BẦU CỬ TỔNG THỐNG HOA KỲ 2008

Ngày 07.11.2000 và trong vài tuần kế tiếp, nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy kết quả cuộc tuyển cử toàn quốc Hoa kỳ ngày hôm đó cho thấy ứng cử viên Tổng thống George W. Bush thu 50.459.211 phiếu và được ‘kể như’ đắc cử trước ứng cử viên Albert A. Gore được 51.003.894 phiếu. Tại sao có sự kiện này?

I. TUYỂN CỬ TOÀN QUỐC HAY BẦU CỬ TẠI CÁC TIỂU BANG.

Các thể thức bầu cử Tổng thống được qui định nơi Điều II, Phần I, Đoạn III Hiến pháp Hoa Kỳ ngày 17.09.1787. Thêm vào đó, Tu chính án 12 Hiến pháp ấn định: mỗi đại cử tri phải bầu riêng cho Tổng thống và Phó Tổng thống. Công cuộc điều hành tổ chức bầu cử Tổng thống do Cơ quan Quản trị Kỷ lục và Văn khố Quốc gia (National Archives and Records Administration) phối hợp đảm nhiệm với Cục Văn thư của các Liên bang (Office of the Federal Register).

1.- Đại cử tri đoàn Hoa Kỳ (United States Electoral College)

Đại cử tri đoàn Hoa Kỳ gồm 538 đại cử tri cứ bốn năm một lần họp lại để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ, đã được bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào ‘ngày bầu cử’. Các đại cử tri họp tại các tòa nhà quốc hội tiểu bang của mình (hay tại Quận Columbia) vào ngày thứ hai đầu tiên sau ngày thư tư lần thứ hai trong tháng 12. Tại 51 cuộc họp (50 tiểu bang và Quận Columbia) riêng biệt, các đại cử tri cùng bỏ phiếu để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. Do đó, có sự tổng hợp kết quả bầu cử của 51 nhóm, nên mới có định nghĩa kỹ thuật là đại cử tri đoàn, dù 51 nhóm này thực sự không tập hợp chung về một nơi để bầu cử. Hệ thống đại cử tri đoàn, giống như một đại hội toàn quốc, là một nhân tố gián tiếp trong tiến trình bầu lên Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

Số 538 đại cử tri là tổng số tương đương số Thượng nghị sĩ (100, mỗi tiểu bang có 2 vị), 435 Dân biểu và 3 đại cử tri của Quận Columbia (Thủ đô Washington).

2.- Tiến trình tuyển cử.

Hiến pháp ngày 17.09.1787 và các tu chính án không quy định cách thức để từng tiểu bang chọn đại cử đoàn cho thấy chính quyền tiểu bang có nhiệm vụ tổ chức bầu cử và các chính quyền địa phương tổ chức cuộc bầu cử và đảm bảo kết quả trung thực và ngăn chận gian lận trong việc kiểm phiếu.

a. Ngày bầu cử (Election Day).

Tuyển cử được tổ chức mỗi bốn năm một lần vào ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên trong tháng 11 những năm chia chẳn cho 4, kể từ năm 1748. Do đó, ngày bầu cử năm nay được ấn định là ngày 04.11.2008.

Trong ngày này, cử tri Hoa kỳ tuyển chọn liên danh ứng cử Tổng thống và Phó Tổng thống cho nhiệm kỳ bắt đầu từ 12 giờ ngày 20 tháng giêng năm sau, qua các đại cử tri đại diện cho nhiều ứng viên tổng thống khác nhau. Tuy nhiên, lá phiếu tiểu bang được thiết lập để các cử tri phổ thông có cảm tưởng mình đang thật sự bầu trực tiếp cho ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống. Nhiều tiểu bang dùng lá phiếu vắn tắc chỉ ghi tên một đảng (Dân chủ hoặc Cộng hòa, xanh …) thì được xem là một lá phiếu cho toàn thể nhóm đại cử tri thuộc đảng đó. Tại mỗi tiểu bang, một đảng nào thu được nhiều phiếu nhất sẽ chiếm hết toàn bộ số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó. Hai tiểu bang Maine và Nebraska chọn đại cử tri theo tỉ lệ so với số phiếu bầu.

b. Ngày họp bầu của đại cử tri đoàn tiểu bang.

Số đại cử tri của mỗi tiểu bang rất khác nhau vì, tuy mỗi tiểu bang đều có như nhau 2 Thượng nghị sĩ, nhưng số dân biểu rất khác nhau được tính theo dân số. California (55), Texas (34), New York (31), Florida (27), …, Alaska (3), North Dakota (3), Vermont (3), Wyoming (3) và District of Columbia (3).

