Con đường Đamát – Đường đời Kitô hữu

Đamát là một cuộc gặp gỡ, gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. Đamát là khởi đầu cho một chuyến đi dài, chuyến đi ta về với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đamát lúc đó là một ốc đảo rộng lớn nằm về phía Bắc Israel, tại bờ biên của sa mạc Siri, được che chở bởi dãy núi Antilabanô, được tưới đẫm bởi những dòng suối mát nhỏ Barađa và Abana, nên đã là một vùng rất phì nhiêu mầu mỡ. Đamát là nơi dừng chân nghỉ ngơi và là trung tâm giao dịch quan trọng giữa các đoàn thương gia thuộc các sắc dân Địa Trung Hải và Mêsôpôtamia. Vào thời Đức Giêsu và thánh Phaolô, Đamát được cai trị bởi vua Arêta, dân Nabatêô (x. 2 Cr 11,32), dĩ nhiên vẫn theo sự chỉ đạo của đế quốc Rôma. Như vậy Đamát là một thành ngoại đạo.

Vào thời đó, thông tin qua lại giữa vua Arêta và các thượng tế cho hiểu rằng có một giáo phái mới đã xuất hiện. Thầy thượng tế đã triệu tập một người thân tín đến, đó là Saun người thành Tácsô, một kinh sư trẻ tuổi, say mê Lề Luật Môsê (Tôrah) và tha thiết phụng sự Thiên Chúa của tổ tiên. Saun nhận “thư giới thiệu đến các hội đường ở Đamát, để nếu thấy những người theo Đạo – tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia của Israel –, thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9,2).

1. Biến cố Đamát

Cùng với một đoàn tùy tùng của thầy thượng tế, Saun lên đường. Họ bước đi dưới ánh nắng chói chang trong một sa mạc cát đá trơ trụi… và tiến dần về Đamát, nơi các suối nước đang chờ đợi họ, để dưới bóng những cây chà là mát mẻ, họ sẽ rửa gương mặt ram rám và ran rát vì nắng và vì cát, và súc miệng vì cát mịn cứ len vào dù miệng đã che khăn kín.

Bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời rọi xuống làm mù mắt Saun. Ông ngã xuống đất và nghe một tiếng nói: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi”. Kinh ngạc, ông hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Câu trả lời đến ngay tức khắc: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”. Run rẩy hốt hoảng, ông thưa: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Câu trả lời ngắn gọn và bí ẩn: “Ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì”. Saun đứng dậy, mắt vẫn mở, nhưng không thấy gì (x. Cv 9; 22; 26). Làm sao ông không nhớ là cả Têphanô cũng có một thị kiến, lúc đã sắp chết vì bị ném đá. Saun đã hiểu: Đúng rồi, như vậy rõ ràng là Giêsu vẫn tiếp tục nói vào ngày hôm nay.

Người ta đã cầm tay dắt ông vào Đamát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống. Chắc chắn ông đã cầu nguyện nhiều và xin Thiên Chúa của tổ tiên soi sáng cho ông.

Khi ấy, một môn đệ ở tại Đamát tên là Khanania có một thị kiến. Đức Giêsu Phục Sinh nói với ông: “Khanania, đứng lên, đi tới phố Thẳng, đến nhà Giuđa tìm một người tên là Saun quê ở Tácsô. Người ấy đang cầu nguyện”. Nghe nói đến Saun, Khanania rất ngần ngại, nhưng rồi đã vâng lời Đức Giêsu, đến gặp Saun. Ông đã đặt tay chữa lành mắt cho Saun và cho Saun chịu phép rửa. Dĩ nhiên, chúng ta có thể hiểu là Saun đã bày tỏ lòng tin vào ơn tha tội, nhờ Đức Giêsu đã sống lại và đang sống; ông cũng đã tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Và ông đã rao giảng như thế ngay vào ngày sabát kế đó. Thị kiến trên đường Đamát cứ dai dẳng đeo đuổi Saun. Như vậy, rõ ràng Giêsu vẫn đang sống.

2. Những khám phá tiệm tiến

Chúng ta có thể nghĩ đến một buổi sáng kia, Saun thức dậy, đọc ngay lời kinh ban mai: “Lạy Chúa là Thiên Chúa vũ hoàn, chúc tụng Chúa đã tạo nên con là Do-thái chứ không là gôy (dân ngoại), đã tạo nên con là người tự do chứ không nô lệ, đã tạo nên con là nam chứ không phải là nữ”. Rồi hẳn là ông đã im lặng thật lâu, ông suy nghĩ. Ông như chợt bừng tỉnh: Nếu Giêsu vẫn sống, thì Người đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa Israel và dân ngoại, chia cách người tự do với kẻ nô lệ, và chia cách đàn ông với đàn bà. Sau này Phaolô sẽ viết như thế trong Thư Êphêxô (Ep 2,14-18). Vậy thì lời chúc tụng đó không còn ý nghĩa nữa, bởi vì bây giờ không còn Do-thái và gôy nữa, không còn người tự do và nô lệ nữa, không còn đàn ông hay đàn bà nữa. Tất cả mọi người chỉ là một trong Đấng Mêsia phục sinh. Đây là sự duy nhất mà Đức Giêsu đã mang lại.

