Vùng biển Long Hải
Vào một ngày đầu tháng 3, để tạm tránh cái nóng ngột ngạt ở Sài Gòn, chúng tôi lên xe đi về hướng biển Long Hải, mong có một ngày thư giãn với gió, với màu xanh của biển và thăm một giáo xứ của giáo phận Bà Rịa, một nhà thờ ở vùng ven biển rất đúng nghĩa.
Đường ra biển rộng và đẹp, ít bóng cây. Đến ngã ba Láng Cát, tôi nhìn thấy con đường dẫn vào đảo Long Sơn, một đảo nhỏ có nhiều diêm dân mà cuộc sống gắn liền với những hạt muối, nơi đây có nhiều điều để viết mà nhiều lần tôi muốn ghé thăm nhưng chưa thể dừng chân được.
Bãi biển hôm nay quá đông người. Những cái dù, bạt, hàng quán, gánh hàng rong…trên một bãi cát rộng tạo thành một khung cảnh đặc thù khó tả. Thì ra, hai hôm nay là ngày hội tại Dinh Cô nên số người đến đây nhiều hơn ngày thường.
Dinh Cô là một ngôi chùa bình thường như bao ngôi chùa khác nhưng gắn liền với một câu chuyện kể về một cô gái trẻ, theo gia đình buôn bán dọc xuôi miền biển trên một chiếc ghe. Một ngày nọ, sóng đánh bể ghe, cô gái chết đuối, trôi dạt vào bờ biển này, được người ta chôn cất tử tế theo truyền thống nhân ái bao đời nay của người sống ven biển Việt Nam. Sau đó có người xây một ngôi chùa và dựng tượng của cô để trong chùa; từ đó nơi này gọi là Dinh Cô.
Giáo xứ Long Hải
Cách ngôi chùa không xa có một nhà thờ. Nhà thờ nằm trên trục lộ du lịch của thị trấn Long Hải, có địa danh là ấp Hải Điền, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa. Đây là nhà thờ duy nhất nằm trong thị trấn, ở giữa vùng chùa, miếu, đền, đài; được thành lập từ năm 1956.
Hiện nay, giáo dân đang tham dự thánh lễ trong một nhà thờ tạm dài và trống hốc. Năm 2006, cơn bão Durian đã đánh xập nhà thờ cũ; cũng may, cơn bão ập đến lúc 3 giờ 45 sáng, nhiều người chưa kịp rời nhà ra phố chợ để làm ăn buôn bán, nên chỉ có 5 giáo dân chết và 54 người bị thương nặng nhẹ.
Cha quản nhiệm Giuse Phạm Ngọc Tuyến đón chúng tôi khi trời nắng chang chang, cái nóng của cát hắt lên mặt. Người cha cao to, vóc khá đẹp khi mặc áo chùng trắng, nhìn sau lưng dáng cha rất giống Chúa Giêsu. Mà chẳng cần cao to, quí cha nào thấp bé, gầy đen thì cũng vẫn giống Chúa, vì hằng ngày, trên bàn thờ quí cha là hiện thân của Chúa Giêsu đó thôi!
Cha có ý tiếc vì ngày hai ngày hôm sau, ngày 10/3/2009, sẽ có Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm về đây dâng thánh lễ làm phép viên đá đầu tiên. Tôi mân mê tấm thiệp trên tay và thích nhất dòng chữ: “ Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động, mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng” (1Pr 2,5), nhưng biết làm sao khi thời giờ của tôi eo hẹp. Cha còn cho biết: “Giáo xứ dự trù xây cất nhà thờ là 7 tỉ đồng nhưng tôi có học bên kỹ thuật nên sẽ tự thiết kế và thực hiện thi công; có cả công sức của anh chị em giáo dân nên sẽ gói gọn khoảng trên 4 tỉ đồng Việt Nam (khoảng 250.000 Usd)”. Tôi ra vẻ am tường: “Cha xây lúc này rất tốt vì giá vật liệu xây dựng đang rẻ”. Bình thường khi nghe quí cha làm nhà thờ nào mà số tiền trên 10 tỷ là lòng tôi bị dị ứng ngay, nhưng cách suy nghĩ thực tế và làm việc của cha quản nhiệm này làm tôi rất thích. Nghĩ cũng hay hay, một linh mục, nếu học biết hay có thêm một ngành nghề gì đó, gặp lúc cần, cũng có cơ hội làm lợi cho nhà Chúa nhiều đấy chứ!