Các đại cử tri từng tiểu bang (và Quận Columbia) họp lại 41 ngày sau Ngày bầu cử để sử dụng lá phiếu đại cử tri (tức ngày 15.12.2008). Lá phiếu đầu tiên của đại cử tri dùng để bầu chọn Tổng thống Hoa Kỳ, và lá phiếu thứ nhì cho Phó Tổng thống. Rất ít trường hợp một đại cử tri không bỏ phiếu cho liên danh tranh cử thuộc đảng mình đã hứa bầu. Đây là những ‘đại cử tri không trung thành’. Mỗi đại cử tri ký tên vào một tài liệu có tên là Chứng nhận đầu phiếu mà có nêu rỏ thuộc đại cử tri tiểu bang nào (hay Quận Columbia). Một bản chứng nhận gốc được gởi đến Văn phòng của Phó Tổng thống theo thư bảo đảm.

c. Quốc hội Hoa Kỳ tuyên bố kết quả tuyển cử.

Khoảng một tháng sau khi Ngày bầu cử phổ thông (kỳ tuyển cử năm nay rơi vào ngày 06.01.2009), lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ nhóm họp để tuyên bố những người đắc cử, dưới sự chủ tọa của Phó Tổng thống đương nhiệm (Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng nghị viện). Nếu một ứng cử viên Tổng thống nhận được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, vị chủ tọa tuyên bố ứng cử viên đó là Tổng thống đắc cử, và một ứng cử viên Phó Tổng thống nhận 270 hay nhiều hơn số phiếu đại cử tri được tuyên bố là Phó Tổng thống.

Đa số tuyệt đối tổng số 538 đại cử tri là 270 phiếu bầu để được tuyên bố thắng cử Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ.

• Nếu không ứng cử viên Tổng Thống nào đạt được 270 phiếu đại cử tri, Viện Dân biểu sẽ phải quyết định người thắng cử trong số ba người giành nhiều phiếu bầu nhất của đại cử tri.

• Nếu không ứng cử viên Phó Tổng thống nào giành được đa số phiếu của đại cử tri, Thượng nghị viện sẽ phải quyết định ứng cử viên thắng trong số hai người giành nhiều phiếu nhất của đại cử tri.

Tiến trình bầu cử phức tạp này đã bị chỉ trích nhiều lần. Dù nhiều người đã đề nghị những phương cách khác thay thế, nhưng các vị dân cử Lập pháp hay Hành pháp chưa đưa đề nghị tu chính nào, theo yêu cầu của cử tri.

II. LƯỠNG ĐẢNG HAY ĐA ĐẢNG.

Cơ chế bầu cử như trên không khuyến khích sự phát triển đa đảng vì các đảng thứ ba không thể có đại cử tri tại các tiểu bang không bầu theo tỷ lệ.

Trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1992, ông Ross Perot, ứng cử viên của một đảng thứ ba, nhận được 20 triệu phiếu, nhưng không có được một phiếu đại cử tri nào.

Hiện nay, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thay nhau điều khiển toàn bộ các định chế chính trị. Khoảng 60% người Mỹ tự coi mình là đảng viên hay người có khuynh hướng trung thành ủng hộ của đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Trong 5 cuộc bầu cử Tổng thống trong giai đoạn 1980 - 1996, 75% cử tri độc lập, cảm tình với đảng Cộng hòa hay Dân chủ đã bầu cho những ứng cử viên Tổng thống của đảng mà họ ủng hộ. Năm 2000, 79% những người có khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu cho George W. Bush, trong khi 72% số người có khuynh hướng ủng hộ đãng Dân chủ bỏ phiếu cho Albert A. Gore.

Tất cả các Tổng thống từ năm 1852 đều là người của Đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, và trong kỷ nguyên sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, số phiếu phổ thông bầu cho ứng cử viên Tổng thống của hai đảng chính cộng lại trung bình là 94,8%. Sau các cuộc bầu cử Quốc hội và địa phương năm 2006, trong số 100 thành viên của Thượng nghị viện chỉ có một Thượng nghị sĩ là người độc lập, và hai trong số 435 Dân biểu là những người độc lập. Tại các liên bang, tất cả 50 thống đốc đều là người của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, và chỉ có 21 trong hơn 7.300 (0,003%) Dân biểu và Thượng nghị sĩ liên bang là những người độc lập.

Ngoài hai đảng lớn là Dân chủ và Cộng hòa, Hoa kỳ cũng có những đảng nhỏ, thường được gọi chung là các đảng thứ ba, như đảng Xanh, đảng Tự do và đảng Xã hội, … chưa bao giờ chiếm được ghế tại Tòa Bạch Ốc.

