Chúng ta biết Thánh Phaolô nhiều nhất qua chính các Thư của ngài. Trong khi Sách Tông Đồ Công Vụ cung cấp cho chúng ta nhiều tin tức về Thánh Tông Đồ, nhưng những chứng từ này chỉ là “do người khác kể lại” so với chúng những lời của Thánh Phaolô.

Có mười ba Thư mang tên Thánh Phaolô trong Tân Ước. Trong đó có bảy Thư không thể chối cãi được là của Thánh Phaolô (Rôma, 1 và 2 Côrinthô, Galatê, Philliphê, 1 Thessalônica và Philêmon); một vài học giả tranh luận rằng có thể sáu thư kia được viết bởi một môn đệ hay một người theo Thánh Phaolô sau này (Êphêxô, Côlôxê, 2 Thessalônica, 1 và 2 Timôthê, Titô).

Việc viết thư là một nghệ thuật được phát triển đầy đủ trong thế kỷ thứ nhất của thế giới La Hy và các Thư của Thánh Phaolô phản ảnh rõ ràng điều ấy. Cũng như trong thời đại chúng ta, có một số công thức được xử dụng thư chính thức: phần mở đầu xác định người gửi và người nhận là ai, một lời chào hỏi rộng rãi, thân thư, và sau đó là lời thăm hỏi cuối cùng và kết thư. Với một vài thay đổi tùy theo hoan cảnh, các Thư của Thánh Phaolô được viết theo cùng những công thức ấy.

Hệ thống bưu tín trong thế giới cổ rất bất thường. Hầu hết các thư được trao cho những khách du lịch tư nhân, với hy vọng rằng các thư ấy rốt cuộc sẽ đến tay người nhận. Vì thế không ai có thể lường được bao giờ thư sẽ đến nơi. Tuy nhiên, việc du hành rất phổ thông trong thế giới cổ, và hầu như 186 ngàn dặm đường xá của Rôma có phẩm chất tuyệt với (một số đường ngày nay vẫn còn được xử dụng!) cho nên thư đã đến nơi!

Các Thư của Thánh Phaolô gồm cả Thư chung lẫn Thư riêng. Ngài chào mừng những cá nhân cách nồng nhiệt (xem danh sách những người bạn mà ngài chào trong Roma 16:3-16) và, trong trường hợp thư ngắn gửi Philêmon, có thể dành cho một trường hợp rất đặc biệt. Nhưng các Thư của Thánh Phaolô cũng có tính cách công cộng, vì ý thức như ngài rằng các Thư này cũng được đọc cho toàn thể công đoàn hay hàng loạt những cộng đoàn. Có thể rằng những người nhận chép lại các Thư của Thánh Phaolô và gửi cho những cộng đoàn khác.

Qua các Thư của ngài, chúng ta học được khả năng của nền thần học của Thánh Phaolô và sức mạnh của cá tính của ngài. Chính Thánh Phaolô thật sự là các Thư này: có khi diễn tả ý nghĩa của Tin Mừng cách cao xa, khi thì lời của ngài chứa đầy tức giận và thất vọng. Ngài vừa khiển trách vừa yêu thương các Kitô hữu nhận được Thư của ngài.

Rõ ràng là Thánh Phaolô thường đọc các Thư của ngài cho người khác viết, khi thì ngài nói một cách say sưa và có lẽ ngài dùng nhiều hơn một thư ký một lần (xem tham khảo, Tertiô, người viết thư này” trong Roma 16:22 hay Thánh Phaolô xem ra cầm lấy bút và ký bằng chính tay ngài trong Galatê 6:11). Ngài cũng ám chỉ rằng một số Thư là việc làm của ngài và các cộng sự viên của ngài (như trong 1 Corinthô mà Thánh Phaolô nói là của chính ngài và “Sosthenes người an hem của chúng tôi”).

Trong các Thư của Thánh Phaolô, chúng ta thấy sự quan tâm của ngài đối với đời sống Kitô của các cộng đồng mà ngài đã thành lập hay dự định thăm viếng. Thường thì ngài trả lời những câu hỏi riêng biệt mà họ đưa ra cho ngài hay những vấn đề xảy ra trong cộng đồng đã được người ta trình cho ngài. Điều này rõ ràng cách đặc biệt. trong trường hợp Thư 1 Côrinthô là nơi mà Thánh Phaolô phải giải quyết hằng loạt những vấn đề khó khăn. Đọc các Thư Thánh Phaolô giống như nghe một cuộc điện đàm một chiều; chúng ta không biết được điều mà phía bên kia nói. Nhưng chúng ta có thể phỏng đoán từ giọng văn của các câu trả lởi của Thánh Phaolô. Và chúng ta có thể thấy rõ rằng những vấn đề và những câu hỏi mà những Kitô hữu tiên khởi này đưa ra cho Thánh Phaolô được rút ra từ những suy tư sâu sắc và được linh hứng của ngài về Đức Kitô và đời sống Kitô hữu đã định hướng sự hiểu biết của Hội Thánh cách vĩnh viễn từ đó.

CÁCH THỰC HÀNH TẠI GIA


Điểm để thảo luận: Trong các Thư của ngài, Thánh Phaolô nói từ đáy lòng, rút ra từ suy tư suốt đời về những truyền thống của cộng đoàn và những kinh nghiệm riêng của ngài và việc làm một môn đệ Đức Kitô có ý nghĩa gì. Là các Giáo Lý viên và thầy cô, đây cũng là sứ vụ của chúng ta. Việc trở thành một môn đệ Đức Kitô có ý nghĩa gì với bạn hôm nay?

LM Donald Senior, C.P.

từ: http://webelieveweb.com/catechist_development.cfm?cd_view=171

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

---------------------------------------------------------------------------

Cha Donald Senior, C.P. là Viện Trưởng Viện Đại Học Catholic Theological Union ở Chicago, đồng thới cũng là Giáo Sư về Tân Ước. Ngài thuộc dòng Passionist và thụ phong LM năm 1967. Ngài có bằng Tiến Sĩ về Tân Ước tại Đại Học Louvain, nuớc Bỉ, năm 1972. Năm 2001, ĐTC Gioan Phaolô II chỉ định ngài làm thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, và ĐTC Bênêđictô XVI tái chỉ định ngài năm 2006. Bản Tiếng Anh của bài này được đăng trên webelieveweb.com.