CÁC CHÚ " YAO – PHU " VÀ PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Khi nói về phụng vụ Lời Chúa, tôi liên tưởng ngay đến các Giáo lý viên người dân tộc thiểu số mà ở đây người ta vẫn gọi là " Các Chú Yao – Phu ". Cuộc đời của các chú Yao – Phu là cuộc đời phục vụ không ngưng nghỉ; và đã có người khen tặng: "đời của các chú là đời Phụng vụ Lời Chúa". Lời khen đó không có gì là quá và tôi chỉ mơ ước cuộc đời Giáo lý viên của tôi và của tất cả các bạn tôi trở thành những Yao – Phu nhiệt thành trong Giáo hội.

Với một Giáo phận miền núi như Giáo phận Kon Tum, có nhiều làng dân tộc thiểu số toàn tòng, còn ở các vùng sâu, vùng xa, họ đạo luôn luôn thiếu bóng dáng Linh Mục thì các chú Yao – Phu có một vai trò hết sức cần thiết.

Trong một sáng Chúa Nhật, tại một làng gần sát biên giới Lào, bạn có thể dự " Lễ " Chúa Nhật bằng nghi thức Suy Tôn Lời Chúa và được Rước Lễ sốt sắng. Có đủ hai bài đọc, có hát Đáp ca, Alleluia, chú Yao – Phu đọc bài Tin Mừng và bài giảng đã được Cha Sở dọn sẵn.

Năm 2008 này là năm Thánh Giáo phận Kon Tum mừng 100 năm thành lập trường Yao – Phu Kuenot, tôi xin được trích vài hàng sơ lược về việc đào tạo các chú Yao – Phu để các chú đi về buôn làng của các chú với hành trang là "Lời Chúa". ( trích trang 22 - tập Sơ Lược Lịch Sử Truyền Giáo Giáo Phận Kon Tum, tài liệu đánh máy chữ của Linh Mục Antôn Ngô Đình Thận năm 1970)

Trước tiên là việc thiết lập trường Kuenot để đào tạo Yao – Phu, Thầy giảng người Thượng, để phụ giúp công cuộc truyền giáo, củng cố và duy trì đức tin các họ đạo. Một sang kiến độc đáo, một công trình vĩ đại, đồng thời cũng là một sự liều kĩnh táo bạo. Độc đáo vì không ai dám nghĩ đến, vĩ đại vì sẽ đem lại lợi ích khôn lường, liều lĩnh táo bạo vì không người nào tin vào sự thành công: bởi trẻ em Thượng quen tính tự do, không thể cầm mình chịu gò bó lâu trong khuôn khổ nhà trường nội trú có ngăn nắp, có luật lệ, mà không bỏ trốn về làng. Cha Jannin Phước đã khắc phục được mọi khó khăn trở ngại để thực hiện sánng kiến của mình.

Vào giữa năm 1908, một ngôi nhà to lớn, rộng rãi: 2 tầng lầu, làm toàn bằng gỗ (đời Đức Cha Kim mới xây lại bằng ximăng cốt sắt như ta thấy hiện nay) đã được dựng lên và sẵng sàng đón nhận các em Thượng nội trú tiên khởi. Lễ khánh thành được tổ chức thật long trọng, dưới sự chủ toạ của Đức Cha Damiano Mẫn từ Qui Nhơn lên, với sự hiện diện của tất cả các vị Thừa Sai và một số đông đảo Giáo dân Kinh, Thượng như chưa bao giờ từng thấy. Cha Jannin Phước được chỉ định làm Giám đốc.

Lớp học đầu tiên qui tụ 73 em, đặt dưới quyền điều khiển của Cha Alberty Hiền với 5 Giáo viên: Thầy Chrơng, Thầy Tam (tức ông Chánh Hoàng), Thầy Quyền, Thầy Vui và Thầy Ứng. Ban đầu chương trình học chỉ 2 năm, lần hồi kéo dài đến 6 năm gồm có chữ Bahnar, chữ Quốc ngữ, Giáo lý, Mục vụ và các môn thường thức, kể cả môn y tế nông thôn.

Năm 1934, trong cuộc Đại hội cấm phòng, 200 Yao – Phu từ khắp các bộ lạc trong miền truyền giáo đã qui tụ về ngôi trường cũ, trong đó có 23 người đã lên bậc Thầy, tức là đã trãi qua hơn 6 năm hoạt động Tông Đồ. Một thành công ngoài sức tưởng tượng. Xét qua công việc truyền giáo, ta thấy sự trợ lực của họ quan trọng biết dường nào: Giảng dạy Giáo lý, hướng dẫn Mục vụ, giúp đỡ người đau yếu, …. Họ là cột trụ của các họ đạo Thượng, sống tự túc, không chút lương bổng. Sau này, trong những trường hợp Giáo phận gặp phải những khó khăn do thời cuộc, các Linh Mục buộc phải xa lìa những địa sở xa xôi hẽo lánh, nhiều họ đạo phải di tản hoặc phân tán, ta càng thấy rõ vai trò của các Thầy, các chú Yao – Phu quan trọng đến mức nào.

Theo đà tổ chức giáo dục của Trung tâm Kuenot, các địa sở trong toàn miền truyền giáo lần lượt khai trương các lớp dạy đọc, viết, toán pháp và giáo lý. Thường bên cạnh nhà ở của Linh Mục địa sở thì có một vài lớp học qui tụ một số trẻ em lớn nhỏ, hang buổi vang lên những âm thanh lảnh lót, đọc kinh bổn, hoặc những giọng ê a dễ thương học vần. Các họ đạo có them sinh khí, sống động " Vạn sự khởi đầu nan" bước đi thứ nhất đã thực hiện.

Một nhà in được thành lập bên cạnh trường Kuenot, đáp ứng nhu cầu in ấn sách vở học tập cho trường Yao – Phu, các sách kinh bổn, Giáo lý bằng tiếng Bahnar, Sêđang, cho miền truyền giáo. Ngoài ra có 2 ấn phẩm quan trọng do Linh Mục Giám đốc chủ trương là tờ "Nguyệt san Hlabar Tơbang" mà các cựu và tân học sinh của Ngài là những độc giả đầu tiên, và 1 quyển sách dẫn giải Giáo lý tựa đề là " Hlabar Pơdơk" có giá trị cho đến ngày nay.

Hôm nay, số Yao – Phu trong Giáo phận là 1.210 người, số tín hữu dân tộc thiểu số là 169.580 người. Trung bình 1 chú Yao – Phu phai phục vụ 140 người. Con số này nói lên công việc của các chú Yao – Phu phải tích cực và thường xuyên. Như đã nói ở trên, năm 2008 là năm Thánh Giáo phận Kon Tum mừng 100 năm thành lập trường Yao – Phu Kuenot. Hiện nay, cơ sở chưa có để tiếp tục đào tạo các chú Yao – Phu kế thừa. Ngôi trường cũ từ sau năm 1975 đã bị Nhà Nước trưng dụng.