Thêm vào việc khó đắc cử, các ứng cử viên của các đảng này còn bị cho là những người gây rối. Như trường hợp ông Ralph Nader (đảng Xanh) trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000. Trong khi mọi người hồi hộp chờ đợi kết quả ở tiểu bang Florida. Khi đó, ứng cử viên Bush (Cộng hòa) chỉ hơn ứng cử viên Gore (Dân chủ) 537 phiếu cử tri. Do đó, ông Bush đã nhận trọn số phiếu đại cử tri tiểu bang Florida, giúp ông đắc cử. Tại tiểu bang đó, ứng cử viên Nader nhận được 97.000 phiếu. Sự kiện này đã gây tranh luận về vai trò của đảng thứ ba: nếu không có ông Nader tranh cử, thì kết quả toàn Hoa kỳ có thể bị thay đổi.

III. CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA CUỘC TUYỂN CỬ NĂM 2008.

1. Kể từ cuộc bầu cử năm 1928 đến nay, mới có một cuộc bầu cử mà cả Tổng thống lẫn Phó Tổng thống đương nhiệm không tham gia tranh cử làm ứng cử viên của đảng mình và cũng là lần đầu tiên từ cuộc bầu cử năm 1952 cả hai đều không phải là ứng cử viên trong cuộc tổng tuyển cử.

Tổng thống George W. Bush đang hoàn tất nhiệm kỳ hai, và không thể ứng cử vì giới hạn bởi tu chính Hiến pháp thứ 22, đã được các tiểu bang phê chuẩn trước năm 1951. Các tác giả tu chính này đã nhận định: một Tổng Thống, dù được dân chúng ủng hộ hay tài năng đến đến mức nào đi nữa cũng

chỉ được giữ chức vụ này trong hai nhiệm kỳ, tức 8 năm mà thôi và nên nhường chỗ cho một người khác. Tổng thống đầu tiên G. Washington muốn tránh tình trạng sùng bái cá nhân và có khả năng chuyển tiếp sang chế độ quân chủ. Nhưng các Tổng thống có thể phục vụ quá hai nhiệm kỳ nếu vị Tổng thống tiền nhiệm qua đời, từ chức hay vô năng lực, và Phó Tổng thống thay thế cho hết nhiệm kỳ đó.

Dù vậy, Hoa kỳ đã có một vị duy nhất nắm quyền hơn 2 nhiệm kỳ là Tổng Thống Franklin D. Roosevelt (Dân Chủ). Khi mãn nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1940, thế chiến II đang diễn ra ác liệt tại Âu và Á châu, ông ra tranh cử và đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, và rồi kế tiếp thêm một nhiệm kỳ thứ tư. Lý do có thể trong thời chiến, cử tri có khunh hướng bầu lại vị lãnh đạo đương quyền, như thường thấy ở những quốc gia khác.

2. Hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống cho đảng lớn đều là Thượng nghị sĩ tại chức: John McCain (Arizona) và Barack Obama (Illinois). Vì thế, người thắng cử sẽ chắc chắn là một Thượng nghị sĩ đương nhiệm, lần đầu tiên kể từ khi John F. Kennedy thắng cử vào năm 1960.

- Đảng Dân chủ chính thức chuẩn nhận Thượng nghị sĩ Barack Hussein Obama II (Arizona), sinh ngày 04.08.1961, tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc tại Denver, Colorado vào ngày 25-28.08.2008. Trước dó, ngày 22.08.2008, ông Obama đã chọn Thượng nghị sĩ Joseph Robinette «Joe» Biden Jr. (Delaware), sinh ngày 20.11.1942, làm ứng cử viên Phó Tổng thống.

- Đảng Cộng hòa tín nhiệm ông John Sidney McCain III, sinh ngày 29.08.1936, tại Đại hội Đảng Cộng hòa vào ngày 01-04.09.2008 tại Saint Paul, Minnesota. Ông là ứng cử viên lớn tuổi nhất trở thành Tổng thống nếu đắc cử (cố Tổng thống Ronald Reagan cao tuổi hơn ông khi nhậm chức lần thứ nhì, nhưng khi nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Reagan trẻ hơn ông). Ngày 29.08.2008, ông McCain đã mời bà Sarah Louise Heath Palin, sinh ngày 11.02.1964, Thống đốc tiểu bang Alaska, đứng cùng liên danh làm ứng cử viên Phó Tổng thống. Bà Palin là nữ ứng cử viên Phó Tổng thống Hoa kỳ thứ nhì từ một đảng lớn, sau bà Geraldine Ferraro (Dân chủ) năm 1984.