Ít ngày sau, ông bị thôi thúc đi xuống Ả-rập (x. Gl 1,17), ông đi đến núi Sinai, vì là chính trên ngọn núi này mà Tôrah đã được Thiên Chúa ban cho con dân Israel. Phép rửa tội do Khanania ban đã làm cho ông trở nên con người mới, nhưng ông vẫn chưa thấy mọi sự rõ ràng. Tại Sinai, Saun chờ đợi cuộc viếng thăm của Thánh Thần Chúa. Chính tại đây mà ông hết sức ao ước được gặp Giêsu, để đặt ra cho Người vô số câu hỏi. Biết đâu Giêsu chả là Môsê mới, đến ban Tôrah chung kết? Làm thế nào mà Giêsu lại có thể cho rằng Người là Con Thiên Chúa?

Saun chờ đợi mà trời vẫn đóng kín. Thế mà chính tại đây xưa kia trời đã mở ra và Môsê đã nhận được Tôrah. Nhưng rồi Saun đã hiểu: “Trên đường Đamát, tôi đã thấy trời mở ra và cả Têphanô cũng đã thấy trời mở ra”. Ô, vị rabbi người Nadarét ấy, ông Giêsu ấy, thật là khác thường. Người đã mạc khải Tôrah cho chúng ta theo cách độc đáo. Chính Người đã mạc khải cho ông trên đường Đamát chứ không phải trên núi thánh Sinai này, cũng như chính Người đã cho Têphanô thấy cửa trời rộng mở khi ông ấy sắp chết vì bị ném đá, chứ không phải trong khi ông ấy cầu nguyện trong Đền Thờ. Chính Người đã cho mình hiểu Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Sinai cho Dân mình, là để chuyển đến cho toàn thể dân ngoại. Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc qua việc tuyển chọn dân Israel. Một khám phá kinh thiên động địa!

Ông lại trở về Đamát. Đi trong sa mạc, ông đã sống lại lịch sử của dân ông, đoàn dân như đã được “rửa” trong biển khi rời Ai cập. Ông suy ngẫm về truyện Giacóp trốn Kharan đã thấy một chiếc thang bắc lên tới trời. Saun như đang sống lại cuộc Xuất hành. Bây giờ ông tiến đi theo vị hướng đạo tên là Giêsu, Người không bỏ rơi ông, nhưng vẫn nhắc lại: “Saun, tại sao bắt bớ Ta?”

Trở lại Đamát bây giờ ông đã nắm chắc rằng Giêsu là Con Thiên Chúa, ông đã hiểu rõ ý nghĩa chiếc thang Giacóp, tiên báo cây thập giá. Với bất cứ giá nào, ông muốn thuyết phục người Do-thái Đamát, trong ngày sabát tới đây, tại hội đường, rằng Giêsu đã chịu đóng đinh vào thập giá trong tình trạng yếu đuối, nhưng nay Người đang sống trong quyền năng Thiên Chúa. Chỉ duy mình Người mới có thể mang lại ơn cứu độ cho toàn thế giới. Người không những là Đấng Mêsia của Israel, mà còn là Con Thiên Chúa. Đây là những khám phá tiệm tiến, sau này được ghi trong các trang thư của Phaolô.

“Vâng, Saun đã viết, Đấng Mêsia là một sự tỏa rạng vinh quang Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Người là trưởng tử của mọi thọ tạo, và là trưởng tử giữa những người quá cố. Thiên Chúa đã muốn cho ở nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính và nhờ trung gian Người mà giao hòa với mọi loài thọ sinh. Bằng thập giá của Người, Người đã tạo bình an trên trời dưới đất” (x. Cl 1,15-20).

Vậy thì một hệ luận rõ ràng được rút ra, và Phaolô đã rút ra: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6,11). Chúng ta luôn luôn phải chọn lựa. Saun biết mình đã phụng sự Thiên Chúa sai hướng, nay ông chọn lại: chỉ nhờ đi theo Đức Giêsu Phục Sinh, ông mới biết cách phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.

Vào năm 1940, hãng Walt Disney xuất bản cuộn phim hoạt hình thứ hai, tên là Pinocchio, con rối bằng gỗ được điều khiển bằng các sợi dây, nay thành người do quyền phép của Bà Tiên Xanh; cậu Pinocchio thật là đần độn. Cậu ta không vâng lời người đã làm ra cậu và vẫn coi cậu như con, đó là ông Geppetto. Cậu lại nghe theo lời kẻ xấu là một Con Mèo ranh mãnh như Cáo. Mặc dù cậu có một cái đầu bằng gỗ, cậu lại tin rằng đầu của cậu thông thái, và cậu tự do đi theo các ước muốn của cái đầu, không phải nghe lời ai cả: “Tôi không còn dây trên người tôi nữa!”, nghĩa là không theo kẻ xấu đã đành, mà cũng chẳng theo người tốt; cậu theo cậu! Chính vì thế, cậu đã rơi vào biết bao nhiêu tình huống thê thảm.

