và ưu tiên Công Giáo trong các thảo luận và lấy quyết định về Thay Đổi Khí Hậu, nhất là khi có ảnh hưởng đến người nghèo khó và yếu đuối. Một gia trang mới (http://www.usccb.org/sdwp/ejp/climate) sẽ cung cấp các phương cách cụ thể để người Công Giáo hoàn tất cam kết của mình.

Với tiếng nói mạnh mẽ của Đức Thánh Cha Benedict, với sự lãnh đạo rõ ràng của các giám mục Hoa Kỳ, bằng cách kết hợp trong Giáo Ước Công Giáo về Thay Đổi Khí Hậu và Cam Kết Thánh Phanxicô, và bằng cách tái thiết các truyền thống xưa cổ về việc chăm sóc tạo vật và Dân Chúa, nhất là người nghèo, cộng đồng Công Giáo sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn để đối phó với sự Thay Đổi Khí Hậu. Đây là một cách để bầy tỏ sự hợp quần với những anh chị em chúng ta trên một hành tinh có giới hạn nhưng vẫn phì nhiêu.

Bishop William S. Skylstad là Giám Mục Spokane, cựu chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và là thành viên của Uỷ Ban Công Lý và Hòa Bình Quốc tế của Hội Đồng Giám Mục.