Các đảng thứ ba cũng giới thiệu những liên danh ứng cử như:

- Đảng Lập hiến (Constitution Party) giới thiệu Chuck Baldwin - Darrell Castle tại Đại hội Đảng toàn quốc tại Kansas, Missouri vào ngày 26.04.2008;

- Đảng Tự do (Libertarian Party) đề cử Bob Parr - Wayne Allyn Root vào ngày 25.05.2008 tại Denver;

- Đảng Xanh (Green Party) chọn liên danh Cynthia McKinney - Rosa Clemente vào ngày 12.07.2008 tại Chicago.

3. Từ thành phần liên danh Cộng hòa và Dân chủ, chúng ta sẽ có những sự kiện mới lần đầu nếu:

- liên danh Dân chủ thắng cử, Hoa kỳ sẽ có Tổng thống gốc Phi châu lần đầu tiên. Ông Barack Obama sẽ trở thành Tổng thống sau 238 năm kể từ khi có tu chính 15 xác nhận quyền bình đẳng giữa các sắc dân trong việc thực thi dân chủ, năm 1870;

- liên danh Cộng hòa thắng cử, Hoa kỳ sẽ có nữ Phó Tổng thống lần đầu tiên. Bà Sarah Palin sẽ trở thành Phó tổng thống sau 88 năm kể từ khi có tu chính 19 cho phép phụ nữ đi bầu.

IV. TRƯỜNG HỢP SỐ ĐẠI CỬ TRI BẰNG NHAU.

Cho tới giờ chúng tôi viết những dòng chữ này, các cuộc thăm dò dân ý vẫn cho thấy ứng cử viên Obama dẫn đầu cuộc tranh đua vào Nhà Trắng. Nhưng điều đó không có gì là chắc cả, và chúng ta có thể nghĩ đến trường hợp hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân Chủ chia đồng nhau tổng số 538 đại cử tri, tức 269, trong khi Hiến Pháp qui định cần phải có 270 đại cử tri để được tuyên bố thắng cử.

Thường xuyên nghe RFA (Đài phát thanh Á châu Tự do), ngày 26.10.2008, chúng tôi đã theo dõi cuộc phỏng vấn của Chị Thy Nga với Anh Nguyễn Khanh, người được đặt trách săn tin bầu cử năm nay. Chúng tôi xin phép được tóm lược như sau:

Ngày 26.10.2008, ứng cử viên Obama vẫn được dự đoán đang trên chân và với kết quả những cuộc thăm dò từ đầu tuần trước, các nhà phân tích chính trị và quan sát viên bầu cử tin Iowa, New Mexico và Wisconsin đang nghiêng về phía ông Obama, giúp số phiếu đại cử tri ông có lên đến 222 phiếu, ứng cử viên McCain có thể được thêm Florida, Missouri và North Carolina, nâng tổng số thành 227 phiếu. Số 89 phiếu còn lại của các tiểu bang Colorado, Michigan, Nevada, New Hampshire, Ohio, Pennsylvania và Virginia sẽ quyết định thắng bại cho cuộc bầu chọn năm nay.

Như chúng ta đã đọc thấy nơi đoạn số I.2.c ở trên, Hiến pháp Hoa Kỳ qui định Hạ Viện sẽ chọn Tổng thống và Thượng Viện chọn Phó Tổng thống. Như vậy, để trở thành tân Tổng thống, ông McCain hoặc ông Obama chỉ cần 26 phiếu của Hạ Viện, trong khi bà Sarah Palin hoặc ông Joe Biden cần 51 phiếu Thượng Viện để trở thành ông hoặc bà Phó.

Gần đây, ông Obama được tiên đoán sẽ thắng ở Michigan và Pennsylvania, chiếm tổng cộng 260 phiếu đại cử tri, còn thiếu đúng 10 phiếu để trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa kỳ. Giả sử ông McCain thắng ở những tiểu bang “bản lề” nặng ký gồm Colorado, Ohio và Virginia và ông Obama thành công thêm ở 2 tiểu bang “bản lề” nhỏ gồm Nevada và New Hampshire, hai ông mỗi người sẽ có đúng 269 phiếu, trong lúc phải có ít nhất 270 phiếu mới đắc cử Tổng thống.

