Khi tranh cử để vào tòa Bạch ốc, John F. Kennedy đã trấn an những người Mỹ có đầu óc hoài nghi rằng ông không phải là “một ứng cử viên Công giáo tranh chức tổng thống Hoa kỳ” nhưng là “một ứng cử viên tổng thống theo đạo Công giáo.” Năm 1961, khi ông nhậm chức, số nghị viên Công giáo trong quốc hội Mỹ là 18.8%.
Tổng thống Kennedy và gia đình (1963)


Theo một bản phân tích mới đây đăng trong Quý san Quốc hội và Diễn đàn Pew về Tôn giáo và Đời sống Công thì ngày thứ Ba sắp tới, khi quốc hội khóa 111 tuyên thệ, số nghị viên Công giáo chiếm tới 30% quốc hội. Sự thay đổi này phản ảnh vẻ đa dạng về tôn giáo cả trong toàn quốc lẫn nơi quốc hội.

Phát biểu của Ông David Masci, nhà nghiên cứu thâm niên của Diễn đàn Pew và là đồng tác giả bản tường trình: “Chúng tôi nhận thấy đã có sự chấp nhận rộng rãi hơn các nhóm tôn giáo mà trong quá khứ đã bị thương tổn vì một số thành kiến.”

Theo bản tường trình nói trên, những người Công giáo Mỹ chỉ chiếm dưới 24% tổng số dân, nay đã có nhiều ghế tại quốc hội hơn các tôn giáo khác kể từ năm 1961. Người theo đạo Do thái và Mormons, mỗi đạo chiếm khoảng 1.7% dân số, nay chiếm 8.4% và 2.6% số nghị viên.

Khi Kennedy đắc cử, người theo Tin Lành chiếm gần hết quốc hội: 74%. Ngày nay tuy con số đã giảm, họ vẫn còn chiếm đa số tới 54.7%, hơn chút ít so với thành phần của họ trong tổng số dân là 51.3%.

Kể từ quốc hội khoá 87 năm 1961, nhiều giáo phái Tin lành đã giảm sút thành viên dân biểu:

Methodists: 18.2% (năm 1961); 10.7% (nay)

Presbyterians: 13.7% (năm 1961); 8.1% (nay)

Episcopalians: 12.4% (năm 1961); 7.1% (nay)

Nhưng so với tỷ lệ dân số, ba hệ phái Tin lành nói trên vẫn có quá nhiều đại diện tại Quốc hội.

Tuy nhiên, các hệ phái Tin lành khác lại không được đại diện đầy đủ tương xứng:

Baptists: 17.2% (tỷ lệ dân số); 12.4% (tỷ lệ quốc hội)

Pentecosts: 4.4% (tỷ lệ dân số); 0.4% (tỷ lệ quốc hội)

Phật giáo và Hồi giáo cũng có kém hơn một chút tỷ lệ đại diện tại quốc hội: Mỗi tôn giáo có hai nghị viên lần đầu tiên được bầu vào quốc hội khóa 110 và sẽ trở lại vào nhiệm kỳ tới.

Tuy thành phần người theo các tôn giáo trong quốc hội mới thường phản ảnh thành phần dân chúng trong cả nước, nhưng theo tường trình thì các nghị viên quốc hội có số tỷ lệ lớn hơn so với toàn bộ dân chúng có theo tôn giáo.

Chỉ có 5 nghị viên quốc hội khóa tới – tức là chừng 1% -- từ chối không tiết lộ về tôn giáo mình theo khi được thăm dò. Nhưng vì cách thức câu hỏi được đặt ra trong khi thăm dò, ta không thể biết rõ những vị đó là người vô thần, người theo thuyết bất khả tri, hoặc đơn giản là không muốn trả lời câu hỏi về tôn giáo mình theo mà thôi.

Masci nói rằng ông hy vọng trong tương lai các cuộc nghiên cứu sẽ được cải thiện. Chẳng hạn, ông muốn có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa nhiều thành phần khác nhau của Thiên Chúa giáo.

Nói chung, các cuộc nghiên cứu trong bao nhiêu năm trước không ngừng chứng tỏ rằng người Mỹ là một dân tộc có đức tin. Diễn đàn Pew tường trình vào mùa hè vừa qua cho thấy có tới 92% người Mỹ nói họ tin vào Thiên Chúa hoặc một vị thần linh phổ quát. Ông Masci nói rằng sự kiện hầu hết người Mỹ muốn bầu cho các chính trị gia có đức tin là một điều không làm ta ngạc nhiên chút nào.