Thật ra chỉ có hai chọn lựa trong đời ta, như thánh Phaolô nói rõ: vâng theo tội, thì chết, hoặc chết cho tội và sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu. Cho dù chúng ta đang sống cho Thiên Chúa, chúng ta vẫn nghe được lời mời gọi ngọt ngào tha thiết của Tội (đó là ích kỷ, gian tham, giận dữ, độc ác, trả thù…). Thế nhưng chúng ta không thể chết cho tội, nếu không cố gắng sống cho Thiên Chúa. Lý do tại sao chúng ta không màng tới người chủ cũ là Tội, là vì chúng ta quá bận phục vụ người chủ mới [là Thiên Chúa]. Càng ra sức phụng sự Thiên Chúa, ngày càng tự do giao phó đời mình cho Ngài, nhờ đi theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu Phục Sinh, chúng ta càng nên “người” hơn, thì tiếng nói của tên chủ gian ác là Tội cũng yếu dần và rồi sẽ chết hẳn.

3. Cuộc sống của người đã gặp Chúa Kitô Phục Sinh

Biến cố Đamát cho thấy rõ ràng Thiên Chúa có giờ cho từng con người: từ một Saun kinh sư nhiệt thành hung hãn tại Giêrusalem, Đức Giêsu Phục Sinh đã biến thành một Phaolô say mê loan báo Tin Mừng, khởi đi từ Đamát. Riêng Phaolô, sau này, ông đã gọi biến cố Đamát bằng một công thức trong thư 1 Côrintô: “thấy (= gặp) Đức Giêsu” (1 Cr 9,1). Đây là giờ phút nghiêm trọng và cốt yếu trong đời vị Tông đồ. Nếu không có biến cố này, thế giới chỉ có một Saun miệt mài trong lầm lạc, bế tắc, như “đá vào mũi nhọn”. Khi đã gặp Đức Kitô Phục Sinh, một Saun đang hung hãn đi làm giảm thiểu con số các Kitô hữu, đã trở thành một Phaolô say sưa đi làm tăng số các Kitô hữu. Ước gì đã khám phá ra Đấng Phục sinh, chúng ta mãi mãi là Giuse, Phêrô, Maria, Têrêsa…, những tín hữu của ngày được gặp Đức Kitô Phục Sinh trong các bí tích (rửa tội, Thánh Thể). Đừng như Phêrô: lúc đầu ông là Simôn; khi gặp Đức Giêsu, ông đã được Thầy đổi tên là Phêrô, cái tên hào hùng của sứ vụ, cái tên tuyệt vời cho đời sống Hội Thánh. Thế nhưng khi vào Vườn Ôliu với Thầy, ông đã sa sút, khiến Thầy chỉ có thể gọi lại cái tên đã bỏ đi: “Simôn, anh ngủ à?”. Ông không xứng đáng gọi là Phêrô nữa; ông lại trở về làm Simôn! Lại chính thiên thần của Đức Giêsu Phục Sinh nhắn qua các phụ nữ để Simôn hiểu là Người đã tha thứ cho ông và đã hồi phục tư cách cho ông: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông” (Mc 16,7). Còn Phaolô, ngài có thể nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Tôi sống kiếp sống con người tôi trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng đã yêu thương tôi và thí mạng vì tôi” (Gl 2,20). Nhưng cái giá Phaolô đã phải trả là 30 năm bôn bao lao nhọc, vào sinh ra tử, để diễn tả cho trọn tình yêu đối với Đức Kitô.

Để cho những biến cố trong đời ta, cho ba ngày tĩnh tâm này, là một “con đường Đamát”, cần nhận ra Đức Kitô Phục Sinh có mặt, cần nhận thấy Người đang chỉ cho ta một hướng đi. Vậy, cần phải liên tục bước theo Đức Giêsu Phục Sinh, đối thoại với Người, lắng nghe Người chỉ vẽ, và áp dụng giáo huấn của Người vào đời sống. Vì vậy, rất nên tập hỏi Chúa Giêsu liên tục như thánh Phaolô: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chúng ta cũng tập hỏi liên tục như thánh Phanxicô Assisi: “Lạy Chúa, Chúa là ai, và con, con là ai?”. Thật ra, các câu hỏi ấy đã là những câu trả lời…

Lạy Chúa Giêsu, Chúa vẫn dẫn con đi, mà con cứ tưởng con đi bằng sức mình. Chúa chờ đợi con, mà con lại tưởng là con tìm ra Chúa. Chúa dạy con về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, mà con lại cứ nghĩ con đã khôn ngoan khám phá ra. Nay con đã hiểu. Xin Chúa tiếp tục dạy con, để con có thể tiến đi trên con đường của Chúa, con đường công chính.