Cách đây vài ngày, đài truyền hình NBC của Hoa Kỳ đưa tin nói cuộc đếm phiếu “giả định” cuối cùng cho thấy ông Obama đã được 264 phiếu đại cử tri, chỉ cần thắng một trong 6 tiểu bang còn lại sẽ đủ phiếu để chiến thắng. Nhưng đừng quên nếu ông McCain lật ngược tình thế, thắng 5 trong 6 tiểu bang được nói đến và “nhường” Nevada cho ông Obama, lúc đó hai ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa chỉ biết nhìn nhau cười, vì mỗi ông có đúng 269 phiếu đại cử tri!!!

Theo hiến pháp, ở Hạ Viện, mỗi tiểu bang chỉ có 1 phiếu, bất kể dân số bao nhiêu người, chẳng hạn như tiểu bang California dân số đông gấp 70 lần New Hampshire, nhưng lúc đó 2 tiểu bang sẽ ngang nhau vì mỗi nơi chỉ có 1 phiếu mà thôi, trong khi ở Thượng Viện tất cả 100 ông bà nghị sĩ đều được quyền bỏ thăm. Như vậy để trở thành tân Tổng thống, ông McCain hoặc ông Obama chỉ cần 26 phiếu của Hạ Viện, trong khi bà Sarah Palin hoặc ông Joe Biden cần 51 phiếu thượng viện để trở thành ông hoặc bà Phó Tổng thống.

Đây là điều từng dược áp dụng ở hai cuộc bầu chọn tổng thống hồi 1800 -ông Thomas Jefferson đắc cử - và 1824 - ông John Quincy Adams thành công -.

Chị Thy Nga hỏi về trường hợp của hai ông John McCain và Barrack Obama. Hiện giờ bên Dân Chủ chiếm đa số đại biểu Hạ Viện và số dân biểu Dân Chủ nắm đa số ở 27 tiểu bang, nên ông Obama sẽ có 27 phiếu, ông McCain chỉ được có 23 phiếu, điều đó có đúng không?

Anh Nguyễn Khanh trả lời là sai vì quyết định chọn tân Tổng thống thuộc về tân Quốc Hội, các vị dân cử sẽ nhóm phiên họp đầu tiên vào đầu năm 2009 và không bắt buộc họ phải bỏ phiếu trước ngày 20 Tháng Giêng, là ngày vị tân Tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Có thể lúc đó đảng Dân Chủ vẫn nắm đa số, nhưng cũng có thể cán cân “tiểu bang” bằng nhau hoặc có những tiểu bang các vị dân biểu bỏ qua quyền lợi của đảng, đồng ý chọn ông này thay vì ông kia. Kết quả: Biết đâu ông McCain được 25 phiếu, bằng số phiếu của ông Obama.

Khi đó, theo Hiến Pháp, trong trường hợp Hoa kỳ không có Tổng thống và Phó tổng thống, Chủ tịch Hạ Viện sẽ là người nắm quyền Tổng thống cho đến khi có nhà lãnh đạo mới.

Trong trường hợp Hạ Viện không chưa chọn được Tổng thống, cả nước Mỹ - và thế giới - sẽ trông chờ kết quả Thượng Viện. Lý do: Hiến pháp cũng qui định Phó Tổng thống đắc cử là người nắm quyền Tổng thống cho đến khi Hạ Viện tìm được cách giải quyết vấn đề. Nhưng, việc trông đợi ở Thượng Viện cũng không hẳn là giải pháp hay, vì biết đâu cuộc bỏ phiếu chọn “ông” hay “bà” Phó cũng gặp khó khăn: 50 phiếu cho ông Biden, 50 phiếu cho bà Palin.

Nếu cả hai viện Quốc Hội Liên Bang đều gặp bế tắc, ai sẽ là người nắm quyền điều khiển đất nước sau khi đương kim Tổng Thống George W. Bush và ông Phó Dick Cheney đều rời Nhà Trắng ngày 20.01.2009?

Theo Hiến Pháp, trong trường hợp Hoa kỳ không có Tổng thống và Phó Tổng thống, Chủ Tịch Hạ Viện sẽ là người nắm quyền Tổng thống cho đến khi có nhà lãnh đạo mới. Như vậy, sau cuộc bầu cử Tổng thống lần này, biết đâu nước Mỹ sẽ có bà Tổng thống đầu tiên. Có thể đó là bà Nancy Pelosi, với điều kiện đảng Dân Chủ vẫn nắm đa số ở Hạ Viện, để bà Pelosi tiếp tục làm Chủ tịch và chờ tuyên thệ làm... quyền... Tổng thống!!!

Ngày 04.11.2008, cử tri Hoa kỳ không chỉ bầu Tổng thống và Phó Tổng thống mà còn tham gia tuyển chọn 435 Dân biểu Hạ nghị viện và 35 Nghị sĩ Thượng nghị viện Liên bang.