Nơi Thứ Nhất - Chúa Giêsu bị Kết Án


Càng thuộc về Thiên Chúa nhiều, tôi càng bị lên án nhiều. (Mat 5:10)

Chúa Giêsu đứng trước mặt quan Philatô. Người im lặng. Người không bào chữa cho Người về những lời người ta tố cáo Người. Nhưng khi quan Philatô hỏi Người, “Ông đã làm gì?” thì Người nói, “Tôi đến thế gian để làm điều này, là làm chứng cho chân lý, và những ai đứng về phía chân lý thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:35-37).

Chân lý mà Chúa Giêsu nói đến không phải là một luận án, một tín điều, hay một giải thích trí thức về một thực thể. Nó chính là sự liên hệ ban sự sống, sự liên hệ mật thiết giữa Người và Ðức Chúa Cha mà Người muốn chúng ta dự phần vào. Quan Philatô hoặc bất cứ người nào không kết hợp với Chúa Giêsu sẽ không thể nghe được điều đó. Tuy nhiên, ai có liên hệ với Chúa Giêsu sẽ nhận được Thần Chân Lý - Thần Khí giải thoát chúng ta khỏi cưỡng lực và sự ám ảnh của xã hội đương thời. Thần Khí làm cho chúng ta thuộc về sự sống tinh thần của chính Thiên Chúa, và cho phép chúng ta sống trong thế gian bằng một tâm hồn rộng mở và một đầu óc ân cần.

Trong sự liên hệ với Chúa Giêsu, chúng ta có thể nghe tiếng của Thần Khí và hành trình xa rộng… bởi vì chân lý - sự liên hệ chân chính, sở hữu chân chính – ban cho chúng ta sự tự do mà quyền lực tối tăm không thể cướp đi được. Chúa Giêsu là một người tự do nhất, mà không có ai tự do hơn Người đã sống trên mặt đất, vì Người liên kết chặt chẽ nhất với Thiên Chúa. Quan Philatô lên án Người. Sự chết của Chúa Giêsu, thay vì là việc thi hành một án tử, lại trở nên con đường dẫn đến chân lý hoàn toàn, đến tự do hoàn toàn.

Tôi biết rằng tôi càng thuộc về Thiên Chúa nhiều thì tôi càng bị lên án nhiều. Nhưng sự lên án của thế gian sẽ làm sáng tỏ chân lý. “Phúc cho những ai chịu bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mat 5:10). Tôi phải tin chắc vào những lời đó. Vì nó mà thế gian ghét tôi, mà tôi bị coi thường bởi những người có quyền thế, mà tôi bị khai trừ, cười nhạo, và cho ra lề, vì nó tôi có thể khám phá ra rằng tôi là phần tử của một cộng đồng thế giới đang bị ngăn cấm, rào cản, và nhốt riêng trong những trại biệt lập.

Tôi đói khát chân lý, đói khát sự liên hệ với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã sống. Nhưng mỗi khi cơn đói ấy được thỏa mãn, thì tôi lại bị kết án và được trao cho một thập giá nặng nề để vác. Ðó là câu chuyện của Thánh Phêrô và Thánh Gioan, Thánh Phaolô và Thánh Barnaba, Thánh Giacôbê và Thánh Anđrê, và nhất là của Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Sự vui mừng và đau khổ của các ngài trở nên một vì các ngài chọn sống trong chân lý giữa thế gian. Ðiều đó không thể xảy ra nếu không được trao cho một thập giá để vác, nhưng cũng được hưởng một niềm vui khôn tả là ngay bây giờ được thông phần vào đời sống thần linh vượt trên mọi hàng rào ngăn cản hay tròng treo cổ.

Có sự sợ hãi hiện ra trong mắt những ai bị kết án… nhưng thường cũng có sự vững tin, phó thác, hy vọng, và một sự hiểu biết thâm sâu về tự do. Ðôi mắt của người bị kết án và của tôi là những đôi mắt thấy những gì thế gian không thể thấy: dung nhan của Thiên Chúa chịu đau khổ, là Ðấng mời gọi chúng ta từ xa, xa quá tầm của sợ hãi vào đất của tình yêu vĩnh cửu.

Lm. Henri J.M. Nouwen