Khi tôi đang viết bài này thì một ông trùm điện thoại cho biết, lễ làm phép viên đá đầu tiên rất thành công. Giáo dân đóng góp nhiều viên đá khiến Đức cha phải ngạc nhiên, nhưng qua hình thức “chọn đá trả góp”. Nghĩa là gia đình một giáo dân chọn viên đá năm triệu đồng hay bảy triệu đồng gì đó, trong thời gian xây nhà thờ, gia đình đó mang tiền đến đóng từ từ, miễn là đủ số tiền mình đã chọn. Một cách làm cũng hay, tiện lợi cho sự tự nguyện của giáo dân.
Người nghèo vùng biển
Đến thăm một giáo xứ nào mà không được gặp gỡ người nghèo ở vùng đó, đối với tôi là một thiếu xót. Ba ông trùm xứ đạo dẫn chúng tôi đi thăm giáo khu Phaolô, nơi có 360 hộ với 1.800 giáo dân. Những căn nhà ở đây quây thành một khu, lại những căn nhà vá chằng vá đụp; mà ở vùng biển này những căn nhà mỏng manh như thế khó mà “bình yên” với gió và cát.
Bước vào căn nhà của người đàn ông bị cùi, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhà không có lấy một cái giường, dồ đạc thì lèo tèo cũ kỹ, ông bị phát bệnh cùi từ năm 1977, đến nay ông đã 63 tuổi đời. ông ngồi trên cái chiếu, góc ở của ông toát ra một mùi hôi khó tả. Hằng tháng, ông được giáo xứ cho 15 kg gạo và 100 ngàn đồng (gần 7 Usd). Bà vợ mới chết năm ngoái. Thằng con trai lớn của ông làm thợ hồ; còn đứa con gái đã nghỉ học; giáo xứ cấp vốn cho em bán vé số nhưng cứ bị hụt tiền trước sau nên bây giờ em đi lượm ve chai ven biển.
Đã bệnh mà còn sống trong túp nhà tồi tàn, thế mà ông vẫn vui khi nhận quà của chúng tôi. Tôi thấy quí mến ông vì ông can đảm hơn rất nhiều người, được sống đầy đủ trong nhung lụa nhưng mới bế tắc trong đời sống một chút thì đã vội tìm đến cái chết!
Đi dọc vào xóm ven biển, tôi thấy những chiếc ghe đậu gần đó và những cái thúng làm bằng tre, được trát bằng nhựa cây chai nấu chung với vải băm vụn, để nước không rỉ vào trong thúng. Những cái thuyền này hằng ngày đưa những cái thúng ra xa bờ để ngư dân câu mực; đến giờ hẹn thì thuyền lại đi vớt những cái thúng về. Mà sự thỏa thuận ăn chia rất hay; thí dụ mỗi thúng câu được 10 kg mực thì phải trả cho thuyền 2 kg mực câu được, chứ không trả bằng tiền mặt.
Tôi còn thăm vài gia đình đông con, họ đang đan lưới cá mà những ngôi nhà của họ cũng luộm thuộm như ở ven sông quận 8 Sài Gòn. Một cái lưới rộng độ 5 sải tay thì được trả 35.000VNĐ (2 Usd) mà đan cũng đến đau cả lưng.
Ông trùm xứ đạo dẫn đường cho chúng tôi hôm nay cũng là một cai cá. Tức là mỗi khi thuyền đánh cá về, ông phải cung cấp giỏ đựng cá, cân cá, phân chia, ghi số lượng, bỏ mối cá tươi cho vựa để vựa chở đi nhiều nơi khác bán. Là dân thành thị như chúng tôi nghe những chuyện về nghề cá và cuộc sống ở ven biển thì thật là thích.
Rời giáo xứ Long Hải khi trời tắt nắng để về Sài Gòn, tôi thấy mình như bỏ quên cái gì. À, có lẽ tôi chỉ bỏ quên làn gió mát của biển thổi xuyên qua hạt nắng chói chang ở sân nhà thờ đầy cát và thấy lòng nhen nhúm muốn trở lại nơi đây thăm những giáo dân nghèo trong những căn nhà vá chằng vá đụp ở giáo khu Phaolô đó.