“Tôi thiết tưởng chắc là có sự khích lệ một chính trị gia nên theo tôn giáo nào đó. Người Mỹ “muốn có người trong chính quyền, ít nhất ở một mức độ nào, phản ảnh niềm tin của mình.”

Tuy vậy, theo một tôn giáo không phải lúc nào cũng tương quan với niềm tin vào tôn giáo nào đó; đó là phát biểu của Woody Kaplan, chủ tịch ban cố vấn của Liên minh Thế tục Mỹ.

Lấy trường hợp của dân biểu Pete Stark, thuộc đảng Dân chủ đại diện thành phố Fremont ở vùng bắc California, tự cho là mình theo đạo Unitarian, nhưng thú nhận năm 2007 rằng mình không tin vào một đấng tối cao nào, khiến ông trở thành người đầu tiên trong quốc hội đã công khai tuyên bố như thế. Các nhóm vô thần nói Stark là viên chức dân cử cao cấp nhất đã thú nhận mình không tin ở Thiên Chúa.

Stark nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng trong tuần lễ tiếp theo sau lời tuyên bố nói trên, ông đã nhận được hơn 5000 điện thư từ khắp nơi trên thế giới, hầu hết đều khen ngợi lòng can đảm của ông.

Phản ứng đó làm Stark rất ngạc nhiên. Ông nói là ông chỉ điền vào mẫu thăm dò do Liên minh Thế tục gửi đến.

Stark năm nay 77 tuổi cho biết cùng lắm là ông theo thuyết “bất khả tri” lúc tốt nghiệp đại học năm 1953, nhưng niềm tin tôn giáo ít có vai trò nào trong cuộc vận động tranh cử vào Hạ viện năm 1972. Quận hạt 13 của ông bao gồm các thành thị vùng Vịnh, như Alameda, Union City và Hayward.

Ông nói: “Trong quận hạt tôi đại diện, vấn đề đó không đặt ra, không ai hỏi tôi cả. Họ chẳng chú ý nhiều đến những chuyện tôi làm vào các ngày Chủa nhật.”

Thế rồi đến mùa thu năm 2006, Liên minh Thế tục bắt đầu cuộc tìm kiếm cho ra một viên chức vô thần cao cấp nhất ở Mỹ. Liên minh này đặt giải thưởng 1000 mỹ kim cho ai chỉ ra người đó.

Người ta nêu tên 60 nghị viên quốc hội. Liên minh gửi đến họ các bản thăm dò, và Kaplan nói rằng khi ông phỏng vấn các nhà lập pháp, có 22 người xác nhận họ không tin vào một thần minh nào. Sợ bị tiết lộ ra ngoài, cả nhóm này, trừ Stark ra, yêu cầu tổ chức phải giữ im lặng không được tiết lộ danh tánh họ.

Kaplan nói rằng: “Quan niệm là không tin ở thần minh thì có hại cho sự nghiệp chính trị.”

Quả vậy, cuộc thăm dò của USA Today/Gallup đầu năm 2007 cho biết vô thần là một trở ngại lớn lao cho một ứng cử viên tổng thống:

45% người trả lời cuộc thăm dò cho biết họ có thể bầu cho người không tín ngưỡng, so với 55% có thể bầu cho người gay, 88% có thể bầu cho phụ nữ và 95% có thể bầu cho một người Công giáo.

Masci nói: Đối với nhiều người Mỹ, “có một tư tưởng về luân lý liên hệ với với niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào tôn giáo. Chủ nghĩa vô thần thì khác, đó là một tách rời thực sự khỏi mẫu số chung đức tin mà ít ra nhiều người chấp nhận được.”

Nhưng cũng theo lời Kaplan, nếu có nhiều người vô thần, người theo chủ nghĩa nhân văn, người tự do tư duy và người vô tín ngưỡng xuất hiện, thì cái “vết nhơ - rõ rệt ở đó - sẽ tan biến đi.”

Bằng chứng ở đâu? Kaplan chỉ vào Stark. Tháng 1 năm rồi, ông đắc cử nhiệm kỳ thứ 19 với số phiếu 76.5%.

Nguồn: Joanna Lin/Los Angeles Times