Vào một ngày đầu tháng 3, để tạm tránh cái nóng ngột ngạt ở Sài Gòn, chúng tôi lên xe đi về hướng biển Long Hải, mong có một ngày thư giãn với gió, với màu xanh của biển và thăm một giáo xứ của giáo phận Bà Rịa, một nhà thờ ở vùng ven biển rất đúng nghĩa.
Đường ra biển rộng và đẹp, ít bóng cây. Đến ngã ba Láng Cát, tôi nhìn thấy con đường dẫn vào đảo Long Sơn, một đảo nhỏ có nhiều diêm dân mà cuộc sống gắn liền với những hạt muối, nơi đây có nhiều điều để viết mà nhiều lần tôi muốn ghé thăm nhưng chưa thể dừng chân được.
Bãi biển hôm nay quá đông người. Những cái dù, bạt, hàng quán, gánh hàng rong…trên một bãi cát rộng tạo thành một khung cảnh đặc thù khó tả. Thì ra, hai hôm nay là ngày hội tại Dinh Cô nên số người đến đây nhiều hơn ngày thường.
Dinh Cô là một ngôi chùa bình thường như bao ngôi chùa khác nhưng gắn liền với một câu chuyện kể về một cô gái trẻ, theo gia đình buôn bán dọc xuôi miền biển trên một chiếc ghe. Một ngày nọ, sóng đánh bể ghe, cô gái chết đuối, trôi dạt vào bờ biển này, được người ta chôn cất tử tế theo truyền thống nhân ái bao đời nay của người sống ven biển Việt Nam. Sau đó có người xây một ngôi chùa và dựng tượng của cô để trong chùa; từ đó nơi này gọi là Dinh Cô.
Giáo xứ Long Hải
Cách ngôi chùa không xa có một nhà thờ. Nhà thờ nằm trên trục lộ du lịch của thị trấn Long Hải, có địa danh là ấp Hải Điền, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa. Đây là nhà thờ duy nhất nằm trong thị trấn, ở giữa vùng chùa, miếu, đền, đài; được thành lập từ năm 1956.
Hiện nay, giáo dân đang tham dự thánh lễ trong một nhà thờ tạm dài và trống hốc. Năm 2006, cơn bão Durian đã đánh xập nhà thờ cũ; cũng may, cơn bão ập đến lúc 3 giờ 45 sáng, nhiều người chưa kịp rời nhà ra phố chợ để làm ăn buôn bán, nên chỉ có 5 giáo dân chết và 54 người bị thương nặng nhẹ.
Cha quản nhiệm Giuse Phạm Ngọc Tuyến đón chúng tôi khi trời nắng chang chang, cái nóng của cát hắt lên mặt. Người cha cao to, vóc khá đẹp khi mặc áo chùng trắng, nhìn sau lưng dáng cha rất giống Chúa Giêsu. Mà chẳng cần cao to, quí cha nào thấp bé, gầy đen thì cũng vẫn giống Chúa, vì hằng ngày, trên bàn thờ quí cha là hiện thân của Chúa Giêsu đó thôi!
Cha có ý tiếc vì ngày hai ngày hôm sau, ngày 10/3/2009, sẽ có Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm về đây dâng thánh lễ làm phép viên đá đầu tiên. Tôi mân mê tấm thiệp trên tay và thích nhất dòng chữ: “ Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động, mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng” (1Pr 2,5), nhưng biết làm sao khi thời giờ của tôi eo hẹp. Cha còn cho biết: “Giáo xứ dự trù xây cất nhà thờ là 7 tỉ đồng nhưng tôi có học bên kỹ thuật nên sẽ tự thiết kế và thực hiện thi công; có cả công sức của anh chị em giáo dân nên sẽ gói gọn khoảng trên 4 tỉ đồng Việt Nam (khoảng 250.000 Usd)”. Tôi ra vẻ am tường: “Cha xây lúc này rất tốt vì giá vật liệu xây dựng đang rẻ”. Bình thường khi nghe quí cha làm nhà thờ nào mà số tiền trên 10 tỷ là lòng tôi bị dị ứng ngay, nhưng cách suy nghĩ thực tế và làm việc của cha quản nhiệm này làm tôi rất thích. Nghĩ cũng hay hay, một linh mục, nếu học biết hay có thêm một ngành nghề gì đó, gặp lúc cần, cũng có cơ hội làm lợi cho nhà Chúa nhiều đấy chứ!
Khi tôi đang viết bài này thì một ông trùm điện thoại cho biết, lễ làm phép viên đá đầu tiên rất thành công. Giáo dân đóng góp nhiều viên đá khiến Đức cha phải ngạc nhiên, nhưng qua hình thức “chọn đá trả góp”. Nghĩa là gia đình một giáo dân chọn viên đá năm triệu đồng hay bảy triệu đồng gì đó, trong thời gian xây nhà thờ, gia đình đó mang tiền đến đóng từ từ, miễn là đủ số tiền mình đã chọn. Một cách làm cũng hay, tiện lợi cho sự tự nguyện của giáo dân.
Người nghèo vùng biển
Đến thăm một giáo xứ nào mà không được gặp gỡ người nghèo ở vùng đó, đối với tôi là một thiếu xót. Ba ông trùm xứ đạo dẫn chúng tôi đi thăm giáo khu Phaolô, nơi có 360 hộ với 1.800 giáo dân. Những căn nhà ở đây quây thành một khu, lại những căn nhà vá chằng vá đụp; mà ở vùng biển này những căn nhà mỏng manh như thế khó mà “bình yên” với gió và cát.
Bước vào căn nhà của người đàn ông bị cùi, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhà không có lấy một cái giường, dồ đạc thì lèo tèo cũ kỹ, ông bị phát bệnh cùi từ năm 1977, đến nay ông đã 63 tuổi đời. ông ngồi trên cái chiếu, góc ở của ông toát ra một mùi hôi khó tả. Hằng tháng, ông được giáo xứ cho 15 kg gạo và 100 ngàn đồng (gần 7 Usd). Bà vợ mới chết năm ngoái. Thằng con trai lớn của ông làm thợ hồ; còn đứa con gái đã nghỉ học; giáo xứ cấp vốn cho em bán vé số nhưng cứ bị hụt tiền trước sau nên bây giờ em đi lượm ve chai ven biển.
Đã bệnh mà còn sống trong túp nhà tồi tàn, thế mà ông vẫn vui khi nhận quà của chúng tôi. Tôi thấy quí mến ông vì ông can đảm hơn rất nhiều người, được sống đầy đủ trong nhung lụa nhưng mới bế tắc trong đời sống một chút thì đã vội tìm đến cái chết!
Đi dọc vào xóm ven biển, tôi thấy những chiếc ghe đậu gần đó và những cái thúng làm bằng tre, được trát bằng nhựa cây chai nấu chung với vải băm vụn, để nước không rỉ vào trong thúng. Những cái thuyền này hằng ngày đưa những cái thúng ra xa bờ để ngư dân câu mực; đến giờ hẹn thì thuyền lại đi vớt những cái thúng về. Mà sự thỏa thuận ăn chia rất hay; thí dụ mỗi thúng câu được 10 kg mực thì phải trả cho thuyền 2 kg mực câu được, chứ không trả bằng tiền mặt.
Tôi còn thăm vài gia đình đông con, họ đang đan lưới cá mà những ngôi nhà của họ cũng luộm thuộm như ở ven sông quận 8 Sài Gòn. Một cái lưới rộng độ 5 sải tay thì được trả 35.000VNĐ (2 Usd) mà đan cũng đến đau cả lưng.
Ông trùm xứ đạo dẫn đường cho chúng tôi hôm nay cũng là một cai cá. Tức là mỗi khi thuyền đánh cá về, ông phải cung cấp giỏ đựng cá, cân cá, phân chia, ghi số lượng, bỏ mối cá tươi cho vựa để vựa chở đi nhiều nơi khác bán. Là dân thành thị như chúng tôi nghe những chuyện về nghề cá và cuộc sống ở ven biển thì thật là thích.
Rời giáo xứ Long Hải khi trời tắt nắng để về Sài Gòn, tôi thấy mình như bỏ quên cái gì. À, có lẽ tôi chỉ bỏ quên làn gió mát của biển thổi xuyên qua hạt nắng chói chang ở sân nhà thờ đầy cát và thấy lòng nhen nhúm muốn trở lại nơi đây thăm những giáo dân nghèo trong những căn nhà vá chằng vá đụp ở giáo khu Phaolô đó.